ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Mối quan hệ của học giả Trương Vĩnh Ký với triều đình Huế và Tổng trú sứ Paul Bert

 MỐI QUAN HỆ CỦA HỌC GIẢ TRƯƠNG VĨNH KÝ

VỚI TRIỀU ĐÌNH HUẾ VÀ TỔNG TRÚ SỨ PAUL BERT

Trương Vĩnh Ký là một trong những học giả tiên phong và kiệt xuất của nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ vào thời kỳ đầu Pháp thuộc, cách nay hơn 150 năm. Năm 1869, ông là người Việt Nam đầu tiên lãnh trách nhiệm quản lý tờ báo Việt ngữ đầu tiên trong lịch sử báo chí của nước ta, tờ Gia Định Báo. Trong sự nghiệp học thuật của mình, ông đã biên soạn hơn 100 tác phẩm, chủ yếu bằng Việt ngữ, với nhiều thể loại khác nhau, là một di sản quý báu đến nay vẫn còn giá trị.

Bài viết này xuất hiện trên Facebook cách đây đúng 5 năm, khi ấy số bạn bè trên trang này chưa nhiều, mặt khác trong mấy năm gần đây, các vấn đề liên quan đến học giả Trương Vĩnh Ký vẫn còn được tiếp tục trao đổi, thảo luận, tranh luận sôi nổi trên sách báo, trên mạng xã hội. Nhận thấy câu chuyện vẫn chưa mất thời gian tính, xin giới thiệu lại với các bạn bài viết khá dài nhắm vào 3 chi tiết chính:

- Thực chất chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi 1876 của Trương Vĩnh Ký là gì?

- Mối quan hệ giữa Trương Vĩnh Ký với vua Đồng Khánh và triều đình Huế

- Mối quan hệ giữa Trương Vĩnh Ký và Paul Bert, Tổng trú sứ Trung và Bắc Kỳ, vào thập niên 1880

Trân trọng

I) TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ CHUYẾN ĐI BẮC KỲ NĂM ẤT HỢI 1876

Nói đến khả năng về ngoại ngữ của Trương Vĩnh Ký, có thể viện dẫn sau đây mấy dòng hồi ký của một du khách người Anh là J. Thomson, trong tác phẩm nhan đề “10 năm du hành ở Trung Quốc và Đông Dương”, được trích dẫn trong tác phẩm “Un savant et un patriote cochinchinois – Petrus J.B. Trương-Vĩnh-Ký (1837-1898)” của Jean Bouchot – Editions Nguyễn Văn Của- Saigon-1927:

“Vốn là một giáo dân Nam kỳ và là giáo sư dạy tiếng mẹ đẻ của ông tại Trường Thông ngôn Sài Gòn, ông Petrousky (Petrus Ký-LN) là một ngoại lệ đáng lưu ý trong số những người bản xứ mà tôi vừa giới thiệu cùng bạn đọc. Ông từng theo học tại trường dòng Penang và tôi không bao giờ quên nỗi kinh ngạc khi được giới thiệu với ông. Ông nói chuyện với tôi bằng một thứ tiếng Anh rất vững, với một cách nhấn nhẹ nhàng của người Pháp, còn với tiếng Pháp, ông diễn tả không kém phần trong sáng và lịch sự. Tiếng Y Pha Nho, Bồ Đào Nha, Ý, ông cũng quen thuộc như những ngôn ngữ phương Đông; chính nhờ sự hiểu biết đặc biệt này mà ông đang nắm giữ một địa vị cao. Một ngày nọ đến thăm ông, tôi nhìn thấy ông đang viết quyển Phân tích, đối chiếu các thứ tiếng chủ yếu trên thế giới, tác phẩm mà ông đã phải bỏ ra 10 năm lao động miệt mài…” (J. Bouchot, sđd, trang 43)

Nhờ sự uyên bác ấy mà vào năm 1863, Trương Vĩnh Ký được tháp tùng phái bộ Phan Thanh Giản trong chuyến đi sứ sang Pháp (*) và quen biết với nhiều nhân vật nổi tiếng tại châu Âu lúc bấy giờ như Victor Hugo, Ernest Renan, Littré, Paul Bert…

Trong những thập niên 1860-1870, ngoài tư cách là người phụ trách tờ Gia Định Báo (từ 16.9.1869), Trương Vĩnh Ký còn giữ nhiều trách vụ khác như: thông ngôn của Soái phủ Nam kỳ, giáo sư trường thông ngôn (Collège des Interprètes), giáo sư trường Tham biện hậu bổ (Collège des Stagiaires), được Pháp phong ngạch trật Huyện hạng nhất vào năm 1872.

Trong thời gian cộng tác với Pháp, Trương Vĩnh Ký đã thực hiện hai cuộc Bắc hành (theo nghĩa đi về phía Bắc Sài Gòn), vào những năm 1876 và 1886. Chuyến thứ nhất được kể lại trong tập hồi ký bằng tiếng Việt, bìa in ba thứ tiếng: Pháp (Voyage au Tonkin en 1876), Việt (Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) và Hoa. Chuyến thứ hai đánh dấu bằng nhiều thư từ trao đổi giữa Trương Vĩnh Ký và một nhân vật quan trọng bậc nhất của Pháp tại Việt Nam lúc bấy giờ là Tổng Trú sứ Paul Bert.

Vấn đề đặt ra cho những người tìm hiểu các chuyến đi quan trọng này của nhà học giả là mục tiêu chính của chúng ra sao? Tại trang đầu tiên của tác phẩm Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi, người ta đọc thấy: ”Năm Ất Hợi, bãi trường tham biện vừa xong, vùng tính đi ra Bắc chơi một chuyến cho biết. Trong bụng muốn cũng đã lâu; nên xin với quan trên (đây ám chỉ thực dân Pháp-LN), nhơn diệp (sic) chiếc tàu Duchaffaud đi mà đi. Về sấm (sic) hòm rương áo quần. Rủ thầy ba Hớn với ông sáu Thìn, nguyên một người ở tỉnh Bắc Ninh, một người ở Sơn Tây mà vào trong Nam kỳ đã lâu, đi theo trước là cho có bạn, sau nữa là cho họ về thăm quê quán….”

Như vậy theo tinh thần đoạn mở đầu, Trương Vĩnh Ký thực hiện chuyến Bắc hành lần thứ nhất nhằm “chơi một chuyến cho biết”, nói chung là một chuyến du hành “phi chính trị”. Đến miền Bắc, ông đi nhiều nơi, từ Hà Nội, Hải Phòng đến Hải Dương, Thanh Hóa…Ở đâu, ông cũng được tiếp đón một cách trọng thị. Các công sứ Pháp và các đại thần như Tổng đốc Hà Nội Trần Đình Túc, Tổng đốc Hải Dương Phạm Phú Thứ, Tuần phủ Nguyễn Tăng Doãn …đã dành cho ông những cuộc hội kiến thú vị.

Tuy nhiên, qua những gì diễn ra trong và sau chuyến đi, nhiều người tin rằng đó không phải là một chuyến du hành suông. Pétrus Ký được hưởng lương trong suốt thời gian 3 tháng du hành và khi về, ông đã lập một báo cáo chi tiết dài 8 trang đề ngày 28.4.1876 gửi Thống Đốc Nam kỳ Duperré (về Pháp từ tháng 2 đến tháng 7.1876) thông qua viên Tham mưu trưởng Regnault de Premesnil.

Báo cáo của học giả họ Trương mở đầu bằng câu: “Tôi hân hạnh gửi đến ông bản báo cáo mà ông đã yêu cầu ở tôi về tình hình chính trị Bắc kỳ, nơi tôi vừa đến thăm..” (Jean Bouchot-Sđd-trang 34). Sau đó, Trương Vĩnh Ký trình bày một cách thật chi tiết hành trình của ông trong ba tháng ở miền Bắc, những nơi ông đã đến, những người ông đã gặp, trong đó có đoạn viết:”Các quan lại thường hỏi tôi xem nước Pháp có ý định xâm chiếm xứ sở này không. Tôi đã trả lời rằng không và tôi đã dựa điều tôi nói vào thỏa ước hòa bình và thương mại, vào những lợi ích mà họ (người Pháp-LN) đảm bảo cho An Nam….” (Jean Bouchot-Sđd – trang 39).

Nhiều chi tiết khác nữa cho thấy báo cáo ngày 28.4.1876 không phải là câu chuyện kể của một du khách độc lập, mà là bản tường trình của một viên chức chính quyền cho cấp trên về một số vấn đề chính trị. Điều này được chính Jean Bouchot thừa nhận trong tác phẩm dẫn trên, nhất là khi ông liệt kê những gì liên quan đến một Trương Vĩnh Ký có mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước thuộc địa: năm 1872 được phong Huyện hạng nhất với mức lương 2.400 franc/năm, phụ trách các lớp dạy ngôn ngữ Đông phương với mức lương 9.000 franc, được bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban tối cao giáo dục….

II) TRƯƠNG VĨNH KÝ VỚI PAUL BERT VÀ TRIỀU ĐÌNH HUẾ

Chuyến Bắc hành lần thứ hai của Trương Vĩnh Ký có liên quan đến một nhân vật cao cấp của chính quyền thực dân mà ông đã gặp trong chuyến tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản năm 1863. Đó là Paul Bert, người từng giữ chức vụ Bộ trưởng trong chính phủ Pháp.

Ngày 27.1.1886, Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh thành lập chế độ bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ, và bốn ngày sau, đề cử Paul Bert làm Tổng Trú sứ (Résident général) hai miền này. Nhân vật này sinh ngày 17.10 1838 tại Auxerre (Pháp), là nhà sinh vật học, môn sinh của nhà bác học Claude Bernard, đến năm 1868, đã thay chân Bernard tại Collège de France.

Vào thời đó, Paul Bert đã là tác giả các công trình nghiên cứu về ghép cơ thể loài vật, về thuốc mê…Sau năm 1870, trong lúc vẫn tiếp tục việc nghiên cứu khoa học, ông ta bước vào chính trường, làm đại biểu Quốc Hội năm 1872, Bộ trưởng giáo dục vào những năm 1881-1882 .

Paul Bert đến Sài Gòn vào tháng 2 năm 1886, và người Việt Nam đầu tiên mà ông ta nghĩ đến là Trương Vĩnh Ký. Hai bên trao đổi thư từ với nhau, sau đó Paul Bert đến thăm gia đình nhà học giả Việt Nam. Ngày 8.4.1886, ông ta trở ra miền Bắc, thực sự nhận nhiệm vụ Tổng Trú sứ Bắc và Trung kỳ.

Tuy khoảng thời gian ở Việt Nam thật ngắn ngủi, nhưng Paul Bert đã miệt mài làm việc, thực hiện được nhiều điều trong cương vị đầy khó khăn của mình. Ông ta thành lập các tòa công sứ (hay tòa trú sứ), một hệ thống tổ chức mới mẻ, giúp củng cố chế độ cai trị ở cấp tỉnh, thành.

Nhờ một hệ thống thuế quan khéo léo, ông ta du nhập vào Bắc kỳ nhiều sản phẩm từ chính quốc (Pháp) mà không làm rối loạn thói quen sử dụng hàng châu Á của người bản xứ. Các mỏ than, đường sắt, việc vận tải đường sông nhờ có Paul Bert mà trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Ông ta đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục, đích thân giám sát các kỳ thi…

Đối với triều đình Huế, Paul Bert áp dụng chế độ bảo hộ thực sự, để cho triều đình có một sự tự do rộng rải để hoạt động, từ chối việc đặt một viên đại diện chính phủ Pháp tại Viện Cơ mật. Ngày 10.6.1886, thể theo yêu cầu của ông ta, vua Đồng Khánh phải chia sẻ quyền hành cho một viên kinh lược tại Bắc kỳ. Người đầu tiên đảm trách chức vụ này là Nguyễn Hữu Độ. Để đảm bảo hơn nữa sự hữu hiệu trong chính sách của mình, Paul Bert muốn đặt hẳn một người Việt Nam thân tín với ông ta tại triều đình Huế. Người này sẽ theo sát mọi hoạt động của nhà vua, giúp đỡ nhà vua, theo cách mà chính quyền thực dân muốn. Tất nhiên là với Paul Bert, người này không ai khác hơn Trương Vĩnh Ký.

Cần xác định rõ là vào thời kỳ Paul Bert đến Việt Nam (đầu năm 1886), trong bộ máy cai trị của Pháp, có hai chức danh không thống thuộc nhau, cho dù không ngang nhau về mặt hệ cấp. Đó là chức danh Thống đốc Nam kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) và chức danh Tổng trú sứ Trung và Bắc kỳ, hay còn gọi là Toàn quyền Lưỡng kỳ (Résident général du Tonkin et de l’Annam). Viên Tổng trú sứ chịu trách nhiệm việc cai trị Trung và Bắc kỳ, còn viên Thống đốc chịu trách nhiệm riêng thuộc địa Nam kỳ.

Chỉ đến ngày 16.11.1887, sau khi Constans đến Việt Nam nhậm chức Toàn quyền Đông dương đầu tiên thì sự chỉ huy thống nhất ba miền Nam-Trung-Bắc mới thực sự nằm trong tay viên Toàn quyền. Chính vì thế, trong thời gian còn ở Sài Gòn, chờ ra Bắc nhậm chức Tổng Trú sứ Bắc và Trung kỳ (dưới đây gọi tắt là Tổng trú sứ), Paul Bert phải đạt được sự thỏa thuận của Soái phủ Nam kỳ trong việc tạm sử dụng Trương Vĩnh Ký cho kế hoạch mà ông ta đã vạch ra. Điều này gần như chỉ có tính hình thức, bởi vì quyền lợi của bọn thực dân thì ở đâu cũng vậy, miễn là có lợi cho họ.

Ngày 22.3.1886, Paul Bert gửi cho Trương Vĩnh Ký một lá thư nêu rõ hai việc:

- nhờ họ Trương lập danh sách những người có khả năng thông dịch tốt để sau này bố trí cạnh các tòa công sứ của ông ta;

- mời vợ con Trương Vĩnh Ký cùng đi với ông (và Paul Bert) ra Huế.

Năm ngày sau (27.3), họ Trương phúc đáp cho Paul Bert, nêu rõ việc đã lập xong danh sách thông ngôn và nêu lý do vợ con không thể tháp tùng ông được (Jean Bouchot-Pétrus J.B.Trương-Vỉnh-Ký (1837-1698) -trang 54-56). Trong thư, Trương Vĩnh Ký có viết câu:”…tôi sẵn lòng đi với ông cùng vài thân hữu đáng tin cậy, trong một sứ mạng tạm thời để rồi sau đó, âm thầm quay lại nghề Nho, như ông Cincinnatus đã quay lại với cái cày của ông ta vậy…” (Sđd-trang 56)

Những ngày đầu tháng 4 năm 1886, Paul Bert và Trương Vĩnh Ký đã có mặt ở Huế. Chính sử triều Nguyễn viết về sự kiện này như sau: ”Đại thần nước Đại Pháp là Bôn Be sang làm toàn quyền đại thần. Viện Cơ mật tâu nói: Tục các nước phương Đông, phương Tây, phần nhiều vụ lấy danh tiếng; cho nên các bậc sĩ phu học rộng, đi đến nước nào, phàm được dự tuyển vào địa vị thanh cao trọng yếu, thì lấy làm vẻ vang….Vua bèn chuẩn cho tôn toàn quyền đại thần Bôn Be làm Hàn lâm viện trực học sĩ, và ẩn sĩ trong Nam là Trương Vĩnh Ký (người Gia Định đi theo Toàn quyền đến) làm Hàn lâm viện thị giảng học sĩ…” (Đai Nam thực lục chính biên-tập XXXVII-NXB Khoa học Xã hội-Hà Nội-1977- trang 147-148).

Xét về mặt phẩm cấp, chức danh Trực học sĩ của Paul Bert cũng chỉ vào hàng chánh tam phẩm, trong khi theo qui định của thực dân Pháp, chỉ riêng viên Khâm sứ Huế (địa vị nhỏ hơn Tổng Trú sứ Bắc và Trung kỳ) đã xếp ngang Thượng thư, trật Chánh nhị phẩm rồi. Còn chức danh của Trương Vĩnh Ký cũng chỉ ở vào hàng tòng tứ phẩm.

Sau khi để Trương Vĩnh Ký ở lại Huế, Paul Bert ra Bắc và chính thức nhậm chức vào ngày 12.4.1886. Điều mà chúng ta cần tìm hiểu là nhà học giả họ Trương đã nhận những nhiệm vụ gì của Paul Bert trong thời gian ở Huế. Trước tiên có thể khẳng định rằng cho dù chỉ là một quan lại hạng trung, nhưng với tư cách một người thừa ủy nhiệm của Tổng trú sứ Pháp, Trương Vĩnh Ký được vua Đồng Khánh đối xử hậu hơn nhiều so với những bạn đồng liêu cùng cấp.

Trong thời gian ở Huế, vị học giả Việt vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với Paul Bert. Nội dung bức thư đề ngày 17.6.1886 của Trương Vĩnh Ký hé lộ đôi điều về những việc Paul Bert muốn ông thực hiện. Thư có đoạn viết:” Hiện nay tôi đã đỡ (bệnh) rồi, tôi ở lại đây; tôi sẽ nghiên cứu người và việc, làm thế nào để khi nhà vua trở về, chúng ta có thể bước vào giai đoạn tổ chức và thực hiện những chuyển đổi cần thiết, với một nhân sự xứng tầm với nhiệm vụ. Tôi sẽ loại bỏ tất cả những kẻ được sủng ái và sẽ giúp nhà vua sắp xếp Viện Cơ mật với những người thực sự có năng lực….

“Tái bút: Nhà vua đã đi sáng nay. Các ông Touté và Halais đến trễ vài giờ, sẽ cùng với ông Pène đi gặp nhà vua vào tối nay, lúc trăng lên….” (Jean Bouchot-Sđd-trang 61-62).

Rõ ràng là một trong những việc quan trọng mà Paul Bert muốn Trương Vĩnh Ký giúp ông ta thực hiện là cải tổ sâu rộng thành phần nhân sự của triều đình Huế. Việc này thành hay bại và ảnh hưởng ra sao, sẽ đề cập đến ở phần cuối bài này. Tuy nhiên, qua nội dung bức thư, có thể thấy là vua Đồng Khánh đã rời kinh đô đi Quảng Bình ngày 17.6.1886, đúng vào ngày 16 tháng 5 âm lịch như bộ Quốc triều chánh biên đã ghi (Sđd-trang 422) để kêu gọi vua Hàm Nghi quay về và các tổ chức nghĩa quân giải thể.

Điều cũng khá rõ là trong lúc nhà vua xuất hành thì Trương Vĩnh Ký ở lại triều nội. Ngày 29.6.1886, Paul Bert viết cho Trương Vĩnh Ký một lá thư thật dài kể lể về chuyện đạo Thiên chúa tại Việt Nam, đồng thời cũng dành một đoạn để biện minh cho chủ nghĩa thực dân và trong phần cuối, đã nhờ vị học giả “phủ dụ” giới nho sĩ Cần vương đừng chống lại “nhà nước Đại Pháp”:

”Để tóm tắt lá thư thật dài này, tôi muốn nhờ ông làm cho những bằng hữu theo Nho học, những nho sĩ tài năng của Việt Nam biết rằng trong việc thi hành hòa ước, họ không phải sợ mất đi phẩm cách, tự do, quyền lợi. Thay vì chạy vào rừng kích động những nông dân nghèo tự giết nhau và phá hoại, họ nên hợp tác với tôi vì sự thịnh vượng của xứ sở họ”. (J. Bouchot Sđd-trang 67).

Như vậy, Paul Bert cũng muốn Trương Vĩnh Ký phủ dụ các nhân sĩ yêu nước đang theo phong trào Cần vương kháng Pháp. Ngày hôm sau, 30.6.1886, ông ta lại gửi tiếp cho học giả họ Trương một lá thư ngắn nêu rõ:”Tôi buộc lòng phải nhờ ông đặc biệt chăm sóc việc học cho Ngự đệ (không rõ là ai –LN). Tuyệt đối phải dạy ông ta học chữ Pháp. À, phải chi ông có thể khuyên nhà vua cũng làm như thế nhỉ (học tiếng Pháp – LN). Liệu ông có thể nói trực tiếp với Ngài được không…” (J. Bouchot-Sđd-trang 67).

Như vậy, có thể tóm lược sứ mạng mà Paul Bert giao cho Trương Vĩnh Ký có ít nhất ba điểm quan trọng:

- Cải tổ bộ máy nhân sự của triều đình Huế, có lẽ theo thâm ý của Paul Bert là đưa những kẻ chủ hòa lên thay những quan lại “chủ chiến”.

- Chiêu dụ giới nhân sĩ đang hoạt động trong phong trào Cần vương.

- Dạy cho vua Đồng Khánh và em trai học chữ Pháp.

Trong lúc tại Huế, Trương Vĩnh Ký thu phục được cảm tình của vua Đồng Khánh thì ở Hà Nội, Paul Bert cũng cải tổ sâu rộng bộ máy thuộc địa. Sự làm việc năng nổ tác hại lên sức khỏe ông ta. Trong một chuyến đi vượt đèo Hải Vân cùng với viên Chánh văn phòng là Klobukowski (sau này làm Toàn quyền Đông Dương –1908-1910) và vài người khác nữa, ông ta đã bắt đầu mang mầm bệnh sốt rét.

Trở về Hà Nội, ông ta vẫn lao vào công việc: đi thăm chùa Quảng Đông, nhận lời mời của quan Kinh lược, cùng nhiều việc khác nữa. Bác sĩ Grall (**) nhiều lần khuyên ông ta phải giữ gìn sức khỏe, nhưng xem ra lời khuyên này không có mấy tác dụng. Hai ngày sau khi đến nhà Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Độ, Paul Bert lại đi Kẻ Sở, sau đó về Nam Định, chủ trì kỳ thi Hương. Lần này bệnh trở nặng khiến ông ta phải tức tốc quay lại Hà Nội, ra lệnh cho Klobukowski gửi điện tín về Pháp, yêu cầu Bộ thuộc địa cử người kế nhiệm.

Ngày 11.11.1886, Paul Bert thở hơi cuối cùng, có người thân đứng vây quanh. Ông ta chỉ làm Tổng Trú sứ hơn 6 tháng, nhưng những gì ông ta làm được đã khiến cho nhiều người nhớ tới. Tên ông ta được dùng đặt cho nhiều con đường ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn…

Trước ngày Paul Bert tạ thế, Trương Vĩnh Ký đang nghỉ phép tại Sài Gòn, ngày 4.11.1886 còn gửi cho viên Tổng Trú sứ một lá thư. Trước đó khá lâu, ngày 27.9.1886, ông gửi cho vua Đồng Khánh một thư bày tỏ tình cảm và không quên nhắc nhà vua “học chữ Đại Pháp”…Tiếng là về Sài Gòn để lo việc gia đình và dưỡng bệnh, kỳ thực thông qua thư từ, Trương Vĩnh Ký để lộ tâm trạng bất an trước thái độ của người chung quanh đối với ông, khi ông còn ở cạnh vua Đồng Khánh. Điều này được Khổng Xuân Thu, tác giả quyển Trương Vĩnh Ký 1837-1898 (NXB Tân Việt – Sài Gòn –1958) phát hiện khi sưu tầm tư liệu tại Tổng thư viện Pháp, trong đó có tài liệu của bác sĩ Léon Gautier, bạn thân của văn hào Victor Hugo, viết về Trương Vĩnh Ký. Tài liệu này có đoạn đáng chú ý sau:

”Những năm về sau, tiên sinh trao đổi thư từ với các nhà văn hóa Pháp càng thưa thớt dần, và chỉ toàn những lời bi quan, yếm thế, hay nói cho đúng hơn, chỉ là những lời thanh minh, bày tỏ ẩn khuất, bất mãn của mình mà thôi. Theo như dư luận của các nhà cầm quyền cho hay thì trong giai đoạn sau này, Trương tiên sinh gặp nhiều trở ngại về đường chính trị của mình. Có nhiều người dèm pha, muốn tranh giành địa vị của tiên sinh (khi được sung vào Cơ Mật vụ giúp cho nhà vua An Nam – đây có ý nói vua Đồng Khánh đã hết sức sức tin dùng Trương Vĩnh Ký). Hoặc giả cũng có kẻ cho rằng Trương tiên sinh không trung thành với nước nhà….” (Khổng Xuân Thu – Sđd-trang 139).

Quả thật, có thể mấy tháng cộng tác với Paul Bert và hiện diện ở Huế đã gây ra trong lòng vị học giả một cú sốc. Vì thế, cho dù vua Đồng Khánh hết mực ưu ái, ban cho ông một bức thư dài (sau được con ông là Trương Vĩnh Tống dịch ra thành 234 câu thơ), sau khi Paul Bert qua đời, ông cố tình ở lại Sài Gòn, không ra Huế nữa, tiếp tục nghề dạy học cũ.

Theo Bouchot, từ năm 1890, Trương Vĩnh Ký gần như nghỉ hẳn công việc chính quyền, chuyên tâm nghiên cứu, viết sách, ông dịch quyển tự điển Littré, tác giả là một người quen biết cũ, đến chữ cheval thì qua đời (1.9.1898). Bài Tuyệt mệnh thi của ông nói lên nỗi trăn trở của nhà học giả trong những năm cuối đời, sau những đóng góp to lớn cho nền học quốc ngữ, đồng thời trong mối quan hệ với thực dân Pháp, tiêu biểu là trường hợp Paul Bert kể trên. Đọc hai câu cuối trong bài thơ tuyệt mệnh của tiên sinh, lòng người đọc không khỏi bùi ngùi:

Cuốn sổ bình sanh công với tội,

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

-Chú thích:

(*) Xin nhấn mạnh là Trương Vĩnh Ký (cùng Tôn Thọ Tường) đi Pháp với tư cách một viên chức trong bộ máy thuộc địa của Pháp tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản chứ không phải là thành viên của sứ bộ như nhiều tác giả đã lầm tưởng.

(**) Sau này được lấy tên đặt cho một bệnh viện ở Sài Gòn (bệnh viện Grall), nay là bệnh viện Nhi đồng 2

Lê Nguyễn

24.11.2020


Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) trong phẩm phục quan triều Nguyễn


Tổng Ttú sứ Paul Bert (1833 - 1886)


Vua Đồng Khánh (1864 - 1889)


 

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Mối quan hệ của cộng đồng người Hoa với phong trào Tây Sơn trong cuộc nội chiến 1771 - 1802

 MỐI QUAN HỆ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA

VỚI PHONG TRÀO TÂY SƠN TRONG CUỘC NỘI CHIẾN 1771-1802

Trong phong trào Tây Sơn, những người đề xướng không chủ trương một cuộc nổi dậy đơn độc. Họ cần có sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh và họ đã kết nạp đủ mọi hạng người, đủ mọi sắc tộc trên đất nước Việt Nam, trong đó người Hoa giữ một vai trò quan trọng trong chính sách và chiến lược quân sự của nhà Tây Sơn.

Theo giáo sư George Dutton, hiện giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á tại trường Đại học UCLA (University of California at Los Angeles), Mỹ, tác giả quyển The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn), vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII, nhân số người Hoa tại Đàng Trong ước khoảng 30 ngàn người. Họ được phân biệt hai thành phần chính:

- người Minh hương đến Đại Việt vào nửa sau thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, gồm hầu hết những người trung thành với nhà Minh đã bị người Mãn Thanh truất ngôi

- thành phần Thanh nhân là thần dân của nhà Thanh, đến Đại Việt từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi.

Người Minh hương đến Đại Việt năm 1679, được chúa Nguyễn cho vào Đông Phố (tên đất Gia Định xưa), định cư tại hai khu vực: Biên Hòa (nhóm Trần Thượng Xuyên) và Mỹ Tho ngày nay (nhóm Dương Ngạn Địch). Nhóm Thanh nhân đến sau vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn để buôn bán, góp phần vào việc phát triển thương mại trong vùng. Một số người trong nhóm này xuất thân từ các gia đình ở trung tâm thương mại Hội An, tìm vào Nam khi khu vực từng buôn bán sầm uất này trở nên thưa thớt dần, nhất là từ giữa thập niên 1630, sau khi chính quyền Nhật Bản cấm mọi tàu thuyền đi ra nước ngoài.

Trong tác phẩm của mình, tác giả Dutton đã viết: “Người Hoa tị nạn trên lãnh thổ Đại Việt đến chủ yếu từ vùng duyên hải Trung Hoa, song ở bên trong khu vực này có nhiều tỉnh, người dân nói nhiều ngôn ngữ khác nhau và mang theo các nền tảng xã hội và lịch sử đặc biệt của họ. Bên trong Đại Việt, những người này có khuynh hướng quần tụ với nhau theo nguồn gốc xuất phát có liên hệ trực tiếp với một ngôn ngữ mà họ chia sẻ cùng nhau. Vì thế, người Hoa sống ở Đại Việt được nhận biết sự khác biệt rõ rệt bên trong các cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau, những khác biệt phản ánh các nguồn gốc xuất phát khác nhau và những trải nghiệm về di trú trong lịch sử”.

1. (sđd - bản dịch của Lê Nguyễn – NXB Tổng hợp in lần thứ hai – 2019, trang 360-361)

Khi phong trào Tây Sơn nổi lên thì người Hoa thuộc hai thành phần Minh hương và Thanh nhân đã định cư tại vùng đất Gia Định gần một thế kỷ. Tại Trấn Biên (Biên Hòa), họ quần tụ nhiều ở Cù Lao Phố. Có những chứng cứ cho thấy họ từng ủng hộ cả nhân lẫn vật lực cho phong trào. Tại miền Trung, hai trong những thương nhân người Hoa đầu tiên tham gia trực tiếp vào phong trào Tây Sơn là Tập Đình và Lý Tài. Tuy nhiên, sự hợp tác của lực lượng những người Hoa này chỉ kéo dài khoảng vài năm và sự rạn nứt bắt đầu từ năm 1775. Theo thư của một giáo sĩ tên Pierre-Jacques Halbout, nhiều thành viên trong các đạo quân này đã có những hành vi trái khoáy, quấy rối người dân, gạ gẫm phụ nữ. Sự mâu thuẫn lên đến mức chúa Tây Sơn là Nguyễn Nhạc dự mưu trừ khử Tập Đình, họ Tập biết được, bỏ trốn về Quảng Đông (Trung Quốc) và bị nhà Thanh sát hại tại đây.

Lý Tài cũng không yên tâm về số phận của mình trong tay nhà Tây Sơn nên ngay trong năm 1775, đã đầu phục chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần, cầm đầu đạo Hòa nghĩa quân lập được nhiều công trạng. Song số phận của Lý Tài cũng không hơn Tập Đình. Tại Gia Định, ông ta có sự bất đồng nghiêm trọng với một trong những dũng tướng của chúa Nguyễn là Đỗ Thanh Nhơn, và cuối cùng đã bị sát hại vào năm 1777 bởi bàn tay của đạo quân Đông Sơn dưới quyền họ Đỗ.

Sau khi Tập Đình và Lý Tài không còn nữa, lực lượng Hòa nghĩa quân vẫn tiếp tục được các chúa Nguyễn sử dụng. Cuối năm 1775, một thương nhân người Hoa họ Tất đã tài trợ cho một cuộc nổi dậy do hai thành viên trong dòng họ các chúa Nguyễn là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân lãnh đạo để chống lại anh em nhà Tây Sơn. Hai người này đã xây dựng lực lượng ở Quảng Nam và nhanh chóng chiếm lấy hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn, buộc Nguyễn Nhạc phải dành hai tháng chiến đấu với những đạo quân này và cuối cùng chỉ thắng thế khi quân của Quyền và Xuân cạn hết đồ tiếp tế.

Tuy nhiên, những diễn biến đó không có nghĩa là mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và cộng đồng người Hoa sống ở Đàng Trong đã kết thúc. Dutton đã viết:

“Ngay khi mối quan hệ của các lãnh tụ Tây Sơn với các thương nhân người Hoa như Tập Đình và Lý Tài suy sụp, những căng thẳng khác với cộng đồng người Hoa cũng bắt đầu phát triển. Có vẻ như những căng thẳng đó phần nào là sự căng thẳng giữa nông thôn và thành thị biểu lộ trong thời kỳ đầu của phong trào Tây Sơn. Quân nổi dậy tấn công các đô thị, nơi phần lớn người Hoa sinh sống, bởi vì họ cho rằng đó là những trung tâm của quyền lực chính trị và kinh tế góp phần tạo nên các vấn đề xảy ra ở nông thôn”

( Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn – sđd , trang 366).

Cuối mùa Xuân năm 1782, mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và cộng đồng người Hoa sống ở Đàng Trong rơi xuống điểm thấp nhất khi quân nổi dậy tàn sát một khối lượng lớn người Hoa ở Sài Gòn. Theo nhiều tài liệu khác nhau, số người Hoa bị tàn sát vào khoảng từ 4 ngàn đến 20 ngàn người. Sự biến này cũng được chính Thượng thư triều Gia Long và Minh Mạng là Trịnh Hoài Đức bổ sung trong tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí: “Tất cả hàng hóa buôn bán như vải muslin, lụa, trà, thuốc, dầu thơm, và giấy bị tịch thu từ nhà của người Hoa, bị vứt hết ra ngoài đường và không ai dám nhặt lên” (sđd - Đỗ Mộng Khương - Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 38).

Nguyên nhân gần của cuộc thảm sát này là sự trả thù việc đạo quân Hòa Nghĩa gồm phần lớn người Hoa đã sát hại một tướng lãnh tâm phúc của Nguyễn Nhạc là Phạm Ngạn tại cầu Tham Lương. Song nguyên nhân sâu xa, theo Dutton và một số nhà nghiên cứu, lại là động cơ thương mại: nỗ lực tiêu hủy sự độc quyền thương mại của người Hoa tại thành phố Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay), giảm thiểu khả năng ủng hộ quân chúa Nguyễn của thành phần xã hội này.

Tuy nhiên, mối quan hệ đầy ân oán đó vẫn không triệt tiêu hoàn toàn khả năng hợp tác giữa cộng đồng người Hoa với nhà Tây Sơn. Một năm sau vụ thảm sát tại Sài Gòn, tức năm 1783, các tàu buôn của người Hoa lại cập cảng ở đây để buôn bán. Điều này cho thấy nhà Tây Sơn không tiếp tục theo đuổi một chính sách kiên định nào đối với người Hoa, mà chính sách này biến đổi tùy theo tình hình, đặc biệt tùy theo mức độ hợp tác, ủng hộ, của thành phần này đối với chúa Nguyễn Ánh.

Sự ủng hộ của người Hoa đối với chúa Nguyễn Ánh, đặc biệt tại vùng đất Gia Định, có thể được thúc đẩy bởi nhiều động cơ khác nhau, trước hết là chính sách cứng rắn của nhà Tây Sơn đối với họ. Mặt khác, chính tổ tiên nhiều đời của họ đã chịu ơn các chúa Nguyễn khi rời bỏ đất nước dưới sự cai trị của nhà Mãn Thanh, được tạo điều kiện xây dựng một cuộc sống mới ổn định và an bình. Điều này góp phần không nhỏ vào chiến thắng của chúa Nguyễn tại Gia Định vào năm 1788, sau khi từ Xiêm (Thái Lan) trở về chỉ với mấy trăm tướng sĩ tòng vong.

Có thể nói trên đất liền, ngay từ thập niên 1780, cộng đồng người Hoa đã quay lưng lại với nhà Tây Sơn. Họ buộc lòng tìm kiếm sự hợp tác của một thế lực người Hoa khác hùng mạnh hơn, sống trên biển Đông, đó là các lực lượng hải tặc.

Vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII, nhiều nhóm hải tặc hoạt động mạnh trong vùng biển trải dài từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đến duyên hải miền Bắc và miền Trung ngày nay. Trong vùng biển rộng lớn này, tàu buôn đi lại tấp nập, tạo điều kiện thuận lợi cho sự cướp bóc của chúng. Mặt khác, nhiều khu vực biển nông, địa thể hiểm trở, chúng dễ dàng tránh thoát sự tróc nã của triều đình nhà Thanh. Trên nhiều bản đồ vào thế kỷ XVIII, XIX mô tả vùng biển Đông của Đại Việt, người châu Âu mệnh danh một số hòn đảo là “đảo hải tặc” (îles des pirates). Điều đó nói lên tính phổ biến của hoạt động đánh cướp trên biển vào thời kỳ này.

Mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và hải tặc người Hoa bắt đầu từ giữa thập niên 1780, song mạnh mẽ nhất vào nửa sau thập niên 1790 và chỉ kết thúc sau khi nhà Tây Sơn đã sụp đổ. Một trong những chỉ huy hải tặc người Hoa đầu tiên được nhà Tây Sơn thu nạp năm 1783 là Trần Thiên Bảo. Ông ta được phong chức Tổng binh, tước Bảo Đức hầu; một người bạn của ông ta là Lương Khuê Hiệp cũng được phong tước Hiệp Đức hầu. Họ Trần được nhà Tây Sơn cho quyền tuyển mộ hải tặc và phong cấp cho binh lính tân tuyển.

Từ thập niên 1790, lực lượng hải tặc tham gia trực tiếp vào các chiến dịch quân sự của nhà Tây Sơn, nhiều người được phong các chức tước quan trọng của triều đình. Một tay cầm đầu hải tặc tên Mạc Quan Phù được phong tước Đông Hải vương; năm 1797, một người khác tên Ô Thạch Nhị được phong Bình Ba vương. Đạo quân hải tặc người Hoa trong lực lượng của nhà Tây Sơn khá hùng hậu. Mạc Quan Phù chỉ huy hơn 1.000 người, một người cầm đầu khác là Trịnh Thất chỉ huy hơn 200 tàu thuyền. Chúng được sử dụng cho việc thường xuyên tuần phòng ven biển, ngăn chặn những tàu thuyền tư nhân có thể di chuyển từ Bắc vào để tiếp tế cho quân Nguyễn ở phía Nam. (tài liệu tham khảo chính: George Dutton và Dian Murray – Pirates of the South China Coast, 1790-1810 – California 1987)

Năm 1801, sự thất bại nặng nề trong trận Thị Nại khiến thủy quân Tây Sơn gần tan rã, hoạt động của các hải tặc Trung Hoa cũng giảm dần và mất hẳn.

GHI CHÚ THÊM – Phong trào Tây Sơn là một đề tài đến nay vẫn ẩn chứa nhiều ý kiến, quan điểm rất khác biệt nhau, bài viết hôm nay chỉ giới hạn trong một khía cạnh nhất định, về mối quan hệ giữa phong trào này với cộng đồng người Hoa, từ lúc khởi phát (1771) đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn (1802). Vì thế xin mọi ý kiến trao đổi trên diễn đàn này chỉ tập trung vào chủ đề bài viết, dựa vào các nguồn tư liệu khả tín. Xin không hoan nghênh các ý kiến ngoài chủ đề, nhất là nhằm đánh giá, phẩm bình về phong trào Tây Sơn, vì như thế sẽ dễ dẫn đến những cuộc tranh cãi không có hồi kết và tạo cơ hội cho những kẻ thích làm rối các diễn đàn. Chủ trương này không chỉ dành riêng cho bài viết hôm nay, mà cho tất cả các bài viết lịch sử khác.

Bạn yêu sử nào thấy cần share bài này về trang nhà, xin cứ tự nhiên, không phải hỏi tác già. Mặt khác, từ lâu nay, tác giả chỉ tag bài cho những bạn có yêu cầu chính thức, bạn nào nay không còn yêu cầu này nữa, xin hoặc thông báo (riêng hay công khai trên diễn đàn Facebook), hoặc không tiếp tục cho hiện bài lên trang nhà, để tác giả biết mà ngưng tag bài. Các bài viết về lịch sử luôn để ở chế độ public (công khai), những bạn có yêu cầu tag bài nhưng tác giả chưa thể đáp ứng, xin vui lòng sử dụng chế độ share (chia sẻ).

Trân trọng

Lê Nguyễn

30.11.2020

 

Tranh vẽ một người lính ở Đàng Trong (1793), có tài liệu ghi chú là lính Tây Sơn. Nguồn: A Voyage to Cochinchina của John Barrow - London 1806

Một qua lại của nhà Tây Sơn. Nguồn: The Tay Son uprising - George Dulton-2006

Tượng đài hoàng đế Quang Trung tại bảo tàng Quang Trung - Bình Định


 

 

Địa phận Sài Gòn: Mừng lễ Ngọc Cha Phêrô Đoàn Công Triệu

Mừng Lễ Ngọc Cha PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG TRIỆU

Thăng quyền linh mục giáp 60 năm

(1875 – 1935)

--------------------------

Do theo Châu-tri Đức giám mục địa phận đã ấn hành trong thiện báo Nam Kỳ Địa Phận, xuất bản ngày 8 Juillet 1935 nầy, thì chư vị độc giả cũng dư biết rằng: Ngày thứ bảy 13 Juillet tuần rồi, là chánh ngày địa phận Saigon mừng lễ Ngọc (Lục tuần Chánh tế) một vị Linh mục anh Cả rất đáng kính trong địa phận.

Thật địa phận Saigon rất nên hân hạnh, vì từ 30 năm trở lại đây (tức là từ 1904, mừng Ngũ tuần chánh tế cha già Thomas Nguyễn Biểu Đoan), thì địa phận nầy đã được mừng nhiều cuộc lễ long trọng khác trong hàng linh mục bổn quốc: nào là lễ Ngũ tuần Chánh tế, nào là lễ Vinh qui Giám mục tiên khởi Việt nam, thảy đều là con cái của địa phận đã sinh ra cả; nay lại tới phiên mừng Lục tuần Chánh tế nữa, thì đó là một sự đại phước biết trùng nào!

Vã chăng lễ Ngọc là là một lễ rất hiếm có ở xứ ta xưa nay, vì từ khi thăng quyền linh mục cho đến ngày mừng lễ nầy phải giáp 60 năm chẵn. Thế mà cám đội ơn Chúa, hiện thời hàng đạc đức bổn quốc Saigon, đã được hưởng thọ cái hân hạnh khoái lạc đặc biệt ấy! Bỡi vì sớm mai ngày 13 Juillet, tại thánh trường Latinh Saigon, Đức giám mục cùng hàng linh mục địa phận đã cử hành mừng lễ Ngọc một Đấng linh mục thủ chỉ thâm niên trong địa phận, là cha già Phêrô Đoàn Công Triệu, thăng quyền linh mục giáp 60 năm vậy.

Vì cha Phêrô già cả ngoài 90 tuổi rồi, làm lễ không đặng, nên cha Phaolồ Đoàn Thanh Xuân, bổn sở họ Tân Hưng, là cháu ruột của ngài, đứng thân hành chánh lễ tạ ơn Chúa. Dự lễ có Đức giám mục và hơn 80 vị linh mục tây nam trong  địa phận hiệp chầu; cha già Phêrô thì mình mặc áo Surplis, ngồi kề bên Tòa Đức giám mục – Các Dì phước Annam và giáo hữu nam nữ phần nhiều là bà con thân quyến với cha già đến hiệp vầy chầu lễ.

Đọc Evang rồi, thì cha Phaolồ Đoàn quang Đạt, chánh sở Bà-rịa, cũng là cháu ruột của cha già Phêrô, ra trước bàn thờ phía Evang mà giảng thuyết một bài về Lễ Ngọc của bác ruột của ngài, nghe rất hùng hồn, cảm động!...

Giảng xong, thì cha Phaolồ Xuân hành lễ tiếp. Lễ đoạn xướng kinh Te Deum cảm tạ đội ơn Chúa… thật là một khoảnh khắc rất khoái lạc và cảm động vô hồi!

Khi các lễ nhạc trong đền thánh đã yên rồi, thì Đức cha cùng các đấng đam cha già ra chụp hình chung làm kỷ niệm; chụp hình rồi lại đam cha già ra viếng mộ cha Bề trên Vị, là đấng đã tạo lập bổn trường, lại chánh đấng linh mục mừng Lễ Ngọc hôm nay đây, xưa đã thọ giáo với cha Bề trên và cũng xuất thân bỡi trường nầy nữa.

Đến 10 giờ, thì Đức cha và các đấng nhập tiệc, tiệc gần mãn, Đức cha đứng dậy nói ít lời mừng chúc và cám ơn Cha già, vì trong vòng 60 năm, cha già đã giúp việc địa phận một cách trung thành sốt sắng hẳn hòi – Cha già là một vị linh mục rất hiền lành khiêm nhượng, đáng nên gương mẫu cho trong hàng đồng liêu bắt chước học đòi v.v, đoạn Đức cha đọc dây thép của Đức cha J. B. Tòng gởi về mừng cha già Phêrô.

Đức cha J. B. Tòng tuy đang đau, nằm dưỡng bịnh tại nhà thương  St Paul Hanoi, nhưng ngài cũng gởi dây thép về hiệp với huynh đệ, mà mừng chúc cha Phêrô, là vị anh cả trong hàng đạc đức địa phận Saigon hiện thời.

Hanoi, 13 08 h 55 m

Ad Centum Annos

Tòng

Bây giờ cha Ignatiô Bùi công Thích, đứng dậy thay mặt các vị linh mục bổn quốc, nói ít lời chúc mừng cha Phêrô, mà cách nói của cha Ignatiô rất có duyên, nên làm cho các cha vui cười rờm rã, tiếng vỗ tay nghe chác cả một gian phòng!

Sau hết cha già Triệu xin Đức cha chuẫn cho các cha trẻ cấm phòng năm nay khỏi l’examen, thì Đức cha ưng chịu, nên các ngài vui mừng lắm. Ấy là hoàn tất cuộc lễ Ngọc. Chúc cho cha Phêrô sống thêm ngoài trăm tuổi – Chúc hàng đạc đức địa phận Saigon còn được mừng nhiều lễ Ngọc khác nữa.

Thiên tuế - thiên thiên tuế…

Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1360, 1362, năm 1935

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Ghi địa danh tùy hứng, không theo qui chuẩn gì ráo

 GHI ĐỊA DANH TÙY HỨNG, KHÔNG THEO QUI CHUẨN GÌ RÁO

Kỳ 2: "BẮC KẠN", cách viết... đầu cua tai nheo!

* Chọn qui chuẩn ra sao, trong cách ghi địa danh tại Việt Nam?

Mời quí bạn đọc kỳ 1, nói về cách ghi "Đắk Lắk", "Đắk Nông" (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1083460625421250).

A/ Có 2 lối giải thích, một dựa vào danh từ Việt-Hán / một dựa vào chữ Nôm, trong đó có liên quan đến biến âm từ tiếng Tày - Nùng.

A1) Dựa vào danh từ Việt-Hán:

* Được dựa vào bản văn bia "Tam hải hồ sơn chí" tại Hồ Ba Bể, vào năm 1925, rằng địa danh tỉnh này được ghi là : BẮC CẢN (nghĩa là: nơi phòng ngự/chở che phía Bắc, được hiểu là phía Bắc so với kinh đô Thăng Long). Và được cho rằng biến thanh: thanh "hỏi" thành thanh "nặng": Bắc Cản => Bắc Cạn.

Tức, chữ "cạn" ở đây KHÔNG mang nghĩa, mà thuần túy là biến âm mà thôi.

* Lại có luồng ý kiến giải thích "Bắc Cạn" xuất hiện từ rất lâu (chớ không phải đợi đến đầu thế kỷ 20). BẮC CẠN được viết là: 𣵲.

Địa danh BẮC CẠN được ghi trong "Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX" của Viện nghiên cứu Hán Nôm (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981), chẳng hạn ở trang 158 / Địa danh BẮC CẠN 𣵲 còn được nhắc đến nhiều lần trong "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán Triều Nguyễn / Rồi theo "Sổ tay địa danh Việt Nam" của Đinh Xuân Vịnh (Nxb Lao động, Hà Nội, 1996) thì địa danh BẮC CẠN đã có từ đời Lê!

Ở đây, có một điều... khá tréo ngoe thì phải? "BẮC" là âm Việt-Hán (quen gọi là Hán-Việt, ở đây tôi đảo vị trí chẳng qua là muốn nhấn mạnh đọc theo âm Việt đối với chữ Hán, không đọc theo âm tiếng Tàu). NHƯNG, xin chú ý, trong chữ Hán thì KHÔNG có chữ nào phát âm là "cạn" hết (chỉ có chữ đọc là "CAN" - và "can" này mang nghĩa là "cạn").

"CẠN" là tiếng Nôm, và được viết bằng chữ Nôm như ri: 𣵲 (gồm bộ "thủy" ghép với chữ "kiện" ). Vì sao lại có kiểu ghép giữa một chữ Hán ("Bắc") với một chữ Nôm ("Cạn")?

Nếu "cạn" (trong "Bắc Cạn") mang nghĩa là... "cạn / khô cạn", sao không viết bằng hai chữ Hán là "BẮC CAN" ("Can", ở đây, mang nghĩa là "cạn / khô cạn" đó đa) cho đồng bộ?

A2) Biến âm từ tiếng Tày - Nùng:

Một giả thuyết được đưa ra: "BẮC CẠN", kỳ thực, là ghi âm / biến âm từ ngôn ngữ bản địa Tày - Nùng (chớ "bắc cạn" không mang nghĩa, "bắc" không phải là phương bắc, "cạn" không phải là khô cạn).

Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên ngữ Tày-Nùng là "Pác Cạm", "Pác Káp", "Pác Can", "Pá Kạn" .v.v... Ở đây không đi sâu tìm hiểu nghĩa của từng chữ này làm chi (dành cho giới nghiên cứu chuyên sâu), mà quí bạn cần chú ý: hết thảy những "chữ Tày-Nùng" đều viết bằng ký tự "P" (không phải "B").

B/ "ĐẦU CUA TAI NHEO"!

B1) Có khá nhiều địa danh tại VN là biến âm từ tiếng của sắc tộc bản địa, như "Cà Mau", "Trà Vinh", "Sóc Trăng", "Mỹ Tho" từ tiếng Khmer, "Đà Nẵng", "Nha Trang", "Phan Rang", "Phan Rí" từ tiếng Chăm.

Thấy gì?

Không ai lại đi giải thích "Mau", trong "Cà Mau", là... mau lẹ, mau chóng (tương phản với "chậm") / "Trà", trong "Trà Vinh", là... lá trà, cây trà. Vì giải thích như vậy là ngớ ngẩn, trớt hướt! Nên nhớ: đây thuần túy là phiên âm, đọc trại âm, biến âm.

Cũng vậy, "cạn", trong "BẮC CẠN", là được biến âm từ tiếng Tày-Nùng ("Kạn", "Káp"...).

B2) Phần lớn trong chúng ta không phải dân nghiên cứu ngôn ngữ nên, nói nào ngay, cũng không bận tâm tìm hiểu "Cà Mau", "Sóc Trăng" ... trong nguyên gốc nghĩa là gì hết ráo, mà hãy viết / hãy đọc THEO ĐÚNG CHÍNH TẢ CỦA TIẾNG VIỆT.

Cũng vậy, đối với hai chữ "Bắc Cạn".

Trong chính tả tiếng Việt, không hề có "kạn (dòng sông)" mà phải viết là "cạn (dòng sông)", viết "c" chớ không "k"!

Ngay chữ "bắc" (trong "Bắc Cạn"), trong từ nguyên bên tiếng Tày-Nùng ghi là "Pac", "Pá" - ghi bằng phụ âm "p", nhưng khi chuyển qua TIẾNG VIỆT thì phải chuyển sang phụ âm "b" cho đúng chính tả đó đa!

Hoặc ghi nguyên ngữ của tiếng sắc tộc bản địa, tỉ như "Pá Kạn" gì đó. Hoặc, khi đã chuyển sang tiếng Việt, là "Bắc" thì phải Việt cho trót là "Cạn" - chớ không thể đầu cua tai nheo được!

Mà, như một số tài liệu dẫn trên, từ thuở xa xưa các thế hệ tiền nhân chúng ta đều đã đọc là BẮC CẠN 𣵲, mắc giống gì phải bẻ thành "bắc kạn" rứa hè?

C/ QUI CHUẨN TRONG CÁCH GHI ĐỊA DANH

Có hai cách:

C1/ Chúng ta đang sống trên lãnh thổ ... dùng TIẾNG VIỆT, thành thử các địa danh - dù cho xuất phát từ tiếng của các sắc tộc bản địa - thì ĐA PHẦN cũng PHIÊN ÂM & áp dụng theo đúng CHÍNH TẢ trong TIẾNG VIỆT!

Như "Sa" (trong Sa Đéc) là từ "Phrsa" (trong Phrsa Dek) của tiếng Khmer, mình đâu cần phiên âm /phr/ làm gì cho mắc mệt - bởi lẽ trong tiếng Việt đâu có phát âm /phr/. Vậy đó.

C2) Cũng có một số địa danh không ghi phiên âm, mà dùng y xì nguyên ngữ của sắc tộc bản địa. Tỉ dụ: "Pleiku", "Kontum" (*).

Nếu phiên âm và viết đúng chính tả tiếng Việt sẽ là "Lây-cu", "Công-tum" (vì tiếng Việt không có phụ âm "pl", cũng không qui định viết ký tự "k" trước nguyên âm "u" / "o" mà phải viết "c"! - như "củ (khoai)" (chớ không "kủ (khoai)"), "con công" (chớ không "Kon Kông").

Thôi thì... "Pleiku" coi bộ dễ nhìn hơn là "Lây-cu".

Trở lại ví dụ địa danh mở đầu bài viết này: hoặc viết BẮC CẠN (phiên âm theo đúng chính tả tiếng Việt), hoặc viết PÁ KẠN chẳng hạn (theo nguyên ngữ của người Tày - Nùng).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

-------------------------------------------------------------

(*) Pleiku hay Plei Ku? Kontum hay Kon Tum? - tôi không rõ ngôn ngữ sắc tộc trên cao nguyên này là đa âm tiết hay đơn âm tiết, quí bạn nào biết, xin chỉ giúp cách viết cho thiệt đúng.



 

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Vẫn còn trăm năm câm lặng

  VẪN CÒN TRĂM NĂM CÂM LẶNG

(hồi ức về bài báo "Đạo tôn sư & trăm năm câm lặng", tôi viết vào năm 1995, đánh thức ký ức về một thầy giáo lỗi lạc Nam Kỳ lục tỉnh)

*&*

Giờ đây, những ai muốn thắp hương trước bậc danh sư Võ Trường Toản, có thể tìm một cách dễ dàng, nơi Bến Tre với "Khu tưởng niệm" khang trang. Thay vì lặn lội đi tìm trên những con đường đất quanh co, nhỏ hẹp: ngày đó, ngôi mộ của cụ Võ Trường Toản hoàn toàn hoang phế, chẳng ai ngó ngàng đến!

Câu chuyện xảy ra vào năm 1995, cách đây 25 năm.

&1&

Trước nhứt, cần phải thuật tóm tắt về cụ Võ Trường Toản.

Các sĩ phu Nam Kỳ Lục tỉnh ngày trước đều tôn vinh cụ Võ Trường Toản là bậc danh sư hàng đầu. Cụ là bậc trí giả nổi tiếng, mở trường đào tạo biết bao danh tài, trong đó có “Gia Định tam gia thi” (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định); thế hệ sau như Đồ Chiểu, Phan Văn Trị đều chịu ảnh hưởng học phong của cụ Võ Trường Toản.

Học phong của danh sư họ Võ, rộng hơn là học phong của con người Lục tỉnh, được ghi lại: “Chuộng khí tiết, kẻ sĩ đọc sách phần đông đều lấy việc hiểu rõ nghĩa lý làm điều chủ yếu, song lại vụng nghề văn từ”.

Người miền Nam không giỏi, nói đúng hơn là không ưa cái học màu mè, bóng bẩy, nói theo ngôn từ đời nay là "lý luận", họ KHÔNG CHẤP NHẬN GIÁO ĐIỀU trong cái học. 

Danh sư họ Võ mất vào năm 1792 tại Gia Định. Trong “Địa chí tỉnh Bến Tre” có ghi rành rành: vào năm 1865 Phan Thanh Giản đã cải táng di hài của cụ đưa về làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Quái lạ thay, khi tôi về Bến Tre (năm 1995) hỏi đường sá dẫn đến ngôi mộ cụ Võ Trường Toản để viếng, nhiều cán bộ bên ngành văn hóa của tỉnh lắc đầu không biết!

&2&

Từ thị trấn huyện Ba Tri, tôi phóng xe gắn máy đi về xã Bảo Thạnh. Ở đó, tôi đã gặp một ông già gầy gò nhưng còn giữ vẻ tinh anh trong ánh mắt, giản dị trong bộ bà ba đen. Bác tên Phan Thanh Châu, lúc đó 73 tuổi, mà ông sơ của bác Châu chính là danh nhân Phan Thanh Giản.

Men theo đường quê, bác Châu dẫn tôi đến một gò đất, chung quanh rải rác những bãi phân bò. Bác Châu vẹt đám vỏ dừa khô phơi lăn lốc quanh mộ, đọc hàng chữ Hán khắc trên bia đá đã mờ nét: “Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh”. Trời ơi, ngôi mộ của bậc danh sư họ Võ đây sao?

Nứt nẻ hết cả. Hoang tàn. Tôi cảm thấy rờn rợn.

Bậc danh sư của cả vùng đất Nam Kỳ, với những lời ca ngợi về cụ ghi trên sách này sách nọ, vậy mà ... bị bỏ mặc, hoang phế! Tại sao? Cơ sự gì đã xảy ra? Hàng loạt câu hỏi rơi vào im lặng.

Như sự im lặng của ngôi mộ.

Tôi cảm thấy ngọn gió bạc bẽo đang thổi qua, quá lạnh lùng.

Việc tu bổ mộ phần cho đúng phép tôn sư trọng đạo, nếu còn nghĩ mình là người VN - "lẽ nào nằm ngoài trách nhiệm của các vị đầu ngành văn hóa và giáo dục VN?", tôi đã kết bài "Đạo tôn sư & trăm năm câm lặng" bằng câu hỏi như vậy (bài này tôi viết chung với Huỳnh Thanh Diệu, đăng trên Tuổi Trẻ 13/7/1995).

&3&

Sau khi bài báo đăng lên, hiệu trưởng trường Võ Trường Toản (nằm cạnh Thảo cầm viên Sài Gòn) đã nhờ tôi dẫn đoàn gồm thầy giáo và cựu học sinh đến thăm ngôi mộ hoang ở Ba Tri. Đó là lần duy nhứt tôi được mời trở lại ngôi mộ cụ Võ sau khi viết bài.

Ba năm sau (1998) tỉnh Bến Tre làm lễ khánh thành "Khu mộ và nhà thờ Võ Trường Toản". Tôi hay tin này là... nhờ đọc báo, chớ chẳng nhận được thư mời, mà nghe đâu tỉnh Bến Tre có gởi thư mời và một đồng nghiệp ở báo Tuổi Trẻ nhận lấy rồi đi dự lễ lạc tưng bừng gì đó.

Sau này tôi mới được biết thêm là sau khi bài báo của tôi đăng lên (1995), các quan chức ở tỉnh đã tìm đến mộ, rồi chạy nước rút để tu bổ, xây dựng cho ... đẹp mày đẹp mặt trước thiên hạ.

Tôi ngẫm nghĩ về bài học lặng lẽ của cụ Võ Trường Toản khi bơ vơ làm bạn cùng cỏ cây suốt hàng trăm năm.

Và, tôi đã lẳng lặng trở về Ba Tri, tìm đến khu mộ đã được tu bổ. Trong một không gian lặng lẽ chỉ có kẻ hậu bối này đứng trước vong linh cụ. Tôi xúc động trong niềm tin rằng, ngày ấy hương hồn cụ đã dẫn đường cho tôi để viết nên bài báo, góp lời quê mà tỏ bày cùng xã hội.

&4&

Thực sự, cái sự bỏ bê hoang phế mộ phần cụ Võ Trường Toản trước đây, tôi có nghe một anh làm trong ngành văn hóa Bến Tre tâm sự nỗi niềm... - nhưng tôi bấy giờ không thể đưa lên báo Tuổi Trẻ. Anh ấy nói, "Mấy ông ngoài Bắc họ không ưa...".

Quan điểm thống soái của "ở ngoải" là đả kích vua Gia Long, mà câu "Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh" lại là do vua Gia Long ban tặng cho cụ Võ Trường Toản, vậy mới... rắc rối cho cụ.

Thêm nữa, Phan Thanh Giản cũng bị quan điểm "chính thống" chỉ trích, mà việc cải táng mộ cụ Võ đưa về Ba Tri là do cụ Phan chủ xướng. Thêm cái rắc rối nữa.

"Mấy ông ở ngoải lúc nào cũng chửi cụ Phan Thanh Giản hết trơn...", anh bạn người Bến Tre lắc đầu.

Tôi lại phải mở ngoặc để nói: Dân trong Nam, dân miền Tây, họ có niềm hãnh diện về những danh nhân đất Nam Kỳ Lục tỉnh, cho dù không hợp với quan điểm "ở ngoải". Họ bền bĩ để đòi có sự tôn trọng.

Như cụ Phan Thanh Giản, rốt cuộc ở Bến Tre cũng giành được sự tôn vinh cho cụ khi chính thức đặt tên "Phan Thanh Giản" cho một trường trung học bề thế của tỉnh mãi về sau này.

&5&

Khu di tích và nhà thờ Nhà giáo lỗi lạc Võ Trường Toản, đó là di sản vật thể. Quan trọng hơn nhiều, là di sản phi vật thể, di sản tinh thần của bậc danh sư họ Võ.

Cụ dặn: Từ bỏ lối học từ chương, giáo điều như vẹt, giả dối. HỌC, trước hết, là HỌC ĐẠO LÀM NGƯỜI, học sống có trước có sau!

Lễ lạc linh đình mà quên đi lời dặn của cụ Võ Trường Toản, cứ mặc tình cho sự giả dối chen vào giáo dục, mặc tình nói phét "lý luận" - tôi nghĩ, sự câm lặng trăm năm của cụ Võ sẽ còn phải kéo dài... ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Hình 1 : chụp lại bài báo "Đạo tôn sư & trăm năm câm lặng" trên báo Tuổi Trẻ ngày 13/7/1995 với ngôi mộ Võ Trường Toản hoang phế.

Hình 2: Khu di tích Võ Trưởng Toản ở Bến Tre

Hình 3: Danh sư Võ Trường Toản





 

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Hạnh tích Á Thánh Phêrô Lựu


Biển Đông Nam Á ("Southeast Asia Sea"): Yes or No ?

 BIỂN ĐÔNG NAM Á ("SOUTHEAST ASIA SEA"): YES or NO?

&1&

Tôi thấy vẫn còn có những người nhầm lẫn, nông nổi khi tưởng "biển Đông VN" là sở hữu của nước VN (?). Kỳ thực cách gọi "Biển Đông" là qui chiếu phương hướng địa lý đối với một vùng biển nằm ở phía đông VN. Cũng vậy, khi Phi Luật Tân họ gọi "West Philippines Sea" là họ định danh vùng biển này (mà VN gọi "biển Đông") nằm về phía tây nước họ chớ không phải "biển Tây" là sở hữu của Phi Luật Tân.

Chỉ cần bước ra khỏi VN, trên toàn thế giới họ đều ghi trên bản đồ là "South China Sea", chẳng có nơi đâu ghi "East VN Sea" hết! Cũng vậy, người Phi khi ra khỏi lãnh thổ nước họ, chẳng có nơi nào ghi "West Philippines Sea", mà toàn ghi "South China Sea".

Thành thử phải tìm hiểu cớ sao thế giới họ ghi "South China Sea".

&2&

Theo Adam Bray, trong bài "The Cham: Descendants of Ancient Rulers of South China Sea Watch Maritime Dispute From Sidelines", cho biết:

"Trước thế kỷ 16, giới hàng hải khắp châu Á biết đến vùng này với tên gọi "Biển Champa" (CHAMPA SEA), được đặt theo tên của một vương quốc từng kiểm soát toàn bộ miền trung VN hiện nay, từ biên giới phía bắc của tỉnh Quảng Bình cho đến gần biên giới phía Nam của tỉnh Bình Thuận" (bản dịch của Ánh Hiền).

Đến thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha trong việc giao thương hàng hải đã gọi vùng biển này là "China Sea" ("Mare da China": biển Trung Hoa), về sau để phân biệt những vùng biển lân cận nên người phương Tây gọi là "SOUTH CHINA SEA".

&3&

"South China Sea", do mấy ông Tây đặt ra, không phải Tàu.

Và phải nói ngay: các bản đồ trên thế giới ghi "South China Sea" (biển Nam Trung Hoa), điều này KHÔNG hề mang ý nghĩa đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Hoa!

Thì đó, "Ấn Độ dương" (Indian Ocean), đâu ai ngớ ngẩn cho rằng cả một đại dương bao la này là thuộc chủ quyền của Ấn Độ?

"Vịnh Mexico" (Gulf of Mexico), có chữ "of" ("của") hẳn hòi, nhưng đâu phải là vùng biển thuộc nước Mễ (Mexico), mà lãnh hải ở vùng biển này còn liên can đến Mỹ, đến Cuba.

Nữa, "Vịnh Thái Lan" (Gulf of Thailand) đâu thuộc sở hữu cho mỗi Thái Lan, mà còn có phần của Cambodia, Việt Nam.

Mỹ họ không bận tâm phải đổi tên "Vịnh Mexico" thành "Vịnh USA", cho dù Mỹ dư sức lấn lướt ở vùng biển này.

Rồi nói đâu xa, "Vịnh Thái Lan" có phần lãnh hải của VN ở trỏng. Vậy, phải chăng người Việt nào mà ghi "Gulf of Thailand" là ... không có đủ ý thức về chủ quyền? Phải sửa thành "vịnh Nam VN" (Gulf of South Vietnam) cho có lập trường yêu nước?

Đâu ai ngớ ngẩn lập luận như trên (chỉ cần sửa mấy chữ, định danh khác đi, là "chủ quyền" tức khắc thuộc về mình sao? coi bộ dễ còn hơn con nít chơi game).

&4&

Nếu cứ sóng yên biển lặng, nói nào ngay, cái tên gọi "South China Sea", cũng hệt như cái tên "Gulf of Mexico", "Gulf of Thailand"..., hoàn toàn không làm chết ai hết trơn.

Ngặt là có Tàu khựa nổi hung, thấy có chữ "China" trong cái tên - do Tây đặt - thì đòi sở hữu vùng biển này!

Ở đây, cần tham khảo kinh nghiệm đặt tên "Địa Trung Hải" (Mediterranean Sea).

Các nước quanh vùng, tỉ như Libya thì gọi "Libyan Sea", Ý gọi "Sea of Sicily", Hy Lạp đặt tên vùng biển này là "Sea of Crete"...

Cuối cùng, các nước này họp bàn với Tổ chức Thủy văn quốc tế (IHO: International Hydrographic Organization), để cùng thống nhứt gọi tên vùng biển là: "Địa Trung Hải" - KHÔNG dính tên bất cứ quốc gia nào trong vùng hết, khỏi đôi co nữa.

&5&

Vậy, gọi vùng biển - mà hiện nay trên bản đồ quốc tế vẫn ghi "South China Sea" - bằng cái tên chung: "Địa Trung Hải châu Á" (Mediterranean Sea of Asia) là một đề xuất hợp lý. Bởi ở toàn bộ châu Á, không có vùng biển nào bao bọc bởi nhiều quốc gia chung quanh như ở đây.

Hoặc gọi bằng tên: "Biển Đông Nam Á" (Southeast Asia Sea) cũng là một đề xuất rất hợp lý! KHÔNG dính tên bất cứ quốc gia nào ở trỏng, khỏi sân si gì ráo.

NHƯNG, cho tới giờ phút này, các nước quanh vùng vẫn đâu ai chịu ai. Việt Nam thì gọi "East VN Sea", Phi Luật Tân là "West Philippines Sea", Nam Dương (Indonesia) đặt tên là "North Natuna Sea" (Biển Bắc Natuna).v.v...

Các nước Đông Nam Á đâu chịu ngồi chung họp bàn cùng với Tổ chức IHO (International Hydrographic Organization: Tổ chức Thủy văn quốc tế) - để thống nhứt một cái tên chung, chẳng hạn "Southeast Asia Sea"). Sau đó, thế giới áp dụng tên gọi mới này, không xài cách gọi "South China Sea" nữa.

Chỉ là tên gọi chung cho một vùng biển thôi, mà các nước Đông Nam Á còn không bắt tay với nhau cho ra trò, nói gì tới những kế sách hợp nhứt khác? Nhằm chống lại mưu đồ của chế độ Bắc Kinh đòi nuốt chửng vùng biển - mà cho tới nay, đã và đang được định danh trên bản đồ quốc tế là "South China Sea".

Vậy đó.


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Tản mạn mấy dòng về ĐẠO HIẾU

 Tản mạn mấy dòng về ĐẠO HIẾU

* Có bạn hỏi, “chín chữ Cù Lao”, nghĩa là gì? “CÙ LAO” ghép từ hai chữ “Cù” (cần cù) & “Lao” (công lao), nói về công ơn cha mẹ - bao gồm “chín chữ” sau (*):

1/ SINH : sinh con ra

2/ CÚC : nâng đỡ con

3/ PHỦ : vỗ về, vuốt ve

4/ SÚC : cho ăn, bú mớm

5/ TRƯỞNG : nuôi dưỡng thể xác

6/ DỤC : giáo dưỡng tinh thần

7/ CỐ : trông nom

8/ PHỤC : quấn quit, săn sóc không rời

9/ PHÚC : ẵm bồng, gìn giữ, lo lắng cho con

* Thánh Phaolô nhắc nhở những người con về Đạo Hiếu: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ” (Ep 6:1-2).

* "Tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhứt khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu” (The power of finding beauty in the humblest things makes home happy and life lovely) (Louisa May Alcott)

* Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” (Ep 6:18).

Hướng tâm hồn lên với Chúa, gặp Chúa, có khi không cần nói gì cả. Cầu nguyện liên lỉ là “thói quen” của người sống trọn vẹn theo tinh thần của Đức Kitô.

-----------------------------------------------------------

(*): Còn "cù lao" chỉ những gò đất nổi giữa sông, lại là bắt nguồn từ tiếng Mã Lai "pulau". Nam Kỳ, thuở xưa là Thủy Chân Lạp, trước nữa là Phù Nam, vốn dĩ là lãnh thổ có sự tiếp biến văn hóa ngôn ngữ với tiếng Khmer, tiếng Mã Lai, tiếng Thái Lan (Xiêm La)...

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt