ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Ước nguyện cho Xuân Mới: DÒNG CHẢY SỬ VIỆT LIÊN TỤC, KHÔNG BỊ "ĐỤC BỎ"

 Ước nguyện cho Xuân Mới:

DÒNG CHẢY SỬ VIỆT LIÊN TỤC, KHÔNG BỊ "ĐỤC BỎ"

Biểu tượng là một cách thức cho thấy tâm thức lịch sử có mạch lạc, có khỏe khoắn hay không.

Bấy lâu nay, ở trong nước thường thấy in hình biểu tượng: chợ Bến Thành (Nam), chủa Thiên Mụ (Trung), chùa Một Cột (Bắc). Ta nói biểu tượng kiểu đó hết sức khập khiễng, không đồng bộ gì hết! Nếu là chợ (văn hóa thị thành) thì đi cùng với chợ Bến Thành (Nam) phải là hình ảnh chợ Đông Ba (Trung), chợ Đồng Xuân (Bắc), coi mới nhứt quán.

Đã chọn chùa Một Cột (miền Bắc), chùa Thiên Mụ (miền Trung) thì ở miền Nam phải chọn một biểu tượng cũng thuộc văn hóa tâm linh đời xưa thì mới tương thích! Tại sao lại xảy ra sự khập khiễng đến vậy?

Thực ra, đã từng có "bộ ba" biểu tượng - ở Sài Gòn là LĂNG ÔNG, ở Huế là CHÙA THIÊN MỤ, ở Hà Nội là CHÙA MỘT CỘT - tạo nên sự cân đối, đồng bộ về biểu tượng văn hóa tinh thần.

Chỉ vì sự suy nhược trong ý thức lịch sử, "đục bỏ" này kia, mới xảy ra tình trạng khập khiễng trong biểu tượng như đang thấy hiện nay!

* Lăng Ông (Nam) - chùa Thiên Mụ (Trung) - chùa Một Cột (Bắc) không chỉ đồng bộ về mặt biểu tượng văn hóa tinh thần, mà còn mang trong đó giá trị lịch sử sâu sắc:

CHÙA MỘT CỘT hình thành lúc đất nước mang tên "ĐẠI VIỆT", mà sau đó mở rộng biên cương thì cũng tới Bình Định/Phú Yên (đời Hậu Lê) là hết mức.

CHỦA THIÊN MỤ ra đời sau lúc phân ranh nước Việt thành Đàng Trong với Đàng Ngoài - trong khi Đàng Ngoài (kinh đô Thăng Long) chỉ lo tranh giành đấu đá quyền lực với nhau thì Đàng Trong của chúa Nguyễn (kinh đô Phú Xuân) đã có công mở cõi cho tới mũi Cà Mau!

LĂNG ÔNG (đức Tả quân Lê Văn Duyệt) vào thời nhà Nguyễn sau khi đất nước hợp nhứt một cõi, và lần đầu tiên mang tên nước chính thức là "VIỆT NAM" - theo đường cái quan đi từ Quảng Ninh cho tới Cà Mau luôn (mà hiện nay chúng ta đang thừa hưởng).

Thành thử, bước sang Xuân Mới, chúc muôn người gìn giữ một khát vọng: LĂNG ÔNG - CHÙA THIÊN MỤ - CHÙA MỘT CỘT sẽ trở lại, thành "bộ ba" biểu tượng cho ba miền. Qua đó dòng sử Việt mới thực sự liền mạch, mới thực là "về nguồn" tận trong tâm khảm (chớ không phải nói mép), thủy chung với tiền nhân ./.





Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Tại sao người Pháp gọi Đài Loan là Formose và người Anh là Formosa?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao người Pháp gọi Đài Loan là Formose và người Anh là Formosa?

AN CHI: Những người châu Âu đầu tiên phát hiện ra đảo Đài Loan là người Bồ Đào Nha. Họ đã gọi nó là hòn đảo xinh đẹp, tiếng Bồ Đào Nha là ilha Formosa (ilha: đảo – danh từ giống cái; Formosa: xinh đẹp – giống cái của tính từ formoso); do đó mà “chết tên”. Người Pháp đã theo dó mà gọi Formose và người Anh là Formosa. Tuy nhiên, ngày nay họ cũng đã theo cách gọi của người Trung hoa mà gọi nó là Taiwan.

Kiến thức ngày nay, số 141, ngày 15-6-1994

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

"In Yehowah/ Yahweh we trust" / "In Jesus Christ we trust"

 "IN YEHOWAH/YAHWEH WE TRUST" / "IN JESUS CHRIST WE TRUST"

* "God", trong tiêu ngữ (motto) của nước Mỹ "In God we trust", cần được hiểu nghĩa là gì?

* Yehowah (Giê-hô-va) / Yahweh (Gia-vê) là một cách định danh rất độc đáo trong nguyên ngữ Hebrew của người Do Thái!

* Dù chọn niềm tin vào "Một Thiên Chúa Ba ngôi" (Trinity), theo đó Đấng Jesus Christ cũng là Thiên Chúa (xuống thế làm người) - như Công giáo La Mã và một số hệ phái Tin Lành; hoặc không chọn tín điều Trinity này - như một số hệ phái Tin Lành khác ...

=> Hết thảy cũng đều chung xác tín vào Đấng Jesus Christ là ĐẤNG CỨU ĐỘ (thành thử mới gọi chung là "Christianity": Ki-tô giáo, Cơ Đốc giáo).

1/ Đấng tạo ra mọi loài mọi sự, người Do Thái ghi: יהוה ("YHWH"), chỉ gồm các phụ âm mà không có nguyên âm, tức chỉ viết như vậy thôi mà không rõ rành sẽ phải phát âm thành "chữ" ra sao. Bởi vì đối với người Do Thái, יהוה "YHWH" là một Danh cực thánh, không được kêu tên Ngài vô cớ.

2/ Để có thể phát âm chữ trên, cần phải đưa vài nguyên âm vào.

Theo giới nghiên cứu, vào thời điểm của Kinh Torah (thế kỷ thứ 6 B.C) trước Công nguyên) bên Do Thái giáo - tức phần lớn của Cựu Ước bên Ki-tô giáo, Danh thánh được viết là "YHWH", và khi ĐỌC có thể là "Yahweh" (Gia-vê) trong lần Ngài tỏ lộ cho Môi-se biết - theo Sách Xuất hành / Ê-díp-tô ký (Exodus 3:14).

Cách đọc "Yahweh" theo dòng những thế kỷ sau đó bị thất lạc, và cho đến thế kỷ 12 thì xuất hiện cách đọc là "Yehowah".

Ý nghĩa của cách đọc YAHWEH (Gia-vê)/ YEHOWAH (Giê-hô-va)?

Được hiểu là “Đấng tạo nên điều đã được tạo ra” (He Who Makes That Which Has Been Made), hoặc là "Đấng đem đến sự tồn tại cho bất cứ những gì tồn tại" (He Brings into Existence Whatever Exists).

YHWH, tắt một lời, còn được hiểu: "Ta Là Đấng Ta Là" (đấng tự hữu, hằng hữu)

3/ Còn "GOD", trong tiếng Anh?

"God" được cho là xuất sinh từ "Deus" trong các bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Latinh.

Mà "Deus" là danh từ từng được dùng để chỉ chúa tể, thần thánh La Mã nói chung. Nhưng khi được dùng trong Kinh Thánh thì "God" không còn là thần thánh ngoại giáo, mà trở thành:

* "GOD" là đấng Jehowah / Jahweh;

* "GOD" cũng chính là danh xưng để gọi Đấng Jesus Christ.

Trong tiếng Việt, "God" được chuyển ngữ thành "Đức Chúa Trời" / "Thiên Chúa", cũng tức là Jehowah / Jahweh.

Trong tín điều "Một Thiên Chúa Ba ngôi", "God" còn là, chính là Chúa Giê-su Ki-tô / Jesus Christ.

Còn đối với những hệ phái không tin vào "Một Chúa Ba ngôi", danh xưng "Đấng Jehowah" tách bạch với "Đấng Christ".

* Trở lại phần mở đầu với tiêu ngữ "In God we trust" của nước Mỹ:

"GOD", trong thời kỳ lập quốc với những cư dân theo Cơ đốc giáo / Ki-tô giáo (Christianity) thì "God" chính là đấng JESUS CHRIST, và đấng Christ cũng là (hoặc không, tùy hệ phái) "đấng Jehowah".

Hiện nay, "God" lại còn mở rộng, đa nghĩa - mà cách chuyển ngữ tiếng Việt là "Thượng đế", một khái niệm rất chung áp dụng cho cả những tín ngưỡng ngoài Ki-tô giáo.

Thành thử, để minh định trong đời sống tôn giáo hiện nay, "In God we trust" được viết rõ rành hơn, là: "IN (JESUS) CHRIST WE TRUST"/

---------------------------------------------------------------------



Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Nói “mút chỉ cà tha” thì ai cũng hiểu. Nhưng “cà tha” là gì và hai tiếng này bắt nguồn từ đâu? Có phải là nói trại âm của hai tiếng “cà sa”?

 ĐỘC GIẢ: Nói “mút chỉ cà tha” thì ai cũng hiểu. Nhưng “cà tha” là gì và hai tiếng này bắt nguồn từ đâu? Có phải là nói trại âm của hai tiếng “cà sa”?

AN CHI: Hai tiếng cà-tha đã được Lê Ngọc Trụ giảng là “xâu chuỗi hột to, dài, mang ở cổ, có tác dụng là bùa trừ ếm tà ma quỉ-quái”. Tác giả cho thí dụ: “Thầy pháp đeo dây cà-tha”(1). Tuy nhiên dân gian vẫn còn có lối hiểu bình thường là cái bùa (chứ không nhất thiết là xâu chuỗi). Chẳng hạn, khi nghe nói “vô cà tha rồi đó” thì có thể hiểu là “đã có yểm bùa rồi đó”. Dân Nam Bộ đã mượn từ cà-tha ở tiếng Khmer kathaDictionnaire cambodgien- français của J. B. Bernard (Hong Kong, 1902) giảng là “amullete” (bùa). Vậy cà tha là bùa.

Còn cà sa, mà dạng đầy đủ là cà sa duệ, là âm Hán-Việt của những chữ Hán mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm tiếng Sanskrit kãsãya, nghĩa gốc là vải hoặc y phục nhuộm màu đỏ sẫm. Trong tiếng Pali thì kãsãya lại có nghĩa là nhuộm màu da cam, là áo màu vàng. Danh từ cà sa đã được Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn giảng như sau: “Ấy là bộ áo nhà sư đạo Phật, hiệp lại là ba cái: Tăng-già-lê, cái áo tràng; uất-đa-la-tăng, cái giữa; an-đà-hội, cái áo trong, áo lót”. Nghĩa thông dụng của cà sa hiện nay là “áo mặc ngoài của nhà sư (rất dài và rộng)” (Từ điển tiếng Việt 1992).

--------------------------------------

1.      Tầm nguyên từ điển Việt Nam, Tp.HCM, 1993, TR. 497.

Kiến thức ngày nay, số 140, ngày 1-6-1994