ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Chẳng lẽ tiếng Việt không có từ nào để thay thế cho từ “lô-gích”? Ta có 4000 năm văn hiến mà vẫn bị “hổng” khi đụng lô-gích nên đành “bỏ trống” hay sao? Vậy tiếng của ta để làm gì?

ĐỘC GIẢ: Chẳng lẽ tiếng Việt không có từ nào để thay thế cho từ “lô-gích”? Ta có 4000 năm văn hiến mà vẫn bị “hổng” khi đụng lô-gích nên đành “bỏ trống” hay sao? Vậy tiếng của ta để làm gì?

AN CHI: Ông cho biết mình ở Sài Gòn 40 năm nhưng trước năm 1975 chưa từng nghe người Việt Nam nào nói tiếng Việt mà lại xen vào hai tiếng lô-gích.

 Có lẽ ông đã nói không quá đáng. Lô-gích – mà nay nhiều người, kể cả các tác giả của Từ điển tiếng Việt 1992, đã viết thành logic, y hệt tiếng Anh – trước đây gọi là luận lý (học). Hai tiếng lô-gích bắt đầu được dùng càng ngày càng nhiều ở miền Nam mặc dù đối với nó một số người vẫn còn “dị ứng”. Xét cho cùng, nếu lô-gích là Tây thì luận lý lại là Tàu (đây là một từ Việt gốc Hán, vẫn quen gọi là Hán Việt). Chẳng có cái nào là ta cả. Và chẳng cứ gì ta có “4000 năm” mà vẫn phải mượn của Tây, mà cả Tàu cũng chẳng hơn gì ta. Nếu tính từ đời Phục Hy thì họ đã ngót nghét 5.000 năm. Nhưng họ vẫn phải mượn của Tây ngay cả trong trường hợp của mấy tiếng lô-gích. Để diễn đạt khái niệm này, trước kia họ đã có các từ ngữ danh học, biện học, luận lý học, nhưng họ vẫn phiên âm tiếng Anh logic thành luó jí (âm Bắc Kinh) và ghi bằng hai chữ Hán đọc theo âm Hán Việt thành la tập. Ngày nay, khắp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không ai dùng danh học, biện học hoặc luận lý học mà chỉ nói la tập (học) (Ở miền Bắc hồi nữa sau thập kỷ 50, tác giả Trần Văn Giàu cũng đã dùng la tập học để chỉ môn logique). Nhưng xin nói rõ rằng đây cũng chẳng phải là “đặc sản” của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì nó thành lập từ 1949 mà mấy chữ la tập thì đã có mặt trong Từ nguyên là một bộ từ điển ra đời từ năm 1915. Ngay đến tiếng Anh logic, mà hình thái trung đại là logike cũng mượn từ tiếng Pháp logique. Tiếng Pháp logique lại là mượn từ tiếng La Tinh logice. Tiếng La Tinh lại là mượn từ tiếng Hy Lạp logikê trong từ tổ logikê tekhnê, có nghĩa là nghệ thuật biện luận. Phiên âm thành logice chưa đủ, dân La Mã ngày xưa còn cứ theo đặc điểm của tiếng La Tinh mà đặt thêm danh từ logica, cùng nghĩa. Tóm lại, cả ta, Tàu, Pháp, Anh và La Mã đều gián tiếp hoặc trực tiếp mượn của Hy Lạp; chẳng có ai dùng thứ của mình. Dân Nhật cũng mượn mấy tiếng luân lý (học) của Tàu mà đọc theo âm Hán Hòa thành ronri (gaku).

Vậy phải thay lô-gích bằng “từ Việt” nào thì chúng tôi thấy rất khó. Chỉ xin nhấn mạnh rằng không nên dùng nó một cách “đại trà” khi nó chỉ có nghĩa là “hợp lý”. Cá nhân chúng tôi thì rất thích dùng mấy tiếng luận lý học để chỉ môn logique formelle (luận lý học hình thức) cổ điển.

Kiến thức ngày nay, số 129, ngày 15-1-1994.


Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Quốc âm bị "phế truất" để thay bằng âm Hán-Việt

 Kể về một trường hợp, lại là căn bản hết sức, đang bị hiểu sai:

QUỐC ÂM BỊ "PHẾ TRUẤT" ĐỂ THAY BẰNG ÂM HÁN-VIỆT

* "Đầu cua tai nheo" không thể tưởng nổi!

1) Trước hết mời quí bạn đọc ví dụ đơn giản: "Hán tự" : "chữ Hán". Coi đi, hết sức rõ ràng ở đây, "CHỮ" (âm thuần Việt, quốc âm) nghĩa là "TỰ" (trong âm Hán-Việt) [bên tiếng Anh là "word"].

"CHỮ" (word) không phải là "từ" , xin nhấn mạnh, mà là "tự" đó đa!

Do đó, "CHỮ CÁI" (âm thuần Việt)" còn được gọi là "mẫu tự" (âm Hán-Việt) [bên tiếng Anh là "letter"].

Sẵn đây, xin được nhắc, thế nào là "CHỮ"? Trong hệ thống ký tự biểu âm, ghép một số "chữ cái" (letter) với nhau thì tạo thành "chữ" (word). Tỉ dụ, bốn chữ cái t, i, n, h ghép lại, tạo thành CHỮ là "tinh".

2) NHƯNG, một sự nhầm lẫn tai hại đã diễn ra, và đang kéo dài dai dẳng bấy lâu nay!

Như dẫn giải trên, "word" là "CHỮ" / "letter" là "CHỮ CÁI". Ở đây, việc chuyển ngữ rất nhứt quán: "chữ" và "chữ cái" đều là âm thuần Việt!

Vậy mà, đã và đang tồn tại một định nghĩa hỡi ôi, giảng rằng "word" là "từ", còn "letter" là "chữ" (!). Ở đây, có hai cái SAI:

2a) Đầu cua tai nheo, một đàng chuyển ngữ âm thuần Việt ("chữ") rồi một đàng lại chuyển ngữ âm Hán-Việt ("từ" )! Sao không chuyển ngữ thành âm thuần Việt cho nhứt quán, theo cách dịch sẵn có, là "chữ cái" và "chữ"?

Sao lại phế truất quốc âm (chuyển ngữ: "chữ cái") để nhét vào một âm Hán-Việt ("từ" ) ? Khập khiễng hết sức.

2b) Mà "TỪ" , xin chú ý, đâu phải là "chữ", nói đúng hơn là KHÔNG gói gọn trong ý nghĩa một "con chữ"! Vậy, "từ" nghĩa mần răng?

* Một bài văn, hoặc một đoạn văn mạch lạc, được gọi là "từ" - ví dụ, "ca từ" nghĩa là "lời của ca khúc" chớ đâu phải... "chữ của ca khúc"!

"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ", ta nói, ở đây có 8 chữ ("tự" ) và tạo thành 1 đoạn văn, tức là 1 "từ" ( ). Nói cách khác, "từ" ở đây có 8 "tự" (chữ).

* Nói ra thành văn, gọi là "từ". Như "từ chương" (còn có cách viết khác: ).

* Một đơn vị ngôn ngữ có khái niệm hoàn chỉnh, được gọi là "từ". Như "danh từ" , "động từ" . Tỉ dụ, "nhân" (người) thuộc về danh từ - ở đây, "từ" có 1 "tự" (chữ); rồi "tình nhân" cũng thuộc danh từ, ở đây "từ" có 2 "tự" ("chữ").

3) Tới đây, ắt quí bạn đã tỏ vì sao lại có sự nhầm lẫn, lại SAI đến vậy. Cũng bởi vì, "từ" () có những lúc chỉ là một "tự" (: "chữ") nên ba chớp ba nháng đem đồng nhứt "từ" với "chữ" (word)!

"Từ" rộng hơn, nhiều hơn 1 chữ ("tự"), bao gồm cả đoạn văn, cả bài văn lận.

Bởi vậy, khi quí bạn gặp câu viết đại loại như ri: "những CỤM TỪ thông dụng trong giao tiếp", viết vậy là chưa đúng. Hoặc sửa thành "những NHÓM CHỮ (hoặc CỤM CHỮ)....", vì lẽ "TỪ" đã có nghĩa là bao gồm nhiều chữ rồi đa. Hoặc sửa thành "những CÂU thông dụng...", gọn bâng.

TÓM LẠI,

Hãy chuyển ngữ theo quốc âm (thuần Việt): "letter" => "CHỮ CÁI", "word" => "CHỮ". Sáng sủa, dễ hiểu hết sức.

Đừng đầu cua tai nheo, xác Việt mà hồn "lạ" đẩu đâu, phế truất quốc âm bằng âm Hán-Việt, đã vậy còn hiểu nông nổi mà đem "TỪ" úp sọt cho "TỰ", coi dị lắm đa./.

--------------------------------------------------------------------

Mời đọc thêm bài: CHỮ CÁI / CHỮ (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1131333093967336)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 


 

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Nói á kim, á hậu, vv..Vậy có thể nói “á nam á nữ” hay phải nói “ái nam ái nữ”?

 ĐỘC GIẢ: Nói á kim, á hậu, vv..Vậy có thể nói “á nam á nữ” hay phải nói “ái nam ái nữ”?

AN CHI: Trong á kim, á hậu, vv..á có ngĩa là thứ, là dưới một bậc. Thí dụ: á khanh là một chức quan to dưới bậc khanh; á nguyên là người thi đậu sau người đậu đầu; á tử là con trai thứ, vv.. Còn ái có nghĩa là giống như, phảng phất như. Vậy ái nam, ái nữ là vừa giống nữ mà lại vừa giống nam. Ở đây không thể dùng á được.

Kiến thức ngày nay, số 129, ngày 15-1-1994.