ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Hạnh Bà Annà Miều - Bề trên Nhà phước Cái Mơng

Hạnh Bà Annà Miều

Bề trên Nhà phước Cái Mơng

-------------------------

Bà Annà Miều sanh ra năm 1838, tại họ Cái Mơng, cha người là Vêrô Ngọ, mẹ là Luxia Quyền. Hai ông bà trong nhà đủ xây dùng, song có lòng đạo đức, sau làm tới chức ông trùm nhứt họ Cái Mơng. Ông trùm siêng năng dọn dẹp, sửa soạn trong nhà thờ, lại có tánh thiệt thà, chịu lụy, người biết làm thợ khéo léo. Cha bề trên Gernot (Quí) hay dùng người coi sóc làm nhà thờ, nhà phước, nhà lầu cha ở, cùng phú các việc cho ông trùm gìn giữ hết.

Đến sau cha muốn cho có mặt ông trùm luôn, nên cha chịu một ít lương vừa đủ cho vợ con người mua lúa gạo mà chi dùng; thì từ ấy về sau ông trùm phế hết các việc nhà, chỉ lo việc nhà thờ, nhà phước cho đến mãn đời người.

Cha bề trên thấy người có công nghiệp nhiều, thì xin Đức cha Mỹ (Colombert) chôn xác người trong nhà thờ; có đặt tấm đá, thích tên lọ, bây giờ hãy còn.

Annà Miều mới tới 12 tuổi, có tỏ cùng cha giải tội; muốn đi nhà phước. Cha Tám thấy còn nhỏ thì đình lại, chờ trọng tuổi sẽ hay.

Vừa được 15 tuổi, Annà Miều lìa nhà cha mẹ mà vào nhà phước Cái Mơng, đương lúc bà Mátta Lành làm bà nhứt, là năm 1853, cũng là năm ông thánh Philipphê Minh chịu tử vì đạo tại Vĩnh Long.

Tuy còn nhỏ tuổi Annà Miều đằm thắm, dễ thương, trí hóa nhiều; thấy nhà phước ở nhà chật hẹp, rách rưới, bèn thưa với cha Lựu là cha sở, đặng nói với cha người là Vêrô Ngọ cất nhà phước lại cho tử tế. Ông Vêrô Ngọ sẵn lòng theo ý cha sở cho đẹp lòng con gái mình, nên đã cất nhà phước lại tốt, cây cột hẳn hòi.

Vào nhà tu được bốn năm, Annà Miều được mặc áo đen. Từ đây về sau hằng tỏ lòng sốt sắng, siêng năng, gan dạ, mạnh mẽ mà lo việc Chúa, cùng sẵn lòng chịu chết vì đạo thánh Chúa nữa.

Năm 1858, bà nhứt Lành bị bắt vì đạo, đang lúc quân lính chộn rộn, bà nhứt ra dấu cho các chị nhà phước phải trốn, dì Annà Miều và một dì nữa không chịu đi, quyết lòng theo bà mà chịu chết vì đạo thánh Chúa. Cha sở Tùng hay được; người viết giấy dạy phải trốn, nên dì Miều phải vưng mà ẩn mình ở lại.

Khi Nhà nước Langsa lấy tỉnh Vĩnh Long thì cha bề trên Gernot (Quí) đã về nhậm họ Cái Mơng, đâu đó được bình an lại. Cha này  siêng năng, cần mẫn, sửa soạn nhà thờ, nhà phước lại, nhứt là người lo lắng ân cần việc chầu nhưng, người kiếm không ra thầy dạy; túng lắm, người phải sai dì Miều, mới có 20 tuổi, ra dạy kinh cùng cắt nghĩa sách phần cho người đạo mới. Nhiều lần dì Miều gặp người chữ nghĩa và bọn thầy chùa tra vấn lẽ đạo; người cậy sức Chúa đối nại với chúng nó cách thông suốt, làm cho chúng nó phải chịu thua.

Ngày 24 Juillet 1867, dì Miều lên làm bà nhì, mà còn phải đi dạy: Phú Hiệp, Ba Vác, Mỏ Cày, Bang Tra, Cái Hàng, Cái Táo, Giồng Mít, v.v... Từ năm 1867 cho tới 1869, bà nhì đi đem hơn 600 người vào học đạo thánh Chúa.

Vậy ngày 19 Mars 1869 nhằm ngày lễ ông thánh Giude, người ta đã chọn bà nhì Miều lên làm bà nhứt, thế cho bà cựu xin thôi, vì bịnh.

Từ đây về sau bà nhứt không còn đi dạy nữa, song lòng hằng ái mộ việc chầu nhưng; mỗi bữa tối bà nhóm các dì lại mà dạy cách đi đàng nhơn đức, chỉ cách phải dạy kẻ đạo mới và phương pháp dạy con gái nhà có đạo nữa.

Năm 1873 số nhà phước Cái Mơng mặc áo đen 27 người, áo trắng học tập 13 người, cộng là 40 người mà thôi.

Bỡi sự khôn ngoan nhơn đức của bà, cho nên nhiều người rùng rùng xin vô nhà phước càng ngày càng đông, chẳng phải nội họ Cái Mơng mà thôi; Song các họ, như: Mặc Bắc,Giồng Rùm, Bãi Xan, vân vân.

Năm 1915, số nhà phước, 166 ngtrời áo đen, 19 người áo trắng tập học, cọng là 215 người. Bà cũng đang lo cất một cái nhà từng rộng lớn đặng các dì ở cho rộng rãi.

Về nhà trường.

Họ nào cha bề trên muốn lập nhà trường thì bà nhứt sẵn lòng mà cấp nhà phước đi dạy. Vì thuở trước khi cha bề trên mới đến Cái Mơng, thì không có trường dạy chữ quốc ngữ, có trường dạy chữ nho mà thôi, cho nên bà nhứt cùng một lòng một ý với cha bề trên mà hết lòng khuyên bảo tập rèn các dì cho thuộc biết các đều theo đứng bực mà dạy dỗ các con trẻ, mỗi năm luôn thì có học trò bỡi các dì dạy; cho đến năm sau hết là 1915 thì đã có 50 trường dạy học, số học trò năm ấy hơn 2000 trẻ nam nữ. Bỡi nhờ công khó bà lo lắng mới đặng như vậy.

Việc chầu nhưng.

Từ năm 1880 cho tới năm 1914 nghĩa là 34 năm, các dì lãnh dạy chầu nhưng được 4676 người chịu phép rửa tội.

Bấy lâu bà những đầy lòng mến Chúa yêu người, hết lòng thương giúp kẻ lưng vơi khốn nạn, bố thí cho cách rộng rãi, nhứt là những kẻ khó khăn chạy đến cùng người, thì chẳng hề khi nào phải về tay không, dầu khi liệt gần chết, thì cũng nhắc các dì phải cho mấy người chầu nhưng và khó khăn, lúa, mắm, kẻo nó đói khát tội nghiệp! Ấy là tiếng sau hết mà tạ thế.

Việc Hài Đồng.

Cha bề trên cùng bà nhứt hiệp một ý mà cấp các dì chuyên lo đi khắp mọi nơi rửa tội cho con nít kẻ ngoại gần chết, lớp thì cất nhà tại chợ đông đảo người ta, cho thuốc men, lễ đẹn mà rửa tội. Lớp thì ngồi ghe đi các rạch các ngòi mà tìm kiếm.

Trong 34 năm các đi rửa tội được 15.733 đứa con nít.

Nhà mồ côi.

Nhà mồ côi đã lập năm 1875, để nuôi con nít kẻ ngoại đem tới cho, rửa tội rồi mà còn sống, các dì phải dạy dỗ chúng nó cho biết đọc sách, và rước lễ vỡ lòng; khi lớn khôn lập bề thế cho chúng nó thì mới thôi.

Nhà thương

Nhà thương đã lập năm 1885; cha bề trên xin phép quan tham biện Bến Tre mà cất một cái nhà vừa vừa; bà nhứt cấp các dì coi sóc, dầu đạo dầu ngoại đều được vô đó, các dì lo lắng cũng đồng như nhau, bỡi vậy kẻ ngoại thấy cách ăn ở các dì thì kính vì, và sẵn lòng muốn giữ đạo Chúa, thì đã được phước chịu phép rửa tội nữa.

Năm 1913 nhà thương hư, nên phải sửa lại, thì bà nhứt cũng phụ giúp tiền bạc mà cất nhà mới bằng gạch ngói.

Bà nhứt Miều bị đau con mắt, chạy thuốc men hết sức mà không mạnh, nên đã tật mù là năm 1893. Từ ấy đến khi người qua đời, cũng còn làm bề trên nhà phước như hồi khỏe mạnh.

Hễ càng lớn tuổi chừng nào, thì bà càng nhơn đức chừng nấy, hằng làm gương cho ai nấy bắt chước, ăn ở công bình chính trực chẳng biết tày vị ai, không tỏ lòng thương ai hơn ai, chẳng binh người nầy mà bỏ người kia, cứ một đường ngay lẽ thẳng mà làm, bỡi vậy mọi người đều kính sợ thương yêu hết lòng.

Lễ vàng

Bà nhứt đã mặc áo đen cùng khấn hứa là năm 1857, cho nên nhà 1907 thì mừng lễ vàng. Bỡi các dì ai ai đều thương mến bà, cho nên ngày ăn mừng lễ vàng bà thì các dì tựu về mà sửa soạn dọn dẹp nhà cho đẹp đẽ, các cha các họ đồng hiệp một ý mà làm cho lễ nầy ra trọng thể mà trả ơn bà cho xứng đáng; mà hễ càng làm lớn chừng nào, thì cha bề trên Quí càng tỏ lòng vui vẻ, vì cha rõ biết công nghiệp bà nhứt nhiều, đáng cho người ta vui mừng cung kính. Bữa ấy có các họ đến đông, có nhạc họ Thủ Ngủ đem tới thổi dưng cho bà, nhiều bản nghe đẹp lỗ tai.

Các di nhà phước có làm bài chúc mừng, mà cám ơn bà, vì bấy lâu cầm quyền coi sóc cách dịu dàng tử tế hết lòng.

Tối bữa ấy có đốt pháo bông, của các cha annam làm mà dưng cho bà.

Bữa sau Đức Cha Mossard  đến sớm lắm, đi với cha bề trên Liễu Vĩnh Long, và nhiều cha khác. Đức Cha làm lễ tại nhà thờ riêng nhà phước. Bà Annà Miều quì trước hết, có cây đèn lớn của Đức Cha ban cho bà, thấp để một bên, cây đèn có vấn bông hoa xinh đẹp. Đầu bà nhứt đội tràng hoa, lá bằng vàng của nhà phước kín (Carmel) dưng cho bà.

Bà nhứt cùng cả và nhà phước chịu ơn trọng bỡi tay Đức Giám Mục.

Lễ rồi, bà nhứt và các dì đến mừng Đức Cha, có đọc bài mừng. Lúc ấy bà chạnh lòng rơi lụy, song gượng gạo cám ơn Đức Cha cùng các cha vì có lòng đoái tưởng, mình.

Đức Cha chúc lành cho bà, và an ủi các dì phải thật lòng bền đỗ trong đàng lành. Ngày ấy có các bà phước trong địa phận Nam Kỳ đến chầu lễ; nhà phưởc trắng, (dòng ông thánh Phaolồ), nhà phước Chợ Quán, Thủ Thiêm, Cái Nhum, hiệp lại vui mừng cùng nhà phước Cái Mơng. Các cha tây, cha bổn quán có mặt trên 40 cha.

Từ ngày ăn lễ vàng về sau, bà Annà Miều cũng còn làm bề trên nhà phước cách êm ái, công bình chính trực cho tới chết, trí hóa chẳng hề lãng xao lẫn lộn chút nào, dầu còn một tất hơi cũng vậy. Sự nầy có người làm chứng chắc chắn: là bà đau nặng ngày Chúa nhựt thứ nhứt mùa Ápventồ cho đến giờ sinh thì, chẳng nghe bà than van tiếng chi về bịnh bà, trí còn sắc sảo như thuở xuân xanh, chỉ lo việc chung luôn luôn.

Bà chịu phép sức dầu ngày 6 Avril. Bà rước lễ lần sau hết, ngày trước khi chết. Một tháng trước khi chết, bà hằng cầm chuỗi lần, nhứt là ba bữa trước khi tắt hơi, bà cầm chuỗi lần hai tay, sợ e có rớt đi chăng. Bỡi lưỡi đã đớ, nghe bà la lớn tiếng, lóng tai cho kỉ thì hiểu bà đọc: Kính mừng Maria.

Bà nhứt Annà Miều tắt hơi ngày 24 Avril 1915, nhằm ngày 11 tháng ba annam, 8 giờ sớm mai thứ bảy. Hình dạng tươi tốt như kẻ ngủ vậy. Sáng ngày thứ hai làm lễ hát tại nhà thờ nhà phước; 6 giờ chiều ngày ấy đem xác bà vô nhà thờ họ, ở đó một đêm; sáng thứ ba, cha Dumortier làm lễ hát trọng thể, cha Phaolồ Nhượng làm thầy sáu, cha Phaolồ Thắng làm thầy năm, cha Thích thầy lễ nhạc, các cha bổn quán Cái Mơng phân nhau làm việc chức dưới cho ra lễ trọng.

Có Đức Cha phó đến, tàu của ông đốc phủ Mầu rước và đưa Đức Cha và các cha. Đức Cha chầu lễ, các cha tây vả cha bổn quốc hiệp lại 26 cha, Đức cha làm phép xác, rồi đưa tới huyệt đã dọn sẵn sau nhà thờ nhà phước, Các dì đi dạy các nơi tựu về đủ mặt. Có các bà phước trong địa phận Nam Kỳ đến chầu lễ và đưa xác bà. Gần hết trong họ Cái Mơng đến đưa xác; thật là đông đảo, nghiêm trang thứ tự, chôn phía sau nhà thờ của nhà phước, sau nầy sẽ xây lăng tốt mà nhớ công bà nhứt.

Bà nhứt Annà Miều, làm bà nhì hai năm, làm bà nhứt cho tới 46 năm. Theo luật nhà phước, hễ ba năm thì bắt thăm bà nhứt một lần, Song bỡi mỗi kỳ bắt thăm, thì gần hết thảy, cũng chọn bà Annà Miều làm bà nhứt, cho nên bà làm bề trên luôn cho đến chết. Từ bước chơn vào nhà phước cho đến chết là 62 năm, hưởng thọ được 77 tuổi.

Bỡi tôi không có phước mà làm được hạnh của bề trên Gernot (Quí), vì tôi không biết tích người cho tường tận. Nay sẵn cuộc bà nhứt Annà Miều, tôi xin chỉ lược qua một đôi đều mà cám mến đấng đã phú dưng mình làm tôi Chúa cách chi tiết ân cần, đã lìa bỏ quê hương, cha mẹ, bà con, thân thuộc, mà sang ngụ nước Nam, nhằm lúc loạn li xao xiến, nhằm cơn bắt đạo hung hăng, chịu ghe nổi gian truân tất tưởi, chịu nhiều đều cực khổ hiểm nghèo, mà giảng lời Evangelio Chúa cho mọi người thấu biết, hòng cho các làng các nước đặng rập một lòng thờ phượng Đấng chí tôn, cùng cả tiếng ngợi khen danh Chúa.

Cha bề trên một mình đi làm nhiều việc đồ sộ. Khuyên lục châu ai rảnh rang, chẳng nệ đàng xa nẻo hiểm, bước tới xem qua cho hẳn thì mới biết.

Vậy người lập cuộc nầy cho ai nhờ hưởng? Có phải cho người quê hương người sao?

Vì là:

Không quê quán nước nhà chi đây.

Ai ai xem thấy cuộc nầy.

Đem lòng cám mến chở khuây mới nhằm.

Vì cũng đã mấy mươi năm.

Lao đao lận đận biết trăm số nào!

Riêng than đất rộng trời cao.

Bây giờ biết kể làm sao cho cùng !!!..

Nay hai đấng đáng thương tiếc, đã nghỉ ngơi trong tay Chúa, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con là kẻ còn đang giữa chốn chiến trường, còn đang ở nơi sủng khóc lóc, còn đang chịu dông tố bão bùng, cho đặng vững vàng theo chơn hai đấng, hầu sau hưởng phước tiêu diêu thiện quốc là nước thiên đàng.

F. Paul Bính (Trùm họ Giồng Thủ Bá).

----------------------------------

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1915

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét