ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Họ Năng Gù Rước Xương Thánh

HỌ NĂNG GÙ RƯỚC XƯƠNG THÁNH

-----------------------

Ơn Chúa đoái thương con nhà Nam Việt, ban cho ta đặng phước lành, là nhắc mấy vì á thánh lên bực cao sang: thật rất nên vinh hiển cho ta. Năm nay mọi nơi trong nước An Nam làm Tam Nhựt Kinh Lễ rất trọng thể mà cám ơn Chúa cùng mấy vì á thánh. Họ Năng Gù, về địa phận Cao Mên, cũng đồng tâm hiệp lực cùng cha sở mà dọn lễ nầy cho xứng đáng; mà nhứt là cuộc rước Hài cốt các thánh rất trọng thể như sau nầy:

Trong họ lấy 30 chiếc ghe ken lại làm một cái bè lớn, cùng lấy vải và màn chấn, bông hoa, trau giồi coi rất đẹp. Phía trước làm như mặt tiền nhà thờ, có ba vòng nguyệt, có treo đèn thứ tự khéo léo; trên chót treo một cái đèn thánh giá dán bông hoa rực rỡ, và có tên hai vì á thánh, là Vêrô Đoàn công Quí và Mân-hòe Lê văn Phụng. Dưới bè có liệt ván dài 10 thước tây. Dọn hai cái rạp bằng vải bông và treo màn chấn, kết bông hoa đẹp đẽ lắm. Trong cái rạp trước thì có cái kiệu đặng để Xương thánh. Trong rạp nọ thì có 40 đồng nhi ngồi mà hát kinh cùng hầu Xương thánh. Đồng nhi nam mặc áo chớn, đội mũ hoa; đồng nhi nữ mặc áo trắng, đội lúp trắng và đội tràng hoa, thảy đều nghiêm trang chỉnh tề. Còn quới chức, là 28 ông, thì cha sở Unterleidner dạy mặc y phục cùng mang dây bande cả thảy.

Chánh lễ là ngày 22, 23, 24 tháng hai an nam, mà ngày 20 thì đã mướn một chiếc tàu lớn trên Châu Đốc xuống Năng Gù, mà dắc bè qua Cù lao Giêng, hầu điệu Hài cốt hai vì á thánh về, 12 giờ trưa tàu lui, tới Cù lao Giêng là 5 giờ rưỡi chiều.

Đến nơi bổn đạo lên bờ, thì cha sở Unterleidner sắp lớp lang thứ tự: có lính suisse cầm gươm đi trước, đoạn cha sở đi giữa có 4 tên đồng nhi theo hầu, kế ông trùm, ông câu và quới chức, rồi tới kiệu có 4 ông chức khiêng; sau thì đồng nhi nam nữ và bổn đạo hai hàng. Trên nhà trường có cha bề trên và các cha xuống rước lên. Hai cha nhà trường khiêng hộp Xương thánh để vào kiệu. Khi rước xuống bè thì cũng sắp lớp lang thức tự; mà phen nầy có thêm các cha, mấy thầy, học trò nhà trường, cùng cả và nhà phước và bổn đạo theo hầu rất đông đắn và trọng thể lắm.

Rước xuống bè rồi thì đèn đỏ 500 ngọn, đồng nhi hát kinh chầu Xương thánh; tàu dắc bè ra giữa sông, đốt pháo bông, đến 8 giờ tàu mới lui. Dưới bè có 7 cha và quới chức bổn đạo kể hơn 300 người. Khi tàu trở về thì hai bên bờ người ta đâm ghe ra coi mà vô số; mấy ghe theo coi thì đặng phép buộc theo tàu hết thảy; vì theo lời ông câu Ký, họ Cái Đầm, khi ông ấy mướn tàu thì có giao phòng hờ trong tờ: phải cho ghe dòng theo cho tới 100 chiếc.

Tàu về đến nơi, cha J. Conte mặc áo các phép, xuống rước Xương thánh, dưới bè các cha và bổn đạo sắp thứ tự đưa lên nhà thờ. Vào nhà thờ, để Xương thánh trên bàn thờ tạm đã dọn sẵn và chong đèn luôn ngày luôn đêm trong ba ngày Tam Nhựt Kinh Lễ.

Việc trần thiết trong nhà thờ: bông hoa cờ xí, bản cờ cùng đèn đuốc sắp bày coi rất oai nghi xinh tốt. Trong cung thánh có xây hai trụ gạch để hai hình á thánh, bề cao một thước năm tấc tây, hình mặc áo theo xưa, tốt tươi coi như người sống. Còn trong mấy nhà bổn đạo thì nhà nào cũng có treo cờ thắp đèn hết thảy.

Ngày sau là 21 tháng hai, chiều lại bổn đạo cấm phòng; có giảng mỗi ngày ba lần; trong ba ngày có 10 cha ngồi tòa làm phước; mỗi buổi chiều thì làm tuồng nhắc tích hạnh hai vì á thánh, mỗi bữa làm tới 11 giờ khuya, mà ba bữa mới rồi.

Ngày Chúa nhựt là ngày thứ ba trong lễ Tam Nhựt, thì có các quan langsa: có ông chánh, ông phó tham biện, quan biện lý, đốc học, vân vân…, vợ chồng con cái đến đền chầu lễ. Buổi chiều giờ làm phép lành, thì quan biện lý đánh đờn và có hát bài ca vịnh kính hai vì á thánh. Làm phép lành đoạn các quan xin cha sở Unterleidner cho bổn đạo nhắc lại một lớp tuồng cho các quan xem; đoạn mọi người lui về mà ai nấy đều vui mừng phỉ dạ.

Trong cuộc nầy rất đáng khen cha sở và bổn đạo có lòng lo lắng sửa sang mọi việc có thức tự nghiêm trang trọng thể; lòng mọi người đều dặng vui mừng khoái lạc trong chúa. Vậy tôi xin biên tích nầy đam vào “Nam Kỳ Địa Phận” mà nhớ ơn Chúa muôn đời.

Cúi xin hai vì á thánh nguyện giúp cho chúng tôi đặng dõi theo đàng chánh, hầu ngày sau chúng tôi đặng hiệp cùng phô á thánh mà ngợi khen Chúa đời đời.

ANTÔN  LÊ THÀNH VỌNG (Năng Gù).

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1910.


Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Một lễ rất trọng tại Châu Đốc

MỘT LỄ RẤT TRỌNG TẠI CHÂU ĐỐC

Ngày 11 Février 1931

N. B. Trước khi lại thuật cuộc lễ dựng hình hai vì Á thánh: Phêrô Đoàn công Quí, linh mục, và Emmanoê Lê văn Phụng, câu phủ, tử đạo, thì tưởng nên để đôi tiếng rất vắn tắt về gốc tích hai Đấng.

Á thánh Phêrô Quí sinh ra tại họ Búng, hạt Thủ-dầu-một; lớn lên sang trường Latinh tại Pinang du học, sau thành tài trở về bổn xứ thọ phong quyền linh mục thuộc địa phận Nam Kỳ, hồi tháng Septembre năm 1858. Lúc đó là buổi đạo thánh phải nghiêm cấm: các thầy cả tây không dám ra mặt mà xem sóc bổn đạo. Vả lại Á thánh Đoàn công Quí tuy tuổi còn nhỏ, nhưng rất thông thái và nhơn đức cùng mạnh mẽ. Đức cha Đôminicô Lefebvre sai người xuống Cái mơng giúp cha Tùng, là linh mục bổn quốc, hồi ấy cha Tùng đang quản sóc nhà phước Cái mơng, ( đời bà nhứt Lành).

Khi ấy cha Borelle, làm Bề trên địa phận cùng thay mặt Đức giám mục mà cai quản bổn đạo miền Hậu-giang, ngài sợ quan quân tầm nã các linh mục tại Cái-mơng, nên sai người đến rước cha Quí đi nơi khác; thì cha Quí bèn đến tĩnh An-giang (Châu-đốc) mà giảng đạo và giúp giáo nhơn, nhưng không dè lại bị quan quân tầm nã tại đó.

Vậy cha Quí đã bị bắt tại nhà ông lý trưởng Emmanoê Lê văn Phụng, là câu phủ sở họ Đầu nước (Cù-lao-giêng bây giờ).

Đoạn cả hai Đấng là cha Quí và ông câu Phụng phải trào đình khép án xử tử vì giữ đạo lành. Cha Quí phải chém đầu, còn lý Phụng phải thắt cổ, một lượt và tại một chỗ với nhau (là chính chỗ dựng tượng hai thánh hôm nay) mà lãnh triều thiên khởi hoàn. Ấy hai đấng, xưa kia, vì đạo máu rơi thổ võ, nên nay, trung can tiết rạng sơn hà.

Vậy ta hiểu được vì sao Á thánh Phêrô Đoàn công Quí gốc ở họ Búng, địa phận Saigon, mà khi vinh phong chơn phước, lại kể là thuộc địa phận Nam-van; bỡi vì khi Hội thánh phong Ngài lên bực Á thánh thì địa phận Nam-kỳ đã tách làm hai, mà nơi người tử đạo lại ném về địa phận Nam-van...

Còn Á thánh Emmanoê Phụng câu phủ, thời quê quán xứ sở là thuộc địa phận Nam-van bây giờ. Nghĩ chắc ai cũng dư hiểu rằng: các thánh của Chúa là những đấng nhơn đức đạo cao, siêu phàm nhập thánh; nên tưởng không cần nói dông dài. Xin nhắc riêng sự Á thánh Phụng rất ái mộ việc truyền bá và hành động công giáo, dầu trong thời buổi éo le ấy. Người thật là tay mặt của các cha mà lo việc quản hay bổn đạo sở Đầu-nước lúc đó.

Á thánh Phụng thật là một gương họa hiếm về việc tông đồ do tay người bổn đạo thường (apostolat laique) mà Đức đương kim Giáo Hoàng Piô XI hằng nhắn nhủ cao rao, cho muôn triệu người Công giáo toàn cầu phải ưu cần chí thiết...

Hai thánh là vì Chúa mà thủ nghĩa xá sinh, nay đặng bề hiển vinh rất mực. Cõi trời, đà an hưởng chín trùng, dưới thế, noi để gương lành cùng đều vẻ vang cho Hội thánh Công giáo Việt Nam lại cho họ hàng tông tộc.

Cảnh nhà thờ Châu-đốc, chiều ngày áp lễ (10 Février).

Không cần nói thì ai cũng dư biết rằng: cái quang cảnh Châu-đốc hôm nay có vẻ sầm uất long trọng phi thường. Nội vuông Nhà chung (Nhà thờ, nhà xứ, nhà trường, và bên kia dãy nhà mồ côi) thì trạt đầy những hoa kiểng, đèn nến, cờ xí chưng bày thứ tự lớp lang xem ngoạn mục. Trời sập tối, ngoài đường bắt mặt trông lên thật là một cảnh bồng lai quang vinh rỡ rỡ; trông xuống thấy nô nức dồn dào nam thanh nữ tú, đủ các sắc dân, các tĩnh xứ Nam-kỳ tuôn đến tại Châu-dốc có trên đôi ba ngàn người mà vây mừng cuộc lễ dựng hình hai vì chơn phước tử đạo.

Đài kỉ niệm hai đấng Á thánh Phêrô Đoàn công Quí và Emmanoê Lê văn Phụng, màu trắng phau phau, dựng lên đồ sộ ở giữa nhà xứ và nhà thờ Châu-đốc, mà chồm ra ngoài đường lộ đá, ngay chỗ cây mét là nơi hai thánh chịu tử hình vì đạo, nhưng có dời vô trong vài chục thước, vì cây mét đã sụp, lở ngoài sông cái, nên hôm lễ có để một chiếc ghe bầu chưng dọn cờ xí rực rỡ đậu tại nơi ấy mà nhắc chỗ cũ). Tượng hai á thánh dựng chung một trụ, màn còn che khuất đợi giờ khai trương. Dưới chơn trụ có gắn một bia kỉ niệm toàn cẩm thạch trắng, thích chữ vàng bằng quốc âm, biên bữu danh hai thánh, tử đạo ngày nào, hiển thánh ngày nào.... Đài kỉ niệm xây theo kiểu kim thời coi rất lịch sự, nghe nói là chính Đức cha Herrgott đương kim giám mục địa phận Nam-van ra kiểu. Thật danh bất hư truyền, Ngài là một nhà kiến trúc đại danh trên địa phận Nam-van vậy.

Hai bên đài kỉ niệm, lại có dựng hai “khải hoàn môn”, một bên đề nghinh tiếp Đức giám mục hằng ngự đến, câu đề: VIVE MONSEIGNEUR; bên kia tung hô hai vì chơn phước tử đạo, chữ A NOS MARTYRS, đôi bên có vẽ nhành lá khởi hoàn, triều thiên thắng trận.

Mé trong đài kỉ niệm, thụt ra lối ngang cung thánh nhà thờ, và ngay nhà xứ, có dựng một nhà tạm chưng đèn cờ bông huê coi mĩ lệ vừa mắt, có dọn bàn thờ, sau bàn thờ có bức tranh ông lục sự Trương vỉnh Trường đã vẽ nhắc tích hai vì Á thánh chịu tử hình vì đạo tại Châu-đốc hồi cựu trào; dòm vào thấy Á thánh Đoàn công Quí đang quỳ gượng cổ mấy lưỡi gươm ác nghiệt chém xẻ vai đầu hòng lìa cổ, máu chảy dầm dề; còn Á thánh Lê văn Phụng đang phải quân lý hình hè nhau riết dây siết họng; quan binh cựu đang hằm hằm giận dữ mà lộ vẻ sợ sệt: còn trên thiên đàng thì Chúa cùng triều thần thánh đang phới phở mừng rước hai linh hồn trong sạch hai thánh tử đạo bay lên... Bức tranh vẽ rất tài tình, coi không kém sự thật bao nhiêu. Chung quanh nhà tạm nầy, về sự chưng dọn cờ xí, thì có đều nầy thấy phát mũi lòng và rất nên bắt chước, là ở đây người ta chưng ròng màu cờ Tòa thánh và cờ phướng theo kiểu quốc dân, cờ tam sắc cũng có cho có vậy thôi, chứ không phải như nhiều nơi xứ ta, lễ là lễ đạo, chưng dọn trong nhà thờ, mà tinh nguyên rặt ròng những cờ tam sắc, làm quá lễ chánh chung của nhà nước dọn cờ ngoài đường vậy. Ai mà biểu cái đó?

Ủa, nãy giờ mắc coi chưng dọn mà quên nói cái nhà tạm nầy cất ra đây để ngày mai (11 Février) Đức giám mục thân hành đại lễ cho đủ chỗ bổn đạo các xứ đứng xem, vì nhà thờ nhỏ hẹp không thể chứa đủ.

Trên bàn thờ, hai bên có để hai cái hào quang đựng xương thánh hai vì Chơn phước tử đạo: Phêrô Quí Emmanoê Phụng, hầu ai ai đặng đến kính viếng tùy thích.

Cuộc lễ nầy là làm sao?

Cuộc lễ dựng hình kỷ niệm hai đấng chơn phước tử đạo Phêrô Đoàn công QuíEmmanoê Lê văn Phụng, không những là lễ riêng cho người Công giáo, mà lại đến cả bên lương cũng chung đồng mừng là một cách thành tâm khôn kể xiết. Cha sở Châu-đốc là cha Béquet thêm có ông lục sự Trương vỉnh Trường tổ chức ra cuộc nầy thì thấy đâu đó những nhà hảo tâm phụ tài sản vô, mà làm cho đài kỷ niệm tốt lành vậy chóng mau hoàn thành.

Từ đây, đài kỷ niệm nầy đồ sộ nguy nga đứng giữa Châu thành để nên bia hiển hích vẻ vang cho đạo Công giáo nơi một góc trời Nam, trước nhắc tích hai vì chơn phước, sau cũng gợi nhớ tâm nhiệt thành của những ai đã có công đức trong việc dựng đài nầy vậy.

Sự rất tốt lành thay, là thảy thảy mọi người, các đấng bực, bất luận hàng quan viên hay lê thứ, các sắc dân, bất luận Nam, Tây, Chệc, Chà, đến những người đàng Thổ nữa cũng đều có chung đậu nhiều ít trong cuộc nầy, những người thuộc về các đạo, bên lương, bên giáo, thảy đồng chung cuộc hỉ hoan nầy mà chúc tụng hai vì chơn phước.

Ngày hôm nay là ngày khởi hoàn cho họ Châu-đốc và cho cả địa phận Nam-van là “một lễ rất tốt lành thượng phẩm, là một lễ chưa từng có cho địa phận Nam-van” ấy là lời Đức giám mục địa phận Nam-Van (Mgr Herrgott) sau nói với tôi. “Ngày hôm nay là một lễ phạt tạ cách rỡ ràng (c’est une réparation solennelle) của người ngoại giáo đối với đạo ta” Ấy là lời cha sở đương kim họ Châu-đốc ( P. P. Béquet) hằng trầm trồ lặp đi lặp lại với chúng tôi.

Hẳn thật, cách những bảy mươi năm trước nầy, cũng chính tại nơi đây mà người ngoại giáo hiếp đáp, bắt bớ, chà xát, già diệt đạo ta đến đều; chính tại chỗ nầy chúng đã theo lòng dã man oán ghét vô cớ mà giết oan cha Quí và Lý Phụng là hai Đấng hiển thánh hôm nay, mà đến ngày hôm nay, cũng chính tại nơi đây, thì những người ngoại giáo lại hiệp tài nông sức với anh em Công giáo ta mà bày trí cuộc lễ khởi hoàn này để tôn sùng hai vì Á thánh và làm vang hiển đạo Công giáo ta giữa trời Nam đất Việt.

Ngày lễ hôm nay là một lễ đạo Công giáo, mà cũng là một lễ quốc dân Nam Việt. Tôi nói vậy không phải tự ý riêng. Hai đấng sẽ giảng trong ngày thánh lễ mai (11 Février) cùng hằng lặp đi lặp lại như vậy. Cũng không phải tại thấy cuộc lễ bành trướng ra cách rỡ ràng như lễ Nhà nước, hay là nói cho trúng, còn hơn nữa, có các viên quan chức sắc Tây, Nam dự chầu, có đủ đẳng bậc trong xã hội Việt Nam chung cuộc, mà tôi đoán là lễ quốc dân Việt Nam. Không, đó là những đều phải có tuỳ tòng mà thôi. Thế thì nguyên nhân nói rằng cuộc lễ nầy là lễ quốc dân Việt Nam là nghĩa làm sao?

Thưa rằng: Phàm trong một dân tộc nào mà được một đấng tài cao tót chúng, danh đồn bốn biển, thì dân ấy há chẳng đầy lòng mừng rỡ khi thấy người mình được tiếng nổi ba phao? Đừng nói chi xa, ngay như khi dựng hình ông Trương vỉnh Ký, dân nam ai chẳng đem lòng mừng rỡ, ngày kỉ niệm ấy ai cũng cho là ngày vẻ vang cho nòi giống Nam Việt. Lễ ấy là lễ quốc dân. .

Ngày hôm nay tại xứ Châu-đốc có mở cuộc dựng hình hai vì Á thánh: một là, Phêrô Đoàn công Quí, linh mục, hai là Emmanoê Lê văn Phụng, phần đời làm chức Lý trưởng, phần đạo lãnh chức câu phủ, xem sóc lương dân; hai Đấng thảy dòng giống Lạc Hồng miêu duệ dân tộc hãy còn đây; mà Đức Chúa Trời là Chúa chung, Người chẳng có tày vị ai; bất luận giống dân nào, màu da nào, thuộc dân văn minh nào, hễ là ai biết phượng thờ Chúa cho nên, và có lòng trung nghĩa cùng Người theo ý Người muốn, thì kẻ ấy là kẻ trọng trước mặt Người mà chớ. Dầu người thế, xem ra giống dân nầy húng hiếp, khi bĩ giống dân kia, đến đỗi trong việc lành nữa; nhưng Đức Chúa Trời thì khác xa. Ấy ngày hôm nay, ta thấy Hội thánh là Mẹ ta thay mặt Chúa dưới đất nầy, Người nhắc hai đấng con cái mình lên đến bực hiển vinh đặng ngự trên các bàn thờ cho dân chúng tứ phương tôn sùng khâm ngưỡng. Và hai Đấng ấy là ai? Là hai người Annam! dòng giống Nam Việt cũng lên bực Á thánh như các thánh khác thuộc các nước Âu Mỹ hiện giờ, chẳng kém chút nào. Mà ta khá nhớ: chức Hội thánh tôn phong cho các bực công thần trong đạo Công giáo đây thì trổi xa các chức vua quan phần đời, hay là chức giám mục, chức hồng y đi nữa, cho nên câu “hữu công tắc thưởng” Đức Chúa Trời giữ rất đúng nghĩa, mà Hội thánh cũng hằng giữ cử chỉ ấy chẳng hề tày vị ai, hay là phân biệt màu da nào.

Ta chẳng đáng mừng sao? và lễ hôm nay chẳng đáng gọi là lễ quốc dân Việt Nam hay sao? Ai là kẻ đặng bề vinh hiển hôm nay từ chốn Rôma lán tràn sang tứ phương thiên hạ? Ấy là hai người dòng dõi ta, quê vức ta! Đấng Á thánh Phêrô Quí, Á thánh Emmanoê Phụng không phải riêng một góc trời Châu-đốc, hay một khoản đất Bình-sơn, hoặc nội vòng địa phận Nam kỳ biết mà thôi! Bèn là thánh chung trong cả và Hội thánh!

Vinh diệu cho con nhà Nam Việt dường nào! Các nước thiên hạ đã được nghe Tin lành trước ta, mà từ xưa nhẫn nay có hằng triệu người vì vững cầm đức tin, một niềm trung thành cùng Chúa Trời mà phải liều thân trí mạng, mà những đấng tử vì đạo  thì Hội thánh kính trọng là dường nào! Dân Nam ta, nõ kém chi đâu! Từ thuở đạo thánh đem giảng xứ nầy, trải qua mấy cơn khói lửa, vua quan nghiêm cấm, bắt bớ dữ ghê, dân ta cũng đếm được hằng muôn người bất kì nam phụ lão ấu, sang hèn, giàu có, đua nhau thủ nghĩa xá sinh vì danh thánh Chúa; mà số các thánh ấy một mình Chúa biết; ấy cho hay, Chúa chẳng trọng dân nầy, mà khinh dân kia, theo như người thế phàm hay làm, mà hằng ngày ta thấy phải gay con mắt đó đâu! Đến đời sau Chúa sẽ tỏ ra cho ta thấy các thánh Chúa đặng bề vinh phước dường nào; nhưng mà đời nầy, Chúa lại muốn nêu danh ít người để làm gương cho giáo hữu, và thêm sự thúc giục cho ai ai phấn chí làm lành.

Hai thánh mà chúng tôi mừng lễ hôm nay là thánh chung của Hội thánh thật, nhưng mà cũng là thánh riêng của người mình, vì là nòi giống Việt Nam mình. Vậy sự vui mừng của Hội thánh Việt Nam khi mừng lễ nầy, tức là vui mừng bằng hai mấy dân tộc khác mà chớ. Vì lễ hôm nay kêu bằng lễ quốc dân Việt Nam thì là thậm phải, vì ta mừng thấy Đức Chúa Trời đã nhắc nòi giống ta lên, và máu mủ đồng bào ta đặng vinh diệu khắp bốn phương trời đất.

Chiều ngày áp lễ (10 Février), tại nhà thờ Châu-đốc, số người ta có trên vài ngàn, đang nhao nhố ngóng trông Đức giám mục địa phận Nam-van (Mgr. Herrgott) đến, đặng ngày mai (11 Février) làm lễ khánh thành đài kỉ niệm hai vì Á thánh tử đạo.

Các Thầy và các Anh ở trường Lý đoán Nam-van đã ngồi mấy cỗ xe Cam-nhông mà dông xuống Châu-đốc trước để chực rước Đức cha. Lóng ấy hai trường Latinh địa phận Nam-van đã tựu lại rồi và học sĩ đang lo nấu sứ xôi kinh; mà lại đặng phép cho đi rốc cả Trường lớn hội lại Châu-đốc vì cuộc lễ nầy, thì mới rõ trên đây người ta lấy lễ nầy làm long trọng dường nào!

Cuộc đi rước Đức cha tại Châu-đốc hôm chiều 10 Février đây thật là một cuộc phi thường, chưa thấy đâu có như vậy.

Thánh Giá, đèn chầu đi tiên phuông, hàng đạc đức đông dầy dầy, y mão đoan trang, bổ hai hàng, tiếp đến đồng nhi nam nữ họ Châu-đốc diện sắc phục như ngày đi kiệu Mình Thánh Chúa, có đoàn xe máy bong những hình khéo đẹp, kết bằng bông tươi, coi như mấy cuộc lễ chánh chung ở Saigon vậy, cả họ Châu-đốc đều tựu đó, cả xứ Châu-đốc đều hiệp đó... ai ai thảy lộ vẻ hân hoan, chỉ lòng mong phỉ. Trong cuộc đi rước Đức cha nhứt thiết nên ghi nhớ sự nầy, là có làng Châu-phú ngoại đạo, mà cũng hiệp một lòng một ý cùng giáo dân, mà đi rước Đức giám mục; mấy ông đại biểu của họ coi đề đạm chỉnh tề, nghiêm nghị như mấy bữa đi rước sắc thần vậy, có những người cỡi ngựa diện sắc phục theo lối võ binh, annam đời cựu trào, coi lạ mắt lắm; có tốp cầm những đồ lỗ bộ (giáo, lao, siêu, kiếm), tốp cầm cờ phướng xanh, vàng, đỏ, trắng...

Cả đoàn lũ nầy giàn ra ngoài lộ, coi rất oai nghi; đây gồm đủ bên đạo, bên đời... Người Công giáo của nước Pháp họ hay nói đi nói lại rằng: họ là người Công giáo và là người Pháp luôn luôn (Catholiques et Français, toujours); người Công giáo Việt Nam ta, coi theo cách hành động và cái cử chỉ, nhứt là ngày hôm nay tại Châu-đốc đây, thì ta cũng vỗ ngực mà xưng hô cả tiếng rằng: Ta là người Công giáo và là người dân Việt Nam cho đến đời đời! Sự ái quốc của ai mà mạnh cho bằng sự ái quốc của người Công giáo! Một cách hành động Việt Nam Công giáo nay đã lộ bày giữa trời Châu-đốc vậy! Thấy mà mủi lòng. Nghĩ cho người ngoại giáo xưa kia ghét đạo ta bao nhiêu, mà nay thấy lần lần bét mắt ra mà nhìn sự quấy của cha ông thuở trước.

Làng Châu-phú (Châu-đốc) đây là làng ngoại. Thấy ngôi đình đồ sộ của họ xây giữa châu thành, thì hiểu được họ phú cường bao nhiêu, thế mà cái cử chỉ của họ hôm ngày đi rước Đức cha đây thì đã rõ lòng họ kính phục đạo ta là dường nào.

Đức cha đến. Đức cha Herrgott đương kim giám mục địa phận Nam-van nối quờn Đức cha Bouchut, nghe danh Ngài là một Đấng tài cao khôn ngõ, gặp thoáng vài lần chẳng rõ vào đâu, nay thấy chán chường, mặt giáp mặt, lời đôi lời, mới hay tiếng đồn không sai.

Đức cha đến. Ngài xuống xe nhắm xem y phục, tướng mạo oai nghi, mà mặt lộ vẻ nhơn từ, miệng mỉm cười vui vẻ, tay giơ giáng phước lành cho mấy ngàn dân lương giáo đang ứng trực hai bên đàng; Ngài lần lần bước tới, hai bên có hàng đạc đức, và những tốp đi rước như mới thuật trên, coi thật oai nghi khởi hoàn,

Vừa đến trước tiền môn quẹo vô nhà thờ, hàng đạc đức xướng kinh (Benedictus) mừng Đấng lấy danh Chúa mà đến. Khi vào nhà thờ lại hát “Sacerdos et Pontifex” và Đức cha lên bàn thờ đọc mấy lời nguyện theo lễ nhạc Hội thánh, đoạn ban phép lành cho nhơn dân.

Xong lễ phép trong nhà thờ, Đức giám mục lại nhà cha sở, đoạn thăm nhà mồ côi Châu-đốc cũng ở trong một khoản đất đó. Nhà mồ côi nầy chính Đức cha Herrgott đã xây lập thuở ngài còn làm Bề trên địa phận, mấy chị phước trắng thuộc dòng Providence de Portieux quản sóc nhà nầy. Ba dãy nhà từng coi oai nghi đồ sộ. Thật là việc xứng người. Đức cha thương lo lắng cho Nhà phước nhiều, và các chị phước trắn tríu Đức cha như cha riêng của mình vậy. Hôm nay, Đức cha ghé thăm Nhà mồ côi Châu-đốc, thì thấy được các chị phước lộ vẻ hân hoan đắc chí lắm. Họ có đặt cho trẻ mồ côi hát mấy bài ca mừng Đức cha. Bài ca của mấy chị phước thì ở đâu cũng vậy, líu lo, ngộ nghỉnh, giải buồn lắm. Xong ở nhà mồ côi, Đức cha và các cha kéo ra hóng mát một chặp kế bẩy giờ tối nhập tiệc.

Phòng tiệc là từng dưới của dãy nhà mồ côi mé hữu, đã sắp lại để làm phòng ăn, còn từng trên làm phòng ngủ cho các cha annam và các thầy nhà trường. Các cha rất đông, gặp nhau vui vẻ. Có đều đáng phục khen, là các cha địa phận Nam-van dầu tây, nam lại nhứt thiết là Đức cha, thấy các Đấng hết tình niềm nở các cha ở địa phận Saigon, là mấy người cháu ruột Á thánh Đoàn công Quí bữa ấy có lên hiệp mặt chầu lễ. Trong mấy mùa tiệc, thì Đức cha sắp các cha Saigon ngồi chỗ trên các cha khác thay thảy. Tôi là một người bổn đạo thường, mà được lén vào xem tợ mắt mấy cuộc như vậy, thật lấy làm hân hạnh và động lòng lắm... Đến đỗi chẳng phải các cha mà thôi, mà lại ở đây người ta cũng niềm nở mấy người bổn đạo ở Saigon lên nữa. Thật tốt quá! Có một mình người có đạo Công giáo ta mới có lòng thương yêu nhau vậy! Tôi khen đây, không sợ mang tiếng “mèo khen mèo dài đuôi”, vì hễ xấu che còn tốt thì khoe, đây là giới gương cho dân khác bắt chước vậy thôi.

Mãn tiệc đoạn cũng là ngoài tám giờ tối. Đức cha và thảy các cha các thầy kéo ra coi chớp bóng giữa trời trước nhà mồ côi Châu-đốc. Người ta đô hội bên lương bên giáo không biết bao nhiêu mà đếm, đứng chật nứt trong ngoài trên dưới. Chớp bóng thấy có diễn lại nhiều tích Công giáo hoặc cổ hoặc kim, các cuộc hành động Công giáo ở bên các nước Âu, Mỹ. Sau hết có diễn Hạnh Chúa Cứu Thế từ lúc giáng sanh đến khi thăng thiên, phim nầy coi thật không bằng cái phim “Một vì Thượng Đế” (Le Roi des rois) hát ở Saigon, nhưng mà cho xứ nầy thì nói được là mới mẽ, hay lắm, lạ lắm!... Thật khen cho ai có ý để diễn mấy tích Công giáo hầu khuyến khích nhơn tâm, kẻ đã tùng giáo lại càng thêm sốt đạo, còn kẻ chưa tùng thì đem lòng mộ mến.

Mọi cuộc hôm chiều ngày áp lễ 10 Février) đà xong, ai nấy lần lượt tản về nghỉ ngơi, lòng mong mỏi mau đến sáng ngày mai chánh lễ (11 Février) thì mới phỉ lòng.

Tôi đã nói dài, xin độc giả miễn lỗi cho tôi, tôi nghĩ rằng đáng nói: vì thật cuộc lễ nầy là một cuộc ít có hay là mới có, không phải là vì cách sắp đặt, song là vì cái ý kiến cao thượng, ý kiến Công giáo Việt Nam lộ bày trong lễ nầy... Ai cũng biết câu vật khinh tình trọng….

Ngày chánh lễ (11 Février) lại còn nhiều đều đáng nói nữa,

Ngày chánh lễ (11 Février 1931)

Từ một, hai giờ khuya về sau, thì tại nhà thờ Châu đốc, các cha luân phiên nhau mà làm lễ, ba bàn thờ chánh và ngót chục cái bàn thờ tạm hai bên vách, thì liên lễ cho đến sáng hằng có lễ luôn luôn; nội một bữa hôm nay tại nhà thờ Châu-đốc có gần năm chục lễ, các cha đông đảo quá sức: thật từ thuở nào tới giờ, tôi chưa hề có thấy ở họ nào, các cha tựu đông làm vậy. Bổn đạo qui từ khóm từ chòm theo mấy bàn thờ mà xem lễ coi ngộ quá, động lòng thật, trí bắt sực nhớ đến hang Catacombes bên Rôma. Tôi cũng lẫn lộn theo anh em mà xem được bộn lẽ, lễ mà tôi động lòng hơn cả là lễ của cha già Đoàn công Triệu địa phận Saigon cháu ruột Á thánh Đoàn công Quí. Tiếc, phải để ngài làm lễ ở giữa bàn thờ chánh thì chúng tôi xem mới phỉ tình, vì anh em bn đạo chúng tôi và Đức cha cùng các cha trên ny, thy đều trọng kính người lắm, vì tuổi tác và nhơn đức người.

Cha Béquet, bn sở Châu-đốc làm lẽ chót ở bàn thờ chánh, bộ hình bữa nay cho trẻ rước lễ vỡ lòng thì phải, coi trẻ đi vào rước Chúa khác nào trẻ con Hêbêrêu xưa chạy lại cùng Chúa đơn sơ lắm.

Khi các cha trong nhà thờ đã làm lễ xong hết, thì đến giờ giàn tại nhà cha sở mà rước Đức giám mục đến làm lễ khánh thành đài kỉ niệm hai vì Á thánh tử đạo Việt Nam Phêrô Đoàn công Quí Emmanoê Lê văn Phụng.

Nầy là giờ ai nấy những ngóng trông. Vì giờ nầy, mà cả xứ Châu-đốc bên giáo bên lương, cả địa phận Nam-van để ý chăm nom ngó mấy tháng trời chẳng nệ tốn công hao của, miễn ước sao cho lễ nầy nên trọng thể hết sức mới nghe!

Hàng đạo đức y mão như hồi chiều hôm qua, nay có các cha Saigon xen lộn cùng các cha Nam-van, giàn ra hai hàng đi trước. Đức giám mục khoan thai nhẹ bước tiếp theo sau, đầu đội mão phẩm tước, tay chống gậy vàng, mình mặc áo cappa, coi oai phuông rất đỗi, kẻ ngoại dòm vào chắt lưỡi ngợi khen. Đức giám mục như vậy thật xứng người xứng bực.

Dân sự bốn bề đang chăm chỉ xem cuộc lễ mở hình hai Đng Thánh. Đức cha đến trước mặt tiền đài ki niệm, các hàng đạo đức đứng vòng quanh như triều thiên sống rất châu báu, là triều thiên các thầy cả, (ai là người bổn đạo thấy cuộc nầy mà chẳng mũi lòng cùng nghĩ ngợi!) Đoạn Đức cha khởi đọc mấy lời nguyện, bỗng màn che ảnh tượng hai vì thánh đồng hương ta bèn rớt xuống, mà mọi người đều mắt xem tỏ rõ hai đấng chơn phước nầy một bên là một thầy cả, bên kia là một người bn đạo cả hai tay đều cầm nhành lá khởi huờn chỉ cho ai nấy hay xưa hai thánh đã vì Chúa, vì đạo thánh Người mà thủ nghĩa xá sinh, nay đặng b hin vinh tót chúng, mà cả hai thánh là dòng giống Việt Nam, thuộc một giống dân mà người dị chủng kia còn coi là rẻ là thường, mới hay sự Chúa phán xưa: ví dầu hòn đá đi nữa Chúa còn làm cho trở nên con dòng thánh Abraham được, lại sự ông thánh Phaol dạy ta Chúa chẳng biết thiên tư ai, thì mấy lời chơn thật ấy đã ứng nghiệm cả, nhứt là ngày hôm nay đây, chính mắt ta thấy, tai ta nghe, và lòng ta là người Công giáo và là người Việt Nam phải cảm động là thể nào!

Đức cha rảy nước thánh làm phép hai tượng ảnh nầy theo lễ nhạc Hội thánh, lại có đọc mấy câu kinh mà hàng đạc đức cả tiếng thưa lại rập ràng.

Tượng hai vì chơn phước này đứng chung một trụ với nhau, cách sắp đặt nầy rất phải lẻ, vì xưa hai thánh Phêrô Quí và Emmanoê Phụng, hai cha con đồng cam khổ, đồng sinh, đồng tử cùng nhau, cũng một ngày giờ, cũng chính tại nơi nầy mà ngày xưa hai đấng đã đ máu thánh mình ra, nên như hột giống gieo xuống đất ngoại đạo Châu đốc, mà rày đã đâm chồi nảy mộng sinh nên họ đạo Châu đốc ngày nay; thì rất phải lẽ hai thánh ny phải chung đồng sự vinh hin cùng nhau. Địa phận Sàigon, quen kính thánh Minh thánh Gẫm, mà tôi thiết tưởng thánh Quí và thánh Phụng địa phận Nam-van lại có bề liên lạc với nhau dưới đất nầy hơn nữa vậy, vì chẳng những là bây giờ hiển thánh một lượt với nhau, như thánh Minh thánh Gẫm, mà lại xưa kia đã vì Chúa mà bị bắt một lượt, giam một chỗ, chịu hành hình tại một nơi ny, trong một giờ cùng nhau.

Hai tượng thánh nầy bằng đá cẩm thạch trắng mướn bên tây chạm trổ, bề cao độ chừng hơn một thước ba tây, ngoài ngó vô thì Á thánh Phụng đứng bên tay trái, khăn áo đàng hoàn đúng kiểu annam, Á thánh Quí đứng mé tay mặt mình mặc áo dòng, và áo surplis, dây stola; theo như thiên hạ nói thì hình mặt Á thánh Đoàn công Quí giống hệt cha Phaolồ Đoàn thanh Xuân (địa phận Saigon) là cháu Người, bữa ấy cũng có lên Châu-đốc chu lễ dựng hình. Vậy thì khá khen cho ai ra kiểu! nhưng tiếc một đều: là tượng Á thánh Quí, linh mục mà để đầu trần không đội mão barrette, lại hai thánh không thấy Đấng nào có mang giày dép chi ráo, tưởng phải để mang giày tàu như annam ta xưa thì coi trúng cách và đẹp lắm vậy!

Ủa, xin lỗi chư quí độc giả! nãy giờ mắc chăm xem theo hai tượng Ảnh, mà quên thuật tiếp theo !...

Vậy khi đã làm xong lễ phép dựng hình, thì Đức cha cùng hàng đạc đức kéo lại chỗ nhà tạm dựng ngay đàng sau đài kỷ niệm, (như có thuật trong ngày áp lễ hôm qua (10 Février). Đức cha đi lại ngự tòa đã dọn sẵn bên hữu ảnh, như những khi Đức giám mục thân hành lễ trọng; các cha thì ngồi hàng chôrô bên hữu ảnh, còn các thầy nhà trường thì bên tả ảnh; kế đó thì có những ghế dọn riêng cho mấy người bà con dòng giống hai Á thánh Đoàn công Quí và Lê văn Phụng lại cho hàng viên quan chức sắc; mấy chị phước trắng Providence de Portieux cũng dẫn trẻ mồ côi Châu-đốc ăn bận ngộ vào quì dòng giữa dưới đất coi rậm lắm; còn bổn đạo nam nữ, lão ấu, các đấng bực, bỡi các họ xứ Nam-kỳ tuôn đến đây, lại hôm nay người bên lương thì hằng hà sa số, đứng vòng ngoài mé sau, chật nứt cho tới ngoài đường cái, Khi Đức giám mục cùng các đấng đã an vị thì có cha Phi là chắt Á thánh Emmanoê Phụng, là thầy giảng trứ danh địa phận Nam-van lên đứng trên cấp bàn thờ mé Evang (chỗ ấy có đặt sẵn cái máy truyền thinh) mà bái chào Đức cha, các hàng linh mục, cùng bổn đạo, đoạn khởi đọc hạnh tích Á thánh Phêrô Đoàn công Quí, linh mục; đại ý ngài muốn nêu gương Á thánh Quí cho hàng linh mục noi đòi theo vậy. Có một câu mặn mòi, là khi thầy giảng nói về lễ hôm nay là một lễ Công giáo Việt Nam làm rỡ ràng cho nòi giống ta... Dứt, thầy giảng xin Đức cha làm phép lành, hầu ai ai đặng ơn mà giữ những sự mới nghe đọc. Uổng, cái máy “truyền thinh” không được hoàn toàn, nên làm cho nghe diễn hạnh thánh khúc to khúc nhỏ!

Khi nghe diễn hạnh thánh xong, thì Đức giám mục khỉ sự hành lễ, cha Chabalier làm prêtre assistant, cha Vân và cha Rơi làm thầy năm thầy sáu. Các Thầy nhà trường latinh lớn Nam-van giúp lễ.

Đờn khỉ sự đánh lên do một người thuộc hàng đạc đức gãy. Bên các Thầy nhà trường khởi xướng hát lên, có thấy một cha Tây minh mặc áo surplis đứng hát solo với mấy thầy solistes, những kinh Kyrie, Gloria, Credo, thì các thầy một câu, các cha một câu đối đáp.

Hôm nay (11 Février) là nhằm ngày lễ Đức Bà hiện ra tại Lộ-đức, nên làm lễ Đức Mẹ, chứ không phải lễ các thánh Tử đạo Annam như tôi đã đoán sai. Vậy mà tôi vẫn tiếc, vì theo trí tôi tưởng, chớ phải chi mà làm lễ các Thánh Tử đạo Annam được thì ám hạp hơn vậy.

Đứng giữa trời mà xem lễ Đức giám mục, mấy thầy lễ nhạc, tai nghe đờn hát, miệng thỉnh thoảng cũng ngâm theo đôi bản, mà nhứt là lòng khoản khoái khôn cùng, vì thấy Hội thánh Công giáo Việt Nam ta ngày nay đặng rỡ ràng làm vậy. Tôi năng nói đi nói lại sự nầy, vì đó là đều hằng quanh quẩn trong trí tôi luôn luôn, nó là sự làm cho tôi chăm chú hơn các sự khác thây thẩy.

Trong lễ hôm nay, Đức giám mục có ban phép lành Đức Giáo Tông cho những kẻ dự chầu, ai ai đều ríu ríu gối quì giữa trời mà chịu lấy phép lành đấng thay mặt Chúa. Mắt thấy sự hiển vang đạo chúa như vậy, tâm tình phát xúc cảm khôn ngằn. Khi lễ rồi, thì hai bên chôrô các cha các thầy xướng ca ngợi  (0 Dieu, de tes soldats) mừng các thánh Tử đạo, giáo hữu ai thuộc cũng hoà giọng theo, khởi hoàn lắm! Động lòng lắm!

Các lễ phép xong ai nấy coi lộ vẻ vui mừng... Mé bên nhà cha sở ông Jacques Lê văn Đức có vặn máy nói có gắn máy truyền âm nên nghe lớn tiếng hơn thường, hát nhiều bản hay. Ngoài trời, ông Kiệm (là thợ pháo trứ danh họ Chợ quán, ai còn không biết) có đốt một mớ pháo bông ban ngày (feux de jour) bắn lên trời cao toả xùa ra nhiều hình đẹp; là một sự lạ trên xứ nầy, ai nấy coi trầm trồ khen ngợi. Còn Đức cha Herrgott và cha sở Béquet thì tiếp đãi các hàng viên quan chức sắc tại nhà cha sở.

Lễ hôm nay có đủ mặt bá quan văn võ tại tĩnh thành Châu-đốc. Phần đạo, phần đời rập lòng, chung sức mà làm lễ “kỷ niệm” nầy coi rất tâm đầu ý hiệp.

Lễ mai xong, ai nấy ra viếng đài kỷ niệm hai Á thánh Việt Nam, kẻ quì gối trước tượng hai thánh mà nguyện cầu, coi chăm chỉ sốt sắng thấy bất động lòng, tôi cũng mấy phen đến trước đài nầy trước nguyện ơn riêng cho mình, sau cho mấy kẻ bà con quen biết đã xin mình nguyện giùm cùng hai vì Á thánh, vì họ chẳng đi dự lễ tại Châu-đốc hôm nay được; mà hễ mỗi lần nào thì lòng tôi cũng nghĩ ngợi rằng: Annam ta còn khiếm khuyết lắm trong sự tôn sùng các vị thánh đồng hương lâu nay nghe cũng nhiều người than rằng: người mình chưa ai lên bực “Thánh” (Sancti). chỉ có những Á thánhÁ thánh tử đạo mà thôi, chớ chẳng chi hơn nữa; nói vậy thì phải, mà cái là tại ta bơ thờ lếu láo, chẳng biết nguyện cầu van vái cùng các thánh đồng hương ta, chẳng biết dùng báo chương, sách vở mà truyền bá gương nhơn đức hạnh tốt lành phô vì ấy, bất cầu nam nữ, già trẻ, sang hèn, lại giục cho người mình đem lòng sùng mến, mà xin các vì đi cầu thay cho mình ơn nọ ơn kia, nếu ta thành tâm, thì ắt Chúa nhậm lời mà ban phép lạ cho ta bỡi nhờ lời các thánh annam ta chuyển cầu; chừng sẽ đến ngày các vì tôi ngay con thảo Chúa bỡi dòng giống Việt Nam ta đặng Hội thánh tôn lên bậc “thánh” (Sancti) mà đặng kính tôn trên các bàn thờ khắp vạn dân thiên hạ chẳng không. Kìa ta xem gương các nước phương Tây, họ tôn sùng thánh bổn quốc họ bao nhiêu, nhờ những sự truyền bá và cầu nguyện cùng các vì ấy, mà ta mới thấy những thánh kim thời như bà thánh Thérèse de Enfant Jesus bên Pháp, ông thánh Gabriel del Addolorala bên Ý-đại-lợi, v. v. rất mau hiển thánh như không ai thành tâm cầu cúng cùng phô vì ấy, thì Chúa đâu có dùng phô vì ấy mà làm phép lạ và đặng Hội thánh tôn lên bực hiển thánh sớm làm vậy ?!

Xin lỗi quí quan độc giả? sự nghỉ ngơi của tôi nó làm lạc đề; vậy tôi xin tiếp chuyện lại.

Là đến trưa, Đức cha, cùng các cha, các Thầy vào phòng tiệc. Mấy bữa tiệc, từ chiều hôm qua (10 Février), đến chiều nay (11 Février) thì theo lối âu cả, do mấy chị nhà trắng Providence de Portieux lo coi nấu nướng thì phải!? thật khá khen và cám ơn mấy chị lo nơi ăn chỗ ngủ cho các Đấng hẳn hòi xứng đáng lắm, phòng tiệc hôm nay trau giồi vển vang đẹp đẽ, khác kiểu hôm qua, ai nấy phỉ lòng vì cuộc lễ ban mai.

Tiệc đoạn, các đấng kéo ra dựa vách nhà mồ côi mà chụp hình để kỉ niệm ngày tốt lành đáng nhớ này. Chính mình Đức cha Herrgott sắp chỗ cho các Đấng, Ngài thật tánh tình vui vẻ lắm. thấy bắt dễ mến dễ phục, thấy các đấng có tình vui vẻ dầu Nam dầu Tây chen vai, thích cánh cùng nhau, mới nhớ sực câu thánh vịnh: “Anh em ở chung cùng nhau thì tốt lành vui vẻ biết chừng nào ?” Đức cha cũng cứ sắp các cha Saigon gần Ngài, như trong mấy buổi tiệc.

Có cha Paul Đoàn thanh Xuân (Saigon) và cha Phi (Nam-van) hai cha đều đem máy ra chụp mấy ảnh chớ không mướn thợ nào mà cái ấy mới là vui hơn.

Trong cả ngày lễ nầy, thì thấy có nhiều người, nhứt thiết bổn đạo Saigon, đem máy chụp hình nơi đài kỷ niệm, nơi nhà tạm. vân,vân, mà lấy ảnh đem về để nhớ. Xem chừng ai ai cũng muốn có hình mình dưới chơn hai vị Á thánh Việt Nam. Ấy là một sự phải lẽ.

Buổi chiều ngày 11 Février 1931

Vào khoản ba giờ chiều, ai nấy đã tề tựu lại nơi nhà tạm như hồi sớm mai.

Đoạn cha Phaolồ Vân lên đứng trên cấp bàn thờ mé Evang mà điển hạnh tích Á thánh Emmanoê Lê văn Phụng, đại ý ngợi khen nhơn đức khôn ngoan của Á thánh, đoạn cũng như cha Phi hồi sớm mai, xin Đức cha làm phép lành cho giáo dân ghi giữ những đều mới nghe diễn lại. Đức giám mục đưa tay giáng phước lành Đức Chúa Trời Ba Ngôi cho ai nấy.

Đoạn có một cha, mặc áo surplis, dây stola, cùng với mấy thầy cầm đèn sáp, vào nhà thờ đem Mình Thánh Chúa ra bàn thờ Nhà tạm ngoài đặng làm phép lành trọng thể, Trước khi làm phép lành, thì có hát mấy ca ngợi tiếng latinh, nghe thâm trầm, kính các thánh Tử đạo.

Dứt ca vịnh, thì Đức giám mục y mão đàng hoàn cùng với các thầy giúp lễ, vào ngay trước bàn thờ, mà khỉ sự làm phép lành trọng thể, các thầy nhà trường Nam-van cũng đờn hát như trong lễ ban mai, chiều nay có hát nhiều kinh hai phần.

Đến lúc Đức giám mục dưng Mình Thánh Chúa ra làm phép lành mà ai ai cúi đầu thờ phượng, khi ấy lòng bắt nhớ đến cha ông ta xưa mà ngùi ngùi cám cảnh. Thuở  cấm kín, đạo thánh phải vày vò tất bất, các cha phải trốn nhủi trốn chui, bổn đạo phải dằn vặt hất hưởng, lễ Misa làm giữa đêm hôm trong góc bụi xó bờ, mà còn chưa chắc khỏi tay quân dữ rình mò nã tróc. Nhưng mà, hôm nay các vị thánh tử đạo Việt Nam ta, bỡi chốn trời xanh, âu cũng hiệp làm một cùng miêu duệ mình là chúng ta đây, mà chung trong lễ phạt tạ nầy. Rày ta đặng làm việc thờ phượng Chúa một cách chán chường trống trải, một cách oai nghi long trọng ở giữa muôn dân, trước mặt những người ngoại giáo là kẻ thù địch cùng ta buổi trước, mà rày họ cũng chung đồng vô việc đạo là việc thuở trước cha ông họ có ý phá cho tàn tuyệt... Ấy bỡi vì đâu? chẳng qua là hột giống máu các thánh tử đạo Việt Nam ta đã đổ ra mà gieo xuống đất nầy, rày đơm bông kết quả đó mà chớ. Lời Thánh kinh ghi chép: Ông cha ta “khi đi gieo giống thì và đi và khóc” vì đầy những sự trần phiền khốn khổ; mà đến đời ta là con cháu phô Đấng ấy “gặt trái hoa quả đem về thì vui mừng phỉ dạ” là dường nào!

Tôi quên nói, trong khi làm phép lành, thì có hát kinh “Te Deum” mà tạ ơn Đức Chúa Trời. Đức giám mục xướng câu đầu, hai bên chôrô và bổn đạo cất tiếng đầm ấm hoà xướng tiếp theo cho đến hết kinh. Sự oai nghi động lòng thì còn hơn khi hát ca ngợi (0 Dieu de tes soldats) buổi mai lắm lắm, vì này là kinh của Hội thánh chúc, rập một ý cùng muôn binh thiên quốc, các thánh nam thánh nữ thượng đô, mà ngợi khen cám ơn Đức Chúa Trời vì đã ban sự khởi hoàn thắng trận và sự hiển vang quá đỗi cho hai đấng dòng giống Việt Nam ta trước mặt cả và trời đất dường ấy!

Khi phép lành đoạn, thì Đức cha, đầu đội mão giám mục, tay chống gậy vàng, lên đứng giữa cấp bàn thờ, trở mặt ra đoàn dân mà diễn thuyết một bài, thiệt là lời vàng tiếng ngọc, nói ít mà nghĩa nhiều, thâm trầm ý vị, nghe chẳng muốn thôi, tiếng annam Ngài nói rất xuôi và rõ ràng, ngôn từ tao nhã.

Tiếc vì tôi chẳng có nhớ hết bài giảng của Đức cha, chỉ nhớ đại lược rằng: Đức cha tỏ lòng vui mừng vì lễ rất trọng hôm nay đã hoàn thành mĩ mãn; Ngài đưa lời cảm ơn các vị đã phụ công giúp của mà tạo nên đài kỷ niệm tốt lành để kính nhớ hai vì chơn phước Việt Nam; Ngài khuyên bảo ai nấy khá bắt chước gương lành hai Thánh mà trọn niềm tín thành cùng Chúa. Mà lời đáng ghi nhớ hơn hết là, Ngài cao rao cho ai nấy hay: lễ nầy chẳng phải là lễ vui chơi, hay là bày ra vị ý chi khác, bèn là để rạng danh đạo thánh, vinh hiển cho Hội thánh Công giáo Việt Nam, cho nên từ rày về sau ai có đi ngang Châu-đốc thì sẽ trực nhìn đài kỉ niệm nầy mà nhớ rằng: Xưa kia có hai người annam đã chịu chết vì đạo tại đây...

Ấy ta nghe bài Đức cha Herrgott giảng đây có sự khéo léo là dường nào! nói một câu sau hết cũng đã đủ lấy lòng trăm họ. Một vì truyền giáo mà biết nưng cao địa vị của dân mình giảng đạo, thì ấy là đúng tư cách, vì đó là cách lấy lòng người ta, và dễ đem họ trở về cùng Đức Chúa Trời.

Các cuộc lễ phép đạo đã xong ai nấy lui về. Thấy mấy người cháu Á thánh Quí, con cháu họ Đoàn (ở địa phận Saigon mà lên đây dự lễ đâu mấy chục người) kéo nhau lại tại dưới chân đài kỉ niệm mà chụp hình để nhớ ngày tốt lành nầy. Trong đám bà con ấy có các cha, thầy trường latinh, dì phước, và mấy người khác nghe nói đâu hết thảy là bà con ruột rà với Á thánh Đoàn công Quí lắm, Mấy người bà con Á thánh Phụng thì tựu lại lễ nầy chắc là quá trăm, vì là tại xứ sở, trong ấy cũng có các cha, các thầy, tôi biết được có cha Phi... Thấy con cháu các thánh thì lấy làm có phước cho họ lắm và nhớ sực lại lời Hội thánh ca hát trong ngày lễ các thánh Tử đạo rằng: “Alleluia Ta hãy ngợi khen Đức Chúa Trời! Thi hài các Thánh đã an táng rồi, nhưng hương danh phô Đấng ấy hãy còn sống phưởng phất truyền tử lưu tồn cho đến vạn đại”. Chúc ước cho con cháu hai vì Á thánh nầy hết lòng noi dấu cha ông mà trọn niềm tín thành cùng Chúa và hết dạ yêu mến quê hương, đời nay trực tiết tháo ngay, đời sau vinh phước thiên thai muôn trùng.

Buổi tiệc sau hết

Trong buổi tiệc sau hết chiều ngày 11 Ferrier đây, ai có ý suy nghĩ thì thấy đặng lắm chuyện đáng ghi nhớ lâu ngày. Đây là hội các Đấng chăn chiên, các đấng xem sóc quản hay linh hồn thiên hạ, mỗi người, cũng có phần sở riêng và xa cách biệt nhau, mà vì đâu lại hội nhau đây. Kìa là các học sĩ trường Lý đoán đang chăm bề đèn sách, sao lại dẹp bút nghiệp lại đó mà đến chỗ nầy. Nọ các cha ở địa phận Saigon, có đấng tuổi quá tám mươi, chẳng quản đàng xa viển vọng mà cũng đến tại Châu-đốc, đây trong mấy ngày này. Mà tới nay là buổi hòng lìa nhau; một ít giờ, một đêm nữa thì ai nấy lìa đất Châu-đốc mà về phần sở mình.

Âu là, như chư độc giả ai cũng rõ, các đấng hội nhau đây vì ý kiến cao thượng, vì tình Công giáo, vì nghĩa quốc dân; như lời quí hoá Đức giám mục Nam-van đã nói “lễ đây không phải là cuộc vui chơi”, các đấng hiệp nhau tại đây rất đông ấy cũng bỡi trước cho sáng danh Chúa cả cùng rạng danh đạo lành trước mặt muôn dân, sau là mừng cho Hội thánh Công giáo Việt Nam, nhưng cho đồng bào ta nay đặng sự vinh hiển vang lừng bốn biển.

Nay mà các Đấng hòng lìa nhau, thì câu chuyện nói trong buổi tiệc (nhứt thiết của các đấng địa phận Saigon ngõ với địa phận Nam-van) thì xem ra có vẻ cảm tình, cùng thâm thúy hơn.

Sự động lòng hơn cả: là khi gần mãn tiệc, thì cha Phaolồ Đoàn quang Đạt cháu của Á thánh Quí đứng dậy, thay mặt các cha và hết thảy mấy người bà con cùng Á thánh, có lên dự lễ dựng hình hôm nay, mà để đôi lời trước tạ ơn Đức cha cùng các cha, sau ai nấy hết thảy, đã hết tình chiếu cố mà hậu đãi niềm nở các Đấng cùng anh em bổn đạo Saigon, ngài lấy làm hân hạnh vì chẳng những đặng thấy, biết, mà lại đặng chen hàng cùng các đấng cai trị nước Đức Chúa Trời ở địa phận Nam-van. Lời nói trong mấy phút mà cao sâu, thâm trầm. Ai ai thấy động lòng. Có kẻ tiếc vì ở đây sơ ý quên mời ngài giảng một bài nào trong mấy bữa lễ đây, hầu đặng nghe coi cái tình ông cháu của ngài với Á thánh Quí tỏa ra thế nào, lại đặng thưởng thính cái tài ngôn ngữ của ngài một phen cho biết!

Cha già Đoàn công Triệu cũng đứng dậy đưa mấy lời cảm động cám ơn nghe đáng kính phục. Đức giám mục Nam-van đáp lại mấy tiếng vui vẻ ý vị. Thấy vậy âu là ai cũng thầm thì như kẻ ngoại đời xưa nói về kẻ có đạo rằng: “Hãy coi họ thương yêu nhau là thế nào !” có một đạo Công giáo là đạo thương yêu mà thôi. Cha Vân ( Nam-van) cũng có mấy lời cám ơn trước hai cha Phaolồ họ Đoàn địa phận Saigon vì mấy trăm đồng bạc pháo bông mà hai cha dưng cho bá tánh đặng mục đích trong cuộc lễ kỉ niệm nầy, gọi là “món quà” để tỏ lòng thành tương hiệp.

Tiệc đã mãn. Các đấng kéo ra.

Nghe đâu trong chương trình sắp đặt thì tối nay có ông Jacques Lê Văn Đức (ở họ Mỹ tho) sẽ giảng đạo Công giáo trước mặt muôn dân, cho cả hai bên lương giáo.

Mình nghe ông Jacques Đức danh nổi như cồn, hô hào cổ vỏ lắm thay, huống hồ là hôm nay về vấn đề Công giáo, ắt ông sẽ nổ hết thần lực, bao nhiêu mỹ ý, ngôn từ tao nhã xuất ra mà truyền bá đều lành ở giữa xứ người.

Ai hay, thiên lý vi nhiên, tiếc quá tiếc! cái máy truyền thinh thợ nào gắn chẳng biết, đã đứt giây đâu tự bao giờ, làm bá tánh ôm bụng tức... hụt nghe ông Jacques Đức giảng đạo! Người ta đông quá sức đông, nói chuyện ì ào tợ gió tợ dông, nếu chẳng có máy truyền thinh làm sao ai có thể nào nói cho muôn người nghe tỏ! vì vậy mà đành dẹp lớp đó uổng quá!

Đêm hôm nay, đang khi các đấng dùng tiệc, thì tại sân nhà thờ giữa đài kỷ niệm và cái nhà tạm để làm lễ, có chớp bóng máy lớp tuồng công giáo và tuồng Thương khó cho công chúng đặng xem như đêm hôm qua đã chớp tại sân Nhà Mồ côi vậy.

Mãn tiệc, chớp bóng cũng vắng, thì có cuộc đốt pháo bông.

Như đã nói trước, pháo bông này là “món quà” của mấy người cháu Á thánh Quí mà đặt cho ông Kiệm là thợ trứ danh, nghe có trong báo “Công Giáo Đồng Thinh” gọi là ông vua pháo bông ở họ Chợ-quán, chính mình ông Kiệm và mấy thợ của ông lên tại đây mà đốt cho công chúng xem. Chẳng cần nói thì tự nhiên ai nấy phải biết: không lẽ mà xấu được. Thiệt là tốt lành, xứng đáng với lễ đạo Công giáo mà cả thể như lễ kỉ niệm Á thánh Quí và Á thánh Phụng hôm nay đây.

Ở đây chưa từng thấy pháo bông như thế, xem ngoạn mục phỉ tình nhiều kiểu khéo xinh, không biết đâu mà tỏa vẽ, phần tôi là kẻ dốt nát về điệu chơi báo đây, nên không biết đút miệng khen đâu, sợ e bớt sự hay ho đi chăng. Người ta đây lấy làm lạ và cho là hơn ở lễ Tăng Tốc vua Mên...,

Phần tôi, coi đốt pháo mà gẫm rằng: mấy chùm pháo có hình như mặt nhựt hào quang sáng láng ấy chỉ sự hiển vinh hai thánh Việt Nam, mấy chùm châu ngũ sắc tủa xuống như mưa, ấy như những ơn lành hai thánh sẵn mà đổ xuống cho đồng bang ta nếu ta thành tâm niệm khấn; những pháo thăng thiên xẹt lên cao trật ót, những quả bom tiếng nổ ỳ ầm ấy chỉ hai thánh rày đặng danh vang cao trổi, tiếng dội bốn phương.

Khá khen cho ý kiến của ông thợ pháo, và những ai dưng pháo. Sau hết, pháo cũng nhắc lại cho bá tánh hai đều: một là, hai thánh mà ta mừng lễ hôm nay là hai thánh nào; hai là, ta phải trông cậy nương nhờ hai đấng phụ giúp ta trước mặt Chúa. Vậy đốt ra giàn pháo sau hết tủa xuống hình hài đang Á thánh tử đạo người Việt Nam là Á thánh Đoàn công Quí linh mục, và Á thánh Lê văn Phụng, câu phủ, hai hàng chủ đề trên dưới bức hình thảy đều bằng lửa ngũ sắc.

Ở trên: Á THÁNH QUÍ VÀ PHỤNG;

Ở dưới: CẦU CHO CHÚNG TÔI.

Phải, xin hai thánh cầu cho chúng tôi! Lễ mừng hai thánh đến đây đã mãn rồi; ai nấy phỉ tình hoan hỉ, và ghi nhớ ngàn ngày. Xin hai thánh, cũng xót tình đồng chủng mà cầu nguyện trước mặt Chúa cho dân Nam đất Việt chẳng khi đừng! Xin hai thánh nhớ đến chúng tôi, mà cũng nguyện cho chúng tôi đừng quên hai thánh.

ít tiếng sau cùng

Trong bài lai thuật dài nầy về cuộc lễ khánh thành đài kỉ niệm hai Á thánh, thì rải rác tôi cũng có để mấy đều nghĩ ngợi, vì tôi viết đây bỡi tâm tình chớ chẳng phải có ý phô bày văn chương, hoặc trưng tài hay trí giỏi chi, hoá ra kiểu nói cách sắp đặt có khi chẳng được hoàn mĩ; nhưng bây giờ đã hết bài lai thuật, xin quí Ngài độc giả còn rộng lòng cho tôi nói ít tiếng sau cùng, thì mới là hết ý vậy,

Có đều nầy cũng lạ: là số các cha tây tựu lại Châu-đốc trong lễ nầy là chẵn chòi mười hai đấng làm cho mình sực nhớ mười hai thánh tông đồ, vì đây cũng là tông đồ, còn Đức cha là như Đức Chúa Giêsu, các cha annam và các thầy latinh thì lại là y số bảy mươi mấy người môn đệ theo Chúa xưa thuở giảng đạo: cái cũng tình cờ mà trúng hay... Thôi chúc ước cho các cha thầy đặng theo dõi Đức giám mục tài cao đức cả của mình mà nên những tông đồ siêng năng, môn đệ sốt sắng mở mang nước Chúa nơi địa phận Nam-van, lo nâng cao địa vị hàng đạc đức bổn quốc ngày càng, trước và sáng danh Cha, sau cho linh hồn giáo hữu noi gương thánh các cha mà đặng hằng hà ơn phước !...

Khen thay! lòng thạnh tình của Đức cha Herrgott!. Ngài tiếp đãi các đấng ở địa phận Saigon hôm ấy lên tại Châu-đốc, thật là chí tình niềm nở! đến đỗi lễ rồi Ngài đưa các đấng ấy tới tận xe, xe các đấng lui rồi thì Ngài mới lên xe riêng mà về Nam-van, thấy vậy mình phải động tình cám mến!... Chúc cho Đức cha Herrgott trường thọ khương ninh!...

Phần tôi, khi các ngày lễ đã qua, còn náng lại một ngày dạo xem phong cảnh, có qua xóm Chà-và Châu-giang ở bên kia sông, đối diện với thành Châu- đốc, thấy hai cái chùa Hồi hồi của họ tháp cao vọi, lại nhà cữa của họ ở dọc hai bên đàng, có cái coi đẹp thật, và thấy nhơn số của họ, thì biết giống dân chà Châu-giang ở đây, về việc Hồi-giáo của họ thì hưng sùng lắm! hai cái chùa cách nhau không quá ngàn thước !... tới xem tận trong, thấy sạch sẽ vển vang thì biết họ có lòng tín ngưỡng sốt sắng lắm chẳng chơi. Rồi dòm lại mé nhà thờ Công giáo mình bên thành Châu-đốc mà buồn, nhà thờ thấp bé, số bổn đạo không quá hai trăm ?... chừng nào đạo thánh ta ở xứ Châu-đốc mới đặng hưng sùng mạnh mẽ, số bổn đạo mới thêm đông đắn và sốt sắng, nhà thờ cao rộng, cho xứng với nơi xưa kia đã đẫm thấm máu hai thánh tử đạo Phêrô Quí và Emmanoê Phụng ?!

Nguyện cho hột giống máu các thánh tử đạo ta gieo xuống đất Việt từ xưa nhẵn rày, chóng trổ sinh bông lành trái tốt, và khi cây mới đám chồi nẩy mộng, xin ơn Trên gìn giữ cho khỏi những tay muốn đè nén, bóp nghẹt chẳng cho cây lành tươi tốt sởn sơ!

Thôi, từ giả đất Châu-đốc, từ giả thánh địa nơi hai thánh đồng quê ta đã thủ nghĩa xá sinh, liều thân trí mạng vì đạo thánh Chúa. Quì gối trước đài kỷ niệm, hết lòng van vái hai thánh rày ở trên trời đã đến nguồn ơn vui vẻ, xin đoái chúng tôi còn dưới thế, mà nghe lời kẻ thơ ngây. Xin hai thánh xót thương chưởng tộc họ hàng, xin đoái nhớ quê cha đất tổ!

Âu là tiếng tâm hồn họ đạo Châu-đốc hôm nay cũng mượn lời thánh vịnh mà than thở rằng: Lạy Chúa, xin vì công nghiệp máu hai Á thánh Đoàn công Quí và Lê văn Phụng xưa dầm ướt đất nầy mà “cứu con cho khỏi tội đã làm đổ máu oan năm nọ, ớ Chúa, là Chúa phần rỗi con, có ngày miệng lưỡi con sẽ hứng vui khen ngợi vì Chúa làm cho con đặng nên nhơn ngãi” và khởi hoàn, là khi số người ngoại giáo xứ nầy trở lại đông đảo mà phượng thờ chơn Chúa, ấy như các món của lễ tốt lành con cống hiến trên bàn thờ Chúa...

Cuộc lễ tốt lành đã qua, mà lòng ghi nhớ muôn ngày chẳng khuất, miệng thầm thì rập ý cùng anh em Công giáo đồng hương mà nói đi nói lại rằng:

Vạn tuế: Hội thánh Việt Nam! Vạn vạn tuế!

(Chung)

Phóng sự của báo N. K. Đ. P.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1931