"VIỆT NAM CỘNG HÒA" (REPUBLIC OF VIETNAM)
Đây là cách gọi được dùng trong Công hàm của Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam gửi
đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đề cập về vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường
Sa - không dùng cụm chữ "ngụy quyền" (pseudo-government) vẫn thường
tuyên truyền trong nước suốt bao nhiêu thập niên.
Bởi vì nếu dùng chữ "ngụy quyền" để nói về
VNCH là tự rước lấy hậu quả bất lợi khó lường.
1/ Giới cầm quyền Bắc Kinh gửi công thư đến Liên Hiệp Quốc, cho biết họ yêu cầu
CHXHCN Việt Nam phải thực hiện nội dung ghi trong công hàm ngoại giao (a
diplomatic note) của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1958.
Còn VN? Đại diện thường trực của CHXHCN Việt Nam tại
Liên Hợp Quốc gửi công thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào
đầu năm 2018 (công thư đánh số A/72/692), trong đó nêu ra:
"Trung Quốc cố tình tham khảo một số tài liệu,
tuyên bố và ấn phẩm liên quan, bao gồm bức thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm
Văn Đồng, trong cuộc tranh luận với Việt Nam về các vấn đề chủ quyền là không
phù hợp với các sự kiện lịch sử và bối cảnh của thời kỳ 1954-1975 cũng như các
nguyên tắc giải thích luật pháp quốc tế và luật học. Trong giai đoạn lịch sử
đó, Việt Nam ở trong tình trạng phân ly. Chính quyền VIỆT NAM CỘNG HÒA đã tiến
hành các hoạt động nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa" (*)
2/ Vì sao phải dùng cụm chữ "Việt Nam Cộng
hòa" (Republic of Viet Nam) - mà không được gọi Sài Gòn là "ngụy quyền"
(pseudo-government)?
Khi dùng chữ "ngụy quyền Sài Gòn", tức là
cho rằng trong giai đoạn 1954-1975 VNDCCH (Việt Nam dân chủ cộng hòa) là chính
quyền hợp pháp và duy nhất trên toàn lãnh thổ VN (gồm cả những vùng lãnh thổ,
lãnh hải của chế độ Sài Gòn chỉ là "vùng tạm chiếm" mà thôi, "ngụy
quyền" không thể thủ đắc chủ quyền). Vậy nên, những tuyên bố của VNDCCH về
chủ quyền là có phạm vi trách nhiệm đối với toàn lãnh thổ VN.
Thành thử Bắc Kinh đòi chính quyền CHXHCN VN (kế thừa
chính quyền VNDCCH, kế thừa từ quốc kỳ cho đến quốc ca) phải thực hiện đúng với
nội dung đã ghi trong Công hàm 1958 là vì vậy (vì VNDCCH là ... chính quyền hợp
pháp duy nhất trên toàn lãnh thổ VN, nếu dựa vào quan điểm tuyên truyền chế độ ở
miền Nam VN là "ngụy quyền")!
3/ Bàn luận về nội dung của Công hàm 1958 là thuộc thẩm
quyền chuyên sâu của giới luật gia công pháp quốc tế, đây tôi không lạm bàn.
Mà ở đây, xin quí bạn cùng nhau lưu ý rằng: cần minh định trong giai đoạn
1954-1975 hiện hữu một thực thể là Việt Nam Cộng hòa! Với tư cách một thực thể
chính danh, VNCH có đầy đủ chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa.
Giờ này, năm 2020, đã 45 năm trôi qua sau khi dứt cuộc
chiến. Vậy mà vẫn còn những người thay vì gọi đúng đắn là VIỆT NAM CỘNG HÒA
(như, chí ít, ở phái đoàn ngoại giao của CHXHCN VN tại Liên Hiệp Quốc), lại cứ
bám vào điệp khúc tuyên truyền gọi chính thể tại miền Nam VN là "ngụy quyền
Sài Gòn".
Họ có hiểu làm vậy, là dại dột lắm không? Là chặt đứt chuỗi pháp lý trong tính
chất liên tục chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Đứt gãy về pháp lý (khi gọi "ngụy quyền SG") thì chẳng khác nào họ
đang "dâng cỗ" cho Bắc Kinh xơi gọn Hoàng Sa - Trường Sa!
Giờ đây, hễ ai còn nói "ngụy quyền SG" hoặc
là còn lơ mơ về mặt PHÁP LÝ, hoặc là tiếp tay cho Bắc Kinh.
------------------------------------------------------------------------
(*) Nguyên văn trong tiếng Anh của công thư số A/72/692 gửi Tổng thư ký LHQ:
""China’s deliberate reference to some related documents, statements
and publications, including the 1958 letter by late Premier Pham Van Dong, in
its argument with Viet Nam about sovereignty issues accords neither with
historical facts and contexts of the 1954–1975 period nor with the principles
of interpretation of international law and jurisprudence. In that historical
period, Viet Nam was in a state of division. It was under the authority of the
Republic of Viet Nam to conduct activities to affirm and protect Viet Nam’s
sovereignty over the Hoang Sa and Truong Sa archipelagos".
(Vào website của Liên Hiệp Quốc, mục
"Documents": đường link: https://undocs.org/pdf?symbol=en/A/72/692)
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét