ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Tại sao lại nói “giao thừa”? Có phải đó là do “giao thời” nói trại ra không?


ĐỘC GIẢ: Tại sao lại nói “giao thừa”? Có phải đó là do “giao thời” nói trại ra không?

AN CHI: Trong bài “Nên hay không nên loại bỏ chữ Hán ra khỏi ngôn ngữ Việt”, Dã Lan Nguyễn Đức Dụ có cho rằng giao thừa là do giao thời mà ra (1). Đây là một sự nhầm lẫn. Giao thừa là tiếng Hán đích thực (ở đây là đọc theo âm Hán Việt) đã được Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng như sau: “Cũ giao lại, mới tiếp lấy – Lúc năm cũ qua, năm mới đến”. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng cũng giảng giao thừa như sau: “Tiếp nối nhau. Chỉ thời gian năm cũ hết, năm mới bắt đầu”. Vậy trong giao thừa, thì thừa có nghĩa là tiếp nối, tiếp nhận, chứ không phải do thời nói trại mà ra. Hai tiếng giao thừa có hàm ý tống cựu nghênh tân (đưa cũ rước mới) vì dân gian tin rằng mỗi năm điều có một ông hành khiển coi việc trần gian; cứ hết năm, đúng lúc giao thừa, thì ông tiền nhiệm bàn giao cho ông kế nhiệm. Vì vậy mà có cúng giao thừa để tiễn đưa ông cũ và đón tiếp ông mới. Chính là xuất phát từ quan niệm này mà Nguyễn Công Trứ đã làm hai câu đối Tết quen thuộc:
Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa;
Sang mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
 

1.     Xem Sông Hương, số 5, thnags 9 – 10, 1992, tr.86.

Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu

Tại đám cưới người ta hay trang trí hai con vật Long và Phụng và bảo là tượng trưng cho sự hòa hợp vợ chồng (?). Tại sao thế được, khi mà hai con vật hoàn toàn khác giống với nhau. Ở đâu đó, có người nói: con trống là Loan, con mái là Phụng. Vậy Loan – Phụng đúng hay Long – Phụng đúng?


ĐỘC GIẢ: Tại đám cưới người ta hay trang trí hai con vật Long và Phụng và bảo là tượng trưng cho sự hòa hợp vợ chồng (?). Tại sao thế được, khi mà hai con vật hoàn toàn khác giống với nhau. Ở đâu đó, có người nói: con trống là Loan, con mái là Phụng. Vậy Loan – Phụng đúng hay Long – Phụng đúng?

AN CHI: Phụng hoàng là một giống chim huyền thoại mà theo mô tả thì thuộc loại gà (gallinacé), được Đổng Tác Tân đồng nhất với con công. Phụng là con trống, hoàng là con mái. Còn loan chỉ là một giống chim được mô tả là giống như phụng hoàng mà thôi. Vậy loan không là con trống và phụng không là con mái (vì nó là trống) trong cặp loan – phụng.
Trong Hán ngữ, hai tiếng loan phụng được dùng để chỉ các nghĩa mà Từ hải đã cho như sau:
1. để chỉ những người trung nghĩa (dĩ dụ thiện loại),
2. để chỉ người tài giỏi xuất sắc (dĩ dụ anh tuấn chi nhân)
3. để chỉ vợ chồng (dĩ dụ kháng lệ)
Do nghĩa 3 mà có các thành ngữ như:
- loan phụng hòa minh (loan phụng cùng hót) để chỉ vợ chồng hòa hợp,
- loan tiên phụng giản (tờ loan thẻ phụng) để chỉ giấy tờ hôn sự của cô dâu chú rể.
Tuy nhiên, nghĩa 3 chỉ là nghĩa ẩn dụ mà thôi vì loan không phải là con mái của con phụng. Vì con loan không phải là con phụng mái nên trong đám cưới người ta không thể trang trí con loan con phụng cho thành cặp thành đôi được.
Ngược lại, trong đám cưới người ta trang trí con long (rồng) và con phụng vì đây là hai con vật trong hàng tứ linh tượng trưng cho sự cao sang và điềm cát tường. Tên và hình của chúng thường đi chung với nhau. Vì thế mà có các thành ngữ như:
- long bàn phụng dật (rồng nằm phụng núp) để chỉ người có tài mà chưa gặp thời,
- long dược phụng minh (rồng nhảy phụng hót) để chỉ tài ba phát tiết ra ngoài,
- long chương phụng tư (vẻ rồng dáng phụng) để chỉ sự cao nhã, hào phóng,
- long phụng trình tường (rồng phụng mang điều lành đến) để chỉ vận số cực hảo, hoặc,
- long đầu phụng vĩ (đầu rồng đuôi phụng) để chỉ sự tốt đẹp tự thủy chí chung.
Vậy hình con long con phụng trang trí trong đám cưới là tượng trưng cho sự cao sang vốn là ước muốn chính đáng của mọi người, nhất là tượng trưng cho ý long đầu phụng vĩ vốn là một lời chúc bằng hoa lá tươi đẹp (dùng để kết thành hình long phụng) cho đôi tân lang và tân giai nhân được mãi mãi hạnh phúc từ phút tân hôn cho đến đầu bạc răng long.

Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-2-1993

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Xin giải thích tích "Nằm giá - khóc măng".


ĐỘC GIẢ: Trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, tác giả Nguyễn Lân đã giảng câu Nằm giá khóc măng như sau: “Theo một truyện trong Nhị thập tứ hiếu, một người con có hiếu đi kiếm măng cho mẹ, không thấy măng, nằm trên tuyết khóc, măng thương tình(!) mọc lên cho anh lấy”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì nằm giá và khóc măng là hai tích khác nhau. Xin nhờ giải đáp giúp.

AN CHI: Vâng, ông đã nhớ không nhầm. Đó là hai tích khác nhau được tác giả Nguyễn Lân gộp lại làm một. Anh nằm giá là Vương Tường đời Tấn. Mồ côi mẹ, phải sống với dì ghẻ độc ác, Vương Tường vẫn một lòng hiếu thảo. Có lần đang mùa đông nước đóng băng mà dì ghẻ thèm ăn cá tươi, Vương Tường phải cởi trần mà nằm trên giá để chờ bắt cá. Tự nhiên thấy băng nứt đôi rồi từ dưới khe nứt có hai con cá chép nhảy lên. Vương Tường bắt đem về cho dì ghẻ ăn và nhờ đó mà cảm hóa được mụ này. Còn anh khóc măng lại là Mạnh Tông đời Tam quốc, mồ côi cha và chí hiếu với mẹ. Đang mùa hiếm măng mà mẹ bệnh lại thèm ăn măng. Không biết làm cách nào, Mạnh Tông đành ra ngồi ở bụi tre to sau vườn mà khóc. Bỗng chốc có mấy mụt măng từ dưới đất mọc lên, Mạnh Tông xắn măng đem vào làm thức ăn cho mẹ. Nhớ thế mà mẹ khỏi bệnh.

Vậy nằm giá và khóc măng là chuyện của hai anh chứ không phải của một anh và “nằm giá khóc măng” phải được viết có dấu phẩy sau vế trước thành “nằm giá, khóc măng” chứ không phải “liền mạch” như Nguyễn Lân đã viết!

Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-2-1993

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

“Bánh vẽ” là bánh gì?


ĐỘC GIẢ: Trước đây tôi cứ tưởng bánh vẽ là do người ta tưởng tượng mà vẽ ra nên hai tiếng “bánh vẽ” mới dùng để chỉ cái gì không có thật. Nhưng trên Tuổi trẻ chủ nhật sô 28-1992 (19-7-1992), trang 20, tác giả bài “Bánh vẽ” là Đức Văn Hoa lại viết rằng đó là “một món bánh đặc sản cổ truyền của Làng Vẽ, thôn Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội ngày nay” và câu ví:
Khát nước đứng cạnh bờ ao
Đói ăn bánh vẽ chiêm bao được vàng
Chính là đã nói đến thứ bánh đó của làng Vẽ.

AN CHI: Trong bài “chữ và nghĩa” (Ngôn ngữ, số 1, 1969, tr.85-89), nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã từng nói như Đức Văn Hoa. Khác nhau là ở chỗ Nguyễn Công Hoan nói rằng bánh vẽ là loại bánh “thu đa nhập thiểu” vì nó “to gần bằng quả ping pông, nhưng khi ăn, bỏ vào miệng, bánh có nước dãi làm tan ra thì nó chỉ tóp lại có một tí” còn Đức Văn Hoa thì nói rằng đó là loại bánh “nạp thiểu thu đa” vì “ bánh vẽ khi chưa rán chín sẽ nở phồng to như cái chén uống nước!” Nguyễn Công Hoan còn đề nghị viết hoa chữ “v” thành “V (ê)” nữa! Nhưng cả Nguyễn Công Hoan lẫn Đức Văn Hoa đều không có lý: bánh làng Vẽ, dù là “thu đa nhập thiểu” hay “nạp thiểu thu đa” thì cũng là một thứ bánh có thật còn bánh vẽ lại là một thứ bánh “hư” tuyệt đối, nghĩa là hoàn toàn không thật!.

Bánh vẽ là một đơn vị từ vựng tiếng Việt ra đời bằng hình thức vay mượn theo lối dịch nghĩa (tiếng Pháp: calque, tiếng Anh: calque, heteronym, loan translation hoặc translation loan word) từ Hán họa bỉnh. Sách Tam quốc chí, phần Ngụy chí, truyện Lư Dục, có đoạn câu sau đây: “Tiếng tăm như bánh vẽ trên đất, không thể ăn được” (Danh như họa địa tác bỉnh, bất khả đạm dã). Sách Truyền đăng tục cũng có ghi lại lời nói của Trí Nhàn: “Bánh vẽ không thể làm cho hết đói” (Họa bỉnh bất khả sung cơ). Thơ của Lý Thương Ẩn cũng có câu: “Cấp bậc (của quan) như bánh vẽ” (Quan hàm đồng họa bỉnh). Thành ngữ họa bỉnh sung cơ (vẽ bánh mà làm cho nguôi cơn đói) vẫn còn tồn tại trong tiếng Hán hiện đại. Huình-Tịnh Paulus Của cũng đã giảng trong Đại Nam quấc âm tự vị như sau: “Bánh vẽ. Cuộc dối giả, chữ gọi là họa bỉnh”. Vậy điều mà bạn đã “tưởng” chính lại là điều hoàn toàn đúng sự thật và bánh vẽ chẳng có liên quan gì đến bánh của làng Vẽ cả.

Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-2-1993

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Tại sao lại nói “con gái con đứa” để chỉ con gái và “đàn ông đàn ang” để chỉ đàn ông?


ĐỘC GIẢ: Tại sao lại nói “con gái con đứa” để chỉ con gái và “đàn ông đàn ang” để chỉ đàn ông?

AN CHI: Từ điển tiếng Việt 1992 giảng rằng con gái con đứa, là một lối nói của khẩu ngữ hàm ý chê bai để chỉ con gái nói chung. Đây chỉ là cách giảng theo nghĩa hiện đại. Còn xét về về lịch đại thì con gái con đứa lại có nghĩa là con gái con trai. “Trai” là nghĩa xưa của đứa. Nghĩa này đã biến mất khỏi tiếng Việt hiện đại nhưng trong tiếng Mường – một ngôn ngữ cùng gốc với tiếng Việt – thì đứa vẫn còn có nghĩa là “trai”(1). Vì không còn biết được nghĩa của đứa nữa nên người ta mới dùng cụm từ con gái con đứa để chỉ con gái một cách khái quát.

Trường hợp của đàn ông đàn ang cũng tương tự. Ang là một biến thể ngữ âm của áng trong áng náTừ điển Việt – Bồ - La của A. de Rhodes và Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Pailus Của đều giảng là “cha mẹ”. Vậy ang là cha và đàn ông đàn ang là bậc ông bậc cha (so sánh với đàn anh đàn chị, chẳng hạn). Vì không còn biết nghĩa của ang là gì nữa, nên người ta mới dùng cụm từ trên đây mà chỉ đàn ông nói chung, có hàm ý đùa cợt, tưởng rằng ở đây đàn ông đối nghĩa với đàn bà và cụm từ đang xét là một kiểu từ lấp láy (mà không ngờ rằng ở đây đàn ông là “bậc ông”, cũng như đàn anh là “bậc anh” và đàn chị là “bậc chị”.
 

1.     Xem, chẳng hạn, N.K. Sokolovskaja, Nguyễn Văn Tài, Jazuk mương, Moskva, 1987, tr.189, từ 1830.

Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-2-1993

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Chữ D.C. sau chữ Washington (Washington D.C ) là chữ gì?


ĐỘC GIẢ: Chữ D.C. sau chữ Washington (Washington D.C ) là chữ gì?

AN CHI: D.C. là hai chữ cái đầu của District (of) Columbia. District of Columbia là một hạt liên bang, khác với Columbia là thủ phủ của bang South Carolina. Vì Washington, thủ đô Hoa Kỳ, nằm trong hạt liên bang Columbia nên người ta thường viết Washington D.C. để phân biệt nó với Washington là tên của một bang ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ mà thủ phủ là Olympia.

Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-2-1993

“Tiền cheo” là tiền gì?


ĐỘC GIẢ: “Tiền cheo” là tiền gì?

AN CHI: Trong Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh đã liên hệ lệ nộp cheo ở Việt Nam với tục lan nhai (chặn đường) của Trung Hoa. Còn Phan Kế Bính thì đã nói rõ như sau: “Lệ cưới xin phải nộp tiền lan nhai cho làng, tục gọi là nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc, gọi là cheo nội, người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc dăm sáu đồng hoặc mươi đồng hoặc một vài chục, tùy tục riêng từng làng, gọi là cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền, bắt nộp bằng gạch bát tràng, hoặc nơi thì bắt nộp bằng mâm đồng, bát sứ, tùy làng cần dùng thức gì thì nộp thức ấy chớ không nộp tiền, nhưng chiếu giá tiền thì cũng tương đương nhau. Ngoài lệ cheo làng, lại có lệ cheo hàng xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn, hoặc năm ba tiền kẽm hoặc một vài quan hay một hai đồng bạc, vv.. Hễ có cheo rồi mới thành gia thất. Cheo tức là ý phân bua với làng nước. Lấy nhau đã có cưới cheo là sự hôn thú phân minh, về sau vợ chồng có điều gì không dễ mà ly dị được nhau và người ngoài cũng không có phép mà cạnh tranh được nữa” (1) Thế là Phan Kế Bính đã nói rất rõ về khái niệm cheo. Nhưng việc cả ông lẫn Đào Duy Anh liên hệ lệ nộp cheo với tục lan nhai thì lại là một việc không đúng. Lan nhai (chặn đường) là một tục lệ khác mà chính Phan Kế Bính cũng có nói đến khi ông mô tả lệ giăng dây: “Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải, lụa đỏ giăng ngang giữa đường, đám cưới đi đến phải nói tử tế mà cho chúng nó vài hào thì chúng nó mới cởi dây cho đi. Chỗ thì chúng nó bày hương án, chờ đi đến, đốt một bánh pháo ăn mừng, chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xuôi. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ, cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng đáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải cho” (2). Đây mới đích thị là tục lan nhai.
 

1. Việt Nam phong tục, Nxb. Đồng Tháp, 1990, tr.180 – 181
2. Sđd, tr. 59.

Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 1-2-1993

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

“Ba hồn bảy vía” là những hồn nào, vía nào? Tại sao có người còn cho rằng đàn ông có bảy vía mà đàn bà lại có tới chín vía?


ĐỘC GIẢ: “Ba hồn bảy vía” là những hồn nào, vía nào? Tại sao có người còn cho rằng đàn ông có bảy vía mà đàn bà lại có tới chín vía?

AN CHI: Ba hồn bảy vía là một quan niệm xuất phát từ Trung Hoa. Đây là một quan niệm của Đạo giáo. Tiếng Hán là tam hồn thất phách. Sách Bảo Phác Tử của Cát Hồng đời Tấn có viết: “Muốn trở nên thần thông thì phải luyện phép chia minh bằng nước, lửa. Chia mình được thì thấy được ba hồn bảy vía của bản thân”. Sách Vân cập thất tiêm của Trương Quân Phòng đời Tống nói rõ ba hồn là: thai quang, sảng linh và u tinh còn bảy vía là: thi cẩu, phục thỉ, tước âm, thôn tặc, phi độc, trừ uế và xú phế.

Sự phân biệt bảy vía của đàn ông với chín vía của đàn bà có thể chỉ là do một số người Việt Nam đặt ra. Họ giải thích rằng sở dĩ như thế là vì đàn ông có bảy lỗ mà đàn bà thì có chín lỗ. Bảy lỗ thì bảy vía còn chín lỗ thì chín vía. Bảy lỗ ứng với bảy vía thì đúng với quan niệm của dân gian cho rằng đó là bảy hồn bóng: bóng nhìn, bóng nghe, bóng thở và bóng nói. Hai lỗ mắt để nhìn, hai lỗ tai để nghe, hai lỗ mũi để thở và lỗ miệng để nói thì đúng là bảy lỗ. Bảy lỗ này thì đàn ông và đàn bà đều có. Còn chín lỗ là những lỗ nào? Là bảy lỗ trên cộng với lỗ tiểu tiện và lỗ đại tiện. Vậy chẳng có lẽ đàn ông thì không có hai lỗ này chăng? Rõ ràng cách phân biệt đàn ông bảy lỗ với đàn bà chín lỗ là điều vô lý: về phương diện này thì nam nữ “tuyệt đối bình đẳng”.

Nhưng do đâu mà lại có quan niệm trên đây? Có thể là do một sự hiểu nhầm. Tiếng Hán gọi bảy lỗ là thất Khiếu và chín lỗ là cửu khiếu. Trong cửu khiếu thì bảy lỗ trên gọi là thượng khiếu còn hai lỗ dưới gọi là hạ khiếu. Thượng khiếu cũng gọi là dương khiếu còn hạ khiếu gọi là âm khiếu. Chúng tôi ngờ rằng người ta đã hiểu nhầm âm khiếu là lỗ… riêng của phụ nữ, nên mới cho rằng đàn bà hơn đàn ông hai lỗ. Có lẽ vì thế mà sinh chuyện “nam thất nữ cửu” chăng?

Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 1-2-1993