ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Họ Mặc Bắc

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

---------------------------

ĐỊA SỞ HỌ MẶC BẮC (Tiếp theo)

----------------------------

II. – Các cha coi họ.

12.Cha Trí (1862). - Cha Công đổi đi thì cha Trí tới coi họ Mặc Bắc, đâu đó đều đặng bằng an, không lo sợ gì nữa; nên cha đã cất một cái nhà thờ mới xứng đáng hơn, chỗ nền nhà thờ của cha Giacôbê cất đầu hết, trước nhà bà câu Đều. Tuy trên lợp lá, chớ phía ngoài và phía trong xem vào thì liền biết là một nhà thờ, không phải như nhà ở thường (nhà thờ trước kêu là nhà thầy ba, là ông già của hương Chơn), những đồ nghề dệt tơ lụa và giàn để tằm không để trong nhà thờ mới nữa; và cho ai nấy đặng biết rõ là nhà thờ thì trên mặt tiền có dính một thánh giá bằng cây; sau kế nhà thờ thì cha Trí cất một nhà đặng ở. Khi cha Colombert (Đức cha Mỹ) tới đó đặng học tiếng annam, thì cha Trí cũng cất một nhà khác nửa cho người ở, và khi người biết tiếng annam vừa đủ thì qua ở họ Cái Nhum, và đang khi cha Colombert coi sóc họ Cái Nhum thì Đức cha Gioang (Mgr. Miche) đã đòi người về Saigon mà phong làm Giám mục phó.

Khi ấy họ Mặc Bắc nhơn số bổn đạo đã ra đông lắm, cách không đầy 100 năm, số 30 người tới Mặc Bắc đầu hết trong năm 1776, mà khi cha Montmayeur (cha Minh) làm cha sở kế tiếp cha Trí, thì số bổn đạo đã tới 3000 người.

13.Cha Montmayeur (1865-1874). - Dầu mà nhơn số giáo hữu họ Mặc Bác tấn thêm nhiều luôn, song các cha tây và các cha annam coi họ trong mấy đời bắt đạo Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, không có làm nhà cha sở đặng, vì phải trốn tránh ẩn mình trong những nhà bổn đạo; cho tới chừng nhà nước Langsa qua cai trị, thì hai cha sau hết là cha Công và cha Trí, mới cất nhà ở một bên nhà thờ mà ở luôn tại đó, cùng đi làm phước cho các họ xung quanh.

Cha Montmayeur tiếp kế cha Trí, là một cha tây đầu hết có chỗ ở luôn tại Mặc Bắc. Cha Montmayeur này là cố cựu thâm niên cao tuổi hơn các cha tây trong Địa phận; nhờ ơn Chúa cha đã ăn mừng lễ vàng 50 năm lãnh quờn chánh tế hồi năm 1910 rồi đây.

Khi cha Minh (Montmayeur) đến Mặc Bắc, thì cha Trí còn ở lại với người gần hai năm, rồi sau mới đổi qua họ Ba Xuyên. Lại cha Minh ở đó cách chừng hai ba năm thì đã dời nhà thờ lại chỗ bây giờ (đất của bổn đạo dưng), cha cũng cất nhà cha ở kế đó, nhà nầy bị bão năm 1873 hay là 1874 nên đã sập; vậy phải lo cất nhà khác là nhà cha sở ở bây giờ, cha Noisborne đã khởi công làm nhà nầy, và qua đời cha Fougerouse thì mới xây dựng hoàn thành.

Xin nhường đất. - Nhờ cha Montmayeur lo, nên Trùm Nhiên và Thủ Quyển đã xin cùng quan trên giao lại cho bổn đạo làm chủ, những đất tại Rạch Vồn kêu là Đồng điền trước là của bổn đạo, mà đời cựu trào quan Phan thanh Giảng đã lấy. Vậy đã xin lại đặng những đất ấy và Trùm Nhiên phân chia ra cho bổn đạo ở ăn lập nghiệp.

Khai phá, lập vườn  - Cha Montmayeur lo các việc tại họ Mặc Bắc và mấy họ xung quanh; lại cha cũng lo lắng cho bổn đạo khai phá đất mà lập vườn ruộng. Cả làng miệt Cần Chông bây giờ thì đâu đó là những vườn ruộng, chớ trước là rừng bụi cọp hùm và những vật dữ ở đây. Cha cũng là tay săn bắn giỏi lắm nữa; cha bắn giết tại đó hơn 20 con cọp; hễ cọp lai vãng xung quanh nhà thờ thì không thoát khỏi đặng, có một ngày mà cha bắn giết đặng 4 con cọp di kiếm ăn xung quanh đó.

Lập làng và họ Tân Thành.

Làng Tân Thành đã lập hồi cựu trào trong năm 1866, cả đất phía mé tả sông Cần Chông khi ấy thuộc về của quản Ninh, là đất công điền. Hồi đó có chừng bốn năm nhà có đạo ở theo mé sông, còn bao nhiêu thì là rừng bụi. Ông trùm Nhiên đã xin phép mà lập một làng riêng tại đó, kề một phần đất của làng cũ Ninh Thới chạy dài theo rạch cho đến làng An Cư. Trùm Nhiên phân cả đất ấy ra cho mấy người có đạo muốn tới ở lập nghiệp. Hễ chủ nào ở thì lần lần khai phá lập vườn, làm ruộng; còn xem lễ, đọc kinh, đi xưng tội, thì cứ tới nhà thờ họ Mặc Bắc.

Như vậy cho đến lâu sau, là lối năm 1877 hay là 1878, khi cha Delpech làm cha sở Mặc Bắc, thấy số bổn đạo về làng Tân Thành đã khá đông, nên đã cất một nhà thờ lá, và cha ở tại Mặc Bắc qua đó làm lễ, làm phước. Sau cha sở coi họ Tân Thành và ở tại đó đầu hết là cha Grelot; người ở đó có vài tháng kế cha Thơ đi lại, rồi kế cha Le Mée. Chừng cha Le Mée đổi đi thì cha Demarcq tới coi họ, cha cất một nhà cha sở còn lại bây giờ, và lợp nhà thờ lại bằng ngói, cha cũng lo mua ruộng cho bổn đạo làm nữa.

Tới năm 1889 hay là 1890 thì cha Nhân tiếp kế cho cha Demarcq; nhà thờ đã hư nên năm 1906 phải lo làm lại; nhờ các hương chức, nhứt là ông trùm Chiêu, mỗi năm làm 20 cùng là 30 mẫu ruộng đặng bán lúa lấy bạc mà cất nhà thờ, công cuộc xây dựng hoàn thành là năm 1911, giá nhà thờ mới nầy chừng một muôn rưởi tới một muôn tám ngàn bạc. Cả làng Tân Thành thì gần là toàn con nhà có đạo hết, theo sổ năm 1911 thì nhơn số bổn đạo đặng 600 người. Bỡi đất đai hẹp hòi nên bổn đạo chỗ khác không tới ở thêm nửa được, nên số bổn đạo tại họ cầm mực tại đó.

------------------------

III. – Những Họ về Địa sở Mặc Bắc

Họ Bông Bót.

Họ nầy đã lập lối năm 1868 hay là 1869; những bổn đạo đến ở đầu hết tại vàm rạch Bông Bót, và có cất một nhà thờ là chỗ dinh phủ Lạc Hóa, nơi kêu là Bến Cát; song bỡi ở đó không có ruộng mà làm, nên mấy người ấy đã bỏ mà đi nơi khác. Kế sau lối năm 1870, có huyện Siêu là người Cao-mên có đạo, qui bổn đạo về ở tại giồng Bà Mi, nơi ấy có ruộng cho bổn đạo làm, nên đã cất nhà thờ; mà đất đai không có bao nhiêu, cho nên tới ngày nay số bổn đạo tại họ chừng 200 mà thôi, vì nhiều kẻ bỏ nơi ấy mà đi kiếm xứ khác cho rộng bề làm ăn; phải mà không có ai bỏ họ như vậy, thì số bổn đạo rày cũng tới 500. Ban đầu thì các cha ở tại Mặc Bắc qua lại coi họ nầy, cho tới năm 1887, thì cha Desseaume ở Mặc Bắc qua ở luôn lại Bông Bót, cùng làm nhà thờ lại bằng cây, ván; vì nhà thờ cũ là nhà lá mà thôi. Cách hai cùng là ba năm thì cha Thích tới thế cho cha Desseaume. Qua năm 1902, cha Boismery đổi lại thế cho cha Thích; nhà thờ bị mối ăn hư hết, nên cha Boismery phải làm lại, cột cây trên lợp ngói. Chừng cha Boismery đổi đi thì cha Decoopman tiếp thế coi họ, cho tới khi cha đổi qua Rạch Lọp, và bây giờ thì cha Vêrô Cần đang coi họ ấy.

Họ Xoài Rùm (Trà Cú).

Gốc lập họ nầy là trong năm 1866 hay là 1867. Theo trong sổ rửa tội, thì những chầu nhưng tại họ chịu phép rửa tội trước hết là ngày 27 Novembre 1867, bỡi tay cha Montmayeur (Minh), và ngày 9 Janvier năm 1869, một lớp chầu nhưng 26 người đã chịu phép rửa tội; lại ngày 12 Juillet cũng trong năm ấy, một lớp chầu nhưng nữa, cùng 26 người đã chịu phép rửa tội. Lối năm 1870, cha Montmayeur có cất một nhà thờ nhỏ bằng lá tại họ nơi đất xã Mai. Mà đến sau không rõ những bổn đạo mới ấy đi đâu, thế nào, và làm cho họ ấy không còn mấy người. Qua năm 1898, cha Soullard (Sáng) lo lập họ nầy lại, và cất một nhà nhỏ bằng lá nơi mé vạch gần chợ Ngả Ba.

Khi cha Frison (Hoàng) tới Mặc Bắc trong năm 1900, thì cha có cho thầy giảng tới, và qua năm 1905 có sai cha Trình đến họ ấy mà lo lập lại; song các việc đều bất kham, không lập họ lại được như trước, và rày còn có ba bốn nhà có đạo mà thôi.

Họ Gò Xoài.

Họ nầy cũng như họ Xoài Rùm, nay không còn bao nhiêu bổn đạo, mấy người ấy rày đi xem lễ, xưng tội, thì qua nhà thờ họ Trà Ôn.

Họ Ba Phố.

Lối năm 1868 cùng 1869 thì đã có họ nầy, cha Nhu rửa tội cho những chầu nhưng đầu hết, là ngày 13 Avril 1869, số được 15 người; nay số bổn đạo tại họ chừng bảy tám mươi người mà thôi, vì không có vườn ruộng cho nhiều, nên không có ai tới ở thêm nữa; những bổn đạo ở đó đều ở trong đất của nhà thờ.

Họ Kinh (Long-hội).

Họ nầy đã có lối năm 1879, khi nhà nước đào cái kinh Venturini thông thương Cần Chông với rạch Long Thé, thì nhiều bổn đạo tại Mặc Bắc qua đó mà xin khẩn đất khai phá ruộng nương, cùng là mua mà ở. Khi cha Montmayeur thấy số bổn đạo tới ở đó đông thì đã cho cha Đậu đến ở tại đó là năm 1878, cha Đậu đã cất nhà thờ ngói cột gạch, cho tới mấy năm trước đây thì nhà thờ ấy hãy còn; mà sau đã hư, vì nền không vững chắc, nên phải làm lại nay cũng đã rồi. Bổn đạo tại họ khi ấy số chừng 300 hay là 400 người, mà sau có nhiều kẻ đi, cùng là bán ruộng đất lại cho kẻ khác, nên số bây giờ còn chừng 200 cùng là 250 bổn đạo. Cha Sâm tiếp kế cha Hậu mà coi họ, bây giờ thì cha Vêrô Cần ở tại Bông Bót qua lại coi họ ấy.

Khi cha Montmayeur (Minh) ở Mặc Bắc lối năm 1860 thì Tòa Thánh đã lập Địa phận Nam Vang, nên Đức cha Miche (Đức thầy Gioang) đã tách ra một phần sở thuộc về của Địa phận Nam Kỳ mà để lại cho địa phận mới ấy, kể cái sông Bassac là giái hạn hai địa phận, nên mấy họ về địa sở Sóc Trăng, Cái Quanh không còn thuộc về phần sở của họ Mặc Bắc nữa.

Họ Rạch Lọp.

Khi cha Montmayeur còn ở tại họ Mặc Bắc, thì có nhiều bổn đạo ở trong họ không có ruộng mà làm ăn, cho nên phải qua Rạch Lọp mướn ruộng của kẻ ngoại đặng làm. Đến sau cha Delpech muốn lập họ tại đó, nên đã mua của Tổng Dâu một đám đất chưa khai phá tới năm sáu trăm mẫu dài theo Rạch Lọp; cha cho bổn đạo Mặc Bắc qua đó ở mà khai phá làm ruộng nương, có trùm Nho làm đầu, ông nầy sống tới 100 tuổi, và mới chết cách năm bảy năm đây; hễ bổn đạo ai khai phá làm ruộng miếng nào thì đứng tên làm chủ miếng nấy. Ban đầu hễ cha tới đó thì làm lễ tại nhà trùm Nho, khi số bổn đạo khá đông thì có cha Điều đến ở tại họ, cùng cất một nhà thờ bằng cây, lấy ngói gạch của nhà thờ cũ Mặc Bắc mà làm.

Bây giờ số bổn đạo tại họ hơn 300 người. Kế tiếp cha Điều mà coi họ, thì có cha Duông, cha Decoopman và cha Bongain; bây giờ thì cha Vêrô Viện làm cha sở họ nầy. Cách mấy năm trước đây thì đã cất lại nhà cha sở, nhà trường bằng ngói gạch, nền xây dựng chắc chắn  nhà thờ cha Điều cất khi trước đã hư, nên cũng đã phải lo làm lại, công cuộc xây dựng tốt lành vững bền, nhà thờ mới nầy đã hoàn thành được vài năm đây.

IV. - Kể tiếp các cha coi họ tới bây giờ.

14. và 15 Cha Noisberme và cha Fotugerouse (1874-1975). - Trong năm 1873 hay là 1874 bị cơn bão nên cái nhà lá của cha Montmayeur (Minh) làm mà ở đã phải sập; vậy cha Noisberne và cha Fougerouse mới tính phải làm nhà cha sở cho vững bền chắc chắn, xây gạch lợp ngói, vách tường thì xây gạch dày lắm, có ý cho khỏi sợ bão hại nữa. Công việc mới khởi làm, kế cha Simon đổi lại.

16. Cha Simon (1875-1878).- Cha Simon (Sĩ) lo làm nhà cha sở tiếp theo, cha bớt gạch đã xây vách dày quá, theo mực thường, vách bốn bên xong rồi thì cha lợp lá mà ở. Khi cha Simon ở tại họ, trong năm 1876, thì có bịnh thiên thời nổi lên dữ dằn làm cho nhiều người phải chết. Khi ấy cha Simon và cha giúp người là cha Génibrel (Thượng) ngày đêm hằng lăng xăng đi làm phước, xức dầu cho kẻ liệt, nhiều ngày không có giờ mà làm lễ, đọc kinh, vì bịnh dịch tràn ra nhiều quá. Vậy cha Simon ở Mặc Bắc mấy năm rồi đổi lên Tha La và Tây Ninh.

17.Cha Delpech (1878-1884).- Việc thứ nhứt cha Delpeeh (Định) đã lo, là khởi cuộc làm nhà thờ mới, theo họa đồ của cha Boutier (Thiết) bày; vậy đã lo đào hầm xay nền, đá gạch xây chôn dưới nền sâu trót trăm thước vuông, chắc chắn vững bền lắm.

Nhà Mồ côi tại Tiểu Cần, - Bỡi nhờ của Delpech giỏi lo lắng, nên đã mua đặng một miếng đất tại Tiểu Cần của phó tổng Chu (cao mên), cùng lập một nhà Mồ côi (Ste Enfance) tại đó, một ít bổn đạo cũng đến đó cất nhà ở; nên cha phải cất một nhà thờ nhỏ. Mỗi năm các bà rửa tội tại đó hơn trăm con nít kẻ ngoại gần chết. Mà không có đất đặng chôn những xác hài nhi nầy, nên năm 1903, phó tổng Chu đã đành bán thêm cho Nhà Chung một miếng đất khác nữa rộng lớn, chừng bảy tám trăm thước. Vậy nhà Mồ côi, nhà thờ, và đất thánh đã lập tại chỗ đất ấy.

Cha Fougerouse ở Mặc Bắc lần thứ hai (1885-1899). - Việc lớn lao của cha Fougerouse (Phụng) đã lo, khi về ở Mặc Bắc lần sau và làm cha sở, là tiếp làm nhà thờ lớn Mặc Bắc cho đến hoàn thành, thợ đứng coi xây dựng là cha Errard, các việc đều lo làm vững bền mà ít hao tốn, cha Errard ở đó gần hai năm mà lo việc làm nhà thờ. Thật cha là thợ khéo giỏi và tài nghề, nhờ có cha nên nhà thờ làm mới xong, vì tiền bạc của họ và của bổn đạo dưng thì không bao nhiêu; bổn đạo phần nhiều là đủ ăn mà thôi; nhưng vậy cha Fougerouse đã rán lo hết sức hầu cho xong các việc, vậy cha phải mượn của Nhà Chung tiền bạc mà làm, và trong mười năm sau thì cha đã tiện tặn chắt lót và trả lại đủ hết cho Nhà Chung. Bổn đạo nghèo không tiền bạc mà bỏ vô, thì mỗi người lo phụ giúp công; hầm gạch, hầm vôi tại đó, hai lò vôi có hoài trong khi xây dựng nhà thờ. Nam nữ, già, trẻ, đều phải thi công mà phụ giúp, cha Fougerouse thì giục bảo, khuyên lơn, chạy đầu nầy, sang đầu kia mà xem các việc, bổn đạo ai nấy đều hớn hở mà làm, chẳng ai phàn nàn gì hết, bỡi thấy trước mặt cha sở làm gương chịu cực khổ, và nghe lời lành cho khuyên dỗ ủi an, cho nên thảy đều phấn chấn mà làm các việc. Thật thì công cán cha Foggerouse lo lắng về nhà thờ Mặc Bắc thậm dài lắm, âu là nay Chúa đã thưởng công cha trên trời. Trong việc lớn lao ấy thì cha nhờ các chức việc trong họ làm, mà nhứt là ông trùm Nhiên, là con Á thánh Giude Lựu; Ông trùm ấy từ sớm mai tới chiều thì hằng phụ với cha mà xem sóc mọi việc, thật là như tay hữu cha vậy.

Trong năm 1887, nhà thờ lớn nầy mới hoàn thành, và Đức cha Colombert (Mỹ) đã làm lễ khánh tán trọng thể, có nhiều cha các nơi tựu đến, và bổn đạo họ Mặc Bắc vui mừng khôn xiết.

Cha Fougerouse sức lực mạnh mẽ, đã lo kham việc lập thánh đàng, mà còn lo việc họ nữa, nhơn số bổn đạo hơn 3000 người, nên sức phải hao kém, cho nên năm 1895 Đức cha Dépierre (Để) cho cha Soullard (Sáng) giúp coi địa sở và họ; cha Soullard ở đó thì qua năm 1899 cha Fougerouse phải đi nghỉ dưỡng bịnh bên Hồng Kông, thì cha Soullard coi họ cho tới tháng Février năm 1900, kế có cha Frison (Hoàng) đổi lại làm cha sở họ Mặc Bắc cho tới ngày nay:

Còn cha Fougerouse thì đã qua đời bằng an tại bên Hồng Kông trong tháng Décembre năm 1899.

Những đấng Tử đạo và Xưng đạo

Họ Mặc Bắc đặng kể số những đấng Tử đạo và Xưng đạo sau nầy hộ vực bàu chủ giúp trên trời.

Tử đạo

1. Á thánh Marchand, đã đặng phong lên bực Á thánh ngày 27 Mai 1900.

2. Á thánh Philipphê Minh, đặng phong lên bực Á thánh ngày 2 Mai 1909.

3. Á thánh Giude Lựu, trùm họ Mặc Bắc, đặng phong lên bực Á thánh ngày 2 Mai 1909.

4. Á thánh Vêrô Lựu, cha ở Mặc Bác trước cha Minh, đặng phong lên bực Á thánh ngày 2 Mai 1909.

Xưng đạo.

1.Vêrô Nguyễn Văn Trị kêu là phó tổng Trị, bị bắt một lượt với cha Minh, dẫn qua Vĩnh Long bỏ vào ngục với cha Minh và Ông trùm Lựu cùng mấy người khác, bị xử án đày ra Bắc Ninh (Tonkin), đã qua đời tại họ Huống Tĩnh (Thái Nguyên) xác người chôn trong đất thánh họ ấy (Địa phận Hiphanho).

2.Đội Lý, là cựu bổn đạo họ Cái Bông, phải bếp Nhẫn bắt cùng ít người khác, Đội Lý ở trong khám Vĩnh Long và qua đời tại đó, bỡi phải thiếu thốn mọi bề và phải quân lính hành hạ mà phải chết vì đạo Chúa.

(Chung)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Họ Mặc Bắc

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

---------------------------

ĐỊA SỞ HỌ MẶC BẮC

---------------------------

I. Gốc lập Họ

Mặc Bắc đã lập trong đời vua Gia Long, lối năm 1776 hay là 1778. Khi ấy Đức thầy Vêrô (Mgr. Pigneaux de Béhaine, Eveque d'Adran) thay mặt Đức Giáo tông mà cai trị Địa phận Nam Kỳ và nước Cao Mên, hai xứ chưa có chia ra hai Địa phận khác nhau; cho tới năm 1844 và 1850 thì mới phân ra như bây giờ.

Đời ấy việc đạo thánh đặng bình an, dầu mà có lệnh cấm đạo, song vua Gia Long không có ra chỉ dạy bắt bớ nhặt nhiệm con nhà giáo hữu, cho nên thì cũng dễ bề cho ai nấy giữ đạo. Vậy có hai người có đạo là Nguyễn văn Dươn, kêu là cả Dươn, vì người đã lập làng Long Định cùng làm ông cả trước hết, quê ở họ Cái Đôi phía trên Bòót; và Nguyễn văn Sách cũng là ông cả, là cha á thánh Giude Lựu, gốc ở Cái Nhum, sau lên Bòót, hai người ấy xuống tại Cần Chông có ý kiếm đất ở cùng lập họ.

Khi ấy làng Long Định và làng Tân Thành chưa có; dài theo sông lớn (Bassac) phía dưới rạch Cầu Kè chạy cho tới Bắc Trang thì có một làng mà thôi, là làng Ninh Thới, cho nên làng nầy rộng đất minh mông, mà phần nhiều là rừng bụi, cọp hùm và những vật dữ ở; còn người ta thì ở rải rác mấy đất giồng, cùng là ở dài theo mé rạch.

Vậy nhờ dịp nầy (thật là bỡi ý Chúa xui khiến) cho nên mới lập đặng họ Mặc Bắc: Dân ở mấy giồng không có tiền bạc mà đóng thuế cho nhà nước, nên chúng nó đành bán ba cái giồng lại cho cả Dươn và cả Sách giá là 300 quan tiền (đời ấy 300 quan cũng là nhiều lắm); theo trong tờ bán ba giồng, thì cũng kê luôn những đất liền hiệp theo đó, cho nên rộng lớn lắm.

Mua mấy giồng xong rồi, cả Dươn và cả Sách trở về nhà đề huề thê tử với bà con, cùng rủ ít người có đạo tại Bòót tới đó mà ở, số hết thảy được chừng 30 người, chở đồ đạc xuống ghe, chèo tới đậu tại rạch Mặc Bắc, nơi giồng kế một bên rạch ấy, chuyển đồ lên đó cùng lập nhà cữa mà ở; bỡi đó mới lấy theo tên cái rạch nhỏ ấy mà kêu là Họ Mặc Bắc.

Vậy họ nầy ban sơ là như một giống nhỏ mọn mà sau đó đã nên cội lớn sum sê, cho đến đỗi cách không đầy 100 năm sau, thì không còn đất đai cho cây đâm chồi nẩy tượt; mà cội ấy chẳng những đã trỗ sinh hột giống xung quanh mình mà thôi, mà lại còn gieo vãi ra xa nữa, cho tới mấy đồng minh mông khác, là Trà Lồng, Rạch Giá và Cà Mau.

Ban đầu thì số bổn đạo thêm lần lần cũng lâu lắm, vì hễ có sinh con cái ra thì mới tăng số, còn kẻ ngoại ở xung quanh đó trở lại đạo không bao nhiêu. Cho tới năm 1840, đời cha Thiên là cha sở thứ năm coi họ Mặc Bắc, thì bổn đạo lớn nhỏ tại họ, số chừng ba bốn trăm mà thôi. Mà kế sau đó, thì mới thêm số đặng mau, bỡi có nhiều người giáo hữu ở những họ khác tới đó mà ở, nhứt là mấy họ: Cái Hưu, Cà Mau, Rạch Nhà và Cái Nhum. Những kẻ ấy tới ở đông quá, nên lập ra đặng một ấp trong làng, kêu là ấp Bình Tân, bây giờ cũng còn ấp nầy. Bổn đạo các nơi đem nhau tới ngụ tại Mặc Bắc, là bỡi cớ có bắt đạo; mà tại họ nầy thì các giáo hữu đặng ở an, khỏi lo sợ sự gì. Bỡi làng Long Định là toàn con nhà có đạo, cho nên các việc đạo đều đặng yên ổn lắm. - Đây phải kể tích lập làng Long Định là thể nào cho ai nấy rõ.

Lập làng Long Định.

Vậy mấy người cả Dươn và cả Sách dắc tới đó ở, thì cất nhà cữa, lập nghiệp làm ăn, khai phá mấy giồng mà làm ruộng nương; bỡi ở xa mới tới, lại là có đạo, còn hương chức làng Ninh Thới thẩy đều ngoại, cho nên thì phải chúng nó húng hiếp nhạo báng cùng bắt buộc nhiều đều. Cả Dươn và cả Sách thấy sự vậy mới bàn tính với nhau, phải làm thế nào cho bổn đạo đặng yên mà làm ăn cùng dễ bề giữ đạo, nên mới liệu, dầu phải hao tốn bao nhiêu cũng bằng lòng, miễn là xin quan trên cho được tách ra khỏi làng Ninh Thới, mà lập một làng riêng tại đó. Hai ông bèn làm đơn mà đi xin, trước hết vô đơn tại thầy cai tổng tên là Thương, chịu vài quan tiền thì thầy cai đành lòng ký tên, đóng dấu thị chứng cho; rồi phải tới quan chủ quận Lạc Hóa là quan phủ Bằng, dinh người ở gần rạch Bông Bót, chỗ kêu là Bến Cát, quan phủ ký tên đóng dấu thị vào đơn, lại còn cho thêm một tờ bẩm, gởi cho quan Tổng đốc Vĩnh Long, chứng rằng việc hai người ấy lo là sự phải lẽ; (hai ông cả phải chịu nhiều tiền cho quan phủ, cho nên việc mới được vậy.)

Hai ông bèn qua tĩnh Vĩnh Long, nạp đơn vào, quan liền phê nhận, ban cho một bằng cấp lập làng Long Định, phân giái hạn với làng Ninh Thới. Vậy làng Ninh Thới phía trên thì còn một dãy đất dài chạy cho tới vàm rạch Mặc Bắc, còn phía dưới thì ăn dài xuống vàm Cần Chông cho tới Bắc Trang. Ấy là gốc tích lập làng Long Định. Lại đến sau khi lập làng Tân Thành, thì cũng còn lấy phần đất của làng Ninh Thới phía dưới, phía đó bây giờ thì còn một ấp nhỏ thuộc về làng Ninh Thới mà thôi. Lập làng xong, bổn đạo không còn lo phải hương chức làng Ninh Thới húng hiếp nhạo báng như trước. Khỏi phép làng ngoại đã rồi, còn một nỗi phải lo thể nào mà lấy lòng thầy cai tổng và quan phủ chủ quận nữa. Cả Dươn và cả Sách thấy việc lập làng đặng may mắn như thế, bỡi nhờ có tiền bạc mới thành; cho nên hai ông bàn tính với nhau, cũng phải làm cách ấy mà mua lòng cai tổng và quan chủ quận, hầu cho ai nấy trong làng đặng ở an mà giữ đạo. Vậy trừ ra các sắc thuế phải đóng cho nhà nước, mỗi người còn phải chịu thêm chung cùng với nhau một số 300 quan tiền mỗi năm, đặng đi lễ cho quan chủ quận Lạc Hóa là phủ Bằng, và 150 quan cho thầy cai tổng Thương.

Quan phủ Bằng tính tự nhiên thì hiền hậu, và không có hay kiếm đều chi mà húng hiếp kẻ có đạo, mà lại có lòng yêu cả Dươn và cả Sách nữa; song bỡi bổn đạo tự ý đồng lòng dưng cho người mỗi năm 300 quan tiền như vậy, thì quan ngoại nầy không lòng nào từ rảy. Mà thật nhờ ơn quan phủ lắm, cho nên bổn đạo họ Mặc Bắc mới đặng ở an; vì hễ có ai tới tại nha môn mà cáo rằng có đạo trưởng (thầy cả) ở tại Mặc Bắc, thì quan phủ liền sai một người tâm phúc đến đó mà nói cho ông cả hay trước vài ngày; nên cha bèn lo ẩn mình, áo lễ, đồ lễ thì bổn đạo lo đem giấu trên rừng bụi cùng là chở đi chỗ khác. Chừng quan phủ tới tra xét theo phép, thì không có gì hết; những đội và lính đã biết rõ quan thầy mình chẳng muốn làm gì khó lòng cho bổn đạo, nên thì cũng theo một lòng tử tế; bổn đạo cho thầy đội vài quan tiền, đãi mấy tên lính mỗi đứa vài chén rượu, rồi thì chúng nó chống ghe lui, chèo đưa quan phủ trở về.

Bỡi nhờ vậy cho nên họ Mặc Bắc đặng bình an lâu dài, khỏi lo sợ sự gì; bổn đạo ở mấy nơi khác phải húng hiếp bắt bớ, thì rủ nhau về ở Cần Chông, vì biết rõ tại đó thì đặng ở an giữ đạo thong thả. Lại nơi ấy là xứ có rừng bụi cọp hùm ở đây, như có xảy ra sự gì, thì cũng dễ bề trốn tránh.

Đây kể lại các việc như vậy cho ai nấy rõ, bỡi những cớ đó cho nên bổn đạo họ Mặc Bắc mới đặng mau tăng số thêm nhiều, vì gốc bỡi lập đặng làng có đạo Long Định, cùng vì mua đặng lòng cai tổng và quan chủ quận, cho nên bổn đạo mới đặng khỏi lo sợ bắt bớ. Mà các việc đã đặng thành như vậy, sao cha Minh (á thánh) lại phải bị bắt cùng lãnh chức tử đạo cũng trong lúc ấy? Vậy phải kể luôn cho hết: Tên bếp Nhẫn, xã Hiệp và lý Váp là kẻ cáo cha Minh, chúng nó tạo hết các việc, biết cai tổng và quan phủ không hề khi nào bắt bớ các cha tại họ, có tới nha môn mà cáo thì sẽ ăn trợt; cho nên chúng nó qua tại Vĩnh Long, cáo cùng quan tĩnh, quan bèn xuống thẳng tại Mặc Bắc mà bắt đặng cha Minh, còn cai tổng và quan phủ chẳng hay biết việc gì.

Gốc đất nhà trường.

Những đất nầy là của cả Sách đã mua một lượt với cả Dươn; và để cho bổn đạo khai phá làm nên vườn ruộng; vậy cả Sách sợ đến sau con cháu mình dành phần ăn mà rầy rà tranh cạnh với nhau, nên trước khi chết thì người đã dưng cho nhà thờ cả đất ấy hết, để lại cho con cháu một đám ruộng mà thôi, kêu là “Đồng tròn”. Đến sau, Đức cha Colombert (Mỹ), đã dạy giao lại cho con cháu á thánh Giude Lựu 50 cao đất giồng và chừng 50 cao đất vườn, mà ăn hưởng huê lợi cùng đóng thuế cho nhà nước. Sau nữa, trong năm 1910, theo tờ có quan thị chứng (acte notarié) đề ngày 22 Janvier, Đức cha Mossard (Mão) đã phân hai sở đất ấy riêng ra khỏi đất đã dưng cho nhà thờ, cùng giao cho con cháu cả Sách đứng tên làm chủ mà ăn luôn.

II. - Các cha coi họ.

1.Cha Giacôbê Phướng. - Đời Đức thầy Vêrô thì có cha Giacôbê Phướng coi họ Mặc Bắc đầu hết, cha này gốc ở Bình Định, bổn đạo kêu theo tên thánh là cha “Giacôbê”, người lo lắng giúp cả Dươn với cả Sách trong việc lập họ. Ban đầu thì tại họ không có nhà thờ, nên cha Giacôbê làm lễ, làm các phép bí tích trong những nhà bổn đạo, thường là trong mấy nhà chức việc. Sau đó thấy việc đạo đặng yên, vì có lệnh cấm đạo mà Minh Mạng không có dạy bắt bớ dữ dằn, nên bổn đạo xin phép cha mà cất một nhà thờ, cột cây, trên lợp lá, tại giồng giữa, bây giờ là nơi trước nhà bà câu Đều; cất nhà thờ mà thôi, chớ không có làm nhà cho cha ở, vì cha phải đi làm phước cho các họ khác thuộc về địa sở cha cai, cho nên không có ở được một nơi hoài đặng.

2.Cha Lân. - Khi cha Giacôbê qua đời rồi, thì cha Lân kế tiếp mà coi họ Mặc Bắc và mấy họ xung quanh, cha nầy còn một người cháu còn sống ở tại họ bây giờ, cùng làm chức việc họ. Khi cha Lân tới Mặc Bắc thì bổn đạo mừng rỡ lắm, trong họ có đặt bài chúc; lại mỗi khi cha đi các họ mà đáo lại Mặc Bắc, thì bổn đạo đều tựu ăn mừng. Lúc ấy Minh Mạng hạ lịnh cấm đạo nhặt hơn, cùng dạy phá hết các nhà thờ; họ Mặc Bắc sợ kẻo quân lính tới làm dữ bổn đạo, cho nên bổn đạo đã hiệp nhau dở nhà thờ và đem cây cột ngâm dưới (bàu xía) trước nơi đất thánh bây giờ. Đến sau bổn đạo đã cất nhà thờ lại nơi cũ, cùng đã chôn xác á thánh Giude Lựu và xác đội Lý, cả hai đã qua đời tại khám Vĩnh Long, sau nữa cũng đã chôn trong nhà thờ ấy, xác cha Abonnel, bị quân dữ giết tại miệt Càng Long, khi cha dắc học trò lên trường Latinh Sài Gòn.

3.Á thánh Marchand (Cố Du). - Sau cha Lân thì cha Marchand coi họ Mặc Bắc; song có kẻ nói cha Marchand đi viếng các họ như cha bề trên, mà bỡi đời ấy số các cha hi thiểu lắm, nên cha Marchand phải ngồi tòa làm phước, làm các phép, trong mỗi họ người viếng như là cha sở vậy

Người ta nói khi họ Mặc Bắc đặng tin cha Marchand đến họ, thì bổn đạo hiệp nhau làm một cái nhà vuông, chỗ khuất tịch trên rừng, nơi kêu là “Sẩm đền” gần bên rạch Vồn; hễ lần nào cha tới thì ở tại đó, làm lễ, ngồi tòa, ban phép Rửa tội, dạy đồng nhi, và cũng có ban phép Xức trán nữa. Nơi rừng bụi ấy cọp hùm ở đầy, nên có kẻ hỏi cha: ở vậy mà cha có sợ không? thì cha trả lời rằng: Cha không sợ cọp bốn chơn, cha một sợ cọp hai chơn mà thôi! Dầu cha nói vậy, chớ cũng phải có bốn năm người chức việc ở với cha luôn, và khi có ai tới rước cha đi kẻ liệt, thì mấy chức việc phải đi trước dẫn đàng.

Bổn đạo nói cha Marchand tánh vui vẻ lắm, lại biết làm nhiều phép thuật nữa: khi ai nấy tựu tới tại nhà vuông mà mừng cha, rồi cha lấy cây gậy quăng xuống đất, thì thấy thành con rắn chạy cùng nhà, khi thì cha hóa phép thấy như có lửa cháy cái nhà vuông ấy, làm cho bổn đạo sợ hoảng chạy ra khỏi hết, khi thì cha lại thuật như thấy nhà phải nước ngập, ai nấy hối hả lo khuân đồ kẻo bị nước trôi, v.v., còn cha thấy bổn đạo sợ hãi hoảng hốt vậy, thì đứng vỗ tay mà cười ngất....

Bài ca “cái vè” của bổn đạo đặt ra mà mừng cha Marchand khi mới đến tại nhà vuông chỗ “Sẩm đền” thì một bà già còn sống, hơn 70 tuổi, ở tại họ Mặc Bắc còn nhớ, hồi đó bà nầy còn nhỏ, nghe cha mẹ hát đi hát lại cái vè ấy trong nhà hoài, nên đã thuộc lòng, và nhớ cho tới bây giờ.

Cha Marchand qua lại coi họ Mặc Bắc chẳng được mấy năm, rồi phải đi mấy địa sở khác, là Bãi Xan, Giồng Rùm, v. v.

4.Cha nhơn – Kế đó thì có cha Nhơn tới coi họ, mà cha nầy bịnh, đau yếu hoài, lo lắng các việc không phỉ, nên cha ở đó trong chừng ba tháng, thì đã đổi đi chỗ khác.

5.Cha Thiên - Cha Thiên tiếp thế cho cha Nhơn, mà cha cũng không ở hoài một chỗ, vì phải đi họ nầy họ kia luôn. Khi ấy họ Mặc Bắc số bổn đạo được ba bốn trăm, là cách 40 cùng là 50 năm sau khi cả Dươn và cả Sách tới Cần Chông; lúc này có lịnh dạy bắt đạo, nên bổn đạo phải chung tiền với nhau mà chịu cho quan phủ Lạc Hóa mỗi năm 300 quan, và cho cai tổng 150 quan, hầu cho bổn đạo đặng khỏi bắt bớ, như đã có kể lại trong số trước. Mà nhứt là tại trong lúc nầy số bổn đạo tại họ đặng chóng thêm nhiều, vì những bổn đạo ở mấy họ: Cái Hưu, Rạch Nhà, Cà Mau, bỡi sợ phải bắt nên rủ nhau tới Cần Chông mà ở, cùng lập nên ấp Đình Tấn. Lại cũng trong lúc nầy có ông trùm Sang dắc một đoàn bổn đạo ở họ Sa Keo tới họ Mặc Bắc mà ở cho vững thế.

6.Cha Hiển. - Cha thứ sáu coi họ Mặc Bắc là cha Hiển, bổn đạo nói cha nầy nhát lắm, vì sợ phải bị bắt. Cho nên hễ khi có ai rước đi kẻ liệt, thì cha bận áo cũ mèm, vá bậy bạ, đầu đội nón lá như mấy chủ ruộng rẫy vậy; còn áo các phép, dây stola, dầu thánh, thì bỏ trong thùng, trên thì chất rau, trầu, biểu một người đàn bà đội đi, giả như là kẻ buôn bán vặt vậy.

Không rõ bổn đạo đã cất nhà thờ lại hồi nào, mà trong khi cha Hiển coi họ Mặc Bắc thì có một nhà thờ mới gần nền nhà thờ cũ, chỗ nhà biện Cận bây giờ, Lại vì sợ quan quân biết, cho nên xung quanh kề nhà thờ thì bổn đạo cất trại để đồ dệt tơ lụa, cùng đồ rơm kén để tằm; những xát lá dâu, phân tằm thì đổ bậy xung quanh đó, nên không ai biết là nơi có nhà thờ, quan lính có tới thì tưởng là trại để tằm cùng dệt tơ lụa mà thôi. Nhưng vậy cha Hiển cũng đã bị cáo tại Vĩnh Long, nên quan sai đội và lính tới bắt. Thời may có kẻ hay nên tin cho cha biết mà trốn, cha lật đật chạy trốn, mà bỡi ban đêm trời tối mịt, nên cha phải sụp xuống một cái giếng, và nhờ cha ẩn mình dưới đó thì mới khỏi bị bắt. Tên đội với quân lính xét kiểm trong nhà, ngoài vườn mà không gặp đặng cha, nên chúng nó trở về.

Cha Hiển ở  Mặc Bắc được 33 tháng mà thôi, rồi thì đổi đi chỗ khác.

7.Cha Tùng. - Khi cha Hiển đổi đi thì cha Tùng tiếp coi họ Mặc Bắc, mà cha ở đó trong một tháng rưỡi mà thôi, rồi thì có cha Lựu (á thánh) đổi lại. Người ta nhớ về cha Tùng một sự nầy: Là hể cha đi đâu thì có xách theo một hủ dầu gió (giả như là ông thầy đi bán dầu bán thuốc vậy); ngày kia có động dụng cha sợ phải bắt, nên đi trốn trên rừng rậm, chừng yên rồi bổn đạo đi kiếm cha mà không biết trốn chỗ nào, nhờ có mùi dầu gió bay ra, nên bổn đạo mới theo hơi mà tìm đặng chỗ cha đang ẩn mình.

8.Á thánh Lựu - Cha Lựu coi họ Mặc Bắc cho tới năm 1853; khi cha ở đó thì có cha Pernot tới viếng mấy họ miệt ấy. Lúc nầy tại họ có nhà thờ, mà cha Lựu thường thì ở tại mấy nhà hương chức, nhứt là nhà ông trùm Lựu. Tưởng là cha đã bị bắt tại đó, mà sau thì cha Minh tiếp kế người mới phải bắt. Chuyện như vầy: Khi ấy cha Lựu đang lo coi dọn nền đặng dời nhà thờ lại chỗ mới (sau là chủ nhà thôn Thân); bổn đạo đem cây cột tới đó đặng mà dựng lên; kế có bếp Nhẫn tới xớ rớ làm bộ như là muốn phụ giúp vô, và lấy cây đo chỗ nền coi lòng kèo lòng trính có vừa không, rồi nó lại gần cha Lựu mà than thở túng rỗi, cùng xin cha giúp nó 300 quan tiền. Cha Lựu biết danh tánh nó rõ lắm, nên cha đoán nó đi đo, giả chước xin tiền đặng mà nộp cha. Vậy cha trả lời cho nó như vầy:  “Mầy là đạo dòng đạo dõi, mầy muốn bán tao như Giuda sao, mầy muốn cáo tao thì cáo đi, tao ham mũ triều thiên tử đạo lắm”. Bếp Nhẫn nghe cha quở mấy lời nhằm tâm mình, nên hổ thẹn và lui ra, cùng quyết đi cáo cha mà thôi. Vậy nó bèn tuốt qua tĩnh Vĩnh Long, đâm đơn cáo cùng quan, rằng có đạo trưởng Lựu ở tại Mặc Bắc, Song quan tĩnh không chấp đơn, trả lại cho nó, và biểu phải cho có ba người đứng đơn cáo, thì quan mới chịu sai quan lính đi bắt, vì một người đứng đơn thì không chắc sự vào đâu. Cho nên bếp Nhẫn phải trở về, mà lòng quyết một, thế nào cũng làm cho cha Lựu phải bắt mà thôi. Vậy nó mới bàn tính với tên xã Hiệp và một tên lính cựu là Lý Vấp, cả ba đứng vào đơn mà cáo cha Lựu. Bỡi đó cho nên khi các việc tính tới xong, ba tên ấy đem nhau qua tĩnh Vĩnh Long mà vô đơn, thì đã cách lâu ngày với phen bếp Nhẫn đi vô đơn cáo cha lần trước, và trong lúc đó thì cha Lựu đổi đi Ba Giồng, cha Minh Cái Mơng qua thế tại Mặc Bắc.

9.Á thánh Minh. - Cha Minh gốc ở Cái Mơng, đã tới coi họ Mặc Bắc trong một tháng và mười tám ngày mà thôi, kế cha phải bị bắt tại nhà ông trùm Lựu; dẫn cha qua Vĩnh Long, và cha là phải chịu chém vì đạo Chúa. (Coi trong hạnh cha Minh và ông trùm Lựu tử đạo.)

10.Cha Đoan (1858 - 1859). - Sau khi cha Minh và ông trùm Lựu phải bắt cùng chịu tử vì đạo rồi, thì trong sáu tháng không có cha nào tới coi họ Mặc Băc. Sau đó có cha Đoan đến mà kế tiếp Á thánh Minh, song cũng phải lo sợ lắm, nên cha không dám ở lâu tại Mặc Bắc, hễ cách sáu tháng thì tới đó vài bữa, ngồi tòa, làm phước, rồi thì đi nơi khác liền. Cách hai năm sau, cha Đoan đã cất nhà thờ lại chỗ khác, ba căn một chái (nơi nhà biện Cận bây giờ); vì nhà thờ trước, khi quan quân tới bắt cha Minh, thì đã phá hủy hết. Vậy nhà thờ mới nầy phía ngoài cũng làm như là nhà để nuôi tằm và dệt tơ lụa; hễ khi có cha tới, thì tối lại dẹp mấy giàn để tằm cho bổn đạo tựu đến, và cha ngồi tòa, làm phước, giảng dạy cùng làm lễ cho ai nấy xem, sáng ra thì sắp đặt các đồ nghề tằm tơ lại như cũ. Cha Đoan tới đó thì ở nhà mấy chức việc, bữa nhà nầy bữa nhà kia cho tới chừng đi, chớ không dám ở luôn một nhà. Cất nhà thờ và cũng cất nhà phước lại (chỗ nhà ông Mộ). Nhà phước nầy Á thánh Lựu đã lập; khi dời lại đây thì số các dì phước được 15 người, bà nhứt Trung và bà nhì Rậm cai quản, Cha Đoan coi họ Mặc Bắc đặng 4 năm, rồi kế cha Công đổi lại.

11.Cha Công (1859-1862). - Khi cha Công đến Mặc Bắc thì nhơn số bổn đạo được 1000 tới 1500; cha cũng phải dự phòng luôn kẻo phải bắt; cho nên tối thì bổn đạo mới tựu lại nhà thờ mà xem lễ, đọc kinh, cùng phải đặt nhiều người canh giữ nhiều chỗ, kẻo quan quân tới thình lình mà không hay. Khi cha Công ở đó được 4 tháng, thì có bếp Nhẫn với hai ba tên nữa một bạn với nó, vào nhà phước mà biểu phải nạp đạo trưởng. Mấy dì phước đều sợ chạy trốn hết, ẩn mình tại nhà trùm Sang; cha Công cũng đi trốn nữa. Dầu bếp Nhẫn với tên xã Hiệp không có lệnh quan dạy, mà nó bắt đội Lý là cựu bổn đạo họ Cái Bông, mới về ở họ Mặc Bắc được vài năm, người có một gái tên là Tiếng cho đi nhà phước.

Mấy tên hung hoang ấy gặp một khúc chuỗi lần và một miếng giấy có viết chữ quốc ngữ tại nhà đội Lý, thì chúng nó nói là đồ của đạo trưởng, lấy cớ ấy mà bắt đội Lý, trói người lại mà dẫn qua Vĩnh Long, nạp người cho quan cùng mấy đồ tang ấy, cáo rằng người hoa trử đạo trưởng. Quan liền giam đội Lý, người ở trong ngục mà phải thiếu thốn mọi bề, lại phải những quân lính hành hạ đánh khảo, cho nên người chịu hết sức mà phải chết tại khám.

Cha Công cứ ở coi sóc họ Mặc Bắc và thêm lo sợ hơn nữa, vì lúc ấy là lúc bắt đạo dữ dằn; lại bất kỳ là ai cũng đều có phép bắt các đạo trưởng mà giải nạp cho quan, quan bỏ vô khám liền, giam đó sau mới trị hỏi.

Cho đến khi nhà trớc Langsa soán tỉnh Vĩnh Long thì mới đặng an, bổn đạo không còn sợ bắt bớ gì nữa, các cha không còn phải trốn tránh ẩn mình. Khi ấy cha Công làm như một quan lớn, hễ có đi ghe thì là ghe hầu, có cờ, có đội, lính theo, thảy là mấy bổn đạo tại họ. Trùm Nhiên là con á thánh Giude Lựu làm đội nhứt, chú Dưỡng làm đội nhì, v, v. Bấy giờ thì không sợ gì hết, vì biết rõ nhà nước Langsa binh vực con nhà có đạo, cho nên trong họ bổn đạo lập cơ lính, đặng mà đuổi trừ quân hung hoang nguy nghịch cùng nhà nước langsa, và lo canh giữ trong họ cho khỏi chúng nó phá phách.

Cha Công hưởng sự vui vẻ bình an ấy trong chừng năm tháng, rồi thì đã đổi đi Bà Rịa.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Nữ tu Martha Nguyễn Thị Khanh

Nữ tu Martha Nguyễn Thị Khanh

-         Sinh năm 1877

-         Tại họ Búng - (chị của Cha Anrê Diên)

-         Tu si Dòng MTG Thủ Thiêm

-         Qua đời ngày 12. 10. 1932, tại nhà phước Thủ Thiêm

IN PARADISUM…!

---------------------

Tảng sáng, vầng hồng chưa mọc, ngoài trời còn chút sương sa, trong một chỗ quạnh hiu vắng vẻ, trong nhà thờ nhỏ hẹp Nhà Phước Thủ-thiêm, giữa để một quan tài liệm người chết hôm qua… người ấy là một người trong dòng.

Tiếng hát của các chị áo trắng, của các dì áo đen, nghe êm ái, dịu dàng, buồn thảm như khóc như than…Requiem æternam dona eis, Domine! Tiếng than thở của những kẻ bị đày nơi sủng khóc lóc nầy kêu lên cùng Chúa: De profundis…!

Ngó theo mấy ghế, thấy có ít người bổn đạo thế gian, còn hết thảy là những người trong Nhà Phước, những bà già lụm cụm, những dì tuổi sồn sồn, những chị còn trẻ măng quì gối cầu nguyện đầy lòng sốt sắng. Trên bàn thờ, một cha đang làm lễ cho chị là người chết, đang nằm trong quan tài… Người chết đó là dì Mátta Khanh, còn cha đang làm lễ là cha sở Tân-qui, cha Anrê Diên.

Một dì phước nhỏ người, ốm nhách, ho khẹt khẹt, thân thể gầy mòn như nhánh củi khô… dì Mátta Khanh mang bịnh ho lao thổ huyết lâu năm. Ban đầu, còn ở nhà khách, ra vô làm việc, đến chừng hơn một năm nay, bịnh một ngày một nặng, uống thuốc vô cũng như không. Ai cũng biết: bịnh ho lao thổ huyết làm khổ cực con người lắm, nó làm cho người bịnh phải chết lần chết mòn. Thì biết dì Mátta đã chịu khó lập công trước mặt Chúa thể nào. Chẳng những người bịnh có công nghiệp, mà lại các kẻ giúp người bịnh, các dì đã vì lòng mến Chúa yêu người, lo lắng săn sóc dì Mátta bấy lâu, thiệt công ấy một mình Đ C T biết và một mình Người trả lại cho xứng mà thôi.

Song về sự ở đời, chúng tôi cũng một lòng biết ơn các dì. Bài nầy viết ra có một ý, là: gia thất chúng tôi tỏ chút tình biết ơn hai bà nhứt và các các dì đã lo lắng cho dì Mátta, trong lúc ốm đau cho tới khi yên phần mộ. Một lời chơn thật, không tô bốc, sẵn tôi xin nói: Nhà Phước Thủ-thiêm thật là một nơi thánh, là một chỗ thiệt hành hai nhơn đức khó khănthương yêu của Chúa một cách châu đáo, rỡ ràng. Cách sinh hoạt rất đơn sơ, luật phép rất dịu dàng, không, “tham phú phụ bần”, ở với nhau thiệt tình như chị em, thật các bà trong nhà Phước xứng với các tôn hiệu “chị em mến thánh giá” thay!

Vậy, dì Mátta Khanh đau trầm trệ hơn cả năm, bịnh một ngày một nặng, các bà trong nhà Phước lo tận tình giúp đỡ, phần xác phần hồn không thiếu một sự gì. Không cần nói, ai cũng biết dì Mátta sẵn lòng chết theo ý Chúa và đã dọn mình sốt sắng thể nào. Đến trưa ngày thứ tư, 12 Octobre, trước mặt chị em đang cầu nguyện, dì Mátta đưa một hơi thở nhẹ nhàng, linh hồn ra khỏi xác, hưởng thọ được 56 tuổi. Qua sáng ngày thứ năm, cha Anrê Diên đến làm lễ hát cầu cho linh hồn chị, tại nhà thờ nhỏ nhà phước, như đã thuật trên. Lễ rồi, các bà và các chị trong nhà Phước thay phiên cầu lễ cho tới 10 giờ. Rồi cha Lambert, bề trên nhà phước đến làm phép xác và đưa ra đất thánh.

Than ôi! tiếng chuông nhỏ nhà phước, bà nhứt cựu giựt đưa dì Mátta ra đất thánh, nghe thảm não làm sao! Tiếng chuông lớn nhà thờ họ, ba cái đổ giọng vui mừng, cha Anrê Diên, cha Lambert, hai bà nhứt, các dì áo đen, các chị áo trắng, các chị tập mình, hết thảy tay cầm đèn, miệng hát kinh đưa quan tài dì Mátta ra phần mộ… Ấy cũng là hình bóng các thánh tông đồ, các thánh thiên thần, các thánh đồng trinh ra đón rước linh hồn Mátta vào chốn thường sinh…In Paradisum!

Một người trong bà con

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1932

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Hạnh Bà Annà Miều - Bề trên Nhà phước Cái Mơng

Hạnh Bà Annà Miều

Bề trên Nhà phước Cái Mơng

-------------------------

Bà Annà Miều sanh ra năm 1838, tại họ Cái Mơng, cha người là Vêrô Ngọ, mẹ là Luxia Quyền. Hai ông bà trong nhà đủ xây dùng, song có lòng đạo đức, sau làm tới chức ông trùm nhứt họ Cái Mơng. Ông trùm siêng năng dọn dẹp, sửa soạn trong nhà thờ, lại có tánh thiệt thà, chịu lụy, người biết làm thợ khéo léo. Cha bề trên Gernot (Quí) hay dùng người coi sóc làm nhà thờ, nhà phước, nhà lầu cha ở, cùng phú các việc cho ông trùm gìn giữ hết.

Đến sau cha muốn cho có mặt ông trùm luôn, nên cha chịu một ít lương vừa đủ cho vợ con người mua lúa gạo mà chi dùng; thì từ ấy về sau ông trùm phế hết các việc nhà, chỉ lo việc nhà thờ, nhà phước cho đến mãn đời người.

Cha bề trên thấy người có công nghiệp nhiều, thì xin Đức cha Mỹ (Colombert) chôn xác người trong nhà thờ; có đặt tấm đá, thích tên lọ, bây giờ hãy còn.

Annà Miều mới tới 12 tuổi, có tỏ cùng cha giải tội; muốn đi nhà phước. Cha Tám thấy còn nhỏ thì đình lại, chờ trọng tuổi sẽ hay.

Vừa được 15 tuổi, Annà Miều lìa nhà cha mẹ mà vào nhà phước Cái Mơng, đương lúc bà Mátta Lành làm bà nhứt, là năm 1853, cũng là năm ông thánh Philipphê Minh chịu tử vì đạo tại Vĩnh Long.

Tuy còn nhỏ tuổi Annà Miều đằm thắm, dễ thương, trí hóa nhiều; thấy nhà phước ở nhà chật hẹp, rách rưới, bèn thưa với cha Lựu là cha sở, đặng nói với cha người là Vêrô Ngọ cất nhà phước lại cho tử tế. Ông Vêrô Ngọ sẵn lòng theo ý cha sở cho đẹp lòng con gái mình, nên đã cất nhà phước lại tốt, cây cột hẳn hòi.

Vào nhà tu được bốn năm, Annà Miều được mặc áo đen. Từ đây về sau hằng tỏ lòng sốt sắng, siêng năng, gan dạ, mạnh mẽ mà lo việc Chúa, cùng sẵn lòng chịu chết vì đạo thánh Chúa nữa.

Năm 1858, bà nhứt Lành bị bắt vì đạo, đang lúc quân lính chộn rộn, bà nhứt ra dấu cho các chị nhà phước phải trốn, dì Annà Miều và một dì nữa không chịu đi, quyết lòng theo bà mà chịu chết vì đạo thánh Chúa. Cha sở Tùng hay được; người viết giấy dạy phải trốn, nên dì Miều phải vưng mà ẩn mình ở lại.

Khi Nhà nước Langsa lấy tỉnh Vĩnh Long thì cha bề trên Gernot (Quí) đã về nhậm họ Cái Mơng, đâu đó được bình an lại. Cha này  siêng năng, cần mẫn, sửa soạn nhà thờ, nhà phước lại, nhứt là người lo lắng ân cần việc chầu nhưng, người kiếm không ra thầy dạy; túng lắm, người phải sai dì Miều, mới có 20 tuổi, ra dạy kinh cùng cắt nghĩa sách phần cho người đạo mới. Nhiều lần dì Miều gặp người chữ nghĩa và bọn thầy chùa tra vấn lẽ đạo; người cậy sức Chúa đối nại với chúng nó cách thông suốt, làm cho chúng nó phải chịu thua.

Ngày 24 Juillet 1867, dì Miều lên làm bà nhì, mà còn phải đi dạy: Phú Hiệp, Ba Vác, Mỏ Cày, Bang Tra, Cái Hàng, Cái Táo, Giồng Mít, v.v... Từ năm 1867 cho tới 1869, bà nhì đi đem hơn 600 người vào học đạo thánh Chúa.

Vậy ngày 19 Mars 1869 nhằm ngày lễ ông thánh Giude, người ta đã chọn bà nhì Miều lên làm bà nhứt, thế cho bà cựu xin thôi, vì bịnh.

Từ đây về sau bà nhứt không còn đi dạy nữa, song lòng hằng ái mộ việc chầu nhưng; mỗi bữa tối bà nhóm các dì lại mà dạy cách đi đàng nhơn đức, chỉ cách phải dạy kẻ đạo mới và phương pháp dạy con gái nhà có đạo nữa.

Năm 1873 số nhà phước Cái Mơng mặc áo đen 27 người, áo trắng học tập 13 người, cộng là 40 người mà thôi.

Bỡi sự khôn ngoan nhơn đức của bà, cho nên nhiều người rùng rùng xin vô nhà phước càng ngày càng đông, chẳng phải nội họ Cái Mơng mà thôi; Song các họ, như: Mặc Bắc,Giồng Rùm, Bãi Xan, vân vân.

Năm 1915, số nhà phước, 166 ngtrời áo đen, 19 người áo trắng tập học, cọng là 215 người. Bà cũng đang lo cất một cái nhà từng rộng lớn đặng các dì ở cho rộng rãi.

Về nhà trường.

Họ nào cha bề trên muốn lập nhà trường thì bà nhứt sẵn lòng mà cấp nhà phước đi dạy. Vì thuở trước khi cha bề trên mới đến Cái Mơng, thì không có trường dạy chữ quốc ngữ, có trường dạy chữ nho mà thôi, cho nên bà nhứt cùng một lòng một ý với cha bề trên mà hết lòng khuyên bảo tập rèn các dì cho thuộc biết các đều theo đứng bực mà dạy dỗ các con trẻ, mỗi năm luôn thì có học trò bỡi các dì dạy; cho đến năm sau hết là 1915 thì đã có 50 trường dạy học, số học trò năm ấy hơn 2000 trẻ nam nữ. Bỡi nhờ công khó bà lo lắng mới đặng như vậy.

Việc chầu nhưng.

Từ năm 1880 cho tới năm 1914 nghĩa là 34 năm, các dì lãnh dạy chầu nhưng được 4676 người chịu phép rửa tội.

Bấy lâu bà những đầy lòng mến Chúa yêu người, hết lòng thương giúp kẻ lưng vơi khốn nạn, bố thí cho cách rộng rãi, nhứt là những kẻ khó khăn chạy đến cùng người, thì chẳng hề khi nào phải về tay không, dầu khi liệt gần chết, thì cũng nhắc các dì phải cho mấy người chầu nhưng và khó khăn, lúa, mắm, kẻo nó đói khát tội nghiệp! Ấy là tiếng sau hết mà tạ thế.

Việc Hài Đồng.

Cha bề trên cùng bà nhứt hiệp một ý mà cấp các dì chuyên lo đi khắp mọi nơi rửa tội cho con nít kẻ ngoại gần chết, lớp thì cất nhà tại chợ đông đảo người ta, cho thuốc men, lễ đẹn mà rửa tội. Lớp thì ngồi ghe đi các rạch các ngòi mà tìm kiếm.

Trong 34 năm các đi rửa tội được 15.733 đứa con nít.

Nhà mồ côi.

Nhà mồ côi đã lập năm 1875, để nuôi con nít kẻ ngoại đem tới cho, rửa tội rồi mà còn sống, các dì phải dạy dỗ chúng nó cho biết đọc sách, và rước lễ vỡ lòng; khi lớn khôn lập bề thế cho chúng nó thì mới thôi.

Nhà thương

Nhà thương đã lập năm 1885; cha bề trên xin phép quan tham biện Bến Tre mà cất một cái nhà vừa vừa; bà nhứt cấp các dì coi sóc, dầu đạo dầu ngoại đều được vô đó, các dì lo lắng cũng đồng như nhau, bỡi vậy kẻ ngoại thấy cách ăn ở các dì thì kính vì, và sẵn lòng muốn giữ đạo Chúa, thì đã được phước chịu phép rửa tội nữa.

Năm 1913 nhà thương hư, nên phải sửa lại, thì bà nhứt cũng phụ giúp tiền bạc mà cất nhà mới bằng gạch ngói.

Bà nhứt Miều bị đau con mắt, chạy thuốc men hết sức mà không mạnh, nên đã tật mù là năm 1893. Từ ấy đến khi người qua đời, cũng còn làm bề trên nhà phước như hồi khỏe mạnh.

Hễ càng lớn tuổi chừng nào, thì bà càng nhơn đức chừng nấy, hằng làm gương cho ai nấy bắt chước, ăn ở công bình chính trực chẳng biết tày vị ai, không tỏ lòng thương ai hơn ai, chẳng binh người nầy mà bỏ người kia, cứ một đường ngay lẽ thẳng mà làm, bỡi vậy mọi người đều kính sợ thương yêu hết lòng.

Lễ vàng

Bà nhứt đã mặc áo đen cùng khấn hứa là năm 1857, cho nên nhà 1907 thì mừng lễ vàng. Bỡi các dì ai ai đều thương mến bà, cho nên ngày ăn mừng lễ vàng bà thì các dì tựu về mà sửa soạn dọn dẹp nhà cho đẹp đẽ, các cha các họ đồng hiệp một ý mà làm cho lễ nầy ra trọng thể mà trả ơn bà cho xứng đáng; mà hễ càng làm lớn chừng nào, thì cha bề trên Quí càng tỏ lòng vui vẻ, vì cha rõ biết công nghiệp bà nhứt nhiều, đáng cho người ta vui mừng cung kính. Bữa ấy có các họ đến đông, có nhạc họ Thủ Ngủ đem tới thổi dưng cho bà, nhiều bản nghe đẹp lỗ tai.

Các di nhà phước có làm bài chúc mừng, mà cám ơn bà, vì bấy lâu cầm quyền coi sóc cách dịu dàng tử tế hết lòng.

Tối bữa ấy có đốt pháo bông, của các cha annam làm mà dưng cho bà.

Bữa sau Đức Cha Mossard  đến sớm lắm, đi với cha bề trên Liễu Vĩnh Long, và nhiều cha khác. Đức Cha làm lễ tại nhà thờ riêng nhà phước. Bà Annà Miều quì trước hết, có cây đèn lớn của Đức Cha ban cho bà, thấp để một bên, cây đèn có vấn bông hoa xinh đẹp. Đầu bà nhứt đội tràng hoa, lá bằng vàng của nhà phước kín (Carmel) dưng cho bà.

Bà nhứt cùng cả và nhà phước chịu ơn trọng bỡi tay Đức Giám Mục.

Lễ rồi, bà nhứt và các dì đến mừng Đức Cha, có đọc bài mừng. Lúc ấy bà chạnh lòng rơi lụy, song gượng gạo cám ơn Đức Cha cùng các cha vì có lòng đoái tưởng, mình.

Đức Cha chúc lành cho bà, và an ủi các dì phải thật lòng bền đỗ trong đàng lành. Ngày ấy có các bà phước trong địa phận Nam Kỳ đến chầu lễ; nhà phưởc trắng, (dòng ông thánh Phaolồ), nhà phước Chợ Quán, Thủ Thiêm, Cái Nhum, hiệp lại vui mừng cùng nhà phước Cái Mơng. Các cha tây, cha bổn quán có mặt trên 40 cha.

Từ ngày ăn lễ vàng về sau, bà Annà Miều cũng còn làm bề trên nhà phước cách êm ái, công bình chính trực cho tới chết, trí hóa chẳng hề lãng xao lẫn lộn chút nào, dầu còn một tất hơi cũng vậy. Sự nầy có người làm chứng chắc chắn: là bà đau nặng ngày Chúa nhựt thứ nhứt mùa Ápventồ cho đến giờ sinh thì, chẳng nghe bà than van tiếng chi về bịnh bà, trí còn sắc sảo như thuở xuân xanh, chỉ lo việc chung luôn luôn.

Bà chịu phép sức dầu ngày 6 Avril. Bà rước lễ lần sau hết, ngày trước khi chết. Một tháng trước khi chết, bà hằng cầm chuỗi lần, nhứt là ba bữa trước khi tắt hơi, bà cầm chuỗi lần hai tay, sợ e có rớt đi chăng. Bỡi lưỡi đã đớ, nghe bà la lớn tiếng, lóng tai cho kỉ thì hiểu bà đọc: Kính mừng Maria.

Bà nhứt Annà Miều tắt hơi ngày 24 Avril 1915, nhằm ngày 11 tháng ba annam, 8 giờ sớm mai thứ bảy. Hình dạng tươi tốt như kẻ ngủ vậy. Sáng ngày thứ hai làm lễ hát tại nhà thờ nhà phước; 6 giờ chiều ngày ấy đem xác bà vô nhà thờ họ, ở đó một đêm; sáng thứ ba, cha Dumortier làm lễ hát trọng thể, cha Phaolồ Nhượng làm thầy sáu, cha Phaolồ Thắng làm thầy năm, cha Thích thầy lễ nhạc, các cha bổn quán Cái Mơng phân nhau làm việc chức dưới cho ra lễ trọng.

Có Đức Cha phó đến, tàu của ông đốc phủ Mầu rước và đưa Đức Cha và các cha. Đức Cha chầu lễ, các cha tây vả cha bổn quốc hiệp lại 26 cha, Đức cha làm phép xác, rồi đưa tới huyệt đã dọn sẵn sau nhà thờ nhà phước, Các dì đi dạy các nơi tựu về đủ mặt. Có các bà phước trong địa phận Nam Kỳ đến chầu lễ và đưa xác bà. Gần hết trong họ Cái Mơng đến đưa xác; thật là đông đảo, nghiêm trang thứ tự, chôn phía sau nhà thờ của nhà phước, sau nầy sẽ xây lăng tốt mà nhớ công bà nhứt.

Bà nhứt Annà Miều, làm bà nhì hai năm, làm bà nhứt cho tới 46 năm. Theo luật nhà phước, hễ ba năm thì bắt thăm bà nhứt một lần, Song bỡi mỗi kỳ bắt thăm, thì gần hết thảy, cũng chọn bà Annà Miều làm bà nhứt, cho nên bà làm bề trên luôn cho đến chết. Từ bước chơn vào nhà phước cho đến chết là 62 năm, hưởng thọ được 77 tuổi.

Bỡi tôi không có phước mà làm được hạnh của bề trên Gernot (Quí), vì tôi không biết tích người cho tường tận. Nay sẵn cuộc bà nhứt Annà Miều, tôi xin chỉ lược qua một đôi đều mà cám mến đấng đã phú dưng mình làm tôi Chúa cách chi tiết ân cần, đã lìa bỏ quê hương, cha mẹ, bà con, thân thuộc, mà sang ngụ nước Nam, nhằm lúc loạn li xao xiến, nhằm cơn bắt đạo hung hăng, chịu ghe nổi gian truân tất tưởi, chịu nhiều đều cực khổ hiểm nghèo, mà giảng lời Evangelio Chúa cho mọi người thấu biết, hòng cho các làng các nước đặng rập một lòng thờ phượng Đấng chí tôn, cùng cả tiếng ngợi khen danh Chúa.

Cha bề trên một mình đi làm nhiều việc đồ sộ. Khuyên lục châu ai rảnh rang, chẳng nệ đàng xa nẻo hiểm, bước tới xem qua cho hẳn thì mới biết.

Vậy người lập cuộc nầy cho ai nhờ hưởng? Có phải cho người quê hương người sao?

Vì là:

Không quê quán nước nhà chi đây.

Ai ai xem thấy cuộc nầy.

Đem lòng cám mến chở khuây mới nhằm.

Vì cũng đã mấy mươi năm.

Lao đao lận đận biết trăm số nào!

Riêng than đất rộng trời cao.

Bây giờ biết kể làm sao cho cùng !!!..

Nay hai đấng đáng thương tiếc, đã nghỉ ngơi trong tay Chúa, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con là kẻ còn đang giữa chốn chiến trường, còn đang ở nơi sủng khóc lóc, còn đang chịu dông tố bão bùng, cho đặng vững vàng theo chơn hai đấng, hầu sau hưởng phước tiêu diêu thiện quốc là nước thiên đàng.

F. Paul Bính (Trùm họ Giồng Thủ Bá).

----------------------------------

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1915