ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

Trung Quốc xưa có dùng vỏ ốc làm tiền hay không?

 ĐỘC GIẢ: Từ điển Pháp Việt của Ủy ban Khoa Học Xã hội Việt Nam (1981) giảng Cauris là “ốc tiền (vỏ ốc xưa dùng làm tiền ở châu Phi)” còn Từ điển Anh Việt cũng của Ủy ban Khoa Học Xã hội Việt Nam (1975) thì giảng Cowrie là: “1. Ốc tiền, 2. Tiền vỏ ốc (ở Nam Phi và Nam Á)”. Không thấy nói đến Trung Quốc. Vậy Trung Quốc xưa có dùng vỏ ốc làm tiền hay không?

AN CHI: Người Trung Hoa thời xưa vẫn có dùng vỏ ốc để làm tiền (dụng bối xác tác hóa tệ). Sò, ốc tiếng Hán gọi là bối, chữ Hán viết là . Các nhà khảo cổ học về Trung Hoa đã thống kế được trên 100 loại sò, ốc từng được dùng làm tiền nhưng chính con ốc tiền mới là phổ biến và thông dụng hơn hết. Con ốc này, tiếng Hán gọi là mã não bối. Vì nó được dùng làm tiền nên người ta gọi nó là hóa bối (ốc tiền). Do công dụng đặc biệt này mà người ta còn gọi nó là bửu bối (ốc quý). Lối nói này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và được dùng theo phép ẩn dụ để chỉ vật quý hiếm, vật hàm chứa phép lạ hoặc điều mầu nhiệm. Tiếng Pháp gọi ốc tiền là cauris, tiếng Anh là cowrie hoặc cowry, tiếng Nhật gọi là tử an bối (koyasugai); tên khoa học là Cypreae moneta. Bản thân chữ bối khi nó còn ở giai đoạn thực sự tượng hình, chính là hình một con ốc thò râu (xúc tu) ra khỏi vỏ. Hai nét làm thành chữ bát ở phía dưới của chữ bối chính là hai cái râu đó. Quách Mạt Nhược còn khẳng định dứt khoát rằng chữ bối đích thị là tượng hình con ốc tiền nữa.(1) Chính vì con “bối” đã từng được dùng làm tiền cho nên trong chữ Hán, những chữ ghi lại các khái niệm có liên quan đến tiền đều thuộc bộ bối, như: bần (nghèo), tiện (hèn), quý (sang), trữ (chứa), tham (ham tiền), mãi (mua), mại (bán), đổ (đánh bạc), vv.. Vì nhu cầu trao đổi càng ngày càng phát triển mà ốc tiền lại càng ngày càng khó tìm nên về sau người ta đã phải nung ốc bằng gốm (đào bối), gọt óc bằng xương (cốt bối), mài ốc bằng đá (thạch bối) thậm chí bằng ngọc (dao bối) mà làm tiền để đáp ứng nhu cầu đó. Cuối cùng người ta đã đúc ốc bằng dồng (đồng bối). Việc này đánh dấu sự ra đời của tiền bằng kim loại trong lịch sử tiền tệ Trung Hoa. Tiền đồng bắt đầu có từ đời Chu nhưng thời đó vỏ ốc vẫn còn tiếp tục được dùng để làm tiền. Chỉ đến đời Tần Thủy Hoàng thì việc này mới bị cấm hẳn.

 


1.     Xem Nô lệ chế thời đại, Bắc Kinh, 1973, tr.280.

Kiến thức ngày nay, số 111, ngày 15-6-1993

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Tại sao Phi-líp-pin (Philippines) là một nước Đông Nam Á mà lại có một cái tên rất Tây? Người Phi-líp-pin nói tiếng gì?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao Phi-líp-pin (Philippines) là một nước Đông Nam Á mà lại có một cái tên rất Tây? Người Phi-líp-pin nói tiếng gì?

AN CHI: Nguyên Phi-líp-pin là thuộc địa của Tây Ban Nha từ năm 1565, dưới triều vua Phi-líp đệ nhị. Để đánh dấu rằng đây là đất đai họ đã chiếm được dưới triều của Phi-líp (đệ nhị), tiếng Tây Ban Nha là Felipe, người Tây Ban Nha đã gọi đó là Islas Filipinas, nói tắt thành Filipinas. Đây là số nhiều của Filipina, giống cái của Filipino, nghĩa là thuộc về Felipe. Islas Filipinas là các đảo của Phi-líp, người Pháp dịch thành Iles Philippines, rồi tắt thành Philippines. Người Phi-líp-pin nói tiếng Tagal (cũng gọi là Tagalog) là thứ tiếng được chọn làm ngôn ngữ quốc gia. Đây là một ngôn ngữ thuộc họ Mã Lai – Đa đảo (malayo-polynésien). Giành được độc lập năm 1946 từ tay Mỹ (Tây Ban Nha đã nhượng đảo quốc này cho Mỹ năm 1898), người Phi-líp-pin vẫn dựa theo tiếng Tây Ban Nha là Filipinas mà gọi tên nước mình là Pilipinas (Tiếng Tagal không có âm F nên đã thay thế âm này bằng P).

Kiến thức ngày nay, số 111, ngày 15-6-1993

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Xin cho biết sự tích “kết cỏ ngậm vành”.

 ĐỘC GIẢ: Xin cho biết sự tích “kết cỏ ngậm vành”.

AN CHI: Thành ngữ tiếng Việt kết cỏ ngậm vành là dịch từ tiếng Hán kết thảo hàm hoàn, bắt nguồn từ hai sự tích riêng biệt.

Ngụy Vũ Tử đời nhà Tấn rất yêu quí người vợ lẽ nên khi hấp hối thì dặn con trai là Ngụy Khỏa hãy chôn vợ lẽ với mình. Ngụy Khỏa không đành lòng nên sau khi cha chết thì cho vợ lẽ của cha đi lấy chồng khác. Về sau, Khỏa đi đánh giặc, sắp thua tướng nhà Tấn là Đỗ Hồi thì bỗng dưng thấy Hồi bị vướng cỏ mà ngã. Nhờ thế, Ngụy Khỏa bắt được Đỗ Hồi. Đêm về, Khỏa nằm mộng thấy có một ông già đến nói: “Cảm vì ông đã không chôn sống con gái tôi nên tôi đã kết cỏ mà làm vướng chân giặc để cứu ông”. Đó là chuyện kết cỏ.

Sau đây là chuyện ngậm vành: Đời nhà Hán có Dương Bảo mới lên chin tuổi đi chơi ở phía Bắc núi Hoa Âm, thấy một con chim sẻ vàng bị chim cắt cắn gần chết. Bảo đem về nhà nuôi gần một trăm ngày chim mới khỏe lại rồi bay đi. Đêm ấy có một đồng tử áo vàng miệng ngậm bốn chiếc vòng ngọc đến bái tạ mà nói: “Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, trước đã nhờ người cứu vớt nên nay đến đền ơn người đây. Cầu cho con cháu người sau này cũng sẽ vinh hiển”. Người ta kể rằng quả nhiên về sau con cháu của Bảo là Chấn, cháu là Bỉnh, chắt là Tứ, và chít là Bưu đều được vinh hiển. Thành ngữ kết cỏ ngậm vành về sau thường được dùng như một lời nguyền đến ơn đáp nghĩa trọng hậu.

Kiến thức ngày nay, số 110, ngày 1-6-1993

Xin cho biết xuất xứ của mấy tiếng mã tà (lính cảnh sát thời trước).

 ĐỘC GIẢ: Xin cho biết xuất xứ của mấy tiếng mã tà (lính cảnh sát thời trước).

AN CHI: Mã tà là do phiên âm từ tiếng Mã Lai mata-mata có nghĩa là cảnh sát. Hình thức gốc ban đầu là ma , theo ghi nhận của Huinh-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị. Về sau, ma được phát âm thành . Xin nhớ rằng tiếng Việt, nhất là tiếng địa phương Nam Bộ, có nhiều từ gốc Mã Lai. Thêm một ví dụ: xà ích, người đánh xe ngựa, là do tiếng Mã Lai saïs

Kiến thức ngày nay, số 110, ngày 1-6-1993