ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Xin cho biết xuất xứ của tên gọi thành phố Đà Lạt. Có phải là do một câu bằng tiếng La Tinh mà ra?. Đó là câu gì?

 ĐỘC GIẢ: Xin cho biết xuất xứ của tên gọi thành phố Đà Lạt. Có phải là do một câu bằng tiếng La Tinh mà ra?. Đó là câu gì?

AN CHI: Câu đó là Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem nghĩa là “(nó) cho những người này niềm vui thích, những người khác sự khỏe khoắn”. Nhiều người đã cho rằng địa danh Đà Lạt bắt nguồn từ câu này: ráp những cái đầu – mà chúng tôi đã cố ý viết hoa – của năm từ trong câu đó lại thì sẽ có dang tiếng Pháp của địa danh đang xét: DALAT.

Sự thật thì Đà Lạt là tiếng của người thiểu số sở tại và có nghĩa là “suối Lạt”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi “Đà Lạt: nước của bộ lạc người Lạch (tức Lạt – AC). Tô Đình Nghĩa cũng nói rõ như sau: “Địa danh Đà Lạt hiện nay, trong các văn bản cũ ghi là Dalat, nguyên gốc là Đạlat hoặc Dalat, trong đó Đạ có nghĩa là nước, Lat là tên gọi của một tiểu nhóm thuộc dân tộc Kơho. Theo ý kiến của nhiều người dân tộc thì trước kia Đà Lạt là nơi cu trú của người Lát và ở vùng này có nhiều hồ nước, thác nước. Tên gọi Đà Lạt bắt nguồn từ đấy. Hiện nay, cách thành phố Đà Lạt khoảng 5km có xã Lát gồm nhiều đồng bào Kơho chư trú”(1).

Việc Đà Lạt vốn là nơi cư trú của người Lạt là một sự thật đã được Yersin ghi nhận trong nhật ký của ông. Vấn đề còn lại chỉ là xác định xem suối Lạt là con suối nào hiện nay mà thôi. Cunhac, một người Pháp đã góp phần tạo dựng Đà Lạt cho biết đó chính là suối Cam Ly. Ông đã nói như sau: “ Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lat đã chảy qua. Người ta đã gọi suối này là “Đa-lat (…) và không hiểu vì lý do gì mà người ta đã thay thế bằng danh xưng Việt Nam là Cam Ly”(2).

Vậy Đà Lạt, tức suối Lạt, chính là suối Cam Ly hiện nay. Tên của nó đã được dùng để chỉ vùng mà nó chảy qua và sau rốt lại được dùng để gọi tên thành phố được xây dựng trên vùng đó: thành phố Đà Lạt ngày nay.

Câu tiếng La Tinh trên đây chỉ là kết quả của một sự chơi chữ bằng cách chiết tự những chữ cái trong tên của Đà Lạt viết theo chữ Pháp.

 


1.     “Nguồn gốc và ý ngĩa của các yêu tố Đắc, Ya, Krông…trong một số địa danh ở Tây Nguyên”, Khoa học Xã hội, số 3, 1990, tr.88.

2.     Dẫn theo Hàn Nguyễn, “Lịch sử phát triển Đà Lạt”, Tập san Sử Địa số 23-24, 1971, tr.272.

Kiến thức ngày nay, số 115, ngày 1-8-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét