ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt

Linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt

-         Sinh năm 1877

-         Tại họ Búng

-         Thụ phong Linh mục ngày 23. 09. 1911, tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, do Dức Giám mục Lucien-Emile Mossard (Mão)

-         Linh mục địa phận Tây Đàng Trong

-         Tháng 10. 1911 – tháng 11. 1913: Linh mục ở Chủng viện

-         Tháng 11. 1913 – tháng 07. 1914: Cha sở họ Tây Ninh

-         Tháng 07. 1914 – tháng 05. 1917: Giáo sư Tiểu chủng viện Sài Gòn

-         Tháng 05. 1917 – tháng 12. 1919: Cha sở họ Bố Mua

-         Tháng 12. 1919 – tháng 04. 1925: Cha phó họ Tân Định

-         Tháng 04. 1925 – tháng 10. 1926: Cha sở họ Bến Sắn

-         Tháng 10. 1926 – tháng 10. 1933: Phó Giám đốc, rồi Giám đốc (tháng 03. 1928) nhà in Tân Định.

-         Tháng 10. 1933 – tháng 08. 1949: Cha sở họ Bà Rịa

-         Tháng 8.1949, vì tuổi cao, sức khỏe cha Phaolô Đạt nhanh chóng suy sụp, nên Đức cha Jean Cassaigne đưa cha về dưỡng bệnh ở Chủng viện Sài Gòn. Sau đó cha Giuse Thiên, cha sở Chí Hòa xin Đức cha cho cha Đạt về nhà hưu dưỡng các Linh mục ở Chí Hòa.

-         Đến sáng ngày 21/2/1956, cha Phaolô Đạt dâng thánh lễ cuối cùng. Đến trưa, cơn suyễn nổi lên quá mạnh, ngài không chịu nổi, đã tắt thở lúc 13g trưa, thọ 79 tuổi và 45 năm Lm.

-         Qua đời hồi 13:00 ngày 21. 02. 1956

-         Hưởng thọ 79 tuổi. 45 năm Linh mục

-         Mai táng tại đất thánh các linh mục bổn quốc Chí Hòa

·        Làm mới ngày 15. 07. 2022


R.I.P
Mộ phần Cha Phaolồ Đạt.

Bài viết về cha Phaolồ Đạt
Một đời hiến dâng

Khi cha còn ở họ tôi, tôi còn nhỏ quá. Rồi khi cha đổi đi, tôi cũng còn quá nhỏ để biết sao là “đổi đi”, và cha đã đổi đi đâu? Hiểu biết một chút, nói về cha, tôi nhớ đến tên cha có ghi trên giấy chứng nhận rửa tội của tôi, không phải của mỗi một mình tôi mà của toàn bộ bốn anh em tôi. Nếu có ai hỏi tôi về cha, tôi sẽ trả lời ngay: đó là cha sở cựu của họ đạo tôi. Tôi sẽ làm lanh mà dẩn giải cho người hỏi tôi rằng
 - cha là một “thầy đờn”, bây giờ gọi là nhạc sĩ;
 - cha là tác giả của hai cuốn sách nhạc Ca Ngợi Trái Tim Chúa Giêsu và Ca Ngợi Trái Tim Đức Bà;
 - cha là tác giả của bài hát “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần” danh tiếng một thời;
Cho đến năm đó, sau khi “tìm được tung tích” của người cha già, tôi theo má tôi vào Chủng Viện Sài Gòn để thăm cha, cha đang nghỉ hưu ở đó. Cứ hễ chiều chiều, cha hay lê từng bước, từng bước chậm đến bên cửa sổ ở bệnh xá của Đại Chủng viện. Cha đứng đó, hai tay tựa lên bục cửa sổ, mặt hơi ngước lên, nhìn ra trời. Thỉnh thoảng cha quay mặt vòng theo mấy con chim đang bay ngoài trời. Cha đứng ngắm đàn chim chiều bay chặng cuối của đoạn đường đi về tổ…
Một lần đến thăm cha, nghe tiếng gõ lốc cốc của mấy xe hủ tiếu mì ở đường Luro trước Chủng Viện, cha hỏi:
 - Con có tiền không con?
 - Dạ có! Cha cần chi cha?
Cha cười rồi chậm rãi nói:
 - Con xuống nhà bếp, mượn cái “ga mên” rồi ra đằng trước mua mì vô cha con mình ăn!
Má con tôi làm theo lời. Cha ăn ngon lành, và đó là lần cuối…
Cha sở thông báo trong nhà thờ: sau mấy ngày nằm im trên giường, bên cạnh có các thầy Đại Chủng Viện canh, sau một cái hắt hơi nhẹ, cha đã ra đi. Họ đạo đã cầu lễ cho cha sở cựu ba ngày. Phương tiện khó khăn nhưng rồi sau đó, có địp đi Sài Gòn, má tôi quyết định đi cho được lên “đất thánh các cha” ở Chí Hòa để “gặp, thăm” cha một lần. Vào đất thánh, hai má con tôi chia nhau, mỗi người đi tìm ở một dãy, và rồi đã gặp được mộ phần của cha, ở dãy bên phải, hơi sâu bên trong, với tấm mộ bia có đề: 
RIP
Paulus Đoàn Quang Đạt

Tác giả: Micae Nguyễn Ngọc Sáng

NỬA ĐÊM MẦNG CHÚA RA ĐỜI

Tuy chưa được ai xác nhận chính thức đây là bài thánh ca Giáng sinh Việt Nam cổ xưa nhất, nhưng với thời điểm xuất hiện vào năm 1907, bài ca này đã xứng đáng liệt vào hạng cây đa, cây đề của làng thánh ca VN nói chung và nhạc Giáng Sinh VN nói riêng. Tác giả của bài thánh ca Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời chính là Lm Phaolô Đoàn Quang Đạt, với nghệ danh đơn giản là Phaolô Đạt.
Lm Đoàn Quang Đạt sinh năm 1877 tại làng Bình Sơn ( Lái Thiêu ), nay thuộc xã An Sơn, huyện Thuận An, Bình Dương. Tuy vậy gốc gác tổ phụ từ Huế, di dân vào Nam cuối triều Gia Long, hoặc đầu triều Minh Mạng. Dòng họ Đoàn của Lm Phao lô Đạt theo đạo CG từ lâu đời và có người làm quan trong triều đình Huế. Vào đầu triều Minh Mạng, nhà vua gay gắt với đạo CG, cho nên nhiều người dòng họ Đoàn đã theo dòng người CG chạy vào Nam để tránh bị bách hại, dù sẽ phải đương đầu bao khó khăn khác, như sơn lam chướng khí, rừng thiêng, nước độc...
Lúc đầu dòng họ Đoàn định cư khai khẩn tại vùng Lái Thiêu. Sau đó, vào thời bắt đạo gay gắt, thì phân tán ra các vùng phía Đông và phía Tây của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh. Điển hình như Thánh Tử Vì Đạo Lm Đoàn Công Quí, Cha Phêrô Đoàn Công Triệu sinh tại Họ Đạo Búng, Bình Sơn,Lái Thiêu, Thủ Dầu Một  Và Lm Đoàn Thanh Xuân thì sinh tại Lương Hòa, Long An.
Như thế dòng họ Đoàn có nhiều người làm Linh mục, là một gia tộc có nền móng CG đạo hạnh, xâu xa và bền vũng. Nhất là có được một vị Hiển thánh Lm Tử Vì Đạo: Đoàn Công Quí.
Thiếu thời, cậu Phao lô Đạt được nhận vào Tiểu Chủng viện SàiGòn. Từ những năm học các lớp nhỏ, cậu đã tỏ ra thông minh. Tài năng âm nhạc của cậu sớm bộc lộ. Bấy giờ cha Phaolô Nguyễn Văn Quý, giáo sư TCV là một vị Lm thông thái và có biệt tài âm nhạc, đã hướng dẫn nhạc lý cho cậu, cùng hướng dẫn cậu dịch các bài ca vịnh Trái Tim và ca vịnh Đức Mẹ, từ La ngữ sang Việt ngữ vắn gọn và phổ nhạc theo  nhịp điệu riêng biệt, làm thành hai quyển : Ca Vịnh Trái Tim và Ca vịnh Đức Mẹ. Năm 1913, nhà in Tân Định xuất bản cả hai quyển trên với đầy đủ bản nhạc.
Ngày 23/9/1911, tại nhà thờ Đức Bà, Chánh tòa Sài Gòn, Thầy Phaolô Đoàn Quang Đạt được Đức Cha Lucien Mossard Mão truyền thánh chức Linh Mục.



Tượng Lm Phaolô Đoàn Quang Đạt do điêu khắc gia Trần Mừng sáng tác 

Trong suốt 45 năm Lm, cha Phao lô Đạt phụ vụ GH ở nhiều nhiệm sở. trước tiên làm giáo sư TCV SG. Sau đó trải qua những năm tháng ở nhiều giáo xứ, như Đất Đỏ (Bà Rịa), Tân Định, Tây Ninh, Bố Mua, Bến Sắn, Bà Rịa.
Khi làm cha sở Bà Rịa trong 16 năm (1933 -1949) cha Phaolô Đạt tổ chức nhiều sinh hoạt mục vụ rất ngoạn mục và có ý nghĩa sâu xa, như xây dựng hoạt cảnh Giáng Sinh, rước tượng Chúa Hài Đồng quanh nhà thờ…Sau cùng, ca đoàn xướng lên bài “Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời” để kết thúc.
2.
Vẫn tại Bà Rịa, cha sở Phaolô Đạt thường xuyên đích thân dạy giáo lý mỗi chiều Chúa Nhật. Cha giải thích cặn kẽ các lễ nghi, các phép bí tích, ý nghĩa các kinh đọc hằng ngày. Cha xây dựng truyền thống kéo chuông Truyền Tin, gọi là Nhật Một, mỗi ngày, vào sáng, trưa và tối. Cha còn lập thói quen tốt đẹp, giật chuông báo tử, đọc kinh cầu cho linh hồn người mới qua đời trong giáo xứ.
Cha đào sâu ý nghĩa của cơ cấu Họ Đạo. Theo cha, mọi thành viên tìm đất sống nơi hoang dã, trốn tránh cơn bách đạo cấm cách của vua quan, sống gần nhau thành một xóm, tất cả là Dân Chúa phiêu bạt, là anh em, coi nhau như họ hàng thân thích đùm bọc nhau. Cha xây dựng trong giáo dân tình ruột thịt trong Họ Đạo. Đó là một nhân sinh quan Công giáo và nhân bản…
Ngày 22/11/1933 cha Đoàn Quang Đạt được chuyển về nhiệm sở giáo xứ Bà Rịa. Khi ấy cha mới 56 tuổi, mà đầu đã bạc trắng, lại thêm bệnh hen suyễn khá nặng. Vì thế, cha luôn ăn uống kiêng khem, đạm bạc, dù cơn suyễn nhiều lần hành hạ suốt đêm. Tuy vậy, không bao giờ cha bỏ dâng Thánh lễ.
Vào tháng 8/1949, vì tuổi cao, sức khỏe cha Phaolô Đạt nhanh chóng suy sụp, nên Đức Cha Jean Cassaigne đưa cha về dưỡng bệnh ở chủng viện SG. Sau đó cha Giuse Thiên, cha sở Chí Hòa xin Đức Cha cho cha Đạt về nhà hưu dưỡng các Linh mục ở Chí Hòa.
Đến sáng ngày 21/2/1956, cha Phaolô Đạt dâng thánh lễ cuối cùng. Đến trưa, cơn suyễn nổi lên quá mạnh, ngài không chịu nổi, đã tắt thở lúc 13g trưa, thọ 79 tuổi và 45 năm Lm.
( Theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật CG VN thế kỷ XVIII – XIX – XX )

Thời kỳ cha Phaolô Đạt phụ trách nhà in Tân Định ( 1926 - 1933: 6 năm)

Khi Cha Long đổi đi Baria thì đức Cha Phaolô Đoàn Quang Đạt, bổn sở Bố Mua về coi nhà in Tân Định dưới quyền G.B.Tòng.
Đời Cha Phaolô Đạt coi nhà in, thì không còn nuôi trẻ ăn và ở luôn như trước nữa, mỗi đứa làm việc Cha phải phát lương cho mà ăn sắm mặc lấy: những lề luật phải giữ bề ngoài như xưa cũng bãi hết. Sáng ngày bắt đầu 7 giờ 30 vô làm việc cho đến 11 giờ trưa, chiều 2 giờ 30 đến 5 giờ nghỉ.
Trong vòng 7 năm coi ấn quán, Cha Phaolô Đạt đã sắm thêm được 3 cái máy in lớn kim thời chạy điện (một cái Marinomi-Voirin và 2 cái Capdevielle) rất tiện lợi mau chóng. Đức Cha Jaidôrô Đượm (Mrg.dumortier) đã thân hành làm phép 3 cái máy ấy. Cha Phaolô Đạt cũng mua một máy cắt lớn chạy bằng điện hiện nay còn dùng.
Tháng Novembre 1933, đức Cha Jsidôrô chọn cha Long về làm bổn sở họ Tân Định và cha Phaolô Đạt đi nhận chánh sở Baria thế cho cha Long, thì đức cha cử Cha Giacôbê Huỳnh Công Quận chủ nhiệm báo Nam Kỳ địa phận kiêm luôn chánh giám đốc nhà in cho đến khi ngài qua đời. Ngày 5 Avril 1943, hưởng thọ 78 tuổi làm việc tông đồ 47 năm.
(TRÍCH TÀI LIỆU DO HỌ ĐẠO TÂN ĐỊNH CUNG CẤP)
( Nguyễn văn Trung, Lục Châu Học) 
 

Thời kỳ cha Phaolô phụ trách trở lại giáo xứ Bà Rịa ( 1933 – 1949)
 
…Cha Long đổi đi, cha Phaolồ Đạt về.
Người ta nhắc: Từ ngày cha đi rồi, đâu còn nghe cha hát nữa. Bởi cha cũng là một thầy đờn. Cha soạn nhạc. Cha là tác giả của hai cuốn “Ca Ngợi Trái Tim” và “Ca Ngợi Đức Bà”. Còn bài hát “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần” cũng là của cha. Thỉnh thoảng trong ngày, có dịp đi ngang nhà cha, người ta nghe cha hát. Cha hát một cách tự nhiên, to tiếng y như là người ta đang hát trong nhà thờ. Có người rình và thấy khi hát, cha “múa tay” lên xuống, lắc lư cái đầu làm như hát thiệt:
- Cha nhỏ con mà tiếng hát cha to ghê! Đó là những lúc cha đang soạn nhạc, cha đánh nhịp, cha hát thử. Có một lần lên nhà thờ gặp giờ cơm, về bà ngoại tôi thấy mũi lòng. Bà kể cha ngồi ăn cơm trưa với một dĩa khổ qua luột và một dĩa nước mắm “sống” có dầm trái ớt (đó là nước mắm nguyên chất, không có pha chế, thêm giấm hay thêm đường). Thấy bà ngoại tôi cứ nhìn lom lom “bữa cơm” của cha, cha giải thích: ăn như vầy ngon lắm con mà lại bổ nữa, với lại khổ qua ăn nên thuốc. Nhưng bà ngoại tôi “không chịu”, rồi từ đó cho đến khi ngoại tôi chết, cứ mỗi lần câu được cá buôi thì bà ngoại tôi sai hai anh tôi đem lên cho cha. Con cá buôi này tôi không hề biết mặt. Đó là loại cá hiếm mà anh tôi nói là ngon lắm, tưởng gì: ngoại nói như vậy. Cũng bà ngoại tôi nói chớ nào anh tôi có nếm qua món cá này bao giờ đâu. Anh tôi còn nói: cá này mắc tiền lắm, người ta mà câu được thì thường đem ra chợ bán, cho mấy nhà giàu, và mỗi lần hai anh tôi (hai anh em sinh đôi) khiêng cái giỏ cá đi lên nhà cha, cha thấy thì cha hay bước ra trước thềm nhà cha, đầu ngả qua ngả lại, cha hát:
Ba đồng một mớ cá buôi
Bỏ công câu cá về nuôi mẹ chồng.
Bà ngoại tôi chết, không còn cá buôi để đem lên cho cha nữa. Rồi cha đổi đi nơi khác, không biết là họ đạo nào cho đến khi má tôi dẫn tôi lên thăm cha là lúc cha đang nghỉ hưu tại Chủng Viện Sài Gòn. Rồi cha qua đời, được chôn cất tại nghĩa trang các cha ở Chí Hòa. Đâu có dễ gì mà tìm đến nơi được để “thăm” cha. Từ xứ tôi mà đi được đến Sài Gòn thì cầm bằng như là bây giờ đi từ Việt Nam qua Mỹ, qua Tây, nhưng hồi đó có lẻ còn khó hơn. Mà đến được Sài Gòn rồi thì Chí Hòa là ở đâu nữa? Bởi vậy, hễ có người biết đường đi, người ta rủ nhau đi chung, đi lên thăm cha  già, đi viếng mộ cha. Cả một tốp người vây quanh một nấm mộ. Bao nhiêu người chung một lòng tưởng nhớ! Trước đây, trong tháng 5 là tháng Đức Mẹ và tháng 6 là tháng kính Trái Tim, chiều phép lành là người ta hát các bài hát trong sách “Ca Ngợi”. Còn ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nhiều họ đạo lo tập kinh “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần”, 4 bè thiệt là “uy nghi”. Những khi nghe hát những bài hát này, sau lễ bà con xứ tôi nhắc nhở nhau: “Thiệt, nghe mấy bài hát này tui nhớ cha già Phaolồ Đạt quá!” Ngày nay, nói tới mấy kinh này, có mấy ai biết!
Trong đời tôi, còn nhiều “cha sở” nữa, nhưng xin dừng lại nơi đây, tạm có đôi phút tưởng nhớ các cha xưa, “cha sở tôi”.
( Micae Nguyễn Ngọc Sáng, Năm Linh mục: Cha Sở Tôi, Vietcatholic )
3.
Về sáng tác, Lm Phaolô Đạt không có nhiều, nhưng tất cả đều đạt chất lượng cao. Ngoài hai quyền ca vịnh nêu trên, còn những bài nổi tiếng như Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời, Kinh Nguyện Chúa Thánh Thần, Tôi Kính Lậy Chúa GiêSu…
Ngay từ trong chủng viện, những bài hát Ca vịnh của thầy Phaolô Đạt bấy giờ được nhiều người khen ngợi. Cha Bề Trên chủng viện Ernest, giỏi dương cầm nổi tiếng có lời khen: Một lối nhạc vừa Đạo đức vừa Dân Tộc. Cha Gabriel Long, một nhạc sư cũng khen: Nhạc của Phaolô Đạt thật ngọt ngào say mến, đi sát với tinh thần của mỗi bài hát..
Nửa đêm mừng Chúa ra Đời
Nửa đêm, mừng Chúa ra đời.
Bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa.
Nửa đêm, mừng Chúa ra đời.
Cỏ rơm trải lót bơ thờ.
Cỏ rơm trải lót bơ thờ.
Mượn ấm bò lừa quỳ thở dâng hơi,.
quỳ thở dâng hơi
Kiểng tinh soi sáng thâu đêm.
Kiểng tinh soi sáng thâu đêm.
Chói lói giữa trời nhỏ xuống Bê Lem.
Thiên thần chín đẳng chầu quanh
Thiên thần chín đẳng chầu quanh
Tấu nhạc rập ràng đàn hát, đàn hát xướng ca.
Vậy có ca rằng, rằng ca Thiên Chúa
Ớ loài người, ấy phúc lành bình an cho người
Vì cửa Thiên Đàng rộng mở
Tang tình tình tang Thiên Đàng rộng mở
Tang tình tình tang Thiên Đàng rộng mở

Chúa Cả ra ơn, ơn cả chữa đời
Rằng: Ớ chúng nhân tới xem điềm lạ
Kìa trong hang đá nọ, trước lều tranh
Rằng tính tình tinh Thánh Tiểu Hài Sinh
Thật Ngôi Linh tính tang tình,
Là tình Thiên Chúa,
Nằm trong máng cỏ, bó bức khăn đơn
Rằng: Báo chúng nhân tơi xem thì biết
Tiêu thiều nhạc thiết,
Tiêu thiều tấu cách vô biên
Rằng: Tính tình tinh Thánh Tiểu Hài Sinh
Thật Ngôi Linh tính tang tình là tình Thiên Chúa.
Thiên thần vô số, nhạc thổi tung hô!
Thiên thần vô số, nhạc thổi tung hô!

Bài thánh ca này hiện nay chỉ đề mỗi tác giả là Phaolô Đạt, nhưng chúng tôi đang có trong tay một bản đề tên 2 người đồng tác giả. Đó là thêm Lm G. Long ghi trước Phao Lô Đạt. Như vậy có lẽ cha giáo sư Gabriel Long đã cộng tác với thầy Phaolô Đạt trong sáng tác này.
Đến nay, nhiều người vẫn còn thắc mắc không rõ bản nguyên tác như thế nào. Sau nhiều năm tháng, bản thánh ca NĐMCRĐ đã tam sao thất bổn, như nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ khi so sánh 4 ấn bản có trong tay, đã phát hiện ra đến 39 điểm dị biệt.!
4.
Trước đây, trong một bài báo của Lm Vũ Đình Trác, tựa đề “Ca Nhạc Công Giáo” đăng trên Vietcatholic, đã viết: ..Các Lm Paulô Quy, Paulô Đạt (…) sáng tác những bài thánh ca mới theo điệu bình ca và ngũ cung Việt Nam (…) Lần đầu, hai Lm trên sáng tác những bài hát mới rất khởi sắc, như các bài:”Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời”, “Kinh Nguyện Chúa Thánh Thần” (…) Các bài hát mới này vừa hay lạ, vừa sốt sắng, lại có giọng điệu dân tộc, hợp với tinh thần người Việt. vì thế, được các nhà thờ miền Trung và miền Nam đón nhận nhiệt tình…
( Lm Vũ Đình Trác, Vietcatholic, ngày 16/7/1997)

Nhận định về bài NĐMCRĐ, ông Lê Đình Bảng, nhà thơ, nhà nghiên cứu thơ ca, âm nhạc CG đã viết: Bên cạnh giá trị về giai điệu và cung bậc mang âm hưởng dân tộc, còn phải kể tới giá trị lời ca là toàn văn của bản kinh vãn cùng tên trong Sách Kinh Mục Lục của địa phận Sài Gòn, một pho bách khoa toàn thư, đậm đặc thứ ngôn ngữ giầu hình tượng, rất riêng của những người con Chúa ở phương Nam:
Nửa đêm, mầng Chúa ra đời
Bức khăn sạch vốn để nơi hang lừa
Cỏ rơm trải lót bơ thờ
Mượn ấm bò lừa thở ấm dưng hơi
Kiểng tinh soi sáng nơi nơi
Chói sáng giữa trời, nhỏ xuống Bê linh…
( Lê Đình Bảng, nguyệt san CG & DT số 84, Tháng 12 – 2001)
Mới đây trong bài viết của Đỗ Hữu Nghiêm với đề tài QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THÁNH NHẠC, THÁNH CA VIỆT NAM, đăng trên Dũng Lạc, đã đề cập đến bài NĐMCRĐ như sau:
Các nhà nghiên cứu thánh ca có nhiều ý kiến khác nhau về sự xuất hiện bài thánh ca đầu tiên của VN, vì thiếu chứng liệu rõ ràng.
1. Theo kết quả tìm hiểu thứ nhất, tại miền Nam, có người cho là bài “Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời” và “Ca Vịnh Đức Bà” do linh mục nhạc sĩ Phaolồ Đạt, thuộc họ đạo Búng (Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương xưa, giáo phận Sài Gòn, nay thuộc giáo phận Phú Cường). Hai bài thánh ca đầu tiên này được biên soạn khoảng năm 1907, và được ấn hành tại Imprimerie de la Mission de Tan Dinh (Tân Định ấn Quán) khoảng năm 1910.
Theo kết quả tìm kiếm thứ hai, một số nhà nghiên cứu lại cho bài “Thánh Thể”, sáng tác năm 1901 và bài “Dâng Mẹ Hoa” sáng tác năm 1902 của tu sĩ Anphong Châu. Đây là ý kiến ông Sơn Đông đưa ra bằng chứng qua hai quyển Cantemus Domino và Cung thánh Tổng hợp 1&2 của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Cả hai bài này đã có thời gian được hát thông dụng ở Nam Định, nhưng hiện không lưu lại bằng chứng rõ rệt nào.
Hai đường lối tìm hiểu này phù hợp với sự xuất hiện buổi ban đầu phát triển chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ. Nhân vật nổi tiếng thời kỳ này là Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) với tác phẩm nổi tiếng là cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị và một số tác phẩm khác còn lưu lại đến ngày nay.
Ngoài ra người ta thấy xuất hiện tờ báo “Nam Kỳ Địa Phận” tại Sàigòn xuất bản số 1 (1908) và số cuối 1849 (tháng 3/1945). Chắc chắn những số đầu tiên đã nói đến những sáng tác thánh ca đầu tiên ở Việt Nam . Khi ở Sài gòn , tôi đã có thời gian nghiên cứu tập san này, nhưng nay không có điều kiện để tham khảo nhiều chuyên đề xa xưa liên quan đến lịch sử Việt Nam , nhất là thánh ca trong giai đoạn ít nhất từ 1908 đến 1945.
Thực ra trong Nam Kỳ Địa Phận, nhất là trong báo Vì Chúa xuất bản nẳm 1936 sau này, đã có những bài hát được Linh Mục Nguyễn Văn Thích (1891-1978) sáng tác. Vốn là một tín đồ trong gia đình sung Phật giáo cải đạo sang Công giáo, chắc chắn những bài ca của linh Mục Thích đã bộc lộ một ức độ nhuần nhuyễn đặc tính ầm nhạc Phật giáo với Thánh Ca Công giáo. Có thể là những bài hát biểu trưng co nền Thánh nhạc ban đầu ở Miền Trung.
Về âm nhạc, linh mục Nguyễn văn Thích sử dụng thành thạo các nhạc khí dân tộc như đàn cò, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tì bà… kể cả các nhạc cụ Tây phương.
Trong thánh ca, một trong những bài nổi danh là bài Magnificat Việt ngữ (hiện được hát trong nhiều giờ kinh phụng vụ. Không thể kể hết nhưng các bài rất ý nhị như bài «Câu hát Đức Mẹ ru con», «Trời cao đất thấp gặp nhau», v.v… vừa giàu tình cảm, vừa đậm đà cung điệu và thanh âm của những câu hò hay ca trù dân tộc.
2. Cách tìm hiểu thứ ba cho rằng những bài thánh ca Việt Nam đầu tiên đã do linh mục Vượng, đặt lời Việt vào các thánh ca La-tinh và Pháp, Các bài thánh ca lời Việt nhạc Tây phương này được đóng thành tập 20 bài và phổ biến rộng rãi ở Nam Định, Hà Nội. Ngoài ra những bài này còn lan rộng sang các nơi có giáo hữu, khắp ba miền Bắc, Trung và Nam . Đây là quyển sách hát thánh ca đầu tiên, dù không ai nhớ tên quyển sách là gì, chỉ còn nhớ tên gọi phổ biến là “Sách Hát Cha Già Vượng”.
“Sách Hát Cha Già Vượng” chỉ xuất bản tương đối muộn vào những năm 1943. Cha Vượng không hề sáng tác bài nào mà chỉ đặt lời Việt cho giai điệu du dương có sẵn. Sách hát này bán chạy như tôm tươi. Các giáo hữu lúc bấy giờ nghe hát tiếng La-tinh không hiểu gì, nhưng được hát bằng tiếng Việt thì vô cùng hưởng ứng. Điều đó cho thấy phải chăng chưa có bài hát tiếng Việt nào trong nhà thờ trước đó, mọi người mới khao khát đến như thế.
Như thế, tại ba miền Nam, Trung, Bắc, ba linh mục Phao lô Đạt, Giuse Maria Thích, và cha già Vượng đều là những đại biểu đầu tiên của nền Thánh Ca Việt Nam
Chủ trương này có nhiều cơ sở xác đáng trùng hợp với những sáng tác tân nhạc Việt Nam đầu tiên trong giai đoạn 1930-1945. Trong giai đoạn này, các nhạc sĩ tiên phong như Nguyễn Văn Tuyên, Đặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Tô Vũ, Nguyễn Thiện Tơ, … đã thành lập những nhóm tân nhạc và đặt “lời ta cho bài hát tây” tức là nhạc Pháp,...
5.
Như đề cập ở trên, ca từ bài Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời ( NĐMCRĐ ) có xuất xứ từ kinh vãn cùng tên, đăng trong Sách Kinh Mục Lục của địa phận Sài Gòn. Dưới dạng vần thơ lục bát dễ rung cảm, thấm vào lòng trí người tụng, kinh vãn này cũng như nhiều bài kinh kệ khác cùng thời thường dùng vàì từ Hán Việt, không phải làm dáng, nhưng để tăng thêm phần trang trọng.
Tuy nhiên, ngôn ngữ có cuộc sống theo dòng chảy xã hội, cũng chịu quy luật sinh tồn. Một số từ ngữ có thể mai một, ít dùng hoặc biến mất, để phát sinh ra nhiều từ mới, phản ảnh thực trạng, hay tâm thức xã hội. Do vậy, một số từ Hán Việt trong bài thánh ca này đến nay ít sử dụng, đã trở nên khó hiểu. Chẳng hạn như vài danh từ: Kiểng tinh, tiêu thiều, nhạc thiết... Chúng ta thử tìm hiểu để cố gắng lãnh hội được nét đẹp mượt mà của bài kinh vãn, lẫn bài thánh ca trên trăm tuổi này.
Kiểng tinh có nghĩa cảnh tinh tú, ngôi sao sáng. Trong bài này còn ám chỉ ngôi sao chổi dẫn đường Ba Vua.
Tiêu thiều: tiếng dùng chung chỉ âm nhạc trong hoàng cung. Ám chỉ Hội Nhạc Thiên Quốc do các Thiên Thần đồng tấu cất lên
Tiêu thiều tấu cách vô biên: Nhạc Trời tấu lên tưng bừng không giới hạn
Nhạc thiết: Nhạc trổi lên.
Thiên thần chín đẳng chầu quanh: Chín ĐẲNG Thiên Thần ( Thường hay bị hát sai: Thiên Thần chín ĐẤNG chầu quanh ) Vì có đủ chín đẳng Thiên Thần, nên cuối bài ca mới có vô số Thiên Thần !
Thánh Tiểu Hài Sinh: Chúa Hài Nhi mới sinh.
Tuy những bài ra đời sau gần nửa thế kỷ, như Hang Bê Lem (1945) của Hải Linh, Cao Cung Lên (1945) của Lm Hoài Đức, đều dư âm nét nhạc Tây phương. Thì trước đó xa vời, Lm Phaolô Đoàn Quang Đạt đã không phóng tác theo Cantus Pro Festis Solemnioribus, hay Cantus Officiorum in Cantus Gregoriano, hoặc Cantiques de la Jeunesse, mà kỳ công nhạc hóa cung kinh lời nguyện, thổi làn điệu dân ca vào thánh nhạc dân tộc. Một bước tiến đột phá, đi tiên phong trước cả Công Đồng Vaticanô II: Hội nhập văn hóa!
Những ca từ Lm Phaolô Đoàn Quang Đạt đượm nét mộc mạc, dân dã, mà vui tươi, thánh thiện, lôi cuốn cả người hát lẫn người nghe không khỏi hân hoan tràn ngập hy vọng:
Tang tình tình tang Thiên Đàng rộng mở…
Rằng tính tình tinh Thánh Tiểu Hài Sinh
Thật Ngôi Linh tính tang tình,
Là tình Thiên Chúa,…
6.
Cảm nhận về Nữa Đêm Mầng Chúa Ra Đời
Nói đến các nhạc phẩm Giáng sinh thì rõ ràng là nhạc phẩm NĐMCRĐ ít được chú ý, với những lý do mà các bài trước đã phân tích. Tuy nhiên nói về khía cạnh nhạc lý, thì các ca trưởng thì có lẽ hơi ngại khi tập bài này.
Bài hát được viết theo cung Fa trưởng liền một mạch từ đầu dến cuối, không phân thành điệp khúc, phiên khúc hay lặp lại.
Bài có ba bè dành cho các ca đoàn vừa, khoảng 20 - 30 ca viên, hai bè giọng nữ và một bè giọng nam. Bè nữ cao lên nốt cao nhất là Fa (trên) nhưng hơi thường xuyên (Có lẽ chính vì lẽ này mà các ca trưởng ngại tập). Với giọng ca không chuyên của các ca viên trong các giáo xứ thì nốt này là quá cao.
Trở lại với bài hát.
Mở đầu là hai câu nhạc giáo đầu: "Nửa đêm mừng (viết theo các bản hiện nay) Chúa ra đời, bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa." Câu này như tiếng loa thiên thần, đánh thức các mục đồng đang mê ngủ. Sau đó, cả bầu trời bừng sáng lên với câu nhạc 3 bè tiếp theo, như ca đoàn các thiên thần đang hợp xướng: "Nửa đêm mừng Chúa ra đời, cỏ rơm trải lót bơ thờ. Mượn ấm bò lừa quỳ thở dâng hơi. Kiểng tinh soi sáng thâu đêm, chói lói giữa trời nhỏ xuống Bê Lem".
Sau đó, các mục đồng cùng hòa ca với các Thiên thần qua giọng nam: "Thần /mừng /hát /mừng /hát, /đàn /hát /chầu /quanh/ hát /mừng."
Và thiên thần lại nhắc nhủ: " Ớ loài người ấy phúc lành bình an cho người vì cửa thiên đàng rộng mở." Bài hát như một cuộc xướng đáp giữa các thiên thần và các mục đồng.
Giai điệu bài hát mang tính bình ca và chút tiết tấu của đồng dao Việt Nam . "Nửa đêm mừng Chúa ra đời, bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa." Với những luyến láy bình ca và những luyến láy này trải dài trong toàn bài, rất thong dong.
Trong khi đó giọng nam còn thong dong hơn, như không có chút vướng bận chộn rộn của cuộc sống trong đó, kể cả những lúc nhạc rộn ràng: "Tang tình tình tang thiên đàng rộng mở" hay "Thật ngôi linh tính tang tình là tình Thiên Chúa" ta nghe cũng nhẹ như không.
Trong những đoạn này, ta còn cảm nhận tiết tấu của đồng dao. Nghe như các trẻ đang hát những bài vè: "Thiên thần chín đấng chầu quanh. Thiên thần chín đấng chầu quanh. Tấu nhạc rập ràng, đàn hát, đàn hát xướng ca." hay " Rằng tính tình tinh. Thánh tiểu hài sinh. Thật ngôi linh tính tang tình là tình Thiên Chúa."
Lm Phaolô Đạt đã chuyển tải rất khéo một bài ca vãn dân gian sang điệu nhạc Tây phương nhưng không làm mất đi bản chất dân ca trong đó. Một bản nhạc với cách hòa âm rất giản dị. Chỉ trong ba hợp âm căn bản Fa - Do - Sib mà ngài dã làm cho bài hát trở nên uyển chuyển mà trong sáng, giản dị, không cầu kỳ.
7.
Vì sao bài NĐMCRĐ không được nhiều người biết đến?

Là bài hát bằng tiếng Việt được ra đời sớm nhất, trong thời kỳ mà các nghi thức phụng vụ đều bằng tiếng La Tinh, thì rõ ràng bài hát chỉ được phổ biến trong giới hạn nho nhỏ của cộng đồng giáo xứ, hoặc vài giáo xứ chung quanh. Hơn nữa, lễ Giáng Sinh thời đó thuần túy là một ngày lễ của "người có đạo", có đàn hát xướng ca cũng chỉ "người có đạo" biết mà thôi, chứ không như ngày nay, Giáng Sinh đã trở thành một ngày hội. Từ cuối tháng 11 dến suốt tháng 12 đi đâu người ta cũng thấy không khí Giáng Sinh với đèn trang trí đầy màu sắc, hình Ông Già Noel với tuyết trắng rơi đầy, hang đá, máng cỏ.... và đâu đâu cũng văng vẳng tiếng chuông với những bài Thánh ca hoặc các bài hát về mùa đông và Noel.
NĐMCRĐ còn là một bài hợp xướng, do đó tính chất phổ biến của nó lại càng bị giới hạn hơn. Người ta có thể ngâm nga bài ca vãn với những vần thơ lục bát:
"Nửa đêm mầng Chúa ra đời.
Bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa,
Cỏ rơm trải lót bơ thờ,
Mượn ấm bò lừa quỳ thở dâng hơi..." 

hoặc cũng có thể cất tiếng hát:
"Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời..." hay:
"Cao cung lên khúc nhạc Thiên thần Chúa, hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương..." 
Nhưng người ta không thể một mình cất lên giai điệu với ba bè của bài hợp xướng NĐMCRĐ.
Sau này khi những bài hát giáng sinh được sáng tác nhiều hơn và được phổ biến rộng rãi hơn, thì lúc đó NĐMCRĐ lại trở thành một bài hát cổ, cổ về cả năm sinh, lẫn về ca từ. Người ta chú ý đến những bài hát mới được sáng tác, giai điệu mới hơn, lời ca dễ hiểu hơn. Với những:

"Đàn ơi, cứ rung những điệu réo rắt,..
.Hỡi người dương thế, lặng nghe cung đàn..."

thì dứt khoát dễ hiểu hơn: "Tiêu thiều, nhạc thiết tiêu thiều tấu cách vô biên..." 
hoặc: "Trông hang Bê Lem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng, nghe trên không trung, tiếng hát Thiên thần vang lừng..." 
vẫn hình tượng hơn: "Kiểng tinh soi sáng thâu đêm. Chói lói giữa trời nhỏ xuống Bê Lem..."
Còn một lý do nữa hơi tế nhị, đó là tân nhạc Việt Nam thường được hát với giọng Bắc, do đó những bài hát được sáng tác cho giọng Bắc hoặc với ca từ "ngoài Bắc" dễ được công chúng chấp nhận hơn. (Nói điều này e rằng có nhiều người nhận xét có tính cách cục bộ ở đây. Nhưng thực tế mà nói, đa phần các bài hát tân nhạc đều được phổ cho giọng Bắc và dù người miền nào đi nữa thì cũng phải hát với giọng Bắc.)
Nói tóm lại, NĐMCRĐ của Lm Phaolô Đoàn Quang Đạt ít được công chúng biết đến cũng là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên nó đã đánh dấu bước khởi đầu của việc sáng tác những ca khúc cầu nguyện bằng tiếng Việt phục vụ cho giáo dân Việt. Cùng vói những bài như Trời Cao Đất Thấp, Mười Hai Cái Mến của Lm J.M. Nguyễn Văn Thích, NĐMCRĐ là một trong những nhạc phẩm tiên phong cúa nền Thánh Ca Việt Nam.
Vĩ Thanh
Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời của Lm nhạc sĩ Phaolô Đoàn Quang Đạt đã phổ nhạc nhuần nhuyễn bài kinh vãn, đã khéo léo liên kết đồng dao vào làn điệu bình ca Công Giáo, vừa trong sáng, vừa dân tộc, vừa long trọng, vừa phong phú âm hưởng, khéo léo nâng tâm hồn thính giả hòa nhập vào niềm hân hoan vô bờ, đón chào Đấng Cứu Thế Giáng Sinh. Như thế, mỗi khi Nöel về chẳng lẽ chúng ta lại nỡ vô tình quên, không hợp xướng bản thánh ca giàu cảm xúc NĐMCRĐ của Lm Phao lô Đoàn Quang Đạt hay sao?

Tác giả: Hoàng Anh - Bombo



Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Linh mục Đôminicô Trần Ngọc Lợi


Linh mục Đôminicô Trần Ngọc Lợi


-         Sinh ngày 01. 03. 1912

-         Tại Bình Sơn – Họ Búng

-         Năm 1925: Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

-         Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

-          Chịu chức Cắt tóc ngày 16. 03. 1935, do Dức cha Isidore Dumortier

-         Chức Mở cửa – Portier (Chức 1)  ngày 19. 09. 1936

-         Chức Đọc sách - Lectuer  (Chức 2) ngày 13. 03. 1937

-         Chức Trừ quỷ và Cầm đèn-Exorciste & Acolyte (Chức 3 & 4) ngày 18. 09. 1937

-         Chức Phụ phó tế - Sous Diaconat (Chức 5) ngày 24. 09. 1938

-         Chức Phó tế - Diaconat (Chức 6)  ngày 25. 03. 1939 do Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục

-         Thụ phong Linh mục 23. 09. 1939, do Đức Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục

-         Tháng 10. 1939 – tháng 09. 1941:  Phó sở Mỹ Tho

-         Thánh 09. 1941 – tháng 10. 1942:  Cha sở họ Cai Lậy dưới quyền cha A. Keller (sở Cái Bè)

-         Tháng 10. 1942 – tháng 05. 1943: Cha sở họ Xuân Lộc và Đồn điền S. I. P. H

-          Tháng 05. 1943 – năm 1946: Cha sở họ Xuyên Mộc

-          Năm 1946 – năm 1956: Cha sở họ Tân Phước

-         Năm 1956 – năm 1997: Cha sở họ Hiệp Hòa

-         Năm 1997: Nghỉ hưu

-          Qua đời ngày 10. 02. 2000 tại Hiệp Hòa.

-         Hưởng thọ 88 tuổi. 65 năm Linh mục.

-         Mai táng tại đất thánh họ đạo Búng

·        Làm mới ngày 13. 07. 2022




Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Đức Giám mục Anrê Nguyễn Văn Nam


Đức cha Anrê Nguyễn Văn Nam
Giám mục Chánh tòa Giáo phận Mỹ Tho


-         Sinh ngày 24.02.1922 
-         Tại Thị Nghè, Sài Gòn.
-         Học Tiểu Chủng viện Sài Gòn. 
-         Học Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
-         Thụ phong Linh mục ngày 29.03.1952
-         Linh mục giáo phận Sài Gòn
-          Năm 1952 - 1953 : Phó sở Thủ Đức
-         Năm 1953 - 1954: Phó sở An Đức
-         Năm 1954 - 1972: Chánh sở Bình Trưng, Đông Hòa, Giồng Cát (Mỹ Tho).
-          Năm 1972 - 1975: Chánh sở Lương Hòa Hạ
-         Giám mục phó ngày 10.06.1975. Với khẩu hiệu : “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu” (1Pr 4,13)
-         Giám mục Chánh tòa Mỹ Tho ngày 24.02.1989 đến ngày 15.04.1999.
-         Năm 1999 nghỉ hưu tại Nhà Chung Mỹ Tho. 
-         Qua Đời: Ngày 16.0.2006. 
-         Mai táng  tại khuôn viên Nhà chung, Mỹ Tho.

  Bài viết về Đức cha Andrê Nguyễn Văn Nam

I. MỘT MẪU NGƯỜI ĐƠN SƠ, HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM TỐN 

“Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm tốn trong lòng”. Bài học quan trọng Đức Kitô đã dạy cho dân chúng khi đi theo Ngài và khắc ghi vào tâm hồn các môn đệ của Ngài như là nền tảng của những đức tính của người tông đồ, để thành công trong mục vụ và để thu lượm kết quả việc rao báo Tin Mừng. Đức Cha Anrê đã thấm nhuần chân lý này và thực hiện trong cả cuộc đời, nên được dân chúng đặt cho một tên gọi rất thân thương gần gũi : là “ông lão nhà quê”, luôn luôn mang một áo dòng đen đã bạc màu, đầu đội nón cyclô trắng, đón xe đò đi trên các nẻo đường 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp, khi đi làm mục vụ của vị chủ chăn, từ sau khi giải phóng cho đến thời mở cửa (1986).

Được Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục chánh tòa Mỹ Tho, chọn và đặt làm Giám mục phó và chính Ngài tấn phong cho Đức Cha Anrê trong hoàn cảnh hết sức âm thầm, đơn giản, chỉ có vài ba cha tham dự tại Tòa Giám Mục Mỹ Tho ngày 10/06/1975.
Chính Đức Cha Giuse sau đó đã cho các cha Mỹ Tho biết : Lý do Ngài chọn Đức Cha Anrê vì Ngài đơn sơ hiền lành, ốm còm, như một ông lão nhà quê, đi đâu cũng dễ, lọt vào ngóc ngách nào cũng vừa, gặp ai cũng được. Đúng như lời nhận xét của Đức Cha Giuse, Đức Cha Anrê rơi vào môi trường nào cũng được đón tiếp nồng hậu vì như Chúa Giêsu đã nói  “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất nước này làm gia nghiệp”.
II. GIÁM MỤC THỨ HAI CỦA GIÁO PHẬN MỸ THO
“Viên đá thợ xây đã bị loại bỏ, lại trở nên tảng đá góc tường”.
Ngay sau ngày phong chức Giám mục cho Đức Cha Anrê, Cha Bề Trên dòng Mến Thánh Giá Tân An, cũng là cha sở giáo xứ Tân An, Antôn Lê Quang Thạnh, đã công bố tại nhà thờ Thị Xã Tân An vào sáng lễ Chúa Nhật, “Đức Cha Anrê, Viên đá thợ xây đã bị loại bỏ… được tấn phong làm Giám mục Phó Giáo phận Mỹ Tho. Cha Antôn trước kia là cha giáo sư tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Sài Gòn, biết rất rõ về Đức Cha Anrê. Khi ngài vô Tiểu Chủng Viện, chỉ được 1, 2 năm, rồi bị bệnh, và học lực cũng không khá, nên chủng viện khuyên cho về chữa bệnh, vì Ngài có những đức tính tốt, và kiên trì bền vững theo đuổi ơn gọi, nên cha sở Thị Nghè lúc đó, xin chủng viện cho Ngài tiếp tục ơn gọi. Ban giám đốc đã chấp thuận cho Ngài tu lại. Vì quyết tâm và có ơn Chúa Ngài đã qua các lớp Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện và được thụ phong Linh mục ngày 29/03/1952.
III. ĐƯỜNG LỐI MỤC VỤ 
1. Chịu Đau Khổ
“Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày để theo Ta”. Đức Cha Anrê đã sống vất vả, cơ cực suốt cả đời để thực hiện câu châm ngôn Ngài đã chọn : “Được chia sẻ những đau khổ với Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu” (1Pr 4,13). Trải qua các giáo xứ Ngài coi sóc : Bình Trưng, Đông Hòa, Giồng Cát (Tiền Giang), Lương Hòa Thượng (Long An), đâu đâu giáo dân cũng kể về những khó khăn, thiếu thốn mà Ngài đã tự nguyện lãnh nhận, bởi vì có đồng bạc, tài sản nào Ngài đều cho hết, cả người công giáo cũng như lương dân, sống khắc khổ, ăn mặc đơn giản, ăn uống đơn sơ, nơi ở nghèo khó giữa những người nghèo khổ bất hạnh. Tuy là Giám Mục của một giáo phận, nhiều lần Ngài tâm sự : Ngài “sợ” các cha vì có nhiều vị yêu cầu điều này điều khác, mà Ngài không đáp ứng được, nên rất buồn và đau khổ. Ngài âu lo và khốn khó khi gặp những chuyện tiêu cực, rắc rối xảy ra trong giáo phận, bất lực không giải quyết được, chỉ biết cầu nguyện, cậy trông vào Chúa lãnh đạo giáo phận thay cho Ngài.
2. Tâm Hồn Trẻ Thơ
“Hãy để trẻ thơ đến với Ta, vì nước trời là của chúng”. Đức cha rất thương, mến và vui chơi với trẻ em, thích nói chuyện và kể chuyện các thánh, dạy giáo lý cho trẻ, vì Ngài nói trẻ có tâm hồn đơn sơ không phức tạp rắc rối như người lớn.
Các em cũng rất thích và mến Ngài. Tại Đông Hòa, Giồng Cát, các em thường ôm hôn Ngài, có khi nhảy lên giường nằm ngủ tỉnh khô. Ngài thường dạy cho trẻ em cầu nguyện và cùng phủ phục trước Mình Thánh Chúa.
Ngài đặc biệt tôn kính Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và mong muốn cho mọi người nên thánh theo con đường thơ ấu của Thánh nữ. Ngài luôn có nụ cười trẻ thơ và tâm hồn ngay lành trong trắng của bé thơ.
3. Chú Trọng Truyền Giáo
Tinh thần truyền giáo chiếm hết cả con tim của Ngài trong suốt thời gian 24 năm làm Giám Mục. Từ năm 1975 là Giám mục phó và từ 24/02/1989 khi làm Giám mục Chánh Tòa. Ngài luôn luôn nại vào cớ truyền giáo để giải quyết các vấn đề. Bản thân tôi được các Đức Giám Mục giáo phận trao cho công tác đặc trách ơn gọi giáo phận, nhiều lần tôi xin Ngài cho các cha trẻ, có trình độ đi du học để có nhân sự giúp ích giáo phận trong tương lai, Ngài trả lời vì giáo phận còn nhiều giáo xứ, giáo họ cần có linh mục coi sóc, lo phần hồn cho giáo dân, nên hãy chờ đợi khi nào có đông linh mục sẽ tính.
Dồn hết tâm lực vào việc mở lại các điểm truyền giáo và tìm người trở lại, nên giáo phận có ngân khoản nào là Ngài đầu tư vào việc truyền giáo hết. Khi các cha mời đi mở giáo điểm truyền giáo, xây dựng một giáo họ mới, mời đi ban phép Rửa Tội, Thêm Sức, dù xa xôi vất vả, đường đi cách trở, lội nước, băng đồng, chui qua lạch ruộng, Ngài rất hăng hái, phấn khởi, ở lại lâu ngày, say mê giảng dạy, có khi giảng quên cả ăn uống, Ngài vẫn lặp lại Lời Chúa “Lúa chín đầy đồng, thợ gặt lại ít”. Ngài bảo phải vâng lệnh Chúa “Các con phải đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Ngài thích thú cắt nghĩa về việc làm cho người ta biết Chúa, và được lợi các linh hồn khi nhắc lại lời Thánh Don Bosco “Xin hãy cho tôi các linh hồn”.
Một nét rõ nhất trong đời Ngài, và đặc biệt nổi bật giữa hàng Giám mục là phong chức chui. Cũng vì mê say truyền giáo, tìm cách có nhiều Linh mục để công bố Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô đến muôn dân, trong những năm khó khăn, Ngài đã phong chức Linh mục “chui” cho hàng chục anh em trong Giáo Phận. Khi được chính quyền địa phương mời ra làm việc sau sự kiện, Ngài luôn với áo dòng đen bạc màu, tay cầm tràng chuỗi, một thân một mình ngồi trước nhiều cán bộ. Hỏi tại sao cụ phong chức mà không xin phép. Ngài trả lời : “Nhiều lần tôi đã làm đơn xin phép, nhưng được trả lời : để cứu xét, đợi lâu, giáo dân, nhất là những cụ già, đến khóc lóc xin có linh mục, tôi cầm lòng chẳng đặng, nên vì thương họ tôi phong chức âm thầm. Vì nghĩ rằng hồi trước giải phóng khi ở Giồng Cát, Bình Trưng (Tiền Giang) vùng chiến tranh, tôi luôn giúp người nghèo (có cả anh em cách mạng) cơm gạo, quần áo, thuốc men những lúc cần kíp, tôi cũng không phải xin phép. Cán bộ nhà nước cũng vui vẻ huề cả làng, dặn dò lần sau cụ đừng làm thế nữa.
Về điểm này, Đức Cha Anrê đi đầu trong việc phong chức chui. Ngài đã giúp cho nhiều nhà dòng có nhân sự Linh mục làm việc trong những lúc thiếu hụt linh mục trầm trọng.
Ngày 16-20/03/2006 dịp Ngài qua đời. Tôi gặp được nhiều phái đoàn các dòng đến kính cẩn viếng Ngài và kể lể tâm sự với lòng tri ân sâu xa việc Ngài đã làm cho dòng mình.
IV. CON NGƯỜI VỚI NHÂN CÁCH ĐÁNG TRÂN TRỌNG 
1. Con người của cầu nguyện
Ngài luôn luôn có xâu chuỗi trên tay, tìm Ngài chỉ vô trong nhà nguyện là thấy ngay. Cầu nguyện là hơi thở, gặp ai Ngài cũng khuyên siêng năng cầu nguyện, thậm chí khi gặp những người nhà quê hoặc trẻ em, Ngài dẫn ra nhà nguyện để tập cầu nguyện và cùng cầu nguyện với Ngài.
Ngài sống theo lời Chúa dạy “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,35) và dạy mọi người “hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38)
Khi các cha đến gặp Ngài trình bày những khó khăn về nhiều phương diện khi phải coi sóc giáo xứ, Ngài chỉ khuyên cầu nguyện, và Ngài hứa chỉ có thể giúp các cha bằng lời cầu nguyện và khuyên các cha cầu nguyện liên lỉ, bền lòng, như câu truyện người đàn bà xin ông quan xét xử, lúc đầu ông không làm, nhưng cuối cùng cũng làm vì bị quấy rầy. Rất nhiều lần Đức Cha Phaolô đương kim Giám mục của Giáo phận Mỹ Tho, khi nói về Ngài lúc đã nghĩ hưu. Đức cha luôn xác quyết, nhờ Đức Cha Anrê cầu nguyện liên lỉ cho giáo phận, cho công việc lãnh đạo giáo phận của Ngài. Đức Cha Anrê là hỗ trợ tinh thần thiêng liêng của Giáo phận.
2. Sống Khó Nghèo
Áo mặc rất đơn giản, luôn luôn với tấm áo dòng đen, không bao giờ thấy Ngài mặc đồ “civil”.
Về ăn uống rất giản dị, có một cha đã kể tôi nghe. Khi Ngài đến ban bí tích Thêm Sức, vì xe trễ, sau bữa ăn rồi, Ngài lấy ra trong bọc nửa đòn bánh tét, nhờ người ta dọn ra ăn tự nhiên, Ngài nói trên đường đến giáo xứ, thấy đứa bé tội nghiệp, đã cho nó một nửa. Các cha kể cho nhau khi dịp đón Ngài, rất khỏe, vì không phải lo việc ăn uống. Đối với Ngài, việc ăn uống không quan trọng, chỉ là nhu cầu bất đắc dĩ, có lần Ngài nói : “người ta ai cũng phải chết, nên ăn để chậm chết”. Ngài thường khuyên các cha đừng uống rượu, bia. Có đấng nại lấy cớ để giao tế dễ dàng, nên dùng chút bia bọt, Ngài nói : “vô đức bất thành lễ, đa tửu bất thành nhân”.
Việc chỗ ở nghỉ ngơi càng đơn giản, lúc Ngài đã làm giám mục. Ngài thường về dâng lễ tại Giồng Cát (khi không phải đi làm mục vụ Thêm Sức) và ở đây sống rất đạm bạc, nằm giường gỗ cứng, không đệm, không tiện nghi, lại rất thích, vì có trẻ con quê mùa, ăn mặc lôi thôi vây quanh, nhộn nhịp vui vẻ…
3. Đơn Sơ 
Như trên đã đề cập, Đức Cha Anrê sống đơn sơ, phó thác mọi sự trong tay Chúa, có tâm hồn chất phác, thật thà như trẻ thơ.
a. Tin vào Chúa quan phòng và có tâm hồn phó thác
Bất cứ chuyện gì quan trọng, khó khăn, phức tạp tưởng như khó có thể thực hiện, Ngài luôn khuyên nhủ : hãy phó thác và cậy trộng vào Chúa. Năm 1994 tôi xin Ngài xúc tiến phục hồi họ đạo Thuộc Nhiêu, có nhà thờ từ hồi năm 1945, trên thuở đất rộng 8000 m2. Trong thời chiến tranh nhà thờ đổ nát, dân chúng tản lạc khắp nơi. Sau năm 1975 người ta chiếm đất nhà thờ canh tác. Được ân nhân giúp đỡ, năm 1994, Ngài và Đức Giám mục phó Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, cho tiền đủ để mua lại được 1250 mđất. Có đất rồi, xin phục hồi nhà thờ, gian nan vất vả, khó khăn, suốt 10 năm kiên trì, năm 2004 nhà nước cho phục hồi họ đạo Thuôc Nhiêu, và ngày 10 tháng 12 năm 2006 Đức Cha Phaolô đã về làm phép nhà thờ mới. Tạ ơn  Thiên Chúa và Tri ân các Đức Cha.
b. Không hình thức
Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, nguyên Giám Mục giáo phận Xuân Lộc, nguyên chủ tịch HĐGMVN kể cho tôi những mẩu truyện sau đây : Khi các Đức Giám mục Việt Nam đi Ad Limina lần đầu tiên sau ngày HĐGMVN Bắc Nam thống nhất (năm 1990) Ngài nói rằng: Đức cha Anrê rất đơn sơ, khi sang tận Roma, kinh đô Giáo hội toàn cầu, mà Ngài vẫn bận đồ rất đơn giản, mặc áo giám mục mà không đeo col trắng, được đức cha nhắc nhở ngày hôm sau Ngài đeo 2 col cho chắc ăn. Ngài chậm trễ nên Đức Cha Phaolô Nhật phải nhờ 2 Đức Cha kèm để gọi Ngài đi cho kịp, khi đi gặp các thánh bộ. Khi đi họp HĐGMVN, Ngài trễ giờ chung, có lần tới giờ cơm, thấy vắng, có Đức Cha phải lên nhà thờ tìm, Ngài đang lần hạt, cầu nguyện.
Không hình thức, sang hèn, thế nên về cuối đời nhiều lần Ngài đã nói với tôi : tôi sợ ngỏ lời với Đức Cha Phaolô, xin cha nói dùm : khi tôi chết cho tôi được chôn cất tại giáo xứ Giồng Cát, nằm giữa con cái thân yêu, quê mùa và nghèo khó, tôi muốn được chết nghèo, như đã sống nghèo. Tôi thưa với Ngài : con vâng lời Đức Cha, sẽ trình Đức Cha Phaolô, nhưng con tin chắc, vì địa phận, chắc chắn Đức Cha và các cha Mỹ tho không bao giờ làm theo ý muốn của Đức Cha được. Tuy vậy, Ngài vẫn bảo bổn đạo Giồng Cát, làm đơn lên Tòa Giám Mục đề đạt ý nguyện của Ngài. Tôi cũng được cha Phêrô Phát (cha sở Bến Siêu) cho biết. Ngài thường trăn trối : khi Ngài chết, hãy để vào chiếu quấn lại, rồi lấy tre nẹp lại rồi đem vào nơi vắng vẻ và chôn ở đó… hoặc đem ra cồn mà chôn.
c. Đời sống không màng tưởng tới tiền bạc
Ai cho gì Ngài vui vẻ đón nhận, rồi lại quảng đại cho người khác hết. Có cha kể tôi nghe, khi làm nhà thờ, thiếu hụt, chạy đến xin Ngài cho tiền, chưa giải quyết ngay, Ngài lật sách Kinh Thánh về đoạn: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu của kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này, mà khinh dể chủ nọ” (Lc 16,13). Cắt nghĩa cho nghe đã rồi, dặn dò đủ điều về việc phải biết sử dụng tiền bạc. Cuối cùng cũng vô ngăn kéo, vét hết tiền bạc, cả bạc cắc cho cha về xây dựng nhà thờ. Có chuyện khác chính Ngài kể tôi nghe, Ngài bị lừa, một bà kia ăn mặc sang trọng, gặp Ngài xin xưng tội và xin chúc lành cho bà trước khi đi nước ngoài đoàn tụ với con cái bằng an, nói chuyện hồi lâu, bà đưa tặng Ngài 5 cây vàng, để giúp địa phận. Cha con mừng quýnh. Trước khi từ giã Ngài ra về để lên đường, bà xin Ngài giúp cho 1 triệu đồng để đi về và thuê taxi ra phi trường. Không nghi ngờ gì, rất tin tưởng, Ngài cho ngay. Sau đó, Ngài đưa vàng cho cha quản lý, cha đem tiệm thử : là vàng giả. Vì Ngài quá tin tưởng người ta và chẳng  quan tâm gì đến tiền bạc lại sẵn có lòng thương người, nên rất nhiều lần Ngài bị lừa, bị lấy cắp, bị gạt. Ngay cả với những con cái, người giúp việc, người có đạo cũng như người ngoại.
d. Cụ Giám mục thật thà, chất phác
Suốt 24 năm Giám mục, rất nhiều lần Đức cha Anrê phải gặp, tiếp xúc, trao đổi với nhà nước về những vấn đề của Giáo phận, được việc như yêu cầu cũng có, bị từ chối luôn cũng nhiều, hay lắm khi phải chờ đợi lâu, Đức Cha vẫn vui vẻ, luôn bảo chúng tôi phải kiên trì cậy trông vào Chúa. Chúa có thể làm đựơc mọi sự “không có việc gì mà Chúa không làm được”. Do đó, tôi nghe nhiều cấp chính quyền địa phương, tỉnh, huyện, ban ngành khi nói về Đức Cha Nam . Người ta nói một câu đầy ấn tượng, “cụ Giám mục của các ông rất thật thà, chất phác…”.
Quả vậy, trong thánh lễ an táng của Ngài 20/03/2006 tại khuôn viên Tòa Giám Mục Mỹ Tho, có nhiều Giám Mục, đông đảo các linh mục, tu sĩ và rất nhiều giáo dân, có các cấp chính quyền nhà nước tham dự. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, đã nói : “Đối với Đức Cha Anrê, Ngài luôn làm vừa lòng mọi người – cả đạo lẫn đời”.
Đức Hồng Y kể câu truyện hồi năm 1997 khi nhà nước tỉnh Tiền Giang mời Đức Cha Anrê và Ngài (Giám mục phó Mỹ Tho) ra trao đổi về việc xin phép lập chương trình tổ chức Năm Thánh 2000. Với những điểm phức tạp, Đức Cha Anrê nói : Hồi trước khi tôi ở Giồng Cát và Đông Hòa, bao nhiêu lần tôi giúp đỡ cho anh em bộ đội, du kích, cũng như dân nghèo xung quanh cơm gạo, tiền bạc, thuốc men, quần áo, thậm chí có lần tôi đang giảng giáo lý sắp làm lễ, nghe tin binh lính chế độ cũ đi hành quân vô Gò lũy Giồng cát. Lúc đó tôi đang cho một số anh em bộ đội du kích trú ẩn trong nhà xứ, tôi vội vàng cho anh em ra ngồi giữa lòng nhà thờ, và để người công giáo ngồi chung quanh và tôi giảng tiếp. Một người sĩ quan hỏi thử một người ngồi vòng ngoài đọc kinh kính mừng, thấy đọc thông, biết toàn là dân công giáo, ông bèn xin lỗi tôi và bỏ đi ra. Những trường hợp như vậy, tôi đâu có phải xin phép ai. Nghe nói vậy, anh em cười xòa và thông qua chương trình nhẹ nhàng.
KẾT LUẬN

“Nhân vô thập toàn”,

Đôi dòng tri ân. Khi tôi đọc bài viết về những “Chân dung linh mục của các địa phận trong năm thánh linh mục này, đã đăng trên mạng, tôi hỏi các cha Mỹ tho, mình đã có những vị nào được viết, được biết đến. Đã có cha viết về về cha Antôn Pezeu, người Pháp, cha sở Cai Lậy (Tiền Giang) về cha Batôlômêô Nguyễn Văn Thật, cha sở Trà Lư (Đồng Tháp) chưa có vị nào viết về Đức Cha Anrê ; thế nên được quí cha khuyến khích, tôi mạnh dạn viết về Đức Cha Anrê. Phần vì tôi được làm việc bên cạnh Ngài khá lâu, và kế tiếp Ngài ở những Giáo xứ nghèo Ngài đã coi sóc. Tôi viết những cảm nghĩ trên đây xin gởi đến quý vị trong và ngoài địa phận, như chỉ là một cử chỉ đền ơn một vị Mục Tủ nhân hậu suốt đời tận tụy cho công việc tông đồ truyền giáo, hết lòng với giáo phận và hiến dâng tất cả con người của mình cho anh em đồng bào lương cũng như giáo. Tôi ý thức rõ rằng : nhân vô thập toàn, nói về những điểm tích cực của mỗi người cũng dễ, nhưng bên cạnh đó cũng còn những điểm tiêu cực mà ai chẳng có. Vậy đang khi chúng ta trân trọng, quí giá những đức tính, tư cách của Đức Cha Anrê, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện cho người Cha mến yêu của chúng ta sớm được Chúa thưởng công nghiệp trong Nước Trời.

Xin Đức Cha cầu nguyện cho chúng con.

Mỹ Tho, tháng 3 năm 2010

Lm Antôn Vũ Sĩ Hoằng