ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Một mực "Hán - Mao" trong khi có sẵn lối nói thuần Việt!

 Nhân có một người bạn fb thắc mắc về mấy chữ (nêu ra dưới đây), viết lai rai chút đỉnh để hiểu cho tỏ tường...

MỘT MỰC "HÁN-MAO" TRONG KHI CÓ SẴN LỐI NÓI THUẦN VIỆT!

1) "THANH TOÁN"

Đó là âm Việt của hai chữ . "Thanh" là sạch sẽ, hoàn tất; "toán" là tính, đếm => "Thanh toán" là tính việc mà làm cho xong, cho hoàn tất. Đây chỉ mới nêu ra một nghĩa, trong nhiều nghĩa, của hai chữ "thanh toán".

Ở Việt Nam hiện giờ đang có lối dùng chữ như ri: "thanh toán tiền điện", "thanh toán tiền nước", vô quán cafe cũng nghe "thanh toán tiền uống nước", cái gì cũng... "thanh toán" ráo trọi!

Trong khi đó, hồi trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam, khi dùng chữ "thanh toán" lại mang đến ý nghĩ rởn tóc gáy đó đa! Sao vậy?

Là bởi vì "toán" còn mang nghĩa "mưu tính làm hại". Chẳng hạn, "toán tha tính mệnh" là mưu hại tới mạng sống của một người nào đó. "Thanh toán" là diệt sạch, rùng mình nổi ốc ác hết trơn.

Nói nào ngay, muốn nói về những thứ liên quan đến tiền bạc, dùng chữ "toán trương" (tính toán trương mục) thì mới thực thích hợp, sát nghĩa hơn hẳn: "toán trương" nghĩa là tính sổ, tính tiền.

(còn dùng chữ "thanh toán", kêu bằng là dễ gây nhầm lẫn, như vừa nêu trên).

Mà mắc gì gọi "toán trương", hoặc như bây giờ từ sau năm 1975 miền Nam nhập cái chữ "thanh toán" theo kiểu dùng ở ngoài Bắc - hả, mắc gì phải "Hán" trong khi người Việt Nam đã có hai chữ thuần Việt rõ nghĩa hết sức : "trả tiền"/ hoặc "tính tiền"!

Ta nói "trả tiền điện", "tính tiền nước", gọn bâng hết sức, mắc gì phải "Hán-Mao" là... "thanh toán tiền điện", "thanh toán tiền nước" cho bằng được?

2) "KHẨN TRƯƠNG"

Đó là âm Việt của hai chữ . Việc gì cần kíp lắm, đều gọi là "khẩn" ; còn ở tình thế căng thẳng, tức "trương" . "Khẩn trương" là cấp bách tới mức căng thẳng, là "tension"!

Nhưng, hiện nay quí bạn ắt cứ phải nghe hoài kiểu nói như "đề nghị khẩn trương bước lên sân khấu", "khẩn trương lên"... - tưởng báo động một tình huống căng thẳng gì đó, té ra không phải, mà chỉ là "hãy làm (việc gì đó) nhanh lên". Vậy thôi.

Để thúc đẩy việc gì cần làm cho mau lẹ, ta nói "khẩn cấp" ("cấp" là gấp gáp), là "urgent". Làm cho nhanh, "khẩn cấp" là đủ, còn "khẩn trương" là căng thẳng ghê gớm lắm, là xảy ra một sự biến gì nghiêm trọng.

Hay nhứt, là dùng sẵn cách nói thuần Việt: "nhanh / lẹ / mau" - "nhanh chóng bước lên sân khấu", "mau lên", "lẹ lên" ... Mắc gì phải "khẩn trương lên sân khấu", làm quái gì tới mức căng thẳng ở đây? Mắc gì phải hô bằng thứ chữ "Hán-Mao"?

Thấy gì?

Tiếng thuần Việt có sẵn (như "trả tiền", "tính tiền", như "mau lẹ", "nhanh chóng") thì không dùng, thời bây giờ tại VN lại đi vác mấy chữ Hán-Mao "thanh toán", "khẩn trương" cho bằng được. Vậy mà dám khua chiêng gióng trống là... "làm cho tiếng Việt trong sáng" (?). Hiểu được, chết liền.

-----------------------------------------------------------------

Stt sau sẽ lai rai giải thích về mấy chữ như "ý đồ", "bức xúc" ... mà hiện nay nghe điếc lỗ nhĩ luôn.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét