ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Có người nói “Dân dĩ thực vi thiên” (Dân lấy ăn làm trời). Theo tôi câu này chưa hề thấy ở sách báo. Được biết sách xưa chỉ có ghi “Dân dĩ thực vi tiên”;vậy câu nói kia đúng hay sai?

 ĐỘC GIẢ: Có người nói “Dân dĩ thực vi thiên” (Dân lấy ăn làm trời). Theo tôi câu này chưa hề thấy ở sách báo. Được biết sách xưa chỉ có ghi “Dân dĩ thực vi tiên”;vậy câu nói kia đúng hay sai?

AN CHI: “Dân dĩ thực vi thiên” là một câu kinh điển. Chẳng hạn Hán thư có viết: “Vương giả dĩ dân vi thiên; dân dĩ thực vi thiên’ nghĩa là “Vua chúa (thì) lấy dân làm trời (còn) dân (thì) lấy cái ăn làm trời”. Do đó mà có cụm từ dân thiên (ông trời của dân) để chỉ cái ăn của người dân. Matthews’Chinese-English Dictionary dịch dân thiên là “food (thức ăn) còn Dân dĩ thực vi thiên là “masses regard sufficient food as their heaven” (dân chúng xem cái ăn đầy đủ như là ông trời của họ). Ở phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng – Trần Quang Khải, có một tiệm ăn của người Tàu lấy hiệu là Dân Thiên . Chắc ông chủ cũng lấy ý từ câu đó! Tuy nhiên, không biết ông có muốn chơi chữ mà ngầm hiểu rằng tiệm ăn của ông là “ông trời của dân” hay không.

Kiến thức ngày nay, số 117, ngày 15-8 & 2-9-1993.

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Nga my vốn được dịch là mày ngài, tại sao Nguyễn Du viết mày ngày để tả Từ Hải mà nhiều học giả lại giảng rằng đó là ngọa tàm my, nghĩa là “mày tằm nằm” chứ không phải là nga my?

 ĐỘC GIẢ: Nga my vốn được dịch là mày ngài, tại sao Nguyễn Du viết mày ngày để tả Từ Hải mà nhiều học giả lại giảng rằng đó là ngọa tàm my, nghĩa là “mày tằm nằm” chứ không phải là nga my?

AN CHI: Các học giả và các nhà nghiên cứu đó giảng như thế là vì họ cho rằng nga my là lông mày dài, cong và đẹp không thích hợp với tướng mạo của con nhà võ như Từ Hải, nhưng nhất là vị họ hiểu sai nghĩa của ba tiếng ngọa tàm my.

Đào Duy Anh giảng rằng mày ngày là “lông mày rậm, tướng mạo của người trượng phu. Có lẽ theo câu “my nhược ngọa tàm” của sách tướng, có nghĩa là lông mày giống con tằm nằm”(1). Nguyễn Thạch Giang chú thích như sau: “mày ngài do các chữ ngọa tàm my: lông mày to đậm cong như con tằm, là tướng anh hùng”(2). Nguyễn Vĩnh Phúc viết: “Tất nhiên mày của Từ Hải không thể nào lại mảnh dẻ, cong, dài như nga my của các cô gái đẹp được. Và do đó mày ngài của Từ Hải phải hiểu là ngọa tàm my là mày như con tằm, chứ không phải nga my”(3). Còn Kiều Thu Hoạch thì viết: “Trong Truyện Kiều có hai chỗ nói về Từ Hải mà cũng dùng chữ mày ngài. Nhưng chớ lầm! Đây là cái mày ngài “sâu rớm” chớ không phải cái mày ngài của nàng Trang Khương (…) đó là tác giả muốn nói mày tằm, mày tằm nằm”(4). Tiếc rằng các tác giả trên đây vì chỉ hiểu từ ngữ theo lối dịch từng tiếng một (ngọa = nằm, tàm = tằm, my = mày) nên đã giảng sai hình ảnh mà người Trung Hoa muốn gửi gắm trong ba tiếng ngọa tàm my. Ở đây, hai tiếng ngọa tàm không hề có nghĩa là “(con) tằm nằm”, mà lại là một lối nói của tướng thuật, được Từ nguyên giảng như sau: “Nhà tướng thuật gọi nếp nhăn dưới vành mắt là ngọa tàm. Lại nữa, lông mày cong mà đường nét thanh đẹp cũng gọi là ngọa tàm my” (Tướng thuật gia dĩ nhãn khuông hạ văn vi ngoại tàm. Hựu my loan nhi đái tú giả dịch xưng ngọa tàm my). Việt Nam tự điển của đã giảng đúng hai tiếng ngọa tàm là “lằn xếp dưới mí mắt”, kèm theo ví dụ trích từ Truyện Trinh thử:

To đầu vú, cả dái tai

Dày nơi ngư-vĩ, cao nơi ngọa-tàm

Nếu đối dịch từng tiếng một thì ngư vĩ sẽ là “đuôi cá”. Nhưng đây cũng lại là một lối nói của tướng thuật mà Từ nguyên giảng như sau: “Nhà tướng thuật gọi nếp nhăn ở khóa mắt là ngư vĩ (Tướng thuật gia dĩ nhãn giác chi văn vi ngư vĩ). Xem thế đủ thấy lối đối dịch từng tiếng một nhiều khi tai hại biết chừng nào. Vậy ngọa tàm my không hề có nghĩa là “mày tằm nằm” mà lại là lông mày cong và có đường nét thanh đẹp. Vương Vân Ngũ đại từ điển cũng giảng như thế, rằng đó là “lông mày cong mà đẹp” (my loan nhi tú – Xem ở chữ 7370). Các tác giả trên đây muốn gạt bỏ hai tiếng nga my nhưng ngọa tàm my lại đồng nghĩa với nga my vì cả hai cấu trúc đều có chung một nét nghĩa là “cong và đẹp”. Vậy mày ngài vẫn là nga my và đây chính là cái nét nho nhã duy nhất trong tướng mạo của Từ Hải râu hùm hàm én, đường đường một đấng anh hào, vai năm tấc rộng thân mười thước cao.

 


1. Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr.236 – 237

2. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Hà Nội, 1972, tr.450, c.2167.

3. Quanh đôi lông mày, Ngôn ngữ, số 2, 1972, tr.60.

4. Góp bàn về một bản Kiểu mới, Tạp chí văn học, số 2 (146), 1974, tr.68.

Kiến thức ngày nay, số 117, ngày 15-8 & 2-9-1993.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Xin giải thích về mấy tiếng “Đức Mẹ đồng trinh”: đã là mẹ, sao lại còn “đồng trinh”?

 ĐỘC GIẢ: Xin giải thích về mấy tiếng “Đức Mẹ đồng trinh”: đã là mẹ, sao lại còn “đồng trinh”?

AN CHI: Về việc bà Maria mang thai Chúa Jesus, Kinh Thánh đã chép như sau: “Vả, sự giáng sanh của Đức Chúa Jesus-Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ ngài đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn-ở cùng nhau (Chúng tôi nhấn mạnh – AC), thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. Giô-sép, chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bàn toang đem để nhẹm. Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, người chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh-Linh. Người sẽ sinh một trai, người khá đặt tên là Jésus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội (…) Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa dã dặn, mà đem vợ về với mình; song le không hề ăn ở với (nghĩa là không hề ăn nằm với nhau – AC) cho đến khi người sanh một trai, đặt tên là Jésus(1).

Cứ theo sự tích trên đây thì bà Maria đã có thai Chúa Jesus mà không hề có quan hệ xác thịt với ông Giô-sép. Việc thụ thai chỉ là do phép của Đức Chúa Thánh Thần mà thôi. Vậy, cho đến khi hạ sanh Chúa Jesus, bà vẫn còn là đồng trinh. Bà được gọi là Đức Mẹ Đồng Trinh chính là vì thế.

 


1.     Ma-thi-ơ, 1:18-25 – Chúng tôi dùng bản của Thánh Kinh hội tại Việt Nam, Sài Gòn, 1975.

Kiến thức ngày nay, số 116, ngày 15-8-1993

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Xin cho biết xuất xứ của tên gọi thành phố Đà Lạt. Có phải là do một câu bằng tiếng La Tinh mà ra?. Đó là câu gì?

 ĐỘC GIẢ: Xin cho biết xuất xứ của tên gọi thành phố Đà Lạt. Có phải là do một câu bằng tiếng La Tinh mà ra?. Đó là câu gì?

AN CHI: Câu đó là Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem nghĩa là “(nó) cho những người này niềm vui thích, những người khác sự khỏe khoắn”. Nhiều người đã cho rằng địa danh Đà Lạt bắt nguồn từ câu này: ráp những cái đầu – mà chúng tôi đã cố ý viết hoa – của năm từ trong câu đó lại thì sẽ có dang tiếng Pháp của địa danh đang xét: DALAT.

Sự thật thì Đà Lạt là tiếng của người thiểu số sở tại và có nghĩa là “suối Lạt”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi “Đà Lạt: nước của bộ lạc người Lạch (tức Lạt – AC). Tô Đình Nghĩa cũng nói rõ như sau: “Địa danh Đà Lạt hiện nay, trong các văn bản cũ ghi là Dalat, nguyên gốc là Đạlat hoặc Dalat, trong đó Đạ có nghĩa là nước, Lat là tên gọi của một tiểu nhóm thuộc dân tộc Kơho. Theo ý kiến của nhiều người dân tộc thì trước kia Đà Lạt là nơi cu trú của người Lát và ở vùng này có nhiều hồ nước, thác nước. Tên gọi Đà Lạt bắt nguồn từ đấy. Hiện nay, cách thành phố Đà Lạt khoảng 5km có xã Lát gồm nhiều đồng bào Kơho chư trú”(1).

Việc Đà Lạt vốn là nơi cư trú của người Lạt là một sự thật đã được Yersin ghi nhận trong nhật ký của ông. Vấn đề còn lại chỉ là xác định xem suối Lạt là con suối nào hiện nay mà thôi. Cunhac, một người Pháp đã góp phần tạo dựng Đà Lạt cho biết đó chính là suối Cam Ly. Ông đã nói như sau: “ Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lat đã chảy qua. Người ta đã gọi suối này là “Đa-lat (…) và không hiểu vì lý do gì mà người ta đã thay thế bằng danh xưng Việt Nam là Cam Ly”(2).

Vậy Đà Lạt, tức suối Lạt, chính là suối Cam Ly hiện nay. Tên của nó đã được dùng để chỉ vùng mà nó chảy qua và sau rốt lại được dùng để gọi tên thành phố được xây dựng trên vùng đó: thành phố Đà Lạt ngày nay.

Câu tiếng La Tinh trên đây chỉ là kết quả của một sự chơi chữ bằng cách chiết tự những chữ cái trong tên của Đà Lạt viết theo chữ Pháp.

 


1.     “Nguồn gốc và ý ngĩa của các yêu tố Đắc, Ya, Krông…trong một số địa danh ở Tây Nguyên”, Khoa học Xã hội, số 3, 1990, tr.88.

2.     Dẫn theo Hàn Nguyễn, “Lịch sử phát triển Đà Lạt”, Tập san Sử Địa số 23-24, 1971, tr.272.

Kiến thức ngày nay, số 115, ngày 1-8-1993

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Tại sao gọi nước Nhật là Phù Tang?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao  gọi nước Nhật là Phù Tang?

AN CHI: Phù Tang nguyên là tên một loại cây mà Thuyết văn tự của Hứa Thận giảng là”cây huyền thoại”, (là) “nơi mặt trời mọc vây”. Sách Thập châu ký cũng giảng: “(Cây) phù tang ở trong biển Biếc (Bích Hải), cây mọc cao đến mấy ngàn trượng, tán xòe ra đến hơn ngàn trượng, hai thân chung một cội, cùng nương tựa nhau, (là) nơi mặt trời mọc vậy”. Vì tên của nước Nhật Bản có nghĩa là “gốc ở mặt trời” nên thời xưa người ta đã đồng hóa nhất nó với xứ sở của loại cây huyền thoại trên đây mà gọi nó là nước Phù Tang. Hán-Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng hai tiếng này như sau: “ Tên một loại cây thiêng, tương truyền mộc ở xứ mặt trời. Nước Nhật Bản ở phương Đông, hướng mặt trời, nên cũng gọi là Phù-Tang”.

Trong Hán ngữ hiện đại, người ta còn dùng hai tiếng Phù Tang để chỉ một loại cây có thật mà tên thông dụng là mộc cần hoặc chu cần. Đó là cây dâm bụt mà người Nam Bộ gọi trại đi thành cây bông bụp, tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis.

Kiến thức ngày nay, số 115, ngày 1-8-1993

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Tại sao gọi là “đồng bóng”? Có phải “đồng” là do “tiên đồng ngọc nữ” hay không? Nhưng nếu thế thì “bóng” là do đâu?

ĐỘC GIẢ: Tại sao gọi là “đồng bóng”? Có phải “đồng” là do “tiên đồng ngọc nữ” hay không? Nhưng nếu thế thì “bóng” là do đâu?

AN CHI: Đào Duy Anh đã giảng từ đồng trong đồng bóng như sau: “Người đệ tử vủa thần tiên trong Đạo giáo tự xưng là đồng tử của thần tiên nên người ta thường gọi là ông đồng(1). Đây chỉ là lối giảng có tính chất suy diễn chủ quan  vì đồng là một từ cổ có nghĩa là cái kiếng, cái gương. Thật vậy, A. de Rohdes đã ghi như sau: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng. Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính”(2). Cứ theo những điều trên đây, thì các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ đã sử dụng để hành nghề. Đặc điểm của nghề đồng bóng còn được phản ánh trong thành ngữ ngồi đồng chiếu kính mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị.

Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiếng, trong gương. Cũng chính A. de. Rohdes đã giúp cho chúng ta khẳng định điều này. Ông đã ghi: “Soi gương”: Nhìn trong gương. Soi đồng. Cùng một nghĩa; cũng là phù phép mà người Lương dân ngây thơ nghĩ rằng mình có thể nhờ tấm gương để biết sự dữ nào bởi đâu sinh ra cho mình, nghĩa là ma quỷ dối trá bằng những hình ảnh khác nhau trong tấm gương”. “Những hình ảnh khác nhau trong tấm gương” chính là những cái bóng.

Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu ở trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong ông đồng bà đồng, lên đồng, đồng cô bóng cậu, vv..là nghĩa phái sinh.

1.     Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr.136.

2.     Từ điển Viêt-Bồ-La, Nxb. Khoa học Xã hội, 1991.

Kiến thức ngày nay, số 115, ngày 1-8-1993 

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Người ta thường nói bọn ăn chơi ngang tàng là “lục lăng cửu trối”. Vậy, “lục lăng cửu trối” vốn có nghĩa gì và tại sao lại nói như thế?

 ĐỘC GIẢ: Người ta thường nói bọn ăn chơi ngang tàng là “lục lăng cửu trối”. Vậy, “lục lăng cửu trối” vốn có nghĩa gì và tại sao lại nói như thế?

AN CHI: Viết đúng chính tả thì đó là lục lăng củ trối. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng lục lăng là “đứa ngang tàng không biết phép” còn củ trối là “rễ cái lớn ở dưới sâu. Nguyên củ cái lâu năm nằm ở sâu, khó bấng khó đào”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng lục lăng củ trối là “hạng trẻ cứng đầu khó dạy, khó điều khiển”

Lục lăng là do nói trại từ Lục Lâm mà ra. Hai tiếng Lục Lâm vốn là tên một ngọn núi ở phía Đông Bắc huyện Đương Dương, miền Kinh Châu, nằm trong dãy núi Đại Hồng, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày nay. Núi này nguyên là nơi tụ tập của những người nổi dậy chống lại chính quyền Vương Mãng vào cuối đời Tây Hán. Sử Trung Quốc ngày nay gọi đó là cuộc khởi nghĩa Lục Lâm nhưng nhà nước phong kiến Trung Hoa ngày xưa thì coi đó là giặc cho nên đã dùng hai tiếng lục lâm để chỉ những người chống chính quyền hoặc những tên bạo tặc cướp phá tài sản của dân lành. Nghĩa này đã được Mathews’Chinese-English Dictionary ghi nhận là: “a bandit” (tên ăn cướp). Trong phương ngữ Nam Bộ, do không biết xuất xứ nên nhiều người đã nói trại hai tiếng lục lâm thành lục lăng và hiểu là”đứa ngang tàng không biết phép” như đã dẫn ở bên trên.

Sau khi lục lâm bị nói trại thành lục lăng và đã được dùng theo nghĩa vừa nói thì nó còn được ghép với củ trối để tạo nên thành ngữ lục lăng củ trối. Ở đây, hai tiếng củ trối không còn cái nghĩa mà Huình-Tịnh Paulus Của đã giảng nữa. Nó đã được dùng để chỉ kẻ khó bảo, khó dạy, khó làm cho thay đổi, lay chuyển, ví như củ trối là cái cứng chắc và ăn sâu xuống đất nên khó lay chuyển để bứng để nhổ vậy.

Theo cách hiểu đã trình bày thì lục lăng là kết quả nói trại của lục lâm, được ghép với củ trối để tạo nên thành ngữ lục lăng củ trối. Cũng có thể có một cách hiểu khác. Theo cách hiểu này thì đó là kết quả của lối nói trại thành ngữ tiếng Hán lục lâm thảo khấu: lục lâm thành lục lăng còn thảo khấu (giặc cỏ) thành củ trối. nhưng cách hiểu này thì …hơi xa.

Kiến thức ngày nay, số 115, ngày 1-8-1993