ĐỘC GIẢ: Người ta thường nói bọn ăn chơi ngang tàng là “lục lăng cửu trối”. Vậy, “lục lăng cửu trối” vốn có nghĩa gì và tại sao lại nói như thế?
AN
CHI:
Viết đúng chính tả thì đó là lục lăng củ
trối. Đại Nam quấc âm tự vị của
Huình-Tịnh Paulus Của giảng lục lăng
là “đứa ngang tàng không biết phép” còn củ
trối là “rễ cái lớn ở dưới sâu. Nguyên củ cái lâu năm nằm ở sâu, khó bấng
khó đào”. Việt Nam tự điển của Lê Văn
Đức giảng lục lăng củ trối là “hạng
trẻ cứng đầu khó dạy, khó điều khiển”
Lục
lăng
là do nói trại từ Lục Lâm mà ra. Hai
tiếng Lục Lâm vốn là tên một ngọn núi
ở phía Đông Bắc huyện Đương Dương, miền Kinh Châu, nằm trong dãy núi Đại Hồng,
tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày nay. Núi này nguyên là nơi tụ tập của những người
nổi dậy chống lại chính quyền Vương Mãng vào cuối đời Tây Hán. Sử Trung Quốc
ngày nay gọi đó là cuộc khởi nghĩa Lục Lâm nhưng nhà nước phong kiến Trung Hoa
ngày xưa thì coi đó là giặc cho nên đã dùng hai tiếng lục lâm để chỉ những người
chống chính quyền hoặc những tên bạo tặc cướp phá tài sản của dân lành. Nghĩa
này đã được Mathews’Chinese-English
Dictionary ghi nhận là: “a bandit” (tên ăn cướp). Trong phương ngữ Nam Bộ,
do không biết xuất xứ nên nhiều người đã nói trại hai tiếng lục lâm thành lục lăng và hiểu là”đứa ngang tàng không biết phép” như đã dẫn ở
bên trên.
Sau khi lục lâm
bị nói trại thành lục lăng và đã được
dùng theo nghĩa vừa nói thì nó còn được ghép với củ trối để tạo nên thành ngữ lục lăng củ trối. Ở đây, hai tiếng củ trối không còn cái nghĩa mà Huình-Tịnh
Paulus Của đã giảng nữa. Nó đã được dùng để chỉ kẻ khó bảo, khó dạy, khó làm
cho thay đổi, lay chuyển, ví như củ trối là cái cứng chắc và ăn sâu xuống đất
nên khó lay chuyển để bứng để nhổ vậy.
Theo cách hiểu đã trình bày thì lục lăng là kết quả nói trại của lục lâm, được ghép với củ trối
để tạo nên thành ngữ lục lăng củ trối.
Cũng có thể có một cách hiểu khác. Theo cách hiểu này thì đó là kết quả của lối
nói trại thành ngữ tiếng Hán lục lâm thảo
khấu: lục lâm thành lục lăng còn thảo khấu (giặc cỏ) thành củ
trối. nhưng cách hiểu này thì …hơi
xa.
Kiến
thức ngày nay, số 115, ngày 1-8-1993
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét