Đức cha Anrê Nguyễn Văn Nam
Giám mục Chánh tòa Giáo phận Mỹ Tho
-
Sinh
ngày 24.02.1922
-
Tại
Thị Nghè, Sài Gòn.
-
Học
Tiểu Chủng viện Sài Gòn.
-
Học
Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
-
Thụ
phong Linh mục ngày 29.03.1952
- Linh mục giáo phận Sài Gòn
- Linh mục giáo phận Sài Gòn
-
Năm 1952 - 1953 : Phó sở Thủ Đức
-
Năm
1953 - 1954: Phó sở An Đức
-
Năm
1954 - 1972: Chánh sở Bình Trưng, Đông Hòa, Giồng Cát (Mỹ Tho).
-
Năm 1972 - 1975: Chánh sở Lương Hòa Hạ
-
Giám
mục phó ngày 10.06.1975. Với khẩu hiệu : “Được chia sẻ những đau khổ của Đức
Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu” (1Pr 4,13)
-
Giám
mục Chánh tòa Mỹ Tho ngày 24.02.1989 đến ngày 15.04.1999.
-
Năm
1999 nghỉ hưu tại Nhà Chung Mỹ Tho.
-
Qua
Đời: Ngày 16.0.2006.
-
Mai táng tại khuôn viên Nhà chung, Mỹ Tho.
I. MỘT MẪU
NGƯỜI ĐƠN SƠ, HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM TỐN
“Hãy học với
Ta, vì Ta hiền lành và khiêm tốn trong lòng”. Bài học quan trọng Đức Kitô đã
dạy cho dân chúng khi đi theo Ngài và khắc ghi vào tâm hồn các môn đệ của Ngài
như là nền tảng của những đức tính của người tông đồ, để thành công trong mục
vụ và để thu lượm kết quả việc rao báo Tin Mừng. Đức Cha Anrê đã thấm nhuần
chân lý này và thực hiện trong cả cuộc đời, nên được dân chúng đặt cho một tên
gọi rất thân thương gần gũi : là “ông lão nhà quê”, luôn luôn mang một áo dòng
đen đã bạc màu, đầu đội nón cyclô trắng, đón xe đò đi trên các nẻo đường 3 tỉnh
Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp, khi đi làm mục vụ của vị chủ chăn, từ sau khi
giải phóng cho đến thời mở cửa (1986).
Được Đức Cha
Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục chánh tòa Mỹ Tho, chọn và đặt làm Giám mục phó
và chính Ngài tấn phong cho Đức Cha Anrê trong hoàn cảnh hết sức âm thầm, đơn
giản, chỉ có vài ba cha tham dự tại Tòa Giám Mục Mỹ Tho ngày 10/06/1975.
Chính Đức Cha
Giuse sau đó đã cho các cha Mỹ Tho biết : Lý do Ngài chọn Đức Cha Anrê vì Ngài
đơn sơ hiền lành, ốm còm, như một ông lão nhà quê, đi đâu cũng dễ, lọt vào ngóc
ngách nào cũng vừa, gặp ai cũng được. Đúng như lời nhận xét của Đức Cha Giuse,
Đức Cha Anrê rơi vào môi trường nào cũng được đón tiếp nồng hậu vì như Chúa
Giêsu đã nói “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất nước này làm gia
nghiệp”.
II. GIÁM
MỤC THỨ HAI CỦA GIÁO PHẬN MỸ THO
“Viên đá thợ
xây đã bị loại bỏ, lại trở nên tảng đá góc tường”.
Ngay sau ngày
phong chức Giám mục cho Đức Cha Anrê, Cha Bề Trên dòng Mến Thánh Giá Tân An,
cũng là cha sở giáo xứ Tân An, Antôn Lê Quang Thạnh, đã công bố tại nhà thờ Thị
Xã Tân An vào sáng lễ Chúa Nhật, “Đức Cha Anrê, Viên đá thợ xây đã bị loại bỏ…
được tấn phong làm Giám mục Phó Giáo phận Mỹ Tho. Cha Antôn trước kia là cha
giáo sư tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Sài Gòn, biết rất rõ về Đức Cha
Anrê. Khi ngài vô Tiểu Chủng Viện, chỉ được 1, 2 năm, rồi bị bệnh, và học lực
cũng không khá, nên chủng viện khuyên cho về chữa bệnh, vì Ngài có những đức
tính tốt, và kiên trì bền vững theo đuổi ơn gọi, nên cha sở Thị Nghè lúc đó,
xin chủng viện cho Ngài tiếp tục ơn gọi. Ban giám đốc đã chấp thuận cho Ngài tu
lại. Vì quyết tâm và có ơn Chúa Ngài đã qua các lớp Tiểu Chủng Viện và Đại
Chủng Viện và được thụ phong Linh mục ngày 29/03/1952.
III. ĐƯỜNG
LỐI MỤC VỤ
1. Chịu
Đau Khổ
“Ai muốn theo
Ta hãy bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày để theo Ta”. Đức Cha Anrê đã sống vất vả,
cơ cực suốt cả đời để thực hiện câu châm ngôn Ngài đã chọn : “Được chia sẻ
những đau khổ với Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu” (1Pr
4,13). Trải qua các giáo xứ Ngài coi sóc : Bình Trưng, Đông Hòa, Giồng Cát
(Tiền Giang), Lương Hòa Thượng (Long An), đâu đâu giáo dân cũng kể về những khó
khăn, thiếu thốn mà Ngài đã tự nguyện lãnh nhận, bởi vì có đồng bạc, tài sản
nào Ngài đều cho hết, cả người công giáo cũng như lương dân, sống khắc khổ, ăn
mặc đơn giản, ăn uống đơn sơ, nơi ở nghèo khó giữa những người nghèo khổ bất
hạnh. Tuy là Giám Mục của một giáo phận, nhiều lần Ngài tâm sự : Ngài “sợ” các
cha vì có nhiều vị yêu cầu điều này điều khác, mà Ngài không đáp ứng được, nên
rất buồn và đau khổ. Ngài âu lo và khốn khó khi gặp những chuyện tiêu cực, rắc
rối xảy ra trong giáo phận, bất lực không giải quyết được, chỉ biết cầu nguyện,
cậy trông vào Chúa lãnh đạo giáo phận thay cho Ngài.
2. Tâm Hồn
Trẻ Thơ
“Hãy để trẻ
thơ đến với Ta, vì nước trời là của chúng”. Đức cha rất thương, mến và vui chơi
với trẻ em, thích nói chuyện và kể chuyện các thánh, dạy giáo lý cho trẻ, vì
Ngài nói trẻ có tâm hồn đơn sơ không phức tạp rắc rối như người lớn.
Các em cũng
rất thích và mến Ngài. Tại Đông Hòa, Giồng Cát, các em thường ôm hôn Ngài, có
khi nhảy lên giường nằm ngủ tỉnh khô. Ngài thường dạy cho trẻ em cầu nguyện và
cùng phủ phục trước Mình Thánh Chúa.
Ngài đặc biệt
tôn kính Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và mong muốn cho mọi người nên thánh
theo con đường thơ ấu của Thánh nữ. Ngài luôn có nụ cười trẻ thơ và tâm hồn
ngay lành trong trắng của bé thơ.
3. Chú
Trọng Truyền Giáo
Tinh thần
truyền giáo chiếm hết cả con tim của Ngài trong suốt thời gian 24 năm làm Giám
Mục. Từ năm 1975 là Giám mục phó và từ 24/02/1989 khi làm Giám mục Chánh Tòa.
Ngài luôn luôn nại vào cớ truyền giáo để giải quyết các vấn đề. Bản thân tôi
được các Đức Giám Mục giáo phận trao cho công tác đặc trách ơn gọi giáo phận,
nhiều lần tôi xin Ngài cho các cha trẻ, có trình độ đi du học để có nhân sự giúp
ích giáo phận trong tương lai, Ngài trả lời vì giáo phận còn nhiều giáo xứ,
giáo họ cần có linh mục coi sóc, lo phần hồn cho giáo dân, nên hãy chờ đợi khi
nào có đông linh mục sẽ tính.
Dồn hết tâm
lực vào việc mở lại các điểm truyền giáo và tìm người trở lại, nên giáo phận có
ngân khoản nào là Ngài đầu tư vào việc truyền giáo hết. Khi các cha mời đi mở
giáo điểm truyền giáo, xây dựng một giáo họ mới, mời đi ban phép Rửa Tội, Thêm
Sức, dù xa xôi vất vả, đường đi cách trở, lội nước, băng đồng, chui qua lạch
ruộng, Ngài rất hăng hái, phấn khởi, ở lại lâu ngày, say mê giảng dạy, có khi
giảng quên cả ăn uống, Ngài vẫn lặp lại Lời Chúa “Lúa chín đầy đồng, thợ gặt
lại ít”. Ngài bảo phải vâng lệnh Chúa “Các con phải đi khắp thế gian loan báo
Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Ngài thích thú cắt nghĩa về việc làm cho người ta
biết Chúa, và được lợi các linh hồn khi nhắc lại lời Thánh Don Bosco “Xin hãy
cho tôi các linh hồn”.
Một nét rõ
nhất trong đời Ngài, và đặc biệt nổi bật giữa hàng Giám mục là phong chức chui.
Cũng vì mê say truyền giáo, tìm cách có nhiều Linh mục để công bố Tin Mừng Cứu
Độ của Chúa Kitô đến muôn dân, trong những năm khó khăn, Ngài đã phong chức
Linh mục “chui” cho hàng chục anh em trong Giáo Phận. Khi được chính quyền địa
phương mời ra làm việc sau sự kiện, Ngài luôn với áo dòng đen bạc màu, tay cầm
tràng chuỗi, một thân một mình ngồi trước nhiều cán bộ. Hỏi tại sao cụ phong
chức mà không xin phép. Ngài trả lời : “Nhiều lần tôi đã làm đơn xin phép,
nhưng được trả lời : để cứu xét, đợi lâu, giáo dân, nhất là những cụ già, đến
khóc lóc xin có linh mục, tôi cầm lòng chẳng đặng, nên vì thương họ tôi phong
chức âm thầm. Vì nghĩ rằng hồi trước giải phóng khi ở Giồng Cát, Bình Trưng
(Tiền Giang) vùng chiến tranh, tôi luôn giúp người nghèo (có cả anh em cách
mạng) cơm gạo, quần áo, thuốc men những lúc cần kíp, tôi cũng không phải xin
phép. Cán bộ nhà nước cũng vui vẻ huề cả làng, dặn dò lần sau cụ đừng làm thế
nữa.
Về điểm này,
Đức Cha Anrê đi đầu trong việc phong chức chui. Ngài đã giúp cho nhiều nhà dòng
có nhân sự Linh mục làm việc trong những lúc thiếu hụt linh mục trầm trọng.
Ngày
16-20/03/2006 dịp Ngài qua đời. Tôi gặp được nhiều phái đoàn các dòng đến kính
cẩn viếng Ngài và kể lể tâm sự với lòng tri ân sâu xa việc Ngài đã làm cho dòng
mình.
IV. CON
NGƯỜI VỚI NHÂN CÁCH ĐÁNG TRÂN TRỌNG
1. Con
người của cầu nguyện
Ngài luôn
luôn có xâu chuỗi trên tay, tìm Ngài chỉ vô trong nhà nguyện là thấy ngay. Cầu
nguyện là hơi thở, gặp ai Ngài cũng khuyên siêng năng cầu nguyện, thậm chí khi
gặp những người nhà quê hoặc trẻ em, Ngài dẫn ra nhà nguyện để tập cầu nguyện
và cùng cầu nguyện với Ngài.
Ngài sống
theo lời Chúa dạy “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,35) và dạy mọi
người “hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể
xác lại yếu đuối” (Mc 14,38)
Khi các cha
đến gặp Ngài trình bày những khó khăn về nhiều phương diện khi phải coi sóc
giáo xứ, Ngài chỉ khuyên cầu nguyện, và Ngài hứa chỉ có thể giúp các cha bằng lời
cầu nguyện và khuyên các cha cầu nguyện liên lỉ, bền lòng, như câu truyện người
đàn bà xin ông quan xét xử, lúc đầu ông không làm, nhưng cuối cùng cũng làm vì
bị quấy rầy. Rất nhiều lần Đức Cha Phaolô đương kim Giám mục của Giáo phận Mỹ
Tho, khi nói về Ngài lúc đã nghĩ hưu. Đức cha luôn xác quyết, nhờ Đức Cha Anrê
cầu nguyện liên lỉ cho giáo phận, cho công việc lãnh đạo giáo phận của Ngài.
Đức Cha Anrê là hỗ trợ tinh thần thiêng liêng của Giáo phận.
2. Sống
Khó Nghèo
Áo mặc rất
đơn giản, luôn luôn với tấm áo dòng đen, không bao giờ thấy Ngài mặc đồ
“civil”.
Về ăn uống
rất giản dị, có một cha đã kể tôi nghe. Khi Ngài đến ban bí tích Thêm Sức, vì
xe trễ, sau bữa ăn rồi, Ngài lấy ra trong bọc nửa đòn bánh tét, nhờ người ta
dọn ra ăn tự nhiên, Ngài nói trên đường đến giáo xứ, thấy đứa bé tội nghiệp, đã
cho nó một nửa. Các cha kể cho nhau khi dịp đón Ngài, rất khỏe, vì không phải
lo việc ăn uống. Đối với Ngài, việc ăn uống không quan trọng, chỉ là nhu cầu
bất đắc dĩ, có lần Ngài nói : “người ta ai cũng phải chết, nên ăn để chậm
chết”. Ngài thường khuyên các cha đừng uống rượu, bia. Có đấng nại lấy cớ để
giao tế dễ dàng, nên dùng chút bia bọt, Ngài nói : “vô đức bất thành lễ, đa tửu
bất thành nhân”.
Việc chỗ ở
nghỉ ngơi càng đơn giản, lúc Ngài đã làm giám mục. Ngài thường về dâng lễ tại
Giồng Cát (khi không phải đi làm mục vụ Thêm Sức) và ở đây sống rất đạm bạc,
nằm giường gỗ cứng, không đệm, không tiện nghi, lại rất thích, vì có trẻ con
quê mùa, ăn mặc lôi thôi vây quanh, nhộn nhịp vui vẻ…
3. Đơn
Sơ
Như trên đã
đề cập, Đức Cha Anrê sống đơn sơ, phó thác mọi sự trong tay Chúa, có tâm hồn
chất phác, thật thà như trẻ thơ.
a. Tin vào
Chúa quan phòng và có tâm hồn phó thác
Bất cứ chuyện
gì quan trọng, khó khăn, phức tạp tưởng như khó có thể thực hiện, Ngài luôn
khuyên nhủ : hãy phó thác và cậy trộng vào Chúa. Năm 1994 tôi xin Ngài xúc tiến
phục hồi họ đạo Thuộc Nhiêu, có nhà thờ từ hồi năm 1945, trên thuở đất rộng
8000 m2. Trong thời chiến tranh nhà thờ đổ nát, dân chúng tản lạc
khắp nơi. Sau năm 1975 người ta chiếm đất nhà thờ canh tác. Được ân nhân giúp
đỡ, năm 1994, Ngài và Đức Giám mục phó Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, cho tiền
đủ để mua lại được 1250 m2 đất. Có đất rồi, xin phục hồi nhà
thờ, gian nan vất vả, khó khăn, suốt 10 năm kiên trì, năm 2004 nhà nước cho
phục hồi họ đạo Thuôc Nhiêu, và ngày 10 tháng 12 năm 2006 Đức Cha Phaolô đã về
làm phép nhà thờ mới. Tạ ơn Thiên Chúa và Tri ân các Đức Cha.
b. Không
hình thức
Đức Cha
Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, nguyên Giám Mục giáo phận Xuân Lộc, nguyên chủ
tịch HĐGMVN kể cho tôi những mẩu truyện sau đây : Khi các Đức Giám mục Việt Nam
đi Ad Limina lần đầu tiên sau ngày HĐGMVN Bắc Nam thống nhất (năm 1990) Ngài
nói rằng: Đức cha Anrê rất đơn sơ, khi sang tận Roma, kinh đô Giáo hội toàn
cầu, mà Ngài vẫn bận đồ rất đơn giản, mặc áo giám mục mà không đeo col trắng,
được đức cha nhắc nhở ngày hôm sau Ngài đeo 2 col cho chắc ăn. Ngài chậm trễ
nên Đức Cha Phaolô Nhật phải nhờ 2 Đức Cha kèm để gọi Ngài đi cho kịp, khi đi
gặp các thánh bộ. Khi đi họp HĐGMVN, Ngài trễ giờ chung, có lần tới giờ cơm,
thấy vắng, có Đức Cha phải lên nhà thờ tìm, Ngài đang lần hạt, cầu nguyện.
Không hình
thức, sang hèn, thế nên về cuối đời nhiều lần Ngài đã nói với tôi : tôi sợ ngỏ
lời với Đức Cha Phaolô, xin cha nói dùm : khi tôi chết cho tôi được chôn cất
tại giáo xứ Giồng Cát, nằm giữa con cái thân yêu, quê mùa và nghèo khó, tôi
muốn được chết nghèo, như đã sống nghèo. Tôi thưa với Ngài : con vâng lời Đức
Cha, sẽ trình Đức Cha Phaolô, nhưng con tin chắc, vì địa phận, chắc chắn Đức
Cha và các cha Mỹ tho không bao giờ làm theo ý muốn của Đức Cha được. Tuy vậy,
Ngài vẫn bảo bổn đạo Giồng Cát, làm đơn lên Tòa Giám Mục đề đạt ý nguyện của
Ngài. Tôi cũng được cha Phêrô Phát (cha sở Bến Siêu) cho biết. Ngài thường trăn
trối : khi Ngài chết, hãy để vào chiếu quấn lại, rồi lấy tre nẹp lại rồi đem
vào nơi vắng vẻ và chôn ở đó… hoặc đem ra cồn mà chôn.
c. Đời
sống không màng tưởng tới tiền bạc
Ai cho gì
Ngài vui vẻ đón nhận, rồi lại quảng đại cho người khác hết. Có cha kể tôi nghe,
khi làm nhà thờ, thiếu hụt, chạy đến xin Ngài cho tiền, chưa giải quyết ngay,
Ngài lật sách Kinh Thánh về đoạn: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa
làm tôi tiền của được, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu của kia, hoặc sẽ gắn bó
với chủ này, mà khinh dể chủ nọ” (Lc 16,13). Cắt nghĩa cho nghe đã rồi, dặn dò
đủ điều về việc phải biết sử dụng tiền bạc. Cuối cùng cũng vô ngăn kéo, vét hết
tiền bạc, cả bạc cắc cho cha về xây dựng nhà thờ. Có chuyện khác chính Ngài kể
tôi nghe, Ngài bị lừa, một bà kia ăn mặc sang trọng, gặp Ngài xin xưng tội và
xin chúc lành cho bà trước khi đi nước ngoài đoàn tụ với con cái bằng an, nói
chuyện hồi lâu, bà đưa tặng Ngài 5 cây vàng, để giúp địa phận. Cha con mừng
quýnh. Trước khi từ giã Ngài ra về để lên đường, bà xin Ngài giúp cho 1 triệu đồng
để đi về và thuê taxi ra phi trường. Không nghi ngờ gì, rất tin tưởng, Ngài cho
ngay. Sau đó, Ngài đưa vàng cho cha quản lý, cha đem tiệm thử : là vàng giả. Vì
Ngài quá tin tưởng người ta và chẳng quan tâm gì đến tiền bạc lại sẵn có
lòng thương người, nên rất nhiều lần Ngài bị lừa, bị lấy cắp, bị gạt. Ngay cả
với những con cái, người giúp việc, người có đạo cũng như người ngoại.
d. Cụ Giám
mục thật thà, chất phác
Suốt 24 năm
Giám mục, rất nhiều lần Đức cha Anrê phải gặp, tiếp xúc, trao đổi với nhà nước
về những vấn đề của Giáo phận, được việc như yêu cầu cũng có, bị từ chối luôn
cũng nhiều, hay lắm khi phải chờ đợi lâu, Đức Cha vẫn vui vẻ, luôn bảo chúng
tôi phải kiên trì cậy trông vào Chúa. Chúa có thể làm đựơc mọi sự “không có
việc gì mà Chúa không làm được”. Do đó, tôi nghe nhiều cấp chính quyền địa
phương, tỉnh, huyện, ban ngành khi nói về Đức Cha Nam . Người ta nói một câu
đầy ấn tượng, “cụ Giám mục của các ông rất thật thà, chất phác…”.
Quả vậy,
trong thánh lễ an táng của Ngài 20/03/2006 tại khuôn viên Tòa Giám Mục Mỹ Tho,
có nhiều Giám Mục, đông đảo các linh mục, tu sĩ và rất nhiều giáo dân, có các
cấp chính quyền nhà nước tham dự. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn,
Tổng Giám Mục Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, đã nói : “Đối với Đức Cha Anrê,
Ngài luôn làm vừa lòng mọi người – cả đạo lẫn đời”.
Đức Hồng Y kể
câu truyện hồi năm 1997 khi nhà nước tỉnh Tiền Giang mời Đức Cha Anrê và Ngài
(Giám mục phó Mỹ Tho) ra trao đổi về việc xin phép lập chương trình tổ chức Năm
Thánh 2000. Với những điểm phức tạp, Đức Cha Anrê nói : Hồi trước khi tôi ở
Giồng Cát và Đông Hòa, bao nhiêu lần tôi giúp đỡ cho anh em bộ đội, du kích,
cũng như dân nghèo xung quanh cơm gạo, tiền bạc, thuốc men, quần áo, thậm chí
có lần tôi đang giảng giáo lý sắp làm lễ, nghe tin binh lính chế độ cũ đi hành
quân vô Gò lũy Giồng cát. Lúc đó tôi đang cho một số anh em bộ đội du kích trú
ẩn trong nhà xứ, tôi vội vàng cho anh em ra ngồi giữa lòng nhà thờ, và để người
công giáo ngồi chung quanh và tôi giảng tiếp. Một người sĩ quan hỏi thử một
người ngồi vòng ngoài đọc kinh kính mừng, thấy đọc thông, biết toàn là dân công
giáo, ông bèn xin lỗi tôi và bỏ đi ra. Những trường hợp như vậy, tôi đâu có
phải xin phép ai. Nghe nói vậy, anh em cười xòa và thông qua chương trình nhẹ
nhàng.
KẾT LUẬN
“Nhân vô thập
toàn”,
Đôi dòng tri
ân. Khi tôi đọc bài viết về những “Chân dung linh mục của các địa phận trong
năm thánh linh mục này, đã đăng trên mạng, tôi hỏi các cha Mỹ tho, mình đã có
những vị nào được viết, được biết đến. Đã có cha viết về về cha Antôn Pezeu,
người Pháp, cha sở Cai Lậy (Tiền Giang) về cha Batôlômêô Nguyễn Văn Thật, cha
sở Trà Lư (Đồng Tháp) chưa có vị nào viết về Đức Cha Anrê ; thế nên được quí
cha khuyến khích, tôi mạnh dạn viết về Đức Cha Anrê. Phần vì tôi được làm việc
bên cạnh Ngài khá lâu, và kế tiếp Ngài ở những Giáo xứ nghèo Ngài đã coi sóc.
Tôi viết những cảm nghĩ trên đây xin gởi đến quý vị trong và ngoài địa phận,
như chỉ là một cử chỉ đền ơn một vị Mục Tủ nhân hậu suốt đời tận tụy cho công
việc tông đồ truyền giáo, hết lòng với giáo phận và hiến dâng tất cả con người
của mình cho anh em đồng bào lương cũng như giáo. Tôi ý thức rõ rằng : nhân vô
thập toàn, nói về những điểm tích cực của mỗi người cũng dễ, nhưng bên cạnh đó
cũng còn những điểm tiêu cực mà ai chẳng có. Vậy đang khi chúng ta trân trọng,
quí giá những đức tính, tư cách của Đức Cha Anrê, chúng ta cũng đừng quên cầu
nguyện cho người Cha mến yêu của chúng ta sớm được Chúa thưởng công nghiệp
trong Nước Trời.
Xin Đức Cha
cầu nguyện cho chúng con.
Mỹ Tho, tháng 3
năm 2010
Lm
Antôn Vũ Sĩ Hoằng
Xin hỏi Đức Cha André có liên hệ gì với Búng mà được kể như linh mục gốc Búng?
Trả lờiXóaSong thân của Đức cha Andrê quê gốc ở Bình Sơn (Búng), về sau mới về Thị Nghè lập nghiệp. Hiện nay, phần mộ của song thân ngài an táng tại Đất thánh họ đạo Búng.
Xóa