ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Việt Nam Cộng Hòa (Republic of Viêt Nam)

 "VIỆT NAM CỘNG HÒA" (REPUBLIC OF VIETNAM)

Đây là cách gọi được dùng trong Công hàm của Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đề cập về vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa - không dùng cụm chữ "ngụy quyền" (pseudo-government) vẫn thường tuyên truyền trong nước suốt bao nhiêu thập niên.

Bởi vì nếu dùng chữ "ngụy quyền" để nói về VNCH là tự rước lấy hậu quả bất lợi khó lường.
1/ Giới cầm quyền Bắc Kinh gửi công thư đến Liên Hiệp Quốc, cho biết họ yêu cầu CHXHCN Việt Nam phải thực hiện nội dung ghi trong công hàm ngoại giao (a diplomatic note) của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1958.

Còn VN? Đại diện thường trực của CHXHCN Việt Nam tại Liên Hợp Quốc gửi công thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào đầu năm 2018 (công thư đánh số A/72/692), trong đó nêu ra:

"Trung Quốc cố tình tham khảo một số tài liệu, tuyên bố và ấn phẩm liên quan, bao gồm bức thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong cuộc tranh luận với Việt Nam về các vấn đề chủ quyền là không phù hợp với các sự kiện lịch sử và bối cảnh của thời kỳ 1954-1975 cũng như các nguyên tắc giải thích luật pháp quốc tế và luật học. Trong giai đoạn lịch sử đó, Việt Nam ở trong tình trạng phân ly. Chính quyền VIỆT NAM CỘNG HÒA đã tiến hành các hoạt động nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" (*)

2/ Vì sao phải dùng cụm chữ "Việt Nam Cộng hòa" (Republic of Viet Nam) - mà không được gọi Sài Gòn là "ngụy quyền" (pseudo-government)?

Khi dùng chữ "ngụy quyền Sài Gòn", tức là cho rằng trong giai đoạn 1954-1975 VNDCCH (Việt Nam dân chủ cộng hòa) là chính quyền hợp pháp và duy nhất trên toàn lãnh thổ VN (gồm cả những vùng lãnh thổ, lãnh hải của chế độ Sài Gòn chỉ là "vùng tạm chiếm" mà thôi, "ngụy quyền" không thể thủ đắc chủ quyền). Vậy nên, những tuyên bố của VNDCCH về chủ quyền là có phạm vi trách nhiệm đối với toàn lãnh thổ VN.

Thành thử Bắc Kinh đòi chính quyền CHXHCN VN (kế thừa chính quyền VNDCCH, kế thừa từ quốc kỳ cho đến quốc ca) phải thực hiện đúng với nội dung đã ghi trong Công hàm 1958 là vì vậy (vì VNDCCH là ... chính quyền hợp pháp duy nhất trên toàn lãnh thổ VN, nếu dựa vào quan điểm tuyên truyền chế độ ở miền Nam VN là "ngụy quyền")!

3/ Bàn luận về nội dung của Công hàm 1958 là thuộc thẩm quyền chuyên sâu của giới luật gia công pháp quốc tế, đây tôi không lạm bàn.
Mà ở đây, xin quí bạn cùng nhau lưu ý rằng: cần minh định trong giai đoạn 1954-1975 hiện hữu một thực thể là Việt Nam Cộng hòa! Với tư cách một thực thể chính danh, VNCH có đầy đủ chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa.

Giờ này, năm 2020, đã 45 năm trôi qua sau khi dứt cuộc chiến. Vậy mà vẫn còn những người thay vì gọi đúng đắn là VIỆT NAM CỘNG HÒA (như, chí ít, ở phái đoàn ngoại giao của CHXHCN VN tại Liên Hiệp Quốc), lại cứ bám vào điệp khúc tuyên truyền gọi chính thể tại miền Nam VN là "ngụy quyền Sài Gòn".
Họ có hiểu làm vậy, là dại dột lắm không? Là chặt đứt chuỗi pháp lý trong tính chất liên tục chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Đứt gãy về pháp lý (khi gọi "ngụy quyền SG") thì chẳng khác nào họ đang "dâng cỗ" cho Bắc Kinh xơi gọn Hoàng Sa - Trường Sa!

Giờ đây, hễ ai còn nói "ngụy quyền SG" hoặc là còn lơ mơ về mặt PHÁP LÝ, hoặc là tiếp tay cho Bắc Kinh.
------------------------------------------------------------------------
(*) Nguyên văn trong tiếng Anh của công thư số A/72/692 gửi Tổng thư ký LHQ:
""China’s deliberate reference to some related documents, statements and publications, including the 1958 letter by late Premier Pham Van Dong, in its argument with Viet Nam about sovereignty issues accords neither with historical facts and contexts of the 1954–1975 period nor with the principles of interpretation of international law and jurisprudence. In that historical period, Viet Nam was in a state of division. It was under the authority of the Republic of Viet Nam to conduct activities to affirm and protect Viet Nam’s sovereignty over the Hoang Sa and Truong Sa archipelagos".

(Vào website của Liên Hiệp Quốc, mục "Documents": đường link: https://undocs.org/pdf?symbol=en/A/72/692)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt





Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

"Non cao" Israel & "Vực thẳm" China - Vì sao?

Từ những sáng tạo được giải Nobel:
"NON CAO" ISRAEL & "VỰC THẲM" CHINA - VÌ SAO?
* Đây là minh chứng tiêu biểu về sự tương phản giữa hai nền văn minh (là văn minh gì?).

1/ TẠI "QUỐC GIA DO THÁI" & TẠI "CHND TRUNG HOA" (TRUNG CỘNG):
Dân số tại CHND Trung Hoa có khoảng 1 tỉ 437 triệu người, trong khi đó dân số tại Quốc gia Do Thái (State of Israel) chỉ vỏn vẹn khoảng 8 triệu 600 ngàn người - tức dân số nước này chưa bằng con số lẻ hàng chục triệu của Hoa lục. Nước Tàu đông khủng khiếp, gấp 163 lần.

NHƯNG suốt 70 năm của CHND Trung Hoa (Trung Cộng), từ cuối năm 1949 cho tới năm ngoái 2019, cả tỉ người mà CHỈ CÓ được vỏn vẹn 1 giải Nobel về khoa học (là Nobel Y học 2015) mà thôi.

Nằm ngoài khoa học, vỏn vẹn có 2 Nobel: Nobel Văn học 2012 cho Mạc Ngôn (Mo Yan), Nobel Hòa bình 2010 cho Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo). Éo le thay, Nobel Hòa bình này để... minh chứng cho một đóng góp gì từ mô thức Hoa lục vào nền hòa bình thế giới chăng? Không phải, mà ngược lại, nhà văn Lưu Hiểu Ba đòi hỏi giới cầm quyền Bắc Kinh phải tôn trọng phẩm giá của mỗi con người.

Trong khi đó, tại nước Israel nhỏ xíu, dân ít xịt (chỉ có 8 triệu 600 ngàn người) lại có tới 12 người được trân trọng trao giải Nobel - từ Nobel kinh tế cho đến Nobel Hóa học, Văn học, rồi Nobel Hòa bình!

2/ NGƯỜI DO THÁI & NGƯỜI HOA TRÊN TOÀN CẦU:
* Người Hoa sống rải rác ở hải ngoại có hơn 40 triệu người, quí bạn biết không, đã từng có 8 người nhận giải Nobel về khoa học. Trong khi cả tỉ người sống nhung nhúc tại Trung Cộng lại chỉ có vẻn vẹn 1 Nobel Y học 2015 trao cho bà Đồ U U (Tu Youyou).

Người Hoa tại Đài Loan (Trung Hoa dân quốc), dù dân số chưa tới 24 triệu, hãnh diện với sự có mặt của nhà bác học Lý Viễn Triết (Li Yuanzhe/hoặc ghi Yuan Tseh Lee) trong "bảng vàng" Nobel Hóa học năm 1986.

Những Nobel khoa học khác của người Hoa, còn gồm những ai nữa? Họ toàn định cư ở Mỹ, mang quốc tịch Mỹ (nếu ở Trung Cộng thì...tịt ngòi mọi sáng tạo hữu ích; ở Trung Cộng chỉ rành rẽ cái mửng "sáng tạo" ăn cắp, làm hại nhân loại). Xin kể:
Dương Chấn Ninh (Yang Zhenning) và Lý Chính Đạo (Li Zhengdao) - Nobel Vật lý 1957; Đinh Triệu Trung (Ding Zhaozhong/hoặc ghi Ting Chao Chung), Nobel Vật lý 1976; Châu Đệ Văn (Steven Chu/Zhu Diwen), Nobel Vật lý 1997; Thôi Kỳ (Daniel Chee Tsui/Cui Qi), Nobel Vật lý 1998; Tiền Vĩnh Kiện (Yonchien Tsien/Qian Yongjian), Nobel Hóa học 2008; Cao Côn (Charles Kuen Kao/Gao Kun), Nobel Vật lý 2009.

Ngoài ra còn có Nobel Văn học 2000 trao cho Cao Hành Kiện (Gao Xingjian; quốc tịch Pháp).

Trong khi đó, người Do Thái trên toàn cầu (gồm luôn lãnh thổ Israel, tổng cộng chưa tới 15 triệu người) lại chiếm lĩnh tới 200 giải Nobel (gồm đủ Vật lý, Hóa học, Sinh học, Kinh tế, Văn học, Hòa bình)!

3/ "VĂN MINH KHỔNG GIÁO" & "VĂN MINH DO THÁI GIÁO"

3a) Tập Cận Bình không ít lần chỉ thị "cần phải hấp thụ sức mạnh từ truyền thống Khổng giáo", "Khổng giáo gợi ý hữu ích cho việc trị quốc". Cả nước Trung Hoa cộng sản dấy lên "cơn sốt Khổng tử" ("Khổng tử nhiệt" 孔子).

Chẳng phải đợi đến Tập, mà từ xa xưa các chế độ chuyên chế ở Trung Hoa muốn củng cố quyền lực thì không thể không sử dụng Khổng giáo.

Trung Hoa định vị trong lịch sử bằng một nền văn minh của sự thống trị siêu đẳng: không nơi nào trên thế giới có nổi một mô thức thống trị cả biển người rất tinh vi, kéo dài hàng ngàn năm - được gọi là "VĂN MINH KHỔNG GIÁO"!

Khổng giáo răn dạy người ta tinh thần PHỤC TÙNG TUYỆT ĐỐI vào "Tam cương" của giềng mối trật tự chánh trị - xã hội.

Nhà văn Lưu Hiểu Ba, Nobel Hòa bình 2010, nhận định thẳng thừng: "Khổng tử là con chó nhà tang không chủ (nhà có tang, con chó mất chủ mà đi hoang, đi lạc). Nhưng nếu được kẻ cầm quyền nào tin dùng, thì chú chó không chủ kia trở thành chó gác cửa".
昨日丧家狗 今日看门狗 ("Tạc nhựt tang gia cẩu, kim nhựt khán môn cẩu": hôm qua là chó hoang nhà tang, hôm nay trở thành chó gác cửa).

Vai trò hàng đầu của trí thức là đem sở học để phục vụ triều đình.

3b) Trong những thời kỳ mà Khổng giáo chưa khống chế xã hội Trung Hoa như thời "Bách gia chư tử"; hoặc những thời kỳ tuy Khổng giáo đã trở thành mô thức cai trị nhưng vẫn còn cho phép những cách nhìn "tái đánh giá", "chỉnh đốn" học thuyết - tức vẫn còn được tự do suy nghĩ, lúc đó nhiều phát minh, tìm tòi khoa học có thể đâm chồi nẩy lộc.

Đến thời hiện đại, từ thập niên 50 trong thế kỷ 20 và bước qua thế kỷ 21, mọi sinh hoạt tư tưởng tại Trung Hoa trở thành đông cứng. Dù đất rộng và dân đông nhứt toàn cầu, nhưng Hoa lục trở nên kém cỏi trong "bảng vàng" Nobel các ngành khoa học!

Ngược lại, kết quả đáng phấn khởi hơn hẳn - đó là khi giới trí thức người Hoa sống trong những môi trường mà Khổng giáo không còn vai trò, như ở Mỹ; hoặc Khổng giáo không còn tuyệt đối như xưa mà chung sống trong lòng một xã hội đã hấp thụ tư tưởng dân chủ như Đài Loan.

3c) "Không tìm được giá trị siêu việt trong Khổng giáo" (nhà văn Lưu Hiểu Ba). Trong khi đó, ngược lại, sự xác tín vào giá trị siêu việt là nền tảng của VĂN MINH DO THÁI GIÁO!

Dân tộc Do Thái tản mác khắp nơi trên thế giới, trong cả ngàn năm, nói đủ thứ tiếng (ngôn ngữ của xứ sở bản địa), hòa huyết với nhiều sắc tộc (người Nga, người Anh, người Đức, người Mỹ, kể cả người da đen ở châu Phi .v.v...) NHƯNG họ vẫn giữ được "căn tính Do Thái". Là gì? Là dựa trên một nền tảng chung: Do Thái giáo cùng với những tập tục, lề luật, hợp thành "văn minh Do Thái giáo" (Judaism civilization).

Nền tảng của văn minh Do Thái giáo là khuyến khích sự tự do suy nghĩ, tự do khám phá những qui luật mà Thượng Đế (đấng Yaveh) đặt ra trong thế giới tự nhiên. Bởi vì Do Thái giáo dựa vào giá trị Siêu Việt, được thể hiện như sau: "Yaveh tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài" - hình ảnh của ý chí Tự Do và sáng tạo.

THAY LỜI KẾT
"Văn minh Khổng giáo" là văn minh của sự cai trị.
"Văn minh Do Thái giáo" là văn minh của sự sáng tạo.

"Văn minh Khổng giáo" tạo ra được một mô thức quyền lực cai trị siêu đẳng, về cơ bản là dựa trên sự vâng phục tuyệt đối giúp cho mô thức cai trị này kéo dài hàng ngàn năm.

"Văn minh Do Thái giáo" tạo ra được mối dây liên kết trong lòng những cộng đồng tản mác suốt ngàn năm lưu lạc, dựa vào ý chí tự do và ràng buộc trách nhiệm như hình với bóng.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-----------------------------------------------------------------
Hình thứ nhứt: Robert Aumann, quốc tịch Israel, Nobel Kinh tế 2005;

Hình thứ nhì: Arieh Warshel, quốc tịch Israel, Nobel Hóa học 2013

Hàng thứ ba: Shmuel Yosef Agnon, quốc tịch Israel, Nobel Văn học 1966;

Hình thứ tư: Shimon Perez, quốc tịch Israel, Nobel Hòa bình 1994;

Hình thứ năm: Lưu Hiểu Ba, quốc tịch CHND China, Nobel Hòa bình 2010







  

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Trí tuệ thông minh của dân tộc Do Thái, cho đến nay, vẫn là một "bí ẩn", tiếp tục gây kinh ngạc!

 Welcome State of Israel! מדינת ישראל תתקבל בברכה

Ngày 25/4/2020, Quốc gia Do Thái (Israel) chào mừng 72 năm lập quốc (1948-2020) sau khoảng 2.000 năm bị xua đuổi khỏi Tổ quốc, phải sống lưu lạc khắp hoàn cầu.

TRÍ TUỆ THÔNG MINH CỦA DÂN TỘC DO THÁI, CHO ĐẾN NAY, VẪN LÀ MỘT "BÍ ẨN", TIẾP TỤC GÂY KINH NGẠC!

1) Kể từ lúc nhà bác học người Do Thái đầu tiên được nhận Giải Nobel (Adolf von Baeyer, Nobel Hóa học 1905) cho tới người Do Thái nhận Giải Nobel gần đây nhứt (Michael Kremer, Nobel Kinh tế 2019), tổng cộng có đến 201 người Do Thái đoạt giải Nobel, chiếm hơn 20% tổng số giải Nobel của toàn thế giới!

Toàn bộ 6 lãnh vực Nobel, người Do Thái đều có mặt trong "bảng vàng": Vật lý 55 Nobel, Sinh - Y học 54 Nobel, Hóa học 35 Nobel, Kinh tế 33 Nobel, Văn học 15 Nobel, Hòa bình 9 Nobel.

Trên toàn cầu người Do Thái chỉ có khoảng 14-15 triệu người (trong đó sống tại Israel khoảng 8,6 triệu người), dân số rất ít chỉ chiếm 0,2% so với tổng dân số toàn cầu.
Quí bạn thử tưởng tượng: với 0,2% dân số thế giới thì chỉ cần được Nobel cũng 0,2% so với tổng số giải Nobel của toàn nhân loại, tức (tính tròn trèm) "lụm" được 2 giải Nobel thôi, là tương thích rỡ ràng rồi đa. Đàng này người Do Thái có hơn 200 giải Nobel, gấp 100 lần so với yêu cầu "tương thích"!

Trong khi đó, hàng loạt dân tộc / quốc gia khác không có nổi 1 thành quả sáng tạo khoa học được trao giải Nobel để lận lưng làm vốn.

2) Người Do Thái sống khắp nơi, mang quốc tịch nhiều xứ lắm đa.
Nổi bật như nhà bác học Albert Einstein Nobel Vật lý 1921 (quốc tịch Đức) / Milton Friedman Nobel Kinh tế 1976 (sống ở Mỹ) / Henri Bergson Nobel Văn học 1927 (sống ở Pháp), Boris Pasternak Nobel Văn học 1958 (sống ở Soviet, nhưng bị nhà cầm quyền Soviet ép buộc ông phải từ chối nhận giải), Nadine Gordimer Nobel Văn học 1991 (sống ở Nam Phi), Bob Dylan Nobel Văn học 2016 (sống ở Mỹ, tên thật là Allen Zimmerman) / Shimon Perez Nobel Hòa bình 1994 (sống tại Israel)...

3) Không ít người chỉ phát huy được sự sáng tạo khi sống trong môi trường... không phải quê hương bản xứ của mình (thường nhứt là tìm đường sang Mỹ để có môi trường tự do học thuật). Còn người Do Thái?

Sống tại quê hương, tính cho đến nay, đã có được 12 công dân mang quốc tịch "Quốc gia Do Thái" (Israle) được vinh danh trên bảng vàng Nobel. Nếu tính tỉ lệ giải Nobel trên đầu người (Israel: 12 Nobel trên 8,6 triệu người), Israel đang có tỉ lệ cao nhứt, đứng đầu thế giới, hơn cả Hoa Kỳ, Pháp và Đức!

4) Có nhiều, rất nhiều khảo cứu để tìm hiểu vì những lý do gì mà dân tộc Do Thái trở thành trỗi bật nhứt so với các dân tộc khác của nhân loại (ở đây, xét về những sáng tạo đoạt giải Nobel)! Có những "bí ẩn" gì đây?

Thiệt sự chủ đề này quá lớn, mấy cái stt trên facebook thì như muối bỏ biển, không thấm tháp gì ráo.
Có một cách góp phần giải thích chút chút, đó là đối chiếu sự tương phản khủng khiếp giữa Do Thái (Israel) với Tàu (China).

Hẹn stt kỳ sau.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
------------------------------------------------------------
Hình 1: Albert Einstein; Hình 2: Milton Friedman;
Hình 3: Nadine Gordimer, Hình 4: Bob Dylan, Hình 5: Shimon Perez.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Hẹn năm sau gặp tại Jerusalem

 "HẸN GẶP TẠI JERUSALEM"

* Một ý chí kiên vững, một tâm thức văn hóa sâu thẳm.

"Năm sau hẹn gặp tại Jerusalem" השנה הבאה תיפגש בירושלים
- đây là câu nói cửa miệng của người Do Thái khi họ cử hành Lễ Vượt Qua (Passover; còn gọi là Lễ Quá Hải Pesah) vào mỗi năm trong khi họ lưu vong trên khắp thế giới. Lời hẹn để nuôi dưỡng hi vọng trong vài chục năm? Không. Hi vọng cho một trăm năm? Cũng không. Mà là mỗi năm, lại "HẸN NĂM SAU GẶP TẠI JERUSALEM", cứ vậy lặp đi lặp lại, trong suốt hai ngàn năm lưu lạc rời khỏi quê cha đất tổ!

Người Do Thái hoang tưởng chăng, khi nhắc nhau "hẹn trở về Jerusalem", trong khi hết năm này qua năm khác mà ngày trở về quê hương vẫn vời vợi mù khơi? KHÔNG, không hề một chút hoang tưởng.
Bởi vì lời hẹn trở về Jerusalem không phải là lời hẹn ngược dòng thời gian dựng lại thể chế cũ. Mà lời hẹn trở về Jerusalem để dựng xây mới hơn, là minh chứng cho ý chí của con người chiến thắng mọi sự lãng quên, không cho phép thời gian đè bẹp ký ức lịch sử luôn SỐNG trong tâm khảm của mỗi người!

Người Do Thái tưởng niệm Lễ Vượt Qua để khắc ghi biến cố Xuất hành (Exodus) thoát khỏi Ai Cập cổ đại mà trở về với quê hương, về với Đất Hứa. Như đấng Javeh đã hứa với họ:
"Ta chọn các người làm dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi".

Dặn dò nhau về việc qui cố hương, gặp nhau tại thủ phủ trước đây - về ý nghĩa - tức là nuôi dưỡng một tâm thức văn hóa sâu thẳm. Phải HIỂU giá trị văn hóa của vùng đất mà thủ phủ/kinh đô được dựng lên, phải hiểu lắm thì mới YÊU mới QUÝ được.

Không thể nuôi ý chí bền bĩ nếu không hiểu được giá trị.
Nói cách khác, một khi không hiểu giá trị của vùng đất cố hương thì ý chí trở về ắt cùn lụt, phôi pha.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------






 

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

Bầu ơi thương lấy Bí cùng

 Ta nói giáo dục là quốc sách (chẳng ai nói là "đảng sách"), thành thử phải có tầm nhìn rộng rãi, cao thượng, không tỵ hiềm quan điểm nhỏ nhen. Tỉ như, việc đặt tên các trường học công lập (do chánh phủ lập ra, không phải trường tư thục) ở miền Nam trước 30/4/1975.

BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG

I/ Có trường đặt tên Trần Quang Diệu (danh tướng dưới trướng Nguyễn Huệ) thì cũng có tên trường Võ Tánh (trung thần của Nguyễn Ánh) - mặc dù hai vị này, nói theo ngôn ngữ đời nay, đối lập quan điểm chánh trị nẩy lửa.

Chuyện kể giữa Võ Tánh đụng độ với Trần Quang Diệu ly kỳ ngoài sức tưởng tượng. Võ Tánh (cùng với Ngô Tòng Châu) giữ thành Bình Định, bị Trần Quang Diệu bao vây rát quá, chịu không xiết Võ Tánh mới cho người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư tỏ ý chấp nhận hạ võ khí qui hàng, xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Sau đó Võ Tánh tự thiêu, còn Ngô Tòng Châu uống thuốc độc quyên sinh (tháng 7 năm 1801).

Sau khi vào thành, Trần Quang Diệu ngưỡng mộ sự trung dũng của đối phương, sai người tẩm liệm thi hài Võ Tánh (và Ngô Tòng Châu) một cách đàng hoàng chớ không phải nuốt lời hứa mà đạp trên mồ mả bên thua trận!
Trần Quang Diệu không bắt nhốt hàng binh vào trại, tha toàn bộ, và các hàng binh ai nấy được trở về quê làm ăn bình thường, yên ổn.

Noi theo gương tiền nhân cao thượng, không sa vào thói tỵ hiềm quan điểm, nên ở miền Nam VN hồi trước 1975 đã trân trọng lấy tên cả hai vị bên thắng lẫn bên thua mà đặt tên cho trường học.

II/ Cũng vậy, đối với Hoàng đế Quang Trung và Hoàng đế Gia Long. Cả hai vị lúc sinh thời đánh nhau chí tử, nhưng hậu thế không bao giờ hỗn xược đến mức phủ định tiền nhân sạch trơn. Quang Trung lẫn Gia Long đều được trân trọng lấy tên đặt cho trường học.

Bởi vì nếu không có Quang Trung từ Đàng Trong (miền Nam) kéo quân ra Đàng Ngoài (miền Bắc), lấy ai đuổi giặc Thanh ra khỏi Thăng Long mà triều đình ngoài Bắc quì mọp rước giặc Tàu?

Bởi vì nếu không có Gia Long, lấy ai nối liền non sông thành một dải sau 175 năm phân rẽ hai miền Đàng Trong / Đàng Ngoài (1627-1802)?

III/ Giáo dục là sự nghiệp LÂU BỀN, TRƯỜNG CỬU chớ không thể đặt cược vào thời thế chánh trị nay lên mai xuống, vận mệnh của bất luận triều đại / thể chế nào cũng không lâu dài cho bằng vận mệnh của cả đất nước.

Bẻ cong lịch sử là điều tối kỵ trong giáo dục.
Bởi nếu giáo dục làm như vậy thì xoay như chong chóng, nay thế này mai thế khác, thầy trò có nước chạy theo bở hơi tai, dạy và học sao nên người?

Đó, ngay cái chuyện đặt tên cho trường học, vì thuộc lãnh vực giáo dục lâu bền nên cân nhắc, suy nghĩ rất kỹ. Quí bạn chú ý: không hề thấy tên TT Ngô Đình Diệm của đảng Cần lao Nhân vị, không hề thấy tên TT Nguyễn Văn Thiệu của đảng Dân Chủ được đặt tên cho các trường công lập của chánh phủ - mặc dù mấy ổng toàn cỡ nguyên thủ thì... cũng mặc kệ.

Ta nói giáo dục là quốc sách chớ có ai nói là "đảng sách" bao giờ đâu.

TẠM THAY LỜI KẾT
"Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Nếu còn giữ dòng máu VN, ắt phải nhớ tới câu ca dao bầu bí - ngoại trừ những kẻ tuy xác Việt nhưng mang hồn nước "lạ" nên miệt thị, chỉ trích tiền nhân.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
----------------------------------------------------------------------------
Trước năm 1975, trong hệ thống trường học có nơi đặt tên vua Gia Long, lại cũng có nơi đặt tên vua Quang Trung.







 

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Đồng bào tôi, miền Nam Việt Nam: Nỗi đau bị vùi lấp

 ĐỒNG BÀO TÔI, MIỀN NAM VIỆT NAM: NỖI ĐAU BỊ VÙI LẤP

(Stt này không nói đến những người cầm súng ở cả hai miền Nam, Bắc đã ngã xuống trong lúc đánh nhau. Mà nhấn mạnh đến số phận NGƯỜI DÂN VÔ TỘI)
*&*
Nạn nhân chiến tranh ngoài Bắc, suốt mấy chục năm qua, báo đài trong nước CHXHCN VN không ngừng nói tới. Nhưng, tại sao không nói lời thương tiếc đối với người dân vô tội ở miền Nam Việt Nam chết tức tưởi trong cuộc chiến?

Theo số liệu do VNDCCH đưa ra: vào năm 1972, trong 12 ngày đêm Mỹ thả bom, có khoảng 1.400 người chết. Trong khi đó, tại Huế trong tết Mậu thân 1968, có nhiều số liệu cho rằng có từ 4.000 cho tới 7.000 người dân gục ngã. Tôi lấy số liệu ít nhứt, cỡ 4.000 người.
Lẽ nào 1.400 người chết tại Hà Nội được tưởng niệm, được gọi là nạn nhân chiến tranh, còn 4.000 người dân chết tại Huế thì không được gọi là "nạn nhân chiến tranh", không có lấy lời thương tiếc và kỷ niệm sau ngày hai miền Nam Bắc hợp làm một?

Người dân cày sâu cuốc bẫm, người dân buôn thúng bán bưng, họ không có một tấc sắt trong tay, không võ khí, hết thảy đều là đồng bào. Sao không biết thương xót?

*&*
Đó là chưa kể có một sự tréo ngoe. Cách đây mấy năm, có một bộ phim ở trong nước giải thích rằng hàng ngàn người chết tại Huế vào tết Mậu Thân, là chết dưới bàn tay dàn dựng từ phía Việt Nam Cộng Hòa . Ồ, cứ dựa theo lập luận "dàn dựng" này, lại càng cần phải tưởng niệm 4000 người dân chết tức tưởi tại Huế mới phải!
Tréo ngoe ở chỗ: chỉ thương tiếc 1400 người chết ngoài Bắc dưới mưa bom năm 1972, nhưng không thương tiếc 4000 người dân Huế chết trong tết Mậu Thân 1968.

*&*
Ở miền Bắc sống trong tình trạng chiến tranh (bị thả bom) theo từng đợt mà thôi (cả thảy gần mười đợt "chiến dịch" thả bom).
Trong khi đó, người dân ở miền Nam hứng chịu chiến tranh ra sao? Trong suốt ròng rã 21 năm, không dưới 7.000 ngày, mà ngày nào cũng nơm nớp bị mìn nổ trên quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ; hoặc bị trúng lựu đạn trên đường phố, trong rạp hát, trong quán xá; hoặc bom rơi đạn lạc, pháo kích rầm trời (trong những trận chiến lớn từng khu vực).
Kinh khủng lắm, đã có ai thống kê số liệu người dân miền Nam bị thương vong, bị chết để thấy cho bằng hết nỗi đau của đồng bào miền Nam Việt Nam?

Bao nhiêu - hàng chục ngàn, trăm ngàn, hay cả triệu oan hồn vất vưởng?

*&*
Cứ đành gọi là do đạn pháo vô tình thôi.
Đồng bào miền Nam của tôi - những người không cầm súng, họ chỉ là nông dân cày sâu cuốc bẫm, họ chỉ là những người buôn thúng bán bưng, họ buộc phải gánh tội về chính cái chết của họ hay sao?

Khói lửa chiến tranh đã nguội, đến nay, là 45 năm rồi.
Điều làm cho tôi, và cho rất nhiều người nữa, quan tâm vào lúc này và sắp tới là: Bao giờ mới thôi đi sự vô tình vô tâm trước nỗi đau của đồng bào nơi này nơi kia?

"Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Một khi đầu óc hỏng bét, một khi trái tim khô cạn tình người thì đất nước Việt Nam này sẽ đi về đâu?

*&*
Thật khó để vỗ tay reo hò trên xác chết của biết bao người dân vô tội, họ đã tức tưởi gục ngã trong chiến tranh, và trở thành vong hồn vất vưởng suốt 45 năm trên quê Mẹ đau thương.

Vì lẽ đó, xin hãy cúi đầu trước những nỗi đau còn bị vùi lấp của đồng bào miền Nam. Cùng nhau, chúng ta đặt niềm tin vào lòng trắc ẩn và sự công bằng trước lịch sử.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt





 

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Linh mục Félix Frison (Hoàng)

 

Linh mục Félix Frison (Hoàng)

-         Sinh ngày 21. 01. 1862 

-         Tại Argancy, giáo phận Metz, Pháp quốc

-         Năm 1872 học Tiểu chủng viện

-         Năm 1880 học Đại chủng viện

-         Ngày 12. 09. 1882 gia nhập chủng viện thừa sai, chịu chức cắt tóc.

-         Thụ phong linh mục ngày  27. 09. 1885

-         Ngày 02. 12. 1885 đi giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn)

-         Ngày 06. 01. 1886 đặt chân đến Sài Gòn

-         Đức cha Isiđôrô Colombert gởi đi học tiếng Việt ở Cái Nhum trong 1 tháng, sau đó làm giáo sư trường Taberd cùng coi sóc họ Chợ Đũi đến tháng 08 năm 1886.

-         Sau đó được bổ đi Cái Mơn học tiếng Việt trong 1 năm và trở lại làm giáo sư trường Taberd đến cuối năm 1887.

-         Tháng 01. 1888  -  01. 1889: làm giáo sư ở chủng viện Sài Gòn

-         Từ 30.01.1889 – 30.08.1891: Chánh sở Tha La

Cha Frison hướng dẫn, giúp phương tiện cho giáo dân khai phá rừng để trồng trọt cày cấy. Cha đã mở mang nước Chúa từ họ đạo Tha La đi đến thành lập họ đạo Rạch Gốc, Rạch Thiên.

Thành lập họ đạo Hiệp Hoà. Năm 1891, Cha Hoàng, là cha sở họ đạo Tha La, cùng với khoảng 40 giáo dân thuộc họ Rạch Thiên, đi ra vùng sông để khẩn đất từ kinh Rạch Thiên đến kinh Rạch Thổ Định. Và khi đến ấp Tân Hoà, xã Hiệp Hoà, cha dừng chân, khai hoang và thành lập họ đạo mới Hiệp Hoà. Sau đó cha P. Clair Đem theo nhiều giáo dân từ những họ Búng, Lái Thiêu, Bình Sơn, Tân Qui sang và chia đất cho họ canh tác. Năm 1895 có được 200 người.

-         Từ 01.09.1891 – 01. 1894: Phó sở Cái Mơn. Giám sát họ Cái Bông. Khi đó Cái Mơn bao gồm cả địa sở Bến Tre và Cái Bông, vv.

-         Từ tháng 01. 1894 – 12.1895: Chánh sở Bến Tre

Năm 1894, Cha Hoàng (P. Frison) là Cha sở họ Bến Tre thay Cha Êphêsô Nguyễn Ngọc Thích. Lúc đó có nhiều người xin vào Đạo, vì bổn đạo đã khá đông nên cuối năm đó cù lao Bến Tre và mấy họ Đạo thuộc về Bến Tre đã tách ra lập thành Địa sở Bến Tre, không còn thuộc Địa sở Cái Mơn nữa. Lúc này bổn đạo Bến Tre được 188 người, và nhà thờ cũ không còn tốt nữa nên Cha Hoàng cho xây cất nhà thờ mới năm 1894. Sau đó ông Lê Quang Hậu lại dâng thêm cho nhà thờ 2 mẫu đất nữa tại Thị xã Bến Tre (Hội truyền giáo Paris đứng bằng khoán).

-         Tháng 12- 1895 – 02. 1900: Chánh sở Búng

-         Từ 30. 02.1900 – 1939: Chánh sở Mặc Bắc

Cha làm cha sở Mặc Bắc lâu đời nhất, 38 năm. Cha đã sửa lại trần Nhà thờ, sửa lại hai tháp chuông lên cao và chắc chắn. Ngài gìn giữ đất nhà chung, bênh vực bổn đạo với chính quyền Pháp và bảo vệ con chiên triệt để. Năm 1908 cha Frison (Hoàng) sửa hai ngôi trường họ bằng gạch lợp ngói. Đến 1925 ông G.B Nguyễn Văn Ứng (gọi là thầy giáo Hiện) được cha sở Hoàng chỉ định làm Hiệu Trưởng cả hai trường và dạy học theo chương trình của nhà nước bấy giờ. Lúc làm sở Mặc Bắc có lần bổn đạo báo tin cho cha hay là có cọp về trên mé rừng Đồng Lác. Cha mang súng hai nòng đi bắn cọp. Mặc dù đi đâu cha vẫn mặc áo dòng bằng xuyến. Bắn cọp phát thứ nhất cọp bị thương. Cọp phóng tới chụp cha. Cha bắn phát thứ hai đạn không nổ. Cha phải dí đầu súng vào họng cọp. Cọp cào cha rách áo dòng. Khi ấy bổn đạo đi theo có sẵn mác thông cầm tay nhào vô đâm cọp chết. Cha không bị thương tích gì hết. Cha sống rất đơn sơ giản dị trầm tĩnh tắm ao hồ trong đêm khuya, uống nước lã trong cái bình con gà rất cỗ. Năm 1935 họ Mặc Bắc tổ chức mừng lễ kim khánh cha hết sức long trọng ngày 20/11/1935. Khi chia địa phận thì cha đổi về Thủ Dầu Một (20/10/1938) lại cất nhà thờ và qua đời tại đó. (trích lịch sử họ đạo Mắc Bắc)

Năm 1935 : Cha mừng lễ vàng (Kim khánh) linh mục, đồng thời giáp 100 năm Thánh Marchand Du tử đạo (20/11/1835) ĐGM Dumortier, 16 thừa sai và 37 linh mục bản xứ tham dự. Tối hôm lễ mừng có cuộc bắn pháo bông lớn trước 10.000 người đến xem.

Lúc Cha kiêm họ Rạch Vồn: Đến 1922, cha sở Hoàng có một cặp ngựa, một con ngựa kim và một con ngựa bạch, khi đi làm lễ Rạch Vồn thì cha cỡi ngựa còn đi làm lễ ở các chỗ xa thì cha đi bằng chiếc canot có máy chạy xăng.

-         Từ năm 1939 – 1947: Chánh sở Thủ Dầu Một

Sau khi ở Mặc Bắc cha Frison được đổi về Thủ Dầu Một. Ngài xây nhà thờ Thủ, là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Phú Cường. Phải mất nhiều năm và tiền tài của gia đình Ngài, cộng với nhóm thợ ở Mặc Bắc xây dựng theo mẫu nhà thờ Mặc Bắc. Nhà thờ này được làm phép và khánh thành ngày thứ tư 23/07/1947

-         Qua đời ngày 29.06.1947, hưởng thọ 85 tuổi.


Chữ ký vào Sổ Rửa tội của cha Frison ở Búng