ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Vẫn còn trăm năm câm lặng

  VẪN CÒN TRĂM NĂM CÂM LẶNG

(hồi ức về bài báo "Đạo tôn sư & trăm năm câm lặng", tôi viết vào năm 1995, đánh thức ký ức về một thầy giáo lỗi lạc Nam Kỳ lục tỉnh)

*&*

Giờ đây, những ai muốn thắp hương trước bậc danh sư Võ Trường Toản, có thể tìm một cách dễ dàng, nơi Bến Tre với "Khu tưởng niệm" khang trang. Thay vì lặn lội đi tìm trên những con đường đất quanh co, nhỏ hẹp: ngày đó, ngôi mộ của cụ Võ Trường Toản hoàn toàn hoang phế, chẳng ai ngó ngàng đến!

Câu chuyện xảy ra vào năm 1995, cách đây 25 năm.

&1&

Trước nhứt, cần phải thuật tóm tắt về cụ Võ Trường Toản.

Các sĩ phu Nam Kỳ Lục tỉnh ngày trước đều tôn vinh cụ Võ Trường Toản là bậc danh sư hàng đầu. Cụ là bậc trí giả nổi tiếng, mở trường đào tạo biết bao danh tài, trong đó có “Gia Định tam gia thi” (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định); thế hệ sau như Đồ Chiểu, Phan Văn Trị đều chịu ảnh hưởng học phong của cụ Võ Trường Toản.

Học phong của danh sư họ Võ, rộng hơn là học phong của con người Lục tỉnh, được ghi lại: “Chuộng khí tiết, kẻ sĩ đọc sách phần đông đều lấy việc hiểu rõ nghĩa lý làm điều chủ yếu, song lại vụng nghề văn từ”.

Người miền Nam không giỏi, nói đúng hơn là không ưa cái học màu mè, bóng bẩy, nói theo ngôn từ đời nay là "lý luận", họ KHÔNG CHẤP NHẬN GIÁO ĐIỀU trong cái học. 

Danh sư họ Võ mất vào năm 1792 tại Gia Định. Trong “Địa chí tỉnh Bến Tre” có ghi rành rành: vào năm 1865 Phan Thanh Giản đã cải táng di hài của cụ đưa về làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Quái lạ thay, khi tôi về Bến Tre (năm 1995) hỏi đường sá dẫn đến ngôi mộ cụ Võ Trường Toản để viếng, nhiều cán bộ bên ngành văn hóa của tỉnh lắc đầu không biết!

&2&

Từ thị trấn huyện Ba Tri, tôi phóng xe gắn máy đi về xã Bảo Thạnh. Ở đó, tôi đã gặp một ông già gầy gò nhưng còn giữ vẻ tinh anh trong ánh mắt, giản dị trong bộ bà ba đen. Bác tên Phan Thanh Châu, lúc đó 73 tuổi, mà ông sơ của bác Châu chính là danh nhân Phan Thanh Giản.

Men theo đường quê, bác Châu dẫn tôi đến một gò đất, chung quanh rải rác những bãi phân bò. Bác Châu vẹt đám vỏ dừa khô phơi lăn lốc quanh mộ, đọc hàng chữ Hán khắc trên bia đá đã mờ nét: “Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh”. Trời ơi, ngôi mộ của bậc danh sư họ Võ đây sao?

Nứt nẻ hết cả. Hoang tàn. Tôi cảm thấy rờn rợn.

Bậc danh sư của cả vùng đất Nam Kỳ, với những lời ca ngợi về cụ ghi trên sách này sách nọ, vậy mà ... bị bỏ mặc, hoang phế! Tại sao? Cơ sự gì đã xảy ra? Hàng loạt câu hỏi rơi vào im lặng.

Như sự im lặng của ngôi mộ.

Tôi cảm thấy ngọn gió bạc bẽo đang thổi qua, quá lạnh lùng.

Việc tu bổ mộ phần cho đúng phép tôn sư trọng đạo, nếu còn nghĩ mình là người VN - "lẽ nào nằm ngoài trách nhiệm của các vị đầu ngành văn hóa và giáo dục VN?", tôi đã kết bài "Đạo tôn sư & trăm năm câm lặng" bằng câu hỏi như vậy (bài này tôi viết chung với Huỳnh Thanh Diệu, đăng trên Tuổi Trẻ 13/7/1995).

&3&

Sau khi bài báo đăng lên, hiệu trưởng trường Võ Trường Toản (nằm cạnh Thảo cầm viên Sài Gòn) đã nhờ tôi dẫn đoàn gồm thầy giáo và cựu học sinh đến thăm ngôi mộ hoang ở Ba Tri. Đó là lần duy nhứt tôi được mời trở lại ngôi mộ cụ Võ sau khi viết bài.

Ba năm sau (1998) tỉnh Bến Tre làm lễ khánh thành "Khu mộ và nhà thờ Võ Trường Toản". Tôi hay tin này là... nhờ đọc báo, chớ chẳng nhận được thư mời, mà nghe đâu tỉnh Bến Tre có gởi thư mời và một đồng nghiệp ở báo Tuổi Trẻ nhận lấy rồi đi dự lễ lạc tưng bừng gì đó.

Sau này tôi mới được biết thêm là sau khi bài báo của tôi đăng lên (1995), các quan chức ở tỉnh đã tìm đến mộ, rồi chạy nước rút để tu bổ, xây dựng cho ... đẹp mày đẹp mặt trước thiên hạ.

Tôi ngẫm nghĩ về bài học lặng lẽ của cụ Võ Trường Toản khi bơ vơ làm bạn cùng cỏ cây suốt hàng trăm năm.

Và, tôi đã lẳng lặng trở về Ba Tri, tìm đến khu mộ đã được tu bổ. Trong một không gian lặng lẽ chỉ có kẻ hậu bối này đứng trước vong linh cụ. Tôi xúc động trong niềm tin rằng, ngày ấy hương hồn cụ đã dẫn đường cho tôi để viết nên bài báo, góp lời quê mà tỏ bày cùng xã hội.

&4&

Thực sự, cái sự bỏ bê hoang phế mộ phần cụ Võ Trường Toản trước đây, tôi có nghe một anh làm trong ngành văn hóa Bến Tre tâm sự nỗi niềm... - nhưng tôi bấy giờ không thể đưa lên báo Tuổi Trẻ. Anh ấy nói, "Mấy ông ngoài Bắc họ không ưa...".

Quan điểm thống soái của "ở ngoải" là đả kích vua Gia Long, mà câu "Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh" lại là do vua Gia Long ban tặng cho cụ Võ Trường Toản, vậy mới... rắc rối cho cụ.

Thêm nữa, Phan Thanh Giản cũng bị quan điểm "chính thống" chỉ trích, mà việc cải táng mộ cụ Võ đưa về Ba Tri là do cụ Phan chủ xướng. Thêm cái rắc rối nữa.

"Mấy ông ở ngoải lúc nào cũng chửi cụ Phan Thanh Giản hết trơn...", anh bạn người Bến Tre lắc đầu.

Tôi lại phải mở ngoặc để nói: Dân trong Nam, dân miền Tây, họ có niềm hãnh diện về những danh nhân đất Nam Kỳ Lục tỉnh, cho dù không hợp với quan điểm "ở ngoải". Họ bền bĩ để đòi có sự tôn trọng.

Như cụ Phan Thanh Giản, rốt cuộc ở Bến Tre cũng giành được sự tôn vinh cho cụ khi chính thức đặt tên "Phan Thanh Giản" cho một trường trung học bề thế của tỉnh mãi về sau này.

&5&

Khu di tích và nhà thờ Nhà giáo lỗi lạc Võ Trường Toản, đó là di sản vật thể. Quan trọng hơn nhiều, là di sản phi vật thể, di sản tinh thần của bậc danh sư họ Võ.

Cụ dặn: Từ bỏ lối học từ chương, giáo điều như vẹt, giả dối. HỌC, trước hết, là HỌC ĐẠO LÀM NGƯỜI, học sống có trước có sau!

Lễ lạc linh đình mà quên đi lời dặn của cụ Võ Trường Toản, cứ mặc tình cho sự giả dối chen vào giáo dục, mặc tình nói phét "lý luận" - tôi nghĩ, sự câm lặng trăm năm của cụ Võ sẽ còn phải kéo dài... ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Hình 1 : chụp lại bài báo "Đạo tôn sư & trăm năm câm lặng" trên báo Tuổi Trẻ ngày 13/7/1995 với ngôi mộ Võ Trường Toản hoang phế.

Hình 2: Khu di tích Võ Trưởng Toản ở Bến Tre

Hình 3: Danh sư Võ Trường Toản





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét