ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Ghi chú lai rai về "Ngũ kinh" trong Cựu ước.

Ghi chú lai rai...

Trong Cựu ước, có “Ngũ Kinh” gồm 5 cuốn sách – ghi theo tiếng Anh theo thứ tự: 1/ Book of Genesis, 2/ Book of Exodus, 3/ Book of Leviticus, 4/ Book of Numbers, 5/ Book of Deuteronomy.

* Công giáo VN dịch là “Sách”, Tin Lành VN gọi là “Ký”. Nghĩa cũng giống nhau. “Ký” , nghĩa là sách ghi chép (như Lễ ký” 禮記 là sách ghi chép các nghi lễ, “Du ký” 遊記 là sách ghi chép những gì trông thấy khi đi chơi, du ngoạn).

1/ Book of Genesis => Sáng thế ký (bên Tin Lành), Sách Sáng thế (Công giáo)

2/ Book of Exodus => Xuất Ê-díp-tô ký (Tin Lành), Sách Xuất hành (Công giáo)

Từ "Xuất hành" được Công giáo Rôma dịch từ tiếng Hy Lạp Ἔξοδος, Exodos, nghĩa là "ra đi"; Tin Lành phiên âm là "Xuất Ê-díp-tô", nghĩa là "Rời khỏi Ai Cập".

3/ Book of Leviticus => Lê-vi ký (Tin Lành), Sách Lê-vi (Công giáo)

Sách Lê-vi là cách gọi tên là bắt nguồn từ tiếng Latinh Liber Leviticus mà trước đó có nguồn gốc Hy Lạp βιβλίον το Λευιτικόν, có nghĩa là "cuốn sách của các thầy Lê-vi" (tức các thầy tư tế).

4/ Book of Numbers => Dân số ký (Tin Lành), Sách Dân số (Công giáo)

5/ Book of Deuteronomy => Phục truyền luật lệ ký (Tin Lành), Sách Đệ nhị luật (Công giáo)

Tên gọi "Đệ nhị luật" của Công giáo Rôma bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: Deuteronomion (Latinh: Deuteronomium), nghĩa là "pháp luật thứ hai". Trong khi đó, Tin Lành gọi quyển sách này là "Phục truyền luật lệ ký".

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 


Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Kiến thức ngày nay, số 122, Chuyện Đông chuyện Tây, trang 82, có nói về câu “Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã thắng”. Theo tôi biết, không phải Jules Caesar đã nói câu này sau khi đánh tan quân của Pharnacae II vua xứ Bosphore, mà là sau khi đã chiếm được xứ Gaule (tức nước Pháp ngày nay). Xin bạn An Chi chấp nhận cho lời góp ý của tôi.

 ĐỘC GIẢ: Kiến thức ngày nay, số 122, Chuyện Đông chuyện Tây, trang 82, có nói về câu “Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã thắng”. Theo tôi biết, không phải Jules Caesar đã nói câu này sau khi đánh tan quân của Pharnacae II vua xứ Bosphore, mà là sau khi đã chiếm được xứ Gaule (tức nước Pháp ngày nay). Xin bạn An Chi chấp nhận cho lời góp ý của tôi.

AN CHI: Chúng tôi sẵn sàng thọ lãnh những lời góp ý đúng và biết ơn người đã góp ý. Nhưng ý của ông góp thì không đúng.

Để ông dễ dàng đối chiếu, xin chép hiến ông lời giảng về câu Veni, vidi, vici (Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã thắng) nơi các trang hồng (page roses) của Petit Larousse Illustré 1992: “Mots célèbres par lesquels Caesar annonça au sénat la rapidité de la victoire qu’il venait de remporter près de Zéla (47) sur Pharnace, roi de Bosphore”, nghĩa là “danh ngôn mà Caesar dùng để thông báo cho Viện nguyên lão sự mau lẹ của chiến thắng mà ông ta mới giành được ở gần Zéla (năm 47) trước Pharnace, vua xứ Bosphore”. Đây là sự kiện xảy ra năm 47 tr. CN. Còn xứ Gaule thì đã bị Caesar chinh phục từ giữa thế kỷ I tr. CN. Thủ lãnh của dân Gaulois là Vercingétorix đã đầu hàng tại Alésia năm 52 tr. CN rồi bị giải về La Mã. Đến năm 51 tr. CN thì xứ Gaule đã hoàn toàn bị chinh phục. Sau đó đến 4 năm (47 tr. CN) thì Caesar mới tuyên bố câu “Veni, vidi, vici”.

Kiến thức ngày nay, số 128, ngày 1-1-1994.

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

"Bức tử" những danh xưng đã được Việt hóa! Thiếu hiểu biết về di sản chữ nghĩa tiền nhân để lại.

 "BỨC TỬ" những danh xưng đã được Việt hóa!

THIẾU HIỂU BIẾT VỀ DI SẢN CHỮ NGHĨA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI

* Có không ít người ở Miền Nam lớn lên sau năm 1975 (và người ở Miền Bắc lớn lên từ sau năm 1954) nhăn mặt khi đọc "Ba Tây" (thay cho Brazil), "Á Căn Đình" (thay vì Argentina), thắc mắc sao không "tôn trọng" giữ nguyên tên gọi quốc gia của người ta? Ồ, có sự ngộ nhận, hiểu trật chìa ở đây rồi đa!

Mời đọc, chẳng hạn, tên nước "Ba Lan". Sao không giữ tên "Poland" để gọi là ... tôn trọng? Nè, tên đúng gốc theo ngôn ngữ của người bổn xứ bên họ là "Polska" chớ làm gì Poland ở đây?

"Poland" là gọi theo cách của người Anh, tức Anh hóa; còn người Pháp thì gọi "Pologne", tức Pháp hóa. Người Anh, người Pháp họ đâu mắc giống gì phải giữ đúng chữ "Polska", mà họ cũng không thèm phiên âm quê kệch (kiểu như "Pôn-xơ-ka") làm chi cho má nó khi (khinh)!

* Trong khi đó, cũng những người "nhăn mặt" nhưng chính họ vẫn bình thản khi hàng ngày đang đọc các tên nước như "Na Uy", "Thụy Điển". Ủa, sao không thắc mắc là phải ghi "Norway", "Sweden" để gọi là "tôn trọng" nguyên ngữ ? Tưởng vậy là tưởng bở, trật lất. Bởi vì nguyên ngữ theo tiếng bổn xứ (lần lượt) sẽ phải ghi là "Norge", "Sverige".

Và khi quí bạn nhìn thấy "Norway", "Sweden" tức là đã Anh hóa (gọi theo cách của người Anh) rồi đa. Hoặc bạn thấy ghi "Norvège", "Suède" tức là đã Pháp hóa (gọi theo cách của người Pháp).

* Thấy gì? Người Anh họ có ý thức Anh hóa, người Pháp họ có ý thức Pháp hóa. Đó là, xin quí bạn chú ý, LÒNG TỰ TRỌNG & NIỀM HÃNH DIỆN TRONG CHUYỂN NGỮ của người Anh, người Pháp.

Cũng vậy, người Việt chúng ta hoàn toàn có quyền Việt hóa. Những cách gọi mà chúng ta vẫn đang nghe, đang dùng - như "Na Uy", "Thụy Điển", "Ba Lan", "Ấn Độ", "Bồ Đào Nha", "Tây Ban Nha", "Nga", "Bỉ", "Ý" ... - thảy là Việt hóa. Chúng ta đâu kém cỏi tới mức không biết cách Việt hóa mà phải ngửa tay "ăn xin" từng chữ nước ngoài (về cách gọi tên các quốc gia) hay sao?

"Ba Tây", "Á Căn Đình" cũng rứa, cũng Việt hóa; chỉ vì gặp xui rủi mà bỗng dưng không dùng, riết rồi không biết tới, và giờ đây thấy lạ hoắc. Thử tưởng tượng đi, nếu chỉ ghi "India", "Portugal", "Spain", "Russia", "Belgium", "Italy"... thì ắt hẳn sẽ thấy cách gọi "Ấn Độ", "Bồ Đào Nha", "Tây Ban Nha", "Nga", "Bỉ", "Ý"... cũng lạ hoắc luôn rồi.

* Lại có ý kiến biện bạch cho rằng gọi "Brazil", "Argentina" theo tiếng Anh là để "hội nhập" với ngôn ngữ thông dụng nhứt hiện nay trên toàn cầu (tiếng Anh). Mắc gì phải làm vậy? Người Pháp họ đâu mắc gì phải viết tên các nước bằng tiếng Anh, mà họ viết bằng tiếng Pháp - không lẽ làm vậy là người Pháp họ không biết "hội nhập" (?).

Nữa, nếu ưng biện bạch viết theo tiếng Anh, vậy ắt phải gọi "India", "Portugal", "Spain", "Russia", "Belgium"... một lèo luôn cho nhứt quán, đồng bộ cho rồi! Tức là tuyên bố "bức tử tập thể" đối với toàn bộ danh xưng quốc gia đã được Việt hóa!

* Các bực trí thức tiền nhân của chúng ta đã dày công Việt hóa hết thảy tên gọi các quốc gia, và để lại di sản chữ nghĩa này!

Đừng vì thiếu hiểu biết mà vô tình phủ nhận thì chớ, còn hỗn xược trước các thế hệ đi trước!

-------------------------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Hạnh tích Cha già Phêrô Đoàn Công Triệu

 HẠNH TÍCH CHA GIÀ PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG TRIỆU

--------------------------------

No 1

Quê quán cha Phêrô Triệu họ Bình Sơn, về sở Búng. Sinh ra ngày 17 Février 1843 (tuổi Mẹo). Cha mẹ đều đạo dòng có trên 200 năm. Vốn tổ tiên ở Huế, giữ đạo hẳn hòi, nhập cơ thính tùng phò vua Gia-long bảo mãn. Qua trào Minh-mạng, không ưa đạo, muốn trục xuất cho hết người có đạo, chẳng những trong đền lại nội kinh thành cùng cả nước; nên vua vời riêng ông Đoàn Công Tùng hai anh em thuộc cơ thính tùng đến ban khen: nội vi kiến tận trung với tiên hoàng; ngày nay trong nước yên ổn, thôi cho về nhà khỏi chơn quân chơn lính, ban thêm ít tước danh dự; lại hạ tờ cho vào Đồng-nai kiếm đất điền còn rộng để lập gia cư; chừng nước nhà gặp cơn nguy biến, sẽ triệu về. Lời vàng mà sâu độc…

Ông Tùng cao niên, lại trắn tríu quê hương, bỏ đi không đành; song ông biết lòng tân vương, nên lo một chiếc ghe bầu lớn, chở người con trai đầu lòng 6 cháu nội, đã khôn trộng chưa đôi bạn, và nhà em trai với 3 cháu thẳng vào Gia-định; tốp thì ông cho đưa ra Bắc, tốp tản ngoài tĩnh núp ẩn.

Ghe vừa tới Saigon, thì nghe tin chết đến một bên: vua đã hạ tờ tru gi tam tộc ông Tùng, dạy các quan Đồng-nai phải thi hành. Song nhờ lòng khoan hồng của các quan, nên nội ghe bình an; cả thảy là 15 người. Các quan thấy kẻ trung thần mắc nạn, thì tiếp rước giấu đút, lại làm mai mối cho mấy cháu ông Tùng lần hồi ai nấy đều có đôi bạn, ấm no phần xác, phần đạo thì càng ngày càng nguội lạnh, gặp những chỗ ngoại không: ban đầu còn trông cậy nương náu, hết cơn cấm kín sẽ lần về quê giữ đạo. Ngày lụn tháng qua, mấy người lớn chết hết, con cháu ra ngoại, song cũng còn nhớ mập mờ, ông bà xưa ở Huế có đạo, bị lánh nạn, xiêu lạc xứ nầy. Có chỗ người ta còn van vái ông Tùng, cùng hương nhang bông hoa, trà rượu, ông là người nội không ưa bánh, thịt, lại phải cùng ngoài trời, ông không chịu ở chung với ông bà ngoại.

Con cháu kẻ nam người bắc, bặt tin tức, sau lần hồi nghe nói ông bị vua bắt uống thuốc độc mà chết; bỡi lòng ngay, mà chết oan, đặng về trời làm thần thánh, linh thính lắm.

Ghe vào Đồng-nai gặp đâu tiện thì lần hồi lên bờ liệu bề sanh lý: kẻ ở Rạch-bàng, người lên Thủ-dầu-một, tuốt lên Bùng-binh, Bến-súc; có kẻ ẩn miệt Gò-công, Bến- tre, có người lên Châu-đốc, Bến-lức; Tân-an cũng có, không dám ở chung, lại đổi tên đổi họ, ấn tước, giấy tờ giấu tuyệt, lần hồi lạc nhau. Còn một mình ông Đoàn Công Miên cháu đích tôn ông Tùng, lần lên Búng với cha, núp phía Bà-trà, vở rẫy trồng khoai củ, giữ đạo bình yên. May gặp bà Trường cũng đạo dòng, hai đàng gá ngãi, sinh đặng 5 trai, 1 gái. Đầu lòng là ông Thới, cha của cha Phêrô Triệu, út là Á Thánh Quí. Cha bà Trường là ông Cai Thọ, trước ở Bà-quẹo, sau về An-nhơn cai lính giữ mồ Đức thầy Phêrô, cưới vợ trên Búng, sinh con cái rất đông.

Ông Miên, Trường bỏ phía giồng Búng, Bà-trà, lần ra Cầu-ngang, đàng đi Bình- sơn. Sau ông Thới mua đất lập vườn tược tại Bình-sơn, nên nhau rún của cha Phêrô ở Bình-sơn là đó.

Ông Đoàn-công-Thới kết ngãi với Phanxica Võ-thị-Chi, cũng đạo dòng, vi kiếng bà đông đảo, sanh đặng bảy trai, ba gái, ba trai đầu lòng, thứ bảy, và thứ chín chết sớm; còn hai người đi tu cha Phêrô Triệu thứ tư, với nhì Mátta Ca thứ sáu, (Nhà phước Thủ Thiêm). Hai ông bà vừa đủ ăn, ở nhà tranh trong miếng vườn nhỏ nhỏ, ông thì chữ nghĩa lanh lẹ, nên mắc lo việc họ việc làng; bà ở nhà lo con cái, nuôi gà vịt heo cúi, ươm tơ để tằm, dệt vải, thao đũi chút đỉnh gia dụng, có dư thì đem theo với thổ sản khác lên Thủ-dầu-một, bán kịp thì bán, bằng không kịp thì gửi cho ông Tính là cậu ruột bán giùm. Con cái đều làu thông đạo lý, chữ nghĩa hẳn hòi. Ông Thới làm việc họ từ biện đồng nhi tới chức ông câu. Tới lễ thì mấy cha con lo kinh sách, trần thiết trong nhà thờ.

Trong các con, thì trai thứ ba là ông Dung, được cưng dưỡng hơn, ăn mặc đồ tơ lụa thường, học hành đủ đầy, ít làm công việc, vì con đầu lòng là Thung chết sớm, lại Dung lịch sự, tiếng lảnh lót, miệng bằng tay, tay bằng miệng; cực hơn hết là Thanh, tức cha Phêrô Triệu, trùng tên với một người con. Hai ông thấy to xương hóc, vặm vở, thì mừng thầm, nói nó ăn chịu lắm, mình sẽ được nhờ. Quả thật cha Phêrô Triệu ăn chịu cho tới 94 tuổi, chẳng phải cha mẹ anh em đặng nhờ, còn giúp các việc chung cho ai nấy đặng nhờ. Mới nên 10 tuổi, công việc không thua trẻ 15, 16, giúp mẹ và gìn giữ mấy em dại, ít thong thả, ăn học, đồ mặc cũng kém, mặt mày u xù. Bi vậy ông Bé, với ông Trì, là cậu ruột cha Phêrô, anh ruột bà Chi, hễ gặp cha Phêrô thì sai đủ thứ, lại chọc nói để mần thịt ăn chơi, chệc lai căn nuôi làm gì; mầy nuôi mầy không nổi, tía mầy xuông dịch chết; mầy gặp nuôi mầy đây tại nhà ông Tính, đổi một quày chuối cau với năm quan tiền; bữa nào lên Thủ coi mầy còn trển.

Cha Phêrô nghe nói mãi, lại coi thân mình cực khổ, thua sút anh em, thì đem lòng nghi, có khi quả vậy, nên cha Phêrô muốn đi tu. Nhứt là lúc Á thánh Quí chịu chức thầy cả ở Pi-năng về thăm mẹ già, cha Phêrô không biết là ai, hồi đó thì vì Á thánh, khăn đen, áo dài như người thường; song thấy mặt mũi Á thánh nghiêm trang lộ vẻ cao sang, thì không khi nào quên cho tới chết. Cha Phêrô đang lo dưới bếp, nghe có khách nhà trên, dạy nấu nước, thừa dịp mới lên coi ai đó, song rủi thay, vừa bưng bình nước chưa kịp ngó cho chán chường, thì bị ông Thới cú một cái, biểu xuống bếp cho mau, coi chừng cháo heo kẻo khét. Cha Phêrô nói Á thánh vừa tới nhà, thì nội nhà lẳng lặng, nội mẹ Á thánh ra như sửng sốt; một chút thấy nhiều chức việc họ, và bà con tới đông, ai ai cũng nói nhỏ, lúc đó quá đỏ đèn. Kế thấy bà nội khóc; dưới bến có ghe chực sẵn đưa Á thánh xuống Lái-thiêu, vì động dụng nên Á thánh ở lại làm lễ không đặng. Á thánh vừa đi cách hai giờ đồng hồ, thì có lính thầy cai tới, tìm gì không thấy bèn về. Thật ghê quá!

Buổi đó cha Quờn (1) Lái-thiêu nuôi những con trai nhà tử tế, ý lựa gởi đi tu làm thầy cả. Vậy cha dạy ông Thới phải cho Dung đi, bằng không thì cha con không đặng xưng tội.

Ông Dung không muốn đi, vì ở nhà sung sướng. Ông Thới buồn vì thương con, vì sợ phép cha thầy, Chi cũng khuyên ông phải vưng lời cha thầy, không thôi không xong. Cha Phêrô thừa dịp xin bỏ đỡ đầu là ông đội Thơ xin cha mẹ cho mình đi thế cho anh Dung. Bà mẹ hự! nói mầy gọn ghẻ gì tu trì, lưng bề sề quá voi, ô dề kịch cợm lắm, thôi ở nhà cho xong. Bữa kia Phêrô đưa em (là bà Ca) trên võng làm bộ ngủ, nghe cha mẹ buồn rầu bàn soạn: ông thì thương Dung, bà thì tiếc Triệu, sợ Triệu đi thì việc cữa nhà bối; ông thở dài nói, thôi ý Chúa xuôi lòng Triệu, thì Chúa sẽ liệu cho tới cùng, việc cữa nhà cực ít bữa sẽ quen, Dung không muốn tu, mình có ép cũng không xong. Triệu có với cha Quờn thì nhà mình nhẹ gánh, thôi lo sửa soạn vài quần áo, tắm rửa cho nó, bắt một cặp vịt, tôi kiếm một đứa chèo ghe tối đưa nó xuống Lái-thiêu kẻo trễ nhọc lòng cha sở.

-------------------------------------

No2

Ông Thới hối hã cho mau, vì sợ trì hưởn, thì mẹ thương con, con mến mẹ; anh em trắn tríu, mà Phêrô đổi lòng, thì khó tính lắm. Từ khi ông nghe lịnh cha Quờn dạy cho con đi tu, thì khác nào tiếng Chúa dạy dưng con đầu lòng cho Chúa như thánh Abraham xưa. Ông cũng nhiều lần can thiệp và cực khổ với mẹ già trong việc Á thánh Quí đi học Phi-năng. Làm thầy cả đời cấm kín là nộp mình chết. Em út vượt biển, băng ngàn học tu mấy năm cách bức, tình huynh đệ thơ từ lai vãng. Được thơ em sánh nữa ngọc vàng châu báu, coi đi đọc lại cho mẹ già vui thỏa: thấy văn hoa chữ nghĩa, lý lẽ ân tình, thì mừng cho em đặng trọn bề trí đức. Em về gặp có mấy giờ, lụi đụi phải đưa em đi, lòng như muốn đứt!

Tới Lái-thiêu cùng nhau chuyện vãn một đêm vắn või, lễ rồi anh lìa em về phụng dưỡng mẹ già, lo bầy con dại, em lìa anh vưng lịnh bề trên xuống sông sau lãnh coi đàn chiên xa gần trôi nổi. Nay Chúa gọi con mình đi nữa, đâu dám ước phước trọng thể ấy; một cúi đầu cám đội thi hành chóng vánh cho tròn phận sự, thì ông Thới lịu địu đưa con xuống Lái-thiêu giao cho cha Quờn; không để cho mẹ đưa con kẻo bịn rịn, sợ con ngã lòng.

Phần Phêrô đặng phỉ chí, dốc một lòng với Chúa giã từ ruột thịt, quê hương; dầu thấy mẹ và mấy em than khóc níu kéo cũng thẳng tới, không thay đổi. Hai cha con tới Lái-thiêu thẳng lên cha sở Quờn ở tại Cái-me (Cây-me), không có nhà thờ. Cha đùm đậu trong nhà dài, để tằm, ươm tơ, dệt vải, làm lễ đêm hôm ở đó. Á thánh Quí khi xuống Lái-thiêu cũng làm lễ trong nhà nầy. Chủ nhà là: Vui, Vẻ, Đào, Thơ; hai người sau là Dì phước ăn mặc như người thường cho dễ tu. Nhà phước hồi đó chưa lập tại Thủ-thiêm; còn núp ẩn Cây-me Lái-thiêu, cả thảy chừng mươi Dì. ba bốn nhà riêng gần gần, xung quanh cây cối vườn tược rậm rạp, cho dễ bề trốn tránh. Hễ động dụng thì chị em hiệu lịnh; hoặc đánh mấy tiếng mỏ làm như đuổi chồn cheo, nhen sóc phá rẫy thơm; hoặc giả gạo nhịp cối cho lớn mấy tiếng; khi kêu nhau hú hí, như rủ đi rừng đi chợ; lo khiêng đồ thờ, đồ lễ giấu trong rừng, cùng chạy tan, để ít bà già và nít nhỏ ở lợi. Có nhiều lần các Dì mắc mớp: nghe có lính tới vây, lật đật khiêng đồ đi giấu, nghe lại không phải thì lại khiêng vô; khiêng vô vừa rồi, phập phùng trong bụng, lại phải khiêng ra, cả đêm khỏi ngủ. Mình có tịch cục kịch thì nôn.

Dầu lúc eo hẹp, cha Quờn và các Dì cũng nuôi con nít “hài đồng”, có khi trong nhà có tới bốn năm đứa. Các Dì làm thuốc, lễ đẹn, bán thuốc con nít: dùng dịp đó mà đem tin tức, an ủi chầu nhưng đạo mới, gở rối, giúp kẻ liệt lào…

Cha Phêrô ở tập mình với cha Quờn tại Lái-thiêu gần bốn năm, cực hết chỗ cực. Đêm hôm lội vô rẫy thơm lấy cấp bàn thờ, đồ lễ, xong rồi đem đi giấu; khi phải đi xin sữa cho con nít. Xóm ny qua xóm kia cách bức rừng bụi, về tới nhà canh một canh hai; về không đặng nghỉ, phải bồng ẳm đưa mấy đứa khóc la, tiêu tiểu đầy mình. Mê mệt, thiu thiu ngủ, con nít khóc, cha Quờn la hét: “đồ lớn lưng nằm đâu ngủ đó, mầy chết”. Khó nữa, là chôn cất con nít hồi chiều tối; vai vác cuốc, tay kẹp cái quách; có lần 2 cái, phải gánh tòn ten một mình. Sợ cọp hùm, mà cha Quờn la lên, thì giống gì cũng không sợ nữa. Phêrô nhiều phen muốn về nhà, may sao Chúa không để tới nỗi.

Phêrô còn phải giúp các Dì: nước lớn thì đội đồ đi đập xổ; tưới hơn năm chục nọc trầu, không phải nước thường; phải múc nước hầm tiêu: bỏ rơm lắng nước trong tưới, bị nước ăn lở tay lở chơn.

Nói tắt: việc gì nặng nề, khó nhọc thì kêu réo Phêrô, có đi khỏi cũng đợi về sai. Trong nhà cha Quờn cũng hiếm trai lớn; cũng không phải trai làm, trai nghỉ: đệ nhứt là Viễn (thầy Viễn) hầu cận cha sở; Oai là con của biện Nhuần ở Bà-quyến (Mỹ-hảo) cũng thong thả (biện Nhuần là anh bà con với mẹ cha Phêrô còn gần). Có Dưỡng anh của Tánh, Dưỡng (thầy Dưỡng) tật lở tay, phải nấu nước nóng rửa, có khi Phêrô phải nấu bưng cho!.

Lâu lâu mẹ Phêrô xuống thăm con: mẹ thấy con lam lụ, không học hành, thì ứa nước mắt muốn đem về, song không dám tự lịnh; bàn hỏi than thở, thì ông Thới không cho, nói: “mình đông con đem về làm chi, để nó ở giúp cha thầy, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, ông nói phui pha bề ngoài, bề trong nguyện cầu cùng Chúa định liệu cho con mình, phú dưng, một lần không bắt lại. Phêrô nhớ công ơn bà Văn: bà thấy Phêrô cực khổ thì hay cắp nắp của ăn áo mặc; có bánh trái mít thì để dành. Phêrô có việc cha sở và các Dì hay sai vô nhà bà Văn. Có lần tối quá, bà không cho Phêrô về, bà nói con người cũng như con mình: một thân, một mình bây lớn đi nữa đêm nữa hôm, cọp ăn còn gì. biểu cách mấy cùng không đặng; Phêrô không dám cải lịnh cha sở. liền khóc cùng an ủi Phêrô, “thôi con rán chịu khó, Chúa trả công cho con ngày sau”. liền kêu biểu con hương Quới, cậu cha già Giuse Thơ, đưa đi cho có bạn. Cha Phêrô khi gần chết còn nhắc bà Văn cùng ứa nước mắt.

---------------------------------------

No 3

Cha Quờn coi Lái-thiêu và mấy họ xung quanh; khi ngài đi các họ nhỏ, nếu có việc gì cực thì đem Phêrô theo: dọn đồ lễ giúp lễ, rồi ẳm con nít về nuôi, cực thì Phêrô, sướng thì kẻ khác.

Có lần cha đi làm lễ Thủ-đức, rủi quên đem áo alba, trời gần tối cha sai Phêrô về lấy tại Lái-thiêu: phải đi một mình qua truông rậm, đã cọp hùm, lại còn lính làng canh nhựt mấy chỗ đóng thập tự, Phêrô vưng lời ra về Lái-thiêu, một cọp ních, hai tử đạo. Nương Thủ-đức, xin cha Quờn cho người lớn đi theo cho bạn. Cha nói nó dạn, lại nhỏ thì dễ hơn lớn, cọp đâu ăn nó đặng, “cọp ăn nó phải hâm”, nồi trách đâu có hâm. –“Thôi mầy về đi và chạy cho kịp về nội đêm nay, chớ ở Lái-thiêu ngủ chết đa”.

Phêrô bận đi gặp lính hỏi: “Nhỏ kia, đi đâu một mình đêm hôm, không sợ cọp, sợ ma gì sao?” – Thưa tôi đi học thầy Xuân, lâu ngày nhớ mẹ, và bầy em dại, lại hết thuốc hút, quần áo cũng rách, lén trốn thầy về Cây-me nội đêm qua cho kịp học ôn, không thôi bị đòn chết, nhớ quá đi đại. Lại không dám nào, xin hai cậu dắt tôi đi tránh thập tự của người ta thờ phượng, mình can, mắc mớ giày đạp tội chết. Lính thấy trẻ lương thiện, hiền hậu thì dắc quanh giùm.

Tới Lái-thiêu, đâu đó ngủ im lìm, Phêrô lo lấy áo alba, thuốc hút quần áo gói vào một gói cho có cớ, quay quả qua Thủ-đức. Đêm đó lính canh nghiêm ngặt, Phêrô gặp tụi một phen nữa; cũng cứ kiểu hồi hôm, thì đặng đi thong thả, lính khen nhỏ dạn dĩ đại tài. Phêrô thưởng ít điếu thuốc ngon, hai chú lính bớt lạnh, rất khoái dạ, rồi mạnh ai nấy đi.

Phêrô vừa tới Thủ-đức, cha Quờn không hỏi thăm gì, không khen, không thưởng chi, hay là kiếm ai dọn đồ lễ, giúp lễ thế, cha đợi sẵn, hối dọn dẹp làm lễ cho mau. Xong xuôi, Phêrô quì giúp lễ, khỏi ngủ gục, vì sợ vì mầng còn tranh đấu nhau, con ngủ chạy mất. Lễ rồi dọn về liền.

Ai nghe việc xảy ra đêm nay, đều mầng cùng khen Phêrô mạnh dạn. mấy giờhồn vía lên mây hai lần. Bây giờ mình nghe cũng còn ghê cho đời cấm kín!

Phêrô dầu cực khổ, học hành thua sút anh em, ăn mặc thô kịch, cũng chẳng khi nào tính về nhà: chỉ học có kinh giúp lễ cho thuộc để giúp lễ ban đêm và khi đi theo cha làm lễ ở những họ nhỏ. Cũng chẳng mấy khi về nhà thăm cùng ở đêm với cha mẹ anh em: nội bốn năm ở với cha Quờn, Phêrô về Bình-sơn ba lần, cũng là đi có việc cha sai. Ở đêm một lần, vì trời mưa trơn trợt, chơn bị lỡ; mẹ và anh em cầm lắm mới lại. Lần đầu hết Phêrô dịp cha sở sai, về ghé thăm mẹ, anh em níu kéo lắm; Phêrô kiếm lời an ủi mấy em: để qua về Lái-thiêu, đi Thủ-đức mua ná cho mấy em bắn chơi, để qua đi cho sớm, ít bữa qua về, không mất đâu sợ (Mấy anh em Phêrô, dầu là em gái cũng ham bắn, cùng bắt chim bắt cá).

Bây giờ tới giặc tây, đâu đó lộn xộn, đạo ngoại lớp mầng lớp sợ. Công ăn việc làm đều ngưng đợi. Tàu Langsa (Dragon) lên Thủ-dầu-một, sau xuống Búng đậu lại.

Lính lên kiếm Tổng Lại là tay bắt đạo, Tổng Lại chạy trốn, bỏ nhà. Sau cha Khiêm về Búng, lấy nhà nầy làm nhà thờ tạm, tới trào cha Võ mới cất nhà thờ tại chợ Búng, có cố Thanh(2),ở dưới tàu, nói vào ống truyền thinh, nghe hai bên sông: “Ai là người có đạo muốn khỏi cơn nguy hiểm, thì hãy xuống tàu cho mau về Sài-gòn”. Tiếng cố Thanh rổn rảng, lại nương ống nói thì vang dội xa lắm, nghe lạnh mình!. Cố Thanh lên nhà thờ Búng, đi tam bản nhỏ, kêu bổn đạo chạy giặt, có cho người tin cho Bà Trà, không nhớ họ có kịp tới tàu không. Ở Búng, bổn đạo tóm thâu tiền bạc, quần áo; ai không ghe cộ, thì xuống tàu, ai ghe thì đem đồ xuống ghe; nhiều kẻ hoảng hồn, thì vác những đồ bể, đồ cũ đi, đồ tốt, đồ lành, đồ quí bỏ lại, liu chiu lít chít, chó tru trếu om trời, tiếng người kêu réo rộn rực; tốp dọn đồ, tốp đẩy ghe; con nít con trẻ không hiểu chi, cũng khóc la inh ỏi. Lớp dưới tàu hối, lớp trên bờ thúc, nhớ một quên mười, thôi mạng sống hơn đống vàng, lo chạy cho mau.

Ông ngoại của Phêrô có ghe lớn, thì nội nhà ông Thới, và mấy nhà anh em của bà Chi xuống ghe hết: đồ đạc, thao đũi, ít trăm quan tiền, heo gà một mớ.

Tàu thả dây dắt ghe chạy chậm chậm, tới Lái-thiêu tàu đậu lâu, cố Thanh lên nhà bà Văn, cha Quờn hối 10 dọn đồ xuống tàu, chở chàm, ghè chàm…cùng các tài liệu. Nghe thôi chào rào, sốt sắng không chỗ nói.

-----------------------------------

No 4

Lúc dọn đồ cha và các Dì xuống tàu, Phêrô vùi đầu: lớp khiêng gánh, lớp hộ vệ trẻ mồ côi: một tay dắc hai đứa trộng là Châu, Thới, một tay ẳm một đứa nh. Vừa tới tàu giao cho các Dì, cha sở liền hối Phêrô, cha sở hối Phêrô phải quay lên với thầy Điều, vì Phêrô mạnh và biết chỗ chôn 400 quan tiền, lấy đem xuống tàu. May có người ta phụ, không thôi hai bà con hè hụi 600 kgs, cũng hụt hơi.

Nhờ tàu đậu lâu, bổn đạo Lái-thiêu và họ Gò dọn đồ đạt được nhiều. Mẹ của cha Vàng (Rạch-gốc), mót máy tơ kén hai bao đầy, cuốn 10 cây lụa nhuộm mới phơi dốt dốt, Phêrô đội sách hôn phối nầy, đặng năm tiền, giữ nguyên tới đi nhà trường. Cô ba, cô tư, bác năm, bác sáu và cha của cha Vàng đều xuống Saigon

Xong, tàu kéo neo chạy, tới đồn giao khẩu bắn hai phát súng đồng rền trời. Đồn còn cháy ngui ngút; tàu bắn phá bận lên.

Tàu về đậu tại vàm Kinh Lấp (kinh chợ vải, đường Charner, nay đường Nguyễn Huệ), bổn đạo kéo lên đất, như đời ông Noe, quan thủy, và các cha dẫn bổn đạo đi mấy nhà người ta chạy giặt bỏ lại, nhà ngói nhà nghê, nhà quan, nhà dân, nhà sàn, nhà trệt ở đâu mặc ý. Rảo từ sớm mai, tới trưa, tới tối, cũng còn y số người, chưa ai ở đâu hết. Tốp vô nhà nầy ngó trước xem sau một hồi, phát lạnh mình sau đó tháo ra; tốp chun nhà khác, lục đục một hơi, không vừa ý, không vững bụng chi, cũng bỏ đi theo. Rầy la ép buộc cách mấy cũng vô ích, tối lại cơm nước hui hút, giụm nhau đọc kinh, ngủ mòng ngủ muỗi, sáng lại đi kiệu như hôm qua. Chín mười ngày, chưa yên chỗ ở.

Tới Saigon hai ngày, Phêrô mới gặp cha mẹ, anh em, bà con cùng người Bình-sơn, Búng, Thủ, vì Phêrô mắc giặng gịt đêm ngày trong nhà, không ló đâu đặng.

Cha Quờn ở đở trong một nhà lớn dựa bờ kinh, làm nhà thờ tạm luôn. Nhà phước qua Thủ-thiêm, song không yên, phải trở lại Saigon đỗ nhà bà Báu, Khoa, cho tới khi cha Niên lập Thủ-thiêm xong mới về

Cha Quờn với ông Thới, và bổn đạo kiếm nhà cũ góp làm một nhà lối cột cờ Thủ Ngữ, dài 14 căn, khá rộng, gia thất ông Thới cũng chung đó, các nhà Trắng qua Saigon 1860, nhà kín 1861 cũng trú đỡ nhà này lâu tháng. Bỡi thân cận, nên nhiều người họ Búng, Bình-sơn….vào hai nhà dòng nầy trước hết.Lại hai dòng nầy gần gủi nhau, chung chạ nhau hồi ban sơ tại đất Nam-kỳ, thì hai dòng lập nhà cũng gần nhau, nghĩa thiết nhau tới bây giờ.

Xứ Búng người ta ưa nhà kín, nhà Trắng, nhà Trường cũng vì cốt cách ấy. Thật là cựu ngãi cố tri.

Bổn đạo tựu hội Saigon chẳng bao lâu, kế bị dịch tể khốn đốn lắm. Cha Quờn, cha Tuyết ở Khánh-hội, cha Điện phụ lực đi kẻ liệt cũng không kịp. Cha Điện mệt mỏi quá sức, ngủ ngồi, ngủ đứng, ai có rước cha, phải lúc lắc cha mới dậy nổi. Đức cha Đôminicô (Đức cha Ngãi) gặp cảnh sầu ny, thì đau lòng xót dạ thương con chiên mình hết chỗ nói đặng. Người trốn tránh núp lén nhà bổn đạo trong cơn cấm cách mà vui vẻ; nay đặng an nơi đùm đậu sợ tiếng oán trách, như Moisen xưa với dân Giuđêu trên rừng. Đức cha liền chạy đến Đức Mẹ. Người dạy bổn đạo tựu hội kiệu ảnh Đức Mẹ trọng thể, dịch liền tan đi mất.

Hết dịch tới ghẻ hờm. Cớ bị vấp đá ong trãi đàng, đụng đâu lây đó, nhức nhối quá sức

Phần Phêrô giúp cha Quờn tại Saigon hơn một năm, Đức cha Ngãi thấy học trò Latinh ít quá, muốn kiếm thêm. Đức cha biết cha Quờn có nhiều trai trộng trộng, vậy Đức cha ghé cha, dạy cha đem mấy đứa ra mắt, cũng như thánh Samuel dạy ông Isaia xưa. Cha Quờn vui mặt đem Viễn, Tánh, Oai: hai người sau Đức cha lấy tay đo mặt, lắc đầu nói không đặng. Viễn thì Đức cha xét lâu, người nói may nhờ ơn Chúa đổi lòng dạ sao, chớ không chắc đậu, Đức cha hỏi còn đứa nào nữa. Cha Quờn ngó qua lại như kiếm gì, Đức cha hỏi nữa, thì cha gượng nói còn một đứa lù khù, lớn xộn, để giữ em và phụ bếp, nó ở đâu nãy giờ. Đức cha hối kêu kiếm xem thử. Phêrô ngồi dựa hai mái sau hè làm cá, nghe tự sự. Cha Quờn ra ngoài ngó mong, như tuồng Phêrô đi đâu xa, kêu lớn tiếng một cái. Phêrô dạ gọn gàng bước vô, tay còn nhớt cá không, bôi lia hai bên bắp vế, khoanh tay hầu Đức cha. Phêrô dạn vậy chẳng lạ gì, vì nhiều lần Đức cha có ghé nhà ông nội bà nội, có trú lâu ngày ở nhà. Đức cha đi chơn không, mặc quần đũi đỏ, ăn trầu, cạo hết râu. Thường trong buồng kín, ai trong quới chức hay các cha việc thì vào bàn với Đức cha. Đức cha hiền từ lắm; tới đâu người ta cầm Đức cha lại. Nhiều lần Đức cha sợ lậu tiếng, sinh khó cho Đức cha và nhà chứa; người ta cũng không sợ thiệt hại gì, sẵn lòng chết thì chết. Vừa thấy Phêrô Đức cha liền dạy cha Quờn phải cho Phêrô đi nhà trường với Viễn. Cha không có sắm đồ sẵn cho Phêrô, nên lật đật biểu nhà phước lấy áo dòng cũ sửa làm áo dài, giặt hai bộ đồ bận mần, với một quần đũi đen, mẹ Phêrô cho hồi còn ở Lái-thiêu, Phêrô cưng lắm, còn mới tinh chong.

Phêrô tắm gội xong, gói đồ vào khăn vải ta; lấy năm tiền giúp lễ đội sách gởi cho nhà phước, các Dì cho thêm năm tiền, mẹ cho một quan, cha sở cho một quan. Cụ bị bấy nhiêu qua nhà trường Xóm-chiếu. Ba quan tiền nầy cũng còn nguyên tới ngày Phêrô chịu chức thứ năm, mới sắm áo alba, Bà mẹ nhà kín biết chuyện cũng để áo giá đó!

---------------------------------------

No 5

Phêrô khác nào như nai khô gặp nước, chạy ào tới mạch, bấy năm ao ước, nay mới phỉ nguyền.

Khi tây chưa lại, nhà trường Latinh ở Thị-nghè, (trong cầu Thị-nghè bây giờ). Nhờ xã Đá có đạo, khá ăn trong nhà, khéo miệng lưỡi, thanh liêm, ân cần việc quan, nên nhà trường được yên, không ai nói tới; động dụng, thì các quan cho hay đặng dời học trò ít ngày, yên rồi về học như thường. Cha Triêm lập trường bên Xóm-chiếu cho rộng rãi hơn, học trò về bển. Kế bị quân Tùng-thiện đốt tàu tây canh trong sông Thị-nghè, lối bến tượng, học trò lại phải về Xóm-chiếu.

Phêrô học hành đặng một năm tại Xóm-chiếu. Cha Vị (Wibaux) bên tây mới qua, Đức cha giao nhà trường cho cha Vị, biểu cha Vị dạy học trò với Thầy Khoa (cha Khoa), Phêrô dạy cha Vị học tiếng annam, Thầy Đậu (cha Đậu) lãnh trường nhỏ một cái lá, một cái ngói, tại cầu chông Khánh-hội, Cha Đậu lo dạy lựa học trò gởi qua Xóm-chiếu. Cha Triêm lên xuống làm lễ tại trường cha Đậu, cũng là nhà thờ họ Khánh-hội. Cha Triêm giao nhà trường cho cha Vị, người lo coi họ không. Cha Vị ở trường Xóm-chiếu hai năm, phải bỏ đó, dời qua trong một nhà gần nhà thương đồn đất, tại ca hữu trại lính kỵ maní. Cha ở Xóm-chiếu không đặng, vì tại đất thấp quá, lại người ta chạy giặc, nay về tranh ruộng đất lại.

Lúc ở Xóm-chiếu có chuyện cực kì: vườn nhà trường có chuối mít chút đỉnh, rào giậu sơ, tụi hạch đen tàu đò, tàu buôn hay vào vườn ăn cắp. Phêrô bắt dẫn cho cha Vị: cha mắng nó là đồ ăn cắp, đồ du côn, đá đít đuổi đi xấu hổ. Vậy tụi nó không chừa, nhiều lần Phêrô rượt bắt, loi mấy hạch ít loi rồi thả. Phêrô ỷ sức mạnh, một xuất một không sợ. Có lần Phêrô đi chở lúa, ghe về tới bến, lo vác bánh lái và chèo lên, tụi hạch thấy, liền hú hí nhau, dưới tàu rùng rùng kéo lên lối năm mưi đứa, cây hèo, dao tu đủ thứ. Phêrô cũng chưa lo, cứ vác đồ đi mau, tụi nó rượt nà chừng 70 thước tây; Phêrô coi bộ nguy, chắc tụi nầy nó mần thịt không tha; người liền quăng bánh lái và chèo xuống, hầu giải vây: may có đống đá ong, Phêrô lượm cục nào cục nấy đích đáng, vụt thí, trúng đầu lỗ máu đầu, trúng bụng hộc máu, lăn chừng mười mấy đứa nó mới chịu phép chạy. Phêrô ẩu đả với nó chừng mười phút, miệng kêu Chúa, giục lòng ăn năn, tay chơn chống chỏi, thật lấy hết sức bình sinh mới khỏi nạn. Xong rồi Phêrô rán vác đồ về, áo rách rả, mồ hôi đẫm ướt, tới nhà Phêrô nm sải sòng, nóng rét man, Cha Vị tưởng Phêrô bị đi ghe cảm thương hàn, lấy nước trà nóng chế rượu mạnh cho uống. Phêrô nằm li bì, qua bữa sau tỉnh, mới thuật đầu đuôi: cha con cám đội ơn Chúa.

Phêrô lần nào gặp tụi hạch cũng né, cho tới năm sáu năm tụi cũ đổi đi, mới hết chỗ sợ. Sau nầy Phêrô làm thầy cả, lần nào đi Saigon, gặp hạch đen, người cũng dùn mình.

Cha Vị và Phêrô vừa gặp nhau, liền thương mến nhau, giúp nhau cho tới chết. Khi tàu đưa cha Vị tới bến, chính Phêrô đem đồ cha lên nhà trường, sành soạn sắp đặt. Gia tài là 1 rương quần áo, 1 rương sách, 1 rương đồ lễ, 1 bộ Barette và dĩa bằng gì… mạ vàng, (đồ lễ quần áo thường lắm), 1 chén thánh giống chén cha già Phêrô, để cho Nha-ràm bây giờ, 12 đèn cầy lớn, 2 hộp khoai lang khô và cải khô. Bên tây qua, đem bấy nhiêu, tợ mắt Phêrô ngó thấy, thì lòng Phêrô in sâu gương hạnh cha Vị cùng học đòi bắt chước luôn; cả đời không ưa cùng không sắm nhiều đồ nhứt là đồ tốt. Cho bực tu trì dùng đồ tốt thì người lắc đầu. Cha Vị tới nhà trường Latinh Saigon, liền cãi cách: trước hết hớt đầu tóc học trò. Phêrô tóc tốt dài lắm, lấy gởi về cho mẹ. Cho đội khăn đỏ, coi không đặng, mới cho đội nón, kiểu nón lính cảnh sát, kêu là nón ma-tà, tròn nấm mối. Phêrô bày kiểu áo lót trắng có bâu, giống áo mấy người ghe bầu. Phêrô may bằng vải ta trắng, vậy mà người lấy làm tấn tới lắm rồi!. Còn việc người giúp cha Vị và nhà trường trong 15 năm, thì còn cực hơn hồi ở với cha Quờn bội phần. Phải may vá đồ cha Vị, lo đồ lễ, sáng nấu đồ lót lòng là 1 chén café (bình café nầy còn tại Nha-ràm, bình sành), 2 trứng gà, chút cơm, hoặc cháo trắng, ít khi có bánh mì, Càng lâu thì công việc càng nhiều càng nặng, ít được học hành chung với chúng bạn, cha Vị phải dạy riêng hoặc ở nhà, hoặc khi đi với nhau chỗ nầy chỗ nọ lo việc ngoài hay là việc nhà trường.

Cha Vị dời trường về gần trại lính Ma-ní, chẳng phải đó luôn, khuôn đất đó ném giữa thành về nhà nước; phía cột cờ Thủ-ngữ tới chùa cầu ông Lãnh, chạy khỏi trường đua thì nhà nước Langsa ký phần cho ông Thới và bổn đạo chạy giặc; còn phần từ đàng sau nhà Kín tới sông Thị-nghè, thì để phần cho Hội giảng đạo, chạy tới cầu kiệu. Nhà nước ký phần vậy cho khỏi người Iphanho xin đất, vì trong cuộc lấy Nam-kỳ, người Iphanho phụ binh khí, bên Philippine qua. Phía đất giáp sông Thị-nghè, xưa đời vua Gia-long giao cho Đức thầy Phêrô và Hội giảng đạo, nay Langsa lại cũng không sửa đổi. Theo lẽ thì vậy, chớ ra việc thi hành thì khác. Cha Vị phải mất nhiều ngày giờ xin cất nhà trường chỗ bây giờ. Quan Nguyên soái thủy không muốn cho, rằng: chỗ đó sợ Annam ứng nghĩa phá đốt như đã đốt tàu tuần và nhà trường trong cầu Thị-nghè. Cha Vị muốn xây lợp cho rồi, không muốn đùm đậu gần trại lính pháo thủ. Người đã mang trong mình từ bên tây một hy vọng lập trường Latinh bổn quốc như bên tây; nên người cậy ơn Chúa, ngày nào rảnh thì đi lên dinh Nguyên soái, xin đất cho đặng mới nghe.

------------------------------------

No 6

Khi già Phêrô về dưỡng lão Chí-hòa, đi qua lại Bà-quẹo, thì người nói, xưa kia người có đi đánh giặc lối nầy. Xưa có đồn lủy, rừng bụi, rày không thấy một dấu tích gì xưa nữa, cách có mấy năm đâu, (quá bảy mười năm rồi!). Hỏi cha già: “Cha Vị và ông có bắn ai chăng? – Có đâu! – Chớ đi làm chi ? – Hồi đi Biên-hòa, thì xớ rớ trên sân tàu, các quan hỏi cha Vị sao đó, mình đâu hiểu; cha Vị kêu, biểu, hỏi tôi cái gì, biết thì nói không thì ngó thôi. – Ông không sợ annam mình bắn chết sao? – Tôi không nghe cũng không thấy annam mình bắn tây: hồi tôi ở Lái-thiêu nghe tàu tây lên Búng, lên Thủ, không bắn chết một người annam nào; annam mình chạy mất, dễ tây bắn đặng; mình cũng không gần đó bắn trúng tây. Tôi không sợ cho lắm, đều rầu mình không hiểu gì. – Còn tây họ sợ annam mình phải không? Bộ họ sợ nên họ mới nài cha Vị và tôi di theo cho có bạn; ban đầu họ sợ thật, song lần lần họ hết sợ: vậy họ mới bị annam mình tại Chí-hòa, Bà-quẹo, còn mộ bia, mả tháp dọc đàng đó. – Ông biết annam mình cũng bắn tây chết đặng, sao ông dám đi khôi phục Chí-hòa, Bà-quẹo; quan quân súng còn chết, cha Vị ông tay không, annam bắt đặng chắc mổ bụng không tha. – Thật nghe họ chết cũng ghê cho mình, mà nhắm chết, thì không phải một mình mình; lại chết vậy, cũng phần rỗi người ta chết, cha Vị đi vậy họa may cũng làm phước cho quan quân bị trận đặng ?. Nghe nói hồi trận Chí-hòa, Bà-quẹo, hai bên đánh nhau lung lắm, phải ông? Đánh đâu trước, chớ bữa tôi đi thì tây bắn một hồi, rồi nghe im lìm như bắn trong rừng già. Tôi định annam mình kéo chạy hết. Tây đốt phá đồn lủy, xong rồi kéo về.

Xưa đánh giặt cũng như đấm chơi. Nghe nói bây giờ súng ống gì, máy bay bắn xa cả trăm cây số ngàn! – Cha Vị và ông có công với nhà nước, sao không xin mày đay đeo chơi ?. – Cha già cười ngất. – Thôi để chừng ông trăm tuổi già, sẽ liệu xin Đức cha chôn ông gần mộ bia nhà nước, ông chịu không?. Cha già tưởng thật, vì nhiều chuyện người không muốn Đức cha hoặc các cha cùng bổn đạo phân trần với người, có khi ép đại, thì người phải vâng, nên người nói thôi, làm rộn ràng chi, để tôi ở với các cha vui hơn.

Cha Vị chịu cực xin cho đặng hai chỗ đất nhà Kín và nhà trường bây giờ. Ngày thứ tư, Chúa nhựt cha đi đem Phêrô theo. – Cha bận áo rộng đi ngoài, tới gần dinh Nguyên-soái mới bận áo eo. Cha ưa khoe tài Phêrô nấu café với Nguyên-soái, nên nhiều lần Phêrô nấu cho mấy ổng uống, họ khen lắm. Ông khoái không ?. Thứ nấu vậy khó khót gì, lui cui cho họ uống, mình mệt. Cha Vị đi đâu cũng đem Phêrô theo hộ vệ, nhiều lần phải cỏng cha, vì đường sá ngập ngạp, hoặc vì cha mệt mỏi đi không nổi. Nhiều lần các quan thấy cha Vị năng tới lui thăm viếng, thì hỏi cha đi sao hay quá, sức đâu đi bộ mãi. Cha chúm chím cười nói: khi tôi cũng đi ngựa. Bữa nay cha mệt, đau mới khá, bộ cha đi ngựa phải không?. Phải. – Ý, ngựa cha cột đâu, đây có ngựa cái nái, ngựa cha ngựa gì?. Coi chừng. Phêrô nghe nói nôn ruột, nghĩ mình cỏng đã thèm còn kêu là ngựa nghé. – Cha Vị ngó Phêrô, thì quan hiểu.

Có lần cha Vị đi Chợ-lớn thăm quan Tham biện tính việc chi, Phêrô phải cỏng cha bận đi bận về. (Cỏng chỗ nào trơn trợt, không phải cỏng luôn). – Nhiều lần cha Vị cũng vô Chợ-quán thăm cha Thomas Đoan, an ủi chuyện vãn. Cha Thomas Đoan cực khổ xây lập nhà thờ Chợ-quán, cất nhà tử tế. Đức cha xin cha nhường cho cha Barou ở: Cha Thomas, cất một nhà lá nhỏ ở riêng trong một vườn trầu gần gần, bổn đạo cũng lai vãng, cùng lo việc riêng với cha Thomas như thường. Cha Thomas và Phêrô từ đó nên thân mật với nhau. Cha Thomas sau về Nha-ràm, rồi về Lương-hòa. Cha Phêrô sau cũng về Nha-ràm thế việc cha Thomas. Hai đấng hằng tin cậy trọng kính cùng viếng thăm nhau.

-------------------------------

(Thiếu số 7, Báo NKĐP, số 1435, ngày 31. 12. 1936)

--------------------------------

No 8

Phêrô phải lãnh coi sóc may vá, giặt ủi đồ học trò mới vô; phải tắm rửa một tuần ba lần, có khi hơn nữa, thường chừng 10 tới 17 chú nhỏ nhỏ: phần nhiều mấy chú mới không biết lo sạch dơ gì hết, quần áo bận chạy chơi té dưới đất, dưới cát, lấm láp, rách ngang rách dọc, tuông cây, tuông đá lở lói, tray trét chiếu mền, mủi giải quẹt thí quần áo, ướt khô bận đùa, nhiều lúc ban đêm, chẳng nói chi lúc đau ốm, hồi mạnh giỏi có khi làm biếng, ngủ hoặc sợ ma, tiêu tiểu bất kể. Phêrô lui cui dạy biểu, sửa soạn năm nầy sang năm khác, chẳng hề phàn nàn quạo quọ, đánh rầy ai. Người cứ nói: mấy anh mấy chú nhỏ rán giữ, tôi may vá, giặt phơi không kịp. Người bày làm một bàn ủi bằng đồng, mướn thợ Chợ-quán đúc, xài trót đời người, bây giờ còn tại Nha-ràm, mấy Dì xí phần để ủi đồ lễ, bàn ủi nầy dễ ủi lắm, kiểu riêng.

Cha già Phêrô gặp cha nầy cha nọ, hằng nhắc xưa vậy vậy, bây giờ phát tướng, trổ tài, thông thái nhơn đức, ăn mặc hẳn hòi, thiệt Chúa khéo làm; nhứt là cha già năng nói về cha Anrê Miều, cha Tadêu Đức, phủ Dưỡng…Nói cha Joachim Lịch, người bồng ẳm cực khổ lúc cha Joachim đau phát đầy phát thủng, ốm o; quá thể điều dưỡng nhà trường không đặng, cha Bề trên gặp ông già của Phêrô ông câu Đoàn công Thới, xuống thăm cho đồ, thì cha gởi trò Joachim cho hộ vệ về Bình-sơn nuôi giùm. Ông Thới rất vui lòng, coi như của châu báu cha bề trên con mình gởi. Ông cỏng xuống ghe chở đồ cho nhà trường, quay về tới nhà, cỏng lên cơm thuốc mấy tháng trời: đêm ngày mưa nắng, lủi thủi đi Búng, Thủ, Bà-trà hốt thuốc, rách hết ba cây dù giấy.

Cha già Phêrô về Chí-hòa dưỡng lão, ở chung, ăn chung với hai cha Joachim và Anrê, vào ra gặp hàng ngày, thì cha già quen nói: thiệt người ta mau tới cùng quá; lúc nào nghe thấy hai cha kia đau ốm, mệt nhọc, ăn uống không đặng, thì nhớ lúc xưa trẻ trung đâu có dè già một lượt.

Cha già Phêrô quen may vá, thì trót đời người không để ai lo tới đồ người mặc, người cũng giặt lấy cho mình bận: một đôi khi người ta dưng áo đồ may sẵn, thì người mới không may, hoặc có ai lén lấy đồ người giặt ủi giùm, như rầy đặng thì rầy, bằng không thì người than thở, của tôi để tôi lo. Người cũng may vá đồ mấy trẻ mồ côi, người thường nuôi trong nhà cũng đông; khi đi ghe họ nầy sang họ kia, hoặc khi ở nhà rảnh việc thì người may vá, có khi may giùm đồ cho học trò nghèo, cho cha mẹ nó khỏi mất giờ, và cho nó đặng lành lẻ. Đôi khi người cũng dám may tới áo cặp áo mớ. Ghe buôn kẻ ngoại thấy Người may vá, thì nói ông già biết may vá! xúm trm trồ ông già hay thương con cháu.

Việc giúp đở nhà trường, thì Phêrô bao gồm gần đủ hết các chuyện. Trước lo coi nhà bếp nấu ăn cho học trò các cha. Phần các cha một già lo, ngày nào Phêrô cũng phải coi chừng, nhứt là ngày thứ sáu, phải nấu đồ annam thêm cho các cha dùng. Phần học trò thì Phêrô bỡi quen thạo và hay chịu cực từ hồi ở nhà, nên biết mua ăn vừa miệng mọi người, biết làm mắm, xẻ khô, làm dưa ny dưa kia đủ thứ, thức khuya dậy sớm, săn sóc cho khỏi tốn hao hư hại của nhà trường.

lái Sáng ân nhơn nhà Trường, nhà Kín, thường hay cho cá, mắm, khô, hoặc có bán thì bán rẽ, bao nhiêu bà cũng giao một tay Phêrô gìn giữ phân phát. Có vài chuyện cải lẫy tức cười: một lần bà lái cho một mớ khô tra mới, trúng dịp các thầy chịu chức, thầy Phêrô lấy vài con nướng cho các thầy ăn, trước vui miệng, sau rảnh giờ lo tiếp khách đãi ăn uống, cha Simon (Sĩ) làm cha việc, thấy thầy Phêrô làm vậy, thì quở la phá của nhà trường tội lớn lắm, không đáng chịu chức. Thầy Phêrô cắt nghĩa êm dịu thật thà cách mấy, cha Simon cũng không vừa ý, cha nói thầy là một tay miệng lưỡi, cùng phá của lảng, Thầy Phêrô xét mình từ hồi nào ăn ngay thật, gìn giữ từ chút, cực khổ trăm đàng, cha Simon mới làm cha việc, chưa hay biết, nên thầy đi lấy hai con khô đem vào phòng cha việc; cha đùa ra và la ó, thầy Phêrô cũng cứ đem vô tới ba bốn lần. Cha Simon liền chạy lại cha Bề trên trăm tự sự, rồi về phòng đóng cữa cứng ngắt. Cha Bề trên biết hai đàng, nên khéo liệu hòa giải cho xuôi việc, khỏi phiền lòng ai nấy. Lần khác thầy Phêrô ra một thùng rượu chat, còn thùng không, mới múc vài thùng thiếc nước, đổ vào lăn qua xóc lại ít tuần, được hai thùng giấm rất ngon để cho các thầy và các trò ăn với mắm. Cha Simon rình cho là thầy Phêrô ăn cắp rược chát, ăn cắp giấm: quở thầy không đáng ở nhà trường. Thầy Phêrô nói cho mấy, cha Simon không tin, phải đem cho cha Bề trên xử. Vậy phải đợi cho một thùng rượu mới, ra chai cho hết, đổ nước vô cho y, lăn để trong phòng cha việc, vài ngày thầy Phêrô phải chịu cha Simon ngó lúc thầy xóc thùng, và cha cũng phải chịu thấy thầy chúm chím cười. Hai bên trông cho mau tối mau sáng. Chừng nước thành giấm, mới ngọt với nhau.

Từ đó cha Simon thương thầy Phêrô, tin cậy, giao phú mọi việc xuất phát thong thả. Cha Simon đổi lên Thala, Phêrô vừa chịu chức. Cha xin quyết cha mới về giúp cha. Đồ đạc của cha, cha để cha mới dùng, tới chỗ ngủ là một bộ ván lớn, cha một phía, cha mới một phía, chia hai. Hai cha lo dọn sách nấu ăn vừa đơn sơ vừa ngon (Lâu lâu hai cha nướng khô trộn giấm ăn chơi, nhớ chuyện hồi nhà trường). Cha Simon thấy cha Phêrô ham bắn như mình, thì mua thuốc đạn cho bắn thí, thường treo ve dùi đục bắn đạn chiến cho lọt miệng ve mới nghe. Nhờ đó mà cha già Phêrô bắn chim tài tình, đi ghe người bỏ súng theo bắn chim cò, đỡ tiền chợ. Chừng già yếu lại bớt chim, người mới ít bắn. Khi bỏ Nha-ràm súng thuốc cũng hãy còn khá.

-----------------------------------

No 9

Phêrô cần cán cho các thầy và học trò, chẳng những trồng tỉa đồ hàng bông ăn xắp thôi! Song nhứt là trồng cây trái vĩnh viễn như xoài, mít còn bây giờ. Người gom nhóp các thứ phân: phân gà, phân heo, phân ngựa, tới phân nhà tiêu, nhà tiểu, bồi bổ vườn tược, hóa ra im rập đẹp mắt, vui miệng ai nấy. Trong vườn rau cải, hành hẹ, kiệu ngò, ớt cà, bầu mướp, thứ chi cũng có: chuối, mảng cầu, đu đủ, ổi, thơm, ăn không hết. Lần vào nói chuyện trồng trặt ở nhà trường thì người vui lắm. Người ở Nha-ràm 54 năm, đất hẹp hòi, nước mặn, trồng chi lụn bại thì người càng nhớ nhà trường chí thiết. Hễ về nhà rảnh rảnh thì ra vườn coi cây nầy, nhắm cây kia, không đã thèm…

---------------------------------

(Số 9 bị gián đoạn do mất trang 71 & 72, báo Nam kỳ Địa phận, số 1440, ngày 4. 2. 1937)

----------------------------------

No 10

Phêrô vào trường Latinh tại Xóm-chiếu năm 1861, đặng 18 tuổi, bắt đầu học với cha Triêm và thầy Phêrô Đậu (cha Đậu), giờ rảnh học nho, hoặc đọc sách chữ nôm. Khi còn ở nhà ông Thới có dạy chữ quốc-ngữ và cho đi học nho với thầy Sư (3) đặng ít hàng; lúc giúp cha Quờn, Phêrô lần học thêm hai tuồng chữ, song ít lắm, quốc ngữ vừa đọc xuôi, viết chạy, nho thì mò, nôm thì nhắm chừng, chẳng phải tại Phêrô ít trí, hay biếng nhác, song tại giỏi công việc làm, nên bị chúng sai liên tiếp, học hành thua sút chúng bạn. Cha Vị cũng dạy Phêrô chữ Langsa, vừa biết coi hiểu chút đỉnh, đọc và nói không sửa, đời đó coi tiếng Langsa chưa cần mấy. Tuy vậy Phêrô bỡi quen cũng coi tờ giấy chữ nho, sách kinh chữ nôm; cũng hiểu thơ từ, châu tri các Đức cha gởi bằng tiếng Langsa, cho tới cuốn Directoire, người hiểu và giữ y luật lệ địa phận. Chữ viết nhỏ nhỏ, viết kỷ, không lỗi mọi vần quốc ngữ, Latinh, Langsa cũng vậy: tiếng nào, chữ nào, tên nào không rõ, thì người cũng kiếm chắc rồi mới viết, mới đề. Viết thơ từ còn kỷ hơn nữa.

Cách vật, lý đoán, giảng dạy, làm phép Bí tích thảy đều học riêng với cha Vị, học ngay cách làm (pratiques), Phêrô mau hiểu, đoán trúng, nên học ít giờ cũng vừa đủ, lại chẳng tài, gặp điều khúc mắc liền hỏi Bề trên hay anh em bạn, người nhìn ai nấy đều giỏi hơn mình. Trót đời ở những họ nhỏ, lại ở một chỗ lâu năm, thì tự nhiên thạo tâm mọi người đó, cũng dễ phân giải việc ngoài cùng trong tòa, chẳng sai lầm nào. Giảng dạy thì cứ sách phần, sấm truyền, cũng những điều đã nghe các cha, truyền lại cho bổn đạo, chẳng nói chi cao kỳ bóng bảy.

Khi mới chịu chức thầy cả, Bề trên cho người đi Thala giúp cha Simon, thì người cáo thối, tính ở lại nhà trường, lẫn xẫn bếp núc, cùng giúp các cha và học trò. Cha Vị nói hết lời người mới chịu đi. Cách một tháng người có dịp về nhà trường thăm, cha Vị mừng hỏi han, qua bữa sau cha hối về Thala, người nói còn mắc việc phải ở lại. Cha Vị hiểu ý, song làm như không biết, cũng để cho người ở lại một ngày. Tới kỳ hẹn, cha Vị làm oai cấm không cho về nhà trường nữa: con lớn phải thôi bú, phải lo phận sự mình. Cha Phêrô thất kinh cúi đầu ríu ríu ra đi, sau về lần nào cha Vị cũng hỏi gắt: về có việc thì được, còn về vì muốn tránh coi họ thì không cho ăn, cho ở nữa; phải rán phân giải xử đoán lấy, đừng làm như con nít, mỗi chuyện mỗi hỏi. Cha Phêrô nói thuở nay chẳng khi nào thấy cha Vị nói oai nghiêm thể ấy với mình, lần nầy tởn cha, tởn ông.

Sách vở cha Phêrô chẳng mấy cuốn: lúc mới làm thầy cả còn giữ sách đoán coi đi coi lại, sau không gặp chi phải tìm kiếm nữa, lại mối mọt cùng cũ rách, thì để riêng một chỗ. Sách thiêng liêng thì ít thứ nhà in Tân-định; sách thánh, sách novum, sách de Imitatione, sách Caeleste palmetum, manual ordinaudorum. Sấm truyền cũ, mới, cuốn nào người thường dùng, đều bao vải kỷ như sách bà phước.

Lúc ở nhà trường người có kho, ở trong đó như phòng riêng, viết học đều đứng, khi ra họ cũng giữ vậy luôn tới già yếu. Người nói đứng viết khỏe, lại khỏi mòn áo dòng. Người ít viết thơ từ, một hai khi, sổ họ, họ nhỏ chi nhiều: sổ thâu xuất, hai ba năm chưa tới hai trương giấy.

Hai trò cha già Phêrô Quờn cho đi nhà trường một lượt, là Phêrô với Viễn (thầy Viễn), đều ra sức học hành cho thỏa mãn lòng cha già ao ước, đặng đền ơn nuôi dưỡng mấy năm. Cha già năng qua lại thăm lom, Viễn học tới lớp lớn gần làm thầy, nghĩ sao không tu nữa, mới giao sách vở cho Phêrô từ giã về thế gian. Ở với nhau lâu năm, nên lúc phân lìa cũng thảm thương. Viễn giã Phêrô “ở lại rán học hành, tu làm thầy cả, sau làm phép hôn phối cho tôi”. Không biết có ý nói chơi hay là nói thiệt, Phêrô nghe bỏ bụng. đâu Phêrô mới làm cha phó Thala, lên xuống Bàu-tre, (4) Bến-nẩy (5) làm lễ, bữa nọ thấy thầy Viễn quì trước bàn thờ trong nhà ông câu Luôn tại Bàu-tre (làm lễ trong nhà riêng, chưa có nhà thờ), chịu phép hôn phối với Cao thị Nhi, con đầu lòng ông câu. Lễ rồi ai về nhà nấy, không nhắc tới lời nói lúc từ giã hồi ở nhà trường. Cách mấy mươi năm cha Phêrô phải về Bình-sơn bán đất của cha để lại đặng cho mấy em, một người một ít, cha ghé Búng thăm cha sở Nghi (Martin). Cha mầng cùng mượn cha Phêrô làm lễ Bình-sơn, làm phép hôn phối luôn. Lễ rồi thầy Viễn ra cám ơn. Cha Phêrô hỏi? “Ủa, đôi trước chết hồi nào?, để lại mấy đứa con? Tội nghiệp! Còn con vi tôi gần lắm. Tôi tưởng làm phép hôn phối cho thầy một lần đó tại Bàu-tre, ai thầy tìm tôi bữa nay nữa, thầy dặt cọc rồi, sao mấy năm nay khá không, khỏe không ?” – Nhờ ơn Chúa cũng đủ ăn; cũng nhàn chút cái thân, sao bằng cha đặng. Chúa thương cha cực khổ với cha già Quờn, cho cha mạnh hồn khỏe xác, an thân hơn tôi bội phần. Tôi làm đủ thứ thầy, không đặng an, không ai kính trọng như cha; thầy thuốc, thầy giáo, thầy phù, thầy phép gì đủ hết, lặn lội đã thèm! Cha coi còn trẻ bân, tôi nay muốn lụm cụm.

Cha già Quờn thấy Phêrô học hành được, lại cha bề trên khen ngợi, thì cha mới biết Chúa kêu gọi và chọn Phêrô, nên lần nào thăm Phêrô cũng vui vẻ ủi an. Tới năm 1869, người về nhà trường cấm phòng, đem cho Phêrô ít đồ ăn, ít quan tiền, năm đó là năm Phêrô dọn mình chịu chức cắt tóc. Tới chừng chịu chức thứ năm, thì cha Quờn ôm khóc ròng, hết tình cha con. Đến lúc làm thầy cả, thì cha già quì dưới chơn con mình xin cha trẻ ban phép lành và tha các sự cực khổ, các sự đày đọa cha đã chịu xưa trong nhà mình.

------------------------------------

No 11

Cha Phêrô hằng giữ lời ông thánh Phaolồ: “Thầy không nghe theo thịt máu” nên dầu bổn tính cha khiêm nhượng, nhỏ nhoi, không cãi trả, hay giúp đỡ, nhượng bước mọi người, không la lối qu phạt xẳng xớm, dễ cho ai nấy thương mến; song người không khi nào gọi là quen lớn nghĩa thiết cho tới mất ngày giờ làm việc bổn phận. Cha Phêrô nhờ cha là ông Thới tập luyện từ thuở bé, cho khỏi chứng bịn rịn tríu mến: lúc đi ở với cha Quờn, chính ông đưa đi gọn gàn, lần nào cha sở sai về nhà có việc chi, xong rồi ông hối đi lập tức; mấy năm về Saigon; hoặc hồi còn giúp cha Quờn, hoặc đã vào trường Xóm-chiếu hay tại nhà trường Latinh bây giờ; dầu cho tới khi làm thầy, cùng lúc gần làm thầy cả, chẳng khi nào ông muốn cho con mình chạy đi chạy về, hay là cà rà. Trong nhà có việc chi, ông không muốn cho con hay, đôi khi có hay, hỏi tới thì ông nói chuyện đó không sao, chuyện nhỏ mọn, đừng lo chi, ở nhà tính được, phận con giúp cha sở thì cứ giữ việc, phận tu trì thì lo tu trì, việc nhà có cha mẹ anh em lo. Cha Phêrô ưa nhà trường, lại chẳng những cha Vị, song các cha cũng ưa dung cha Phêrô, nên tháng nghỉ ít về nhà; có về thì một hai ngày. Dầu vậy ông già cứ hỏi thăm cha Bề trên biểu đi mấy bữa, đúng ngày thì biểu về nhà trường. Mấy năm sau ông năng lên xuống nhà trường, hoặc đem học trò mới, hoặc đem đồ cho, hay là cha Bề trên có việc nhắn xuống, thì ông cũng ít hay thăm con. Tới khi Phêrô chịu chức thầy cả về thăm nhà đặng hai ba ngày, ông hối về nhà trường dọn dẹp có đi họ; ở nhà cũng khó làm việc bổn phận, mất ngày giờ, kẻ tới người lui rộn ràng.

Ông thường gần gũi cha thầy, tai nghe mắt thấy các việc. Nên hằng khuyên con khi làm thầy cả phải làm vầy, phải lánh vầy… cho xứng bực mình. Nhứt là ông năng dặn con đừng cho con cháu tới lui trong nhà, đừng lo cho bà con. Kẻo trong họ bất bình cùng sanh lòng ganh gỗ, nhứt với những cháu gái phe nữ càng phải nghiêm khắc hơn nữa; đừng tom góp đút nhét cho bà con. Cho tới những học trò cùng là kẻ giúp việc trong nhà, dầu mình có nuôi dưỡng mến tay mến chơn, hoặc nó lanh lẹ giỏi giắn, thì cũng không nên tin cậy cho quá, hay là binh vực, bù sớt cho nó, vì chẳng những làm vậy thì lỗi bổn phận mình. Không phân chia kho tàng Chúa giao cho đồng đều; song lại sinh hại cho các kẻ hưởng của tánh không xứng công: sau nầy nó sẽ trả lẽ và đền tội nó đã phá tán của chung, thường phải nghèo nàn tới đời con đời cháu.

Những lời vàng ông to nhỏ với con, thì ông giữ cho mình trước hết. Cha Phêrô ở Thala, Mỹ-hội, Nha-ràm, ông lúc mạnh giỏi cứ lệ đi thăm con. Ông tới thấy cha Phêrô mắc đọc kinh, làm phước, dạy dỗ, đi kẻ liệt, thì không khi nào ông chịu cho ai đi kêu: Như mau thì ông đợi, bằng lâu thì lại nhà nào trong họ nghỉ, hoặc xuống nghe cơm nước; không khi nào ông chịu cho người nhà cha Phêrô hay trong họ lo cho ông, khi không có cha Phêrô ở nhà. Ông không chịu ăn trên ngồi trước ai, mỗi người phải theo chức phận tuổi tác ngồi, mình cũng bổn đạo, như ai nấy; không nên dùng đồ của cha sở, ngồi ngang cha sở, ăn chung với cha sở là bề trên trong  họ. Cha Phêrô biết ý ông già, nên người cứ làm việc bực mình thong thả, không vị nể; ông già muốn sao, thì người nghe vậy, không ai ép ai.

Phần cha Phêrô hằng giữ trọn lời ông già trối phú, hằng kể mình như Melchisedech không cha mẹ họ hàng, không vị thân vị kỷ. Dầu ông già lúc đau ốm ở Lương-hòa với anh thứ ba của cha Phêrô, phải nghèo khổ, thì cha mỗi tháng lên đi việc riêng với cha Thomas Đoan, ghé thăm ông già, cho tiền bạc gạo thóc phụ với anh hầu phụng dưỡng báo hiếu: vừa đủ không vì tình máu thịt mà tốn phí vô ích. Người bàn hỏi cha Thomas coi ông già túng thế nào, cần dùng bao nhiêu trước mới phụ giúp, kẻo phải trả lẽ về nén bạc Chúa giao.

Trong nhà cha Phêrô, kẻ mồ côi lớn nhỏ thường thường thay đổi, bà con cháu chắt không có: đôi khi anh em ruột, con cháu tới thăm, thì cha hỏi thăm ít lời, rồi cứ lo việc bực mình, không mấy khi mời ở lại ăn uống ngủ nghỉ trong nhà mình. Cha cũng không tới ăn nghỉ trong nhà anh em ruột, dầu mấy năm ông già ở với anh thứ ba, người năng lên thăm, song chẳng khi nào cơm nước tại nhà anh; còn nhà một em út là đàng qua lại, song bỡi không việc gì, thì chẳng mấy khi ghé, có gặp ai trong nhà hỏi qua chút thôi. gặp mấy cháu cũng không cho tiền bạc bánh trái chi, cũng không nậng nịu bao giờ. Anh em cha dầu nghèo, tự nhiên cha không hỏi tới cùng vừa giúp làm ăn. lần em út cha ông Đăng, mua đất 30 $, không quơ tạm đâu đặng, đánh liều xuống Nha-ràm cậy người trong họ nói với cha giúp giùm, sau làm ăn khá trả lại. Cha nói không có dư, may có bà bếp bán heo nuôi riêng gởi cho cha ít chục, cha kêu giúp đặng thì giúp, cha không bảo lãnh. bếp nghe vậy, phát sợ, mới hỏi đi lại, buộc giấy tờ lời vốn xong mới cho vay. Vậy mà cha Phêrô còn nói đó là lần thứ nhứt, mình lo giúp anh em, bộ cha ăn năn lắm – Em thứ sáu của cha ở nhà phước Thủ-thiêm làm bà nhì, có việc phải đi chỗ kia chỗ nọ, gặp dịp ghé thăm cha nói đôi lời đơn sơ: nhiều lần mấy đi theo cho một cha sở lạ, không phải là anh em ruột; cha cũng không hay cho của gì, hay là tiền bạc, bà có xin một hai đồng đi đàng, thì cha cho vậy, không hơn Lần kia em dâu út của cha, Lương- hòa chở khoai về xứ sở xưa là Nha-ràm, bán mua lúa về chi độ trong nhà, ghe lỡ nước, sẵn dịp ghé thăm cha cho ít củ khoai, phải đợi hồi lâu, cha chào chị nào lạ có việc chi. Em dâu nói gốc tích xong, cha hỏi trỏng đi đâu dưới nầy, chừng nào về, em thưa về bây giờ, rồi thưa về, không ai hỏi ai chuyện gì nữa.

Khi ông già mãn phần, cha Phêrô mỗi tháng cũng đi Lương-hòa, song chẳng khi nào lên nhà anh em nữa. Biết chừng rồi, anh em muốn cho cha cái gì thì chèo xuồng thăm cha tại nhà thờ.

(còn tiếp)

(Thiếu phần cuối)

Paulus Xuân

-----------------------------------------------

1.     Linh mục Phêrô Đặng Công Quờn: sinh năm 1826; chịu chức năm 1852; qua đời năm 1887.

2.     Không rõ là Cha Marc hay là Cha Guillou

1.     Cha MARC-DASSA, François-Timothée. Thường được biết đến với tên duy nhứt là Marc. Sinh ngày 22. 01. 1826, tại La Grâce-Dieu (Haute-Garonne), học tại giáo phận nhà và được Thụ phong Linh mục ngày 23. 05. 1850, tại Toulouse.Vào Chủng viện Thừa sai Hải ngoại Paris ngày 02. 06. 1853 và đi đến Địa phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) vào ngày 22. 03. 1854. Các cuộc đàn áp, bắt bớ buộc cha phải rời bỏ Vinh và đi lánh nạn vào năm 1860 và phục vụ ở Địa phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Trong lúc coi sóc một số họ đạo, Cha làm thông ngôn cho binh lính Pháp. Từ năm 1866 đến năm 1870, Cha coi sóc họ Mỹ Tho lúc ban đầu cùng với Cha Lizé (Lũy), rồi sau đó một mình; Cha thành lập họ An Đức. Lâm trọng bịnh vào năm 1870, Cha trở về Tây nghỉ dưỡng và qua đời vào ngày 11. 04 cùng năm tại La Grâce-Dieu.

2.     Cha Jean - Marie  GUILLOU (1828-1866). Sinh tại Prat (Côtes-d’Amor) ngày 22.10.1828, thụ phong linh mục ngày 17.12.1853, vào Chủng viện Thừa sai Hải ngoại Paris ngày 05.12.1854 và lên đường đến Tây Đàng Trong vào ngày 23.01.1856. Ngài đến đó giữa cơn bách đạo và được gửi đến dân tộc Xtiêng, ở đây ngài xây dựng cộng đoàn tín hữu Brơlâm. Năm 1861, ngài điều hành hạt Mỹ Tho. Năm 1863, ngài phục vụ Cái Mơn. Năm 1864, ngài được bổ nhiệm giữ chức vụ linh mục chánh xứ và trở về Mỹ Tho. Năm 1865, ngài chuyển đến Thủ Dầu Một, qua đời tại Sài Gòn ngày 16-3-1866.

3.     Thầy Sư (họ Trần): tên là Sư, vì vậy người trong làng gọi ông là Thầy Sư. Ông là người Bình Định, rất giỏi võ, coi cọp như coi chó. Ông Nguyễn Thới Bình, người lập làng Hưng Định, cho con trai và con rể và quê, để rủ bà con và thân hữu vào sinh sống nơi làng mới lập, trong đó có gia đình Thầy Sư.

Ông thầy Sư cũng vài ba gia đình ở Bình Định, như: Gia đình ông Rừng, ...,  xuống ghe bầu xuôi Nam vào sinh sống nơi làng Hưng Định. Nhà của ông ngày trước ở  Dốc Sỏi (Thạnh Hòa B) lối nhà ông Út Nhựt bây gờ.

Nghề võ của ông thầy Sư được truyền cho con cháu nhiều đời ở Hưng Định, một trong những hậu duệ mà ngày nay còn nhiều người biết  là  ông thầy Hai Cúc.

Ông thầy Sư là ông ngoại của Dì Martha Nguyễn Thị Khanh (dòng MTG Thủ Thiêm), Linh mục Anrê Nguyễn Văn Diên; ông cố của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Chính (Rạch Lọp), Dì Phanxica Nuyễn Thị Hơn (dòng MTG Thủ Thiêm), Dì Isave Nguyễn Thị Đàng (dòng MTG Thủ Thiêm); ông sơ của ông Trưởng lão Vincenê Nguyễn Văn Thơi, thầy võ Nguyễn Văn Cúc, Linh mục Gioan Baotixita lê Quang Đức, Linh mục Micae Lê Văn Khâm.

4.     Bàu Tre: Bây giờ thuộc về giáo xứ Củ chi – Giáo phận Phú Cương

5.     Bến Nẩy: bây giờ thuộc về giáo xứ Phú Hòa Đông – Giáo phận Phú Cường