ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Họ Mặc Bắc

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

---------------------------

ĐỊA SỞ HỌ MẶC BẮC

---------------------------

I. Gốc lập Họ

Mặc Bắc đã lập trong đời vua Gia Long, lối năm 1776 hay là 1778. Khi ấy Đức thầy Vêrô (Mgr. Pigneaux de Béhaine, Eveque d'Adran) thay mặt Đức Giáo tông mà cai trị Địa phận Nam Kỳ và nước Cao Mên, hai xứ chưa có chia ra hai Địa phận khác nhau; cho tới năm 1844 và 1850 thì mới phân ra như bây giờ.

Đời ấy việc đạo thánh đặng bình an, dầu mà có lệnh cấm đạo, song vua Gia Long không có ra chỉ dạy bắt bớ nhặt nhiệm con nhà giáo hữu, cho nên thì cũng dễ bề cho ai nấy giữ đạo. Vậy có hai người có đạo là Nguyễn văn Dươn, kêu là cả Dươn, vì người đã lập làng Long Định cùng làm ông cả trước hết, quê ở họ Cái Đôi phía trên Bòót; và Nguyễn văn Sách cũng là ông cả, là cha á thánh Giude Lựu, gốc ở Cái Nhum, sau lên Bòót, hai người ấy xuống tại Cần Chông có ý kiếm đất ở cùng lập họ.

Khi ấy làng Long Định và làng Tân Thành chưa có; dài theo sông lớn (Bassac) phía dưới rạch Cầu Kè chạy cho tới Bắc Trang thì có một làng mà thôi, là làng Ninh Thới, cho nên làng nầy rộng đất minh mông, mà phần nhiều là rừng bụi, cọp hùm và những vật dữ ở; còn người ta thì ở rải rác mấy đất giồng, cùng là ở dài theo mé rạch.

Vậy nhờ dịp nầy (thật là bỡi ý Chúa xui khiến) cho nên mới lập đặng họ Mặc Bắc: Dân ở mấy giồng không có tiền bạc mà đóng thuế cho nhà nước, nên chúng nó đành bán ba cái giồng lại cho cả Dươn và cả Sách giá là 300 quan tiền (đời ấy 300 quan cũng là nhiều lắm); theo trong tờ bán ba giồng, thì cũng kê luôn những đất liền hiệp theo đó, cho nên rộng lớn lắm.

Mua mấy giồng xong rồi, cả Dươn và cả Sách trở về nhà đề huề thê tử với bà con, cùng rủ ít người có đạo tại Bòót tới đó mà ở, số hết thảy được chừng 30 người, chở đồ đạc xuống ghe, chèo tới đậu tại rạch Mặc Bắc, nơi giồng kế một bên rạch ấy, chuyển đồ lên đó cùng lập nhà cữa mà ở; bỡi đó mới lấy theo tên cái rạch nhỏ ấy mà kêu là Họ Mặc Bắc.

Vậy họ nầy ban sơ là như một giống nhỏ mọn mà sau đó đã nên cội lớn sum sê, cho đến đỗi cách không đầy 100 năm sau, thì không còn đất đai cho cây đâm chồi nẩy tượt; mà cội ấy chẳng những đã trỗ sinh hột giống xung quanh mình mà thôi, mà lại còn gieo vãi ra xa nữa, cho tới mấy đồng minh mông khác, là Trà Lồng, Rạch Giá và Cà Mau.

Ban đầu thì số bổn đạo thêm lần lần cũng lâu lắm, vì hễ có sinh con cái ra thì mới tăng số, còn kẻ ngoại ở xung quanh đó trở lại đạo không bao nhiêu. Cho tới năm 1840, đời cha Thiên là cha sở thứ năm coi họ Mặc Bắc, thì bổn đạo lớn nhỏ tại họ, số chừng ba bốn trăm mà thôi. Mà kế sau đó, thì mới thêm số đặng mau, bỡi có nhiều người giáo hữu ở những họ khác tới đó mà ở, nhứt là mấy họ: Cái Hưu, Cà Mau, Rạch Nhà và Cái Nhum. Những kẻ ấy tới ở đông quá, nên lập ra đặng một ấp trong làng, kêu là ấp Bình Tân, bây giờ cũng còn ấp nầy. Bổn đạo các nơi đem nhau tới ngụ tại Mặc Bắc, là bỡi cớ có bắt đạo; mà tại họ nầy thì các giáo hữu đặng ở an, khỏi lo sợ sự gì. Bỡi làng Long Định là toàn con nhà có đạo, cho nên các việc đạo đều đặng yên ổn lắm. - Đây phải kể tích lập làng Long Định là thể nào cho ai nấy rõ.

Lập làng Long Định.

Vậy mấy người cả Dươn và cả Sách dắc tới đó ở, thì cất nhà cữa, lập nghiệp làm ăn, khai phá mấy giồng mà làm ruộng nương; bỡi ở xa mới tới, lại là có đạo, còn hương chức làng Ninh Thới thẩy đều ngoại, cho nên thì phải chúng nó húng hiếp nhạo báng cùng bắt buộc nhiều đều. Cả Dươn và cả Sách thấy sự vậy mới bàn tính với nhau, phải làm thế nào cho bổn đạo đặng yên mà làm ăn cùng dễ bề giữ đạo, nên mới liệu, dầu phải hao tốn bao nhiêu cũng bằng lòng, miễn là xin quan trên cho được tách ra khỏi làng Ninh Thới, mà lập một làng riêng tại đó. Hai ông bèn làm đơn mà đi xin, trước hết vô đơn tại thầy cai tổng tên là Thương, chịu vài quan tiền thì thầy cai đành lòng ký tên, đóng dấu thị chứng cho; rồi phải tới quan chủ quận Lạc Hóa là quan phủ Bằng, dinh người ở gần rạch Bông Bót, chỗ kêu là Bến Cát, quan phủ ký tên đóng dấu thị vào đơn, lại còn cho thêm một tờ bẩm, gởi cho quan Tổng đốc Vĩnh Long, chứng rằng việc hai người ấy lo là sự phải lẽ; (hai ông cả phải chịu nhiều tiền cho quan phủ, cho nên việc mới được vậy.)

Hai ông bèn qua tĩnh Vĩnh Long, nạp đơn vào, quan liền phê nhận, ban cho một bằng cấp lập làng Long Định, phân giái hạn với làng Ninh Thới. Vậy làng Ninh Thới phía trên thì còn một dãy đất dài chạy cho tới vàm rạch Mặc Bắc, còn phía dưới thì ăn dài xuống vàm Cần Chông cho tới Bắc Trang. Ấy là gốc tích lập làng Long Định. Lại đến sau khi lập làng Tân Thành, thì cũng còn lấy phần đất của làng Ninh Thới phía dưới, phía đó bây giờ thì còn một ấp nhỏ thuộc về làng Ninh Thới mà thôi. Lập làng xong, bổn đạo không còn lo phải hương chức làng Ninh Thới húng hiếp nhạo báng như trước. Khỏi phép làng ngoại đã rồi, còn một nỗi phải lo thể nào mà lấy lòng thầy cai tổng và quan phủ chủ quận nữa. Cả Dươn và cả Sách thấy việc lập làng đặng may mắn như thế, bỡi nhờ có tiền bạc mới thành; cho nên hai ông bàn tính với nhau, cũng phải làm cách ấy mà mua lòng cai tổng và quan chủ quận, hầu cho ai nấy trong làng đặng ở an mà giữ đạo. Vậy trừ ra các sắc thuế phải đóng cho nhà nước, mỗi người còn phải chịu thêm chung cùng với nhau một số 300 quan tiền mỗi năm, đặng đi lễ cho quan chủ quận Lạc Hóa là phủ Bằng, và 150 quan cho thầy cai tổng Thương.

Quan phủ Bằng tính tự nhiên thì hiền hậu, và không có hay kiếm đều chi mà húng hiếp kẻ có đạo, mà lại có lòng yêu cả Dươn và cả Sách nữa; song bỡi bổn đạo tự ý đồng lòng dưng cho người mỗi năm 300 quan tiền như vậy, thì quan ngoại nầy không lòng nào từ rảy. Mà thật nhờ ơn quan phủ lắm, cho nên bổn đạo họ Mặc Bắc mới đặng ở an; vì hễ có ai tới tại nha môn mà cáo rằng có đạo trưởng (thầy cả) ở tại Mặc Bắc, thì quan phủ liền sai một người tâm phúc đến đó mà nói cho ông cả hay trước vài ngày; nên cha bèn lo ẩn mình, áo lễ, đồ lễ thì bổn đạo lo đem giấu trên rừng bụi cùng là chở đi chỗ khác. Chừng quan phủ tới tra xét theo phép, thì không có gì hết; những đội và lính đã biết rõ quan thầy mình chẳng muốn làm gì khó lòng cho bổn đạo, nên thì cũng theo một lòng tử tế; bổn đạo cho thầy đội vài quan tiền, đãi mấy tên lính mỗi đứa vài chén rượu, rồi thì chúng nó chống ghe lui, chèo đưa quan phủ trở về.

Bỡi nhờ vậy cho nên họ Mặc Bắc đặng bình an lâu dài, khỏi lo sợ sự gì; bổn đạo ở mấy nơi khác phải húng hiếp bắt bớ, thì rủ nhau về ở Cần Chông, vì biết rõ tại đó thì đặng ở an giữ đạo thong thả. Lại nơi ấy là xứ có rừng bụi cọp hùm ở đây, như có xảy ra sự gì, thì cũng dễ bề trốn tránh.

Đây kể lại các việc như vậy cho ai nấy rõ, bỡi những cớ đó cho nên bổn đạo họ Mặc Bắc mới đặng mau tăng số thêm nhiều, vì gốc bỡi lập đặng làng có đạo Long Định, cùng vì mua đặng lòng cai tổng và quan chủ quận, cho nên bổn đạo mới đặng khỏi lo sợ bắt bớ. Mà các việc đã đặng thành như vậy, sao cha Minh (á thánh) lại phải bị bắt cùng lãnh chức tử đạo cũng trong lúc ấy? Vậy phải kể luôn cho hết: Tên bếp Nhẫn, xã Hiệp và lý Váp là kẻ cáo cha Minh, chúng nó tạo hết các việc, biết cai tổng và quan phủ không hề khi nào bắt bớ các cha tại họ, có tới nha môn mà cáo thì sẽ ăn trợt; cho nên chúng nó qua tại Vĩnh Long, cáo cùng quan tĩnh, quan bèn xuống thẳng tại Mặc Bắc mà bắt đặng cha Minh, còn cai tổng và quan phủ chẳng hay biết việc gì.

Gốc đất nhà trường.

Những đất nầy là của cả Sách đã mua một lượt với cả Dươn; và để cho bổn đạo khai phá làm nên vườn ruộng; vậy cả Sách sợ đến sau con cháu mình dành phần ăn mà rầy rà tranh cạnh với nhau, nên trước khi chết thì người đã dưng cho nhà thờ cả đất ấy hết, để lại cho con cháu một đám ruộng mà thôi, kêu là “Đồng tròn”. Đến sau, Đức cha Colombert (Mỹ), đã dạy giao lại cho con cháu á thánh Giude Lựu 50 cao đất giồng và chừng 50 cao đất vườn, mà ăn hưởng huê lợi cùng đóng thuế cho nhà nước. Sau nữa, trong năm 1910, theo tờ có quan thị chứng (acte notarié) đề ngày 22 Janvier, Đức cha Mossard (Mão) đã phân hai sở đất ấy riêng ra khỏi đất đã dưng cho nhà thờ, cùng giao cho con cháu cả Sách đứng tên làm chủ mà ăn luôn.

II. - Các cha coi họ.

1.Cha Giacôbê Phướng. - Đời Đức thầy Vêrô thì có cha Giacôbê Phướng coi họ Mặc Bắc đầu hết, cha này gốc ở Bình Định, bổn đạo kêu theo tên thánh là cha “Giacôbê”, người lo lắng giúp cả Dươn với cả Sách trong việc lập họ. Ban đầu thì tại họ không có nhà thờ, nên cha Giacôbê làm lễ, làm các phép bí tích trong những nhà bổn đạo, thường là trong mấy nhà chức việc. Sau đó thấy việc đạo đặng yên, vì có lệnh cấm đạo mà Minh Mạng không có dạy bắt bớ dữ dằn, nên bổn đạo xin phép cha mà cất một nhà thờ, cột cây, trên lợp lá, tại giồng giữa, bây giờ là nơi trước nhà bà câu Đều; cất nhà thờ mà thôi, chớ không có làm nhà cho cha ở, vì cha phải đi làm phước cho các họ khác thuộc về địa sở cha cai, cho nên không có ở được một nơi hoài đặng.

2.Cha Lân. - Khi cha Giacôbê qua đời rồi, thì cha Lân kế tiếp mà coi họ Mặc Bắc và mấy họ xung quanh, cha nầy còn một người cháu còn sống ở tại họ bây giờ, cùng làm chức việc họ. Khi cha Lân tới Mặc Bắc thì bổn đạo mừng rỡ lắm, trong họ có đặt bài chúc; lại mỗi khi cha đi các họ mà đáo lại Mặc Bắc, thì bổn đạo đều tựu ăn mừng. Lúc ấy Minh Mạng hạ lịnh cấm đạo nhặt hơn, cùng dạy phá hết các nhà thờ; họ Mặc Bắc sợ kẻo quân lính tới làm dữ bổn đạo, cho nên bổn đạo đã hiệp nhau dở nhà thờ và đem cây cột ngâm dưới (bàu xía) trước nơi đất thánh bây giờ. Đến sau bổn đạo đã cất nhà thờ lại nơi cũ, cùng đã chôn xác á thánh Giude Lựu và xác đội Lý, cả hai đã qua đời tại khám Vĩnh Long, sau nữa cũng đã chôn trong nhà thờ ấy, xác cha Abonnel, bị quân dữ giết tại miệt Càng Long, khi cha dắc học trò lên trường Latinh Sài Gòn.

3.Á thánh Marchand (Cố Du). - Sau cha Lân thì cha Marchand coi họ Mặc Bắc; song có kẻ nói cha Marchand đi viếng các họ như cha bề trên, mà bỡi đời ấy số các cha hi thiểu lắm, nên cha Marchand phải ngồi tòa làm phước, làm các phép, trong mỗi họ người viếng như là cha sở vậy

Người ta nói khi họ Mặc Bắc đặng tin cha Marchand đến họ, thì bổn đạo hiệp nhau làm một cái nhà vuông, chỗ khuất tịch trên rừng, nơi kêu là “Sẩm đền” gần bên rạch Vồn; hễ lần nào cha tới thì ở tại đó, làm lễ, ngồi tòa, ban phép Rửa tội, dạy đồng nhi, và cũng có ban phép Xức trán nữa. Nơi rừng bụi ấy cọp hùm ở đầy, nên có kẻ hỏi cha: ở vậy mà cha có sợ không? thì cha trả lời rằng: Cha không sợ cọp bốn chơn, cha một sợ cọp hai chơn mà thôi! Dầu cha nói vậy, chớ cũng phải có bốn năm người chức việc ở với cha luôn, và khi có ai tới rước cha đi kẻ liệt, thì mấy chức việc phải đi trước dẫn đàng.

Bổn đạo nói cha Marchand tánh vui vẻ lắm, lại biết làm nhiều phép thuật nữa: khi ai nấy tựu tới tại nhà vuông mà mừng cha, rồi cha lấy cây gậy quăng xuống đất, thì thấy thành con rắn chạy cùng nhà, khi thì cha hóa phép thấy như có lửa cháy cái nhà vuông ấy, làm cho bổn đạo sợ hoảng chạy ra khỏi hết, khi thì cha lại thuật như thấy nhà phải nước ngập, ai nấy hối hả lo khuân đồ kẻo bị nước trôi, v.v., còn cha thấy bổn đạo sợ hãi hoảng hốt vậy, thì đứng vỗ tay mà cười ngất....

Bài ca “cái vè” của bổn đạo đặt ra mà mừng cha Marchand khi mới đến tại nhà vuông chỗ “Sẩm đền” thì một bà già còn sống, hơn 70 tuổi, ở tại họ Mặc Bắc còn nhớ, hồi đó bà nầy còn nhỏ, nghe cha mẹ hát đi hát lại cái vè ấy trong nhà hoài, nên đã thuộc lòng, và nhớ cho tới bây giờ.

Cha Marchand qua lại coi họ Mặc Bắc chẳng được mấy năm, rồi phải đi mấy địa sở khác, là Bãi Xan, Giồng Rùm, v. v.

4.Cha nhơn – Kế đó thì có cha Nhơn tới coi họ, mà cha nầy bịnh, đau yếu hoài, lo lắng các việc không phỉ, nên cha ở đó trong chừng ba tháng, thì đã đổi đi chỗ khác.

5.Cha Thiên - Cha Thiên tiếp thế cho cha Nhơn, mà cha cũng không ở hoài một chỗ, vì phải đi họ nầy họ kia luôn. Khi ấy họ Mặc Bắc số bổn đạo được ba bốn trăm, là cách 40 cùng là 50 năm sau khi cả Dươn và cả Sách tới Cần Chông; lúc này có lịnh dạy bắt đạo, nên bổn đạo phải chung tiền với nhau mà chịu cho quan phủ Lạc Hóa mỗi năm 300 quan, và cho cai tổng 150 quan, hầu cho bổn đạo đặng khỏi bắt bớ, như đã có kể lại trong số trước. Mà nhứt là tại trong lúc nầy số bổn đạo tại họ đặng chóng thêm nhiều, vì những bổn đạo ở mấy họ: Cái Hưu, Rạch Nhà, Cà Mau, bỡi sợ phải bắt nên rủ nhau tới Cần Chông mà ở, cùng lập nên ấp Đình Tấn. Lại cũng trong lúc nầy có ông trùm Sang dắc một đoàn bổn đạo ở họ Sa Keo tới họ Mặc Bắc mà ở cho vững thế.

6.Cha Hiển. - Cha thứ sáu coi họ Mặc Bắc là cha Hiển, bổn đạo nói cha nầy nhát lắm, vì sợ phải bị bắt. Cho nên hễ khi có ai rước đi kẻ liệt, thì cha bận áo cũ mèm, vá bậy bạ, đầu đội nón lá như mấy chủ ruộng rẫy vậy; còn áo các phép, dây stola, dầu thánh, thì bỏ trong thùng, trên thì chất rau, trầu, biểu một người đàn bà đội đi, giả như là kẻ buôn bán vặt vậy.

Không rõ bổn đạo đã cất nhà thờ lại hồi nào, mà trong khi cha Hiển coi họ Mặc Bắc thì có một nhà thờ mới gần nền nhà thờ cũ, chỗ nhà biện Cận bây giờ, Lại vì sợ quan quân biết, cho nên xung quanh kề nhà thờ thì bổn đạo cất trại để đồ dệt tơ lụa, cùng đồ rơm kén để tằm; những xát lá dâu, phân tằm thì đổ bậy xung quanh đó, nên không ai biết là nơi có nhà thờ, quan lính có tới thì tưởng là trại để tằm cùng dệt tơ lụa mà thôi. Nhưng vậy cha Hiển cũng đã bị cáo tại Vĩnh Long, nên quan sai đội và lính tới bắt. Thời may có kẻ hay nên tin cho cha biết mà trốn, cha lật đật chạy trốn, mà bỡi ban đêm trời tối mịt, nên cha phải sụp xuống một cái giếng, và nhờ cha ẩn mình dưới đó thì mới khỏi bị bắt. Tên đội với quân lính xét kiểm trong nhà, ngoài vườn mà không gặp đặng cha, nên chúng nó trở về.

Cha Hiển ở  Mặc Bắc được 33 tháng mà thôi, rồi thì đổi đi chỗ khác.

7.Cha Tùng. - Khi cha Hiển đổi đi thì cha Tùng tiếp coi họ Mặc Bắc, mà cha ở đó trong một tháng rưỡi mà thôi, rồi thì có cha Lựu (á thánh) đổi lại. Người ta nhớ về cha Tùng một sự nầy: Là hể cha đi đâu thì có xách theo một hủ dầu gió (giả như là ông thầy đi bán dầu bán thuốc vậy); ngày kia có động dụng cha sợ phải bắt, nên đi trốn trên rừng rậm, chừng yên rồi bổn đạo đi kiếm cha mà không biết trốn chỗ nào, nhờ có mùi dầu gió bay ra, nên bổn đạo mới theo hơi mà tìm đặng chỗ cha đang ẩn mình.

8.Á thánh Lựu - Cha Lựu coi họ Mặc Bắc cho tới năm 1853; khi cha ở đó thì có cha Pernot tới viếng mấy họ miệt ấy. Lúc nầy tại họ có nhà thờ, mà cha Lựu thường thì ở tại mấy nhà hương chức, nhứt là nhà ông trùm Lựu. Tưởng là cha đã bị bắt tại đó, mà sau thì cha Minh tiếp kế người mới phải bắt. Chuyện như vầy: Khi ấy cha Lựu đang lo coi dọn nền đặng dời nhà thờ lại chỗ mới (sau là chủ nhà thôn Thân); bổn đạo đem cây cột tới đó đặng mà dựng lên; kế có bếp Nhẫn tới xớ rớ làm bộ như là muốn phụ giúp vô, và lấy cây đo chỗ nền coi lòng kèo lòng trính có vừa không, rồi nó lại gần cha Lựu mà than thở túng rỗi, cùng xin cha giúp nó 300 quan tiền. Cha Lựu biết danh tánh nó rõ lắm, nên cha đoán nó đi đo, giả chước xin tiền đặng mà nộp cha. Vậy cha trả lời cho nó như vầy:  “Mầy là đạo dòng đạo dõi, mầy muốn bán tao như Giuda sao, mầy muốn cáo tao thì cáo đi, tao ham mũ triều thiên tử đạo lắm”. Bếp Nhẫn nghe cha quở mấy lời nhằm tâm mình, nên hổ thẹn và lui ra, cùng quyết đi cáo cha mà thôi. Vậy nó bèn tuốt qua tĩnh Vĩnh Long, đâm đơn cáo cùng quan, rằng có đạo trưởng Lựu ở tại Mặc Bắc, Song quan tĩnh không chấp đơn, trả lại cho nó, và biểu phải cho có ba người đứng đơn cáo, thì quan mới chịu sai quan lính đi bắt, vì một người đứng đơn thì không chắc sự vào đâu. Cho nên bếp Nhẫn phải trở về, mà lòng quyết một, thế nào cũng làm cho cha Lựu phải bắt mà thôi. Vậy nó mới bàn tính với tên xã Hiệp và một tên lính cựu là Lý Vấp, cả ba đứng vào đơn mà cáo cha Lựu. Bỡi đó cho nên khi các việc tính tới xong, ba tên ấy đem nhau qua tĩnh Vĩnh Long mà vô đơn, thì đã cách lâu ngày với phen bếp Nhẫn đi vô đơn cáo cha lần trước, và trong lúc đó thì cha Lựu đổi đi Ba Giồng, cha Minh Cái Mơng qua thế tại Mặc Bắc.

9.Á thánh Minh. - Cha Minh gốc ở Cái Mơng, đã tới coi họ Mặc Bắc trong một tháng và mười tám ngày mà thôi, kế cha phải bị bắt tại nhà ông trùm Lựu; dẫn cha qua Vĩnh Long, và cha là phải chịu chém vì đạo Chúa. (Coi trong hạnh cha Minh và ông trùm Lựu tử đạo.)

10.Cha Đoan (1858 - 1859). - Sau khi cha Minh và ông trùm Lựu phải bắt cùng chịu tử vì đạo rồi, thì trong sáu tháng không có cha nào tới coi họ Mặc Băc. Sau đó có cha Đoan đến mà kế tiếp Á thánh Minh, song cũng phải lo sợ lắm, nên cha không dám ở lâu tại Mặc Bắc, hễ cách sáu tháng thì tới đó vài bữa, ngồi tòa, làm phước, rồi thì đi nơi khác liền. Cách hai năm sau, cha Đoan đã cất nhà thờ lại chỗ khác, ba căn một chái (nơi nhà biện Cận bây giờ); vì nhà thờ trước, khi quan quân tới bắt cha Minh, thì đã phá hủy hết. Vậy nhà thờ mới nầy phía ngoài cũng làm như là nhà để nuôi tằm và dệt tơ lụa; hễ khi có cha tới, thì tối lại dẹp mấy giàn để tằm cho bổn đạo tựu đến, và cha ngồi tòa, làm phước, giảng dạy cùng làm lễ cho ai nấy xem, sáng ra thì sắp đặt các đồ nghề tằm tơ lại như cũ. Cha Đoan tới đó thì ở nhà mấy chức việc, bữa nhà nầy bữa nhà kia cho tới chừng đi, chớ không dám ở luôn một nhà. Cất nhà thờ và cũng cất nhà phước lại (chỗ nhà ông Mộ). Nhà phước nầy Á thánh Lựu đã lập; khi dời lại đây thì số các dì phước được 15 người, bà nhứt Trung và bà nhì Rậm cai quản, Cha Đoan coi họ Mặc Bắc đặng 4 năm, rồi kế cha Công đổi lại.

11.Cha Công (1859-1862). - Khi cha Công đến Mặc Bắc thì nhơn số bổn đạo được 1000 tới 1500; cha cũng phải dự phòng luôn kẻo phải bắt; cho nên tối thì bổn đạo mới tựu lại nhà thờ mà xem lễ, đọc kinh, cùng phải đặt nhiều người canh giữ nhiều chỗ, kẻo quan quân tới thình lình mà không hay. Khi cha Công ở đó được 4 tháng, thì có bếp Nhẫn với hai ba tên nữa một bạn với nó, vào nhà phước mà biểu phải nạp đạo trưởng. Mấy dì phước đều sợ chạy trốn hết, ẩn mình tại nhà trùm Sang; cha Công cũng đi trốn nữa. Dầu bếp Nhẫn với tên xã Hiệp không có lệnh quan dạy, mà nó bắt đội Lý là cựu bổn đạo họ Cái Bông, mới về ở họ Mặc Bắc được vài năm, người có một gái tên là Tiếng cho đi nhà phước.

Mấy tên hung hoang ấy gặp một khúc chuỗi lần và một miếng giấy có viết chữ quốc ngữ tại nhà đội Lý, thì chúng nó nói là đồ của đạo trưởng, lấy cớ ấy mà bắt đội Lý, trói người lại mà dẫn qua Vĩnh Long, nạp người cho quan cùng mấy đồ tang ấy, cáo rằng người hoa trử đạo trưởng. Quan liền giam đội Lý, người ở trong ngục mà phải thiếu thốn mọi bề, lại phải những quân lính hành hạ đánh khảo, cho nên người chịu hết sức mà phải chết tại khám.

Cha Công cứ ở coi sóc họ Mặc Bắc và thêm lo sợ hơn nữa, vì lúc ấy là lúc bắt đạo dữ dằn; lại bất kỳ là ai cũng đều có phép bắt các đạo trưởng mà giải nạp cho quan, quan bỏ vô khám liền, giam đó sau mới trị hỏi.

Cho đến khi nhà trớc Langsa soán tỉnh Vĩnh Long thì mới đặng an, bổn đạo không còn sợ bắt bớ gì nữa, các cha không còn phải trốn tránh ẩn mình. Khi ấy cha Công làm như một quan lớn, hễ có đi ghe thì là ghe hầu, có cờ, có đội, lính theo, thảy là mấy bổn đạo tại họ. Trùm Nhiên là con á thánh Giude Lựu làm đội nhứt, chú Dưỡng làm đội nhì, v, v. Bấy giờ thì không sợ gì hết, vì biết rõ nhà nước Langsa binh vực con nhà có đạo, cho nên trong họ bổn đạo lập cơ lính, đặng mà đuổi trừ quân hung hoang nguy nghịch cùng nhà nước langsa, và lo canh giữ trong họ cho khỏi chúng nó phá phách.

Cha Công hưởng sự vui vẻ bình an ấy trong chừng năm tháng, rồi thì đã đổi đi Bà Rịa.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét