ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Tam tộc trong “tru di tam tộc” là những tộc nào?

ĐỘC GIẢ: Tam tộc trong “tru di tam tộc” là những tộc nào?

AN CHI: Hai tiếng tam tộc có ít nhất bốn cách hiểu mà Từ nguyên (một bộ từ điển tiếng Hán ra mắt năm 1915) đã cho như sau:
1. Cha mẹ, anh em, vợ con là tam tộc (Phụ mẫu, huynh đệ, thê tủ vi tam tộc).
2. Họ cha, họ mẹ, họ vợ là tam tộc (Phụ tộc, mẫu tộc, thê tộc vi tam tộc).
3. Cha, con, cháu (=con của con) là tam tộc (Phụ, tử, tôn vi tam tộc).
4. Anh em của cha, anh em của mình, anh em của con là tam tộc (Phụ côn đệ, kỷ côn đệ, tử côn đệ vi tam tộc)
Vì có nhiều cách hiểu như trên cho nên ngay vụ án Nguyễn Trãi cách đây 555 năm (1442) cũng được người thời nay hiểu khác nhau. Cao Huy Giu dịch Đại Việt sử ký toàn thư đã viết như sau: “Ngày 16 (tháng 8 năm Nhâm Tuất – AC), giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời” ) tập III, Hà Nội, 1972, tr.131). Ba đời đương nhiên chỉ có thể là đời cha, đời con và đời cháu (ứng với nghĩa 3 của Từ nguyên) mà thôi. Nhưng Phan Huy Lê thì lại viết: “(…) Nguyễn Trãi bị ghen ghét gièm pha, có lần bị hạ ngục và cuối cùng bị tru di ba họ” (1) . Ba họ, theo cách hiểu thông thường là họ cha, họ mẹ và họ vợ (ứng với nghĩa 2 của Từ nguyên), đương nhiên phải nhiều và nặng hơn ba đời vì ba đời chỉ thuộc có một họ mà thôi.
 

1.     Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi (tập kỷ yếu), Hà Nội, 1982, tr.75

Kiến thức ngày nay, số 98, ngày 15.12.1992

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Nước mắt người giàu và Người giàu cũng khóc. Hai cách gọi đó có gì khác nhau không?.


ĐỘC GIẢ: Tại sao từ tập 1 đến tập 5, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh không gọi luôn bộ phim dài của Mexico bằng cái tên Người giàu cũng khóc mà gọi là Nước mắt người giàu để sau đó lại phải thay đổi tên gọi từ tập 6 trở đi? Hai cách gọi đó có gì khác nhau không?.

AN CHI: Tên gốc của bộ phim này đúng ra là Người giàu cũng khóc. Tên phim bằng tiếng Tây Ban Nha (Người Mexico nói tiếng Tây Ban Nha) là Los ricos tambien lloran. Sở dĩ 5 tập đầu của bộ phim được gọi là Nước mắt người giàu có lẽ vì đã theo bản dịch của Đào Minh Hiệp, người đã dịch lời phim (từ tiếng Nga) cho Đài truyền hình Phú Yên. (1)

Hai cách gọi trên đây có khác nhau không? Sau đây là lời của Đào Minh Hiệp: “Quả thật tôi đã phải suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định dịch là Nước mắt người giàu mà vẫn bảo đảm chuyển tải được ý nghĩa chính xác của tên phim (…), đồng thời nghe hay hơn (…).Tôi nghĩ không có gì khác nhau giữa hai tên phim (2)

Sự thật thì quả là có khác nhau! Nước mắt người giàu là một cấu trúc phi vị ngữ tính (non-prédicatif) còn Người giàu cũng khóc thì đã là một câu. Hai cấu trúc đã khác nhau đến như thế thì không thể nói rằng hàm nghĩa của chúng hoàn toàn như nhau được. Nếu cần thì tác giả đã nói Las lágrimas de los ricos (Nước mắt người giàu) rồi. Nhưng họ lại nói Los ricos tambien lloran. Vậy tưởng cứ nên dịch thành Người giàu cũng khóc cho sát với nguyên văn.

1.     Xem Tuổi trẻ chủ nhật, số 40-1992, tr.17.
2.     Tuổi trẻ chủ nhật, số 40-1992

Kiến thức ngày nay, số 97, ngày 1.12.1992

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Sách xưa chỉ ghi tên Nhị Hà mà không có Hồng Hà. Xin tìm giúp xem sách xưa có ghi tên Hồng Hà là những sách nào?


ĐỘC GIẢ: Một ông bạn của tôi có thắc mắc không biết tại sao thư tịch xưa (bằng chữ Hán) không ở đâu có nói đến tên Hồng Hà mà chỉ ghi có tên Nhị Hà. Xin tìm giúp xem sách xưa có ghi tên Hồng Hà là những sách nào?

AN CHI: Xin thưa, sở dĩ sách xưa không có tên Hồng Hà vì đây là một cái tên rất mới do chính người Việt chúng ta dịch từ tiếng Pháp, gọi nôm na hơn một chút là sông Hồng. Sông Hồng có đặc điểm nổi bật là nước của nó về mùa lũ thì rất đỏ, nên người Pháp dựa vào đó mà gọi nó là fleuve Rouge (sông Đỏ). Cũng cùng một cách đặt tên như thế họ đã gọi sông Đàrivière Noire (sông Đen) còn sông Lô thì lại là rivière Claire (sông Trong). Họ cũng dịch tên sông Hoàng Hà  của Trung Hoa sang tiếng Pháp là fleuve Jaune (sông Vàng) rồi lại dựa theo cách dịch này mà dịch tên con sông Dương Tử (Dương Tử Giang) thành fleuve Bleu (sông Xanh) mặc dù họ cũng đã có một tên phiên âm từ Dương Tử Giang thành Yang-tseu-kiang (trước thường viết là Yang-tsé-kiang). Vậy Hồng Hà hay sông Hồng chỉ là những “bản dịch” sang tiếng Việt của tiếng Pháp fleuve Rouge  mà thôi. Xin phân biệt với Hồng Giang, một chi lưu xưa của sông Hồng, chảy qua tỉnh Hải Dương.

Kiến thức ngày nay, số 96, ngày 15.11.1992


Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Tại sao lại gọi những người bán nam bán nữ (lại cái) là “pê-đê”?


ĐỘC GIẢ: Tại sao lại gọi những người bán nam bán nữ (lại cái) là “pê-đê”?

AN CHI: Cái tên pê-đê dùng để chỉ những người bán nam bán nữ là kết quả của một lối hiểu sai lệch nay đã trở thành thông dụng. Đó là do tiếng Pháp pédé, dạng tắt  của pédéraste. Đây là một danh từ gồm hai từ căn gốc Hy Lạp: péd- (< paidos=trẻ con) và –éraste (< ersatês = si mê). Vậy pédéraste là người si mê trẻ con.  Còn cái nghĩa đích thực của từ này là: kẻ đàn ông hành dâm vào hậu môn của một bé trai. Nghĩa này đã cho ra nghĩa rộng thông dụng hiện nay là: kẻ loạn dâm hậu môn. Vậy pédé trong tiếng Pháp không hề có nghĩa là “lại cái”.

Kiến thức ngày nay, số 96, ngày 15.11.1992

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Hoa Kỳ hiện nay có bao nhiêu tiểu bang? Tên của các tiểu bang đó?


ĐỘC GIẢ:  Hoa Kỳ hiện nay có bao nhiêu tiểu bang? Tên của các tiểu bang đó?

AN CHI: Hoa Kỳ có 50 bang: 1. Alabama, 2. Alaska, 3. Arizona, 4. Arkansas, 5. California, 6. Colorado, 7. Connecticut, 8. Delaware, 9. Florida, 10. Gieorgia, 11. Hawaii, 12. Idaho, 13. Illinois, 14. Indiana, 15. Iowa, 16. Kansas, 17. Kentucky, 18. Louisiana, 19. Maine, 20. Maryland, 21. Massachusetts, 22. Michigan, 23. Minnesota, 24. Mississippi, 25. Missouri, 26. Montana, 27. Nebraska, 28. Nevada, 29. New Hampshire, 30. New Jersey, 31. New Mexico, 32. New York (chú ý: thuộc bang này có thành phố cùng tên New York, trước vẫn phiên bằng âm Hán Việt là Nữu Ước. Nhưng thủ phủ của bang New York lại là Albany), 33. North Carolina, 34. North Dakota, 35. Ohio, 36. Oklahoma, 37. Oregon, 38. Pennsylvania, 39. Rhode Island, 40. South Carolina, 41. South Dakota, 42. Tennessee, 43. Texas, 44. Utah, 45. Vermont, 46. Virginia, 47. Washington, 48. West Virginia, 49. Wisconsin, 50. Wyoming.
Vùng Alaska nằm ở phía Tây Bắc của Hoa Kỳ, là đất mà nước Nga Sa Hoàng nhượng cho Hoa Kỳ từ năm 1867, trở thành bang thứ 49 của nước này từ năm 1959. Quần đảo Hawaii  (tên cũ là Sandwich), thủ phủ là Honolulu, là lãnh thổ của Hoa Kỳ từ năm 1898, trở thành bang thứ 50 của nước này cũng từ năm 1959.

Kiến thức ngày nay, số 96, ngày 15.11.1992

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Có người nói rằng người Pháp lấy con gà trống làm vật tổ cho dân tộc mình. Xin cho biết tại sao?


ĐỘC GIẢ: Có người nói rằng người Pháp lấy con gà trống làm vật tổ cho dân tộc mình. Xin cho biết tại sao?

AN CHI: Trước hết, xin cải chính rằng con gà trống không phải là vật tổ (totem) của dân tộc Pháp. Thứ đến, người ta cũng không nói con gà trống mà phải nói đầy đủ là con gà trống Gô-loa (coq gaulois). Và con gà trống Gô-loa là một biểu tượng (emblème) -  chứ không phải “vật tổ” – của dân tộc Pháp. Vật tổ và biểu tượng là hai khái niệm khác nhau. Việc lấy con gà trống Gô-loa làm biểu tượng có bao hàm một sự chơi chữ ý nhị ở trong đó. Tổ tiên của người Pháp là người Gô-loa (Gaulois). Người Gô-loa tiếng La Tinh gọi là Gallus. Danh từ gallus trong tiếng La Tinh lại có một từ đống âm tuyệt đối là gallus, có nghĩa là con gà trống. Thế là cái vỏ ngữ âm gallus của tiếng La Tinh vừa biểu hiện khái niệm “người Gô-loa” lại vừa biểu hiện khái niệm “con gà trống). Vậy cứ theo ngôn ngữ này, người ta có thể chơi chữ bằng đẳng thức:
Người Gô-loa (Gaullus) = con gà trống (gallus).
Đó là lý do tại sao người Pháp lại lấy con gà trống Gô-loa làm biểu tượng của dân tộc mình. Nếu ta biết rằng tiếng Pháp hiện đại là do tiếng La Tinh thông tục (Latin populaire) mà ra thì ta cũng sẽ không lấy làm lạ tại sao người Pháp lại căn cứ vào tiếng La Tinh để chọn biểu tượng cho dân tộc mình như thế.

Kiến thức ngày nay, số 96, ngày 15.11.1992

Mười hai bến nước trong “phận gái 12 bến nước” là gì?


ĐỘC GIẢ: Mười hai bến nước trong “phận gái 12 bến nước” là gì? Có phải chăng là 12 cương vị trong xã hội xưa của ta và Trung Quốc như: Cao là công, hầu, khanh, tướng; trung là sĩ, công, nông, thương, và thấp là ngư, tiều, canh, mục? Còn trong và đục có phải là thanh khiết, trong sạch và dơ bẩn, tham ô hay không?

AN CHI: Nhiều người vẫn quan niệm mười hai bến nước đúng như ông đã nêu. Chúng tôi không tin ở cách giải thích trên mà cho rằng Huình-Tịnh Paulus Của giảng có lý hơn:
Con gái mười hai bến nước: Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Tiếng nói mười hai bến nước là nói cho có vần” (Đại Nam quấc âm tự vị, tập 1, Sài Gòn, 1859. Xem ở chữ bến, tr.46-47)
Điều mà tác giả giảng rằng “Tiếng nói mười hai bến nước là nói cho vần” thì chúng tôi quan niệm là do từ nguyên dân gian mà ra. Đối với thành ngữ đang xét, rõ ràng là hai tiếng trong, đục phải được hiểu rộng hơn cách hiểu mà ông đã nêu.

Kiến thức ngày nay, số 95, ngày 1.11.1992