ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Xin giải thích tích "Nằm giá - khóc măng".


ĐỘC GIẢ: Trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, tác giả Nguyễn Lân đã giảng câu Nằm giá khóc măng như sau: “Theo một truyện trong Nhị thập tứ hiếu, một người con có hiếu đi kiếm măng cho mẹ, không thấy măng, nằm trên tuyết khóc, măng thương tình(!) mọc lên cho anh lấy”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì nằm giá và khóc măng là hai tích khác nhau. Xin nhờ giải đáp giúp.

AN CHI: Vâng, ông đã nhớ không nhầm. Đó là hai tích khác nhau được tác giả Nguyễn Lân gộp lại làm một. Anh nằm giá là Vương Tường đời Tấn. Mồ côi mẹ, phải sống với dì ghẻ độc ác, Vương Tường vẫn một lòng hiếu thảo. Có lần đang mùa đông nước đóng băng mà dì ghẻ thèm ăn cá tươi, Vương Tường phải cởi trần mà nằm trên giá để chờ bắt cá. Tự nhiên thấy băng nứt đôi rồi từ dưới khe nứt có hai con cá chép nhảy lên. Vương Tường bắt đem về cho dì ghẻ ăn và nhờ đó mà cảm hóa được mụ này. Còn anh khóc măng lại là Mạnh Tông đời Tam quốc, mồ côi cha và chí hiếu với mẹ. Đang mùa hiếm măng mà mẹ bệnh lại thèm ăn măng. Không biết làm cách nào, Mạnh Tông đành ra ngồi ở bụi tre to sau vườn mà khóc. Bỗng chốc có mấy mụt măng từ dưới đất mọc lên, Mạnh Tông xắn măng đem vào làm thức ăn cho mẹ. Nhớ thế mà mẹ khỏi bệnh.

Vậy nằm giá và khóc măng là chuyện của hai anh chứ không phải của một anh và “nằm giá khóc măng” phải được viết có dấu phẩy sau vế trước thành “nằm giá, khóc măng” chứ không phải “liền mạch” như Nguyễn Lân đã viết!

Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-2-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét