ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

"Việt Nam", một danh xưng mang tầm viễn kiến hợp đoàn!

 "VIỆT NAM", MỘT DANH XƯNG MANG TẦM VIỄN KIẾN HỢP ĐOÀN!

/1/ Ta nói, trong Hán tự (trước khi có chữ Quốc ngữ, suốt ngàn năm người Việt mượn Hán tự để viết) một chữ thường mang nhiều nghĩa lắm đa! "Việt" có không dưới mười nghĩa, trong đó có hai nghĩa gần với chủ đề đang bàn: "Việt" là vượt qua, "Việt" là tộc người Việt (Việt tộc: ).

Đây, thủng thẳng bàn chơi cái đã, theo suy đoán của nhiều người đời nay (trước khi qua phần /2/ giải thích chính thức).

"Việt Nam" là vượt qua đi về phía Nam (lấy nghĩa "việt" là vượt qua): Vậy, nước Việt không gồm phía Bắc à?

"Việt Nam" là quốc gia của người Việt (lấy nghĩa "việt" là "việt tộc") ở phương Nam: ta nói "phương Nam" tức là so với phương Bắc (nước Tàu). Mắc gì phải lấy nước Tàu làm hệ qui chiếu (nước Việt ở về phía Nam của Tàu nên gọi là "Việt Nam")? Hàn Quốc ở về phía Đông của Tàu, họ đâu gọi là... "Hàn Đông"!

Quí bạn chú ý: cách giải thích "nước Việt ở phương Nam" CHÍNH LÀ CÁCH GIẢI THÍCH CỦA BẮC KINH (ở phần /2/ sẽ giải thích tỏ tường) với tư tưởng nước Tàu là trung tâm được dùng để xác định vị trí. Nhiều người trong chúng ta vô tình nhiễm lấy cách giải thích của đại Hán mà không hay biết gì hết trơn.

Hãy nhớ lại: bao đời trước đây tiền nhân chúng ta đặt tên nước rành rành là "Đại Việt", chớ hề ngó vị trí địa lý của nước Tàu để so chiếu mà gọi "Nam" gì ráo trọi!

/2/ VIỆT NAM, vậy, nghĩa là gì?

2a) Năm 1802, Hoàng đế Gia Long sai sứ qua Tàu (nhà Thanh) để làm thủ tục ngoại giao là "xin phong vương" và "đổi tên nước".

Về việc "cầu phong vương" và "ban quốc hiệu", quí bạn chú ý, là: trong suốt gần ngàn năm từ nhà Lý, qua nhà Trần, nhà Hậu Lê, các vua nước Việt đều cử sứ sang Tàu để làm như rứa hết. Chúng ta xưng "Đại Việt" nhưng Tàu không thừa nhận mà gọi là "An Nam" và phong "An Nam quốc vương" - trong thủ tục ngoại giao thời quân chủ xưa kia, rốt cuộc, các vua nước Việt đều chấp nhận.

Có một thái độ phải gọi là "thiếu lương thiện tri thức" của một số người tự nhận nhà sử học khi họ dè bĩu việc vua Gia Long "xin phong vương". Họ dè bĩu chỉ cốt hạ uy tín vua Gia Long theo kiểu bầy đàn không hơn không kém. Thương thay, nhiều người trong xã hội lại vô tình hùa theo.

NHƯNG khi bày trò như vậy, đám "trí thức thiếu lương thiện" có khác nào cũng đang dè bĩu các vua Lý, vua Trần, vua Hậu Lê? Đám trí thức đó hệt như mang xác Việt nhưng lòi ra... hồn "nước lạ".

2b) Hoàng đế Gia Long đã thực hiện một hành động "vô tiền khoáng hậu" là: KHÔNG chấp nhận cái quốc hiệu "An Nam" mà đổi quốc hiệu, ban đầu vào năm 1802, là NAM VIỆT.

Nhà Thanh không chịu, viện lý lẽ gần ngàn năm các vua nước ta đều chấp nhận quốc hiệu "An Nam".

Vua Gia Long, thông qua sứ giả của mình, bày tỏ thái độ: nếu nhà Thanh buộc phải nhận quốc hiệu "An Nam" thì vua Gia Long sẽ chấm dứt không xin phong vương (như thông lệ ngàn đời của nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê).

Nhà Thanh đã buộc phải chấm dứt, không còn gọi nước ta là "An Nam" nữa!

2c) Để giữ "tư thế thiên triều" của nước Tàu, nhà Thanh xoay qua xem xét về quốc hiệu NAM VIỆT. Cuộc đấu trí ngoại giao diễn ra trong suốt thời gian từ năm 1802 qua năm 1803.

Quí bạn lúc học sử phổ thông đều đã nghe, rằng nhà Thanh ban cho quốc hiệu "Việt Nam" (ôi, tội nghiệp cho nhà Thanh lắm đa, tưởng không đồng ý "Nam Việt" thì đẻ ra quốc hiệu khác hoàn toàn, tỉ như Tàu bao đời không đồng ý "Đại Việt" mà đi gọi là "An Nam"; nào dè cũng chỉ thay đổi ... thứ tự, đảo Nam Việt thành Việt Nam cho có cái gọi là ý kiến từ Bắc Kinh mà thôi)

* Ở đây, xin nêu ra một chi tiết đặng giải ảo lịch sử! Đó là Trịnh Hoài Đức trong sứ bộ qua Tàu theo lệnh vua Gia Long, ông viết trong "Cấn Trai thi tập": "Để đền đáp nỗi mong chờ từ hai trăm năm trước (*). Ơn vua từ đây thấm nhuần nước VIỆT NAM"!

Ông viết câu này trong năm 1802, trước khi nhà Thanh đòi đảo ngược... thứ tự của "Nam Việt" để có cái gọi là ban quốc hiệu "Việt Nam" vào năm 1803!

Giới nghiên cứu sử nên tìm hiểu vì sao nhà Thanh ban quốc hiệu lại "ăn khớp" với sự trù liệu từ sứ giả nước ta (hẳn nhiên tên nước "Việt Nam" phải được sự chuẩn thuận trước đó từ vua Gia Long khi cử sứ giả qua Tàu)!

Đưa ra hai chữ "Nam Việt" và biết rằng nhà Thanh sẽ làm mình làm mẩy, không đồng ý, để rồi mọi sự lại diễn tiến đúng với sự trù liệu của sứ bộ nước ta. Kế sách ngoại giao của sứ bộ nước ta ra sao? Đó là đề tài cho giới nghiên cứu sử.

2d) Nhà Thanh giải thích hai chữ "Việt Nam" là: nước Việt nằm ở phương Nam. Đó là luận điệu của Tàu (mà nhiều người VN hiện nay vô tình trúng bẫy), lấy Tàu làm điểm qui chiếu nên mới nhìn nước Việt là nằm ở phương Nam so với Tàu.

Còn "Nam Việt" hay "VIỆT NAM" theo sự lựa chọn của triều Nguyễn, mà sứ giả Trịnh Hoài Đức phân tích, thì cũng làm một mà thôi.

"Việt" - trong Hán tự có hơn mười nghĩa, và nghĩa của "Việt" trong VIỆT NAM mang nghĩa khác hoàn toàn so với 2 nghĩa mà tôi nêu ra ở đầu bài viết: ở đây, VIỆT là viết tắt của chữ "Việt Thường" .

"Việt Thường" dùng để chỉ xứ sở Lâm Ấp, Phù Nam xa xưa - tức dải đất miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) và toàn bộ Thủy Chân Lạp (Nam Bộ, theo cách gọi hiện nay). Tương ứng với Đàng Trong.

"NAM" là viết tắt cho chữ "An Nam" 安南, để chỉ xứ sở lấy Thăng Long làm kinh đô. Nhà Nguyễn dùng chữ "An Nam" để thay cho Đàng Ngoài (từ phía bắc Quảng Bình trở ra).

Trong cách giải thích của vua quan nhà Nguyễn khi chọn quốc hiệu VIỆT NAM, nghĩa là: sự hợp nhứt Đàng Trong với Đàng Ngoài.

(Nhắc lại, ở đây VIỆT không nằm trong mạch nghĩa "Việt tộc", mà là "Việt Thường")

VIỆT NAM, như vậy, không mang ý nghĩa lãnh thổ độc quyền của Việt tộc (mặc dù chiếm đa số trong cộng đồng các tộc người), mà là lãnh thổ Đàng Trong cộng với Đàng Ngoài (cộng cư các tộc người cùng có mặt từ Nam chí Bắc), mang giá trị hợp đoàn với nhau!

-------------------------------------------------------

(*): "... từ hai trăm năm trước", tức là năm 1600 khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ôm mộng mở cõi riêng ở Đàng Trong để từ đó có thể dựng nghiệp Đế thống nhứt sơn hà về sau. Vua Gia Long, hậu duệ của các chúa Nguyễn, đã thực hiện được khát vọng của tiên tổ.

(*) Mời đọc bài nói về sứ giả Trịnh Hoài Đức và quốc hiệu VIỆT NAM: http://tapchisonghuong.com.vn/.../Trinh-Hoai-Duc-va-quoc...

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

"Tiếng Viêt" đây sao? (Kỳ 2)

 Kỳ 2: "TIẾNG VIỆT" ĐÂY SAO?

Như đã viết trong kỳ 1 (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1167227210377924), ngôn ngữ chính thức của quốc gia Việt Nam là tiếng Việt. Mà đã dùng tiếng Việt, nên nhớ, thì phải viết cho ĐÚNG VỚI CHÍNH TẢ trong tiếng Việt! "Cạn" chớ không "Kạn", "Đắc" chớ không "Đắk", "Lắc" chớ không "Lắk".

Nhưng, địa danh như "Pleiku" thì đây lại là lối viết hợp lý! Ủa, theo đúng phép chính tả của TIẾNG VIỆT thì "c" đi liền với "u" như "(chim) cu (gáy)") chớ "k" không đi liền "u", vậy sao "ku" (trong Pleiku) lại chấp nhận được?

1/ Xin được nhắc lại, những địa danh xuất phát từ ngôn ngữ của tộc người bản địa nếu PHIÊN ÂM sang tiếng Việt thì phải áp dụng chính tả của tiếng Việt! Tỉ dụ, "Phsar DEK" (tiếng Khmer ផ្សារដែក) khi phiên âm qua tiếng Việt "Sa ĐÉC" - ở đây, quí bạn chú ý, ghi là "Đ" chớ không "D", "éc" chớ không "ek" vì như vậy mới đúng chính tả của tiếng Việt (trong tiếng Việt không viết phụ âm cuối "k" đi liền sau "e", không viết "-ek").

Tỉ dụ nữa, "SROK Khleang" (tiếng Khmer ស្រុកឃ្លាំង), phiên âm qua tiếng Việt là "SÓC Trăng", ở đây ghi "óc" là đúng chính tả tiếng Việt (trong tiếng Việt không kết bằng phụ âm cuối "k" đi liền sau "o", không viết "-ok").

2/ Bên cạnh qui chuẩn nói trên, nếu không phiên âm mà ghi theo nguyên ngữ của tộc người bản địa thì phải ghi ĐÚNG nguyên ngữ, chớ không "nửa nạc nửa mỡ".

"Pleiku" là cách ghi hợp lý (đây là lối viết của người Pháp, còn người J'rai họ ghi "Plơiku" - cả "Pleiku" và "Plơiku" đều không phải tiếng Việt), nếu phiên âm sang tiếng Việt - chẳng hạn - ghi "Plây-ku" hay "Plây-cu" thì sai trật vì không đúng với chính tả tiếng Việt (tiếng Việt không ghi "-ku" trong "Plâyku"; cũng không có phụ âm kép "pl" như trong "Plây-cu"; ghi theo chính tả tiếng Việt sẽ phải là "Pờ-lây-cu").

Lối phụ âm kép "pl", "xc", "xt"... là điều mà GS ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo than phiền không theo qui chuẩn tiếng Việt (như trong phiên âm "Mát-xcơ-va", tiếng Việt không có "xc", đúng chính tả sẽ là: hoặc bỏ âm gió /x/ ghi là "Mát-cơ-va" hoặc giữ âm gió /x/ ghi thành "Mát-xơ-cơ-va").

* Tắt một lời, ghi địa danh: a) Nếu phiên âm sang tiếng Việt thì phải theo đúng phép chính tả! b) Nếu không phiên âm, giữ nguyên ngữ thì phải ghi đúng nguyên ngữ, không "nửa nạc nửa mỡ"!

Như ri là "nửa nạc nửa mỡ": một tỉnh ở Tây nguyên theo nguyên ngữ của tộc người M'nông là "DAK LĂK", nhưng khi ghi... "Đắk Lắk" thì bị tréo cẳng ngỗng. 1) Ghi đúng nguyên ngữ là "D" chớ không phải ký tự "Đ"; là "ă" chớ không phải "ắ" (ă có dấu sắc); 2) Nếu phiên âm thì "Đ" là đúng với tiếng Việt, nhưng trong chính tả tiếng Việt không có kết bằng phụ âm cuối "k" trong "ắk", mà sẽ phải là "ắc".

* Còn... "Đa Kao" ở Sài Gòn, đúng hay không đúng? Địa danh này đang bị rất nhiều trang mạng, trong đó có "từ điển mở" (wikipedia) diễn giải không chính xác. Câu chuyện về "Đa Kao" lắt léo, thú vị lắm, xin dành cho một stt khác.

Nhưng, "bật mí" chút đỉnh: thời Pháp thuộc rồi thời Việt Nam cộng hòa ghi CHÍNH THỨC trên bản đồ hoặc là "Dakao" hoặc "Đa Cao" (không ghi "Đa Kao" như trên mặt báo chí hoặc trong tiểu thuyết thơ văn ... nổi hứng lý qua cầu) đó đa!

--------------------------------------------------------

Nhà thờ Mặc Bắc tại Trà Vinh ("Trà Vinh" phiên âm trại ra từ tiếng Khmer "trapeang": ត្រពាំង ).


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

"Tiếng Viêt" đây sao ? (Kỳ 1)

 "TIẾNG VIỆT" ĐÂY SAO? (kỳ 1)

&1&

Hiện nay trên nhiều báo, trên nhiều website, chình ình những chữ viết như ri: "Đắk Lắk", "Đắk Nông", rồi "Bắc Kạn".

Theo luật chính tả tiếng Việt hiện hành , làm gì có mẫu tự "k" đi với nguyên âm "a"! Thuở đời nay tiếng Việt dạy trong trường có cho phép viết "kạn (dòng)", "kạn (lời)" không? KHÔNG! Mà viết, và chỉ được viết, là "Cạn (dòng)", "Cạn (lời)".

Cũng theo luật chính tả tiếng Việt, làm gì có nguyên âm "a" được khép lại bởi mẫu tự "k"? Nếu học sinh nào viết "đắk (thắng)", "lắk (lư)", bị cho 0 điểm là cái chắc vì dốt, viết sai chính tả! Phải viết, và chỉ được viết, là "đắC (thắng)", "lắC (lư)".

&2&

Có một số người luận bàn, rằng: "cạn", tuy dùng ký tự "c" nhưng về mặt ngữ âm học thì phát âm là /k/: /kạn/; cũng rứa, "đắc" về ngữ âm là /đắk/.

Xin nhắc, cũng ở trong nước VN đời nay, Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam - ở mục 6, phần II - đã từng qui định: Tên địa lý ở các vùng dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam viết theo chính tả của TIẾNG VIỆT, nếu cần thì ghi chú cách viết của người dân tộc sở tại trong ngoặc đơn. Như: ĐẮC LẮC (Dak Lăk), BẮC CẠN (Bắc Kạn)...

Chỉ khi nào Hội đồng quốc gia, trong giới chuyên ngành ngôn ngữ học (chớ không phải giới chức hành chính mà không thuộc chuyên ngành ngôn ngữ gì ráo nhưng ưng chỉ đạo) cùng nhau tranh luận cho đã nư, rồi đồng thuận sửa phép viết chính tả - là "kạn dòng", là "đắk thắng" - thì hẵng hay. Còn hiện nay, nên nhớ, CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT dạy cho học sinh để làm nền tảng vẫn là "cạn dòng", "đắc thắng".

Coi đi, tiếng Việt hiện nay loạn xạ cứ y như "thập nhị sứ quân": phép viết chính tả ở cấp độ "hội đồng quốc gia" và trường học dạy một đàng, các địa phương ưng viết một nẻo, báo chí cũng rứa, bất chấp qui chuẩn chính tả TIẾNG VIỆT!

&3&

Lại có thêm lối biện luận như vầy: viết "Bắc Kạn", "Đắk Lắk" là tôn trọng cách viết dựa theo phát âm của nguyên ngữ tộc người bản địa ở địa phương.

3a) Ngay cách ghi "Bắc Kạn" cũng còn lung tung nhiều giải thích về nguyên ngữ của người Tày-Nùng, nào là "Pác Cạm", "Pác Káp", "Pá Kạn"..., đâu ai chịu ai.

Rồi cách ghi "Đắk Lắk", trong giới nghiên cứu ngôn ngữ cho biết ghi "Dak Lăk" thì mới đúng nguyên ngữ tộc người bản địa ("D" chớ không phải "Đ", "a"/"ă", chớ không phải "ắ", không phải ă có dấu sắc).

3b) Nếu cho rằng ở các vùng có căn cội từ tộc người bản địa thì phải đặt tên địa danh theo cách viết của tộc bản địa, vậy "Nha Trang" sao không viết là "Eatrang" hoặc "Jatrang" theo tiếng Cham? "Sóc Trăng" sao không viết là "Srok Khleang" theo tiếng Khmer?

Tắt một lời, là: loạn xạ, ưng ghi kiểu nào thì cứ làm tới.

&4&

Bợ đỡ cho quan chức, có người biện bạch về cách viết "Bắc Kạn" như sau: "Nếu viết "Cạn" (trong "Bắc Cạn") thì về phương diện tâm lý, chữ "Cạn" dễ gợi tới nét nghĩa là kiệt, là nghèo. Không ai muốn quê mình mang một nét nghĩa không đẹp".

Trời đất, nói năng trẹo họng cỡ vậy mà cũng ráng nói cho bằng được!

Những danh từ phiên âm từ tiếng tộc người bản địa, có ai lại ngớ ngẩn đi suy đoán tâm lý theo nghĩa trong tiếng Việt, hả?

Đó, "Sóc Trăng" nói trại từ cách gọi "Srock Khleang" của người Khmer, đâu có ai đi suy đoán "Trăng" ở đây là ...trăng sao gì cho mắc mệt.

Nữa, "Trà Vinh" cũng là phiên từ tiếng Khmer "Préah Trapeng". Có ai ngớ ngẩn đi suy đoán theo tiếng Việt, "vinh" là vinh quang hay ... vinh thân phì da?

"Trang", trong "Nha Trang", đâu ai lớ ngớ đi giải nghĩa là trang nhã hay ... trang sách , vì một lẽ "Nha Trang" là phiên âm trại ra từ tiếng Cham.

&5&

Theo đúng tinh thần khoa học, một phẩm chất căn bản là phải bảo đảm TÍNH CHẤT ĐỒNG BỘ, NHẤT QUÁN!

Ngôn ngữ chính thức của quốc gia Việt Nam là TIẾNG VIỆT. Mà đã dùng tiếng Việt, nên nhớ, thì phải viết cho ĐÚNG VỚI CHÍNH TẢ trong tiếng Việt! "Cạn" chớ không "Kạn", "Đắc" chớ không "Đắk", "Lắc" chớ không "Lắk".

(Một ví dụ để những ai ghi "đắk", "lắk" chịu khó soi lại: Ở miền Nam, trong địa danh "Sa Đéc", ghi "Đéc" với phụ âm /c/ chớ không /k/ mặc dù đây là phiên âm từ tiếng Khmer ghi "Dek".

Người miền Nam không bị mắc căn bịnh loạn xạ, loạn não, mà tuân theo đúng phép tắc chuyển sang tiếng Việt, đúng với chính tả tiếng Việt) ./.

* Đón đọc tiếp tục kỳ 2: Vậy, địa danh như Pleiku vì sao được gọi là hợp lý ? (cho dù ... theo chính tả tiếng Việt - chẳng hạn - ký tự "k" không đi liền với "u" như "ku" trong Pleiku, mà phải là "c" như "cu", "củ", "cũng"... ).

-------------------------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt