ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Hạnh tích Bà Anê Linh - Cựu Bà Nhứt Nhà Phước Chợ Quán

HẠNH TÍCH BÀ ANÊ LINH, CỰU BÀ NHỨT

Nhà phước Chợ Quán

---------------------

Hôm ngày 12 tháng Juin, lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Bà Anê Linh, cựu Bà nhứt nhà phước Chợ quán qua đời, hưởng thọ đặng 63 tuổi, khấn hứa trong dòng đặng 41 năm, làm Bà nhứt đặng 6 năm.

Anê Linh sinh ra năm 1864, tại họ Búng, thuộc hạt Thủ dầu Một. Cha mẹ là người đạo đức, sinh đặng sáu người con, Anê là con thứ năm. Từ nhỏ đến 10 tuổi, Anê ở cùng cha mẹ lo học hành kinh sách. Đến 10 tuổi, cha mẹ cho vào ở nhà phước Chợ quán. Lúc đó dì ruột của Anê là Bà Maria Hòa đang làm bà nhứt nhà phước Chợ-quán. Tuy lòng thương cha mến mẹ, song Anê cũng vui dạ vưng lời, từ tạ cữa nhà vào ở với dì. Đó linh hồn ấu nhi còn trong sạch, Chúa mau mau đem vào giấu ẩn trong nhà người, cho khỏi vương phải bụi tro trần thế!

Anê sáng trí lại tánh tình nết na hiền hậu, biết vưng lời chịu lụy. Anê lo học hành đạo lý, đến 12 tuổi, thì Anê rước lễ vở lòng. Âu là ngày ấy, Chúa đã tuôn các ơn thánh vào lòng trẻ nhi nầy, cũng làm cho trẻ ấy nhứt quyết dưng mình cho Chúa ngày sau.

Từ đó về sau, nhờ gương lành cùng lời dạy dỗ của dì là Bà Maria Hòa, thì Anê quyết định từ bỏ cuộc đời, vào nhà viện tu, làm tôi Chúa cho đến cùng. Vậy năm 1880, thì Bề trên cho phép Anê nhập dòng, vào hàng các chị. Lúc đó Anê đặng 16 tuổi. Mười sáu tuổi là lúc thiếu nữ nhi đang kiếm tìm cuộc thế, những lo trau tría làm tốt đêm ngày, những lo cho gặp gỡ chỗ giàu sang mà gởi thân, thì Anê quì trước bàn thánh, đành lòng tự ý dưng trót thân mình cho Chúa. Ấy là ngày phước lộc cho Anê, là ngày Anê đã chọn phần nhứt mà chẳng ai cất lấy đặng!

Từ ngày Anê bước chơn vào nhà các chị, thì Anê càng nên sốt sắng. Bề ăn học thì trổi xa chị em chúng bạn; còn bề nhơn đức thì rất rạng ngời: nết na đầm thấm, nhịn nhục hiền lành, vưng lời chịu lụy, cùng làm trọn các việc người ở nhà tập mình. Tỉ như cây kia, trồng nơi đất tốt, nên rất chóng mau trổ sinh bông trái.

Ngày lụn tháng qua, dựa nơi bóng đền thánh, khuya sớm lo một đều khắc kỷ tu thân, giữ trong luật nhà, tập rèn các nhơn đức, cho xứng sau nầy khấn hứa trong dòng. Vậy năm 1886, Anê đặng Bề trên cho khấn hứa ba đều theo phép dòng. Ngày đó Anê đã thề hứa, dưng trót thân mình cho Chúa, giữ lòng trinh khiết, vưng lời chịu lụy khó khăn cho đến hơi thở sau hết. Mà thật, Anê đã đặng phước giữ lời hứa ấy cùng Chúa. Khấn hứa vừa xong, Bề trên sai Anê với dì Anê Quế đi dạy tại họ Gò công trước hết, vì lúc đó họ Gò công mới khởi tạo, chưa có cha ở. Mỗi tuần có cha Gioakim Lịch ở Tân An xuống làm lễ một lần. Gò công khi ấy thuộc về sở Mỷ tho, đời cha Linh (Moulin) làm cha sở. Anê dạy tại đó đặng sáu tháng, khi trở về, Bề trên dạy phải ở lại nhà phước mà giúp việc trong nhà. Lúc ấy Anê càng rạng tài đức, cùng như mặt trời càng lên cao thì yếng sáng càng chói giọi. Phận sự kẻ ở nhà Chúa, Anê giữ rất trọn hảo; việc trong nhà, Anê khéo tay bày biểu. Bề trên thấy Anê đủ tài đức, thì chọn lên coi sóc các chị áo trắng. Coi nhà áo trắng, là một việc rất can hệ cùng trọng nhứt trong nhà dòng, vì đó là nơi để tập luyện cùng dạy dỗ những kẻ sau đây sẽ khấn hứa trong dòng. Nếu kẻ làm đầu khéo dạy dỗ; biết tập rèn, thì mai sau trong dòng sẽ có người lịch lãm đức hạnh, trọn niềm việc bổn phận kẻ ở nhà Chúa. Lại nữa cũng là việc rất khó, vì kẻ làm đầu phải thông thạo trong đàng trọn lành, phải có lòng hiền lành nhịn nhục thì mới lo kham việc trọng nầy đặng. Lòng đạo đức cùng sự khôn ngoan là hai đều rất cần cho kẻ coi sóc nhà tập mình.

Hai đều nầy Anê đã giữ rất trọn: trong 25 năm, Anê coi nhà áo trắng, thì ai ai cũng thấy rõ lòng đạo đức và sự khôn ngoan của Anê. Các đấng Bề trên coi nhà phước và những đấng coi sóc linh hồn Anê, đều rập một tiếng mà khen lòng đạo đức Anê cùng sự khôn ngoan phân xử cùng chỉ dẫn trong đàng trọn lành cho các chị noi theo. Ai nói cho đặng những ích thiêng liêng Anê đã làm cho các chị trong nhà tập mình trong dòng 25 năm đó, rày nhiều kẻ còn sống cũng chứng miệng sự ấy.

Anê chẳng những lãnh việc coi sóc các chị, mà lại làm thơ ký cho Bà Nhứt, phụ giúp các việc trong nhà. Nói đặng khi đó Anê là cách tay mặt của Bà Nhứt. Song Anê chẳng cậy tài, cũng chẳng ỷ thế, lại càng thêm khiêm nhượng, càng mến yêu chị em cùng tận tình giúp đỡ. Bỡi đó chẳng những các chị áo trắng mà hết thảy ai ai trong nhà cũng đem lòng mến thương kính phục.

Anê có trí lại có tài, khéo tay bày vẽ nhiều đều hữu ích cho nhà dòng. Chẳng những là lo dạy các chị học hành, đánh đờn, tập hát, mà cũng bày cách sinh lợi cho nhà dòng: như làm bông, và may thêu dệt đồ lễ. Trong các nghề ấy, nghề nào Anê cũng rành rẻ, nên nói đặng rằng: Anê sống ở đời lấy đức làm gương cho chị em noi đòi bắt chước, lấy tài mà sinh phương chi độ cho nhà dòng no lòng ấm cật.

Anê vốn phần xác thì yếu đuối, thầy thuốc đoán không thể sống lâu đặng, song nhờ ơn Chúa, Anê hưởng thọ đến 63 tuổi! Tuy xác thì yếu đuối bịnh hoạn, song trí lòng rất mạnh mẻ, như ta sẽ thấy các việc Anê làm sau nầy.

Năm 1915, Anê bịnh nhiều, nên xin thôi việc coi sóc các chị áo trắng. Lúc đó Bề trên mới giao việc nầy cho Dì Annà Nên. Từ đó Anê đặng nghỉ ít lâu, qua năm 1916, nhà phước tính sửa nhà lại cho có chỗ các dì ở, Bề trên liền giao việc ấy cho Anê. Vậy Anê ra tay chỉ vẽ cho thợ cùng coi làm công việc cho toàn hảo. Công việc vừa xong, Anê vô ở trong Gò vắp, tại đó nhà phước Chợ quán có lập một nhà Hài đồng, để nuôi con nít. Ở đó ít ngày, Anê liền ra tay sửa lại, sắp đặt cho đâu đó sạch sẽ vén khéo, nào nhà dì, nào nhà Hài đồng, đều cất lại mới hết. Anê cũng phụ cùng cha sở và bổn đạo họ Gò vắp mà cất thánh đàng lại.

Ở đó đặng một năm rưỡi, tưởng là an phận, hay đâu ý Chúa nhiệm mầu, định dùng Anê trong việc khác. Vậy năm 1919, lúc các dì chọn bà nhứt, thì ai ai cũng đồng chọn Anê lên lãnh việc coi sóc nhà phước. Ai nấy vui mầng vì đặng một người xứng đáng làm đầu coi sóc, có một mình Anê thì buồn bã khóc lóc đêm ngày, đến đỗi muốn trốn vào dòng khác cho khỏi gánh nặng ấy. Song bỡi Anê có lòng nhân đức, thấy rõ là ý Chúa, nên cúi đầu vưng phục.

Mội phen làm Bề trên thì Bà Anê rất ân cần lo lắng cho ai nấy trọn việc bổn phận. Người rất thẳng thép và nhặt trong sự gữ luật nhà. Bỡi Bà Anê hiểu biết, sự trọn lành kẻ ở nhà Chúa là ở tại sự giữ luật phép nhà cho chín chắn. Lại người cũng rõ phận sự đấng bề trên, là lo ai nấy trong nhà nên trọn lành, và mai sau phải trả lẽ rất nghiêm nhặt về sự ấy nơi tòa Chúa phán xét. Bỡi đó, người chẳng tày vị ai, một lấy sự công bình và luật phép nhà mà phân xử các việc. Nhứt là Bà Anê rất khôn ngoan trong lời nói, biết giữ sự kín kẻ khác. Bề khôn ngoan, cách phân xử khi gặp khó, thì Bà rất khôn khéo, biết châm chế cùng tùy lúc tùy khi, lo cho các việc đặng an bài. Bỡi đó lớn nhỏ trong dòng đều kính phục đức tài của bà.

----------------------

Bà Anê cũng tu bổ nhà phước lại lo cho đâu đó sạch sẽ vển van. Cất một nhà cho con nít ở, làm lại nhà khách, sửa lẫm lúa. Bỡi người khéo biết ở đời, nên nhiều người giàu có cũng đem lòng thương mến. Nhờ đó nhiều người dưng cúng ruộng đất để giúp việc nhà dòng; kẻ khác thì chịu tiền làm vách thành nhà phước cùng xây vách đất thánh, làm mồ lại cho các dì đã qua đời. Nhờ Bà Anê dốc công cùng biết kiếm của, nên đã xây thêm một nhà từng rất rộng rãi, để cho các chị áo trắng ở. Khi lên làm bà Nhứt, thì Bà Anê soạn sổ sách các ruộng đất của nhà phước, lo đâu đó cho đành rành, sắp đặt cho có thứ lớp. Thấy đó mới rõ tài người, bỏ qua phía nào cũng xuôi hết. Trong dòng mà đặng một người như vậy thì rất nên là quí báu!

Qua năm 1925, Bà Anê làm Bà Nhứt đặng trọn sáu năm, theo luật hội thánh mới ra, hễ đủ sáu năm thì phải thôi, để cử người khác. Vậy các dì chọn Bà Anê làm bà nhì, đó là việc bà làm cho đến chết.

Năm đó Bà Anê Linh khỉ sự đau bịnh ho, cách ít tháng sau thì thổ huyết. Trong lúc đó ai cũng tưởng Bà phải lìa thế, song ngày giờ Chúa định chưa tới, còn phải ở lại ít lâu, làm cho thành công việc Chúa phú.

Vậy Bà vô Chí hòa, tạm nghỉ ít lâu, nhờ cha sở họ Chí hòa tận tình thuốc men phụ dưỡng, nên Bà đặng khá lại. Vừa khá lại, thì đầu năm 1926, khởi sự cất nhà cho các chị áo trắng ở. Bà Anê Linh phụ lực với cha coi nhà phước, quí danh là cha Laurent Bính, chánh sở họ Chợ quán, mà lo bày vẽ các công việc. Dầu đã yếu đuối bịnh hoạn, song hằng ngày những theo coi công thợ, chỉ vẻ cho nó làm, nên nhà đã chắc chắn, lại công việc rất mau rồi. Trong lúc coi làm nhà áo trắng, thì Bà ra huyết lại đôi phen, song bà chẳng kể sau, một cứ việc làm như thường bữa.

Nhà áo trắng vừa xong, ăn lễ lạc thành vừa rồi, thì khởi sự sửa nhà thờ lại cho có chỗ đủ cho các dì xem lễ đọc kinh, vì nhà thờ đã chật. nhơn số kẻ vô nhà phước một ngày một đông. Nên phải làm thêm một chái nhà bên hông nhà thờ, luôn tiếp với nhà mới cất cho các chị áo trắng, như vậy người bịnh liệt cũng dễ bề xem lễ đặng, vì nhà thương cũng luôn theo một phía đó. Còn phía trước nhà thờ thì thêm một căn và làm một từng đờn cho các chị hát. Luôn dịp cũng sơn phết nhà thờ lại, Bà Anê lãnh coi các việc; đó chẳng phải lần đầu, vì chăng mấy năm trước, bà đã sửa trong cung thánh, làm lại phía sau bàn thờ cho rực rỡ, đặt bôn đúc, để ảnh Đức Mẹ, đặt đèn khí. Phen nầy Bà Anê cũng tận tâm lo sửa soạn nhà Chúa cho xứng nơi Chúa ngự, dầu tốn hao bao nhiêu cũng chẳng tiếc. Lúc làm nhà thờ, thì bà đã đau nhiều, bịnh nặng, hai chơn đi đứng không nỗi, ngày đêm nằm một chỗ, cựa quậy không đặng, song dầu vậy, cũng cứ một lòng mạnh mẻ, lúc khỏe thì biểu khiêng đi coi làm, một ít lâu trước khi bà qua đời, thì biểu khiêng vô đặng chỉ cho thợ sơn phết. Đến ngày 20 April, thì bà kêu thợ lại biểu phải nong công làm cho kịp lễ Đức Bà Phù Hộ các giáo hữu. Nhà thờ xong xuôi, thì bà xem lễ cũng rước lễ đôi ba phen trong nhà thờ mới. Các công việc ngày đã hoàn thành, rày bà đặng hát lời kinh ca vịnh Nunc dismittis của thánh Siméon xưa!

Mà thật, bịnh một ngày một thúc tới, hai chơn thì sưng lên, cả mình đau đớn nhức nhói, trong lúc đó bà cũng giữ một mực, lo đủ các việc thiêng liêng, lúc khỏe thì đọc kinh lần hột, khi đau đớn thì kêu than cùng Chúa, các dì giúp bà thì đọc kinh giảng sách cho bà nghe. Mỗi ngày thì bà chịu lễ, lúc khá thì các dì khiêng bà lên nhà thờ, khi mệt thì đem Mình Thánh Chúa cho bà chịu. Bà cũng xin các chị khiêng bà đi chầu Mình Thánh Chúa và làm việc tháng Đức Mẹ. Dầu đau đớn, song tánh tình vẫn vui vẻ luôn, ai đến thăm viếng thì bà tỏ mặt vui cười, chẳng chút chi buồn bực than trách.

Đến ngày 17 tháng Mai bịnh càng nặng, dầu đã uống nhiều thứ thuốc chạy nhiều lương y có tiếng, đó chẳng phải là ý bà muốn, song cũng nhờ lòng rộng rãi của một gia thất kia, tuy còn ngoại, song đã cho người con gái theo đạo, rày đang ở nhà tập mình trong nhà phước Chợ quán. Tốn hao bao nhiêu, nhà nầy không tiếc, tiếc một đều là không thể cứu bà đặng. Lòng yêu người như vậy, lẽ nào Chúa chẳng trả công lại sao, một chén nước lã, thí cho kẻ khó, Chúa còn thưởng thay, huống chi công ơn thể ấy! Vậy ngày 17 tháng Mai, thì bà xin chịu phép xức dầu thánh. Cha Bề trên trường Latinh, là cha linh hồn bà cho bà chịu lối 5 giờ chiều. Lúc đó bà tỉnh táo như thường, sẵn lòng dưng trót mạng sống nơi tay Chúa phân định.

Đến ngày thứ bảy, áp lễ Đ. C. T Ba Ngôi, bà thấy trong mình đã mòn sức, nên bà xin cha phó họ Chợ quán, quí danh là Bênêđitô Cậy, ban phép đại xá sau hết cho bà. Từ đó bà càng dọn mình hơn nữa, đến hai giờ khuya bà xin chịu lễ, song dì giúp thấy bà như thường tưởng chưa sao, nên xin bà chịu khó đợi đến sáng, cho dễ bề đem Mình Thánh Chúa cho bà. Bà cũng vui lòng đợi, một ít lâu sau nghe bà than thở lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, con xin dưng các sự đau đớn con chịu đây, xin Chúa cho kẻ có tội trở lại, kẻ ngoại đặng ơn phần rỗi và cho chị em trọn niềm việc bổn phận cho sáng danh Chúa. Lời cầu nguyện thể ấy, nơi giường người hòng lìa thế, thì đẹp lòng Chúa là thể nào!

-------------------

Khỏi một ít lâu sau bà hỏi thăm mấy giờ, đoạn cũng xin chịu lễ, song bỡi còn khuya, lại cũng chẳng dè bịnh trở, nên dì giúp xin bà rán đợi đến sáng. Lúc đó bà tỉnh táo như thường, chăm chỉ nghe mấy lời dì giữ linh hồn đọc, đoạn bà nói rằng: một chút nữa đây tôi sẽ dùng bữa cùng Đ. C. G. Mà thật sự, giờ sau hết đã đến, giờ gian nan khốn khó đã cùng, rày đến giờ tớ trung nghĩa vào ra mắt cùng Chủ nhơn lành. “Euge serve bone, intra in gaudium Domini tui”. Mặt bà lúc đó bình tịnh vui vẻ, miệng bà cứ thầm thì kêu xin, bà rán giơ tay làm dấu thánh giá một phen sau hết, đoạn linh hồn tốt lành liền ra khỏi xác cách êm ái dịu dàng!

Beati qui in Domino moriuntur” Phước cho kẻ chết lành trong Chúa. Đó mới trọn câu sống sao chết vậy!.

Sáng ngày vừa dặng tin bi ai ấy, thì nội nhà phước đều châu lụy chan hòa. Kẻ khóc người than, đoạn mau mau thông tin cho các dì khắp nơi đặng cầu lễ cho linh hồn Anê cùng về chôn xác. Lúc bà đau nặng thì các dì đi dạy các họ có về thăm bà lần sau hết. Đó là một đều nên gẫm: Kẻ bề trên thẳng nhặt thể nào, nếu bỡi lòng đạo đức mà ra, thì sau lại càng làm cho kẻ bề dưới mến yêu kính phục.

Thợ làm với bà khi xưa thì dưng công xây cho bà một huyệt nơi đất thánh nhà phước. Từ ngày Chúa nhựt đến thứ ba, thì các dì và nhiều bổn đạo họ Chợ quán thay phiên cầu lễ. Sáng ngày thứ ba, đúng năm giờ rưỡi cha Laurent rước xác vô nhà thờ, đoạn làm lễ hát trọng thể. Chính Đức cha chầu lễ, cùng có nhiều cha quen biết đến xem lễ và đưa xác. Bổn đạo họ Chợ quán cũng đông, có bà Paul de Marie và ít bà nhà trắng, nhà phước Cái mơng và Thủ thiêm cũng cho ít dì đi đến xem lễ và đưa xác. Lễ hát vừa xong, Đức cha thân hành làm phép xác, đoạn đưa linh cửu bà đến phần mộ, tại đất thánh nhà phước, trước nhà thờ Chợ quán. Đám xác rất trọng: thánh giá mở đầu đi trước, tới đồng nhi và bổn đạo họ Chợ quán, đến các dì các chị, mỗi người tay cầm đèn sáng, miệng lần hột cầu hồn, đoạn đến các cha, trước quan tài Đức cha đi giữa, đầu đội mũ bạc, sau quan tài, thì bà con cùng thân quyến của bà chịu tang để chế. Trên quan tài để một tràng bông hường, kết hình thánh giá. Tới nơi, Đức cha đọc các kinh cầu chúc cho linh hồn bà đặng lên nơi tiêu sái: Re-quiescat in pace! Đọc kinh xong mỗi người rảy nước thánh trên quan tài mà từ giã, đoạn ai nấy lui về lòng ngùi ngùi thương tiếc! Xác Bà Anê Linh rày nằm tại đất thánh nhà phước, kế một bên cây thánh giá, chính bà đã lo xây dựng. Nằm đó nghỉ an đợi giờ sống lại hiển vinh! Hỡi bà Anê! Bốn mươi bảy năm, giã từ sự thế, ẩn thân nơi nhà Chúa, lánh xa các cuộc vui chơi, chỉ lo tu thân tích đức. Dầu lắm khi phải gian nan khốn khó, nhiều lần ngậm cay nuốt đắng, song lúc gian nan cũng như hồi thới lai, bà một lòng vàng đá, trọn niềm phận sự, hết dạ kính Chúa yêu người. Rày đã mãn vòng lao lý, đàng bà đi đã đến chốn, khá trông Chúa nhơn từ khấn ban phần thưởng cho bà, là con trung tôi hiếu của Chúa, “Ai bỏ cữa nhà cha mẹ, anh em chị em, vườn ruộng vì danh Tao, thì sẽ đặng lãnh bằng trăm và sẽ đặng sống đời đời.” Lời Chúa phán đành rành, lẽ nào còn nghi nan đặng sao!

Giã từ bà phen sau hết! Chị em ở lại đau lòng xót dạ, song hết thảy thề quyết sớm khuya sẽ theo một nẻo bà đi. Công khó bà muôn đời ghi nhớ, đức tài bà chẳng khá quên đâu, ước trông có ngày, chị em lớn nhỏ sẽ đồng phước cũng bà một chốn!

Người qua đời mà công việc hãy còn: ai bước chơn vào nhà phước, thấy nhà cữa đồ sộ, đâu đó thứ lớp, sạch sẽ vển van, thì liền nhớ, không có nơi nào trong nhà mà không nhờ công khó bà Anê Linh!

Khi bà qua đời rồi, có một dì, lúc bà sanh tiền thì theo phụ lực làm các việc với bà, kiếm đặng một tờ giấy, chính tay bà đã viết lúc cấm phòng đầu năm 1927. Trong đó bà viết rằng: “Lạy Đức Chúa Giêsu là Cha rất nhơn từ, ơn Chúa cho con mỗi ngày hằng nhớ sự chết, nên các đồ con dùng thì con coi là đồ để liệm xác con. Cho đặng thêm lòng tin cậy phú dưng mình cho Chúa, thì con dốc lòng mỗi ngày khi sớm mai, con sẽ dưng cho chúa mọi sự lành Chúa ban cho con, cùng mọi sự khó con chịu, lại các việc lành nhỏ mọn con làm nhờ ơn Chúa, cùng những sự yếu đuối con lầm lỗi mất lòng Chúa. Con xin dưng cho Chúa hết, các sự lành xin Chúa giữ, các đều lầm lỗi con xin Chúa sửa lại, và nhờ công nghiệp Chúa sẽ đền bồi sự thiếu thốn con. Con xin dưng sự dốc lòng ấy trong tay Đức Mẹ. Con nhờ ơn cấm phòng lần nầy tưởng chắc là lần sau hết cho con, vì Chúa đã cho khỏi sự chết lúc trước, song sự yếu đuối cơn bịnh thì còn luôn. Con cám ơn Chúa, vì cơn bịnh nầy là dấu Chúa thương con cho con đặng dọn mình chết lành, song con tiếc một đều là con không đặng chịu khó hơn nữa: …Chỗ khác than thở với Chúa rằng: Lạy Chúa, việc đó con lấy làm khó, song con thưa với Chúa, nếu Chúa muốn dùng con như tôi tá Chúa để giúp việc nhà Chúa, thì con dưng mình lãnh lo việc ấy… Nếu Chúa muốn bỏ con ra như đầy tớ vô ích thì con cũng vui lòng!”

Ít hàng đó, cách nói đơn sơ thật thà, song đầy lòng kính mến Chúa cùng tỏ ra lòng khiêm nhượng của bà Anê Linh.

Chúc nguyền cho trong nhà nữ tu xứ nầy đặng nhiều người tài đức như bà Anê Linh.

Cúi xin Chúa nhơn từ cho linh hồn Anê đặng lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đ. C. T hưởng phước vui vẻ vô cùng. Amen.

(Chung)

N. P. C. Q

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1927


Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Hạnh Dì Madalêna Diên - Nhà phước Thủ Thiêm

HẠNH DÌ MADALÊNA DIÊN

Nhà phước Thủ-thiêm.

---------------------------------

Một Dì thuộc Dòng Chị em mến thánh giá, tuổi đi quá bát tuần, mới qua đời tại Nhà phước Thủ-thiêm hôm ngày 16 Mai, tưởng nên kể qua lý lịch và hạnh kiểm của Dì cho chư độc giả rõ.

Dì Madalêna Diên sinh ra năm 1850, người quê quán tại họ Giồng-rùm (Trà-vinh), là con của ông Raymongđô Dương-Văn-Mưu và bà Mátta Nguyễn-thị-Bường. Dì vào tu tại Nhà Phước Thủ-thiêm năm 1873, và đến năm 1876 thì khấn hứa theo luật Dòng. Khấn hứa đoạn, Dì đi dạy tại Bàrịa. Cách ít lâu, Bề trên đổi Dì lên Búng (Thủ-dầu-Một), ở đó trên 10 năm. Họ Búng con nít thật đông, nhờ Dì nông công dạy dỗ, mà chúng nó ham học thì mau tấn tới. Sau bề trên kêu Dì trở về Nhà phước coi việc nhà nhuộm, Dầu công việc ở Búng đang tấn phát và nam nữ lớn bé trong họ đang tríu mến Dì, song vừa nghe lịnh Bề trên, Dì liền vui lòng tuân theo và ân cần làm việc Bề trên chỉ biểu.

Khi họ Thủ-dầu-một mới khai trương, xin các Dì lên dạy, thì Bề trên sai Dì lên đó. Đương ở nhà nhuộm, công việc đã thạo và ra dễ dàng, lại phải đi lãnh dạy trẻ con ở một trường mới mở, thật là một việc rất khó. Dầu vậy, Dì cứ một mực vui vẻ vâng lời, và hết sức siêng năng cần mẫn, cho nên trẻ con học mau thuộc và mau thông hiểu lẽ đạo.

Bề trên lại đổi Dì đi Bến-sắn, Bến-cát, cũng thuộc hạt Thủ-dầu-một. Bất luận ở đâu, dầu lâu hay mau, Dì cũng hết lòng làm trọn bổn phận và được thiên hạ mến yêu.

Lúc Đức cha J.B Tòng làm cha chánh sở Bàrịa, Ngài thấy dân Quảng-Bình vào ở đánh cá rất đông, số bổn đạo càng ngày càng tăng, một mình Ngài lo không xuể, nên đã xin Bề trên cho 2 Dì xuống giúp Ngài. Lúc ấy là đầu năm 1919, Bề trên sai 2 Dì đi Bàrịa, dạy tại Xóm-lưới. Trong số ấy có Dì Madalêna Diên, khi ấy đã 69 tuổi, chẳng nệ nhọc thân cực trí, cứ nhắm mắt vưng lời. Dì rất siêng năng sốt sắng việc linh hồn; thường ngày khi mãn giờ dạy trẻ ở trường, thì Dì đi đến các nhà bổn đạo khuyên lơn an ủi những kẻ nguội lạnh rối rắm. Nhờ đó, Chúa ban ơn cho phô kẻ ai biết nghe lời Dì mà lo trở lại.

Theo luật nhà Dòng, hễ ai khấn hứa đủ 50 năm, thì Chị em trong nhà ăn mừng lễ Vàng.

Vì vậy, năm 1926, Nhà phước Thủ-thiêm đã ăn mừng đệ ngũ thập châu niên Dì Madalêna Diên khấn hứa trong Dòng.

Qua năm 1928, tuổi Dì quá thất tuần, bịnh hoạn, yếu đuối; Dì phải trở về Nhà phước đặng điều dưỡng. Hễ Dì nghe ở xung quanh có ai ngoại, hoặc có đạo mà rối rắm gần chết, thì Dì mau chơn đến tận nơi an ủi nó trở lại. Năm 1930, Dì lãnh coi sóc nhà Hài-đồng của Nhà phước Thủ-thiêm. Dầu già cả mệt nhọc, mà Dì rất mến thương con trẻ, hằng săn sóc chúng nó luôn luôn.

Được ít lâu, Dì phát bịnh, nên phải nghỉ coi nhà Hài-đồng. Nghỉ thì nghỉ, mà nào Dì có chịu ở nhưng; cả ngày lo làm việc giúp Nhà phước, lo làm bông cho họ nầy họ kia.

Đầu tháng Mars năm nay (1933), Cha sở họ Phước Khánh, J.B. Đồng, thấy tại làng Bình-khánh, trong sở Ngài, có nhiều người muốn trở lại đạo, nên cha xin 2 Dì đến giúp, Bề trên lại sai Dì Malalêna đi với một Dì nữa. Dù biết sức hơi mình đã tổn, song đã quyết ý dưng trót mình và trót đời mình để làm tôi Chúa, thì Dì cúi đầu vưng ý Bề trên, sẵn lòng tế lễ mạng sống mình cho Chúa, vì không có nhà ở, nên khi đến nơi dạy, phải ở đậu bạc nơi nhà bổn đạo. Dì dạy xong xuôi, cha rửa tội được 15 người và làm phép hôn phối được 3 đôi.

Đang còn dạy, Dì phát bịnh nặng, phải trở về Nhà phước. Không đầy 3 tuần, Dì đã trút linh hồn bằng an trong Chúa. hưởng thọ được 83 tuổi, ở Nhà phước được 60 năm, khấn hứa được 57 năm.

Cả đời Dì ở Nhà phước, chỉ biết có một sự vưng lời và siêng năng làm việc, đáng nên gương cho các chị em trong Dòng noi dõi. Ất Chúa đã dành để phần thưởng trọng vọng châu báu cho Dì ở trên Thiên đàng. Nếu lúc còn sống, Dì có nhuốm phải đôi chút bụi trần thế, thì các chị em trong nhà phước và các bổn đạo, nhứt là những kẻ đã thọ ơn Dì giáo dục khuyên lơn, xin cầu nguyện cho linh hồn Dì mau khỏi nơi luyện ngục, mà đặng vào chốn hỉ hoan đời đời.

Một dì nhà phước Thủ-thiêm.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1933