ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Sự tích Cha Phaolô Nguyễn Văn Qui

 SỰ TÍCH CHA PHAOLỒ QUI

In memoria æterna erit justus (Ps. exi, 7).

Kẻ lành đặng người ta nhớ muôn đời.

Tối ngày mồng một Aout, chín giờ rưởi, cha PHAOLÔ QUI đã tạ thế mà về cùng Chúa, tại Nhà trường Latinh Saigon. Nầy là một tin rất buồn và đáng thương tiếc cho Hội thánh Nam Kỳ: hàng linh mục phải mất một phần thân thể trọng quới, mất một gương lành rất mực trong việc chăn, giữ con chiên Chúa; người giáo hữu phải mất một tướng dẫn đàng minh mẫn rất thông thuộc các nẻo về phần rỗi; các đấng Dòng Sai phải mất một vì anh danh phụ lực kiên cố tận tình trong việc mở mang nước Chúa giữa kẻ ngoại giáo. Nói rằng mất, mà ta hết thảy đều trông cậy người đã lìa ta mà lãnh phần thưởng Chúa dành để cho tôi tớ lương thiện trọng hiếu, mà vào trong sự vui vẻ Chúa mình, nên chẳng những là chẳng mất, mà lại người càng có thế mà chỉ bảo và giúp đỡ ta trước mặt Chúa hơn khi còn ở đời nầy, và sách vở người để lại là lời người hằng nói ra chẳng khi dừng mà an ủi dẫn giải cho những linh hồn ái mộ đàng lành, khi người còn ở dương thế, ghe kẻ kính vì yêu chuộng, trộm kêu là ông thánh, ông thánh Phaolồ, mà xin người cầu nguyện, xin người an ủi dạy dỗ; nay ở gần Chúa, ắt người nguyện đắc lời hơn, mà chẳng quên kẻ có lòng tin cậy, lại có phương phép hơn mà vừa giúp kẻ ấy.

Trong mấy trang vắn nầy ta có ý biên lại những điều đại cái trong hạnh người, cho sáng danh Chúa và để gương lành cho kẻ muốn học đòi bắt chước.

Phaolồ Qui sinh ra tại Đầu Nước, năm 1855. Cha người là Joakim Vân, làm nghề thầy thuốc, có lòng ngoan đạo, sốt sắng, theo giúp đỡ cha thầy đang hồi cấm kín; mẹ người kêu là Maria Giàu, mà nhứt là giàu nhơn đức, chín chắn việc đạo, hay thương giúp người, ân cần việc gia đạo và dạy dỗ luyện tập xem sóc con cái. Hai ông bà đặng năm trai, hai gái; Phaolồ ném về thứ năm.

Trẻ nầy đã sớm học đàng chịu khó, chưa đặng mấy tuổi mà phải lìa quê, vì đang lúc bác loạn cha mẹ người phải chạy giặc, trôi nổi. Khi trốn xuống tới Cái Nhum gặp nơi tị nạn trú ổn vừa yên, kế thêm sự đau đớn hơn nữa, là cha người xoang bịnh mà qua đời, bỏ bẩy con lại cho mẹ người gìn giữ dưỡng nuôi đang thì cô thế.

Bà nầy vững vàng giữa cơn khốn khó, chẳng nao lòng bê trễ việc bổn phận, kề vai gánh vác một mình, cậy Chúa nhơn từ chẳng bỏ mẹ goá, con mồ côi. Lần hồi mẹ con dắc nhau qua nương ngụ tại Chợ Cũ, về tĩnh Định Tường (rày kêu là Mỹ Tho), vì có cậu ruột của Phaolồ, là Cha Philípphê Phiên, đổi về xem sóc bổn đạo tại đó.

Trẻ Phaolồ hết lòng mến mẹ, lo giúp đỡ mọi việc trong cữa nhà. tùy sức, mà trong mấy anh em hết thảy, dầu các anh lớn, thì chẳng ai sánh đặng cùng Phaolồ: từ nhỏ cho đến trót đời, người hằng chí công tận tình bao lo cho mẹ và cho anh em hết thảy: Chẳng cần có ai khuyên răn, sai khiến, vừa thấy công chuyện làm, liền ra tay, chẳng quản mệt mỏi, không lo nặng nề.

Hồi Tây mới lại, nhơn dân bị giặc giã cơ cẩn lắm; nhà nước thương lo, phát lương phạn, thì Phaolồ, tuy còn nhỏ, mà hằng ngày cũng xách thúng theo thiên hạ, xuống cầu tàu mà hứng bột mì nhà nước đổ thí cho dân ăn đỡ đói.

Mùa nước mặn, trong nhà hết nước uống, thì Phaolô xách ghè xuống mé sông, chờ nước ròng sát, kiếm chỗ có nước ngọt, móc lỗ mội, múc đầy ghè đem về cho nội nhà thấm giọng.

Chẳng khi nào người than thân trách phận, lại vui lòng chịu khó, sẵn lòng dưng mình liều công mà giúp mẹ cùng anh em lớn nhỏ.

Một khi kia, có một anh người phải giam xa, trên Cai Lậy, thì Phaolồ vưng ý mẹ, bỏ nhà mà đi theo anh hầu lo nuôi dưỡng hằng ngày trót hai tháng. Phải ở đỗ bạc nhà hai vợ chồng thầy giáo kia, thì lại thêm lo giúp đỡ trong nhà ấy, quét tước, dọn dẹp, sớm khuya chẳng nài, cho đặng đền ơn trả thảo. Hai ông bà thấy trẻ Phaolô có lòng thương anh, hay chịu khó, siêng năng, biết đền ơn ngãi, thì đem lòng mến và khen chẳng khi đừng.

Độ năm 1867, nhà nước Langsa đã chiếm cứ Nam Kỳ, và dẹp an đâu đó xong rồi, thì lo việc dạy dỗ con nhà An Nam học chữ ngãi, nên đã khai trường tại Mỹ Tho, có các thầy dòng Frères les Ecoles Chré-tiennes lãnh giáo huấn. Phaolồ sở mộ, xin phép mẹ nhập trường học chữ tây. Bỡi trí sắc, tánh lành, hạnh tốt, thì học mau và đặng thầy trò thương mến yêu chuộng.

Sang đầu năm 1870, Phaolồ nghe tiếng Chúa kêu, thì xin cùng cha sở - khi ấy là cha Lũy (Lize) - mà đi Nhà trường Latinh, cho đặng làm thầy cả như cậu mình. Cha sở biết tánh hạnh ý tứ trẻ nầy, thì mừng và trông cậy một mai nó sẽ làm sáng danh Chúa và làm ích cho linh hồn người ta, bèn gởi nó lên Nhà trường tại Sài Gòn. Tới nơi, Phaolồ cứ chăm chỉ siêng năng lo việc học hành, và ân cần tập luyện bề đức hạnh.

Song ma quỉ sáng ý, nó dòm xét kỹ cang, bàn sinh lòng lo e, sợ trẻ nầy ngày sau lãnh quờn phép thiêng liêng mà hại đặng nước nó, cứu nhiều linh hồn ra khỏi tay nó, nên nó làm hết sức đón ngăn. Trước hết nó dùng kế xác thịt, làm cho trẻ ấy khi mãn kỳ nghỉ mà tựu trường, thì bắt phiền muộn trong lòng, nhớ nhà, muốn bỏ hết mọi sự mà về; nhiều lần trong giờ rảnh, thì đứng ôm cột mà khóc. Song nhờ ơn Chúa và lòng mạnh mẽ mẹ ngăn can, nên đã phá đặng mưu độc ấy, Vì mẹ Phaolồ đã dưng con cho Chúa, chẳng theo ý xác thịt mà thương mến con trái lẽ, một an ủi con bỏ hết mọi sự, cả lòng theo chơn Chúa cho trọn; lại thêm lời khẩn khái mà đe rằng: “Mầy bỏ nhà trường mà về, tao bắt tao câu sấu; tao không để.”. Phải chi bà ấy làm như nhiều cha mẹ, vừa thấy con chảy một hai giọt nước mắt mà đòi sự gì, liền mau mau theo ý chẳng kể nên hư, không dám cãi ý nó, sợ nó buồn, nó khóc, ắt là Phaolồ nầy không đến chức thầy cả đặng; ắt là nhiều linh hồn không đáng nhờ người trong đàng phần rỗi.

Sau lại tưởng ma quỉ cũng làm, như đã làm với ông Gióp xưa, kèo nài cùng Chúa, mà làm cho trẻ Phaolồ mắc bệnh hoạn yếu đuối, hết đôi ba phen phải ngưng việc học hành, về nhà dưỡng bịnh, song mưu quái nó một làm cho nó phải xấu hổ mà chớ; vì trẻ nầy đã chí quyết tế lễ mình cho Chúa, nên dầu mạnh yếu, sống chết, cũng kiên cố một bề theo Chúa chẳng sờn; nên vừa khá lại thì trở về nhà trường, chẳng chịu tháo lui.

Mấy năm ở nhà trường, Phaolồ quyết lo làm thầy cả, theo ơn Chúa gọi, biết cho đặng lãnh chức cực trọng ấy thì cần kíp phải nên thông thái, và phải thuần thuộc đàng trọn lành, nên đêm ngày hằng chuyên lo cả hai đều một trật, chẳng rời. Từ khi khỉ sự cho đến cùng, thì hằng nên gương lành cho anh em học trò trang tác và hậu sinh đặng học đòi bắt chước. Hàng năm tới kỳ lãnh phần thưởng, thì trò Phaolồ đứng đầu trong lớp về việc học hành, và về tính hạnh nhơn đức; đặng bề trên bề dưới khen ngợi yêu vì, song trẻ ấy chẳng lấy đó mà cậy mình kiêu hãnh, một cám ơn Chúa, dưng lại mọi sự cho Chúa, vì biết là nhờ Chúa ban ơn giúp sức, chẳng phải tại mình mà nên thân: trong lời ăn tiếng nói cũng cứ giữ một mực vui vẻ, nhu mì, nhỏ nhoi, chơn chất, đơn sơ luôn.

Đầu năm 1876, Phaolồ lên lớp cách vật, và tới lễ Đ C T Ba Ngôi (10 Juin) thì đi cởi lốt thế gian mà lãnh y phục làm tôi cung thánh, cắt tóc trên đầu, làm chứng minh chê bỏ mọi sự đời là của dư thừa, mà chọn lấy Chúa làm của riêng mình, làm phần gia tài mình. Từ ấy thầy Phaolồ lại càng thêm lo luyện tập trau giồi lòng trí cùng tánh hạnh, vì bước vào cung thánh cho đặng trèo lên bàn thờ mà tế lễ Chúa, và hiệp làm một cùng Chúa mà tế lễ mình, nên hằng ngày làm cho mình nên của lễ xứng đáng mà dưng làm một cùng Cao Dương Thiên Chúa,

Chẳng những lo cho mình, lại thêm lo cho anh em nữa. Trong nhà trường khi ấy có đặng mươi người học trò cùng một quê với thầy Phaolồ, người là anh cả, nên hằng săn sóc, nhắc bảo, ủi an. Mỗi tuần một lần, tối thứ bảy, đang giờ chơi, thầy Phaolồ kêu mấy anh em Mỹ Tho lại mà truyện vãn, hỏi thăm về việc học hành, về sự mạnh khỏe, bày về những sự có sức sinh ích về chuyện linh hồn, về việc học hành, về cách ăn ở với bề trên, với kẻ lớn người nhỏ, chẳng bỏ qua điều gì mà không chỉ bảo; lấy lời dịu dàng mà răn đe kẻ lầm lỗi, thôi thúc kẻ lảng lơ, giục lòng ai nấy ân cần tấn tới trong đàng lành. Thật người là thiên thần giữ mình của mấy học trò Mỹ Tho, và mấy anh em đều một lòng kính vì yêu chuộng vưng nghe. Nếu có kẻ không đặng vững bền trung tín, thì chẳng phải tại thầy Phaolồ chẳng ủi an xem sóc và nguyện cầu hôm sớm, là tại kẻ ấy không biết nghe lời, nên đành lòng bỏ ơn Chúa.

Cũng lối năm ấy, bề trên giao cho người một việc người lấy làm trọng phước và hết lòng ái mộ ân cần mà làm. Hồi ấy nhà thờ nhà trường có một bàn thờ mà thôi, không đủ cho các cha làm lễ, nên trong nhà có một phòng riêng, kêu là oratôriô, có bàn thờ và đủ mọi sự cần dùng, mỗi ngày có đôi ba cha làm lễ tại đó. Thầy Phaolồ lãnh làm từ oratôriô nầy một cách khoái lạc hết lòng, vì mỗi ngày đặng phước lo dọn cho đủ đồ tế lễ Chúa, nhớ rày mình dọn giúp mọi đều, một mai sẽ bước lên bàn thánh. Vì vậy người lo cho mọi sự sạch sẽ tinh tấn xứng đáng, chẳng những trên bàn thờ, mà lại xung quanh vách, dưới rầm, nhứt thiết là áo lễ cùng chén thánh... Khỉ sau một lúc người làm thầy lễ nhạc trong nhà trường, thì cũng một lòng sốt sắng cẩn thận chỉ bảo tập tành những thầy trò phải giúp lễ nhạc cho trúng phép. (Tưởng người cứ lời ông thánh Hieronymô kể lại về Nepotianô rằng: Erat ergo sollicitus si niteret altare, si parietes absque fuligine, si pavimenta tersa, si vela semper in ostiis, si sacracium mundum, si vasa luculenta, et in omnes cæremonias pia sollicitudo disposita, non minus, non majus negligebat officium. ( EP. AD HELIOD.)

Mãn năm cách vật, Phaolồ học sách đoán, mỗi năm chịu chức thêm. Phần xác thì chẳng đặng mạnh, hay ho, hay tức, dầu vậy chẳng khi nào trễ bỏ những việc phải làm, có một khi bề trên khiến dạy, mới ngưng lại mà đi nghỉ và dưỡng binh.

Mấy năm sau hết lại thêm việc, vì chẳng những phải lo học hành, lại còn phải giúp dạy lớp mới học latinh, cũng một trật phải coi sóc học trò trường nhỏ trong giờ học, việc nhập nặng nề, mà người cũng hằng vui lòng làm luôn, chẳng phàn nàn, chẳng tìm bề trao gánh cho kẻ khác.

Qua năm 1880, ngày 22 Mai, Phaolồ bước vào nằm cung thánh, chết cho thế gian xác thịt, phú mình làm tôi Chúa trọn đời, lãnh chức thứ năm, buộc mình giữ trinh tiết cho đến lâm chung, không còn tháo lui đặng. Ai nói được sự vui khoái và lòng sốt sắng thầy năm mới nầy! vì bấy lâu đã quyết giã từ sự thế, nay mới được khấn hứa trọng thể trước mặt Hội thánh, mới đặng Giám mục, thay mặt Chúa, thay mặt Hội thánh, giơ tay nhạm của lễ tế mình dưng,

Năm sau, ngày 12 Juin, lại lãnh sách thánh Evang, chịu lấy Đ C T T cho mạnh sức mà làm việc thầy phó tế. Biết nói sao cho được sự lòng người sốt mến, sợ hãi, cung kính, mừng rỡ, khi lần thứ nhứt người thò tay cầm Mình Thánh Chúa! bấy lâu đã đến gần bàn thờ, nay kề bên Chúa, đặng phép đả động đến Mình Người, đặng mở cữa nhà tạm, đem Chúa ra cho bổn đạo thờ lạy... thiên thần quì gối run sợ, mình thẳng gối cầm Chúa trong tay !

Dầu luật trong Địa Phận buộc phải đúng ba mươi tuổi mới đặng lãnh quờn chánh tế; song khi Phaolô mới trọn 27 tuổi, thì bề trên kêu, dạy lo dọn mình chịu chức thầy cả. Năm ấy (1882) có sự ngăn trở không làm lễ phong chức đặng trong tuần bốn mùa tháng Septembre, nên Đức Cha phải dời lại đến ngày lễ ông tháng Anrê, là 30 Novembre, - Có một mình Chúa biết thầy Phaolô đã ân cần sốt sắng thế nào mà dọn mình phen nầy cho đặng bước lên núi thánh Chúa, mà lãnh đồng quờn đồng phép cùng Đ C G, mà nên Khirixitô mới, Sacerdos alter Christus. Từ đây người chẳng còn thuộc về mình nữa, Chúa đã bắt lấy người ở giữa thiên hạ mà đặt người thay mặt phàm nhơn, hầu lo những việc thờ phượng Chúa, cho đặng dưng lễ và vật tế tự vì tội lỗi người ta; bao nhiêu ơn thánh người đã lãnh khi Giám mục đặt tay trên đầu, thì người tích trử trót đời trong linh hồn mà dùng cho đặng làm sáng danh Chúa và làm ích cho linh hồn kẻ khác, chẳng còn biết tới tư lợi, không tưởng đến vinh hoa sung sướng, không lo về thân xác mình.

Đ C G khi toan lập phép Thánh Thể, đã làm một việc khiêm nhượng rất lạ, hạ mình xuống rửa chơn cho các tông đồ. Cha Phaolồ dọn mình làm lễ nhứt, đã muốn bắt chước Quan Thầy mình. Mấy thầy trò Mỹ Tho tựu riêng với nhau mà mừng anh cả mới lãnh quờn chánh tế, là vinh hiển nhứt cả và xứ, là trái chiếng họ Mỹ Tho trỗ ra trong vườn Hội Thánh Nam Kỳ: khi các anh em đang vui mừng, bỗng liền thấy cha mới sấp mình xuống đất mà hôn chơn chúng em hết thảy, từ lớn tới nhỏ, không một ai tránh đặng, và người dạy rằng: “Bỡi tôi là trưởng nam, nên phải nhắc lại cho anh em nhớ, ta phải nhớ Chúa hạ mình khiêm nhượng, mới làm tôi Người cho bền vững được”. Cha mới đã làm thể ấy mà dọn mình cho đặng làm lễ lần thứ nhứt. Đang khi ấy trong mấy anh em phần nhiều cầm nước mắt chẳng đậu. Có một người gẫm rằng: “Chúng ta đây hết thảy là mười hai chẳn: xin đừng có Giuda nào trong ta!” - Một đứa nhỏ hơn hết, còn khờ, mà cũng nói rằng: “Có phước lắm! hôm nay mình được thấy ông thánh...”

Dễ xét được mẹ già người, khi thấy con bước lên bàn thờ, khi ríu quì mà chịu phép lành con ban lần thứ nhứt, thì đặng tràn trề sự vui mừng khoái lạc là dường nào. Bà ấy chẳng còn mơ ước thèm lạc sự gì ở đời nầy nữa, và đành lòng dứt bỏ thế nầy mà về cùng Chúa, như thánh Simêon xưa, vì đã đặng phỉ nguyền mọi đàng.

Lãnh chức quờn mới vừa rồi, đang khi ba cha mới chịu chức một lượt cùng người làm lễ vinh qui và nghỉ ngơi viếng thăm cha mẹ, bà con, trước khi tra tay lãnh việc xem sóc linh hồn người ta, thì cha bề trên Thi cầm cha Phaolồ ở lại tại nhà trường, và giao việc cho người giảng cấm phòng mà dọn một ít con trẻ rước lễ vỡ lòng ngày Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông kế đó. Người vui lòng lãnh việc giúp đở trẻ con, phân phát lại cho nó những ơn Chúa mới phú giao cho mình. Người tận tình kiệt lực lo giúp, chẳng phân bì ba anh em kia còn đang nghỉ ngơi thong thả. Người ra sức làm cho trẻ nhỏ ấy hiểu tỏ phước trọng Chúa toan ban cho nó, giúp nó dọn mình tùy sức, ao ước cho nó biết lo sốt mến Chúa như mình. - Từ ấy hằng năm người cùng lãnh mà lo việc rước lễ vở lòng nầy; người ra sức làm lễ nhạc ấy cho trọng thể và rực rỡ bề ngoài tùy nghi. Vì vậy người chẳng sợ hao tốn mà sắm bông hoa đèn đuốc, và sắp đặt mọi sự nghiêm trang xứng đáng, làm cho con trẻ thêm vui, thêm mộ, mà dọn mình sốt sắng hơn.

Chẳng những người chẳng sợ hao tốn tiền bạc, lại cũng chẳng sợ hao tổn sức lực mình mà giúp linh hồn người ta, bắt chước thánh Phaolồ là bổn mạng người : Ego autem libentissime impendam, et superimpendar ipse pro amimabus vestris (II Cor., XII, 15 ). Vì người dưng mình cho Chúa có một ý làm tôi Chúa, mà làm sáng danh Chúa, bỡi lo cho linh hồn người ta đặng biết Chúa tường tận hơn, và yêu mến Chúa chí thiết hơn. Cho đặng giúp người ta mà biết Chúa, thì người phú trót mình mà làm việc bổn phận, dùng mọi giây phút cả đời mình, dùng mọi tài năng trí lòng mình, dùng mọi sức lực mình, chẳng trừ ra một phút gì cho mình.

Việc dạy dỗ học trò trong như trường thì người hằng chăm lo kỷ lưỡng chẳng sót phần nào, chẳng những cho nó tấn tới trong việc học hành, mà lại an ủi chỉ bảo cho nó biết kính mến Chúa, biết sợ tội, biết ái mộ tập mình về đàng trọn lành, khi lo xong việc bài vở đoạn còn dư bao nhiêu giờ, thì người mót máy những giây phút ấy mà làm sách vở, cho đặng để đời mà giúp cho lâu dài hơn nữa.

Sách người in ra trước hết là cuốn “Tu sĩ tùy thân”, tóm lại những sự người thường ngày chỉ dẫn nhắc bảo các con trẻ đang lo học hành mà dọn mình vào cung thánh. Nhưng vậy sách ấy cũng giúp đặng các linh hồn đạo đức, trong những đứng bực khác, hoặc trong nhà tu, hoặc ở giữa thế gian, mà có ý mơ ước theo đàng trọn lành, tấn tới trong sự kính mến Chúa, giữ mình bền vững trong ơn nghĩa Chúa.

Từ ấy người hằng lo chép sách luôn, dầu người bệnh hoạn yếu đuối song cũng chẳng ngưng tay mà nghỉ ngơi khi nào, người hay nói rằng: “Chừng chết rồi, mặc sức mà nghỉ.” Chẳng phải bỡi rảnh rang có nhiều giờ dư mà người viết lách thể ấy, một bỡi siêng năng ân cần chất lót mót máy ngày giờ, chẳng bỏ qua giây phút nào vô ích. Một mình Chúa biết người đã lập bao nhiêu công nghiệp trong những giây phút châu báu ấy.

Cha Phaolô đã chép nhiều sách vở, song những sách ấy vựa lại trong phòng người, thì cũng chẳng ích gì, cũng như thâu góp bạc vàng mà chôn xuống đất, cũng như thắp đèn mà úp lại dưới thúng. Làm sách rồi, còn phải in ra, mới sinh ích cho người ta đặng. Đây là một sự khó, một sự cực lòng, khác nào gai xóc vào mình cha Phaolồ; là thánh giá bạc nặng và khó vác hơn thánh giá khác. Vì cho đặng in sách ra thì phải có tiền có bạc mà chịu sở tổn, mà người tay không, thì lấy đâu mà xuất ra đặng? biết chạy đâu mà kiếm cho ra tiền tổn phí? Kẻ làm sách ghe phen biết sự cực lòng nầy, mà những kẻ xem sách không mấy ai hiểu, cũng như thể đờn bà chuyến bụng phải đau đớn bao nhiêu, kẻ khác không rõ thấu được.

Năm 1889, Nhà In Tân Định đã lãnh chịu tổn phí mà in cuốn Tu sĩ tuỳ thân, qua năm 1901, cũng còn chịu in Evang ông thánh Gioang.- Evang ông thánh Luca,... và sách Tóm lại đàng nhơn đức trọn lành. Còn các sách khác thì Nhà In chẳng dám lãnh, âu là bỡi không sức mà lãnh.

Khi đã mãn nguyệt, con ở trong bụng muốn ra, mà ra chẳng đặng, biết đau đớn ngằn nào! Nhưng bỡi cha Phaolô tìm sự sáng danh Chúa và phần ích cho linh hồn người ta trong những sách vở người chép, chẳng có ý gì khác, nên Chúa đã khiến một hai linh hồn nhơn đức lo giúp người cho đặng in sách ấy ra. Kẻ ấy cứ lời Chúa chẳng cho tay trái biết việc tại mặt làm, song tên kẻ ấy Chúa đi biên vào sổ hằng sống, vì việc lành nầy thật là việc trọng và bền chắc lâu dài, vì sách vở ấy sẽ làm ích thiêng liêng nhiều đời. Chúa hứa ai tiếp nước tiên tri vì danh tiên tri, thì sẽ đặng lãnh phần tiên tri ( MATT., x, 4 ), cùng một lẽ ấy kẻ chịu hao tốn của cải mình mà giúp việc sách vở, làm cho người ta thêm biết và mến Chúa, là giúp và thông công trong việc tông đồ giảng dạy và soi sáng linh hồn người ta, ất sẽ đặng thông công phần thưởng tông đồ. Biết là bao nhiêu kẻ đã đặng Chúa đong cho tiền của dư giã, không biết tính dùng mà làm chuyện hữu ích như vậy! Biết là mấy tay hào phú tuôn bạc vàng ra, chẳng tiếc, cho đặng sắm đồ đạc trong nhà ngoài ngỏ cho vển vang lộng thế, cho đặng mua một chút vui giả chóng qua, cho đặng chơi bời nhiều thế, có khi liều phần rỗi mình nữa, mà chẳng biết dùng của Chúa ban mà sinh ích lợi bền bỉ thể nầy!- Vậy nhờ chút tiền phụ giúp ấy, (chẳng có bao nhiêu ), thì cha Phaolồ chắt lót tính tới tính lui mà lần hồi muốn in tặng một mớ trong những sách người đã chép, in cuốn nẩy rồi bán kiếm vốn lại mà in cuốn khác.

Sách lớn hơn hết của người là Sách Gẫm quanh năm, đã in tại Nhà Nadarét, bên cù lao Hồng Công, trót pho là năm cuốn, in ba năm mới rồi (1898-1900).

Nhà ấy còn in Hạnh ông thánh Luy Gôndaga, năm 1901, (sau còn in lại một lần nữa) - Sách giảng về Phép Mình Thánh Chúa, năm 1902;- Giảng về Địa ngục, năm 1903 (sau in thêm hai lần khác nữa);– Hạnh bà có lộc Magarita Maria, năm 1903 (cũng đã in lại thêm một lần nữa);- Hạnh ông thánh Stanislao Koska, năm 1905, và hạnh ông thánh Gioang Bêrêmang, năm 1909.

Người đi in tại Nhà In Tân Định: Sách Thánh Giáo yếu lý tam giải, năm 1904 (sau người đã cho Nhà In in lại phiên thứ ha), vì là sách rất tốt, rất cần, cắt nghĩa tỏ rõ mọi đều, mọi tiếng ta đọc trong Sách Phần Địa phận ta; lẽ thì mỗi nhà trong Địa phận nầy phải có một bổn sách ấy mà xem đi xem lại cho biết, cho hiểu và cho nhớ mọi lẽ cần đạo thánh dạy ta phải tin cùng phải giữ cho đặng rỗi linh hồn. Dầu các cha sở dạy đi dạy lại, thì ta cũng hay quên; có sách ấy ở trong nhà mình mà đọc mỗi ngày một hai trang, thì làm cho mọi lẽ đạo ghi khắn khắn vào trí ta; làm cho cha mẹ biết đủ điều mà dạy dỗ con cái về sự đạo theo bổn phận mình. Sách ấy giá một đồng bạc; có kẻ hao phí bạc chục bạc trăm, cho đặng sắm của vô ích, có khi mua địa ngục cho mình, thì chẳng tiếc; mà phải xỉa một đồng bạc mà mua sách cần, mà chuộc phần rỗi mình và phần rỗi con cái mình. thì tiếc của, thì chê mắt! E cha Phaolồ sẽ cáo nài kẻ ấy nơi tòa phán xét, vì người đã chịu lao lực mà chép, và chịu hao tổn mà in ra sách ấy: Sách giảng về Thiên đàng, năm 1906 - Sách dạy về sự tôn kính Rất thánh Nữ Đồng trinh Maria, năm 1907;- Ca ngợi Đ C Bà, Ông thánh Giude và ngày Rước lễ vở lòng, năm 1912, (người đã rút ra trong nhiều sách ;- người đã cậy cha Gabriel Long đặt dấu hát những Ca ngợi ấy rất hay, êm tai, vui lòng, và đang lo tìm thế cho đặng in dấu hát ấy, mà Đức Mẹ đã cất người đi trước khi thành việc );- và Ca ngợi Rất thánh Trái Tim Đ C G, năm 1913,

Lối năm 1911, người cũng đã in Sách giảng về Thiên Thần, tại Làng Sông (Qui Nhơn.)

Còn một ít sách nữa người đã chép, mà chưa lo in đặng.

Chúa phán cùng Ông thánh Gioang rằng “Phước cho ai đặng chết ở trong Chúa. Từ rày Đ C T T phán cho kẻ ấy dứt việc mình làm (mà nghỉ ngơi, vì công việc kẻ ấy theo kẻ ấy chẳng rời” (Apoc., XIV, 13.) Thật cha Phaolồ đã ngừng tay lại mà chết trong Chúa, mà nghỉ ngơi, như người hay nói: “Chết rồi mặc sức mà nghỉ”; việc người đã làm theo người trước mặt Chúa, mà xin Chúa thưởng người; mà những việc ấy cũng ở tại trên đất nầy, mà cứ làm ích cho những ai muốn tìm ích cho mình trong ấy; người chết với mà hãy còn nói, Defunctus adhuc loquitur (HEBR., XI, 4), ai muốn nghe, hãy dở sách người ra thì còn nghe được.

Lòng ái mộ việc phần rỗi đã ép người làm ra sách vở thế ấy, thì cũng ép người ân cần trong việc giảng dạy. Khi lãnh quờn chánh tế thì đã nghe lời Giám mục chỉ bảo việc bổn phận thầy cả là phải giảng dạy, pradicare, mà người ân cần lo việc ấy trọn đời, cứ lời thánh bổn mạng người dặn: “Con hãy giảng lời Chúa, hãy cứ giảng mãi khi trúng thì tiện, cùng khi trái thì...” II TIM., IV, 2. ) Mấy năm người ở nhà trường, thì cứ theo phiên thứ mình; mà trong tháng nghi, khi người đi họ nọ họ kia, thì người chẳng hề bỏ qua việc trọng nầy; mà nhứt là người đi làm vậy cho đặng giúp việc giảng cấm phòng. Khi có cha nào cậy người về sự ấy, thì người chẳng từ chối bao giờ, dầu mắc trở nhiều công việc, dầu mệt mỏi yếu đuối, thì người cũng vui lòng mà giùm giúp. Khi người thôi ở nhà trường mà lãnh việc xem sóc bổn đạo, thì người ân cần hơn nữa mà phân phát lời Chúa là của ăn mà nuôi con chiên mình: chẳng những người giảng dạy trong những ngày Chúa nhựt, lễ cả mà thôi, ghe phen ngày thường người cũng giảng thêm, như những ngày thứ sáu đầu tháng, những ngày hàng trong tháng Đ C Bà, hay là tháng Trái Tim; nhiều khi người kêu bổn đạo tới mà cấm phòng, thì người lại càng thêm giảng dạy hơn nữa. Phước cho họ Gia Định, mấy năm đặng đấng Chăn chiên lành, hằng ngày cho chiên ăn của béo tốt mĩ vì, đặng no nê chan chứa!

Bầy chiên lớn thì người lo lắng thể ấy, mà bầy chiên nhỏ thì người lại càng ấp yêu cấp dưỡng nhiều đàng hơn nữa. Người lấy việc dạy sách phần cho trẻ con, lớp lớn, lớp nhỏ, làm việc đại sự trong bổn phận linh mục. Chẳng những người cẩn quyển việc ấy thường ngày, mà lại lo tìm phương kiếm thế cho con trẻ ham nghe dạy, cho nó đừng trễ bỏ việc cần dường ấy. Hẳn thật, nếu con trẻ ân cần học và nghe dạy sách phần kỷ luỡng, cho đặng làu thông các lẽ cần trong đạo thánh, về những sự phải tin phải làm, thì mới trông cả đời nó giữ đạo nên, hay là ít nửa là giờ sau hết nó biết đàng ăn năn trở lại; bằng thuở bé bơ thờ, không lo học hành, không lo thông hiểu đạo lý, thì lấy đâu mà trong nó mai sau biết kính thờ Chúa cùng là việc phần rỗi?

Xưa thánh Phaolồ nói cùng mấy người truởng thượng họ Ephêsô rằng: “Anh em rõ biết, thầy chẳng bỏ qua đều gì hữu ích mà chẳng giảng truyền cho anh em, mà dạy dỗ anh em chung hết và từ nhà, khuyên giục người Giudêu cùng kẻ ngoại giáo ăn năn trở lại cùng Đ C T, và tin kính Đ C G Khirixitô là Chúa chúng ta” (ACT., XA, 20-21). Cha Phaolồ cũng bắt chước bổn mạng người mà làm như vậy. Vì sự giảng dạy kẻ lớn người nhỏ chung trong nhà thờ, thì người chẳng lấy làm đủ, người còn ân cần đi tìm con chiên lạc, hoặc đến nhà riêng, hoặc gọi nó đến nhà mình, mà an ủi khuyên lơn cho nó biết lo sợ mà ăn năn trở lại cùng Chúa, mà giữ mọi luật điều cho xứng đáng kẻ tin kính Đ C G. Những kẻ sồn sồn thì người khuyên lơn, an ủi, thúc giục cho thêm sốt sắng. Những linh hồn nhơn đức thì người chỉ đàng bày vẽ cho đặng ái mộ nên trọn lành. Người chẳng bỏ qua một dịp nào, chẳng để sót một linh hồn nào mà chẳng ân cần lo lắng dìu dắc nó đến cùng Chúa.

Bỡi những lời an ủi dạy dỗ chung riêng thể ấy, và nhờ lời người cầu nguyện cùng gương tốt người làm, thì đã làm cho họ Gia Định cách mấy năm mà ra tốt lạ, rất đáng khen, cùng nên gương lành trong Địa phận. Ta dở sổ ra thì thấy tỏ sự ấy. Người lãnh xem sóc họ nầy trong năm 1908, nội năm đầu hết người làm phép giải tội dặng 1001 lần, và trao Mình Thánh Chúa 1576 lần. Năm sau hết thì bổn tạo xưng tội 2473 lần, và ruớc lễ 6308 lần. Nội bảy năm số xưng tội thêm bằng hai rưởi; số rước lễ thêm bằng bốn.

Thầy hảm phạt xác thầy và bắt nó làm tôi, kẻo hoặc thầy giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải Chúa từ bỏ (I Con., IX, 27)”  Môn đồ cũng làm như bổn mạng. Cha Phaolồ càng âu lo việc con chiên, lại càng âu lo linh hồn mình. Chuông nọ tới giờ thì đánh, ra tiếng vang lừng kêu bổn đạo kẻ xa người gần, thúc đến nhà thờ mà đọc kinh xem lễ: bổn đạo đến, mà chuông không đi. Cha Phaolồ bắt chước chuông mà kêu ai nấy đến cùng Chúa, bỡi lời giảng dạy ủi an, cùng bỡi sách vở người làm; mà người chẳng bắt chước chuông ở ngoài xó nhà thờ, người vào trước, mà các kẻ khác vào theo. Bao nhiêu đều người dạy dỗ nhắc bảo kẻ khác, thì người giữ trước mà làm gương chỉ đàng.

Nói sao được lòng người kính mến Chúa? Người hằng tưởng nhớ Chúa luôn, ra sức cho đặng kết hiệp cùng chúa càng ngày càng thêm triển trang khao khít vững bền:  “dầu ăn, dầu uống, dầu làm việc gì khác, thì người hằng làm hết thảy mọi sự cho sáng danh Chúa”. Miệng người hay than thở những lời vắn tắt kêu đến cùng Chúa. Khi gặp đều trắc trở, phải sự cực lòng, thì người vui mừng mà dưng cho Chúa, bằng lòng theo ý Chúa phân định, cám ơn vì Chúa cho dịp thông công cùng thánh giá Chúa, và nên giống Chúa hơn. Người ham ở tịch mạc cho dễ nhớ Chúa, cho khỏi xao lãng; khi phải ra mắt với người ta thì người giữ tịch mạc trong lòng: khi truyện vãn, thì kiếm dịp mà nói một hai lời nhắc đến Chúa.

Bỡi kính mến thì người ra sức cho đặng nên giống Chúa. Cho đặng bắt chước Đ. C. G, thì người hằng lo học hành cho đặng biết Chúa tường tận hơn. Người học hành thể ấy dưới chơn Đ C G trong phép Thánh Thể: bao nhiêu giờ người rảnh rang đặng, thì người ở trong nhà thờ trước nhà tạm. Lại người học hành tánh hạnh Chúa và lời Chúa phán trong sách Evang: sách thánh nầy chẳng khi rời người, người hằng để trong túi áo luôn, hầu năng dở ra mà xem đặng bất kỳ giờ nào, bất luận nơi nào. Nói đặng về người như thánh Cêcilia xưa: “Người hằng đem sách Evang Đ C G trên ngực mình luôn, và ngày đêm những nói khó cùng Chúa và cầu thguyện chẳng khi dừng: semper Evangelium Christi gerebat in pectore, et non diebus neque noctibus vacabat a colloquiis divinis et oratione.” Người chỉ lo cho Đ C G sống trong mình người, cho đặng nói như thánh Phaolồ rằng: “Tôi sống, mà không phải là tôi, là Đ C G sống trong tôi mà chớ” (GALAT., II, 20).

Nhứt là khi người tế lễ và nước lễ thì người hiệp làm một cùng Chúa chí thiết, chẳng có sự gì làm cho trí lòng người xao lãng đặng. Bề ngoài thì thấy người nghiêm trang, cung kính, chăm chỉ, khiêm nhượng, sốt sắng, chỉ tỏ tâm tình trong lòng người. Đang khi tay người giúp việc tế lễ Con Chiên vẹn sạch, thì người dưng trót mình hiệp làm một của lễ tế cùng Đ C G, như giọt nước pha cùng rượu trong chén calicê, mà dưng cho Chúa, làm cho mình nên “của lễ sống, thánh và đẹp lòng Chúa” ( Rom, XII, 1). Bao nhiêu việc người làm, bao nhiêu sự khốn khó người chịu, thảy đều chỉ về sự tế lễ trong lễ Misa và rước Chúa trong phép Thánh Thể, như lời người chỉ bảo trong sách dạy về Phép Mình Thánh Chúa, và trong khi người giảng dạy.

Kính mến Chúa và kính mến Đức Mẹ là hai sự mến chẳng phân lìa đặng. Cha Phaolồ đã chọn Đ C Bà làm Mẹ riêng mình từ bé, người hết lòng kính mến, trông cậy mà phú giao linh hồn và xác cho Đức Mẹ lo liệu và phù hộ. Chính thật Đức Mẹ đã lãnh hiếu tử nầy mà đem đến cùng Con mình, mà dắc lên bàn thờ. Nhờ Đức Mẹ mà người đã dọn mình cho đặng chịu các chức thánh xứng đáng, nhờ Đức Mẹ mà người đã tập luyện mình cho nên giống Đ C G; nhờ Đức Mẹ mà người đi làm trọn các việc bổn phận nặng nề về chức trọng thầy cả. Người chẳng tra tay làm việc gì, dầu trọng dầu hèn, mà chẳng kêu xin Đức Mẹ trước; khi gặp sự vui vẻ bằng an, cũng như khi mắc khốn bức cực lực, thì người hằng chạy đến cùng Đức Mẹ. Bỡi lòng tríu mến cùng biết ơn Mẹ lành, nên trong mỗi khi giảng dạy, thì người chẳng bỏ qua nói một ít tiếng về Đức Mẹ. Người ước ao cho ai nấy cũng biết kính mến và trông cậy Đức Mẹ như người, nên hằng dùng mọi dịp cho đặng giục bảo các linh hồn làm tôi Người chỉ tín tận tình. Người ham dọn dẹp các ngày lễ Đức Mẹ cho ra trọng thể xứng đáng tùy bực. Hồi người còn làm học trò, thuở ấy chưa có phép rộng mà năng rước lễ đặng như bây giờ, thì người cũng lo cho đặng phép rước lễ mỗi ngày thứ bảy và mỗi ngày lễ Đ C Bà, chẳng bỏ qua một lễ nào. Người lần hột Bảy sự Thương khó Đ C Bà là mỗi tuần ngày thứ bảy, chẳng sót khi nào, Chuỗi Môi Khôi thì người đọc hằng ngày, áo Đ C Bà về họ Carmêlô và họ Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, thì năng hôn kính. Tắt một lời, người chẳng bỏ qua dịp nào, dầu nhỏ mọn, mà tỏ lòng thảo kính Mẹ lành.

Từ ngày người chịu chúc thầy cả thì người mơ ước cho đặng làm một cuốn sách để đời, mà tỏ lòng kính mến và biết ơn Đức Mẹ. Người cả lo dọn sách dạy về sự Tôn kính Đ C Bà, cho tới chừng in đặng sách ấy thì người mới phỉ lòng. Ai xem sách ấy, thì hiểu đặng người tríu mến Nữ Vương trị lòng người một cách thiết yếu là thế nào.

Bỡi kính mến Đ C G và Đức Mẹ thì người đã tận mình theo đàng khiêm nhượng cho đặng giống mẫu gương cao trọng vì dấu yêu dường ấy: chẳng những người cầm mình như không, mà lại người đành lòng chịu xấu hổ, chịu mắng nhiếc, chẳng giận, chẳng buồn. Một khi kia người di tàu với học trò, bị một tên nọ chưởi rủa và nói nhiều lời khi thị sỉ nhục; có kẻ muốn trả lời mà binh, thì người can, để đứa ấy nói sao mặc ý, cho đã nư, mà người lo nguyện Chúa hay là xem sách, như chẳng nghe, chẳng hiểu. Bỡi khiêm nhượng thì người chẳng đoán xét việc ai sốt, một chửa lỗi kẻ đã sa ngã, hay là khi khó kiểm lẽ mà chữa, thì người một lo phận mình, mà rằng: “Phải mà Chúa để cho ta sa ngã thể ấy, nên gương hầu răn dạy kẻ khác, thì làm sao? Nếu Chúa chẳng gìn giữ phù hộ, có lẽ ta làm giương xấu quái gở hơn nữa.” Vì vậy người không hề nhắc lỗi ai, mà làm cho kẻ ấy mắc cỡ, một ở tử tế như không hay biết sự lỗi, trừ ra khi có thể đặng thì người mở lời an ủi chỉ bảo cho nó đặng chữa lỗi, sửa mình.

Ai làm mất lòng người, thì người chẳng buồn giận, một giữ sự nhịn nhục, hòa thuận, kiếm dịp mà giữ đức yêu người, có khi người tới cùng kẻ ấy trước, mà nói lời dịu dàng cho nó bỏ hết sự cay đắng trong lòng. Dầu là trong đoàn chiên người yêu dấu, có con chiên co cương cứng đầu, chẳng những không muốn nghe lời người nhủ bảo, lại sinh tâm cự địch, mắng nhiếc trước mặt, thì người cũng cứ một thế hiền lành nhịn nhục, bắt chước Quan Thầy mình, thứ tha cho kẻ vô phép khinh mạn, lại thêm thương xót nguyện cầu cho nó đặng ơn khai quang nhìn lại mà ăn năn thú tội. Bỡi biết nhịn. thì chẳng những người cứu linh hồn mình, như lời Chúa hứa, In patientia vestra pos-sidebitis animas vestras (LUC., XXI, 19), mà lại cứu linh hồn kẻ khác, như sẽ thấy khi người gần qua đời.

Người nhịn nhục kẻ có lỗi, mà người lại càng nhịn nhục khi gặp sự khốn khó, cả đời người hằng mang bịnh, không thấy khi nào người khỏe mạnh thiệt: mà người hằng bằng an vui lòng chịu khó theo ý Chúa luôn, chẳng hề thấy người phiền muộn, chẳng khi nghe người than thở phàn nàn, mà lại người an ủi kẻ than phận người. Nhứt là trong mấy năm người phải chịu bịnh mạch lương, đau đớn, nhức nhối, mệt mỏi, cả ngày cả đêm không biết trở mình phía nào; phải chịu đâm chịu cắt; mỗi ngày hai cử phải nặn mủ đau đớn, phải thục thuốc rửa ráy rát rao, lại thêm nóng rét. Người chịu thể ấy nhiều năm, mà cũng không nới công việc bổn phận, cho đến sau hết không làm nổi mới vâng lời bề trên, vào nằm nhà thương Chợ Quán. Lúc ấy tưởng người cầm không đậu, vì sức bế yếu quá lẽ. Song Chúa còn muốn cho người sống thêm mà làm cho sáng danh Chúa dài ngày hơn nữa. Quan thầy Angier đại tài, lo thuốc men cho người, mà thấy có một thế trông cứu đặng mà thôi, là mổ xẻ mà đào cho tuyệt gốc rễ bịnh ấy, nên đã ra tay. Người ở tại nhà thương có gần trót năm, bao nhiêu phen phải chịu cắt, chịu mỗ, chịu nạo thịt cho tới xương, biết đau đớn ngằn nào! Mà người chỉ nhớ Đ C G giăng tay trên thánh giá, muốn cho người cũng phải đóng vào thánh giá làm một cùng Chúa, cho nên sức phần xác càng hao kém, thì sức phần hồn càng thêm đầy dãy. Sự đau đớn ấy làm cho người thêm kết hiệp cùng Chúa, thêm giống Chúa nhiều hơn; người vui mừng mà chịu khó và những đều còn thiếu trong sự thương khó Chúa thì người chịu cho đủ trong xác mình (COL., 1, 24).

Người tập mình nên khiêm nhường nhịn nhục thể ấy, ra như cởi tính mê xác thịt, hằng lo lột lốt người cũ cho tuyệt. Người chỉ ra sức cứ lời Chúa dặn mà bỏ mình, từ mình cho đặng theo chơn Chúa. Người không hề a dua xác thịt, không ấp yêu, không thương xót, mà lại kể nó là đứa thù nghịch, xem bằng tôi loàn con giặc, phải thẳng tay trừng trị. Người hãm xác nhiệm nhặt, làm cực cho nó nhiều thế, hãm trong lời ăn tiếng nói, hãm trong cách đi đứng nằm ngồi, bắt nó nhịn đều nầy, bớt đều kia, chẳng thể dung túng. Người khéo bày cách thế ăn hiếp xác mình, nhứt là trong những chuyện mọn thường ngày, mà giữ kín đáo, một mình Chúa và cho linh hồn rõ biết mà thôi. Mà nhứt là người lo hãm mình bề trong, cãi ý xác thịt, chẳng chịu để nó thong dong làm theo ý nó, bắt lòng thú phụng lịnh lòng thần, chẳng cho toan liệu tự ý, chẳng cho thương ghét ưa kị theo tư tình, một cứ theo lẽ phải, cứ theo đức tin, theo lỡ siêu tính. Người chẳng tìm sự đẹp lòng vừa ý mình, lại đóng đinh xác thịt vào thánh giá làm một cùng các nết xấu tà tình tự dục ( GALAT., Y, 24 ),

Vì vậy người đã giữ sự vưng lời cho trọn, chẳng lấy ý riêng mà làm hay là bỏ sự gì, một cứ theo ý kẻ phải xem sóc chỉ dẫn cho người. Dầu khi phải cực khó thì người hằng vưng lời luôn. Mấy năm người ở nhà trường dọn mình làm thầy cả thì tóm lại đặng trong sự vưng lời. Vì người hằng theo ý kẻ bề trên, chẳng khi sai chậy, và hằng nắm giữ lề luật trong hết mọi sự chẳng trừ một mẫy, vì dầu trong những sự nhỏ mọn chút đỉnh thì người cũng hằng nhìn xem ý Chúa luôn, và chẳng dám mở đàng theo ý riêng trong sự nhẹ, kẻo xác thịt lấn lướt linh hồn mà sinh lỗi trong đều trọng, nhớ lời Chúa dạy: Ai trung tín trong sự nhỏ mọn, thì cũng trung tin trong sự trọng (LUC., xvi, 10 ).

Người biết chê bỏ ý riêng mình như vậy, huống chi những sự thế thì người lại càng chê bỏ hơn nữa, câm nó như phản nhơ, cho đặng lời lãi Chúa Khiriritô ( PHIL., III, 8). Dầu là tiền bạc, dầu là vật gì khác, thì lòng người cũng chẳng hề dính bén. Lòng người những yêu sự khó khăn, chẳng hề muốn cho có của gì quí trọng, chẳng sắm vật vì dư thừa vô ích. Những của che thân thì người dùng đồ thường đơn sơ, lo cho lành sạch mà thôi. Người chẳng lo tiền bạc dành để hậu thân. Có một khi người lo cho có tiền, thì người kể là thánh giá nặng, như đã thấy trước nầy, là cho đặng in sách vở. Thường sự kẻ làm sách cũng té ra chút đỉnh, mà người không để dính tay, hoặc lo in thêm sách khác, hoặc phân phát trợ kẻ túng ngặt. Người có lòng rộng rãi thương giúp; ai thiếu thốn chạy đến cùng người, thì chẳng về tay không. Ghe lần người chẳng đợi kẻ ấy mở lời xin hỏi, người hay biết. thì tự ý phù trợ.

Bỡi người hằng lo chê bỏ mình trong mọi sự thể ấy, thì người đã bước đặng dài bước mà theo chơn Đ C G, mà trở nên mùi thơm Chúa Khirixitô. Bề trong hằng kết hiệp cùng Chúa, thì bề ngoài những nết na đằm thắm nhu mì nghiêm trang dịu dàng dễ thương dễ mến. Người giữ lời thánh Phaolồ dạy, mà làm cho đức nết na túy ta tỏ rõ trước mắt ai nấy. Khi còn đi học latinh, chưa mặc áo dòng, thì người đã giữ nết na cho đến nỗi trong tháng nghỉ, khi người về xứ sở, thì cha mẹ kêu con cái ra ngoài đàng mà chỉ cho nó coi học trò latinh đi cách nết na là thể nào, và con nít hay rủ nhau chực ngoài đàng cùng mà xem người đi. Cách nết trò Phaolồ đã làm cho ai nấy lớn nhỏ đều cung kính yêu chuộng và khen ngợi học trò latinh lắm, và làm cho một ít con trẻ ước ao cho đặng mai sau bắt chước mà vào nhà tu ấy. Chớ chi các trẻ đang dọn mình vào cung thánh noi gương lành nầy mà ở xứng đáng bực mình và làm thơm danh nhà Chúa như vậy!

(sẽ tiếp)

Mátthêu Đức.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1914

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Họ Gò Vắp

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ,

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ GÒ VẮP

------------------

Họ nầy có lối năm 1879 sau Chúa ra đời. Số là thuở ấy có vợ chồng có đạo tên là Điều, gốc ở đâu không biết, vào ở họ Gò Vắp trước hết mà sinh sản tử tôn gầy dựng ở đây, rồi sau lại có vợ chồng ông Nhàn về ký ngụ tại họ nầy mà hạ sanh chúng tử năm bảy đứa, mà vĩnh vi xứ nầy; nội hết thảy chừng bốn năm chục người có đạo. Xứ nầy là dân ngoại đạo không, có ít người có đạo Thiên Chúa mới kể trước, xúm nhau làm nhà lá nhỏ nhỏ định đặt làm nhà thờ đặng tựu nhau mà đọc kinh xem lễ. Khi ấy có đấng linh mục tên là già Bác đứng chăn giữ đoàn chiên. Đổi dời qua đời cha Thọ coi họ nầy, có thầy Dư là thầy tư, Đức cha đã sai mà giúp giảng đạo tại đây, thì nghe nói rửa tội chầu nhưng được 25 người, ở đây làm ăn giữ đạo, hết thảy chừng 150 nhơn số người có đạo.

Bây giờ hiện tại đây, thì dòng dõi ông Điều đã tan hết không còn một ai; còn đây tử tôn con cháu ông Nhàn bà Nhàn mà thôi, gốc là bỡi Chợ Quán mà ra. Cũng có 3 nhà khác dòng hai ông bà, có mặt lúc nầy thì hết thảy chừng 120 mà thôi. Có chút đỉnh ruộng đất thuê lợi chừng 12$00 mỗi năm.

Đời cha Tôma Dưỡng coi họ An Nhơn và họ nầy, thì tụi con cháu của ông Nhàn bà Nhàn đã dưng nhà ngói của hai ông bà ấy mà làm nhà thờ.

Lối năm 1891, cha Hay (P.Ernest Hay) khi ấy đang dạy tại Nhà trường Latinh Saigon, đã lập nhà mồ côi tại Gò Vắp, thì cha cũng giúp cha Dưỡng mà coi họ nầy, cho tới chừng cha Lương (P. Lamber) đổi lại Gia Định. Vậy sau cha Hay thì cha Lương ở Gia Định cùng coi họ Gò Vắp. Chừng cha Lương đổi đi thì cha Nguơn (P. Desseaume) về Gia Định, và trong lúc ở đó cũng lo coi họ Gò Vắp. Sau thì cha Dư ở An Nhơn lãnh coi họ nầy một ít lâu.

Tới năm 1909 cha Sâm đổi lại Gò Vắp và ở tại đó cho tới năm 1912. Chừng cha Nguơn đổi lên An Nhơn, và phải coi luôn họ Gò Vắp là sau khi cha Sâm đổi đi rồi.

Bổn đạo đây thì có phần nhiều hơn trong người nữ vào họ áo Đ C Bà về núi Carmelô; ngày Chúa nhựt lễ cả họ xem lễ cũng khá, có bên nam thì bê trễ, vì mắc đi làm mướn chỗ kia chỗ nọ. Mỗi ngày thứ hai trong tuần thì cầu lễ cho các đẳng trong lửa luyện tội. Còn ngày thứ bảy thì làm việc bảy sự thương khó Đ C Bà mà không được đông, vì người ta mắc làm ăn buôn bán theo chợ một bên.

Đồng nhi nữ cũng biết hát kinh ngày lễ, và giúp hát tiếng latinh, hoặc làm phép lành Mình Chúa, hoặc hát Requiem, lễ mồ cũng được chút đỉnh. Sự rước lễ thứ sáu đầu tháng cũng khá, thầy linh mục ở đây cũng lo thôi thúc việc linh hồn nầy. Còn về đều xin lễ cho các đẳng tháng mười cũng vừa phải theo sức họ nghèo. Còn đầu năm thì người ta xin hai thứ lễ, là lễ bình yên và lễ cho ông bà cha mẹ.

Sau hết rút lại một đều trong họ nhỏ mọn đây rất đáng vui mừng hỉ hoan hoan hỉ, và danh vọng khoe khoan phước lộc cho họ Gò Vắp trổi xa hơn thường. Là tích xưa đáo đầu, tân niên giáp Tuất, năm 1910, bỡi công trọng các đấng Giám mục địa phận nầy lo lắng đêm ngày mà chứng sự tử đạo ở lục tỉnh nầy, nên Tòa Thánh đã nhận lãnh mà rao truyền và cho thiên hạ tin kính mấy đáng tử đạo trong Nam Kỳ, đặng lên bực á thành có lộc tại chốn thiên đình, mà trong mấy á thánh nầy, thì có cha Vêrô Lựu, thầy cả tử đạo cũng đặng phước lên bực á thánh có lộc.

Cha Vêrô Lựu vốn thiệt sanh ra tại Gò Vắp, làng Hạnh Thông xã, hạt Gia Định. Bỡi đó cho nên họ Gò Vắp tuy là nhỏ mọn trong những thành lớn lục tĩnh, mà thật thì chẳng phải là nhỏ mọn đâu, vì bỡi Gò Vắp mà ra một đấng thầy cả thánh, Đức Chúa Trời rất cao trọng trên hết mọi loài; mà đều phước hơn nữa là Vêrô Lựu, thầy cả thánh nầy lại đặng chức tử vì đạo, mà Hội thánh chẳng sai lầm bao giờ, đã rao truyền đấng thầy cả tử đạo nầy là á thánh có Lộc, hiển vinh, thanh nhàn vui vẻ vô cùng trên chốn trời xanh.

Ớ Gò Vắp, mầy chẳng phải là nhỏ mọn hơn các thành lũy lớn trong lục tĩnh Nam Kỳ đâu, vì bỡi mầy đã sanh ra con trẻ, mà đã làm thầy chánh tế tử đạo, đặng Tòa Thánh cầm quờn Đ C G phép tắc vô cùng, mà tôn trọng cao rao nhắc để trên bàn thờ, cho khắp bầu trời thế giái tôn kính chúc tụng ngợi khen đời đời.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

Bà Catherine Suzanne - là Bà Nhứt Nhà phước mồ côi Tân Định

 BÀ CATHERINE SUZANNE

LÀ BÀ NHỨT NIÀ PHƯỚC MỒ CÔI TÂN ĐỊNH

(20 Janvier 1920)

----------------------

Beati mortui qui in Domino moriuntur. Có phước cho những ai đặng chết lành trong tay Chúa. Ấy là lời Đức Chúa Thánh Thần, khi ông thánh Gioang Tông đồ ở trong cù lao Patmos, thì Chúa ngự đến kêu người mà dạy chép câu ấy. Chúa liền phán tiếp lời sau nầy nữa rằng: Ut requiescant à la boribus suis; opera enim illorum sequuntur illos. Cho chúng nó đặng nghỉ an, chẳng còn công lao khó nhọc nữa: vì các công việc làm của chúng nó theo chúng nó; nghĩa là Chúa sẽ tính công việc đã làm, sự gian nan đã chịu vì Chúa, hầu thưởng công những kẻ ấy.

Hôm nay (22 Janvier 1920) khi đưa xác bà nhứt Suzanne, thì lòng ai nấy đều tưởng về bà như lời Đức Chúa Thánh Thần đã phán trước đó. Bà rất có phước vì đã đặng chết lành thật; bà đã chết trong tay Chúa, trong ơn nghĩa thánh, vì cả đời đã sống theo ý Chúa, Niên canh bà năm nay đặng 77 tuổi, đã dưng mình làm tôi Chúa trong nhà dòng đặng 54 năm; sang qua Nam Kỳ ở đặng 51 năm. Bà có ở Mỹ Tho cùng nhiều chỗ khác, sau hết về làm bà nhứt tại Nhà phước Mồ côi Tân Định đặng 34 năm.

Năm mươi bốn năm ở trong nhà dòng hằng giữ luật pháp nghiêm nhặt; nhứt là ba nhơn đức người đã khấn hứa trong nhà dòng: là khó khăn, vưng lời và đồng trinh sạch sẽ. Ba nhơn đức ấy làm cho người như hoa thơm tươi tốt trước mặt Chúa và đẹp mắt mọi người.

Nhứt là bà đặng lòng sốt sắng kính mến Chúa cùng yêu người lắm. Công việc Chúa, nhứt là sự giúp trong nhà thờ và sự lo cho linh hồn thiên hạ, thì người hết lòng lo giúp cha sở, chẳng nệ khó nhọc, chẳng sợ tốn công tốn của. Mỗi ngày lo cho có kẻ tập rèn đồng nhi hát xướng, hầu cho việc thờ phượng Chúa nên trọng thể.

Các đồng nhi bất kỳ nam nữ, chẳng những là con cái người nuôi trong nhà gần hai trăm, mà các đồng nhi trong họ thì người lo lắng cho hết thảy. Lo cho có bà phước đủ mà dạy. Con nít càng ngày càng đông, thì bà nới nhà thêm cho rộng cùng xin thêm bà đặng dạy. Mỗi năm có đồng nhi dọn mình rước lễ trọng thể hơn bảy tám mươi, thì bà vui mừng lắm cùng hết lòng giúp: rước hết thảy vô trong nhà bà, ăn ngủ tại đó luôn trong mấy ngày cấm phòng, con trong nhà thì bất nằm dưới ván, nhượng lại mấy cái giường cho đồng nhi trong họ. Nam nữ có nhà riêng lớp lang thứ tự. Bất kỳ giàu nghèo bà đều rước hết, áo mão khăn lúp thì đều lo lắng chỉ biểu sắp đặt trau giồi cho vển vang sạch sẽ, nghèo thì bà xuất tiền nhà mà cho. Cuộc xong rồi thì dọn tiệc ăn mừng và còn cầm lại một ngày nữa mới cho về. Khi đồng nhi nữ đã rước lễ trọng thể rồi, thì bà lo cho nó vào hội con Đ C B, có ý cho nó nặng tới lui nghe dạy nghe dỗ cùng xem sóc khuyên lơn nó. Cho đến khi khôn lớn có đôi bạn rồi, bà cũng còn an ủi dạy dỗ. Ai trễ nải nguội lạnh thì bà nhắn bà kêu, khuyên bảo không đặng thì bà cho các cha biết mà lo cứu nó. Họ Tân Định mắc ơn bà biết là chừng nào!

Con trong họ bà lo như vậy còn con trong nhà bà lo làm sao nữa?. Con trong nhà phần nhiều hơn là con mồ côi, con nhà nghèo, bà lãnh nuôi, trai thì lo cho đến khi rước lễ rồi đoạn kiếm nơi gởi gắm nó. Gái thì lo cho học hành xưng tội rước lễ xong rồi thì còn giữ lại cho đến khi lo xong đôi bạn. Hễ đồng nhi nữ mồ côi rước lễ trọng thể rồi, thì bà cho học may học thêu, làm ren may theo kiểu tây. Đến khi có đôi bạn thì có nghề làm ăn, sau ra may mướn ăn đặng một tuần tới ba bốn đồng, có đứa sau khi tới năm sáu đồng. Đồng nhi nữ của bà nuôi thảy đều có nơi có chỗ làm ăn đặng hết. Đứa nào kiếm công việc làm chưa kịp thì bà kiếm giùm. Có ý gì ? Có ý cho con cái đặng hằng ngày dùng đủ mà giữ đạo nên.

Nghe bà nói tiếng nầy: “Tôi thương con nít nhà nghèo, tôi lo cho con nhà nghèo, cho nên không còn chỗ còn thế mà lập nhà đặng dạy con mấy người có của.”. Vì kẻ có của thì kiếm đặng nhiều nơi khác mà cho con học. Nghe nói vậy xem ra như không dạy dỗ bao nhiêu, song đồng nhi nữ nghèo mà bà cũng lo dạy cho nó biết đủ và thi đặng bằng cấp nữa. – Nội trong nhà các bà tây nam là 25 bà, hết thảy đều lo việc dạy dỗ con cái đồng nhi trong họ và giúp việc trong nhà thờ; có bắt trẻ thêu thùa may vá thì là tạo nghề cho nó mà thôi.

Cách bà ở cùng kẻ bề dưới thì mực thước nghiêm trang và nhịn nhục hiền lành một trực: chẳng ở nghiêm nhặt quá kẻo bề dưới buồn lòng thối chí; cũng chẳng dung thứ quá mà sinh sự trễ nải lỗi luật; cho nên đâu đó đều thuận hòa cùng bằng an thứ tự lắm. Bà thương con nít lắm, mà chẳng khi nào binh nó mà bỏ kẻ bề trên coi sóc nó; nó biết kính phục nên mới sửa trị đặng và có lớp lang thứ tự trong nhà.

Về phần linh hồn kẻ khác thì bà biết lo lắng, mà về phần riêng bà thì bà lo lắng hơn nữa. Chẳng khi nào nới ra đi đâu, hằng ngồi giữa con cái mình mà làm việc cùng coi sóc nó. Giờ làm việc thì chia ra, có giờ đang khi tay làm mà miệng đọc kinh, hoặc làm việc Trái Tim, hoặc lần hột Bảy sự thương khó Đ C Bà, lúc thì đọc sách hạnh thánh, vân vân, mà thật là lạ, mỗi khi đi ngang nhà may mà nghe đọc kinh, thật lòng bắt vui mừng khoái lạc quá, không phải như nghe mấy chỗ khác đọc kinh. Nghe dọng đọc thì lòng bắt kính mến Chúa, tưởng có lò lửa lớn ở giữa đó cho nên nó mới ấm đều hết, ai đi gần đó cũng ấm theo nữa. Làm việc mệt thì vô nhà thờ nghĩ trước Mình Thánh Chúa; nói khó với Chúa ít lâu lửa sốt mến càng bừng lên hơn nữa, nên dầu già cả bịnh hoạn mà lụm cụm đi đàng thánh giá cùng suy sự thương khó Chúa lâu giờ.

Bà hay xin lễ lắm, chàng bỏ quên cha nào bà phước nào đã qua đời; xin lễ cho con cái mình đã qua đời, và xin lễ cho mình nữa. Thường xin lễ cho mình như vậy thì bà xin làm lễ kính Rất Thánh Thái Tim, xin Chúa ban ơn cho mình đặng kính mến Chúa, đặng nên thánh.

Thấy cách bà ăn ở thì biết bà dọn mình chết mỗi ngày, vì càng ngày thấy lửa kính mến Chúa càng thêm, người ước ao về cùng Chúa lắm nên hay nói rằng: Chúa quên tôi rồi sao mà để tôi sống hoài!

Đến khi người lâm bịnh phải nằm trong phòng, không ra khỏi đặng bốn năm tháng, thì mỗi ngày hằng chịu Mình Thánh Chúa luôn. Xem lễ không đặng thì biểu đỡ ngồi gần cữa sổ mà ngó qua nhà thờ; đến khi ngồi không đặng phải nằm không nghe chuông nhỏ học trò rung khi nữa mùa, không biết cha làm lễ tới đâu, thì người xin cha Bề trên làm theo như nhiều nhà thờ bên tây, là đến khi dưng Mình Thánh Chúa thì rung chuông lớn hai lần ba tiếng; như vậy thì dầu nằm liệt trên giường mà người biết tới lúc dưng Mình Thánh Chúa cùng thờ lạy kính mến Chúa. Vậy từ đây trong họ Tân Định đặng thêm một thói rất lành, dầu kẻ liệt hay là mắc trở việc không xem lễ đặng, thì ít nữa biết chừng đó mà cầm trí thờ lạy Chúa.

Người đau và cũng đã già cả lắm mà không khi nào lảng trí, còn tinh trí luôn cho đến giờ sau hết. Đau nằm một chỗ mà lo hết mọi sự, nhớ hết mọi người. Nói cho trúng thì phải nói là tại lửa kính mến Chúa và yêu người càng ngày càng nổi lên, cho nên hằng nhớ Chúa và cũng chẳng quên một ai trong những kẻ người biết, bất kỳ lớn nhỏ.

Khi đau thì cực khổ mệt nhọc lắm, song ai đi thăm cũng hết lòng mừng rỡ tiếp rước, chuyện vãn hỏi thăm cùng an ủi, hằng thấy mặt bằng tịnh vui vẻ luôn.

Linh hồn trinh nữ Catarinà rất tốt lành nầy hằng mong mỏi về cùng Chúa, ngày 20 Janvier thứ tư, sớm mai còn chịu Mình Thánh Chúa như thường, mười giờ tối thì linh hồn người trút ra khỏi xác, trí còn tinh, còn thầm thì kêu tên cực trong Chúa cùng phú linh hồn trong tay Chúa!

Xác người để tại nhà khách, mặc đủ y phục, mặt mũi tươi tốt sáng láng, để nằm trên giường có lót vải trắng cùng sắp hoa hường trắng xung quanh rất đẹp. Con cái người vủ xung quanh khóc than cùng đọc kinh cầu lễ cho người.

Bổn đạo họ Tân Định đều vui lòng hiệp nhau, kẻ ít người nhiều mà lo việc tống táng người rất trọng thể, cùng xin lễ cho người nhiều lắm. Khi sống bà hay thương giúp các đấng, đến giờ nầy các đấng xin Chúa trả ơn. - Sáng thứ năm là 22 Janvier, 6 giờ rưởi cha Bề trên Delignon làm lễ hát trọng thế, có thầy năm thầy sáu giúp.

Lễ hát có các cha tây nam, thầy dòng, nhà phước, cùng bổn đạo tây nam xem là đặng như ngày lễ cả. Lễ đoạn đưa xác người qua đất thánh Thị Nghè táng nơi riêng để cho các bà nhà phước trắng.

Sống khó khăn, chết cũng khó khăn, phần mộ các bà thì làm giống nhau hết, trên không có chi đồ sộ vẽ vang, một tô ximăng bằng mặt đất cùng để tên thánh hiệu mà thôi.

Đến nơi làm phép xác rồi thì ông trùm họ Tân Định xin thay mặt cả và họ nói ít tiếng mà đưa bà lần sau hết,

Đây kể sơ qua ít đều về tánh hạnh bà nhứt Suzanne rất đáng kính, nói theo việc xem thấy bề ngoài mà cũng còn bỏ sót nhiều lắm, chẳng có chút nào nói thêm. Và linh hồn bà ai nấy đều chắc bà đẹp lòng Chúa lắm, vậy chúng tôi hãy bắt chước lòng kính mến Chúa và yêu người của bà, cùng cầu cho linh hồn bà đặng kíp vào nơi tiêu sái.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1920

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Họ Bà Điểm

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ BÀ ĐIỂM

----------------

Họ nầy gốc là của cha Lý (P. Galy) đã lập năm Quí Hợi (1863), khi ấy là người ngoại mà trở lại đạo, ai nấy đều có nhà đất riêng. Vài năm đầu người ta trở lại khá, nên cha đã cất nhà thờ là năm Ất Sửu (1865), và cha ở đó luôn cho đến chết là trong đời Đức cha Đôminicô.

Số bổn đạo khi ấy được 140 người.

Vậy tích họ nầy là như vầy: Khi binh tân trào đã lấy đặng đồn Thuận Kiều, thì đóng binh tại đó, mà các quan thì không ai biết tiếng annam, nên các quan xin cha Lý vô giúp làm thông ngôn, vậy cha phải vô ở trong đồn, mọi sự thì nhà nước lo cho cha. Mà kẻ nghịch phía đó thì chưa chịu phục nhà nước Langsa, nhiều lần đã dấy ngụy mà phải thua. Vậy người ta đồn binh Langsa sẽ hủy cho tuyệt 18 thôn vườn trầu. Nên ông huyện Sở (khi ấy làm hương chức làng) nghe vậy thì sợ; vậy ông và ít người khác chạy đến cùng cha Lý xin cha cứu giúp cùng hứa mình sẽ giữ đạo; thì cha Lý đã tính cùng quan Langsa, nên mấy người ấy đặng bằng an khỏi lo sợ gì, cùng đã vô đạo.

Qua năm 1863 thì quan Langsa đã cho cha Lý một miếng đất chỗ cất nhà thờ bây giờ, cha về đó cất một cái nhà vuông nhỏ nhỏ tạo thạo lợp bằng đưng, cha ăn ngủ dạy dỗ làm các việc trong nhà ấy.

Qua năm Ất Sửu (1865) thì cha đã cất một nhà thờ vừa phải lợp bằng ngói. Dầu cha đã già yếu song cũng hết lòng chuyên lo đi tìm con chiên lạc, vậy mấy năm đó cha đã lập thêm đặng ít chỗ xung quanh Bà Điểm, là Mĩ Huề, Thới Thượng, Vĩnh Lộc, người ta trở lại đạo trong mấy chỗ ấy cũng được năm sáu mươi người, và chính mình cha đã dạy dỗ rửa tội cho mấy người ấy.

Cha chẳng những giúp phần linh hồn mà cũng lo giúp phần xác nữa, kẻ nghèo thì cha cho tiền bạc lúa gạo ăn mà đi nghe dạy. Lại mỗi ngày Chúa nhựt mấy kẻ ở xa đến xem lễ, cha cho ăn cơm rồi mới về.

Đang khi cha lo làm việc mở mang nước Chúa, chẳng dè tới ngày Chúa gọi cha về cùng Chúa mà hưởng phước đời đời. Euge, serve bone, intra im gaudium Domini tui. Vậy cha Lý đã qua đời là năm Kỷ Tị (1869), xác cha còn nằm tại đất thánh Bà Điểm giữa con cái mình, mà đợi ngày sau hiệp cùng linh hồn mà hưởng phước tiêu sái muôn đời. Cha đã lập họ Bà Điểm và ở đó cho tới khi qua đời tính đặng gần bảy năm.

Khi cha Lý qua đời rồi thì Đức cha sai cha Thành tới thế là năm 1869, Cha Thành ở tại họ nầy hơn một năm rưởi rồi đổi đi. Từ ấy về sau họ nầy không có cha nào ở thường nữa, phải tùng họ Hóc Môn có cha qua lại làm phước làm lễ mà thôi.

Khi cha Điều ở Hóc Môn thì đã lo làm nhà thờ Bà Điểm lại, song nhà thờ ấy sau đã hư; qua năm 1905 thì cha Chính đã cất nhà thờ khác, là nhà thờ còn bây giờ.

Trong đời cha Lý thì bổn đạo số một ngày một thêm, song đến sau không có cha ở thường, thì số bổn đạo không thêm, mà lại một ngày một bớt, lại cũng có nhiều kẻ bỏ đạo nữa.

Nhà chung có một miếng đất là chỗ cất nhà thờ mà thôi, cho nên không có huê lợi gì hết, không có nhà cha sở, khi cha tới mà lo việc họ thì ở tại phòng áo lễ.

Họ nầy hồi đầu thì nhờ ông huyện Sở lo lắng, nên bổn đạo khi ấy khá, mà khi ông huyện qua đời rồi thì con cháu người không nông nả lo lắng làm gương tốt về việc đạo, nên sự đạo không đặng tấn tới mà xem càng ngày càng thối lui.

Khi cha Thành ở Bà Điểm mà đổi đi thì họ nầy nhập về Hóc Môn, sau lại nhập về Tân Hưng, đến năm 1903 thì nhập vô họ Hanh Thông Tây cho đến bây giờ.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Sự tích Cha Gioan Baotixita Quang (J. B Clair)

 SỰ TÍCH CHA GIOANG BAOTIXITA QUANG (J. B. CLAIR)

---------------------

Nguyên khi cha Gioan Baotixita Quang mới qua đời được ít ngày, thì tôi đã ra tay lược biên sự tích người, song mắc công kia việc nọ, muốn lắm mà chưa dịch cùng in ra được, nên phải để trễ ra đển ngày nay.

Cha Gioang Baotixita Quang sanh ra tại Rohaincourt, tĩnh Vosges, trong nước Phangsa, năm 1851. Bề trên sai người qua giảng đạo bên nước An Nam, người sang qua Nam Kỳ là năm 1877.

Khi qua đến nơi, lệ thì cho người đi ở họ như các cha, song ý bề trên lại định khác, giao cho người dạy một lớp học trò trong trường Latinh. Trong tám năm người dạy cách vật cùng sách đoán trong trường, thì người chuyên việc ấy một cách nong nả sốt sắng, lo cho học trò thông hiểu, các trò khi ấy bây giờ đã làm thầy cả rồi còn nhắc cách cha dạy sách hoạch rõ ràng. Vốn trong cách vật cùng sách đoán thì có nhiều lẽ cao xa cùng lý và khô khan lắm, mà khá khen người tài ngỏ khéo liệu cách cắt nghĩa, đã dễ hiểu mà lại thêm vui, làm cho mau hiểu và ham nghe. Về sách đoán cho cha là đại tài, trước lo cho học trò hiểu mấy đều chơn giả đại cái, rồi cứ đó tủa ra mà phân mấy chuyện thường xảy ra. Tuy cha ở Nam Kỳ khi ấy chưa được mấy năm, mà thói phép cổ lệ người An Nam thì cha đã hiểu được nhiều, nên khéo giỏi nhiều việc léo lắc xuôi xả, học trò lấy làm thiết ý lắm.

Nội tám năm ấy mắc làm những việc về phần trí luôn, lại thêm phong thổ đất nầy độc địa, cho nên dầu cha thiệt là mạnh mà cũng không cự nổi, phải đau, ghe phen phải đi Hồng Kông nghỉ, hầu lấy sức, mà cũng chẳng lần nào người được mạnh lại cho thật. Sau hết cực chẳng đã người phải xin thôi ở nhà trường. Song trước khi lãnh coi họ thì người có xuống ở với cha bề trên Quí ít lâu.

Đến sau Đức cha sai người đi ở Thủ Dầu Một, rồi đổi xuống Chợ Đũi, ở một chỗ không bao lâu, trong mình không thấy khi nào mạnh thiệt, song người cũng cứ làm việc như thường, ham lo cho mấy người trễ nải rối rắm, mà nhất là lo an ủi kẻ ngoại trở lại. Người quên mình, một lo cho kẻ khác, không nệ lao công tốn của cho những linh hồn khốn nạn vô phước ấy. Mà nhứt là tại Tha La cha tỏ ra lòng sốt sắng nong nả hơn, năm 1890 Đức cha sai người lên trấn họ ấy, bổn đạo đông mà cũng cũ thiệt, nên cha lo lắng an ủi giúp đỡ hết tình; mà cũng một trực ấy người tất dạ chuyên lo cho mấy họ nhánh, nhứt là lo lập họ Rạch Gốc cha Frison mới khởi công để lại đó. Lận đận lao đao khó nhọc trăm đàng, song người chẳng thối chí, lo qui dân lập họ, một đàng thì lo cho mấy người đạo cũ chốn kia xứ nọ qui về, đàng khác lo an ủi mấy người ngoại xứ ấy trở lại, bao nhiêu tiền bạc cũng chụm hết, lên xuống mệt nhọc, vì người yếu bịnh mà cũng chẳng quản chi, mấy năm đầu chẳng biết là mấy lần lên xuống họ ấy. Hết tiền riêng thì chạy xin anh em giúp, nhiều lần bị gạt, người biết mà cũng giúp vì thương con dân An Nam tất dạ, nhứt là vì một lý lo cho ai nấy được nhờ phần rỗi. Người cũng thử lập một họ khác gần Vàm Tây Ninh theo mé sông Vàm Cỏ; đã liệu đất đai, mua trâu, cất nhà, qui chầu nhưng đâu cũng gần 300, chẳng may phải thất một cái kiện, họ mới nầy phải tan đi.

Mà người cũng không ngã lòng, cứ lo cho mấy họ còn lại. Về việc hài đồng cha cũng hết lòng sốt sắng lo, lần kia người dạo chơi bên Nhựt Bổn cũng là tại bịnh hoạn nên phải đi đổi khí, nghe tin bà câu già nọ ở Tha La mới chết, người bên khóc ròng, vì vốn bà câu ấy sốt sắng hay lo rửa tội cho con nít kẻ ngoại, nên cha thương tiếc hết sức. Dẫu người biết tính con nhà An Nam nhiều, tuy có nhiều đều tốt, mà cũng không thiếu chi nết xấu, song bỡi thương nên khoả lấp hết, bỡi nhơn đức tin cùng lòng mến thương linh hồn người ta, nên người hằng giữ lòng nhịn nhục vui vẻ dịu dàng cùng mọi người, khéo nghề lấy lòng thiên hạ hầu đam phô kẻ ấy trở lại cùng Đ C T.

Qua năm 1891 Đức cha Đễ đổi người xuống họ Giồng Rùm, thật là cực lòng lắm, vì phải bỏ các việc người dấu yêu, song cha cũng vui lòng vưng cứ. Vừa đến nơi, thì lo việc giảng đạo, nội trong sở chỗ nọ chốn kia đã có dấu rục rịch trở lại, kế cha mang bịnh phải về tây tháng Avril năm 1898 mà rả việc.

Cha phải nghỉ ở bên tây ba năm, bỡi đã ở với An Nam đã lâu, mà phải cách lìa cho đến ba năm thì lòng người đau đớn lắm, người nhớ thương chí thiết, lần kia gởi thơ cho một người anh em bạn ở Sài Gòn người khen rằng: “Trong bầu trời nhắm lại cho con nhà An Nam là thứ nhứt”. .

Khi trở về Nam Kỳ, Đức cha dạy người ở họ Thủ Đức, cha liền tra tay khởi lại việc người tríu mến bấy lâu, tính lo lập một họ ngang Mĩ Hội, khi ấy là việc mới toan, mà nay đã được một họ gần thành khoảnh. Kế có lịnh Đức cha đổi người về xem sóc nhà các cha bổn quốc hưu trí tại Chí Hòa. Đây là chỗ người nhậm trấn sau hết. Khi về đó người được rảnh rang nhiều hơn, thì trước cho toan dọn tờ nhựt báo nói việc địa phận, tính mỗi tuần in ra một lần; song mắc nhiều đều cản trở, nay mới thành việc được hơn một năm nay kêu là tờ “Nam Kỳ Địa Phận” rất hữu ích cho con dân. Sau hết năm ngoái đây Đức cha ban cho người lên chức giám trường địa phận. Lãnh việc ấy rồi, xem ra cha được mạnh lại như hồi tuổi trẻ, cách chưa đặng mấy tháng mà cha đi viếng gần hết các trường lớn nhỏ trong địa phận; xe ngựa, xe lửa, ghe, tàu, xe hơi, xe bò gì cha đi đủ thứ, có khi đi xe máy, đi bộ nữa. Người quên mình đã lớn tuổi cùng bịnh hoạn. Chuyến sau hết đó cha đi thăm sở Phan Thiết, rồi về bộ ngả La Gi, Cù Mi, về thẳng Bà Rịa, người mệt đuối. Về tới Chí Hòa thì thọ bịnh nặng. Đức cha dạy người đi điều bịnh tại nhà thương Angier; thấy không khá, nên cha xin trở qua ở nhà thương nhà trường Latinh; xem ra bịnh chưa thúc ngặt bao nhiêu, song người xin chịu phép xức dầu, các cha khác cản, song người rằng: “Mình là thầy cả phải lo vậy để làm gương cho bổn đạo”. Khi ấy là đầu tháng Janvier. Rồi đó cha còn sống thêm đặng vài tháng nữa. Hằng tỉnh táo nằm đó mà chờ giờ chết, thấy một ngày một gần. Vậy hễ sống sao thác vậy, cứ một bề bằng lòng nhịn nhục, phú dưng mọi sự trong tay Chúa. Chiều bữa thứ hai, 11 Mars, các cha nhà trường đến viếng người, một phen sau hết. Cha Humbert đọc kinh đưa chẩm rãi; kẻ liệt còn biết hết cùng thẩm thĩ nguyện theo, xong việc người lấy tay khoát bảo đem cái đèn ra. Khi ấy người yếu lắm, nên cha kia vô ý đụng cái giường người nằm một chút, mà cha chịu không thấu, cách vài phút sau người trút linh hồn. Được 59 tuổi, ở đất Nam Kỳ 33 năm. Qua bữa sau chôn: bổn đạo họ Chí Hòa và các cha xung quanh Sài Gòn tựu đủ mặt tại lăng cha cả, ai ai đều thương tiếc. Khi ấy Đức cha mắc đi khỏi, nên cha bề trên Delignon thay mặt đọc mấy kinh tiền tống đưa xác Người xuống huyệt. Bằng về phần tôi, thì tôi tin chắc ắt là linh hồn Người sẽ được kíp nghe lời dịu dàng Chúa kêu mời Người rằng: “ Ớ tôi tớ tốt lành cùng trung trực, hãy vào mà hưởng sự vui vẻ quan thầy người. Euge, serve bone et fidelis, intra in gaudium Domini tui.”

-----------------------

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1910

 

 


Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Sự tích Cha Anrê Lê Phước Bửu

 NOTICE DU R. P. ANDRÉ BỬU

Rédigée par le R. P Thomas Thi

Năm 1846 là năm cha Anrê Bửu sinh ra tại họ An nhơn (Gia-định). Người chịu chức thầy cả ngày 18 Septembre 1875. Người dạy tại trường Latinh Cái nhum đời cha Duquesnay (Nhơn) sau có cha Ritter (Giáo) làm bề trên nhà trường nhỏ ấy; đến sau bề trên lại đem người về dạy tại trường Latinh Saigon. Cha Anrê có làm cha sở thế tạm cho cha già Đoan tại họ Lương Hòa năm 1893. Cách hai năm bề trên sai người trấn nhậm họ Thủ Ngữ người ở họ ấy đặng 25 năm. Người đã công lao khó nhọc, mà cất nhà thờ đồ sộ tốt lành còn tại Thủ ngữ bây giờ. Qua năm 1920 người xin cáo thối. Năm 1921 người làm Aumonier nhà trường bà thánh Annà mới lập tại Cap St. Jacques. Cách ít lâu sau người trở về nhà dưỡng lão tại Chí hòa mà ở đó cho đến ngày qua đời.

Cha Anrê Bửu đã qua đời hôm ngày mồng một tháng Décembre 1927 tới nay, chưa thấy ai nhắc tích hạnh người, bỡi lịnh bề trên dạy nên tôi xin tạm đôi hàng đơn sơ thật thà doãn lại theo sức tôi và sự gì tôi nhớ đặng thì tôi nói, lại sự gì tôi không biết có cha khác chỉ dẫn cho tôi nhớ mà đem vô đây cho quí vị đặng tường tri.

Cha Anrê là cháu Á thánh Phaolô Lộc tử đạo tại đất Nam kỳ nầy.

Lối 1874, tôi gặp cha tại trường Latinh, lúc ấy người đã chịu chức phó tế, coi sóc học trò trường nhỏ, khi ấy cũng có cha già Triệu lo việc vườn nhà trường cùng coi sóc dạy dỗ mấy người ở giúp việc nhà trường.

Khi cha Anrê còn xuân xanh thì mạnh mẽ, vui vẻ lẹ làng mau mắn lắm; luật mẹo trong nhà hẳn hòi chín chắn, các học trò nhỏ kính sợ người luôn.

Tôi nhắc tích cha già Triệu, vì hai cha ấy là cậu học trò của cha bề trên Wibaux (Vị), lại hai cha đã làm lễ vàng một lượt cùng nhau. Gốc tích và các công nghiệp cha Anrê Bửu thì lúc giảng ngày lễ vàng của người là ngày 4 tháng Juillet 1925, cha J. Bte. Tòng đã kể cùng đã nói đủ việc, nên không cần chi mà tôi nhắc lại đây.

Ai nấy đã nghe giảng và coi nhựt trình Nam kỳ Địa phận thì đã đủ hiểu.

Ngày nhà Kín Saigon có lễ tam nhựt Á thánh Phaolồ Lộc thì có người chầu lễ và nghe giảng, lại lúc ấy chị người là bà Ysave Tiếng còn sống trong nhà kín. Ai nói cho xiết hai chị em vui mầng khoái lạc là thế nào!

Cha Anrê là một đấng thầy cả nhơn đức sốt sắng, ở đâu thì người cũng lo cho nhà thờ nhà thánh oai nghị rực rỡ, lo cho bổn đạo kính mến Trái Tim Đ C G và Đức Mẹ và lập hội con Đức Mẹ càng ngày càng thạnh cho đến đời sau nầy. Người cũng lo cho các mẹ có đạo dưng con mình cho ông thánh Aloziô là bổn mạng trẻ mộng sinh. Tới ngày lễ ấy người làm trọng thể, dọn hình thánh ấy nơi bàn thờ riêng, dạy đem các trẻ đồng nhi tựu đó và người giảng một bài làm cho các mẹ có con động lòng và vui mầng lắm.

Người ta nghe và thuật về việc đạo, việc Chúa và việc các thánh đã làm. Tôi thường gặp người hay xem hạnh thánh chữ quấc ngữ mỗi ngày, tôi tưởng mỗi ngày người xem một hạnh thánh, âu là người nhớ và theo gương cha bề trên Thiriet (Thi) mỗi ban tối thì coi một hạnh thánh trước khi đi ngủ. Cách nói người thì gọn gàng vắn tắt và có nghĩa nhiều, không ra và không quen nói về việc lỗi kẻ khác. Khi có chuyện chi trong việc họ, người nào có nỗi gì thì người quở la om sòm cách như nóng nảy một chút vậy rồi nguội tức thì.

Cha Anrê ăn ở đơn sơ, tiếc kiệm song hay thương giúp đỡ kẻ khó khăn khi túng ngặt. Người có lập bọn kèn đến khi có lễ thì mầng hát xướng ca ngợi khen Chúa, bỡi người chịu khó tập luyện đã thành nên nhiều nơi đi rước và có tiếng khen ngợi, song khi người về nghỉ hưu trí thì bọn nhạc ấy cũng tiêu.

Người có lòng khiêm nhượng không hay phô trương các nghề tài năng cùng việc của người làm.

Cha Anrê ưa thuật chuyện thánh và ưa coi tuồng thánh. Lúc người già cả yếu đuối trong mấy năm sau, ai nấy đến thăm người thì thấy người vui vẻ bằng tịnh luôn cho đến khi chết, xem ra thì người đã dọn mình sẵn đã lâu. Người qua đời về chầu Chúa sau một ngày lễ bổn mạng người là thánh Anrê tông đồ.

Chúng tôi hiệp ý cầu nguyện cho người đặng tới nơi muôn phước là nước thiên đàng mau mau người sẽ gặp chú người là Á thánh Phaolồ Lộc, hai chú cháu đặng ngợi khen Chúa đời đời. Sau hết lòng cám ơn cha Matthêu Chiểu vì tình nghĩa thầy trò lúc trước, nên đã lo lắng giúp đỡ cha già chí tình vuông tròn đến chết thỉ chung như nhứt, xin Chúa trả công cho cha đời nầy và đời sau trên trời.

COMMUNIQUÉ L’ÉVECHÉ

-------------------

Đức cha xin các Linh mục và các Giáo hữu giúp lời cầu nguyện cho cha André Bửu đã qua đời tại nhà dưỡng lão ở Chỉ hòa ngày mồng 1 Décembre 1927.

Cha André Bửu sinh ra tại họ An nhơn năm 1846, thăng quờn linh mục ngày 18 Septembre 1875, làm giáo sư nhà trường Latinh Cái nhum cho đến năm bãi nhà trường nầy, thì người đổi lên làm giáo sư trường Latinh Saigon. Năm 1893 người làm quyền cha sở Lương hòa thế cho cha Đoan, là cha sở họ nầy, lên Tân định giúp cha Génibrel mà làm sách tự vị lớn tiếng Annam-Phalangsa.

Năm 1895 cha Andrẻ Bửu lãnh chức cha sở cùng cai trị họ Thủ ngữ 25 năm, đến năm 1920 người xin cáo thối. Năm 1921 người lãnh coi sóc nhà trường Bà thánh Annà mới lập tại Cap Saint Jacques cho 4 nhà phước Annam học.

Cách ít lâu người trở về nhà dưỡng lão tại Chí hòa mà ở đó cho đến ngày qua đời. Năm 1925 ngày 11 tháng Juillet người đã làm lễ ngũ tuần chánh tế tại nhà trường Latinh Saigon. (N. K. Đ. P năm 1927)

.Báo Nam kỳ Địa Phận năm 1928