ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Chuyên khảo về người Công giáo xứ Búng


CHUYÊN KHẢO VỀ NGƯỜI CÔNG GIÁO
XỨ BÚNG

I. NGUỒN GỐC NGƯỜI CÔNG GIÁO
Vùng đất ngày nay tạo ra họ đạo Búng và Bình Sơn vào cuối thế kỷ 18, xưa kia thuộc về người Chăm (Ciampois)(1). Họ bỏ vùng đất này không trồng trọt vì nước ngập phần lớn, nhưng đất này phì nhiêu nhờ phù sa mà sông Sài Gòn bồi đắp, nên người Việt đã nhận ra và đến cư trú ở đây.
Những người tín hữu đầu tiên đến từ Huế. Những cuộc chiến tranh liên miên trong thời kỳ này ở vùng họ ở, và mọi thứ nhũng nhiễu họ phải chịu đựng trong thời kỳ bách hại, bắt buộc họ phải chọn một nơi yên ổn hơn và có tự do hơn một chút.
 Xứ Búng ở cạnh Lái Thiêu là nơi bạn của Gia Long là Đức Giám mục Adran(2) cư trú, dường như qui tụ đầy đủ những điều kiện như họ ao ước để làm nên cơ sở này.
Ông Hương, Tùng, Bời, Dũi, Ở là những người đầu tiên đến cư trú tại Búng.
Tất cả họ là người (Công giáo) đạo dòng. Họ tụ tập tại nhà ông Bời để cầu nguyện. Để sinh sống, họ chăn nuôi bò và trâu, cũng như nuôi tằm. Sau đó, họ bắt đầu khai khẩn đất đai và trồng trọt, nên sau một thời gian ngắn, họ đã sống tương đối đầy đủ.
Ngôi nhà nguyện đầu tiên được xây dựng chỉ từ thế kỷ 19, và nằm trên phần đất của một người tên Nhờ. Nhưng vì được dựng bằng những vật liệu ít giá trị, nên khi mái tranh bị hư, người ta mới cất một ngôi nhà nguyện khác, tiện nghi hơn, nằm trên phần đất của ông Ràng, và lần này nhà nguyện được lợp bằng ngói.
Trên nơi cao ở xứ Búng có cây sao đẹp. Các người có đạo đã chặt nó xuống để đóng một chiếc ghe và họ dâng tặng cho vua Gia Long. Chiếc ghe này có chiều dài tám tam (tầm ?), nên người có đạo mang tên là Ghe Tám cho đến khi người Pháp đến (khoảng 1862).
Các người công giáo khác dần dần đến cư ngụ ở tại Ghe Tám và tạo ra một số dân có đạo khoảng 300 người; thỉnh thoảng các cha ngụ ở Lái Thiêu đến thăm họ. Vì xứ này chỉ toàn là bụi cây và ít người ở, nên họ không có những người lương theo đạo, và họ lôi kéo bà con và bạn bè của họ đến ở với họ.
Nói chung họ có đức tin khá vững vàng, và mỗi gia đình dạy con cái tại nhà những điều giáo lý Công giáo dạy, vì lúc đó chưa có trường học. Trường học đầu tiên có từ thời xâm lăng, dưới thời cha Võ. Thầy giáo trước tiên là cựu chủng sinh học ở Pinăng (Mã Lai) dành cho con trai, và cha Võ mời các dì Thủ Thiêm đến dạy cho các cô gái.
Cha Martin (Nghi)

 II. DÒNG LỊCH SỬ
Từ lúc những người đầu tiên đến ở trong vùng này cho tời khi Pháp đến, không có gì rõ ràng lắm để kể lại. Linh mục đến để coi sóc chỉ là tạm thời, và trong thời bách hại, họ chỉ lén lút đến và không rõ tên tuổi.
Trong thời của Đức Giám mục Adran, ở khắp xứ chỉ có 02 linh mục bản xứ là cha Duông và cha Thông (3) thỉnh thoảng từ Lái Thiêu đến để cử hành các bí tích.
Trong thời Gia Long trị vì (1802 – 1820) các người công giáo có thể thực thi đạo giáo ra bên ngoài, nhưng dưới thời các nhà vua kế tiếp, thì các nhà thờ bị phá hủy. Các chiếu chỉ ra lệnh bảo là mỗi làng có một ngôi chùa mà mọi người phải đến đó để dâng cúng; nhưng với một vài quan tiền dâng cúng cho quan lại thì người ta được miễn lệnh trên. Tuy nhiên nhiều người công giáo yếu đuối, muốn tránh nhũng nhiễu nên đến dâng cúng, nơi nhà họ có bàn thờ của lương dân, và cây nêu trước của nhà khi Tết đến.
Dù trong thời kỳ gian khổ, các linh mục bản xứ đã đến thăm người Công giáo, và đôi khi ở nhà của ông Vưa, đôi khi ở nhà của ông Nhờ, ông Tín hay nhà của bà Hảo. Người ta kể rằng, trong số các cha, có cha Tám (4) và cha Lợi, cha Kiên, có quyền ban Bí tích Thêm sức.
Tuy nhiên người ta còn ghi nhận việc đã đến xứ này của Chân phước Marchand (5), có cố Phương (?) đi theo; và ngài đã cử hành thánh lễ trong nhóm người có đạo này. Theo lời kể của nhiều người thì hai cha nói trên đã trừ quỷ cho con bà Hảo nào đó, đưa bé này quỷ ám. Đức Giám mục Lefebrve đã đến ẩn trong một ngôi nhà của dân có đạo này, nhưng những người lương đã nhận biết và theo dõi ngài. Nên ngài trốn đi giữa ban đêm đến Đá Tráng (Bố Mua) , trên đường đi, ngài đã gặp cọp.
Cha Joseph Marchand (Cố Du). Ảnh internet
Trước thời xâm lăng thì các cha Tại, Giáo, Y, Chữ (6) nhiều lần đến thăm giáo dân, và vì có một vài người lương dân nghèo khổ muốn trở lại đạo nên các ngài giúp đỡ họ tiền bạc hoặc quần áo.
Trong suốt thời bách hại, các người công giáo không chịu khổ quá vì họ có các quan lại giúp đỡ, nhờ vài món quà được dâng cho họ cách khôn khéo, hoặc vì ông tả quân Lê Văn Duyệt (7)  đã bảo vệ họ.
Đức tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh internet

Cái lúc khủng khiếp nhất đối với họ là lúc mà các đồng hương của chúng ta chiếm Sài Gòn (quân Pháp). Cha Dưỡng, lúc đó chỉ là thầy phó tế, đã đến Lái Thiêu và Búng để hướng dẫn họ và chuẩn bị cho một số em rước lễ lần đầu. Ngài đã bị các người lương phát hiện là thầy dạy đạo, và bị họ theo dõi, và ngài đã thoát được họ bằng cách lội băng qua sông.
Một gia đình cũng không gặp hạnh phúc là bà Hảo. Bà vừa làm đám cưới cho một trong các cô gái của bà – con Tám – cho một thanh niên ở Thị Nghè. Bà mẹ dẫn con gái đến nhà chàng rễ mới, có đứa con gái út đi theo là – thị Chín -, và một trong những con trai của bà, tên là Chất, nhưng khi đến Vàm Thuật, họ bị phát hiện là người công giáo, và ngay lập tức họ bị đưa đi Biên Hòa. Nơi đây người ta yêu cầu họ bỏ đạo, thì họ không đồng ý, thì anh Chất bị kết án lưu đày và chết khổ sở ở đó, còn hai cô con gái thì trước tiên bị đánh tàn nhẫn bằng roi và sau đó bị giam trong tù, nơi này các cô đã chết vì những cú đánh mà họ đã nhận được, và nhất là thiếu lương thực. Tuy nhiên, một trong anh em trai của hai cô gái đó đã có thể đến Biên Hòa, nhận xác hai chị em và mang về xứ Ghe Tám để chôn cất. Còn bà mẹ thì bị giam trong trong tù cùng với những người công giáo khác, họ bị đốt cháy khi xảy ra vụ chiếm thành (8)
Khi biết được những sự nhũng nhiễu mà các người công giáo chúng ta chịu đựng, chính quyền nước Pháp đã gửi những chiếc thuyền đến sông Thủ Dầu Một để đón những người muốn trốn đi. Dân chúng ở gần sông có thể dễ dàng lên các tàu để đi Sài Gòn, nhưng những người ở xa hơn, không thể đến những chiếc tàu đó, nên bị người lương bắt và dẫn họ đi Biên Hòa. Số người bất hạnh này là 30, vì sợ nhục hình nên họ đạp lên thánh giá và bị phân tán ở trong những làng người lương dưới sự theo dõi của những người mà họ đến cư ngụ. Tuy nhiên 2 trong số họ từ khước hành vi chối đạo đó, và người ta may mắn được giữ tên của họ, đó là ông Trí và ông Lõi, người ta phán quyết khắc trên má của họ hai chữ Tả Đạo, rồi thả họ ra.
Cầu Ngang xưa  lối năm 1920, Ảnh internet

 Các giáo dân trốn lên Sài Gòn thị bị dịch tả, hoặc vì thiếu nơi ở và thức ăn; còn những người sống sót thì muốn trở về gia đình của họ sớm hết sức. Vừa khi họ thấy yên ổn trở lại, các người công giáo của chúng ta trở về chỗ riêng của mình. Khi đến chợ Ghe Tám họ thấy các người lương đã bỏ nhà cửa của họ, gặp dịp này họ định cư và chọn chỗ đẹp nhất để dựng nhà nguyện. Ngôi nhà nguyện này một ít lấu sau bị người lương đốt cháy.
Chính vào thời kỳ này mà dân Công giáo đổi tên Ghe Tám của mình thành tên Búng. Đây là tên của cái chợ, nơi mà các giáo dân của chúng ta cư ngụ.
Dân có đạo vẫn chưa có mục tử coi sóc. Để lãnh các bí tích, họ đã đến Thủ Dầu Một, ở đó có cha Robert (9)cư ngụ; nhưng khi việc mục vụ vừa nhận được sự trợ giúp thì người ta gửi cha Lizé (10) đến. Ngài chỉ tạm thời và rồi được cha Khiêm (11) thay thế. Cha này sớm qua đời.
Sau đó cha Võ đến và ở nhiệm sở nầy khoảng 30 năm (12) . Ngài xây dựng tại một khu đất gần chợ một nhà thờ khá rộng rài mà sau đó thì lại quá bé nhỏ vì số đông dân. Nên một thời gian trước khi chết, cha đề nghị xây một nhà thờ khác rộng hơn thế nhiều trên một địa điểm khác.
Chính cha nầy đã để lại một kỷ niệm rất sống động nơi địa phương nầy. Người dân nơi đây gọi tên cha là cha Antôn một cách rất kính trọng. Điều nầy chứng tỏ lòng nhiệt thành của cha: đó là một số đông trẻ mà cha gởi đi chủng viện, lúc đó người ta đếm được tới 20 chủng sinh đi chủng viện. Cha cũng cung cấp một số lớn ơn gọi hoặc cho nhà kín, hoặc cho cộng đoàn thánh Phaolô thành Chartes (nhà dòng Thánh Phaolô), cũng như cho các tu viện Việt Nam là Chợ Quán và Thủ Thiêm. Khi cha chết vào năm 1886, xác cha được chôn trong ngôi nhà thờ mới, phía trước bàn thờ Đức Mẹ.
Cha Thơ (13) kế vị ngài và lo xây dựng nhà thờ mới, ngài đã tốn bao công sức. Không có quỹ cần thiết, ngài chỉ làm nhà thờ từng phần và đã cực khổ lợp xong nhà thờ trước khi rời bỏ nhiệm sở 7 năm sau đó. Giáo dân đã tích cực hi sinh nhưng họ không giàu. Lúc đó người ta bán đi – điều này thật là tiếc – một vài tài sản làm quỹ cho dân có đạo, mà chỉ được một số tiền rất khiêm tốn và thực sự giúp các công việc của dân có đạo ít thôi.
Cha Simon đến thay cha Thơ vào năm 1893 muốn xây dựng một nhà xứ và để làm nó, cha nhập gỗ từ Tây Ninh, nhưng theo kế hoạch kinh tế của cha thì trét hồ bằng đất và rơm các vách tường ở giữa các cây cột, nên mối mọt làm ổ và chẳng mấy chốc đầy dẫy cả nhà. Để thay đổi một chút các tên thánh có quá ít ỏi mà dân Việt Nam của chúng ta truyền lại cho nhau, cha đã lập một danh sách các vị thánh, khóa và gắn trên giếng nước rửa tội để người ta có thể chọn tên thánh cho đứa con khi rửa tội. Cha cũng muốn các thanh niên không phải không có gì làm khi tham gia phụng vụ, nên cha buộc họ mỗi người có một sách mục lục. Khi đi đến Cấp (Vũng Tàu) , cha nhường chỗ lại cho cha Frison (1896). Cha Frison lo tô phía trong nhà thờ và lát gạch bông nơi cung thánh; và để làm nổi bật các nghi lễ, ngài đem về ba quả chuông đẹp mà ngài chỉ kịp trang bị trước khi ngài rời đi (1900).
Sau đó cha Colson quản nhiệm họ đạo nầy chỉ trong vòng hai năm và quay về Tân Qui nơi mà trước đó ngài ra đi với nhiều cơ cực.
Cha Martin (Nghi) kế vị ngài và xây nhà xứ hiện nay, làm xong việc tô phía ngoài nhà thờ và sửa sang phòng thánh. Giáo dân xứ Búng đã cung cấp cho giáo hội miền nam Việt Nam 12 linh mục, trong số đó hãnh diện có một vị tử đạo: Chân phước Phêrô Quí. Người cháu của Á Thánh Quí là cha Triệu, các cha Gia, Dư, Cậy, Vật (ba cha Dư, Cậy, Vật đã chết). Các cha Tự, Quí, Vàng để chính xác. Ta cũng phải thêm vào danh sách nầy các tên khác: Trương, Lắm, Kiểm, Việc.
Sáu nữ tu dâng mình vào dòng kín. Ba người chết ở Sài Gòn, còn ba người còn sống đã đi Hà Nội để lập một tu viện khác ở đó.
Nhà dòng Thánh Phaolồ đã nhận được 18 cô gái trong số các thành viên của mình và 15 cô khác đã đi tu ở tu viện Chợ Quán và Thủ Thiêm.
Nhà thờ Búng năm 1970. Ảnh Keith Mc Graw

III. HIỆN TRẠNG ( đời cha sở Martin)
A. Về phương diện thiêng liêng: có thể chia dân có đạo thành 3 nhóm:
• Những người sốt sắng tham dự lễ ngày thường và lãnh các bí tích mỗi tháng hay thường xuyên hơn. Số này khoảng 60 đến 80.
• Giáo dân thông thường, giữ luật chung của giáo hội và rước lễ 1 hay 2 lần một năm, là phần đông.
• Cuối cùng, những người trễ nãi, cách chung là thờ ơ, theo đạo một cách đại khái vì cha họ đã theo đạo, và bởi vì họ đã được rửa tội. Không do dự làm việc ngày Chúa nhật và bỏ lễ thỉnh thoảng. Trong số này khoảng 20 gia đình.
Tất cả đều biết những chân lý căn bản của đạo chúng ta, nhưng ít bàn đến vấn đề đạo đức trong nhà của họ, nên các trẻ nhỏ chỉ có thể được dạy đạo khi đến học giáo lý trong các trường của chúng ta.
Như tôi đã nói trên đây, từ 60 đến 80 rước lễ đều đặn mỗi tháng, 5 hay 6 người rước lễ mỗi tuần, nhưng chưa có ai rước lễ thường xuyên.
Ít tham dự đọc kinh ngày Chúa nhật, các ông quới chức không làm gương tốt về vấn đề nầy, cũng như một phần lớn giáo dân đi đến khi đọc kinh xong và khi lễ sắp bắt đầu.
Cách chung việc giữ việc xác ngày Chúa nhật được giữ gìn.
Việc sùng kính:
a) Thánh Tâm: Thứ Sáu đầu tháng có 70 đến 80 người rước lễ. Trong tháng dâng kính Thánh Tâm, người ta đọc kinh cầu trong khi cử hành thánh lễ.
b) Đức Trinh Nữ: Vì tháng Đức Mẹ nhằm lúc hái măng cụt và vì phần đông giáo dân là nông dân hay người làm công nhật, tất cả không thể đến dự được. Người ta làm việc sung kính nầy vào ban tối, có khoảng 100 người đến dự, cùng với các học trò tham dự, thì con số từ 200 đến 250.
Hội Mân Côi được thành lập trong giáo xứ và có đến 130 người. Trong tuần thì một vài người đến nhà thờ để lần chuỗi. Cuối cùng, mỗi Chúa nhật đầu tháng, các tín hữu đi kiệu.
Trong một vài gia đình, người ta lần chuỗi trước khi đi ngủ. có vài đồ dâng cúng ở bàn thờ Đức Mẹ và chủ yếu là đèn cầy.
c) Thánh Giuse: Hơi bị bỏ rơi. Người ta ít chăm sóc bàn thờ Thánh Giuse. Trong tháng kính Thánh Giuse, các tín hữu dự lễ đọc kinh cầu.
+ Về Thánh AnTôn: người ta dựng một tượng, và những người muốn hưởng được ân huệ nào đó thì dâng cúng, số tiền nầy không hơn hai đồng mỗi tháng.
d) Các linh hồn ở luyện ngục: mỗi thứ Hai, người ta người ta cầu lễ cho các linh hồn, và ngày 2/11 đối với cả họ đạo là một ngày cố định để dự lễ. Chừng ½ dân chúng không xin lễ trừ ra khi một người trong gia đình chết đi thì xin lễ. Phần đông vì nghèo, những người còn lại thì chểnh mãng. Còn những người khác thì xin lễ quá lắm là thánh lễ cho một linh mục duy nhất.
TRƯỜNG HỌC
Bà Trà gồm 90 tín hữu, không có trường; Bình Sơn có một trường hỗn hợp do một thầy đã có gia đình đứng lớp. Vì giáo dân ở đây có vài khu vườn nên họ trich ra từ huê lợi của họ một số tiền để trả lương cho thầy và các gia đình đóng góp chung nhau để chu toàn việc nầy.
Búng có hai trường: một trường dành cho nam, và một dành cho nữ. Trường nam do một thầy cựu chủng sinh dạy. Ngoài giáo lý, người ta dạy đọc, viết và bốn phép tính, nhưng không thành công bao nhiêu vì một số trẻ em bị lôi đi học; hơn nữa, cha mẹ không thúc chúng đến trường và không muốn cung cấp cho chúng những (của ăn) vật dụng (thứ) căn bản.
Lớp nữ thì do một ông biện đồng nhi dạy. Ở đây cũng dạy các môn như ở trường nam, trừ ra ít dạy chúng viết và toán. Khi việc mục vụ hưởng được tiền trợ cấp mà chính phủ ban cho các trường học, thì các em nữ được các nữ tu Thủ Thiêm dạy. Nhưng khi tiền trợ cấp bị bỏ đi thì giáo dân không muốn làm gì cả để mời họ đến và để không gián đoạn khóa học của các lớp, tôi bắt buộc phải tìm trong giáo dân một thầy dạy, nhiều lần tôi đã nói với các nhân vật lớn trong giáo dân để thử mời các nữ tu đến, và tôi luôn nhân được câu trả lời nầy: “Bẩm cha, chúng tôi nghèo”. Để lập khoản tiền thầy dạy, việc đóng góp thôi không đủ để trả hoàn toàn, mặc dù việc trả lương cô giáo tiết kiệm là 60 đồng, có một năm tôi buộc phải chịu trách nhiệm khoản kinh phí nầy. Trong những chỗ khác, người ta có thể lấy tiền huê lợi, những bất động sản để cung cấp cho việc dạy trẻ em, điều nầy tránh được việc quyên tiền hàng năm, điều mà giáo dân chúng tôi chán nản nhanh lắm; nhưng ở Búng tất cả tài sản đã bị bán hết cách đây 20 năm khi xây nhà thờ.
GIÁO LÝ LÂU DÀI
Nói chung các cô gái theo học khá. Còn thanh niên nam thì bỏ từ khi chịu Bí tích Thêm sức, chỉ khoảng 12 người sẵn sàng nhất có mặt thôi. Một số phụ nữ đến dự giáo lý, còn các ông thì rất ít. Còn các quới chức, con số đến khoảng 20 người, chỉ được 3 hay 4 người chủ tọa kinh tối.
HỘI HÀI ĐỒNG
Người ta ít đi tìm những trẻ em ngoại đạo sắp chết; nhưng khi các giáo dân có dịp gặp chúng, họ vui lòng cưu mang chúng. Nếu các em có thể qua được bú mẹ thì họ sẵn sàng đảm nhận, nhưng nếu chúng còn phải bú mẹ thì họ thích gởi chúng đến cô nhi viện ở Lái Thiêu. Khi họ nhận nuôi thì cách chung họ chăm sóc và xem chúng như con ruột của họ.
B. TÌNH TRẠNG VẬT CHẤT
a) Nhà thờ hiện nay có được khoảng 20 tuổi và có những hàng hiên chưa lát gạch vuông (gạch tàu)
b) Các trường học được dựng bằng gỗ khá tốt và lợp tranh.
c) Nhà xứ hiện tại được cất lên cách đây 9 năm, có một lầu và đã được xây trong những điều kiện tốt đẹp (1902)
d) Các bất động sản đã được bán đi để xây nhà thờ và chỉ còn một khu đất thổ cư để cho người giáo dân nghèo ở. Và một miếng đất mà cha Frison trước đó đã mua và nhường lại cho dân có đạo.
Các quới chức, những người phải lo làm cho những của cải đó có giá trị và lo chăm sóc các cơ sở thuộc về họ, thì không lo gì cả, cả bổn phận trong trách nhiệm của họ.
Dân công giáo có được một thánh tích đặc biệt của Á Thánh Phêrô Quí, mà Đức Giám mục Bouchut (14) rất muốn nhường lại cho ngài năm vừa qua.
Búng, ngày 10 tháng 02 năm 1911
Joseph Martin
(Thừa sai)
Hai chú thích sau bài viết của cha Martin:
1. Cha Martin qua đời ngày 8/8/1916. Cha Miều thay thế ở Búng, năm 1913 cha Martin cho xây hai ngôi trường lớn:- trường dành cho nữ, với vách tường bằng bê-tông;- trường dành cho nam, có vách ngăn bằng ván, cả hai được lợp ngói. (12/1917)
2. Nhà thờ Bình Sơn (thuộc họ đạo Búng). Trước khi chết, cha Martin cho xây lại nhà nguyện dự phòng, được biết dưới cái tên là nhà thờ Bình Sơn. Nhà thờ nầy đã được thánh hiến trọng thể bởi Đức Giám mục Quinton ngày 21/2/1919 với thánh hiệu là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (24/05)
CHÚ THÍCH
1. Theo “Le pays d’Annam” trang 10-11, của Eliacin Luro, 1878.
2. Đức cha Pierre Joseph Georges Pigneau (Bá Đa Lộc), Giám mục hiệu tòa Adran. Đại diện tông tòa Đàng trong từ 1771 – 1799.
3. Cha Duông, cha Thông thuộc thế hệ 2 chịu chức Linh mục khoảng từ 1800 – 1849 (trích lục danh sách Linh mục miền nam từ đầu đến 1890).
4. Cha Tám là Linh mục chuẩn bị cho Thánh Quí đi tu.
5. Sinh 1803 đến Lái Thiêu năm 1830 và coi 25 họ đạo, chết ngày 30.11.1835, thời Minh Mạng.
6. Theo danh sách các linh mục miền nam từ khởi đầu có cha Tám (cha Tại không có tên, có lẽ viết sai) cha Jb Giáo, cha Ý (không có cha Y), cha Giuse Chữ.
7. Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) làm Tổng trấn Gia Định 2 lần; lần 1 từ 1812 – 1816; lần 2 từ 1820 – 1832 qua đời.
“Vua Minh Mạng kế ngôi Gia Long phải kiêng sợ vị quan tả quân này, chẳng dám bắt người sự gì. Trong đời quan trấn này tại Sài Gòn thì các bổn đạo đâu đó đều đặng bình an, khỏi sợ bắt bớ vì đạo. Một việc này cũng đủ làm chứng quan tả quân Lê Văn Duyệt có lòng thương con nhà giáo hữu. Là ngày kia trong khi  người đang chơi xem cuộc đá gà, vừa đặng sắc chỉ vua Minh Mạng dạy bắt bớ bổn đạo và người Tây (trong năm 1828), thì quan ấy liền nói lớn rằng: “ Có lẽ nào chúng ta bắt bớ kẻ đồng đạo với Đức Thầy Vêrô và mấy người Tây làm chi, miệng ta còn đang nhai cơm của Đức Thầy và mấy người Tây đây…không đâu, bao lâu tôi còn sống thì không ai nên làm chuyện ấy. Chừng tôi chết rồi đã, vua muốn làm gì thì mặc ý” (NKĐP năm 1918, trang 361). Trích từ mục “ Buổi sơ đạo Thiên Chúa ở miền Nam”  trong Hồ sơ về Lục Châu Học, trang 261, Gs. Nguyễn Văn Trung.
Vua Minh Mạng thầm ghét Lê Văn Duyệt vì không cấm đạo gắt gao. Nhưng ông Lê Văn Duyệt cho rằng, việc cấm đạo, bắt bớ, chém giết các nhà truyền giáo, giáo dân, bế quan tỏa cảng là một chính sách sai lầm. (wikipedia.org)
Cụ Phan Thanh Giản, một vị quan tài đức thời ấy có nói rằng: “ Gia Định này thật có phúc mới gặp dược một Tổng trấn như đại quan…(Về đạo Công giáo) cảnh dân theo đạo Công giáo trốn chui trốn nhủi như ở ngoài Bắc thành, kinh thành, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố. Tôi thật mừng, mình làm quan thấy dân vui thì mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách”. (wikipedia.org)
8. Ngày 16/12/1861. 401 giáo dân bị thiêu sống . Xem Lịch sử GHCG Việt Nam, trang 352 – Bùi Đức Sinh. 
9. Cha ROBERT, (cố Thuận) Jean-François (1822-1852-1888). Gia nhập Hội Thừa sai Paris ngày 03. 07. 1856. Ngày 27. 08. 1857 lên đường đi Địa phận Nam Đàng Ngoài (Vinh). Vì tránh bắt đạo nên đi lánh nạn ở Sài Gòn. Coi sóc họ Thủ Dầu Một từ  năm 1861-1864. Qua đời ngày16. 02. 1888, tại Xã Đoài.
10. Cha François Rémi Lizé (cố Lũy),(1838-1861-1887) đến Sài Gòn năm 1862.
11. Cha Khiêm thuộc linh mục thế hệ thứ 2 trong danh sách các Linh mục miền nam từ đầu đến năm 1890. Lời kể trong ghi chú của cha D. Eveillard: “Cha khiêm kế vị ở xứ Búng sau cha Lizé vào khoảng năm 1863. Ngài ở đó được 1 năm thì những người phản nghịch đến nhằm đốt dân có đạo và giết ông cha. Bất ngờ bị tấn công, cha Khiêm trốn giữa một gốc cột và những chiếc chiếu. Các người bên lương chiếm nhà, lục lọi khắp nơi, dùng giáo đâm chọt khắp mọi góc nhà tối tăm. Không một cú chọt nào đụng đến cha và họ không tìm ra cha. Sau khi đã đâm nát, họ bắt đầu đốt nhà thờ và nhà cha ở. Cha Khiêm cuối cùng cũng thoát được.” Cha Khiêm chết vào năm 1869.
12. Cha Antôn Nguyễn Văn Võ sinh 1837 tại Thủ Ngữ, Linh mục năm 1866 và chết năm 1886 ở Búng. Vậy không thể ở Búng 30 năm. – từ năm 1856. Cha Khiêm ở Búng năm 1863 nên cha Võ không thể ở Búng trước thời gian đó. Cha Võ ở Búng  13 năm! Sổ rửa tội ở Búng được cha Võ ghi từ năm 1875.
13. Cha Phêrô Martinô Nguyễn Tri Thơ, sinh năm 1848, tại Mỹ Hảo, linh mục năm 1878, qua đời năm 1927.
14. Đức cha Jean Claude Bouchut (Giám mục Tông tòa Giáo phận Nam Vang)

Người dịch & chú thích:
Patriciô Nguyễn Văn Tiền


Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Monographie de La Chréstienté de Búng




Đấng Đáng Kính Phêrô Quí

ĐẤNG ĐÁNG KÍNH PHÊRÔ QUÍ
Linh mục Tây Đàng Trong
Bị chém đầu, 31/07/1859
I
Sinh ra tại giáo xứ Búng, tỉnh Gia Định, vào năm 1826 hay 1827, cha mẹ là Kitô hữu, PHÊRÔ QUÍ được chú ý vì sự thông minh và đạo đức bởi một linh mục bản xứ. Linh mục nầy đưa Phêrô Quí đến nơi ngài ở, và khoảng năm 1847, gửi Phêrô Quí cho M.Miche, lúc ấy là Đại diện Tây Đàng Trong.
Khi ở gần linh mục nầy, Phêrô Quí bắt đầu học tiếng Latinh; và còn tiếp tục học ở chủng viện Thánh Giuse, khi đó Cha Borelle là Bề trên, sau đó Phêrô Quí được gửi sang học viện Pinăng và học ở đó 7 năm.
Phêrô Quí nổi bật về tính trung thực, tình yêu đối với Đức Trinh Nữ, và chuyên tâm học hành.
Khi trở về nước, Phêrô Quí hoàn tất các môn thần học ở Thị Nghè. Trong khoảng thời gian giữa các chức, Phêrô Quí được làm giáo lý viên, và “ Sự hăng say do lòng nhiệt thành làm gia tăng số người thờ phượng Thiên Chúa chân thật đã đem đến thành công” Được xét là xứng đáng với chức linh mục, nên Phêrô Quí được Đức Giám mục Lefèbvre phong linh mục vào tháng 9 năm 1858 và được sai đi làm phó xứ Cái Mơn cho một cha sở người An-nam, dưới sự chỉ đạo của bề trên Borelle.
 Cha Borelle làm chứng cho cha Quí khi chứng minh rõ ràng ao ước lớn lao mà vị tử đạo tương lai có được là đổ máu mình ra vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta “ Cha Quí đang ở Cái Mơn với lòng nhiệt thành hăng say thì xảy ra cuộc thảm họa ở dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 10 tháng 2 năm ấy. Trong hoàn cảnh nầy, cha Quí tỏ ra sẵn sàng theo gương Đấng Cứu Thế, muốn dâng mạng sống cho đàn chiên, bởi vì, thay vì lẫn trốn như một người cẩn thận phải như thế, thì cha Quí lại xuất hiện giữa đám lính đang bắt bớ các ông trùm trong làng, cố gắng làm cho lính thả họ ra bằng cách cho chúng vài trăm quan tiền. Vài ngày sau đó, ước muốn tử đạo của cha lại bừng cháy khi nghe câu chuyện về những cực hình khủng khiếp mà các nữ tu phải chịu, và cha Quí đã viết cho tôi như sau, để trả lời ý kiến mà tôi nghĩ phải nói ra cho ngài, là không được nộp mình uổng phí “ Thưa cha, đúng vậy, quanh con có nhiều nguy hiểm, nhưng Thiên Chúa chưa cho phép con rơi vào quyền lực thù địch: có lẽ tội lỗi của con là nguyên nhân và con nhận thấy con không được vinh dự chịu khổ vì Danh ngài. Phải chịu thôi, tuy nhiên, Chúa chúng ta ngày xưa đã chịu vác thánh giá! Ồ ! Tới phiên con, ước gì con có thể chịu gông cùm và xiềng xích! Nhưng con chưa xứng đáng để được trang hoàng bằng những huy hiệu ấy. Con rất muốn đi đến tỉnh để cổ võ những nhân chứng đức tin. Khi nào cha mới nhận ra sự việc để sai con đến đó?”.
Người ta đã nói cho cha Quí ý tôi là nên tránh những sự khám xét nhắm vào cha, bằng cách rời bỏ giáo xứ. Đây là trả lời của ngài: “ Khi cha muốn con đi khỏi đây con xin cha gửi cho con lệnh chính thức và viết tay; nếu không có cái đó, thì dù cha nghĩ thế nào, đứa con của cha sẽ ở lại nhiệm sở bao lâu mà con chưa nhận được lệnh rõ ràng của cha”- Sau dó, cha Quí chịu chuyển đi một cách đạo đức, cha diễn tả như sau, hay đúng hơn, cha hát lên lòng ước ao tử đạo lớn lao của cha: “ Tôi sẽ không có được vinh dự chiến đấu và chết đi vì vinh quang Thiên Chúa sao? Ước gì xiềng xich đối với tôi là một vòng đeo cổ quí báu! Ước gì xích sắt đối với tôi là vòng tay! Ôi ! các bạn tôi mang lại cành lá (vinh quang), còn tôi, tôi vẫn ở đây giống như một tên lính gác bị bỏ quên! Ôi Thiên Chúa của con! Xin cũng hãy cho con được tử đạo”. Lúc đó cha Quí đã nhận được lời khuyên của Đức Giám Mục Đại diện Tông tòa, tôi gửi một chiếc ghe và một vài tín hữu được chỉ định để tránh cho cha khỏi bị nguy hiểm cận kề cha gặp phải, bằng cách đưa cha đến với tôi; và 2 ngày sau, cha Quí đi Đầu Nước, thủ phủ mà cha được chỉ định thuộc tỉnh An Giang.
Tôi đã sai cha đến việc tử đạo, đối tượng mà cha rất mong ước, trong khi tôi tưởng là tránh được việc đó cho cha”.
II
Khoảng 10 ngày, có hai người lương tố giác có một thừa sai người Pháp, cha Pernot (1) đang ẩn mình trong nhà của ông Emmanuel Phụng, ông trùm của họ đạo Đầu Nước.
Quan đầu tỉnh sai hàng trăm người đi bắt vị linh mục ngoại quốc đó.
Được báo vào giờ chót, cha Pernot khuyên cha Quí trốn khỏi những cuộc truy lùng đó.
Tin tưởng vào quốc tịch bản xứ của mình và nghĩ rằng không có dấu hiệu rõ rệt nào chỉ cho quan và các tay sai biết ngài, nên cha Quí nhẹ nhàng đáp lại: “ Thưa cha, cha hãy trốn đi; còn con con còn thời gian để dễ dàng thoát khỏi vụ việc”.
Cha Pernot trốn đi, còn cha Quí vẫn ở trong nhà ông Phụng. Tuy nhiên, cha cẩn thận núp dưới bộ ván, nhưng ngài cũng bị người ta tìm ra ngay.
Viên quan lại ngay sau đó có mặt và đòi vị linh mục người tây. Khi ông Lê Văn Phụng trả lời là không có vị linh mục người tây nào ở trong nhà của ông, vị quan kia đáp: “ Vậy ông cha đạo ở đâu”?. Nghe những lời ấy, cha Quí trình diện và nói: “ Chính tôi là cha đạo đây”
– Không, không phải anh, hãy nộp cho tôi vị linh mục người tây ngay, ông nầy đã bị người ta tố giác.
Cha Phêrô Quí khẳng định: - Không có linh mục người tây nào ở đây cả. Chính tôi mới là cha đạo, tôi hãnh diện dạy đạo cho nhưng ai muốn nghe.
Trả lời một cách đầy khẳng khái nhưng cha có vẽ còn quá trẻ nên viên quan không muốn tin, và khi thấy một đứa bé 10 tuổi, con nuôi của ông Emmanuel Phụng, viên quan vừa cho đánh nó vài roi, vừa bắt nó nói ra linh mục ở đâu. Đứa bé vừa chỉ cha Quí vừa nói: “ Ông nầy đây” Không còn nghi ngờ gì nữa, viên quan ra lệnh trói cha Quí cũng như ông Lê Văn Phụng và 32 giáo dân. Đó là ngày 07 tháng 01 năm 1859.
Cha Quí được dẫn về Châu Đốc và trình diện trước quan đầu tỉnh. Ông này hỏi cha có phải là linh mục không. Cha đáp: “Tôi là linh mục”.
– Anh có muốn vâng phục nhà vua và từ bỏ đạo của anh không?
– Tôi thực hành đạo của Đức Chúa Trời, tôi sẽ không từ bỏ đạo; dù ông có ra phán quyết nào đi nữa, tôi sẽ chấp nhận.
Những cuộc hỏi cung khác tiếp tục sau lần hỏi cung đó. Người ta hỏi cha Quí là cha mẹ của cha ở đâu – “ Họ đã chết rồi” và ai đã huấn luyện cha
- Tôi đã đi đến các nước Tây âu, tôi đã trở về qua Kămpốt, qua Oudong (2) và sau đó tới chỗ của ông Lê Văn Phụng. Những sách vở và đồ đạc tôn giáo từ đâu mà đến – chúng là của một linh mục khác, tên là Thang (3)
Trước lệnh phải chối bỏ đức tin. Ngài đáp lại:
 – Làm sao tôi bỏ đức tin được, vì tôi giảng dạy điều đó?
 – Viên quan nhấn mạnh:
–Nếu anh muốn bỏ đức tin, tôi sẽ cho anh tự do, nếu không tôi sẽ kết án tử hình anh.
– Thưa quan lớn, nếu quan tha cho tôi, quan sẽ ban cho tôi một ân huệ lớn; nếu quan ra lệnh giết tôi, tôi sẽ vâng phục phán quyết của quan; nhưng chối bỏ Thiên Chúa thì tôi sẽ không làm đâu.
Trước cũng một câu hỏi đó trong một cuộc đối thoại, cha Quí vui vẻ trả lời: “ Thật là vô ích khi quan mất thời gian để nói như thế. Tôi sẽ không chối bỏ đức tin của tôi”.
Quan đầu tỉnh cho điệu cha Quí đến chỗ ông, và mạnh mẽ bắt ngài bỏ đạo; để đổi lại ông hứa cho cha được tự do. Trước những cử chỉ hòa hoãn này, cha Quí đáp lại một cách rất lịch sự, nhưng với sự khẳng khái “ Tôi sẽ không chối bỏ đức tin của tôi”.
Trước sự khẳng định kiên trì và can đảm nầy, viên quan hiểu rằng mọi nỗ lực của ông không có kết quả gì, và ông ra phán quyết kết án chém đầu cha Quí vì phạm tội đã rao giảng tôn giáo đồi bại, ông gửi bản án này cho triều đình Huế để nhà vua phê chuẩn.
Nhiều tháng trôi qua, trước khi có phúc đáp đến, bị can trãi những tháng một cách yên bình, làm việc bác ái đối với các bạn tù bất hạnh, với tất cả các lính gác và những cai ngục. Cha phân phát chút ít tiền bạc mà cha nhận được do sứ vụ hoặc từ giáo dân cho.
Một phần những ngày đó, cha đã dành cho kinh nguyện, lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh Nhật tụng, say ngắm, vv. Cha ăn chay rất nhiều vì muốn chuẩn bị cho phúc tử đạo bằng việc hãm xác.
Đối với các giáo dân đến thăm, cha có những lời khuyên bảo đạo đức; chẳng hạn, đối với anh Phêrô Tam, là con của ông Emmanuel Phụng, cha nói: “Hãy thường xuyên đến tòa giải tội, đừng bỏ kinh nguyện, đừng phạm tội để linh hồn thêm mạnh mẽ”.
Nhiều linh mục thăm viếng ngài, đem niềm vui và ơn xá giải, kể ra có các cha Trum và Khanh,, còn cha Vọng đem Mình Thánh Chúa cho ngài. Cha Borelle kể: “ Có 02 giáo dân bị bắt với ngài, chối đạo vì yếu đuối, sợ chịu đựng những khắc nghiệt của lưu đày - cha Quí an ủi nâng họ khỏi sa ngã và giúp họ chấp nhận cách can đảm sự thông phần vào thánh giá của Đấng Cứu Thế. “ Một tháng sau khi vụ án đã kết thúc và biết rằng người Pháp đã chiếm lấy Sài Gòn, cha Quí đã viết cho tôi, để tỏ cho tôi thấy ngài sợ chiến thắng nầy sẽ cất đi cơ hội tốt đẹp được tử đạo. Tôi đã mong ước điều đó một chút thôi, tuy nhiên, tôi không ngừng động viên ngài tiếp tục dâng cho Chúa hy sinh mạng sống mình, để ít ra có công nghiệp nếu triều thiên (tử đạo) không dến với ngài, và cũng để không ngạc nhiên trong trường hợp mà hanh phúc nầy sẽ được dành cho ngài”.
III
Mong ước này không xảy ra, lệnh được phê chuẩn từ triều đình Huế đến vào ngày 30 tháng 7 năm 1859, và việc hành hình được định vào ngày mai; nhưng lo sợ các giáo dân muốn cố gắng giải thoát ngài, và tin tưởng vào hiệu lực của cây thập giá hơn là sự gan dạ của giáo dân nên các tên lính đặt các cây thập giá trước các cửa ra vào của thành, và xiềng tất cả các từ nhân lại cho tới khi hành hình xong.
Ngày 31 tháng 7 từ sáng sớm, một tốp lính xếp hàng trước nhà tù; viên chỉ huy đi vào báo cho cha Quí là đã đến giờ (4),.Giống như đi dự lễ hội, cha Quí mặc lễ phục và đội chiếc khăn đẹp nhất . Người ta đeo vào cổ của cha một tấm ván nhỏ có ghi tên và hình phạt của cha. Trong lúc nầy, cha Quí nói với ông Emmanuel Phụng sắp chịu chết với ngài: “ Đây là giờ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta trong cuộc chiến cuối cùng; chúng ta hãy chịu khổ vì Chúa với lòng can đảm và sẵn sàng” Đoàn hộ tống bước đi, cha Quí bước tới rạng rỡ niềm vui, tập trung cầu nguyện giữa hai hàng lính tráng cầm giáo. Đến gần Cây Mẹt, nơi được chỉ định để hành hình, đoàn người đứng lại.
Nhiều giáo dân lại gần cha Quí, và chào cha 3 lần, trán cúi sát đất. Vị chứng nhân cám ơn họ và khuyên họ như sau: “ Anh em trước tiên hãy tìm kiếm nước Chúa, hãy tránh xa nết xấu, hãy thực hiện nhân đức”.
Sau đó cha nói với ông Emmanuel Phụng: “Hãy quì xuống, hãy ăn năn tội, tôi sẽ ban phép giải tội cho ông (5)
Viên quan nghe điều đó thì ra lệnh cho lính: “Hãy để họ làm điều họ muốn, ta sẽ xem sao”
Sau khi đã đọc công thức tha tội, cha Quí tay cầm một tượng Đức Mẹ, trên ngực áo có một hộp mạ vàng đựng xương của nhiều vị thánh, quì gối và ăn năn tội; rồi, gỡ khăn chít đầu ra, cha đưa nó cho anh Gioan Baotixita Chinh, một thanh niên đã giúp đỡ ngài trong tù. Anh nầy lạy cha ba lần, anh nói: “Thưa cha, về trời, cha nhớ cầu nguyện cho con”
Viên quan kiên nhẫn theo dõi những từ biệt cảm động và thấy đã xong hết, ông ra lệnh: “ Sau tiếng chiêng thứ ba, hãy chặt đầu ba nhát”
Tên đao phủ trói chặt hai tay cha Quí lại sau lưng để cho lồng ngực nhô ra; anh ta nâng đầu cha lên, ra lệnh cho cha quỳ xuống và thẳng người; rồi anh ta rút kiếm ra và chặt. nhát đầu chỉ gây vết thương, nhát thứ hai làm bể một phần xương, nhát thứ ba đến cổ họng, và nhát thứ tư tách đầu rời thân.
Người ta nói rằng trong cuộc tử hình tàn bạo nầy, cha Quí vẫn thản nhiên. Các viên quan và đám đông tham dự ngạc nhiên trước sự can đảm dường ấy, đã lặp đi lặp lại: “ Chưa bao giờ chúng ta thấy một người chết như thế”.
Nạn nhân vẫn nằm bắt động ở chỗ hành quyết từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, theo lệnh đã ban hành.
Lúc đó, anh Gioan Baotixita Chinh xin quan cho phép lo nghi thức cuối cùng cho người chết – Và sau khi được phép, anh thấm máu, lấy hộp xương thánh và tượng Đức Mẹ mà vị tử đạo còn nắm ở tay, chỉnh lại đầu và thân và anh đặt vào trong quan tài.
Thi hài sau đó được chuyển về họ Năng Gù. Sau khi để một ngày một đêm cho giáo dân kính viếng, thi hài được chôn cất trong nhà thờ.
-------------------------
Chú thích:
1.     Giáo phận Besançon, đến xứ truyền giáo năm 1852, là Giám đốc Chủng viện Thừa sai năm 1860, chết ngày 27/02/1904.
2.     Thủ đô cũ của Campuchia thế kỷ 17 – 19, sau đó dời về Phnômpênh.
3.     Vấn đề này cha Borelle có bản thuật lại khác, như sau: “ Phần lớn đồ đạc của cha Pernot, và nhất là thư viện của ngài đã bị lấy trong cuộc tẩu tán, nên phải giải thích cho độc giả và tìm một người chủ cho chúng – vì vậy, các thơ ký của tòa án đã đồng thuận là cha Quí biết tất cả đồ đạc này thuộc về ngài; nhưng ta không xét đến sự tế nhị lương tâm của ngài. Ta không bao giờ có thể xác định Ngài dám theo chuyện hư cấu này, và ngài trả lời cho những người thúc ép ngài rằng, ngài không thể nói láo để giúp một ai đó, cho dù để ngăn ngừa những sự dữ lớn hơn. Vậy ông Emmanuel Phụng, ít đắn đo hơn và quen từ lâu với những xoay sở, tuyên bố rằng các đồ đạc này đã được gửi đến nhà ông và giao cho ông gìn giữ do một linh mục bị đày từ 12 năm nay, và như thế ông đề phòng sự lục soát.
4.     Theo cha Borelle, hai tên tay sai lúc đó đã đánh một cái mạnh vào ngực cha Quí.
5.     Cha Borelle thuật lại chuyện nầy hơi khác: “Bên ngoài thành, gần một cây to, cha Quí xin quan chỉ huy nghỉ một chút, và được dồng ý. Lúc đó, người ta thấy cha và ông giáo lý viên nói chuyện với nhau và cầu nguyện chung, chắc là ông Emmanuel lãnh nhận phép giải tội lần cuối”

 
------------------------------------------------

Bài tường trình rút gọn nầy đã được soạn theo bảng sơ lược của những án thuộc Tông tòa (Sommaire des Procès apostoliques) trang 267 – 290, và 1 bức thơ của cha Borelle, thừa sai ở Tây Đàng Trong, gửi cho các giám đốc của chủng viện Hội Thừa Sai ngày 21/2/1860. A.F.P, quyển 33, trang 435. 1 lá thơ của cha Gazignol, thừa sai ở Campuchia: Niên giám các ME, số 39, tháng 5 – 6, 1904, trang 159.
Một vài nhận xét riêng của P.T (người dịch)
1) Tên của thánh tử đạo là QUÍ (không phải QUÝ)
2) Tựa đề của bài nầy “ Le VÉNÉRABLE PIERRE QUÍ” nghĩa là “ Đấng Đáng Kính Phêrô QUÍ”. Vậy, bài nầy được viết ra trước khi Thánh Quí được phong Á Thánh do Đức Giáo Hoàng PIÔ X, ngày 02/05/1909.
 3) Thánh Quí được phong chức linh mục do ĐGM Lefèbvre (Đức cha Ngãi), ngài phục vụ cho giáo phận Tây Đàng Trong từ 1844 đến 1864 (xem niên giám GHCGVN, 2016, Tổng giáo phận TPHCM, trang 818 – 819. Vậy, Thánh Quí được phong chức linh mục ở tại quê hương Việt Nam (không phải ở Penang. Malaysia)

Người dịch & chú thích
Patriciô Nguyễn Văn Tiền,
Ngày 18 tháng 11 năm 2019.