Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

"Việt Nam", một danh xưng mang tầm viễn kiến hợp đoàn!

 "VIỆT NAM", MỘT DANH XƯNG MANG TẦM VIỄN KIẾN HỢP ĐOÀN!

/1/ Ta nói, trong Hán tự (trước khi có chữ Quốc ngữ, suốt ngàn năm người Việt mượn Hán tự để viết) một chữ thường mang nhiều nghĩa lắm đa! "Việt" có không dưới mười nghĩa, trong đó có hai nghĩa gần với chủ đề đang bàn: "Việt" là vượt qua, "Việt" là tộc người Việt (Việt tộc: ).

Đây, thủng thẳng bàn chơi cái đã, theo suy đoán của nhiều người đời nay (trước khi qua phần /2/ giải thích chính thức).

"Việt Nam" là vượt qua đi về phía Nam (lấy nghĩa "việt" là vượt qua): Vậy, nước Việt không gồm phía Bắc à?

"Việt Nam" là quốc gia của người Việt (lấy nghĩa "việt" là "việt tộc") ở phương Nam: ta nói "phương Nam" tức là so với phương Bắc (nước Tàu). Mắc gì phải lấy nước Tàu làm hệ qui chiếu (nước Việt ở về phía Nam của Tàu nên gọi là "Việt Nam")? Hàn Quốc ở về phía Đông của Tàu, họ đâu gọi là... "Hàn Đông"!

Quí bạn chú ý: cách giải thích "nước Việt ở phương Nam" CHÍNH LÀ CÁCH GIẢI THÍCH CỦA BẮC KINH (ở phần /2/ sẽ giải thích tỏ tường) với tư tưởng nước Tàu là trung tâm được dùng để xác định vị trí. Nhiều người trong chúng ta vô tình nhiễm lấy cách giải thích của đại Hán mà không hay biết gì hết trơn.

Hãy nhớ lại: bao đời trước đây tiền nhân chúng ta đặt tên nước rành rành là "Đại Việt", chớ hề ngó vị trí địa lý của nước Tàu để so chiếu mà gọi "Nam" gì ráo trọi!

/2/ VIỆT NAM, vậy, nghĩa là gì?

2a) Năm 1802, Hoàng đế Gia Long sai sứ qua Tàu (nhà Thanh) để làm thủ tục ngoại giao là "xin phong vương" và "đổi tên nước".

Về việc "cầu phong vương" và "ban quốc hiệu", quí bạn chú ý, là: trong suốt gần ngàn năm từ nhà Lý, qua nhà Trần, nhà Hậu Lê, các vua nước Việt đều cử sứ sang Tàu để làm như rứa hết. Chúng ta xưng "Đại Việt" nhưng Tàu không thừa nhận mà gọi là "An Nam" và phong "An Nam quốc vương" - trong thủ tục ngoại giao thời quân chủ xưa kia, rốt cuộc, các vua nước Việt đều chấp nhận.

Có một thái độ phải gọi là "thiếu lương thiện tri thức" của một số người tự nhận nhà sử học khi họ dè bĩu việc vua Gia Long "xin phong vương". Họ dè bĩu chỉ cốt hạ uy tín vua Gia Long theo kiểu bầy đàn không hơn không kém. Thương thay, nhiều người trong xã hội lại vô tình hùa theo.

NHƯNG khi bày trò như vậy, đám "trí thức thiếu lương thiện" có khác nào cũng đang dè bĩu các vua Lý, vua Trần, vua Hậu Lê? Đám trí thức đó hệt như mang xác Việt nhưng lòi ra... hồn "nước lạ".

2b) Hoàng đế Gia Long đã thực hiện một hành động "vô tiền khoáng hậu" là: KHÔNG chấp nhận cái quốc hiệu "An Nam" mà đổi quốc hiệu, ban đầu vào năm 1802, là NAM VIỆT.

Nhà Thanh không chịu, viện lý lẽ gần ngàn năm các vua nước ta đều chấp nhận quốc hiệu "An Nam".

Vua Gia Long, thông qua sứ giả của mình, bày tỏ thái độ: nếu nhà Thanh buộc phải nhận quốc hiệu "An Nam" thì vua Gia Long sẽ chấm dứt không xin phong vương (như thông lệ ngàn đời của nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê).

Nhà Thanh đã buộc phải chấm dứt, không còn gọi nước ta là "An Nam" nữa!

2c) Để giữ "tư thế thiên triều" của nước Tàu, nhà Thanh xoay qua xem xét về quốc hiệu NAM VIỆT. Cuộc đấu trí ngoại giao diễn ra trong suốt thời gian từ năm 1802 qua năm 1803.

Quí bạn lúc học sử phổ thông đều đã nghe, rằng nhà Thanh ban cho quốc hiệu "Việt Nam" (ôi, tội nghiệp cho nhà Thanh lắm đa, tưởng không đồng ý "Nam Việt" thì đẻ ra quốc hiệu khác hoàn toàn, tỉ như Tàu bao đời không đồng ý "Đại Việt" mà đi gọi là "An Nam"; nào dè cũng chỉ thay đổi ... thứ tự, đảo Nam Việt thành Việt Nam cho có cái gọi là ý kiến từ Bắc Kinh mà thôi)

* Ở đây, xin nêu ra một chi tiết đặng giải ảo lịch sử! Đó là Trịnh Hoài Đức trong sứ bộ qua Tàu theo lệnh vua Gia Long, ông viết trong "Cấn Trai thi tập": "Để đền đáp nỗi mong chờ từ hai trăm năm trước (*). Ơn vua từ đây thấm nhuần nước VIỆT NAM"!

Ông viết câu này trong năm 1802, trước khi nhà Thanh đòi đảo ngược... thứ tự của "Nam Việt" để có cái gọi là ban quốc hiệu "Việt Nam" vào năm 1803!

Giới nghiên cứu sử nên tìm hiểu vì sao nhà Thanh ban quốc hiệu lại "ăn khớp" với sự trù liệu từ sứ giả nước ta (hẳn nhiên tên nước "Việt Nam" phải được sự chuẩn thuận trước đó từ vua Gia Long khi cử sứ giả qua Tàu)!

Đưa ra hai chữ "Nam Việt" và biết rằng nhà Thanh sẽ làm mình làm mẩy, không đồng ý, để rồi mọi sự lại diễn tiến đúng với sự trù liệu của sứ bộ nước ta. Kế sách ngoại giao của sứ bộ nước ta ra sao? Đó là đề tài cho giới nghiên cứu sử.

2d) Nhà Thanh giải thích hai chữ "Việt Nam" là: nước Việt nằm ở phương Nam. Đó là luận điệu của Tàu (mà nhiều người VN hiện nay vô tình trúng bẫy), lấy Tàu làm điểm qui chiếu nên mới nhìn nước Việt là nằm ở phương Nam so với Tàu.

Còn "Nam Việt" hay "VIỆT NAM" theo sự lựa chọn của triều Nguyễn, mà sứ giả Trịnh Hoài Đức phân tích, thì cũng làm một mà thôi.

"Việt" - trong Hán tự có hơn mười nghĩa, và nghĩa của "Việt" trong VIỆT NAM mang nghĩa khác hoàn toàn so với 2 nghĩa mà tôi nêu ra ở đầu bài viết: ở đây, VIỆT là viết tắt của chữ "Việt Thường" .

"Việt Thường" dùng để chỉ xứ sở Lâm Ấp, Phù Nam xa xưa - tức dải đất miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) và toàn bộ Thủy Chân Lạp (Nam Bộ, theo cách gọi hiện nay). Tương ứng với Đàng Trong.

"NAM" là viết tắt cho chữ "An Nam" 安南, để chỉ xứ sở lấy Thăng Long làm kinh đô. Nhà Nguyễn dùng chữ "An Nam" để thay cho Đàng Ngoài (từ phía bắc Quảng Bình trở ra).

Trong cách giải thích của vua quan nhà Nguyễn khi chọn quốc hiệu VIỆT NAM, nghĩa là: sự hợp nhứt Đàng Trong với Đàng Ngoài.

(Nhắc lại, ở đây VIỆT không nằm trong mạch nghĩa "Việt tộc", mà là "Việt Thường")

VIỆT NAM, như vậy, không mang ý nghĩa lãnh thổ độc quyền của Việt tộc (mặc dù chiếm đa số trong cộng đồng các tộc người), mà là lãnh thổ Đàng Trong cộng với Đàng Ngoài (cộng cư các tộc người cùng có mặt từ Nam chí Bắc), mang giá trị hợp đoàn với nhau!

-------------------------------------------------------

(*): "... từ hai trăm năm trước", tức là năm 1600 khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ôm mộng mở cõi riêng ở Đàng Trong để từ đó có thể dựng nghiệp Đế thống nhứt sơn hà về sau. Vua Gia Long, hậu duệ của các chúa Nguyễn, đã thực hiện được khát vọng của tiên tổ.

(*) Mời đọc bài nói về sứ giả Trịnh Hoài Đức và quốc hiệu VIỆT NAM: http://tapchisonghuong.com.vn/.../Trinh-Hoai-Duc-va-quoc...

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét