ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Tại sao lại gọi Hoa Kỳ là Chú Sam?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao lại gọi Hoa Kỳ là Chú Sam?

AN CHI: Chú Sam là dịch từ tiếng Anh Uncle Sam. Cụm từ này đã được Petit Larousse Illustré 1992 giảng là “hình thức nhân cách hóa mỉa mai của Hiệp chúng quốc (= Mỹ - AC) mà tên gọi được lấy từ các chữ U.S.Am (United States of America)”. Chữ U được diễn đạt thành Uncle = (chú) còn chữ S được ghép với Am mà đọc thành Sam.
Chúng tôi cho rằng trên đây là một cách giải thích khiên cưỡng. Người Mỹ chỉ viết tắt United States of America thành U.S.A. hoặc bỏ A. (= America) mà viết thành U.S. Nhưng “U.S.Am” thì lại là một hình thức dị thường. Liên quan đến hai chữ cái a và m, tiếng Anh chỉ có các dạng tắt quen thuộc sau đây:
- AM là amplitude modulation (điều biến biên độ)
- A.M. (do tiếng La Tinh Artium Magister) là Master of Arts (Cử nhân Văn Chương).
- A.M., cũng viết a.m, do tiếng La Tinh anti meridiem nghĩa là ngọ tiền 😊trước 12 giờ trưa);
- Am., trong ngữ học là American (tiếng Mỹ).
Chúng tôi chưa thấy trường hợp nào mà Am lại là dạng tắt của America (châu Mỹ).
Eric Partridge đã khẳng định trong Origins (Routledge & Kegan Paul, London, 1961) rằng Sam là dạng tắt của Samuel. Chúng tôi cho rằng đây là một điều khẳng định xác đáng. Partridge cho biết tiếp rằng Sam xuất hiện những lần đầu tiên trong hai cụm từ Sam Browne belt và Uncle Sam. Sam Browne belt (tức Samuel Browne belt) là thắt lưng (dây nịt) của Samuel Browne, rồi thắt lưng theo kiểu (thắt lưng) của Sam (uel) Browne. Ngày nay, người ta chỉ nói Sam Browne để chỉ thắt lưng và đai của sĩ quan. Còn Uncle Sam là cụm từ mà dân một địa phương ở Hoa Kỳ đã dùng để gọi một viên thanh tra thịt súc vật tên là Samuel Wilson, đương chức khoảng thập kỷ 1810. Ông này chuyên môn đóng con dấu có các chữ “U.S.-E.A” vào các súc thịt nguyên con (chưa sả). E.A. là Elbert Anderson, tên của người cung cấp thịt theo hợp đồng lúc bấy giờ. Còn U.S đương nhiên là United States (= Hoa Kỳ). Những rõ ràng U.S cũng còn là hai chữ đầu của Uncle Sam. Chính vì vậy mà dân chúng ở đó đã đồng nhất hóa U.S = United States với U.S. = Uncle Sam mà gọi đùa Hoa Kỳ là Chú Sam vì Uncle Sam, tức Samuel Wilson, nắm con dấu có hai chữ U.S, thì cũng được coi như “đại diện” ngon lành cho United States tức Hoa Kỳ. mặc dù đó chỉ là con dấu để đóng vào thịt súc vật mà thôi.
Webster’s New International Dictionary cũng giải thích tương tự như E. Partridge. Rõ ràng là trong trường hợp này Origins hợp lý và đáng tin hơn Larousse.


Kiến thức ngày nay, số 123, ngày 15-11-1993

 

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Có người nói tên thật của vua cuối cùng đời Thương ở Trung Quốc không phải là Trụ. Vậy Trụ là gì và tên thật của Trụ là gì?

 ĐỘC GIẢ: Có người nói tên thật của vua cuối cùng đời Thương ở Trung Quốc không phải là Trụ. Vậy Trụ là gì và tên thật của Trụ là gì?

AN CHI: Trụ là tên do người đời đặt để gọi ông vua cuối cùng của đời nhà Thương (cũng gọi là nhà Ân). Về tiếng Trụ, Từ nguyên đã giảng như sau: “Theo phép đặt tên thụy, phàm kẻ tàn nhẫn phụ nghĩa thì gọi là trụ. Vua nhà Ân là Tân, nướng đốt người trung nghĩa tài giỏi, mổ bụng phụ nữ có thai cho nên thiên hạ gọi là Trụ” (Thụy pháp tàn nhẫn tổn nghĩa viết trụ. Ân đế Tân phần chá trung lương, khô khích dựng phụ, cố vi thiên hạ vị chi Trụ). Tên thật của Trụ là Tân. Sử ký, Ân bản kỷ chép: “Vua Ất băng, con là Tân lên ngôi, thiện hạ gọi Trụ”. Tân là tên đặt theo thập can. Đây là thể chế đời Ân quy định việc lấy ngày đặt tên. Nguyên thập can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) là hệ thống tên ngày của đời Ân (đó là tên của mười ngày trong tuần vì một tuần ngày xưa có mười ngày, còn thập nhị chi là tên của mười hai giờ trong một ngày-đêm). Nhìn vào phả hệ nhà Ân thì sẽ thấy đúng như thế. Con của Tân là Canh, cha của Tân là Ất, cha của Ất (ông nội của Tân) là Đinh, vv..Đó đều là tên lấy trong thập can.

Sau đây là lời giải đáp về cách đặt tên trên: “Tại sao kẻ sáng lập ra thời đại có sử trước hết lại phải lấy tên ngày đặt tên? Sự thăm dò khí hậu nhất định rất quan trọng đối với sinh hoạt của người chăn nuôi (ở thời nhà Ân – AC), nhất là những ngày mưa gió đối với bầy súc vật; trong bốc từ còn giữ lại những lời bói toán về tai nạn gió mưa, để đoán lành dữ, họa phúc. Đồng thời, khí hậu tự nhiên có tính chất thời tiết cũng rất quan trọng đối với việc trồng trọt sản xuất, đối với việc vua chinh chiến, đối với việc bản tộc sinh sôi nảy nở ra nhiều. Cho nên việc tiền nhân nhà Ân lấy ngày đặt tên phản ánh sự nắm vững hoàn cảnh tự nhiên biến hóa, đặc biệt là nắm vững quan niệm thời gian”. (X.Hầu Ngoại lư, Triệu Kỳ Bân, Đỗ Quốc Tường, Bàn về tư tưởng cổ đại Trung Quốc, Chu Thiên và Lê Vũ Lang dịch, Hà Nọi, 1959, tr.103.)

Kiến thức ngày nay, số 123, ngày 15-11-1993

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Tôi thường nghe nói “Hợp chủng quốc” nhưng sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 (Nhà xuất bản Giáo dục, 1991), trang 68 thì lại viết: “Hợp chúng quốc Châu Mỹ”. Vậy gọi thế nào cho đúng? Xin hỏi thêm: “chung cư” và “chúng cư” có giống nhau không? Tại sao?

 ĐỘC GIẢ: Tôi thường nghe nói “Hợp chủng quốc” nhưng sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 (Nhà xuất bản Giáo dục, 1991), trang 68 thì lại viết: “Hợp chúng quốc Châu Mỹ”. Vậy gọi thế nào cho đúng? Xin hỏi thêm: “chung cư” và “chúng cư” có giống nhau không? Tại sao?

AN CHI: Gọi cho đúng thì phải là Hợp chúng quốc, dịch từ tiếng Anh United States. Hợp chúng quốc châu MỹUnited States of America. Đây là tên chính thức và đầy đủ của nước Mỹ, tức Hoa Kỳ. United là “hợp”, còn States là “chúng quốc”. Chúng là một hình vị tiếng Hán, có nghĩa là đông, nhiều, như có thể thấy trong chúng dân, chúng nhân, chúng khẩu, chúng sinh, quần chúng, đại chúng, công chúng, xuất chúng, vv.. Vậy chúng quốc có nghĩa là nhiều nước (Hợp chúng quốc châu Mỹ hiện nay có 50 “nước”, tức “state”, mà tiếng Việt gọi là bang). Do không rõ nguồn gốc và ý nghĩa của hình vị đang xét, lại thấy hoặc nghe nói Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều sắc tộc từ các nước, các châu đến sinh cơ lập nghiệp nên một số người mới biến Hợp chúng quốc thành “Hợp chủng quốc”, nghĩ rằng chủng có nghĩa là giống người, là chủng tộc. Nhưng tên United States hoàn toàn không nhắc đến chủng tộc.

Trong khẩu ngữ hiện nay, chung cư đồng nghĩa với chúng cư vì đó chỉ là chúng cư bị nói sai đi. Chúng trong chúng cư cũng chính là chúng trong Hợp chúng quốc. Chúng cư là một tập hợp của nhiều căn nhà, căn hộ có kiến trúc và thiết kế giống nhau, tạo thành một quần thể thống nhất, xây dựng trên một khu vực nhất định. Cũng do không biết nguồn gốc và ý nghĩa của hình vị chúng, lại thấy chúng cư là nơi nhiều người, nhiều gia đình thuộc nhiều gốc gác, dòng họ khác nhau đến “cùng chung sống” nên người ta mới nói sai “chúng cư” thành “chung cư”.

Lối nói sai hai trường hợp trên, ngữ học gọi là từ nguyên dân gian. Cũng xin nói thêm cho rõ là hiện nay giữa Hợp chúng quốc và Hợp chủng quốc thì hình thức trước vẫn còn được đa số nhận thức là hình thức chuẩn và chính xác – cho nên sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 mới ghi đúng như thế - nhưng giữa chúng cư và chúng cư thì hình thức sau đang có xu hướng thắng thế mặc dù một số sách báo vẫn còn muốn hướng nó quay về hình thức chuẩn và nguyên thủy là chúng cư. Viết thêm cho lần in năm 2018, - Sau khi tra cứu thật kỹ lưỡng, chúng tôi xin khẳng định rằng chẳng những Hán ngữ không có hai từ “chung cư”, mà cũng chẳng có hai từ “chúng cư”. Vậy chung cư là lối nói do người Miền Nam đặt ra theo nhu cầu riêng mà không cần đến từ vựng của tiếng Hán. Dĩ nhiên là nếu có vị thức giả nào nêu được chứng cứ bẳng chữ Hán của hai tiếng “chúng cư” thì chúng tôi cảm ơn và cám ơn.

Kiến thức ngày nay, số 123, ngày 15-11-1993

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Xin giải thích câu: "Sinh con rồi mới sinh cha Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông".

 ĐỘC GIẢ: Xin giải thích câu:

Sinh con rồi mới sinh cha

Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.

AN CHI: Tác giả Nguyễn Lân, trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Hà Nội, 1989), đã ghi về câu đó như sau: “Lời kể theo một câu chuyện truyền thuyết về luân hồi”.

Chúng tôi không nghĩ như thế mà cho rằng ở đây đã có một sự chơi chữ bằng cách đánh tráo khái niệm. Sinh trong “sinh con”, “sinh cháu” thì mới đúng là “đẻ”, còn sinh trong “sinh cha”, “sinh ông” thì chỉ là “tạo ra cương vị (cho một người nào đó)” mà thôi. Hiểu như thế thì sẽ thấy câu mà bạn thắc mắc thực ra chẳng có gì bất thường. Một người đàn ông không thể trở thành cha nếu chưa có con, cũng như không thể trở thành ông nếu con mình chưa có con. Vậy sự ra đời của một đứa con là điều kiện tiên quyết để một người đàn ông được làm cha cũng như sự ra đời của một đứa cháu là điều kiện tiên quyết để một người đàn ông được làm ông. Liên lục bát đó rõ ràng chẳng có gì nghịch lý cả.

Kiến thức ngày nay, số 123, ngày 15-11-1993

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Vì sao lại gọi là đèo Ba Dội? Dội là gì?

 ĐỘC GIẢ: Vì sao lại gọi là đèo Ba Dội? Dội là gì?

AN CHI: Dội có nghĩa là đợt, bận, lần, lượt. Dictionnaire annamite- français của J.F.M. Genibrel ghi như sau: “Dội (…) Numéral. Kêu hai ba dội: appeler deux ou trois fois; đi vài ba dội: faire deux ou trois fois le trajet; tin đi hai ba dội: announcer à plusieurs reprises”.

Cứ như trên, thì rõ ràng Ba Dội là dịch nghĩa từ Tam Điệp (hoặc ngược lại). Chứng thực là lời giảng sau đây trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức: “Ba Dội. Cũng gọi Tam-điệp, tên một cái đèo ở giáp giới hai tỉnh Thanh-hóa (Trung Việt) và Ninh-bình (Bắc Việt)”. Và: “Tam-điệp. Tục gọi đèo Ba Dội, dãy núi dài chia thành ba đợt: 1. ở phía bắc Thanh-hóa, 2. Ngọn cao nhất chia địa-giới hai tỉnh Thanh-hóa và Ninh-bình, 3. Trong địa phận tỉnh Ninh-bình; cả ba chắn ngang đướng cái quan Bắc – Nam”.

Kiến thức ngày nay, số 123, ngày 15-11-1993

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Tiếng (nói) Việt lang thang gần ngàn năm độc lập!

 Bà mẹ ngôn ngữ VN có hai người con: một người ở trong ngôi nhà Hán tự, mang tên "âm Việt-Hán" (đọc chữ Hán theo âm Việt chớ không phải đọc theo âm Tàu), còn một người mang tên "âm Việt" thì...

TIẾNG (NÓI) VIỆT LANG THANG GẦN NGÀN NĂM ĐỘC LẬP!

"Tiếng nói" (phát âm) cùng với văn tự (chữ viết) hợp thành ngôn ngữ. "Tiếng nói Việt" được các bậc tiền nhân như Nguyễn Trường Tộ gọi rất hay là QUỐC ÂM. Nhưng, quốc âm ấy đã phải lang thang bên ngoài văn tự chính thức (Hán tự), lang thang suốt gần ngàn năm dưới các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn (tính từ năm 938 khởi lập nhà Ngô cho tới năm 1919 chấm dứt cái học chữ Hán)!

Để kể vài tỉ dụ cho nghe. Người Việt nói với nhau bằng quốc âm trong đời sống hàng ngày: "vợ chồng" nhưng khi giở Hán tự thì chỉ có và đọc là "phu thê" (theo âm Việt-Hán). Chúng ta nói "trăm năm", nhưng chớ hề tìm thấy chữ nào trong Hán tự mà khi phát âm bật thành tiếng "trăm năm", chỉ có và phải đọc là "bách niên" (âm Việt-Hán).

Cũng vậy, trong đời sống thường nhựt, ta gọi "hôm nay" nhưng khi nhìn vô văn tự thông dụng của triều đình nước Việt (là Hán tự), có tìm đỏ con mắt cũng không ra con chữ nào đọc thành "hôm nay", mà chỉ là 今天 "kim nhật" đọc theo âm Việt-Hán mà thôi.

Gọi "Mẹ ơi", tiếng kêu "Mẹ" đáng yêu hết sức, vậy mà... nhìn vô hệ thống Hán tự đố tìm đâu ra cái chữ nào bật ra tiếng gọi "Mẹ", chỉ có đọc theo âm Việt-Hán là "Mẫu" thôi. Rồi, muốn kêu "ăn cơm", nhưng nhìn vô chữ Hán chỉ thấy đọc theo âm Việt-Hán là "thực phạn" thôi.

Vua quan Việt Nam trong triều, xướng chiếu chỉ, nói chung là văn bản hành chánh đủ thứ, toàn nói âm Việt-Hán nghe rổn rảng. Tới lúc bãi triều, đói bụng, chạy về nhà, bực đại quan gặp mẹ già nói ngay: "Mẹ ơi, con đói bụng, cho con ăn cơm", chẳng ai đi nói "mẫu", đi nói "thực phạn" hết!
Bực đại quan, thầy đồ nếu quen miệng nói "thực phạn", thì sau đó họ phải dịch ra... quốc âm Việt là "ăn cơm" cho đồng bào người Việt hiểu. Thiệt oái ăm!

*&*
Danh nhân Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) trong bản điều trần về QUỐC ÂM gửi cho vua, ông thẳng thắn: "Nếu một người nói ra một câu, sau đó lại phải dịch ra, tức là một người nước khác mất rồi! Một nước Nam ta mà có hai thứ âm thoại, chẳng hóa ra một nước mà ngăn ra hai thứ người hay sao?
Những người thông minh ở nước ta, đua nhau học chữ Tàu (Hán tự), hao công đèn sách, cặm cụi suốt năm. Nhưng đem tiếng ấy (đọc theo âm Việt-Hán) nói với người Tàu, họ không thể hiểu, mà nói với dân mình thì dân cũng chẳng hiểu".

Oái ăm càng thêm oái ăm!
Dẫn tiếp lời của Nguyễn Trường Tộ: "Hai chữ
sao không đọc là ‘’ăn cơm", mà cứ phải giữ cách đọc "thực phạn", không lẽ ‘’thực phạn’’ thì quý hơn ‘’ăn cơm’’? Nếu ta mượn chữ Hán mà đọc ra tiếng ta (quốc âm Việt) thì khi một người đọc ra, mọi người đều có thể hiểu được".

Ông muốn nói đến nhu cầu khẩn thiết đưa tiếng nói Việt (quốc âm) vô trong văn tự, đừng để tiếng nói Việt phải vất vưởng bên lề! Bởi vì TIẾNG NÓI (quốc âm) là cái hồn thổi vào bên trong cái vỏ chữ viết để làm cho ngôn ngữ trở nên sống động.

*&*
Hán tự áp dụng trên nước Việt qua các triều đại của ... chính người Việt nhưng không tài nào chứa được cho bằng hết quốc âm (tiếng nói Việt), nên lắm lúc giống như cái xác không hồn!

Thành thử bằng mọi giá phải có được một hệ thống chữ viết chứa được tiếng nói Việt (quốc âm)! Do đó, có chữ Nôm - mượn từ chữ Hán để cấu trúc lại (người Tàu nhìn vô mặt chữ Nôm khỏi hiểu luôn), mặc dù khá rắc rối và phức tạp, nhưng nên nhìn thấy đây là một nỗ lực để tiếng (nói) Việt không bị ruồng rẫy ngay trên quê hương.

Nếu trong chữ Hán chỉ có "Mẫu" , thì trong chữ Nôm khi viết chúng ta đọc là "Mẹ", đúng vậy, tiếng gọi "Mẹ" của người Việt chúng ta đã được ghi lại hẳn hoi bằng văn tự.
Thay vì "thực phạn"
(chữ Hán), chúng ta viết bằng chữ Nôm 𩛖 𩚵 đọc là "ăn cơm", nghe rõ rành bằng quốc âm Việt!

Khi bạn nhìn thấy dòng chữ này trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: 𤾓 𢆥 𥪝 𡎝 𠊛 , người không học thì nhìn vô mặt chữ bù trất NHƯNG hãy nghe đọc lên câu thơ này: "Trăm năm trong cõi người ta", là hiểu ngay cái rụp! Bởi vì đó là chữ Nôm chứa âm Việt (chớ không phải âm "Việt-Hán"), chứa tiếng (nói) Việt của chúng ta.

Các bậc ưu thời mẫn thế đều canh cánh bên lòng trách nhiệm tôn vinh chữ Nôm gắn liền với quốc âm Việt. Tỉ dụ như Nguyễn Trãi viết "Quốc âm thi tập" toàn những bài thơ viết bằng chữ Nôm, tức là đọc lên nghe ra tiếng (nói) Việt - không phải âm "Việt-Hán" - để một người đọc lên thì mọi người đều hiểu.

*&*
NHƯNG, chữ Nôm chỉ được viết trong các sắc lệnh, chiếu chỉ này kia của triều đình ngót nghét 10 năm - hệt như cái chớp mắt thoáng qua giữa chiều dài những 1,000 năm của thời kỳ độc lập tự chủ (kể từ thời Ngô Quyền 938)!
Quá ngắn ngủi, hệt như một cái chớp mắt, giữa cơn ngủ dài về mặt chữ viết suốt biết bao nhiêu triều đại nối nhau dài đăng đẳng!

Chữ Nôm KHÔNG được thừa nhận trong hệ thống chánh trị của nước Việt. Cũng có nghĩa là quốc âm Việt bị ruồng rẫy trong sinh hoạt quyền bính chánh trị & học thuật.

Tiếng (nói) Việt - tức quốc âm - chỉ được phép có mặt bên lũy tre làng, bên bờ ao cái giếng, có mặt ngoài ruộng đồng, nằm trong thơ văn, chớ không được bén mảng vô trong triều đình, nơi đó khi đọc chiếu chỉ sắc lệnh toàn ... "âm Việt-Hán" ráo trọi.

Nỗi lòng yêu mến quốc âm (tiếng nói Việt) của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ ... rốt cuộc hệt như tiếng vọng đến khản giọng giữa đồng trống minh mông.

*&*
Thành thử "tiếng nói Việt" (quốc âm) của chúng ta đã phải lang thang trong gần một ngàn năm - xin nhấn mạnh - trong khoảng hơn chín thế kỷ của một nước Việt đã độc lập rồi, vậy mới oái ăm!

Tiếng (nói) Việt - quốc âm - tìm đâu ra một hệ thống chữ viết để trú ngụ, mà hệ thống chữ viết đó cần được sử dụng trên mọi lãnh vực từ quyền bính chánh trị, quản trị hành chánh cho tới văn chương?

Thời may, chúng ta có chữ Quốc ngữ được viết theo hệ thống văn tự biểu âm Latin (hệ thống này đã và đang phổ biến nhứt trên toàn cầu, mỗi nước có cách ghi âm khác nhau dựa theo bảng chữ cái Latin, tùy theo tiếng của dân tộc mình).

Ta nói, người Việt ngày trước viết chữ Hán, người Tàu nhìn vào mặt chữ là họ hiểu ngay. Chữ Hán bên Tàu họ xài, xưa lẫn nay, dĩ nhiên họ hiểu hết ráo.
Ngày nay chúng ta viết bằng chữ Quốc ngữ, bất luận người Tây nào (Bồ Đào Nha, Pháp...) nhìn vào mặt chữ thì sao? Không tài nào hiểu được nếu họ không học.
Chữ Quốc ngữ và chữ Hán, vậy đó, văn tự nào độc lập? Rõ rành, đó là và chỉ là: CHỮ QUỐC NGỮ.

QUỐC ÂM (tiếng nói Việt) từ đây có ngôi nhà văn tự để trú ngụ, được ghi đầy đủ trong chữ QUỐC NGỮ.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
----------------------------------------------------------

Nguyễn Du

Nguyễn Tường Tộ (tên Thánh là Paul, "Phao-lô")


 

Trước năm 1975, miền Nam gọi thủ đô Xơ-un của Hàn Quốc là Hán Thành. Lúc Thế vận hội 1988 tổ chức ở Xơ-un, các phương tiện truyền thông đại chúng của nước ta đều gọi con sông chảy qua thành phố này là sông Hán. Vậy Hàn giang đúng hay Hán giang đúng?. Giữa hai tên này với Hán Thành và nước Đại Hàn có liên quan gì với nhau không? Tên con sông này tiếng Triều Tiên đọc như thế nào?

 ĐỘC GIẢ: Trước năm 1975, miền Nam gọi thủ đô Xơ-un của Hàn Quốc là Hán Thành. Lúc Thế vận hội 1988 tổ chức ở Xơ-un, các phương tiện truyền thông đại chúng của nước ta đều gọi con sông chảy qua thành phố này là sông Hán. Vậy Hàn giang đúng hay Hán giang đúng?. Giữa hai tên này với Hán Thành và nước Đại Hàn có liên quan gì với nhau không? Tên con sông này tiếng Triều Tiên đọc như thế nào?

AN CHI: Con sông chảy qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc không phải là “Hàn giang” mà là Hán giang, tiếng Triều Tiên là Hãnkang. Sông này dài 514km, bắt nguồn từ núi Otay (Ngũ Đài) thuộc dãy Thaypayk (Thái Bạch) và đổ ra vịnh Kanghwa (Giang Hoa). Do có sông Hán chảy qua mà thành phố đang nói mới được gọi là Hán Thành, tiếng Triều tiên là Hãnseng, nghĩa là thành trên sông Hán. Hán thành còn có một tên nữa là Kinh Thành, tiếng Triều Tiên là Kyengseng, nghĩa là thủ đô của vương quốc. Kyengseng là một từ Triều Tiên gốc Hán. Đồng nghĩa với nó còn có một từ Triều Tiên khác nữa là Sewul, vừa có nghĩa là Kinh Thành (của vua), vừa có nghĩa rộng là thủ đô (nói chung). Người Triều Tiên đã sử dụng nghĩa thứ nhứt của nó mà gọi Kinh Thành, tức Hán Thành, là Sewul. Đây là tên chính thức của thủ đô Hàn Quốc. Nó đã được phiên âm sang tiếng Pháp là Séoul và tiếng Anh là Seoul. Còn Hàn trong Đại Hàn thì không liên quan gì đến Hán trong Hán giang cả. Tuy đều là những từ Triều Tiên gốc Hán nhưng Hàn và Hán là hai từ riêng biệt và được viết bằng hai chữ Hán hoàn toàn khác nhau. Hình thức phiên âm La Tinh ở đây đã được chúng tôi ghi theo New Korean-English Dictionary của Samuel E. Martin, Yang Ha Lee và Sung-Un Chang. Vậy xin đừng lấy làm lạ khi thấy sách khác ghi kyengseng thành Kyongsong hoặc Otay thành Otae, vv..

Kiến thức ngày nay, số 123, ngày 15-11-1993

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Một nắng hai sương: tại sao có một nắng mà tới hai sương?

 ĐỘC GIẢ: Một nắng hai sương: tại sao có một nắng mà tới hai sương?

AN CHI: Thành ngữ một nắng hai sương nói về công việc cần cù, khó nhọc của người nông dân trên đồng ruộng, phải dãi nắng dầm sương từ sáng sớm đến chiều tối, có khi đến tối mịt. Sương buổi sáng là một, sương buổi chiều là hai. Giữa sương sáng và sương chiều chỉ có một nắng. Vì vậy mới nói một nắng hai sương.

Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993