Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1566, ngày 27 tháng 7 năm 1939

Số phận kho báu triều Nguyễn sau biến động ngày 5. 7. 1885

 KỲ 5 & 6

5) NGƯỜI PHÁP ĐÃ LÀM GÌ VỚI KHO BÁU TRIỀU NGUYỄN?

Gabriel Devéria là một trong những nhà Hán học hàng đầu ở Pháp lúc bấy giờ. Ông ta sinh tại Paris năm 1844, là con của Achille Devéria, một họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng, đồng thời cũng là cháu của Eugène Devéria, một họa sĩ còn nổi tiếng hơn nữa. Từ tháng 2.1860, Gabriel Devéria được cử làm thông ngôn ở nhiều nơi, cuối cùng ở Công sứ quán Pháp tại Bắc kinh vào năm 1873.

Năm 1880, Devéria trở về Pháp và làm thông ngôn tại Bộ Ngoại giao từ năm 1882. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp lúc bấy giờ là Freycinet từng có lần phụ trách lãnh vực bảo hộ tại bộ nên rất quan tâm đến phần kho báu triều Nguyễn vừa được đưa về Paris.

Ngày 12.11.1886, Freycinet gửi cho Giám đốc Nha Tiền tệ - Bộ Tài chánh Jean-Louis Ruau một công văn yêu cầu sớm thông báo con số chính xác trị giá của số của cải trong kho báu triều Nguyễn đang do ông này quản lý. Sự việc trở nên căng thẳng hơn vào ngày 3.12.1886, khi Giám đốc Nha Tiền tệ nhận ba văn thư do một viên chức Bộ Ngoại giao là De Lalande gửi đến, yêu cầu ông ta cung cấp tài liệu nghiên cứu sơ khởi cùng bảng xếp hạng các thỏi vàng bạc trong kho báu.

Cuối cùng thì nhân vật chủ chốt cũng xuất hiện. Đó là Anatole Chabouillet (1814-1889), Giám đốc Sở Huy chương của Thư viện Quốc gia Pháp. Ông này xuất thân từ một gia đình trí thức và nghệ sĩ, thường đi lại với các nhân vật nổi tiếng đương thời như nhà viết kịch Mérimée, nhà thơ Alfred de Musset, họa sĩ Delacroix, văn sĩ Gustave Flaubert, công chúa Mathilde …

Ngày 9.12.1886, Chabouillet gửi cho Giám đốc Nha Tiền tệ một văn thư đề nghị Nha này chuyển cho Văn phòng huy chương của Thư viện Quốc gia một số thỏi vàng, bạc và tiền đồng từ kho báu triều Nguyễn. Dòm ngó kho báu triều Nguyễn lần này là ba bộ: Ngoại giao, Tài chánh và Giáo dục & Mỹ thuật. Trước sức ép của những cơ quan này, ngày 16.12.1886, Jean-Louis Ruau yêu cầu Giám đốc phụ trách việc sản xuất thử tiền tệ công bố cấu tạo về mặt kim loại và lượng kim loại thuần chất trong các thỏi vàng bạc thuộc kho báu triều Nguyễn. Lần đầu tiên người ta đã nấu chảy một khối lượng vàng nặng 7,396 kg và đến ngày 27.12, kết quả phân tích đã được chuyển đến viên Giám đốc Nha Tiền tệ, theo đó độ thuần chất của bạc là 99,078%, song với vàng thì tỉ lệ này khá thay đổi, tùy vào các mẩu khác nhau.

Ngày 12.1.1887, theo đề xuất của chuyên viên Hán học Devéria, Giám đốc Nha Tiền tệ Ruau gửi đến tân Bộ trưởng Tài chánh Albert Dauphin một bản tường trình về giá trị của phần kho báu triều Nguyễn đã được mang về Pháp, trong đó trị giá của vàng là 3.934.892,54 franc; trị giá của bạc là 2.493.051,18 franc (François Thierry – Le trésor de Huê – sđd).

Với số quí kim khổng lồ này, người Pháp tính đến nhiều hướng khác nhau: bán đấu giá cho các nhà sưu tập với giá cao hơn giá của riêng chất kim loại; lưu giữ một số bằng chứng lịch sử đã qua; nấu chảy để đúc thành những đồng tiền đang lưu hành trên đất Pháp; và bảo quản tại Bảo tàng Tiền tệ Pháp.

Một tháng sau khi nhận được báo cáo của Ruau, tân Bộ trưởng Tài chánh Dauphin gửi cho viên Giám đốc Nha Tiền tệ một văn thư lưu ý việc sớm nấu chảy phần lớn số vàng bạc, mặt khác, chưa đến lúc tổ chức việc bán đấu giá số quí kim còn lại. Trong khoảng thời gian từ 24.5 đến 2.7.1887, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chánh đã nấu chảy để tinh luyện phần lớn kho báu triều Nguyễn.

Ngày 8.10.1887, Nha Tiền tệ nhận được chỉ thị của Bộ Tài chánh chuyển các thỏi vàng bạc thành những đồng tiền có mệnh giá 20 franc và có giá trị chuyển nhượng trên thị trường. Số vàng đã tinh luyện nặng 1.098,657 kg; số bạc nặng 14.686, 764 kg (F. Thierry – Le trésor de Hue – sđd).

Sau khi hầu hết khối lượng vàng bạc trong kho báu triều Nguyễn đã biến thành những đồng tiền lưu hành trên thị trường, người ta tính đến việc xử lý số còn lại. Trong số những cơ quan được lưu giữ một phần, có Thư viện Quốc gia Pháp. Ngày 28.5.1888, Quản thủ cơ quan này là Léopold Delisle gửi cho Ruau một văn thư xin chuyển cho một số bảo vật để lưu giữ làm hiện vật lịch sử.

Song việc tranh thủ quyền sở hữu và lưu giữ bảo vật triều Nguyễn phải chờ đến năm 1900 mới được giải quyết rốt ráo. Ngày 2.4.1900, theo đề nghị của Giám đốc Nha Tiền tệ mới là François-Auguste Arnauné, phần còn lại của kho báu triều Nguyễn được tạm thời giao cho viên quản thủ Bảo tàng Tiền tệ lưu giữ. Từ đó, chúng trở thành một trong những chứng tích của chế độ thực dân tại một đất nước châu Á.

6) KHO BÁU TRIỀU NGUYỄN TRONG TAY TRIỀU ĐÌNH HUẾ - NHỮNG VỤ CƯỚP PHÁ TIẾP TỤC DIỄN RA

Như đã trình bày ở một bài trước, sau khi không có dấu hiệu gì cho thấy vua Hàm Nghi sẽ quay trở về Huế, được sự chấp thuận từ chính quốc, tướng De Courcy đã chia kho báu triều Nguyễn làm hai phần, một phần mang về Pháp, một phần để lại, đặt dưới sự quản lý của triều đình Huế.

Tuy nhiên, phải 6 tháng sau, phần còn lại của kho báu mới được Tổng Trú sứ Paul Bert bàn giao cho triều đình Huế dưới quyền vua Đồng Khánh. Song, trong lúc người Pháp có những dữ liệu cụ thể về tình trạng của phân nửa kho báu đưa về Pháp thì họ không nắm được tình hình của phân nửa còn lại ở Huế,. Và cũng theo François Thierry, tác giả của Le trésor de Hue, phần kho báu này biến mất trong vòng 20 năm. Chữ “biến mất” có thể hiểu là nó nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, khi vua Đồng Khánh và các vua tiếp theo có toàn quyền quản lý và sử dụng nó.

Theo nhận định của nhiều tác giả Pháp vào thời kỳ này, vua Đồng Khánh là người “dễ khiến” (docile) và hay âu lo. Và đây cũng là thời kỳ khởi đầu cho chính sách thuộc địa hóa toàn diện của Pháp tại ba nước Đông Dương. Pháp bắt đầu tê liệt hóa guồng máy hành thâu thuế của triều đình, buộc vua quan nhà Nguyễn phải sống dựa vào những khoản chu cấp của chính quyền bảo hộ tại Bắc kỳ. Quyền hành của triều đình Huế ngày càng bị giới hạn, từ thời Tổng Trú sứ Paul Bert đến Toàn quyền Đông Dương Constans và đạt đến mức tối đa với Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902).

Tuy nhiên, bên cạnh phần kho báu mà thực dân Pháp đã giao trả lại cho phía Việt Nam, và phần tiền cung cấp thường xuyên từ ngân sách của chính quyền thuộc địa, thực dân Pháp còn ghi nhận được những phát hiện mới về một số của cải đã được chôn giấu từ nhiều thập niên trước. Sau cái chết của vua Đồng Khánh vào ngày 28.1.1889, Tổng Trú sứ Trung và Bắc kỳ Paul Rheinart đã có dịp vào trong cung cấm, quan sát nhiều nơi và được biết là trong thời gian tại vị, nhà vua đã phát hiện và lấy sạch số vàng được chôn giấu ở ít nhất ba nơi.

Rheinart xác định còn nhìn thấy 3 tấm đá lát có từ thời vua Minh Mạng và ước lượng mỗi nơi chôn giấu 100 ngàn lạng bạc. Hơn 10 năm sau – 1899 – dưới thời vua Thành Thái, người ta còn phát hiện thêm 4 nơi chôn giấu vàng bạc tương tự, mỗi nơi chứa 10 ngàn thỏi, mỗi thỏi bằng 10 lạng bạc. Tính chung, ngoài kho báu đã được chia đôi (Việt và Pháp) vào năm 1885, số vàng bạc tìm thấy về sau ước tính lên đến 300 ngàn lạng bạc, khoảng 11 tấn (F.Thierry – Le trésor de Huê).

Cái chết của vua Đồng Khánh kéo theo những vụ cướp phá mới, dẫn đến việc thực dân Pháp xen hẳn vào việc quản lý tài sản của triều đình. Ngay khi nhà vua vừa nằm xuống, cửa cung điện bị phá, khoảng hơn 120 phụ nữ phục vụ trong cung đình mang nhiều rương của cải ra khỏi hoàng thành. Bà Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ đã bị mù, bà Hoàng thái phi Trang Ý bất lực trước cảnh tượng cướp phá đang diễn ra.

Mãi đến 3 ngày sau, Hội đồng Phụ chánh và các quan chức Pháp mới can thiệp và chấm dứt được nạn cướp phá. Trong tập nhật ký của mình, Tổng Trú sứ Rheinart kể rằng ông ta đã đề nghị bà Từ Dụ cho bắt giữ hết tất cả phụ nữ trong cung điện “cho đến khi tìm lại được mọi thứ”, vì “ người ta tìm thấy dấu vết của sự cướp phá trên từng bước chân”.

Sự tổn thất của kho báu sau cái chết của vua Đồng Khánh là không kể xiết, ở Duyệt thị đường (nhà hát cung đình), người ta tìm thấy hai rương lớn chứa vàng bạc, sau đó là những đồ trang sức, kim cương, đá quý, huy chương Kim khánh bội tinh đính kim cương và đá quý của vua Đồng Khánh. Sự giàu có của nhà vua không dừng lại ở đó, người ta còn tìm thấy 450 ngàn đồng bạc cất giấu ở 4 nơi trong cung điện.

Cuối năm 1898, vua Thành Thái đưa ra một quyết định táo bạo: đổi kho dự trữ bằng bạc của triều đình ra đồng bảng Anh! Người ta đã bán ra 70 ngàn thỏi bạc, tính chung nặng khoảng 27 tấn. Việc chuyển đổi thực hiện qua trung gian của Ngân hàng Đông Dương, thông qua chính quyền thuộc địa. Ngân hàng này chọn đồng bảng Anh làm tại Úc với khoản lợi lớn hơn so với những đồng bảng mua tại Pháp. Các thỏi vàng còn lại được làm ra những đồng tiền và huy chương mang niên hiệu Thành Thái (F.Thierry – Le trésor de Huê).

Tháng 8.1899, trong nhiều ngày liên tiếp, người ta lại khám phá trong cung điện thêm 3 hầm bạc, mỗi hầm chứa gần 10 ngàn nén, tức gần 100 ngàn lạng, tất cả được chôn giấu trong 2 năm 1833 và 1835 dưới thời vua Minh Mạng. Việc tìm kiếm kết thúc vào ngày 12.9.1899.

Sang thế kỷ XX, hai sự kiện liên quan đến câu nói: “Bỏ vua không Khả, đào mả không Bài” được nhiều người nhắc đến. Vế sau của câu nói ám chỉ việc Khâm sứ Pháp Mahé cho đào tìm kho báu trong phạm vi Khiêm lăng (lăng của vua Tự Đức) vào khoảng đầu năm 1913, kết quả không tìm thấy gì.

Theo bộ Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỷ phụ biên, vào tháng 7 âm lịch 1915, giữa lúc thi công ống nước trong đại nội, người ta đã chạm phải hầm bạc. Đào xuống hầm, họ lấy lên được 60 rương gỗ chứa 10 ngàn thỏi bạc cùng một số tiền đồng. Nhân sự kiện này, viên Khâm sứ Charles đề nghị trích 20 ngàn đồng trong số bạc trên cùng 50 ngàn đồng lấy từ công quỹ để mua trái phiếu quân dụng do Pháp phát hành, hầu đóng góp vào chi phí chiến tranh mà chính quốc đang trải qua trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918) (Sđd – NXB Văn hóa Văn nghệ - trang 692-693) .

Đó là những tình tiết cuối cùng về kho báu triều Nguyễn trước khi kết thúc triều Duy Tân năm 1916.

HẾT

Lê Nguyễn

26.6.2021


Vua Đồng Khánh (1864-1889)

Charles de Freycinet, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp (1886)

Vua Thành Thái (1879-1954), người chủ trương chuyển kho bạc thành đồng bảng Anh

Tổng Trú sứ Rheinart

Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người không tham gia việc đào tìm kho báu tại Khiêm lăng năm 1913 (“đào mả không Bài”)



Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1565, ngày 20 tháng 7 năm 1939

Số phận kho báu triều Nguyễn sau biến động ngày 5. 7. 1885

KỲ 3 & 4

III) KHO BÁU TRÊN ĐƯỜNG DI TẢN

Không như người đồng nhiệm trước đây là đệ nhất Phụ chánh Trần Tiễn Thành bị liệt vào phe “chủ hòa” vì chủ trương giải quyết mối quan hệ Việt-Pháp qua điều đình, thương lượng,Tôn Thất Thuyết chủ trương chống Pháp triệt để. Ngay từ tháng 8.1883, ông đã cho xây dựng căn cứ địa Tân Sở ở Quảng Trị, dành làm một “kinh đô” thứ hai khi có biến.

Ngay trong ngày thất thủ kinh đô 5.7.1885, trên đường di tản lên phía Bắc, Phụ chánh Nguyễn Văn Tường đã quay về Huế để hợp tác với Pháp nhằm chấn chỉnh việc triều chính. Ông báo cho Khâm sứ Huế Palasne de Champeaux biết rằng, vào đầu tháng 6.1885, Tôn Thất Thuyết đã cho chuyển đến Tân Sở một khối lượng của cải kếch sù là 300 ngàn nén bạc chứa trong gần 600 rương. Mấy hôm trước ngày 5.7, ông Thuyết định đưa tiếp lên Tân Sở khối lượng bạc còn lại, khoảng 650 đến 700 ngàn nén, song do có sự ngăn trở của ông Tường mà việc này chưa xảy ra trên thực tế (theo văn khố của Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế).

Những gì Nguyễn Văn Tường kể với de Champeaux không bao gồm vàng, tiền hay các quí kim khác. Tuy nhiên, theo một điện tín do tướng de Courcy gửi về Paris, ước lượng số vàng và bạc trong kho báu triều Nguyễn trị giá khoảng 9 triệu franc Pháp. Về sau, theo một tài liệu do Nha Tiền tệ Pháp công bố, khối lượng vàng do Pháp tịch thu được lên đến hơn 10 ngàn thỏi với nhiều kích thước khác nhau.

Trở lại ngày binh biến 5.7.1885, biết không lật ngược được tình thế, Tôn Thất Thuyết thu xếp đưa vua Hàm Nghi mới 14 tuổi cùng nhiều quan binh rời khỏi cung điện vào khoảng 7 giờ 30 sáng. Ngoài mấy trăm binh lính hộ vệ, theo đoàn xa giá còn có nhiều dân phu khiêng vác các rương vàng bạc và các thứ của cải khác.

Sau một thời gian ngắn dừng chân tại Tân Sở, Tôn Thất Thuyết nhận thấy nơi đây không thể là một căn cứ kháng chiến lâu dài, quyết định đưa vua Hàm Nghi ra Bắc. Tuy nhiên, lộ trình ra Bắc bị quân Pháp án ngữ, đoàn xa giá dự định theo ngả Lào, rồi cuối cùng vẫn phải quay lại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Chính vì sự bất ổn trong hành trình di tản để tìm ra một kế sách lâu dài mà một phần kho báu triều Nguyễn đã bị rơi rớt trên đường, để rồi vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến gian khổ, vua Hàm Nghi và các nhóm nghĩa quân hoạt động quanh ông vẫn phải sống trong sự cùng cực.

Theo các tài liệu do người Pháp ghi lại, với độ chênh nhất định giữa các số liệu về khối lượng kho báu (vàng, bạc, tiền…), ngày 19.7.1885, khi quyết định đi ra phía Bắc qua ngả Thanh Hóa, Tôn Thất Thuyết chỉ mang theo mấy rương vàng, giao 140 rương bạc cho Võ Trọng Bình, nguyên Tổng đốc Nam Định đã trí sĩ, đang cư ngụ ở Quảng Bình. Ông này chuyển 83 rương bạc cùng một khối lượng vàng ròng cho các quan tỉnh đương nhiệm ở Đồng Hới, để rồi sau đó, các ông này giao nộp lại cho người Pháp.

Ngày 24.7.1885, một quan chức Pháp là Jules Silvestre được Tuần vũ Quảng Bình báo cho biết là trong địa hạt của ông còn có 30 rương bạc ở Vạn Xuân, mỗi rương chứa 50 thỏi bạc, giá mỗi thỏi tương đương 81,57 franc, 50 rương bạc ở nhà Võ Trọng Bình, và 50 rương vàng ở nhà một viên quan khác tên Lê Mô Khai.

Khối lượng vàng bạc do Pháp thu hồi được tại Quảng Bình từ tay Võ Trọng Bình, các viên chức xã Vạn Xuân và từ một số quan chức khác, đã không được các cây bút Pháp như Jules Silvestre, Charles Gosselin, Paulin Vial ghi chép như nhau, song căn cứ vào một bức điện do tướng De Courcy gửi về Paris thì trị giá khối lượng của cải do Tôn Thất Thuyết mang theo và Pháp thu hồi được tại Đồng Hới (Quảng Bình) là 1 triệu franc, tại Quảng Trị là 250 ngàn franc.

Sau hành trình gian khổ sang đất Lào rồi quay về Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến tháng 1.1886, đoàn xa giá của vua Hàm Nghi chỉ còn mang theo mấy rương bạc. Qua tháng 2.1886, sau một cuộc đụng độ lớn giữa binh sĩ hai bên, Tôn Thất Thuyết rời vua Hàm Nghi, tìm đường sang Tàu để cầu viện, để hai con trai là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp ở lại bảo vệ nhà vua. Do đã ký hòa ước Thiên Tân năm 1885 với Pháp, người Tàu không giúp được gì cho cuộc kháng chiến tại Việt Nam, Tôn Thất Thuyết kéo dài những tháng ngày bất đắc chí trên đất khách và qua đời năm 1913.

Trước ngày bị Pháp bắt vào ngày 2. 11.1888, vua Hàm Nghi không còn bên cạnh một của cải gì. Song cho đến nay, kho báu của triều đình Huế còn rơi rớt lại trong cư dân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh hay chôn giấu đâu đó chưa tìm ra hết vẫn còn là đề tài sôi động của các phương tiện truyền thông.

IV) KHO BÁU TRIỀU NGUYỄN TẠI KINH THÀNH PARIS

Ở biến động ngày 5.7.1885, trong mấy trăm người đi theo đoàn xa giá rời bỏ kinh thành Huế, Phụ chánh Nguyễn Văn Tường là một trong những người quay lại sớm nhất, chiều hôm ấy, ông đã có mặt ở Huế.

Ngay sau đó, Tông nhơn phủ (Hội đồng hoàng tộc) đã hội họp tại Tòa Khâm sứ, tất nhiên là dưới sự dẫn dắt của tướng De Courcy, để chọn ra một phủ Phụ chánh lâm thời do Thọ Xuân vương Miên Định làm chủ tịch. Người ta cũng thành lập một Cơ mật viện do Nguyễn Văn Tường làm chủ tịch gồm những Thượng thư cũ không có tinh thần chống Pháp.

Tất nhiên trong những ngày này, kho báu triều Nguyễn còn lại tại kinh thành và việc thu hồi số của cải trên đường di tản của vua Hàm Nghi là những vấn đề trọng yếu nhất đối với De Courcy. Bước đầu, ông ta tìm thấy 76.212 thỏi bạc, mỗi thỏi (nén) nặng 10 lạng, tức nặng khoảng 30 tấn; trên 10 ngàn nén vàng và 4 ngàn tiền đồng, phù hiệu các loại.

Chỉ 3 ngày sau khi vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành Huế, tức ngày 8.7.1885, viên tướng này đã liên lạc với Bộ Chiến tranh ở Paris, báo cáo tình hình kho báu triều Nguyễn với một khối lượng vàng, bạc khổng lồ. Ông ta đề nghị dành một phần kho báu này để trang trải chi phí tổ chức “đạo quân người bản xứ” và bày tỏ ý kiến là chính quốc cần cử sang Việt Nam những người có thẩm quyền giải quyết vấn đề của cải cùng các tài sản có tính nghệ thuật.

Trong lúc chờ đợi một giải pháp dứt khoát về kho báu triều Nguyễn, De Courcy vẫn giữ quyền quản lý số tài sản kếch xù đó. Ngày 19.9.1885, nhân lễ tấn tôn của ông hoàng Chánh Mông với niên hiệu Đồng Khánh, viên tướng này ban thưởng cho mỗi sĩ quan và binh lính Pháp một đồng tiền vàng to lấy từ trong cung điện. Đối với những vật dụng có tính nghệ thuật mà người Pháp lúc đó gọi là “trésors artistiques” (bảo vật nghệ thuật), ông ta cho trả lại tân vương Đồng Khánh. Trong số những bảo vật được trao trả công khai, có các ấn bằng vàng và ngọc bích của các vua đời trước, các kim sách (sách vàng) của triều đình. Việc làm này được ông ta thông báo trước với Bộ Chiến tranh ở Paris qua một điện tín gửi đi ngày 14.9.1885.

Không lâu sau, bỗng nhiên vấn đề kho báu triều Nguyễn trở thành mối quan tâm đặc biệt của ba bộ trong chính phủ Pháp cùng một lúc. Đó là Bộ Hải quân và Thuộc địa, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chánh. Sau những cuộc thảo luận và tranh cãi kéo dài, cuối cùng vào tháng 1.1886, ba bộ trên đạt đến một thỏa thuận chung như sau:

- Giao trả lại cho tân quân Đồng Khánh phân nửa kho báu (việc này được Tổng trú sứ Paul Bert thực hiện vào tháng 5.1886)

- Phân nửa còn lại được dành bồi hoàn cho công khố Pháp đã ứng trước để tiến hành các hoạt động quân sự và đài thọ các chi phí quản lý cho bộ máy bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ.

Sự thỏa thuận đạt được từ tháng 1.1886, song phải chờ đến mấy tháng sau mới được thực hiện.

Tháng 7.1886, phân nửa kho báu triều Nguyễn được chuyển từ Huế vào Sài Gòn, rồi từ đây được đưa xuống tàu đi Marseille trong 206 rương niêm phong cẩn thận. Ngày 6.10 1886, chúng được đưa tới ga Marseille rồi cho lên 4 toa tàu hỏa được niêm chì cẩn thận. Nha Tiền tệ thuộc bộ Tài chánh ở Paris được thông báo về chuyện này và các viên chức của Nha túc trực sẵn ở ga để gỡ niêm phong và cân các rương vàng bạc. Trước tiên, họ lập biên bản về 192 rương có đánh dấu. Về bạc, họ lập biên bản ghi nhận 38.106 thỏi, với trọng lượng chung 14.631 kg, mất 27 thỏi so với danh sách ban đầu. Họ cũng xác định có một số lượng khá nhiều thỏi bạc có lẫn cát, do kỹ thuật đúc tạo nên.

Việc tiếp theo của các viên chức Nha Tiền tệ là lập biên bản đối với 14 rương của cải có ghi dấu O, là chữ tắt của OR (vàng). Các rương này chứa 7.635 thỏi vàng và tiền, với trọng lượng chung hơn 1.335 kg. Ngày 19.10.1886, các viên chức này lập biên bản chính thức trình cho Giám đốc Nha Tiền tệ Jean-Louis Ruau.

Ruau nhanh chóng nhận ra rằng khối lượng của cải mà ông ta quản lý không chỉ là vàng, bạc, tiền đồng, mà còn là những sản phẩm có giá trị lịch sử. Ông ta đòi hỏi phải có một người rành chữ Hán, hoặc ít nhất biết đọc những chữ khắc trên các thỏi vàng và bạc để giúp làm sáng tỏ hơn số tài sản mà cơ quan của ông ta có trách nhiệm quản lý.

Ngày 2.11.1886, Bộ trưởng Tài chánh Sadi Carnot (ông này sau làm Tổng thống Pháp) thông báo cho Ruau biết là ông ta đã mời được một chuyên gia có tên Gabriel Devéria để đọc các chữ khắc trên các thỏi vàng, bạc và tiền tệ lưu hành tại Việt Nam.

Lê Nguyễn

24.6.2021

Kỳ tới: Người Pháp đã làm gì với kho báu triều Nguyễn?


Tác phẩm Le trésor de Hue của François Thierry ghi lại nhiều dữ liệu cụ thể về kho báu triều Nguyễn.

Cựu hoàng Hàm Nghi lúc mới bị đày sang Algérie

Sadi Carnot, Bộ trưởng Tài chánh Pháp (sau làm Tổng thống).
Nhân vật này được nhắc đến trong sách học Quốc văn Giáo khoa thư của lớp người Việt sinh từ thập niên 1950 trở về trước. Chuyện kể rằng, khi ông Carnot đã là một vị quan to, ngày nọ có dịp ghé lại trường học cũ, ông ân cần thăm hỏi người thầy dạy mình tóc đã bạc phơ và nhắn nhủ các em học sinh đang có mặt tại trường là phải luôn luôn nhớ đến ơn của thầy cô đã dạy dỗ mình

Jean-Louis Ruau - Giám đốc Nha Tiền tệ - Bộ Tài chánh Pháp

Thỏi vàng 30 lạng thời Minh Mạng lưu trữ tại Cơ quan Tiền tệ Pháp ở Paris



 


Linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Hai

 Linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Hai

-         Sinh ngày 24. 12. 1934

-         Tại họ Lái Thiêu - Bình Dương

-         Thụ phong Linh mục ngày 23. 04. 1962 tại Nhà thờ Chánh Toà Đức Bà Sàigòn,

-         Phó xứ Hoà Hưng: 10.04.1962 - 20.06.1967

-         Cha sở Phước Khánh: 30.06.1967 - 30.07.1970

-         Quản lý TGP Sàigòn: 10.08.1970 – 1980

-         Cha sở Phaolô Q.10: 24.05.1980 - 07.04.1985

-         Nghỉ bệnh : 1985 – 1992

-         Cha sở Bình Lợi : 1992 - 17.06.1995

-         Cha sở Mai Khôi Q.5 :  1995 – 1999

-         Cha sở Bình Xuyên: 1999 – 2009

-         Nghỉ hưu tại giáo xứ Hiền Hoà, giáo hạt Long Thành, giáo phận Xuân Lộc, từ ngày 10.07.2010 - 27.01.2017

-         Đã trở về Nhà Cha lúc 00:15 ngày 27. 01. 2017, tại bệnh viện Đồng Nai, hưởng thọ 83 tuổi, sau 55 năm linh mục.

-         Mai táng tại đất thánh giáo xứ Lái Thiêu

ĐÔI NÉT VỀ CỐ LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN HOÀNG HAI

Cố Linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Hai sinh ngày 24 tháng 12 năm 1934 tại Lái Thiêu-Bình Dương, chịu chức linh mục ngày 23 tháng 04 năm 1962 tại Nhà Thờ Chánh Toà Đức Bà Sàigòn.

Các giáo xứ Cha Phêrô đã từng phục vụ: 

Phó xứ Hoà Hưng: 10.04.1962 - 20.06.1967 

Cha sở Phước Khánh: 30.06.1967 - 30.07.1970 

Quản lý TGP Sàigòn: 10.08.1970 - 1980 

Cha sở Phaolô Q.10: 24.05.1980 - 07.04.1985 

Nghỉ bệnh : 1985 - 1992 

Cha sở Bình Lợi : 1992 - 17.06.1995 

Cha sở Mai Khôi Q.5 : 1995 - 1999 

Cha sở Bình Xuyên: 1999 - 2009 

Nghỉ hưu tại giáo xứ Hiền Hoà, giáo hạt Long Thành, giáo phận Xuân Lộc, từ ngày 10.07.2010 - 27.01.2017

Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Hai là một người yêu mến Chúa và giáo hội hết lòng, Cha Phêrô thể hiện lòng yêu mến đó qua những công việc mục vụ được bề trên giao phó. Từ những năm rất là khó khăn ở Gx. Phước Khánh lúc đó thuộc giáo phận Saigòn, sau này thuộc giáo phận Xuân Lộc, sống trong hoàn cảnh chiến tranh, sống giữa hai lực lượng quân sự đối đầu, Cha Phêrô rất khéo léo để giúp đỡ người dân khi gặp phải hiểm nguy. Người ta bắt bên này Ngài xin họ thả ra, bên kia bắt Ngài cũng xin thả ra, cho nên cả hai bên đều quý mến và thương yêu Cha. Nhờ đó mà Ngài giúp đỡ người dân trong xứ của Ngài rất nhiều, Ngài đã không sợ nguy hiểm, sẵn sàng đi xức dầu cho những người nguy cấp trong lúc súng nổ vang rền. 

Để có tiền xây nhà xứ, xây nhà thờ, giáo xứ nghèo không có tiền, Cha Phêrô đã bán tất cả đất đai vườn tược mà Ông Bà Cố để lại cho người con trai duy nhất này. Cha đã làm hết sức vì lòng yêu mến Chúa và giáo hội, hết lòng tận tuỵ với cộng đoàn dân Chúa mà Cha đã được sai đến để phục vụ.

Cha là một người rất vui tính, một người sống rất đơn sơ, một người rất dễ gần, một người quảng đại hơn tất cả mọi người khác, Cha sẵn sàng cho đi mà không tính toán, Cha làm việc không ngơi nghỉ, tận tuỵ phục vụ mà không trông chờ một phần thưởng nào khác… Cha Phêrô chỉ cần biết một điều là Cha đã làm theo Thánh ý Chúa. Cha Phêrô giảng thì đơn sơ, nhưng lại dễ lay động lòng người, làm cho mọi người thích thú. Cha sẵn sàng giúp đỡ người khác, bất kể người đó là ai, miễn là đến xin Cha giúp đỡ là Cha sẵn lòng cho đi rất rộng rãi.

Trong những năm cuối đời, Cha rất siêng năng đọc kinh cầu nguyện, xin Chúa tha thứ những lỗi lầm thiếu xót để chuẩn bị lúc nào Chúa gọi thì về với Chúa.

Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Hai giống như người thợ dệt , mãi dệt cuộc đời mình bằng những việc lành phúc đức, bằng những việc bác ái yêu thương, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay lằn chỉ và Chúa đã thực hiện việc đó vào lúc 0 giờ 15 ngày 27 tháng 1 năm 2017 tại bệnh viện Đồng Nai, hưởng thọ 83 tuổi, sau 55 năm linh mục.

Ngài đã cảm nhận được ngày Chúa gọi đã gần kề, nên đã uỷ thác mọi sự cho cha Tổng Đại diện của giáo phận SàiGòn là Cha Ignatio Hồ Văn Xuân, thay mặt tang quyến lo liệu hậu sự cho Ngài.

Vì thế, trong lúc Đức Tổng Giám Mục Phaolô bận việc ở Bảo Lộc, Đức Cha phụ tá Giuse đang đi Cần Giờ, Cha Tổng đại diện Ignatio đã chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với Cha Tổng Đại diện của Giáo phận Xuân Lộc, Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, linh mục đoàn của hai giáo phận SàiGòn và Xuân Lộc, cộng đoàn dân Chúa từ các giáo xứ mà Cha cố Phêrô đã từng phục vụ, cùng với Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Hai dâng thánh lễ cuối cùng của Ngài tại nhà thờ của giáo xứ Hiền Hoà, giáo hạt Long Thành, giáo phận Xuân Lộc, vào lúc 9g00 sáng ngày thứ hai 30 tháng 01 năm 2017. Sau đó thi hài Ngài đã được đưa về Lái Thiêu chôn cất, nơi đó cũng là nơi an nghỉ của Ông Bà Cố cha Phêrô, cùng các linh mục Lái Thiêu thân yêu của Ngài theo ước nguyện sau hết của Ngài. 

Xin Chúa cho Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Hai thân yêu của chúng ta sớm hưởng nhan thánh Chúa. 

Nguồn: Giáo xứ Hòa Hưng