ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

"Tiếng Viêt" đây sao ? (Kỳ 1)

 "TIẾNG VIỆT" ĐÂY SAO? (kỳ 1)

&1&

Hiện nay trên nhiều báo, trên nhiều website, chình ình những chữ viết như ri: "Đắk Lắk", "Đắk Nông", rồi "Bắc Kạn".

Theo luật chính tả tiếng Việt hiện hành , làm gì có mẫu tự "k" đi với nguyên âm "a"! Thuở đời nay tiếng Việt dạy trong trường có cho phép viết "kạn (dòng)", "kạn (lời)" không? KHÔNG! Mà viết, và chỉ được viết, là "Cạn (dòng)", "Cạn (lời)".

Cũng theo luật chính tả tiếng Việt, làm gì có nguyên âm "a" được khép lại bởi mẫu tự "k"? Nếu học sinh nào viết "đắk (thắng)", "lắk (lư)", bị cho 0 điểm là cái chắc vì dốt, viết sai chính tả! Phải viết, và chỉ được viết, là "đắC (thắng)", "lắC (lư)".

&2&

Có một số người luận bàn, rằng: "cạn", tuy dùng ký tự "c" nhưng về mặt ngữ âm học thì phát âm là /k/: /kạn/; cũng rứa, "đắc" về ngữ âm là /đắk/.

Xin nhắc, cũng ở trong nước VN đời nay, Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam - ở mục 6, phần II - đã từng qui định: Tên địa lý ở các vùng dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam viết theo chính tả của TIẾNG VIỆT, nếu cần thì ghi chú cách viết của người dân tộc sở tại trong ngoặc đơn. Như: ĐẮC LẮC (Dak Lăk), BẮC CẠN (Bắc Kạn)...

Chỉ khi nào Hội đồng quốc gia, trong giới chuyên ngành ngôn ngữ học (chớ không phải giới chức hành chính mà không thuộc chuyên ngành ngôn ngữ gì ráo nhưng ưng chỉ đạo) cùng nhau tranh luận cho đã nư, rồi đồng thuận sửa phép viết chính tả - là "kạn dòng", là "đắk thắng" - thì hẵng hay. Còn hiện nay, nên nhớ, CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT dạy cho học sinh để làm nền tảng vẫn là "cạn dòng", "đắc thắng".

Coi đi, tiếng Việt hiện nay loạn xạ cứ y như "thập nhị sứ quân": phép viết chính tả ở cấp độ "hội đồng quốc gia" và trường học dạy một đàng, các địa phương ưng viết một nẻo, báo chí cũng rứa, bất chấp qui chuẩn chính tả TIẾNG VIỆT!

&3&

Lại có thêm lối biện luận như vầy: viết "Bắc Kạn", "Đắk Lắk" là tôn trọng cách viết dựa theo phát âm của nguyên ngữ tộc người bản địa ở địa phương.

3a) Ngay cách ghi "Bắc Kạn" cũng còn lung tung nhiều giải thích về nguyên ngữ của người Tày-Nùng, nào là "Pác Cạm", "Pác Káp", "Pá Kạn"..., đâu ai chịu ai.

Rồi cách ghi "Đắk Lắk", trong giới nghiên cứu ngôn ngữ cho biết ghi "Dak Lăk" thì mới đúng nguyên ngữ tộc người bản địa ("D" chớ không phải "Đ", "a"/"ă", chớ không phải "ắ", không phải ă có dấu sắc).

3b) Nếu cho rằng ở các vùng có căn cội từ tộc người bản địa thì phải đặt tên địa danh theo cách viết của tộc bản địa, vậy "Nha Trang" sao không viết là "Eatrang" hoặc "Jatrang" theo tiếng Cham? "Sóc Trăng" sao không viết là "Srok Khleang" theo tiếng Khmer?

Tắt một lời, là: loạn xạ, ưng ghi kiểu nào thì cứ làm tới.

&4&

Bợ đỡ cho quan chức, có người biện bạch về cách viết "Bắc Kạn" như sau: "Nếu viết "Cạn" (trong "Bắc Cạn") thì về phương diện tâm lý, chữ "Cạn" dễ gợi tới nét nghĩa là kiệt, là nghèo. Không ai muốn quê mình mang một nét nghĩa không đẹp".

Trời đất, nói năng trẹo họng cỡ vậy mà cũng ráng nói cho bằng được!

Những danh từ phiên âm từ tiếng tộc người bản địa, có ai lại ngớ ngẩn đi suy đoán tâm lý theo nghĩa trong tiếng Việt, hả?

Đó, "Sóc Trăng" nói trại từ cách gọi "Srock Khleang" của người Khmer, đâu có ai đi suy đoán "Trăng" ở đây là ...trăng sao gì cho mắc mệt.

Nữa, "Trà Vinh" cũng là phiên từ tiếng Khmer "Préah Trapeng". Có ai ngớ ngẩn đi suy đoán theo tiếng Việt, "vinh" là vinh quang hay ... vinh thân phì da?

"Trang", trong "Nha Trang", đâu ai lớ ngớ đi giải nghĩa là trang nhã hay ... trang sách , vì một lẽ "Nha Trang" là phiên âm trại ra từ tiếng Cham.

&5&

Theo đúng tinh thần khoa học, một phẩm chất căn bản là phải bảo đảm TÍNH CHẤT ĐỒNG BỘ, NHẤT QUÁN!

Ngôn ngữ chính thức của quốc gia Việt Nam là TIẾNG VIỆT. Mà đã dùng tiếng Việt, nên nhớ, thì phải viết cho ĐÚNG VỚI CHÍNH TẢ trong tiếng Việt! "Cạn" chớ không "Kạn", "Đắc" chớ không "Đắk", "Lắc" chớ không "Lắk".

(Một ví dụ để những ai ghi "đắk", "lắk" chịu khó soi lại: Ở miền Nam, trong địa danh "Sa Đéc", ghi "Đéc" với phụ âm /c/ chớ không /k/ mặc dù đây là phiên âm từ tiếng Khmer ghi "Dek".

Người miền Nam không bị mắc căn bịnh loạn xạ, loạn não, mà tuân theo đúng phép tắc chuyển sang tiếng Việt, đúng với chính tả tiếng Việt) ./.

* Đón đọc tiếp tục kỳ 2: Vậy, địa danh như Pleiku vì sao được gọi là hợp lý ? (cho dù ... theo chính tả tiếng Việt - chẳng hạn - ký tự "k" không đi liền với "u" như "ku" trong Pleiku, mà phải là "c" như "cu", "củ", "cũng"... ).

-------------------------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét