ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Tôi thường nghe nói “Hợp chủng quốc” nhưng sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 (Nhà xuất bản Giáo dục, 1991), trang 68 thì lại viết: “Hợp chúng quốc Châu Mỹ”. Vậy gọi thế nào cho đúng? Xin hỏi thêm: “chung cư” và “chúng cư” có giống nhau không? Tại sao?

 ĐỘC GIẢ: Tôi thường nghe nói “Hợp chủng quốc” nhưng sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 (Nhà xuất bản Giáo dục, 1991), trang 68 thì lại viết: “Hợp chúng quốc Châu Mỹ”. Vậy gọi thế nào cho đúng? Xin hỏi thêm: “chung cư” và “chúng cư” có giống nhau không? Tại sao?

AN CHI: Gọi cho đúng thì phải là Hợp chúng quốc, dịch từ tiếng Anh United States. Hợp chúng quốc châu MỹUnited States of America. Đây là tên chính thức và đầy đủ của nước Mỹ, tức Hoa Kỳ. United là “hợp”, còn States là “chúng quốc”. Chúng là một hình vị tiếng Hán, có nghĩa là đông, nhiều, như có thể thấy trong chúng dân, chúng nhân, chúng khẩu, chúng sinh, quần chúng, đại chúng, công chúng, xuất chúng, vv.. Vậy chúng quốc có nghĩa là nhiều nước (Hợp chúng quốc châu Mỹ hiện nay có 50 “nước”, tức “state”, mà tiếng Việt gọi là bang). Do không rõ nguồn gốc và ý nghĩa của hình vị đang xét, lại thấy hoặc nghe nói Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều sắc tộc từ các nước, các châu đến sinh cơ lập nghiệp nên một số người mới biến Hợp chúng quốc thành “Hợp chủng quốc”, nghĩ rằng chủng có nghĩa là giống người, là chủng tộc. Nhưng tên United States hoàn toàn không nhắc đến chủng tộc.

Trong khẩu ngữ hiện nay, chung cư đồng nghĩa với chúng cư vì đó chỉ là chúng cư bị nói sai đi. Chúng trong chúng cư cũng chính là chúng trong Hợp chúng quốc. Chúng cư là một tập hợp của nhiều căn nhà, căn hộ có kiến trúc và thiết kế giống nhau, tạo thành một quần thể thống nhất, xây dựng trên một khu vực nhất định. Cũng do không biết nguồn gốc và ý nghĩa của hình vị chúng, lại thấy chúng cư là nơi nhiều người, nhiều gia đình thuộc nhiều gốc gác, dòng họ khác nhau đến “cùng chung sống” nên người ta mới nói sai “chúng cư” thành “chung cư”.

Lối nói sai hai trường hợp trên, ngữ học gọi là từ nguyên dân gian. Cũng xin nói thêm cho rõ là hiện nay giữa Hợp chúng quốc và Hợp chủng quốc thì hình thức trước vẫn còn được đa số nhận thức là hình thức chuẩn và chính xác – cho nên sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 mới ghi đúng như thế - nhưng giữa chúng cư và chúng cư thì hình thức sau đang có xu hướng thắng thế mặc dù một số sách báo vẫn còn muốn hướng nó quay về hình thức chuẩn và nguyên thủy là chúng cư. Viết thêm cho lần in năm 2018, - Sau khi tra cứu thật kỹ lưỡng, chúng tôi xin khẳng định rằng chẳng những Hán ngữ không có hai từ “chung cư”, mà cũng chẳng có hai từ “chúng cư”. Vậy chung cư là lối nói do người Miền Nam đặt ra theo nhu cầu riêng mà không cần đến từ vựng của tiếng Hán. Dĩ nhiên là nếu có vị thức giả nào nêu được chứng cứ bẳng chữ Hán của hai tiếng “chúng cư” thì chúng tôi cảm ơn và cám ơn.

Kiến thức ngày nay, số 123, ngày 15-11-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét