ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Những mẫu chuyện về Kỳ Ngoại Hầu Cường Để & Cựu Hoàng Duy Tân

 Kỳ VI) – CỰU HOÀNG DUY TÂN VÀ THÚ ĐAM MÊ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Tuy lên ngôi lúc mới 7 tuổi (1900-1907), song vua Duy Tân sớm nắm bắt được tình hình đất nước. Năm 14 tuổi, khi chiến tranh thế giới xảy ra (1914), hơn tất cả triều thần của mình, ông biết đây là lúc mà nước Pháp phải lao vào cuộc chiến với những tổn thất không thể tránh được, cả về nhân, tài, vật lực. Theo ông, đó là lúc tốt nhất để đặt ra cho chính phủ Pháp những yêu sách cần thiết, chủ yếu là việc xét lại những hòa ước đã ký kết. Thế nhưng, đa số triều thần chống lại ý kiến của ông, có người cho rằng đầu óc của nhà vua “có vấn đề”!

Sống trong tình trạng u mê của đám cận thần, nhà vua đâm ra bị ức chế, nên khi hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân ngỏ lời mời ông làm minh chủ cho một phong trào kháng chiến chống Pháp, ông đồng ý ngay. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa nổ ra đêm 3 rạng 4.5.1916 bị Pháp dập tắt trong phút chốc, Vua Duy Tân bị Pháp bắt giữ, khảng khái quay lưng lại những lời ngon ngọt của giặc và chấp nhận cuộc sống lưu đày.

Ngày 3.11.1916, tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), nơi an trí cựu hoàng Thành Thái từ năm 1907, hai cựu hoàng cùng gia đình xuống tàu trực chỉ hòn đảo Réunion thuộc Pháp nằm chơ vơ giữa Ấn Độ Dương, bắt đầu cuộc sống lưu đày. Sau chuyến hải hành 17 ngày, tàu cập cảng Le Port của hòn đảo Réunion. Ngay ngày hôm sau, tờ báo tại địa phương có tên Le Peuple (Nhân dân) loan tin là chuyến tàu hỏa với toa đặc biệt dành cho viên Thông đốc được phái từ thủ phủ Saint-Denis ra cảng Le Port để đón hai cựu hoàng và gia quyến, trên tàu có De La Vigne Sainte-Suzanne, Tổng thư ký Phủ Thống đốc, Đại úy Deroche và một số viên chức địa phương. Gia đình hai cựu hoàng có 16 người, trong đó có ba bà phi của cựu hoàng Thành Thái là các bà:

- Nguyễn Thị Định và con gái là Lương Nhàn, 10 tuổi, em gái cựu hoàng Duy Tân

- Hồ Thị Nhàn và một người con trai 12 tuổi

- Hồ Thị Mừng và hai người con, 2 và 3 tuổi

Một bà phi của cựu hoàng Duy Tân là Mai Thị Vàng, con gái ông Mai Khắc Đôn, từng là thầy dạy của cựu hoàng.

Tờ báo viết tiếp như sau (trích dịch):

“…..Họ (gia đình hai cựu hoàng-LN) mang theo 10m3 hành lý…..Trong số những hành lý đó có một két sắt mà theo yêu cầu của cựu hoàng, nó được mang từ Le Port đến Saint-Denis dưới sự trông coi của một người giúp việc. Cũng có một chiếc va li mà ông hoàng Bửu Lân (tức cựu hoàng Thành Thái-LN) không muốn rời xa. Từ 10 giờ rưởi,một đám đông đã xâm chiếm quảng trường của Phủ Thống Đốc. Đến 12 giờ trưa, họ đã mất kiên nhẫn….12 giờ rưởi trưa, một hồi còi vang lên. Ông hoàng Bửu Lân và người con trai thứ hai (tức cựu hoàng Duy Tân-LN) mặc âu phục (màu trắng). Một ông hoàng khác và các phụ nữ thì mặc quốc phục (quần rộng và áo dài). Các bà đeo đầy nữ trang. Chính phủ (Pháp) trợ cấp cho ông Bửu Lân 30.000 franc, ông Vĩnh San 15.000 franc. Cả hai đều nói được ngôn ngữ của chúng ta (tức tiếng Pháp-LN)…” (vinhsan.free.fr acte 7)

Căn cứ vào hồi ức của ông Nguyễn Phước Vĩnh Cầu, sinh năm 1924, con trai út của cựu hoàng Thành Thái, cung cấp riêng cho người viết bài này, hai năm sau khi đến Saint - Denis, đại gia đình của cựu hoàng dọn đến một nơi ở mới và không lâu sau, cựu hoàng Duy Tân tách ra ở riêng. Ông cố lấy lại sự bình tâm sau một biến cố lớn xảy ra cho bản thân và gia đình, chuyên tâm học hỏi về khoa học, âm nhạc và văn chương, sớm hội nhập vào thế giới thượng lưu trên đảo. Năm 1923, ông được Hàn lâm viện Réunion trao tặng giải nhất về bài thơ Variations sur une lyre brisée (Khúc biến tấu về một cây đàn tan vỡ). Trong các buổi họp mặt công cộng, ông được công nhận là một tay vĩ cầm (violoniste) xuất sắc (vinhsan.free.fr, acte 😎.

Trong đời sống thường nhật, cựu hoàng Duy Tân thích cưỡi ngựa, câu cá, tham gia những chuyến dã ngoại cùng gia đình. Năm 1936, khi Mặt trận Bình dân do đảng Cộng sản và các đảng cánh tả thành lập tại Pháp chủ trương những cải cách xã hội rộng lớn, cựu hoàng coi đây là cơ hội tốt để vận động cho quyền tự chủ của đất nước. Ông tham gia vào các cuộc mít tinh của Mặt trận, lên diễn đàn nói chuyện, sau lưng là lá cờ búa liềm. Song chỉ hai năm sau (1938), Mặt trận Bình dân tự giải tán, hi vọng vừa nhen nhúm trong lòng cựu hoàng bỗng tắt ngấm.

Sau khi thế giới bước vào cuộc thế chiến tàn khốc lần thứ hai (1939-1945), cựu hoàng có một đam mê lớn, đó là ngành vô tuyến điện. Trong tâm tư của ông khi ấy, có hai nước Pháp khác biệt nhau: một nước Pháp thực dân đang xâm chiếm nước ông, và một nước Pháp đang bị xâm chiếm bởi Đức Quốc xã và đang vùng lên dưới ngọn cờ giải phóng của tướng De Gaulle. Trong tình hình đó, ông tạm thời hướng về nước Pháp thứ hai của De Gaulle.

Với năng khiếu đặc biệt về vô tuyến điện, vào những năm 1940, tại đảo Réunion, cựu hoàng Duy Tân là một trong những người đầu tiên chế tạo được máy vô tuyến có tín hiệu FR8VX, thu được những tin tức chiến sự trên chiến trường châu Âu. Nhờ đó mà vào ngày 18.6.1940, ông nghe được lời hiệu triệu của tướng De Gaulle phát ra từ Luân Đôn, kêu gọi nhân dân Pháp tham gia kháng chiến chống Đức Quốc xã (vinhsan.free.fr, acte 12).

Bắt đầu chương trình hành động, vào một ngày trong năm 1942, từ chiếc máy vô tuyến điện tự chế, cựu hoàng Duy Tân gửi đi một tín hiệu với nội dung:

“Gửi tất cả tàu Anh và tàu của nước Pháp tự do. Để chuyển đến chính quyền Pháp (3 lần)…

”Trong lúc toàn bộ đế chế Pháp đang chiến đấu bên cạnh các quốc gia liên hiệp để giải phóng nhân loại, ở đây, tại đảo Réunion, chúng tôi đang chịu đựng một chính sách thân Đức đáng xấu hổ. Chúng tôi gửi đi tín hiệu S.O.S, đòi hỏi vinh dự được cầm súng bên cạnh những người bạn đồng minh sáng suốt của chúng tôi…..”

(vinhsan.free.fr, acte 13)

Sở dĩ bức điện có nội dung này vì chính quyền đảo Réunion lúc bấy giờ là chính quyền thân Đức, đi ngược lại nguyện vọng giải phóng xứ sở của đa số dân Pháp, mà người đại diện là tướng De Gaulle.

Cựu hoàng không chỉ gửi một mà nhiều bức điện với nội dung tương tự. Một ngày nọ, ông nhận được tín hiệu trả lời với nội dung vắn tắt: “Báo đốm sẽ đón Hoa cúc”

“Báo đốm” là tên chiếc tàu phóng ngư lội Léopard của lực lượng kháng chiến dưới quyền tướng De Gaulle đang lênh đênh trên biển. Và cuối cùng, cái thú đam mê vô tuyến điện đã bất ngờ đưa đẩy cựu hoàng Duy Tân vào cuộc đời binh nghiệp…

Lê Nguyễn

6.11.2021


Vua Duy Tân lúc mới lên làm vua (1907) - ảnh P. Dieulefils



Cựu hoàng Duy Tân có sở thích nuôi ngựa và cưỡi ngựa - ảnh Claude Vĩnh San



Cựu hoàng Duy Tân trong một buổi mít tinh của Mặt trận Bình dân Pháp (1936) - Ảnh Claude Vĩnh San


Cựu hoàng Duy Tân bên chiếc máy vô tuyến điện - Ảnh Claude Vĩnh San




Cựu hoàng Duy Tân (giữa) và những người bạn thích vô tuyến điện trên đảo Réunion - Ảnh Claude Vĩnh San





Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1539, ngày 12 tháng 1 năm 1939

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Những mẫu chuyện về Kỳ Ngoại Hầu Cường Để & Cựu Hoàng Duy Tân

 Kỳ 5 – KHI GIẤC MỘNG LỚN KHÔNG THÀNH

Bản án chung thân mà Hội đồng đề hình tuyên xử đối với cụ Phan Bội Châu đã tạo nên một làn sóng phản đối chưa từng có trong lịch sử chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam. Hàng chục hội đoàn, tổ chức, cá nhân đứng lên kêu gọi chính quyền trả tự do cho cụ, trong đó có thể kể: Hội Trung kỳ tương tế ở Hà Nội, Hội Việt Nam Thanh niên, Nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế), các du học sinh tại Pháp, ông Nguyễn Phan Long, nhân sĩ, chủ nhiệm báo Echo Annamite …

Sau khi bản án chung thân được tuyên ra, cụ Phan Bội Châu đề nghị Hội đồng bảo hộ can thiệp. Hội đồng này không dám đi sâu, chỉ xét về tính hợp pháp của bản án. Đến người có thẩm quyền cao nhất tại Đông Dương là Toàn quyền Varenne cũng không tự quyết định về chuyện này. Ông ta chuyển yêu cầu xét lại bản án của cụ Phan về Pháp, xin lệnh Giám quốc (Tổng thống) G. Doumergue.

Cuối cùng, ngày 24.12.1925, theo chỉ thị của Giám quốc Pháp, Toàn quyền Đông Dương Varenne ký nghị định tha bổng cụ Phan Bội Châu. Tuy nhiên, thực chất của quyết định tha bổng này là sự giam lỏng (hay an trí) cụ Phan tại Bến ngự, Huế, từ ấy cho đến khi cụ qua đời vào năm 1940.

***

Năm 1925, cụ Phan bị an trí, thì năm 1926 tiếp theo lại xảy đến cái chết của cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Đó là hai tổn thất thật lớn của phong trào cách mạng Việt Nam. Còn lại một mình, Kỳ ngoại hầu Cường Để như con hổ mất hết nanh vuốt, cố dựa vào sự giúp sức của người ngoài, trong đó người đáng kể nhất là vị chính khách người Nhật Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoki).

Cần nhắc lại là khi Kỳ ngoại hầu Cường Để vừa đặt chân lên đất Nhật năm 1906, hai trong những người Nhật đầu tiên mà ông gặp gỡ là Bá tước Đại ôi Trọng tín, lãnh tụ đảng Tiến bộ và vị chính khách lừng danh Khuyển Dưỡng Nghị. Ba năm sau (1909), khi chính quyền Đông Kinh bị áp lực của thực dân Pháp trục xuất các chính khách và sinh viên Việt Nam du học trong chương trình Đông Du, Kỳ ngoại hầu và cụ Phan Bội Châu phải di chuyển thường xuyên, song mối quan hệ giữa vị lãnh tụ VNQPH với ông Khuyển Dưỡng Nghị vẫn luôn gắn bó.

Năm 1915, Kỳ ngoại hầu quay lại Nhật, sống tại đây một thời gian khá lâu. Tuy chẳng thể giúp được phong trào cách mạng Việt Nam theo đúng mong muốn, song trước những khó khăn về vật chất của Kỳ ngoại hầu Cường Để và các đồng chí, ông Khuyển Dưỡng Nghị vẫn dành cho họ sự hỗ trợ nhiệt tình trong suốt 17 năm dài. Khoản tiền ông giúp hàng tháng là 100 yen, về sau, khi vật giá đắt đỏ hơn, ông tăng lên 150 yen.

Ngoài giá trị vật chất của những đồng yen, tấm lòng tốt hiếm có của vị chính khách người Nhật khiến cho mọi người vô cùng cảm kích. Theo lời kể của Kỳ ngoại hầu, từ những năm 1915-1932 đó, tiền chu cấp không bao giờ chậm trễ một lần. Tháng nào Kỳ ngoại hầu đến, ông Khuyển cũng đích thân trao tiền, gói kỹ trong một tờ giấy trắng và bỏ vào phong bì cẩn thận. Có tháng Kỳ ngoại hầu Cường Để vì bận nên đến chậm mấy ngày, ông Khuyển Dưỡng Nghị lo sợ người bạn Việt Nam đau yếu, đã thân hành đến thăm ông tại chỗ ở.

Cuối năm 1931, cuộc đời chính trị của Khuyển Dưỡng Nghị lên đến tột đỉnh khi ông giữ cương vị Thủ tướng chính phủ. Kỳ ngoại hầu Cường Để và các đồng chí hi vọng vào một khúc quanh mới giúp thực hiện giấc mơ phục quốc, song không lâu sau, tia hi vọng tắt ngấm. Xin trích lại nguyên văn chuyện kể của Kỳ ngoại hầu Cường Để về cái chết đáng buồn của Thủ tướng Nhật, ông Khuyển Dưỡng Nghị, vào ngày 15.5.1932:

“Chiều ngày 15, vào khoảng 5 giờ rưởi, tại dinh thủ tướng, có ba người thanh niên mặc binh phục hải quân đến xin ra mắt thủ tướng. Lính canh cửa hỏi danh thiếp thì một người rút súng lục ra bắn dọa, rồi cả bọn xông vào trong dinh. Họ lại bắn luôn mấy người lính canh ở trong dinh và sấn vào tận tư thất. Đồng thời có 5,6 người nữa cũng sấn vào đến đó.

Bấy giờ là lúc sắp ăn cơm chiều, ông Khuyển Dưỡng Nghị đương ngồi nghỉ mát dưới hiên, ngay trước phòng ăn. Nàng dâu (tức Khuyển Dưỡng Kiện phu nhân) và mấy đứa cháu ngồi bên cạnh. (Hôm ấy bà Khuyển Dưỡng đi ăn cưới ở Hôtel Đế quốc. Con cả ông là Khuyển Dưỡng Kiện thì đi Thần Điền có việc). Bỗng nghe tiếng xôn xao rồi thấy người lính gác trẻ tuổi là Thôn Điền (Murata) hốt hoảng chạy vào kêu lên rằng:

- Nguy to, quân hung đồ xông vào dinh. Xin cụ mau mau tạm lánh.

Kiện phu nhân cũng khuyên ông Khuyển Dưỡng tạm lánh, song ông nói:

- Không, không chạy, để chúng vào đây, ta nói mấy câu, chúng sẽ hiểu.

Khi ấy bọn kia lùng khắp các buồng, rồi đến phòng ăn. Thấy ông Khuyển Dưỡng ngồi đó, một đứa chỉa súng bắn nhưng không nổ. Ông liền giơ tay phải lên, vẫy vẫy mà rằng:

- Khoan đã, bắn thì lúc nào chả được. Hãy sang phòng bên kia, ta nói cho mà nghe.

Thế rồi, ông khoan thai đứng dậy, đưa mấy người ấy sang phòng tiếp khách. Hình như ông lo rằng chỗ phòng ăn chật hẹp, súng bắn dễ vạ lây đến trẻ con, vì ông rất thương con nít, lúc nào cũng hết lòng che chở.

Thôn Điền quân, Kiện phu nhân và người đầy tớ gái thấy tình hình nguy hiểm, toan đi theo để hộ vệ cho ông, nhưng một người trong bọn kia chỉa súng lục ra bảo rằng:

- Nói mấy câu chuyện thôi, không được theo.

Thôn Điền quân hỏi:

- Thực ư? Chỉ nói mấy câu thôi ư?

- Thực, nói mấy câu là xong. Không bắn đâu mà sợ

Rồi Thôn Điền quân, Kiện phu nhân và người đầy tớ bị ngăn ở ngoài hiên.

Khi ông Khuyển Dưỡng từ phòng ăn đi ra phòng khách, thái độ rất ung dung, chẳng khác chi những ngày thường tiếp khách. Đến nỗi Đốc-tờ Đại Dã (Ono), thầy thuốc chữa tai và mũi, hôm ấy cũng ở trong dinh, trông thấy thái độ ông ung dung như thế, ngỡ rằng quân hung đồ chỉ ở đâu ngoài cửa mà thôi, chứ mấy người quan binh này ắt là nhà đương chức sai đến hộ vệ ông, nên ông mời ra phòng khách.

Ông Khuyển Dưỡng cùng mấy người quan binh ấy vào đến phòng khách rồi, lại có mấy người nữa ở đâu chạy đến. Một lát ở ngoài nghe thấy hô bắn, thì trong phòng súng nổ nhiều tiếng. Rồi, bọn kia ngang nhiên đi ra.

Bấy giờ Kiện phu nhân vội vàng đi đánh điện thoại. Người đầy tớ gái chạy vào phòng khách thì thấy ông Khuyển Dưỡng chống tay trên bàn, ngồi không động đậy; ở thái dương và má máu me đầm đìa. Song ông rất tĩnh, bảo người đầy tớ gái:

- Châm thuốc lá cho ta!

Nhưng thuốc lá đã thấm máu. Người đầy tớ gái chân tay rụng rời, châm không được nữa. Ông lại nói:

- Gọi mấy anh chàng kia trở lại đây, để ta nói cho họ nghe.

Song ông ngã lăn ra liền. Sau, mời các vị danh y đến cứu chữa, đều vô hiệu. Kết cuộc hồi 16 giờ 26 phút đêm ấy ông từ trần, thọ 78 tuổi “ (hết trích)

(Cuộc đời cách mạng Cường Để - sđd, trang 123-125)

Sau những thất bại tại quê nhà, cái chết của người bạn lớn Nhật Bản khiến cho hoạt động của Kỳ ngoại hầu bị khựng lại một thời gian. Khi Mặt trận Bình dân thuộc cánh tả lên cầm quyền tại Pháp (1936), các nhà cách mạng Việt Nam nuôi hi vọng, song chỉ hai năm sau (1938), Mặt trận này giải thể, mọi hi vọng tắt ngấm.

Năm 1939, Kỳ ngoại hầu, cải tổ VNQPH thành Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội (VNPQĐMH) chủ trương kết hợp với quân đội Nhật đang gây thanh thế ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, đã có sự bất nhất của Đông Kinh trong đường lối đối ngoại, toan tính bước đầu là hỗ trợ Kỳ ngoại hầu Cường Để lên nắm chính quyền, song sau ngày lật đổ chính quyền thực dân Pháp (9.3.1945), họ vẫn tiếp tục ủng hộ hoàng đế Bảo Đại.

Đó là nỗi thất vọng lớn nhất của Kỳ ngoại hầu Cường Để, ông sống u uất những năm còn lại và mất ngày 6.4.1951 tại Nhật Bản vì bệnh ung thư.

Theo di nguyện của ông, hài cốt ông được phân ra ba phần, phần 1 giữ lại Nhật, về sau được chôn trong nghĩa trang Zōshigaya (Nhật Bản), nơi có ngôi mộ của Trần Đông Phong, một thanh niên yêu nước đã tự sát năm 1908 vì cảm thấy có lỗi đã không vận động quyên góp đủ tiền cho phong trào cách mạng; phần 2 do Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, lãnh đạo Cao đài giáo, nhận về để tại Tòa thánh Tây Ninh vào năm 1954, do mối quan hệ gắn bó giữa Kỳ ngoại hầu với các chức sắc tôn giáo này trong thời gian hoạt động cách mạng; phần 3 được con trai ông là Tráng Liệt mang về Việt Nam năm 1957 trong một lễ rước trọng thể có sự chứng kiến của ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống chế độ Cộng hòa miền Nam, về sau được an táng tại một khu vực gần thành phố Huế.

Theo một số tài liệu không chính thức, trong thời gian cư trú ở Nhật, Kỳ ngoại hầu Cường Để sống chung với một người phụ nữ Nhật tên Zōshigaya và có một người con trai.

Lê Nguyễn

5.11.2021


Cố Thủ tướng Nhật Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), người bạn chí thiết của các nhà cách mạng Việt Nam



Cụ Phan Bội Châu trong thời gian bị an trí tại Huế (1937)



Trang bìa tác phẩm "Cuộc đời cách mạng Cường Để" (1957)



Lễ rước di cốt và di ảnh của Kỳ ngoại hầu Cường Để (1957). Người đứng cúi đầu là ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống VNCH





Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1538, ngày 5 tháng 1 năm 1939

Những mẫu chuyện về Kỳ Ngoại Hầu Cường Để & Cựu Hoàng Duy Tân

 Kỳ 4) KHI NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH

CỦA KỲ NGOẠI HẦU BỊ SA CƠ

Như đã đề cập ở phần trên, câu chuyện kể của Kỳ ngoại hầu Cường Để về chuyện người thanh niên tên Tản Anh trừ khử kẻ phản bội Phan Bá Ngọc bằng hai phát súng trong đêm hoa đăng ngày rằm tháng giêng 1922 tại Hàng Châu đã dừng lại ở chi tiết này. Vị hội chủ của VNQPH không kể thêm về những gì xảy ra cho Tản Anh sau đó

Mãi cho đến năm 1933, trong bộ hồ sơ số 5 của Phủ Toàn quyền Đông Dương có tên La terreur rouge en Annam – 1931-1932 (Khủng bố đỏ ở An Nam, 1931-1932 ), người ta đọc thấy một tài liệu trích trong tập san của Ủy ban ân xá người Đông Dương ( Comité d’amnistie aux Indochinois) đề cập đến bản án của Tòa đề hình (cour criminelle) Vinh (Nghệ An) xét xử người từng sát hại Phan Bá Ngọc vào năm 1922. Nạn nhân được tập hồ sơ nêu rõ là Phan Bá Ngọc, còn người bị truy tố có tên Lê Văn Phan, tự Hồng Sơn, trùng với tên Hồng Sơn trong hồi ức của Kỳ ngoại hầu Cường Để, song khác biệt hẳn với tên Võ Nguyên Trinh và bí danh Tản Anh như Cường Để đã kể. Điều đó cũng dễ hiểu vì vào thời kỳ này, hầu hết những người hoạt động cách mạng đều có nhiều tên khác nhau.

Trong vụ án do tòa đề hình Vinh xét xử vào ngày 24.2.1932, Lê Văn Phan (hay Tản Anh trong hồi ký của Cường Để) phạm vào các tội chính như sau:

- Ngày 11.2.1922, theo lệnh của Kỳ ngoại hầu Cường Để, Lê Văn Phan đã hạ sát Phan Bá Ngọc bằng 5 phát súng lục (theo Cường Để là hai phát) tại một công viên ở Hàng Châu, Trung Quốc.

- Tháng 12.1926, với sự tiếp sức của Hồ Tùng Mậu, trong vùng ngoại ô Quảng Đông, Lê Văn Phan đã sát hại Kim Quang Ich, bị nghi ngờ là một kẻ phản bội lại phong trào cách mạng

- Đầu năm 1930, Lê Văn Phan qua Nhật hoạt động cạnh Kỳ ngoại hầu Cường Để và đã giúp vị hoàng thân này tự tay dìm chết một người tên Nguyen Thoi Hien tự Lai Minh (tài liệu của Pháp không bỏ dấu). Theo lời khai của Phan trong hồ sơ điều tra, Hien vốn là một thuộc hạ cũ của Kỳ ngoại hầu và vụ dìm chết người được Kỳ ngoại hầu dàn dựng trong một cuộc đi chơi tay ba trên sông nước.

Tất nhiên, không loại trừ nghi vấn lời khai của Phan là kết quả sự mớm cung hay ngụy tạo chứng cứ của cơ quan mật thám Pháp hòng làm hạ giảm uy tín của Kỳ ngoại hầu Cường Để.

Với những chứng cứ trên, Lê Văn Phan bị tòa đề hình Vinh kết án tử hình, bản án được thi hành ngày 20.2.1933 trước sự chứng kiến của các quan tỉnh và đông đảo người xem ( La terreur rouge en Annam 1931-1932 – Phủ Toàn quyền Đông Dương – Hà Nội 1933, trang 164 -165 )

***

Trong mấy thập niên đầu thế kỷ XX, hai nhà hoạt động cách mạng Cường Để và Phan Bội Châu di chuyển như con thoi qua nhiều nước và lãnh thổ, từ Việt Nam qua Xiêm, đến Trung Quốc, rồi Hồng Kông, Nhật Bản. Mục đích chính của những cuộc di chuyển liên tục vừa nhằm để liên lạc với các cơ sở cách mạng trong và ngoài nước, vừa tránh sự đeo bám của mật thám Pháp và những kẻ chỉ điểm cho Pháp.

Nhưng rồi cũng có lúc họ không thoát khỏi lưới giặc giăng mắc khắp nơi. Nhận lời mời của Lâm Đức Thụ, người cộng sự đắc lực của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ, ngày 18.6.1925, cụ Phan Bội Châu lên tàu hỏa từ Hàng Châu đi Thượng Hải, để từ đó xuống tàu thủy đi Quảng Châu, nhân kỷ niệm về liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại đây. Song khi vừa bước xuống một ga gần Thượng Hải, cụ Phan đã bị cảnh sát ở tô giới Anh bắt giữ và giải giao cho cảnh sát ở tô giới Pháp. (Bùi Đình -Vụ án Phan Bội Châu – NXB Tiếng Việt – Hà Nội 1950, trang 6 – Cuộc đời cách mạng Cường Để - sđd, trang 121).

Sau khi bí mật chuyển cụ Phan về Việt Nam bằng đường thủy, giam vào nhà tù Hỏa Lò, ngày 25.11.1925, thực dân Pháp đưa cụ ra xét xử trước Hội đồng đề hình (Commission criminelle) với thành phần gồm hầu hết là viên chức Pháp, chỉ có một người Việt Nam là cụ Bùi Bằng Đoàn (lúc ấy là một công chức của Pháp) giữ cương vị thông ngôn.

Phiên xử thu hút một khối công chúng lên đến hàng ngàn người. Theo các nhà sử học Trần Huy Liệu và Bùi Công Trung, đồng tác giả quyển “Việc ông Phan Bội Châu” do nhà in Xưa-Nay xuất bản tại Sài Gòn năm 1926, thì đây là lần đầu tiên công chúng được dự khán tự do một phiên xét xử của Hội đồng đề hình.

Căn cứ vào cáo trạng mà Hội đồng này công bố trong phiên xử, ngoài những “tội trạng” có tính chung chung như khuấy rối trị an trong nước, tạo rối loạn về chính trị, cụ Phan còn bị kết tội về hai sự việc cụ thể sau:

- Cung cấp bom và xúi giục Phạm Văn Tráng sát hại Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn vào ngày 12.4.1913

- Cung cấp bom cho Nguyễn Khắc Cần ném vào Hotel-Hà Nội vào ngày 26.4.1913, giết chết hai sĩ quan Pháp là Montgrand và Chapus.

Cần nhắc lại là ngay sau hai vụ ném bom này, cụ Phan Bội Châu và Kỳ ngoại hầu Cường Để đều bị kết tội chủ mưu và bị kết án tử hình khiếm diện.

Lê Nguyễn

4.11.2021


Tập hồ sơ La terreur rouge en Annam 1930-1931 của Phủ Toàn quyền Đông Dương - Tư liệu riêng



Nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940)



Trang bìa tác phẩm Việc ông Phan Bội Châu của Trần Huy Liệu và Bùi Công Trung (Sài Gòn 1926) - Tư liệu riêng



Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne, người đương nhiệm trong thời gian tòa đề hình xét xử cụ Phan Bội Châu





Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1537, ngày 29 tháng 12 năm 1938

Những mẫu chuyện về Kỳ Ngoại hầu Cường Để & Cựu Hoàng Duy Tân

 Kỳ 3 – KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ

VÀ HỘI NGHỊ HÒA BÌNH PARIS NĂM 1919

Năm 1914, một biến động lớn xảy ra có ảnh hưởng đến đời sống của hàng tỉ người trên thế giới. Đó là Thế chiến thứ nhất với sự xung đột của các đại cường, và Pháp bị lôi vào cuộc với nhiều tổn thất lớn lao. Họ đã đưa hàng chục ngàn thanh niên các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, sang Pháp, chủ yếu làm lính thợ, để thanh niên Pháp có thể cầm súng ra chiến trường. Tuy vậy, không phải là thành phần lính thợ Việt Nam không chịu những tổn thất về sinh mạng. Sau khi Thế chiến kết thúc vào năm 1918, chính phủ Paris cho thiết lập nhiều đài tưởng niệm những người lính đã bỏ mình trong cuộc chiến, trong đó có đài tưởng niệm binh sĩ Việt Nam mà vào năm 1922, trong chuyến Pháp du, vua Khải Định từng đến đó nghiêng mình.

Không đầy một năm sau ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất, tháng 1.1919, Hội nghị Hòa bình Paris (Paris Peace Conference) được tổ chức với sự tham dự của nguyên thủ các quốc gia thắng trận nhằm bàn về những vấn đề hậu chiến phải giải quyết. Nhân sự kiện quan trọng này, ngày 12.2.1919, với tư cách hội chủ Việt Nam Quang phục hội, Kỳ ngoại hầu Cường Để đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ở Hà Nội một điện tín với nội dung: “Người An Nam rất không hài lòng với hình thức chính quyền hiện hữu và mong muốn được trả lại tự do tức khắc”.

Sau đó ít lâu, Kỳ ngoại hầu gửi bức điện tín thứ hai cho Tổng thống Mỹ Wilson đang ở Paris, đề nghị nước Mỹ hỗ trợ người dân Việt Nam giải phóng xứ sở khỏi ách thực dân. Trong điện tín, vị hoàng thân cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế chấp thuận cho Việt Nam gia nhập Hội Quốc liên (League of Nations), một tổ chức quốc tế hàng đầu, tiền thân của Liên Hiệp Quốc ngày nay.

Không chịu dừng ở đó, dựa vào tuyên bố 14 điểm của Tổng thống Mỹ công bố một năm trước đó, Kỳ ngoại hầu Cường Để gửi đến Hôi nghị Hòa bình một thư ngỏ lên án nước Pháp có một nền văn minh hàng đầu, song chính sách cai trị của họ tại Việt Nam là thô bạo và trái nguyên tắc (Andrew Dalby – Makers of the Modern World – London 1910).

Thực dân Pháp ở chính quốc đã phản ứng lại những động thái của Kỳ ngoại hầu Cường Để bằng cách dùng sức ép ngoại giao với chính phủ Nhật hòng trục xuất vị hoàng thân ra khỏi nước Nhật, song lúc đó, ông đã rời Nhật Bản, đi sang Tàu gặp cụ Phan Bội Châu.

Không rõ Tổng thống Mỹ Wilson và khoáng đại Hội nghị đã có phúc đáp gì trước những yêu cầu của Kỳ ngoại hầu, và đến nay, hoạt động của ông vào thời điểm trên gần như không được nhắc tới. Ngay cả trong hồi ức tỉ mỉ của Cường Để do ký giả Nhật là Tùng Lâm ghi lại cũng không thấy ông nhắc gì đến các hoạt động đó. Có lẽ khi đề cập đến sự kiện này, tác giả Andrew Dalby đã căn cứ vào văn khố các nước từng tham dự hội nghị hòa binh Paris 1919 - 1923, bởi vì tác phẩm của ông được biên soạn chủ yếu về sự kiện trọng đại này. Đối với lãnh vực nghiên cứu lịch sử tại Việt Nam, vấn đề khá mới mẻ về mặt tư liệu nên cần được đào sâu và kỹ để hiểu rõ hơn hoạt động cách mạng của Kỳ ngoại hầu Cường Để trong giai đoạn này.

KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ VÀ VỤ MƯU SÁT CON TRAI

NHÀ CÁCH MẠNG PHAN ĐÌNH PHÙNG

Năm 1922, Kỳ ngoại hầu Cường Để đã thực hiện một hành vi mà ít ai ngờ tới. Hành vi này liên quan đến một trong những người con trai của vị lãnh tụ kháng chiến Phan Đình Phùng (1847-1895) tên Phan Đình Cừ, tự Bá Ngọc (trong hồi ký, Kỳ ngoại hầu chỉ sử dụng tên Phan Bá Ngọc). Ngọc là một trong những thanh niên xuất dương theo phong trào Đông Du sớm nhất (vào nửa sau năm 1906), đến năm 1909 thì hoạt động ở nhiều nơi thuộc Hồng Kông và Trung Quốc.

Trong thời gian hoạt động, có lần Phan Bá Ngọc bị Pháp bắt rồi tình nguyện làm người chỉ điểm và thi hành các mật lệnh của Pháp. Khi anh ta có mưu định tiếp cận cụ Phan Bội Châu và gài cho mật thám bắt cụ thì việc này đến tai Kỳ ngoại hầu Cường Để. Và sau khi suy tính kỹ, để cứu lấy cụ Phan, đồng thời tránh những tổn thất cho phong trào cách mạng ngoài nước, vị hội chủ VNQPH quyết định trừ khử Phan Bá Ngọc.

Công việc trên được Kỳ ngoại hầu giao cho một thanh niên có bí danh Tản Anh (theo Cường Để, người này tên thật Võ Nguyên Trinh, còn có tên Hồng Sơn). Phương tiện hành sự là một khẩu súng Kỳ ngoại hầu mang theo người. Lãnh nhiệm vụ, Tản Anh tìm cách bám sát Phan Bá Ngọc.

Ngày rằm tháng giêng năm 1922 là dịp đăng tiết, người dân thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, treo đèn kết hoa và tham dự nhiều trò vui chơi. Khi Phan Bá Ngọc từ Thượng Hải đi sang Hàng Châu dự lễ đăng tiết vào đúng đêm nguyên tiêu, Tản Anh cũng có mặt trong đêm đó. Và khi Ngọc chăm chú đốt những quả pháo trong cuộc vui náo nhiệt ấy thì hai phát súng của Tản Anh đã khiến anh ta gục xuống. Hạ thủ xong, Tản Anh gặp lại Kỳ ngoại hầu Cường Để tại Nhật, báo cáo sự việc và trả lại khẩu súng. Cuộc đời người con trai của cụ Phan Đình Phùng đã có một kết cuộc đáng buồn như thế!

Hồi ức của Kỳ ngoại hầu Cường Để về hai con người khác biệt Phan Bá Ngọc và Tản Anh dừng hẳn lại ở đó. Có lẽ ông đã không biết rằng hàng chục năm sau, Tản Anh phải trả giá đắt cho hành động hạ sát Ngọc. Do một sự tình cờ, người viết bài này tìm thấy một tài liệu chính thức của chính quyền Pháp về việc trên, sẽ xin kể lại trong kỳ sau.

Lê Nguyễn

3.11.2021


Quang cảnh một buổi họp của Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919



Tác phẩm của Andrew Dalby viết về Hội nghị Hòa bình Paris có đề cập đến các văn kiện được Kỳ ngoại hầu Cường Để gửi đến hội nghị - Tư liệu riêng



Kỳ ngoại hầu Cường Để ở tuổi trung niên.





Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1536, ngày 22 tháng 12 năm 1938

Những mẫu chuyện về Kỳ Ngoại hầu Cường Để & Cựu Hoàng Duy Tân

 KỲ 2) TỪ VỤ HÀ THÀNH ĐẦU ĐỘC …

Trong cuộc gặp gỡ giữa hai bên, các chính khách Nhật bày tỏ mối thiện cảm với phong trào giành độc lập cho Việt Nam, song lúc bấy giờ thực lực của chính quyền Đông Kinh bị sa sút do hậu quả một cuộc chiến khốc liệt với Nga nên tự trong thâm tâm các nhà cách mạng Việt Nam, sự học tập, rèn luyện thêm vẫn là vấn đề cốt yếu. Phong trào Đông Du được cổ xúy nồng nhiệt, thanh niên Việt Nam xuất dương sang Nhật học rất nhiều, bản thân Kỳ ngoại hầu Cường Để cũng vào học tại Chấn Võ lục quân học hiệu (1907), nơi mà người thanh niên Lương Lập Nham (Lương Ngọc Quyến) cùng vài người khác đã nhập học từ trước.

Năm 1908, tại Việt Nam, hai sự kiện quan trọng nổi lên, đó là cuộc kháng thuế miền Trung vào tháng 3 và vụ Hà Thành đầu độc vào tháng 6. Vụ trước bùng lên tại khắp tỉnh Quảng Nam sau một thời gian dài âm ỉ, với các buổi diễn thuyết của các nhân sĩ yêu nước, kêu gọi đồng bào phản kháng lại chính sách sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp. Người biểu tình chịu ảnh hưởng bởi phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh cổ xúy, họ chặn đường dân làng và đè ra cắt tóc khiến nhiều người bị cắt tóc xong trốn biệt trong nhà vì sợ bị chính quyền kết tội. Cũng vì thế, vụ kháng thuế này còn được gọi là “Loạn đầu bào”. Hậu quả của biến động trên là các nhân sĩ cách mạng lừng lẫy như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế … đều bị bắt giữ và lưu đày Côn Nôn (Côn Đảo).

Vụ thứ hai có sự kết hợp của đảng Nghĩa Hưng của Hoàng Hoa Thám, được trù liệu tỉ mỉ từng bước, trong kế hoạch đầu độc mấy trăm lính Pháp đang đồn trú tại Hà Nội để sau đó nghĩa quân Hoàng Hoa Thám tổ chức đánh úp. Tất cả những hoạt động này nhằm vào việc tôn vinh hai nhân vật lãnh đạo các phong trào kháng chiến là Kỳ ngoại hầu Cường Để và cụ Phan Bội Châu (còn có tên Phan Sào Nam). Kế hoạch đầu độc được thực hiện trót lọt song có lẽ thức ăn cung cấp cho lính Pháp không có đủ độc tính nên hầu hết chỉ bị ngộ độc nhẹ. Sự tổn thất của các thanh niên yêu nước trong vụ đầu độc này vô cùng to lớn, hàng trăm người bị xử chém hoặc lưu đày…

Ngoài những thất bại trên, kế hoạch vận động nước ngoài giúp đỡ cách mạng Việt Nam cũng gặp những khó khăn khó vượt qua. Đó là việc hai chính phủ Pháp và Nhật đã ký một hiệp ước tôn trọng lãnh thổ và quyền lợi của nhau (10.6.1907), vì thế vào năm 1909, Pháp thường xuyên nhắc nhở phía Nhật tuân thủ hiệp ước, trong đó có việc phải trục xuất các nhà chính trị và du học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhật. Phong trào Đông Du tan rã từ đó. Bản thân Kỳ ngoại hầu Cường Để phải lánh qua nhiều lãnh thổ khác nhau như Xiêm (Thái Lan), Hồng Kông, Trung Quốc … để tiếp tục cuộc vận động của mình.

Năm 1910 đánh dấu một tổn thất nặng nề cho phong trào kháng chiến chống Pháp, chiến khu Yên Thế của Hoàng Hoa Thám bị Pháp san bằng, Đề Thám phải ẩn lánh trong rừng và bị tiêu diệt ba năm sau đó, do sự phản trắc của một thuộc hạ cũ là Lương Tam Kỳ (1.2.1913).

…. ĐẾN BẢN ÁN TỬ HÌNH KHIẾM DIỆN NĂM 1913

Vào khoảng thời gian trên, VNQPH đẩy mạnh hoạt động, thành lập “Dân quốc Việt Nam”, suy cử Kỳ ngoại hầu Cường Để làm Tổng thống, cụ Phan Bội Châu làm Phó Tổng thống kiêm Tổng trưởng Ngoại giao, cụ Nguyễn Thượng Hiền (con rể Tôn Thất Thuyết) làm Tổng trưởng Tài chánh, với 2 cố vấn là Tôn Thất Thuyết (đang sống lưu vong ở Quảng Châu) và Nguyễn Thiện Thuật (đang sống ở Quảng Châu, trong nhà của lãnh tụ quân Cờ Đen khi trước là Lưu Vĩnh Phúc) (theo Trần Huy Liệu trong “Việc ông Phan Bội Châu”, Sài Gòn 1926, trang 10).

Song về sau, không thấy thêm tin tức về chính phủ non trẻ này. Vào những năm 1912-1913, khuynh hướng bạo động bộc phát, phần lớn dưới danh nghĩa hai nhân vật cách mạng tiêu biểu là Kỳ ngoại hầu Cường Để và Phan Bội Châu. Theo tờ Le colon français số ra ngày 15.6.1929, vào năm 1913, tại Nam Định, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut từng bị ám sát bằng một quả bom, song may cho ông ta là quả bom đã không nổ.

Ngoài thất bại trên, hai cuộc mưu sát khác đạt được thành công nhất định. Vụ thứ nhất do một thanh niên yêu nước tên Phạm Văn Tráng thực hiện vào ngày 12.4.1913, giết chết Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, một quan lại phục vụ đắc lực cho quyền lợi của thực dân Pháp. Vụ thứ nhì do Nguyễn Khắc Cần thực hiện ngày 26.4.1913, sát hại hai sĩ quan Pháp là Mongrand và Chapuis tại khách sạn Hanoi hotel. Trong vụ này, tờ báo Pháp Le Radical số ra ngày 29.4.1913 có bài đăng chi tiết về các vụ ném bom trên và loan tin vào tháng 12.1913, vợ và các con Kỳ ngoại hầu Cường Để bị bắt giam ở Huế. Chưa tìm thấy tư liệu về thời gian giam giữ những người này.

Bài báo tiếp theo của tờ Le Radical, số ra ngày 10.5.1913 đăng một bản tin chi tiết hơn về việc ngay trong tháng 5.1913, nhà cầm quyền Pháp bắt giữ được một người tìm đường vượt biên từ Lạng Sơn sang Trung Quốc. Khi khai báo, kẻ này tự nhận là thủ phạm vụ ném bom ở Hà Nội theo sự “xúi giục” (nguyên văn: instigation) của Kỳ ngoại hầu Cường Để, anh cũng khai là trốn sang Trung Quốc để bắt liên lạc với cụ Phan Bội Châu. Tờ báo Pháp không nêu rõ tên người bị bắt, song có thể đoán là Nguyễn Khắc Cần, ông bị Pháp xử tử không lâu sau đó.

Một điều thú vị nữa là cột báo của tờ Le Radical ngày 10.5.1913 có đăng ảnh Kỳ ngoại hầu Cường Để, bức ảnh lần đầu tiên được tìm thấy, vì in trên báo giấy năm 1913 nên không được rõ nét, song là một ảnh tư liệu quý về nhà cách mạng này.

Khi xảy ra vụ ném bom, Kỳ ngoại hầu đang có mặt ở Nam kỳ, ông ẩn lánh kỹ, không bị lọt vào mắt của mật thám Pháp, còn cụ Phan Bội Châu thì ở ngoài nước. Song cả Kỳ ngoại hầu và cụ Phan Bội Châu đều bị tòa án của thực dân Pháp kết án tử hình khiếm diện.

Lê Nguyễn

2.11.2021


Kỳ ngoại hầu Cường Để (đứng) và Phan Bội Châu (1907)



Lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám (1858 - 1913) - Ảnh báo Illustration số 3214 năm 1903 - Tư liệu riêng



Các thanh niên yêu nước bị bắt trong vụ Hà thành đầu độc 1908 - Ảnh P. Dieulefils



Tờ báo Le Radical ngày 29.4.1913 tường thuật vụ ném bom tại Hà Nội tháng 4.1913 (Grave attentat en Indo-Chine ...) - Tư liệu riêng



Bài báo trên tờ Le Radical ngày 10.5.1913 có đăng ảnh Kỳ ngoại hầu Cường Để - Tư liệu riêng





Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1535, ngày 15 tháng 12 năm 1938

Mấy mẫu chuyện về Kỳ Ngoại Hầu Cường Để & Cựu Hoàng Duy Tân

 MẤY MẨU CHUYỆN VỀ KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ

VÀ CỰU HOÀNG DUY TÂN

(Loạt bài 9 kỳ khởi đăng trên báo Thanh Niên từ ngày 1.11.2021)

KỲ I) NHÀ CÁCH MẠNG TRẺ TUỔI VÀ

NGƯỜI BỒI TÀU GIÀU LÒNG YÊU NƯỚC

Tháng 11.1888, vua Hàm Nghi, linh hồn của phong trào kháng chiến Cần vương, bị Pháp bắt trên thượng nguồn sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, các tổ chức nghĩa quân của Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân tan rã, lãnh tụ Hoàng Hoa Thám cố cầm cự ở Yên Thế, Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh.

Năm 1895, cụ Phan tính đến việc suy cử một hậu duệ của hoàng đế Gia Long làm minh chủ cho các lực lượng kháng chiến trong nước, thay thế vai trò của vua Hàm Nghi khi trước. Cụ tìm đến Hàm Hóa hương công Nguyễn Phúc Anh Du, cháu nội Ứng Hòa công Mỹ Đường, cháu 4 đời hoàng thái tử Cảnh, để mời ông nhận cương vị trên.

Hàm Hóa hương công lấy làm cảm kích, song nghĩ tuổi đã già, sức đã yếu nên muốn cậu con trai 13 tuổi (sinh năm 1882) thay mình làm biểu tượng cho các phong trào chống Pháp. Người con trai ấy là Nguyễn Phúc Dân, tên theo phiên hệ của dòng con cháu Hoàng thái tử Cảnh là Cường Để, tước Kỳ ngoại hầu. Cụ Phan Đình Phùng tán thành sự đề cử của Hương công, nhưng việc chưa đến đâu thì cụ đã qua đời vì trọng bệnh.

Theo hồi ức của Kỳ ngoại hầu Cường Để do một ký giả người Nhật ghi lại qua tác phẩm “Cuộc đời cách mạng Cường Để”, vào khoảng đầu những năm 1900, Khâm sứ Huế ướm thử với ông về việc lên đưa ông lên thay vua Thành Thái, song ông không khứng chịu vì không muốn đi theo con đường cũ của ông hoàng Bửu Lân. Tuy nhiên, vào tháng 3 âm lịch (AL) 1903, ông nhận lời đề nghị của nhà cách mạng Phan Bội Châu làm hội chủ Việt Nam Quang phục hội (VNQPH) để mưu việc giành lại nền độc lập cho xứ sở (Cuộc đời cách mạng Cường Để - Phỏng vấn ký của ký giả Tùng Lâm – Sài Gòn 1957, trang 13).

Vào thời điểm này, không thể không nhắc đến vai trò của người lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám trong bối cảnh cuộc vận động chính trị cho việc giành lại nền tự chủ cho xứ sở. Vì thế, đã có cuộc gặp gỡ giữa ba nhân vật lừng lẫy lúc bấy giờ là Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Hoàng Hoa Thám để bàn định những kế hoạch hành động phù hợp nhất. Chúng ta biết rằng giữa hai cụ Phan, có sự bất đồng về phương thức hành động, người chủ trương sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền thực dân, người muốn sử dụng sự canh tân xứ sở để đòi lại quyền tự trị. Mối quan hệ giữa hai cụ Phan với Hoàng Hoa Thám cũng có những khác biệt sâu sắc.

Cụ Phan Bội Châu thân hành lên đồn điền Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, hai lần, vào những năm 1902 và 1906, và hai bên đạt được thỏa thuận cơ bản: Đề Thám gia nhập Duy Tân hội và công nhận Kỳ ngoại hầu Cường Để là Hội chủ, sẵn sang ứng viện bằng quân sự khi Trung kỳ xướng nghĩa.

Song mối quan hệ giữa cụ Phan Châu Trinh và họ Hoàng lại không suôn sẻ như vậy. Năm 1907, cụ Phan lên Phồn xương với những yêu cầu không được Đề Thám hoan nghênh như: mở mang nông thương nghiệp để quân lính tự túc, không bắt dân phải đóng góp nhiều, cấm chỉ nghĩa quân hút á phiện … Yêu cầu sau cùng là ngặt nghèo nhất, vì bản thân Đề Thám cũng là người nghiện ngập nặng. Hai bên mâu thuẫn nhau từ đầu, Phan Châu Trinh xem Đề Thám là người ít học, chỉ là một “chúa sơn lâm”, khó làm nên đại sự, còn họ Hoàng coi cụ Phan thuộc hạng “mũ cao áo dài”.chỉ chuộng văn hay chữ tốt, khó làm nên đại sự (Tôn Quang Phiệt – Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám – Sở VHTT Hà Bắc 1984, trang 76)

****

Trong tình hình quốc tế, năm 1904, Nhật bản thắng thế trong cuộc xung đột quân sự với Nga, làm nức lòng các dân tộc châu Á. Nhân đó, hội nghị của VNQPH diễn ra vào tháng 10 AL 1904 quyết định cử cụ Phan Bội Châu sang Nhật để nhờ sự giúp sức của chính quyền Nhật Bản. Cụ Phan sang Nhật cùng hai thanh niên yêu nước Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ, đến Hoành Tân gặp một nhà cách mạng Trung Quốc nổi tiếng là Lương Khải Siêu đang chủ trương tờ Tân Dân tuần báo. Qua họ Lương, cụ Phan được hội kiến với hai nhà hoạt động chính trị lừng danh của Nhật là Bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoki).

Trong cuộc hội kiến, sau khi được cụ Phan trình bày về hiện tình Việt Nam, các chính khách Nhật khuyên nên đưa vị hội chủ, tức hoàng thân Cường Để, sang Nhật cho danh chánh ngôn thuận trong việc nhờ viện trợ quân sự. Và việc Kỳ ngoại hầu Cường Để xuất dương sang Nhật đã phát xuất từ lời đề nghị này của những người bạn Nhật.

Tháng 8 AL năm 1905, cụ Phan Bội Châu về nước rước Kỳ ngoại hầu Cường Để sang Nhật. Đúng ngày mùng ba Tết AL năm 1906, vị hoàng thân xuống tàu đi Nhật. Trong hành trình từ Hải Phòng sang Nhật, Kỳ ngoại hầu đã được một người bồi tàu là Lý Tuệ giấu kỹ trong buồng tàu để tránh tai mắt của mật thám Pháp. Con người yêu nước này cũng từng giúp cụ Phan Bội Châu đi trót lọt nhiều nơi, công lao của ông từng được cụ Phan nhắc nhở đến với tất cả sự ngưỡng phục.

Khi vừa đặt chân đến thành phố Đông Kinh của Nhật Bản, Kỳ ngoại hầu đã hội kiến với Bá tước Đại Ôi Trọng Tín và Khuyển Dưỡng Nghị. Lúc này cuộc chiến tranh Nga-Nhật đã kết thúc, sau khi hải quân Nhật thằng giòn giã hải quân Nga ở eo bể Đối Mã.

Lê Nguyễn

1.11.2021

* Chức năng tag tạm thời bị vô hiệu hóa, không rõ lý do, mong các bạn thông cảm, khi chức năng này hoạt động trở lại được, tôi sẽ tag bổ sung




Hoàng thái tử Cảnh, ông tổ 5 đời của Kỳ ngoại hầu Cường Để



Kỳ Ngoại hầu Cường Để khi còn nhỏ


Người bồi tàu yêu nước Lý Tuệ (1871-1938)



 

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1534, ngày 8 tháng 12 năm 1938

"Cao Miên", :Nam Vang" - tên gọi từ đâu?

 "CAO MIÊN", "NAM VANG" - tên gọi từ đâu?

(tiếp bài về các tên gọi chánh thức của quốc gia phía Tây Nam: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1331479107286066)

1/ Trước tháng 4 năm 1975, người dân miền Tây, người dân Sài Gòn chỉ nói "CAO MIÊN", không ai nói "Cam-pu-chia", nghe lạ hoắc! Nói "Cao Miên" là đúng 100%. Bởi vì hồi đó, ở xứ Chùa Tháp, tên gọi chánh thức là "Cộng hòa Cao Miên" (Khmer Republic).

(Nguyên tắc "mượn cầu nối Hán tự": ghi "Khmer" là 高棉 => đọc sang tiếng Việt là "Cao Miên", đây là cách chuyển ngữ Việt hóa. "Mượn cầu nối Hán tự" chẳng riêng gì người Việt chúng ta mà trong ngôn ngữ người Nhựt, người Hàn cũng diễn ra "mượn cầu nối" như rứa)

Chỉ sau khi cách (cái) mạng ở xứ bển, sau tháng 4 năm 1975, chế độ diệt chủng Polpot đổi tên nước là "Kampuchea Dân chủ" thì... người miền Nam chúng ta mới nghe đến cái tên đọc là Cam-pu-chia đó đa!

2/ Người miền Tây, người Sài Gòn trước đây quen gọi thủ đô Phnom Penh của Cao Miên là NAM VANG (đến giờ vẫn còn những người quen gọi vậy đó). "Nam Vang" có phải cũng là chuyển ngữ Việt hóa, thông qua "cầu nối" như đối với hai chữ "Cao Miên"?

Ồ, không phải. Nếu chuyển ngữ "cầu nối" đối với Phnom Penh => => đọc là "Kim Biên". Nhưng chẳng ai gọi "Kim Biên" hết trơn, mà gọi "NAM VANG".

Tên gọi này hình thành vào thời hoàng đế Minh Mạng (nhà Nguyễn) chiếm luôn xứ Cao Miên, đem sáp nhập vào nước Đại Nam từ 1835 đến 1841. Tên nước lẫn tên các vùng địa phương, tên thủ đô xứ Cao Miên... đều đổi sang tên mới - do người Việt đặt ra.

Xứ Cao Miên làm thành 1 trấn, gọi là "Trấn Tây thành" (鎮西城), Phnom Penh đổi hẳn sang tên Việt là "Nam Vang" (南榮), ghi dấu "sự vẻ vang của nước Nam" (Đại Nam).

--------------------------------------------------------------------

Nguồn: Matthew NChuong

(hình 1): Cờ của nước Cộng hòa Cao Miên (Khmer Republic, trước năm 1975)

(hình 2): Cao Miên sáp nhập vào nước Đại Nam, trở thành "Trấn Tây Thành"

(hình 3): Chế độ Polpot lấy tên nước là "Kampuchea dân chủ", với lá cờ có tháp vàng sền sệt ịn trên nền đỏ đẫm máu diệt chủng;

(hình 4): Cờ của Vương quốc Cambodia hiện nay.