ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Một mực "Hán - Mao" trong khi có sẵn lối nói thuần Việt!

 Nhân có một người bạn fb thắc mắc về mấy chữ (nêu ra dưới đây), viết lai rai chút đỉnh để hiểu cho tỏ tường...

MỘT MỰC "HÁN-MAO" TRONG KHI CÓ SẴN LỐI NÓI THUẦN VIỆT!

1) "THANH TOÁN"

Đó là âm Việt của hai chữ . "Thanh" là sạch sẽ, hoàn tất; "toán" là tính, đếm => "Thanh toán" là tính việc mà làm cho xong, cho hoàn tất. Đây chỉ mới nêu ra một nghĩa, trong nhiều nghĩa, của hai chữ "thanh toán".

Ở Việt Nam hiện giờ đang có lối dùng chữ như ri: "thanh toán tiền điện", "thanh toán tiền nước", vô quán cafe cũng nghe "thanh toán tiền uống nước", cái gì cũng... "thanh toán" ráo trọi!

Trong khi đó, hồi trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam, khi dùng chữ "thanh toán" lại mang đến ý nghĩ rởn tóc gáy đó đa! Sao vậy?

Là bởi vì "toán" còn mang nghĩa "mưu tính làm hại". Chẳng hạn, "toán tha tính mệnh" là mưu hại tới mạng sống của một người nào đó. "Thanh toán" là diệt sạch, rùng mình nổi ốc ác hết trơn.

Nói nào ngay, muốn nói về những thứ liên quan đến tiền bạc, dùng chữ "toán trương" (tính toán trương mục) thì mới thực thích hợp, sát nghĩa hơn hẳn: "toán trương" nghĩa là tính sổ, tính tiền.

(còn dùng chữ "thanh toán", kêu bằng là dễ gây nhầm lẫn, như vừa nêu trên).

Mà mắc gì gọi "toán trương", hoặc như bây giờ từ sau năm 1975 miền Nam nhập cái chữ "thanh toán" theo kiểu dùng ở ngoài Bắc - hả, mắc gì phải "Hán" trong khi người Việt Nam đã có hai chữ thuần Việt rõ nghĩa hết sức : "trả tiền"/ hoặc "tính tiền"!

Ta nói "trả tiền điện", "tính tiền nước", gọn bâng hết sức, mắc gì phải "Hán-Mao" là... "thanh toán tiền điện", "thanh toán tiền nước" cho bằng được?

2) "KHẨN TRƯƠNG"

Đó là âm Việt của hai chữ . Việc gì cần kíp lắm, đều gọi là "khẩn" ; còn ở tình thế căng thẳng, tức "trương" . "Khẩn trương" là cấp bách tới mức căng thẳng, là "tension"!

Nhưng, hiện nay quí bạn ắt cứ phải nghe hoài kiểu nói như "đề nghị khẩn trương bước lên sân khấu", "khẩn trương lên"... - tưởng báo động một tình huống căng thẳng gì đó, té ra không phải, mà chỉ là "hãy làm (việc gì đó) nhanh lên". Vậy thôi.

Để thúc đẩy việc gì cần làm cho mau lẹ, ta nói "khẩn cấp" ("cấp" là gấp gáp), là "urgent". Làm cho nhanh, "khẩn cấp" là đủ, còn "khẩn trương" là căng thẳng ghê gớm lắm, là xảy ra một sự biến gì nghiêm trọng.

Hay nhứt, là dùng sẵn cách nói thuần Việt: "nhanh / lẹ / mau" - "nhanh chóng bước lên sân khấu", "mau lên", "lẹ lên" ... Mắc gì phải "khẩn trương lên sân khấu", làm quái gì tới mức căng thẳng ở đây? Mắc gì phải hô bằng thứ chữ "Hán-Mao"?

Thấy gì?

Tiếng thuần Việt có sẵn (như "trả tiền", "tính tiền", như "mau lẹ", "nhanh chóng") thì không dùng, thời bây giờ tại VN lại đi vác mấy chữ Hán-Mao "thanh toán", "khẩn trương" cho bằng được. Vậy mà dám khua chiêng gióng trống là... "làm cho tiếng Việt trong sáng" (?). Hiểu được, chết liền.

-----------------------------------------------------------------

Stt sau sẽ lai rai giải thích về mấy chữ như "ý đồ", "bức xúc" ... mà hiện nay nghe điếc lỗ nhĩ luôn.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Chúa Nguyễn Ánh trong con mắt một nhà ngoại giao Anh

 CHÚA NGUYỄN ÁNH

TRONG CON MẮT MỘT NHÀ NGOẠI GIAO NGƯỜI ANH

(bài dịch cách đây đúng 5 năm, song thiển nghĩ đến nay vẫn còn hữu dụng khi nhắc đến nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh-Gia Long)

Trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 19, chúa Nguyễn Ánh được nói đến nhiều bởi ông là người khai sáng triều Nguyễn, sau khi giành lại được những gì mà cha ông của ông đã gầy dựng từ mấy trăm năm trước. Cuộc đời của ông là một chuỗi dài những hiểm nguy, gian khó, từng thoát chết nhiều lần, và phải nhiều năm ẩn lánh trên xứ người. Nếu không là một người có bản lãnh, kiên tâm và cách hành xử dễ thu phục lòng người, chắc chắn rằng ông không thể lấy lại được cơ nghiệp của 9 đời chúa Nguyễn.

Song sang thế kỷ 20, trong cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc, Nguyễn Ánh trở thành biểu tượng phản động và tồi tệ nhất, vì ông là người đã triệt tiêu triều đại Tây Sơn của “những nông dân áo vải cờ đào” vốn được nhiều người thần thánh hóa và đồng hóa với chính hoạt động của họ. Để hiểu được phần nào con người thật của Nguyễn Ánh, không cách nào tốt hơn là đọc lại những gì mà người cùng thời với ông viết về ông, qua những cuộc gặp gỡ trực tiếp với ông, quan sát ông, hoặc ít ra cũng nghe được nhiều nhân chứng kể lại về ông.

Năm 1792-1793, John Barrow một nhân viên trong phái bộ của Huân tước George Macartney được nước Anh cử sang Trung Hoa, có ghé lại Hội An một thời gian và sau khi về nước, vào năm 1806, đã xuất bản tập du ký có tên A voyage to Cochinchina (Một chuyến du hành sang Nam Hà) trong đó dành một đoạn dài viết về chúa Nguyễn Ánh. Xin ghi ra đây bản tạm lược dịch những gì Barrow viết về Nguyễn Ánh vào những năm cuối thế kỷ 18.

***

“ … Từ năm 1790 là thời điểm Nguyễn Ánh quay lại miền Nam (*) đến năm 1800, ông chỉ có được hai năm yên bình là 1797 và 1798, và hai năm đó có lẽ là thời kỳ quan trọng nhất trong triều đại của ông. Dưới sự hỗ trợ của giám mục Bá Đa Lộc, mà ông coi như người cố vấn, ông quay sang chú tâm đến việc cải thiện xứ sở của mình.

Ông thiết lập một xưởng làm “saltpetre” (nitrat kali, dùng làm thuốc súng - LN) ở Fen-Tan (Champa), mở đường giao thông giữa những đồn lũy quan trọng và thị trấn lớn, trồng cây hai bên đường để lấy bóng mát. Ông khuyến khích việc trồng trầu, cau ở những đồn điền đã bị quân Tây Sơn phá hủy. Ông tưởng thưởng cho việc quảng bá nghề nuôi tằm, tạo ra những vùng đất dành trồng cây mía, và thiết lập những xưởng chế tạo nhựa đường và nhựa cây. Ông chế tạo hàng ngàn súng hỏa mai, mở một mỏ khai thác quặng sắt, xây dựng các lò luyện kim.

Ông chia lực lượng bộ binh thành các trung đoàn, thiết lập các trường học quân sự, nơi đó, quan binh của ông được các ông thầy người châu Âu hướng dẫn việc sử dụng súng ống. Bá Đa Lộc dịch các kỹ thuật quân sự ra chữ Hán để sử dụng trong quân đội của ông. Trong hai năm đó (tức 1797-1798 – LN), ông đã chế tạo ít nhất 300 thuyền lớn có trang bị vũ khí hay thuyền có mái chèo, 5 thuyền buồm, và một đội thuyền chiến theo kiểu thuyền của người Âu. Ông đưa ra một hệ thống chiến thuật áp dụng cho thủy quân và cho các quan lại trong ngành thủy quân học cách sử dụng tín hiệu. Một trong những nhà quí tộc người Anh mà tôi từng lưu ý là đã có mặt ở Sài Gòn vào năm 1800, nhìn thấy một đoàn tàu có 1.200 thuyền buồm đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn vương, thả neo trên sông với một trật tư cao nhất. Chúng được chia ra ba thành phần tách biệt nhau, xếp thành những đội ngũ sẵn sàng chiến đấu, theo thứ tự khép và mở và vận hành với nhiều cách khác nhau, dựa vào những tín hiệu được ban ra.

Trong thời khoảng yên bình đó, ông còn cải cách hệ thống luật pháp với sự hỗ trợ của giám mục Bá Đa Lộc. Ông bãi bỏ nhiều loại hình tra tấn mà luật pháp trong nước lúc đó vẫn còn cho phép áp dụng và làm giảm nhẹ những hình phạt xem ra không phù hợp với tội trạng của người gây nên. Ông mở trường công và các bậc cha mẹ bị buộc phải cho con họ đi học ở tuổi lên bốn, nếu không sẽ bị trừng phạt. Ông thiết lập một hệ thống luật pháp và ban hành những qui định về thương mại trong vương quốc của mình, làm cầu bắc qua sông, đặt phao và dấu hiệu ở những nơi nguy hiểm trên bờ biển và tiến hành các cuộc nghiên cứu ở những vịnh và cảng chính. Ông cử các phái bộ đi vào vùng rừng núi ở phía Tây vương quốc, nơi cư trú của người Lào và người Miaotsé, là những nước còn man rợ mà ông mong muốn biến họ thành nước văn minh, có chính quyền tốt. Những người sơn dã này bị người Tàu gọi một cách khinh thường là “người có đuôi”, cho dù họ là hậu duệ bình thường của những cư dân ban đầu trong một vương quốc văn minh….

… Nguyễn Ánh được miêu tả như một chiến sĩ toàn diện, với tất cả ý nghĩa chính xác nhất của từ này. Người ta nói rằng ông cảm thấy vinh dự với danh vị nguyên soái hơn là danh vị một quốc vương. Ông được mô tả như một người dũng cảm nhưng không thô bạo, biết tùy cơ ứng biến. Ông thường có những quan niệm đúng đắn. Không bao giờ khó khăn làm cho ông chán nản, không có trở lực nào làm cho ông lùi bước.

Thận trọng trong quyết định, mau lẹ và mạnh dạn trong việc thi hành những gì đã quyết định, ông luôn đứng đầu hàng quân, ở những vị trí đặc biệt nhất của chiến trường, luôn biểu lộ một tính khí vui vẻ, dễ chịu, lịch sự và ân cần với tất cả tướng sĩ thuộc quyền. Ông thận trọng tránh để cho người khác thấy mình có sự ưu ái riêng một người nào. Trí nhớ của ông rất vững chắc, đến nỗi ông nhớ tên nhiều binh sĩ trong đội quân của mình. Ông nói chuyện với binh sĩ một cách thích thú, nhắc nhở với họ về những hành động, những chiến công của họ. Ông hỏi thăm vợ con họ với sự chăm chút đặc biệt, muốn biết họ có thường xuyên cho con đến trường học hay không, chúng muốn làm gì khi lớn lên…

Cách cư xử của ông với người nước ngoài đầy tính nhã nhặn và lịch sự. Ông công khai bày tỏ sự quý mến đối với những nguyên tắc của Ki tô giáo. Ông tỏ lòng khoan hòa với tôn giáo này cũng như với chân lý của những tôn giáo khác trong xứ sở của ông. Ông gìn giữ với sự cẩn trọng những câu châm ngôn về lòng hiếu thảo mà Đức Khổng tử đã trình bày trong các tác phẩm của Ngài.

Ông đứng trước bà mẹ – hiện còn sống – với sự kính cẩn của một đứa trẻ trước người thầy học của mình. Ông tỏ ra rất am tường những tác giả ưu tú của Trung Hoa. Nhờ giám mục Bá Đa Lộc dịch ra tiếng Hán nhiều bài trong bộ Bách khoa toàn thư mà ông học hỏi được các ngành khoa học cùng nghệ thuật châu Âu và ham mê nhất ngành hàng hải và đóng tàu. Người ta kể rằng để kết hợp lý thuyết với thực hành về kỹ thuật đóng tàu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha chỉ nhằm mục đích duy nhất là tự tay tháo từng mảnh ván ra rồi mô phỏng kích thước của những mảnh ván đã tháo, thay bằng những mảnh ván mới cho đến khi ráp thành một chiếc tàu mới. …..

Để chăm lo một cách chắc chắn hơn những gì liên quan đến chính quyền, ông tuân thủ một cách sống cố định và nền nếp. Ông thức dậy lúc 6 giờ sáng và tắm nước lạnh. Lúc 7 giờ các quan lại được thông báo việc ông đã thức, tất cả văn thư trình ông hôm trước được mở ra và chỉ dụ của ông được nhiều viên thư ký ghi chép lại. Sau đó, ông đi đến xưởng thủy quân, xem xét những gì đã làm lúc vắng mặt ông, rồi ông ngồi lên một chiếc thuyền chèo đi suốt cảng, kiểm tra các tàu chiến, đặc biệt chú tâm đến pháo binh và thăm xưởng đúc nằm trong xưởng đóng tàu, ở đó, người ta đúc súng đại bác đủ cỡ.

Giữa trưa hoặc lúc một giờ, ông dùng cơm ở xưởng tàu. Bữa ăn gồm cơm và một ít cá khô. Lúc hai giờ (chiều), ông trở về phòng và ngủ cho đến năm giờ chiều. Sau đó, ông tiếp kiến quan lại các ngành thủy bộ, những người đứng đầu các tòa án hay các cơ sở công quyền. Trong những buổi tiếp kiến này, ông phê chuẩn, bác bỏ hay sửa chữa những đề án đã được trình lên ông. Thường thì công việc triều chính khiến cho ông bận rộn đến nửa đêm. Đến lúc ấy, ông mới trở về văn phòng, viết lại những lời ghi chú hay phê duyệt mà ông cho là thích hợp trong ngày hôm ấy. Kế đó, ông ăn nhẹ, sống với gia đình trong một tiếng đồng hồ và luôn đi ngủ lúc hai hay ba giờ sáng. Như vậy, trong 24 tiếng đồng hồ (mỗi ngày), vị vương này chỉ nghỉ ngơi có 6 tiếng….”

(*) Đúng ra, ông đã lấy lại đất Gia Định từ tay nhà Tây Sơn vào nửa sau năm 1788

Lê Nguyễn

1.11.2015 - 1.11.2020

(lược dịch từ A voyage to Cochinchina của John Barrow – London 1806, trang 273-278)

Bàn thờ vua Gia Long (1762 - 1820) trong Đại Nội, Huế

Viên chức ngoai giao Anh John Barrow (1764 - 1848) tác giả quyển "A voyage to Cochinchina 1792 - 1793 (1806)

Trang bìa tác phẩm  A voyage to Cochinchina



 

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Bệ thần, Quản thần, Quyền thần...nghĩa mần rằng?

 BỆ THẦN, QUẢN THẦN, QUYỀN THẦN ... NGHĨA MẦN RĂNG?

Hổm rày nghe nhiều trang mạng nhắc tới "Tổng lãnh thiên thần Micae" đặng diệt trừ ma quỉ, tà quyền lộng hành. Vị thiên thần Micae được tôn vinh trong Kitô giáo (Christianity), Do Thái giáo (Judaism) lẫn Hồi giáo (Islam). Rồi, tín đồ Kitô giáo hàng ngày dự thánh lễ vẫn thường được nghe nói tới "tổng lãnh thiên thần", "bệ thần", "quản thần", "quyền thần" .v.v...

Kỳ thực vẫn còn rất nhiều người không hiểu mấy danh hiệu đó mang nghĩa gì.

Con người cùng muôn loài đều là thụ tạo bởi Thiên Chúa. Thiên thần (Angel) cũng rứa, cũng là thụ tạo, nhưng mang phẩm cách khác hẳn. Có 9 phẩm trật trong các vị thiên thần, như sau:

A) Nhóm các thiên thần HƯỚNG DẪN & BẢO VỆ con người, và là sứ giả của Thiên Chúa. Gồm:

* THIÊN THẦN (Angel) là cấp độ thấp nhứt trong hệ thống thiên sứ, nhưng được biết đến nhiều nhứt. Các vị giám sát công việc của muôn người nơi trần gian.

"Thiên thần bổn mạng" là những thiên thần hướng dẫn cho từng cá nhân.

* TỔNG LÃNH THIÊN THẦN (đọc bằng âm Việt từ 4 chữ ) (Archangel):

Các thiên sứ/thiên thần thường không có danh xưng cụ thể; nhưng đối với các vị Tổng lãnh thiên thần - chẳng hạn trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica đoạn 4 câu 16; Giuđa đoạn 1 câu 9, biết đến 3 vị Tổng lãnh thiên thần mang danh xưng là Michael (Micae), Gabriel, Raphael.

Tổng lãnh thiên thần Micae lãnh đạo đội quân thiên quốc giúp con người chống lại Satan.

Tổng lãnh thiên thần Gabriel được biết đến khi ngài hiện ra với Đức Maria để báo tin về việc thụ thai & hạ sinh đấng Cứu độ ...

* LÃNH THẦN (Principatus)

Đây là những vị thiên thần hướng dẫn, thử thách, điều hòa giới lãnh đạo các lãnh thổ ( ) ở trần gian.

Lãnh thần (Principatus) thường xuất hiện để trợ lực cùng với các Quyền thần (Potestates).

B) Nhóm các thiên thần CAI QUẢN vũ trụ và loài người (theo ý Thiên Chúa). Gồm:

* QUYỀN THẦN (Potestates)

Là những thiên thần giám sát sự phân chia quyền lực trong nhân loại, biện biệt giữa thiên đàng và trần gian.

Satan (quỉ Satan) được cho là từng làm một thiên thần thủ lãnh trong Quyền thần trước khi bị Thiên Chúa đày xuống trần gian.

Các Quyền thần trợ giúp các Dũng thần (Virtues) giao tranh với ma quỷ, chiến đấu chống lại các thế lực xấu xa, đi ngược lại với trật tự quan phòng của Thiên Chúa.

* DŨNG THẦN (Virtues)

Virtues (Dũng thần) nghĩa là quyền năng, uy lực, dũng cảm thi hành những việc phi thường.

Các vị Dũng thần còn có nhiệm vụ giám sát sự chuyển động của các thiên thể để bảo đảm vũ trụ tuân theo chuyển động tự nhiên.

* QUẢN THẦN (Dominationes)

Các vị Quản thần có nhiệm vụ giữ gìn thế giới, trải qua những thử thách gian truân nhứt, rốt cuộc sẽ luôn trở lại theo đúng quỹ đạo quan phòng của Thiên Chúa.

Các Quản thần giám sát đặc biệt đối với giới quản trị các quốc gia.

C) Nhóm các thiên thần HẦU CẬN xung quanh Thiên Chúa (đây là những thiên thần luôn kề cận Thiên Chúa). Gồm:

* LUYẾN THẦN (Seraphim)

Luyến thần (Seraphim) từng được đề cập trong Sách tiên tri Isaiah đoạn 6, câu 1 đến câu 7. Các vị Luyến thần luôn bừng cháy, soi sáng tâm tình kính yêu Thiên Chúa.

* BỆ THẦN (Thrones)

Là những thiên thần hầu cận dưới ngai tòa Thiên Chúa, được đề cập trong sách Khải huyền đoạn 11 câu 16, trong Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê đoạn 1 câu 16.

Các Bệ thần biểu tượng cho công lý và quyền uy của Thiên Chúa.

* MINH THẦN (Cherubim)

Trong sách Sáng thế đoạn 3 câu 24, "Thiên Chúa trục xuất con người khỏi vườn Ê-đen, và ở phía đông vườn Ê den đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh."

Các thiên thần hộ giá, tức Cherubim (Minh thần) đứng đầu trong các phẩm trật thiên thần.

--------------------------------------------------------

Hình ảnh: Tổng lãnh thiên thần Micae cầm đầu đạo binh thiên quốc khống chế Satan, đem lại công lý.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt