ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thuộc dòng dõi người Việt

 TỔNG THỐNG HÀN QUỐC ĐẦU TIÊN THUỘC DÒNG DÕI NGƯỜI VIỆT

Nhớ lại có một lúc báo chí VN trong nước làm rần rộ về một nghiệp chủ người Hàn cùng bà con trong họ về thăm quê cha đất tổ ở Bắc Ninh - vì họ thuộc hậu duệ của Nhà Lý nước Việt xa xưa. NHƯNG, còn rỡ ràng hơn nhiều, cũng người Hàn, là hậu duệ đời thứ 26 của vua Lý Anh Tông thì ... báo chí VN không nhắc gì cho lắm (ngại nhắc đến?).

&1&

Ta nói Đại Hàn dân quốc (Dae Han min guk), còn gọi là Hàn Quốc (Han guk), bây giờ đã trở thành một quốc gia thăng tiến rỡ ràng, nằm trong khối G20.

Không thể không ngược dòng thời gian, trở lại với buổi đầu xây đắp nền móng cho quốc gia Đại Hàn - với vị Tổng thống đầu tiên: ông Lý Thừa Vãn ( ). Người Hàn gọi là Lee Sung Man (còn gọi Rhee Syng Man).

&2&

Hồi năm 1958, trong chuyến công du chính thức tới thăm Sài Gòn, Tổng thống Lý Thừa Vãn đã hội kiến với TT Ngô Đình Diệm của nền Đệ nhứt cộng hòa của Miền Nam VN. Lúc đó, TT Đại Hàn đã tuyên bố: TỔ TIÊN CỦA ÔNG LÀ NGƯỜI VIỆT.

Sau đó, đại sứ quán của Đại Hàn tại Sài Gòn đã cho biết:

"Tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Kiến Bình Vương Lý Long Tường - con của vua Lý Anh Tông nước Đại Việt (tức TT Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 26 của vua Lý Anh Tông).

Lý Long Tường cùng gia quyến vượt biển sang tới Cao Ly vào đầu thế kỷ thứ 13 để tránh quốc nạn".

(khi lật đổ nhà Lý, Trần Thủ Độ đã ra tay tàn sát rất nhiều người thuộc dòng dõi vua Lý)

Trong gia phả của dòng họ Lý bên xứ Hàn (gọi là "Lý Hoa sơn": Lee Hwa-san) cũng đã xác nhận rõ rành.

LÝ THỪA VÃN, ông là tiến sĩ chánh trị học tại ĐH Princeton và ĐH Havard, trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn. Vâng, người khởi đầu xây dựng nền Cộng hòa tại xứ sở kim chi lại thuộc dòng dõi Việt tộc!

TT Lý Thừa Vãn rất muốn về thăm quê cha đất tổ của các vua Lý ở Bắc Ninh. Nhưng không thể, vì hồi đó chính quyền Đại Hàn dân quốc chỉ đặt bang giao với chính quyền miền Nam (Việt Nam cộng hòa) chớ không bang giao với miền Bắc (Việt Nam dân chủ cộng hòa).

[mời quí bạn đọc tỉ mỉ về quá trình tìm hiểu gia phả của TT Lý Thừa Vãn: http://www.sugia.vn/.../di-tim-con-chau-thuyen-nhan-849... ]

* Mấy dòng về LÝ LONG TƯỜNG:

1) Hoàng tử Lý Long Tường (李龍祥, tiếng Hàn đọc là Lee Yong-sang) sinh năm 1174, con thứ bảy của vua Lý Anh Tông.

... Năm 1226 (lúc này nhà Lý đã bị lật đổ), Lý Long Tường đã bí mật về Kinh Bắc, vái lạy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn. Hoàng tử đã cùng 6.000 gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội.

Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường thì con trai là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại cùng 200 gia thuộc (theo một nguồn tin thì Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy là thuộc dòng dõi Lý Long Hiền người Việt, tuy nhiên giả thuyết này còn cần kiểm chứng kỹ lưỡng hơn trước khi kết luận).

Trên đường đi tiếp đoàn thuyền bị bão, dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly.

2) ... Vào năm 1231 Mông Cổ tiến đánh Cao Ly qua hai đường thủy bộ. Về đường thủy quân Mông Thát tiến vào tỉnh Hoàng Hải, nơi gia tộc của Lý Long Tường sinh sống.

Bấy giờ Lý Long Tường lãnh đạo gia thuộc, dân binh sát cánh cùng quân triều đình chặn đứng quân Mông Thát tại nơi đây. Ông thường cưỡi ngựa trắng đôn đốc binh sĩ, nên người dân địa phương thường gọi ông là "Bạch Mã tướng quân".

* Đến năm 1253, Mông Cổ lại tiến đánh Cao Ly lần nữa. Chiến thuyền và bộ binh Mông Cổ thắng lợi khắp nơi, nhiều tướng Cao Ly tử trận.

Trước tình hình bi đát, Kiến Bình vương Lý Long Tường đến yết kiến người nắm binh quyền cao nhứt tại Cao Ly (Thái úy Vi Hiển Khoan), để dâng kế sách "Binh pháp Đại Việt" cho ông.

Lý Long Tường đã dùng binh pháp Đại Việt để huấn luyện cho binh sĩ và dân chúng Cao Ly. Cuộc chiến chống Mông Cổ tại Hoàng Hải diễn ra suốt 5 tháng ròng rã, quân Mông Cổ rốt cuộc phải thoái lui, mưu đồ xâm lược Cao Ly bất thành.

Vua Cao Ly tưởng thưởng hoàng tử Lý Long Tường, và phong cho ông là "Hoa Sơn tướng quân" (Hwasan Sanggun), tên "Hoa Sơn" dựa theo tên núi nơi ông cư ngụ.

Ở Hoa Sơn, Lý Long Tường thường hay ngồi trên đỉnh núi nhìn về phương Nam mà khóc. Nơi ấy sau này được gọi là “Vọng quốc đàn”.

* Sự nghiệp rỡ ràng của hoàng tử Lý Long Tường người Việt, tức Hoa Sơn tướng quân của Cao Ly, đã được tiếp nối và lên chót đỉnh với hậu duệ đời thứ 25 - đó là Lý Thừa Vãn, Tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa tại Hàn Quốc!

(Ghi chú thêm: TT Lý Thừa Vãn, lúc sinh thời, không ưng chế độ xã hội chủ nghĩa)

--------------------------------------------------------------

Hình ảnh: TT Lý Thừa Vãn cùng Đại tướng McArthur (hình trên)

TT Lý Thừa Vãn đến thăm Sài Gòn, hội kiến với TT Ngô Đình Diệm (hình dưới, trái) ; Đền thờ Lý bát đế, quê hương của Nhà Lý, tại Bắc Ninh.



Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Kể chuyện "Duỵt Dành", "Xây Gồng" ở Hương Cảng

 Kể chuyện "Duỵt Dành", "Xây Gồng" ở Hương Cảng

1/ Bây giờ dịch viêm_phổi_Vũ Hán, khỏi đi đâu. Rồi nhớ linh tinh, trong đó có chuyện này lúc qua chơi Hương Cảng (Hong Kong).

Vào khách sạn, tôi bèn tự giới thiệu bằng chút tiếng Quảng Đông học lóm, "Ngộ sì Duỵt dành..." (tôi là người Việt). Viên quản lý cười, ổng cũng là "Duỵt dành" mà. Quá đã!

Sẵn trớn, nói thêm câu học lóm, "Ngộ lội chi Duỵt Nàm" (tôi đến từ Việt Nam). Viên quản lý bỗng đổi sắc mặt, không niềm nở gì nữa, coi bộ ánh mắt ổng mang hình viên đạn.

Gì lạ vậy trời?

Người Hương Cảng đa phần nói tiếng Quảng Đông, họ xưng họ là "Duỵt dành" (Việt nhân) mà "Duỵt" của họ viết là , còn "Duỵt" của VN là . Đọc lên in như nhau, tưởng đồng hương đồng họ người Việt, chỉ khi viết ra chữ thì mới biết ... không phải.

* Nghe tôi xưng "Duỵt Nàm" (Việt Nam), coi bộ ổng không vồn vã nữa. Thời may, người bạn làm bên công ty du lịch nói ngay: "Saigonese". Viên quản lý nghe vậy, vui vẻ trở lại.

Gì lạ vậy trời?

Tôi hỏi người bạn, Saigonese hay Saigoner, chữ nào mới đúng. Sao cũng được, miễn "Sài Gòn", người bạn đáp. Mà viên quản lý này cũng lớn tuổi nên ổng có ấn tượng tốt về Sài Gòn "hòn ngọc Viễn Đông" hồi trước năm 1975.

Đi đâu cũng nhớ xưng là "người Sài Gòn", người bạn dặn.

Ừa. Quá hay!

2/ Rồi, đi dạo chơi khu vực Sai Kung (西貢區), là 1 trong 18 Districts của Hương Cảng.

À, mở ngoặc nói ngay, nhiều người thấy ghi "district" bèn dịch là "quận". Không phải. "District" có nhiều nghĩa lắm đa, tùy vào người bổn xứ gọi "district" là gì, mà người Hương Cảng họ viết tiếng Hoa cho chữ district như ri: , nghĩa là "Khu" (họ không viết , tức "quận").

西 (âm Việt của hai chữ này là "Tây Cống"), người Hoa ở Hương Cảng họ đọc "Xây Gồng".

* Có cái này ngộ ơi là ngộ!

Người Hoa thuở ban sơ tới đất Sài Gòn (miền Nam VN) lập nghiệp, trong thế kỷ 18, họ biên địa danh này bằng chữ Hoa là 西 (âm Việt-Hán: Tây Cống)! Có một số người ba chớp ba nháng cho rằng nguồn gốc của tên gọi "Sài Gòn" là từ "Tây Cống" 西 . Trời đất, kêu bằng đảo ngược trình tự, đi lộn đầu rồi đa!

Cái danh xưng "Sài Gòn" có trước khi người Hoa tới đây lập nghiệp lận, được đọc trại ra từ gốc tiếng Cao Miên. Bởi vì đất này do bên vua Miên nhượng cho Chúa Nguyễn (cái ý nghĩa từ tiếng Miên ra sao, hẹn một bài viết khác).

Tới chừng người Hoa đến định cư, họ nghe di dân Việt ở đây nói "Sài Gòn" sẵn rồi, sau đó người Hoa mới đọc mài mại theo là "Xây Gồng".

Họ bèn ghi lại bằng chữ Hoa, trong tiếng Quảng Đông "Xây Gồng" được viết là: 西 .

* Trở lại chuyện đi thăm Sai Kung 西貢 (tiếng Quảng Đông phát âm là "Xây Gồng"). Cảnh vật nơi Xây Gồng nên thơ lắm (xem 2 hình đính kèm stt này), có ghe tấp nập, rồi có những biệt thự đón gió biển lồng lộng...

"Xây Gồng" bên Hương Cảng, nghe nói, địa danh này có từ thời nhà Minh, hoàn toàn là tiếng Hoa từ khởi thủy tới giờ.

Còn "Xây Gồng" ở Nam Kỳ lại có gốc "Sài Gòn" từ tiếng Cao Miên.

Nhưng, nếu bạn ưng nói bên Hương Cảng có hẳn hòi một vùng tên là SÀI GÒN, ưng nói "có một Sài Gòn trong lòng Hương Cảng", ai cấm? Nghe, khoái lỗ nhĩ.

Rồi... nhớ lại lời dặn của người bạn bên ngành du lịch: Đi đâu cũng nhớ xưng là "người Sài Gòn" nghen. Ừa. Quá hay! ./.

------------------------------------------------------------------



 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

Ba "Khu Tự Trị" chiếm đến 42% diện tích nước Tàu hiện nay

 BA "KHU TỰ TRỊ" CHIẾM ĐẾN 42% DIỆN TÍCH NƯỚC TÀU HIỆN NAY

* Vào thời Đại Thanh cầm trịch nước Tàu, theo bản đồ đính kèm (biểu tượng con rồng), bấy giờ cả 3 "Khu tự trị" (theo cách phân giới của chế độ Bắc Kinh hiện nay) thụ hưởng nền độc lập.

Rồi sự chiếm đóng nổ ra 1947 (Nội Mông), 1949-1950 (Tân Cương, Tây Tạng) khiến cho ba vùng lãnh thổ này bị rơi vào vòng phụ thuộc.

Người Mông Cổ, người Uyghurs (Duy Ngô Nhĩ), người Tạng không ngừng dấy lên phong trào đòi tự do và độc lập. Một khi 3 "Khu tự trị" nối lại nền độc lập từng có, lãnh thổ nước Tàu co lại, sẽ còn hơn phân nửa; đó là chưa kể cỏn 2 khu tự trị nữa (Hồi Ninh Hạ, Tráng Quảng Tây) thì ... diện tích thực thụ của nước Tàu chỉ còn cỡ phân nửa so với toàn bộ lãnh thổ chiếm hữu hiện nay.

* Trong các "Tự trị khu" (自治區), Chủ tịch Khu giao cho đảng viên người bản địa (người Mông Cổ, người Duy Ngô Nhĩ, người Tạng), nhưng lãnh đạo cao nhứt là Bí thư Khu đều do đảng viên CS người Tàu nắm hết thảy.

* Các tỉnh, thành phố của nước Tàu khi được ghi trong sách báo bằng Anh ngữ đều phiên âm theo cách gọi của người Tàu.

NHƯNG đối với thành phố thủ phủ trong 3 Khu Tự trị, vẫn gọi theo ngôn ngữ của người dân bản địa:

1/ Khu Tự trị TÂY TẠNG (diện tích 1,2 triệu km2), thủ phủ là thành phố LHASA, dựa vào cách đọc của người Tạng khi viết bằng chữ Tạng: ལྷ་ས་ (chuyển ngữ Hán tự 拉薩: Lạp Tát).

2/ Khu Tự trị TÂN CƯƠNG (diện tích 1,6 triệu km2), thủ phủ là thành phố URUMQI, dựa vào cách đọc của người Duy Ngô Nhĩ khi viết bằng chữ Ả Rập: ئۈرۈمچی‎ (chuyển ngữ Hán tự 烏魯木齊: Ô Lỗ Mộc Tề).

Người Duy Ngô Nhĩ đòi hỏi một nước độc lập, gọi là "Uyghurstan" ("-stan" nghĩa là lãnh thổ). Uyghurstan là lãnh thổ của người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ); hoặc gọi là "Đông Turkestan" - nghĩa là lãnh thổ của người Turk. Vì sắc dân Ughurs nằm trong một tộc lớn hơn là người Turk, sinh sống trong một số nước vùng Trung Á (và gọi "Đông" để phân biệt với Turkey, Thổ Nhĩ Kỳ, nằm về phía Tây).

3/ Khu Tự trị NỘI MÔNG (diện tích 1,2 triệu km2), thủ phủ là thành phố HOLHOT, dựa vào cách đọc của người Mông Cổ khi viết bằng chữ Mông Cổ truyền thống (chuyển ngữ Hán tự 呼和浩特: Hô Hòa Hạo Đặc).

Chế độ cầm quyền Bắc Kinh gọi đây là "nội Mông Cổ" (Inner Mongolia), ám chỉ nước Cộng hòa Mông Cổ là "ngoại Mông".

Người Mông Cổ sống trong Khu tự trị, tuy họ đang phải gọi "nội Mông" nhưng họ vẫn luôn ý thức đây chỉ là "NAM MÔNG CỔ" (Southern Mongolia), và mong mỏi sẽ tới lúc ráp lại với quê cha đất tổ ở phía bắc (tức Cộng hòa Mông Cổ).


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt