Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

"Non cao" Israel & "Vực thẳm" China - Vì sao?

Từ những sáng tạo được giải Nobel:
"NON CAO" ISRAEL & "VỰC THẲM" CHINA - VÌ SAO?
* Đây là minh chứng tiêu biểu về sự tương phản giữa hai nền văn minh (là văn minh gì?).

1/ TẠI "QUỐC GIA DO THÁI" & TẠI "CHND TRUNG HOA" (TRUNG CỘNG):
Dân số tại CHND Trung Hoa có khoảng 1 tỉ 437 triệu người, trong khi đó dân số tại Quốc gia Do Thái (State of Israel) chỉ vỏn vẹn khoảng 8 triệu 600 ngàn người - tức dân số nước này chưa bằng con số lẻ hàng chục triệu của Hoa lục. Nước Tàu đông khủng khiếp, gấp 163 lần.

NHƯNG suốt 70 năm của CHND Trung Hoa (Trung Cộng), từ cuối năm 1949 cho tới năm ngoái 2019, cả tỉ người mà CHỈ CÓ được vỏn vẹn 1 giải Nobel về khoa học (là Nobel Y học 2015) mà thôi.

Nằm ngoài khoa học, vỏn vẹn có 2 Nobel: Nobel Văn học 2012 cho Mạc Ngôn (Mo Yan), Nobel Hòa bình 2010 cho Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo). Éo le thay, Nobel Hòa bình này để... minh chứng cho một đóng góp gì từ mô thức Hoa lục vào nền hòa bình thế giới chăng? Không phải, mà ngược lại, nhà văn Lưu Hiểu Ba đòi hỏi giới cầm quyền Bắc Kinh phải tôn trọng phẩm giá của mỗi con người.

Trong khi đó, tại nước Israel nhỏ xíu, dân ít xịt (chỉ có 8 triệu 600 ngàn người) lại có tới 12 người được trân trọng trao giải Nobel - từ Nobel kinh tế cho đến Nobel Hóa học, Văn học, rồi Nobel Hòa bình!

2/ NGƯỜI DO THÁI & NGƯỜI HOA TRÊN TOÀN CẦU:
* Người Hoa sống rải rác ở hải ngoại có hơn 40 triệu người, quí bạn biết không, đã từng có 8 người nhận giải Nobel về khoa học. Trong khi cả tỉ người sống nhung nhúc tại Trung Cộng lại chỉ có vẻn vẹn 1 Nobel Y học 2015 trao cho bà Đồ U U (Tu Youyou).

Người Hoa tại Đài Loan (Trung Hoa dân quốc), dù dân số chưa tới 24 triệu, hãnh diện với sự có mặt của nhà bác học Lý Viễn Triết (Li Yuanzhe/hoặc ghi Yuan Tseh Lee) trong "bảng vàng" Nobel Hóa học năm 1986.

Những Nobel khoa học khác của người Hoa, còn gồm những ai nữa? Họ toàn định cư ở Mỹ, mang quốc tịch Mỹ (nếu ở Trung Cộng thì...tịt ngòi mọi sáng tạo hữu ích; ở Trung Cộng chỉ rành rẽ cái mửng "sáng tạo" ăn cắp, làm hại nhân loại). Xin kể:
Dương Chấn Ninh (Yang Zhenning) và Lý Chính Đạo (Li Zhengdao) - Nobel Vật lý 1957; Đinh Triệu Trung (Ding Zhaozhong/hoặc ghi Ting Chao Chung), Nobel Vật lý 1976; Châu Đệ Văn (Steven Chu/Zhu Diwen), Nobel Vật lý 1997; Thôi Kỳ (Daniel Chee Tsui/Cui Qi), Nobel Vật lý 1998; Tiền Vĩnh Kiện (Yonchien Tsien/Qian Yongjian), Nobel Hóa học 2008; Cao Côn (Charles Kuen Kao/Gao Kun), Nobel Vật lý 2009.

Ngoài ra còn có Nobel Văn học 2000 trao cho Cao Hành Kiện (Gao Xingjian; quốc tịch Pháp).

Trong khi đó, người Do Thái trên toàn cầu (gồm luôn lãnh thổ Israel, tổng cộng chưa tới 15 triệu người) lại chiếm lĩnh tới 200 giải Nobel (gồm đủ Vật lý, Hóa học, Sinh học, Kinh tế, Văn học, Hòa bình)!

3/ "VĂN MINH KHỔNG GIÁO" & "VĂN MINH DO THÁI GIÁO"

3a) Tập Cận Bình không ít lần chỉ thị "cần phải hấp thụ sức mạnh từ truyền thống Khổng giáo", "Khổng giáo gợi ý hữu ích cho việc trị quốc". Cả nước Trung Hoa cộng sản dấy lên "cơn sốt Khổng tử" ("Khổng tử nhiệt" 孔子).

Chẳng phải đợi đến Tập, mà từ xa xưa các chế độ chuyên chế ở Trung Hoa muốn củng cố quyền lực thì không thể không sử dụng Khổng giáo.

Trung Hoa định vị trong lịch sử bằng một nền văn minh của sự thống trị siêu đẳng: không nơi nào trên thế giới có nổi một mô thức thống trị cả biển người rất tinh vi, kéo dài hàng ngàn năm - được gọi là "VĂN MINH KHỔNG GIÁO"!

Khổng giáo răn dạy người ta tinh thần PHỤC TÙNG TUYỆT ĐỐI vào "Tam cương" của giềng mối trật tự chánh trị - xã hội.

Nhà văn Lưu Hiểu Ba, Nobel Hòa bình 2010, nhận định thẳng thừng: "Khổng tử là con chó nhà tang không chủ (nhà có tang, con chó mất chủ mà đi hoang, đi lạc). Nhưng nếu được kẻ cầm quyền nào tin dùng, thì chú chó không chủ kia trở thành chó gác cửa".
昨日丧家狗 今日看门狗 ("Tạc nhựt tang gia cẩu, kim nhựt khán môn cẩu": hôm qua là chó hoang nhà tang, hôm nay trở thành chó gác cửa).

Vai trò hàng đầu của trí thức là đem sở học để phục vụ triều đình.

3b) Trong những thời kỳ mà Khổng giáo chưa khống chế xã hội Trung Hoa như thời "Bách gia chư tử"; hoặc những thời kỳ tuy Khổng giáo đã trở thành mô thức cai trị nhưng vẫn còn cho phép những cách nhìn "tái đánh giá", "chỉnh đốn" học thuyết - tức vẫn còn được tự do suy nghĩ, lúc đó nhiều phát minh, tìm tòi khoa học có thể đâm chồi nẩy lộc.

Đến thời hiện đại, từ thập niên 50 trong thế kỷ 20 và bước qua thế kỷ 21, mọi sinh hoạt tư tưởng tại Trung Hoa trở thành đông cứng. Dù đất rộng và dân đông nhứt toàn cầu, nhưng Hoa lục trở nên kém cỏi trong "bảng vàng" Nobel các ngành khoa học!

Ngược lại, kết quả đáng phấn khởi hơn hẳn - đó là khi giới trí thức người Hoa sống trong những môi trường mà Khổng giáo không còn vai trò, như ở Mỹ; hoặc Khổng giáo không còn tuyệt đối như xưa mà chung sống trong lòng một xã hội đã hấp thụ tư tưởng dân chủ như Đài Loan.

3c) "Không tìm được giá trị siêu việt trong Khổng giáo" (nhà văn Lưu Hiểu Ba). Trong khi đó, ngược lại, sự xác tín vào giá trị siêu việt là nền tảng của VĂN MINH DO THÁI GIÁO!

Dân tộc Do Thái tản mác khắp nơi trên thế giới, trong cả ngàn năm, nói đủ thứ tiếng (ngôn ngữ của xứ sở bản địa), hòa huyết với nhiều sắc tộc (người Nga, người Anh, người Đức, người Mỹ, kể cả người da đen ở châu Phi .v.v...) NHƯNG họ vẫn giữ được "căn tính Do Thái". Là gì? Là dựa trên một nền tảng chung: Do Thái giáo cùng với những tập tục, lề luật, hợp thành "văn minh Do Thái giáo" (Judaism civilization).

Nền tảng của văn minh Do Thái giáo là khuyến khích sự tự do suy nghĩ, tự do khám phá những qui luật mà Thượng Đế (đấng Yaveh) đặt ra trong thế giới tự nhiên. Bởi vì Do Thái giáo dựa vào giá trị Siêu Việt, được thể hiện như sau: "Yaveh tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài" - hình ảnh của ý chí Tự Do và sáng tạo.

THAY LỜI KẾT
"Văn minh Khổng giáo" là văn minh của sự cai trị.
"Văn minh Do Thái giáo" là văn minh của sự sáng tạo.

"Văn minh Khổng giáo" tạo ra được một mô thức quyền lực cai trị siêu đẳng, về cơ bản là dựa trên sự vâng phục tuyệt đối giúp cho mô thức cai trị này kéo dài hàng ngàn năm.

"Văn minh Do Thái giáo" tạo ra được mối dây liên kết trong lòng những cộng đồng tản mác suốt ngàn năm lưu lạc, dựa vào ý chí tự do và ràng buộc trách nhiệm như hình với bóng.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-----------------------------------------------------------------
Hình thứ nhứt: Robert Aumann, quốc tịch Israel, Nobel Kinh tế 2005;

Hình thứ nhì: Arieh Warshel, quốc tịch Israel, Nobel Hóa học 2013

Hàng thứ ba: Shmuel Yosef Agnon, quốc tịch Israel, Nobel Văn học 1966;

Hình thứ tư: Shimon Perez, quốc tịch Israel, Nobel Hòa bình 1994;

Hình thứ năm: Lưu Hiểu Ba, quốc tịch CHND China, Nobel Hòa bình 2010







  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét