ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Họ Cái Nhum

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

Từ đây trong “Nam Kỳ Địa Phận” sẽ lược biên sự tích lập các sở trong Địa phận, từ thời sơ khai cho đến bây giờ; cũng như là Sử Ký của Địa phận. Việc nầy thật là rất hữu ích cho con nhà giáo hữu, vì sẽ biết đặng sự giảng đạo đã có trong mỗi họ từ khi nào, và các việc đã xảy ra làm sao. Lúc cấm kín hiểm nguy, thấy các đấng giảng đạo phải liều thân bao nài khó nhọc, chẳng kể chi mạng sống mình, một lo mở mang nước Chúa, cho kẻ ngồi trong bóng chết đặng biết sự sáng thật, mà nhờ phần rỗi mình; lại ta cũng sẽ thấy đặng lòng đạo đức của tiền nhơn tổ phụ ta, thờ Chúa, kính mến Đức Mẹ hết lòng; và thương mến, tôn trọng, tin cậy các đấng giảng đạo là thế nào. Bỡi đó cho nên dầu có cơn bắt đạo đã nổi lên dữ dằn, thì đức tin các kẻ ấy cũng hằng bền vững chẳng day, và lại càng tỏ rạng; chẳng nói chi một ít kẻ non gan, dạ yếu, bỡi sợ hình khổ, đòn bọng, mà đành lòng bỏ Chúa, chối đức tin, mà sau có người đã trở lại ăn năn, lập công đền tội mà thường sự vụng dại trước.

Trong mỗi họ thì sẽ kể lại từ lớp cha nào làm cha sở cai họ, và lập các việc gì trong họ, và là khi nào, như nhà thờ, nhà trường, nhà phước, nhà mồ côi, v.v., cùng những việc gì lớn lao đã xảy ra, đáng ghi, đáng nhớ cho hậu lai, thì đều có kể lại.

Vậy trước hết khởi sự nói về Địa-sở họ Cái Nhum, rồi sẽ tiếp theo mỗi họ khác.

-----------------------------

ĐỊA SỞ HỌ CÁI NHUM

-----------------------------

I.                  Gốc lập Họ

Gốc lập họ nầy là thuở đầu, lúc mở việc giảng đạo tại Nam Kỳ, khi ấy còn thuộc về phần nước Cao Mên. Trong giữa đời thứ 16, những cha dòng Đôminicô người Búttughê ở bên Malacca đã tới giảng đạo tại xứ nầy. Cuối đời thứ 16 lối năm 1588 có những cha dòng Đôminicô người Hiphanho ở tại Manille đã sang giảng đạo tại Tonkin và cũng có vô Nam Kỳ. Qua năm 1614 có những cha dòng Đ C G ở bên nước Nhựt Bổn đi giảng đạo ngoài Tonkin và tại Nam Kỳ nữa. Những việc các đấng nầy đã làm thì không thể biết cho hết đặng, vì đã lâu đời trước; cho nên không rõ các đấng ấy đã lập họ nào, làm sao. Cho tới cuối đời thứ 17, sau cơn bắt đạo dữ dằn từ năm 1661 tới năm 1665 thì mới biết rõ đặng Cái Nhum là nơi chính việc giảng đạo tại Nam Kỳ, và là việc của các cha dòng Phanxicô người Hiphanho ở Manille đã lập. Trong cơn bắt đạo năm 1760, đời vua Võ Vương trị vì nước Nam, có hai cha dòng Phanxicô mới sang qua và ở tại Cái Nhum thì đã phải bắt, cách ít lâu đặng tha, thì hai cha ấy cũng trở về ở tại Cái Nhum, khi ấy nhơn số bổn đạo họ nầy đặng 3000 người.

Đức thầy Vêrô 1771-1799.

Trong năm 1782 đang lúc Đức thầy Vêrô (Mgr. d'Adran) ẩn mình tại cù lao Phú Quốc với mấy học trò latinh, thì cha Ferdinand Odemilla dòng Phanxicô, đã phải quan bắt tại Cái Nhum với một thầy giảng, dẫn lên Saigon và bị trảm quyết tại Chợ Quán. Qua năm 1783, có hai cha dòng Phanxicô đã theo Đức thầy Vêrô xuống Cà Mau, và có phép Đức Cha cho lo trở về Manille, mà đã phải quan bắt, song nhờ bổn đạo chung tiền chuộc lại được, hết 1500 quan tiền. Hai cha ấy liền lên nước Cao Mên, bị bắt nữa, sau cũng đặng khỏi, thì hai cha xuống ở tại Sa Đéc, cùng đi giảng đạo mấy nơi.

Trong đời vua Gia Long, thì Đức cha Labarlette kế vì Đức thầy Vêrô (1799–1822); nhiều người bổn đạo già cả có nghe nói, lúc ấy nước Cao Mên có giặc, nên có nhiều người Cao Mên chạy tới Cái Nhum và phải bị bắt cầm, những người phải kẻ ngoại bắt thì chúng nó chôn sống theo mồ mả, đặng làm bộ hạ cho ông bà cha mẹ chúng nó trong mồ, còn những người Cao Mên nào đặng về tay kẻ có đạo, thì đặng cho ăn, sắm mặc, ấm no, nên chúng nó đều theo đạo và lập gia nghiệp. Bỡi vậy có ít kẻ còn biết đặng dấu người Annam và Cao Mên đã phối hiệp cùng nhau mà sinh con cháu kế hậu tới bây giờ, cũng như người Mọi và người Anam phối hiệp cùng nhau như sẽ thấy sau.

Lại có một việc đích thật nầy nên kể lại cho ai nấy đặng biết: Trong đời vua Gia Long, có một người bổn đạo tên là Lại, cũng có làm làng, gốc ở Cái Nhum, theo một viên quan tên là Ba Đệ, trước qua Vĩnh Long rồi xuống Mỹ Tho, xin đặng làm đội, lần lần lên chức quan (Vinh trung); người có tư chất riêng, nên Nhà nước đặt người cai một chiếc thuyền đi chở lương phạn đem về cho vua, đàng đi xa xuôi lắm; chẳng hay thuyền ra khơi mà phải lạc đàng, trôi tuốt qua đâu bên nước Thiên Trước. Trong cơn hiểm nguy ấy thì quan Vinh trung Lại đã làm lời khấn cùng Đ. C. Bà, hứa nếu Đức Mẹ cứu khỏi khốn và về tới quê nhà thì người sẽ cất một nhà thờ cho Đức Mẹ, và sẽ xe một cây đèn sáp, bề tròn và bề cao bằng cột buồm chiếc thuyền ấy đặng thắp trước bàn thờ Đức Mẹ mà cám ơn. Vậy nhờ ơn Đức Mẹ đã cứu quan nầy khỏi tai nạn, nên khi người trở về Cái Nhum, thì đã dựng một nhà thờ cho Đức Mẹ theo như lời hứa; cái nền nhà thờ ấy bây giờ cũng còn thấy, ở phía sau nhà dòng (nhà thờ nhà Dòng bây giờ đã cất trên nền nhà thờ Đức Mẹ); xa đó một chút thì có mả của quan Vinh trung Lại, xây theo kiểu mả các quan An-nam, lại chính mình đức vua Gia Long đã dạy lấy của Nhà nước mà xây dựng mả quan ấy. Con cháu quan nầy thì còn nhiều người và ở tại Vĩnh Long.

Cái nhà thờ ấy cất theo kiểu xưa, cột bằng cây, trên lợp ngói, không được cao bao nhiêu. Quan Vinh trung đã mua một tượng ảnh Đ. C. Bà mà để trong nhà thờ ấy; tượng ảnh nầy nay để tại nhà thờ họ, bề cao đo được 1 thước 1 tất bẩy, tạc bằng một thứ cứng và láng giống như là ngà, và trỗ chạm khéo léo lắm, theo kiểu Hiphanho, thợ thầy làm tượng ảnh ấy có ý để cho bận áo thanh quí vô dược. Một tượng ảnh Đ. C. Bà khác cũng giống như vậy, cũng là của quan Vinh trung, người hay là con cháu người đã dưng cho nhà thờ họ Sa Đéc.

Người ta nói hai tượng ảnh Đ. C. Bà nầy đã có ban nhiều ơn lạ cho những kẻ chạy đến kêu cầu.

Cũng lối trong thì ấy, họ Cái Nhum đã đặng một tượng ảnh Đ. C. G nằm trong mồ, tượng ấy lớn bằng người, bây giờ cũng còn tại họ; tay thợ chạm trỗ trượng nầy chẳng đặng khéo bao nhiêu, vì có khi là làm tại xứ nầy, tượng ấy bằng cây (gỗ) cứng chắc; không rõ ai đã dưng tượng ấy. Người ta nói khi ấy hai họ, là họ Chợ Quán và họ Cái Nhum, hai họ đồng giành tượng Đ. C. G nầy, nên phải bắt thăm, thì họ Cái Nhum đặng tượng ấy. Trong lúc cấm kín, thì bổn đạo chở tượng nầy giấu dưới ghe chèo ra sông, sợ kẻo quân nghịch soán đặng tượng Chúa mà nhạo cười làm đều vô phép phạm đến. Trong cơn bắt đạo sau hết thì bổn đạo lại đóng một cái hòm lớn bỏ tượng ảnh nầy nằm vào mà chôn trong một nhà người kia ngoại, mà có bà con có đạo ở Huế; làm như vậy mới khỏi lo sợ, vì quan quân không có tìm xét trong nhà kẻ ngoại làm chi.

Đến sau cha Tournier (Thu) đã lo lắng sửa tượng ảnh nầy lại, vì bỡi chôn như vậy nên đã phải hư nhiều, phần thì bị mối ăn nữa. Tượng ảnh nầy bây giờ để nằm dưới bàn thờ chánh, tại nhà thờ họ Cái Nhum.

II. - Trong cơn bắt đạo đời Minh Mạng và Thiệu Trị 1820-1847

Lối năm 1820, cố Phan là cha dòng Phanxicô (không rõ tên tây của cha nầy) đã mua một miếng đất tại vàm Thủ Ngữ, cùng cất nhà thờ lập họ tại đó. Trong năm ấy vua Gia Long thăng hà, Minh Mạng lên kế ngôi 1820–1841.

Đến năm 1823 thì Đức cha Labarlette tạ thế, cha Thomassin làm bề trên địa phận, thì cha Clément bề trên dòng Phanxicô tại Cái Nhum, không chịu nhìn quyền phép cha Thomassin, vì nói mình thâm niên cao tuổi hơn. Bỡi vậy cho nên phải tâu xin Tòa Thánh phân liệu việc nầy, thì cách ít năm sau Tòa Thánh đã đặt Đức Cha Taberd làm Giám mục cai trị địa phận.

Đức cha Taberd 1823 – 1840.

Trong năm 1825 thì còn có một cha dòng Phanxicô ở tại Cái Nhum mà thôi, là cha Ôđôricô, ở nước Italia qua Nam Kỳ lối năm 1818, người là cha sau hết về dòng ông thánh Phanxicô đã sang giảng đạo xứ nầy.

Qua năm 1830 thì nổi cơn bắt đạo, vua Minh Mạng dạy triệt hạ các thánh đàng trong nước hết thảy, cho nên nhà thờ Đ. C. Bà và nhà phước annam tại Cái Nhum đều phải tan tành. Cha Ôđôricô phải bị bắt trong năm 1832 với một cha annam tên là Điều. Nhờ bổn đạo đồng lòng làm đơn xin, nên quan cho chuộc cha Điều 13 nén bạc; còn cha Ôđôricô thì dẫn ra kinh đô Huế. Tới đó người gặp cha Jacquard với cha Gagelin; chẳng khỏi bao lâu cha Gagelin phải chịu xử giảo vì đạo Chúa, trước khi người tử đạo thì cha Ôđôricô và cha Jacquard có tới viếng người nhiều phen; hai cha nầy quan giam ở tại sứ quán.

Qua năm 1833 thì triều đình lên án tử hai cha nầy, song bỡi có lời bà hoàng thái hậu xin, nên vua đổi án tử mà ra lịnh đày đi Ai Lao nơi biên cương nước Lào, lòng sâu độc vua có ý đày hai cha ra đó, cho phải bị bịnh rét mà chết. Vậy đã dời cha Ôđôricô và cha Jacquard vô ngục, đóng xiềng nặng nề, chờ ngày đem đi đày. Hai cha trước đã nghe tin mình đặng phước sẽ đổ máu ra vì đạo Chúa thì rất đỗi vui mừng, mà sau khi nghe lại án đày, cùng phải chịu cực khổ lâu ngày hơn, thì cũng vui lòng và bằng lòng vưng theo thánh ý Chúa. Hai cha tới đi Ai Lao trong đầu năm 1834; ban đầu Minh Mạng ra lịnh dạy bỏ đói khát chẳng cho hai cha ăn uống gì hết, mà sao không biết vì cớ gì nên đã bãi lịnh ấy. Ở đó qua tới mùa nóng nực cha Ôđôricô chịu không nổi, phải bịnh rét mà đau liệt, cách ít ngày thì đã sinh thì, trong ngày 23 Mai 1834, người hằng than tiếc vì không đặng phước đổ máu ra mà xứng danh Đ. C. G.

Năm 1833, có cha Marchand xuống ở tại Cái Nhum một ít lâu, mà sợ ở đó không đặng nhẹm, nên đã sang qua họ Cái Mơng.

Trong năm 1836, thì Đức cha phó Cuénot đã sai cha Lefèbvre (sau lên làm Đức cha) xuống ở Cái Nhum mà xem sóc nhà trường latinh nhỏ và nhà phước, khi ấy các dì nhà phước số được 30 người; còn học trò trường latinh thì là mấy trẻ lo học đặng sang qua trường chung bên Pinăng. Khi ấy, tại đó có bản in sách chử annam cho bổn đạo dùng. Lúc đó Đức cha Cuénot có phong chức cho một cha annam, là cha Hiển, cha nầy ở tại Cái Nhum, sau đã đổi qua Bãi Xan.

Xem qua thì biết rõ, trong mấy cơn bắt đạo ấy, thì họ Cái Nhum thay đổi nhiều cha, khi thì cha tây, khi thì cha annam cai họ, mà họ nầy khi ấy là chánh địa sở, nên có cha tây làm đầu luôn.

Qua năm 1840 Đức cha Taberd tạ thế, Đức cha Cuénot kế vị, cùng đã phong cha Lefèbvre lên làm Đức cha phó, thì ngài cũng hằng ở tại họ Cái Nhum.

Vua Minh Mạng thăng hà trong năm 1841. - Thiệu Trị lên kế quờn 1841 - 1847. Trong năm 1844 thì Tòa Thánh đã chia Địa phận ra làm hai, nên Đức cha Lefèbvre lên làm chánh cai trị Địa phận Saigon. Khi ấy ngài ở tại Cái Nhum (gần Rạch Chanh, chỗ nền nhà thờ cũ). Thì có một thầy giảng tên là Phước, sốt sắng việc giảng dạy quá mà làm cho kẻ ngoại ghét, nên phải chúng nó cáo cho quan bắt, người chịu hình khổ, đòn bọng mà hằng vững lòng, chẳng chịu chỉ hay là khai sự gì hết, mà chẳng dè một đứa ở giúp thầy nầy bỡi sợ hình khổ nên khai với quan rằng có Đức cha ở trong tĩnh.

Vậy quan liền troàn lịnh tìm cho được Đức cha, quan tới tại Cái Nhum bắt ông Vêrô Dinh là biện và câu đồng nhi mà khảo tra hơn 30 phen, dạy phải chỉ Dức cha ở đâu, song ông nầy chẳng hề chịu khai gì hết, đánh khảo đau lắm thì người kêu Chúa mà thôi. Khi ấy Đức cha ẩn mình trong nhà một người ngoại ở tại Cái Gà. Quan cũng bắt mấy hương chức làng có đạo mà dạy khóa quá bỏ đạo, phải đòn bọng gia hình, song các hương chức nầy hằng bền vững chẳng day, cho nên phải án dày ra Huế; có một ít người bổn đạo bỡi non lòng sợ đau, chịu không nổi, và nghe lời các quan bảo: đạo thì giữ trong lòng không sao, miễn là khóa quá phạm ảnh thì được tha về: cho nên cả lòng bước qua tượng ảnh Đ. C Bà mà chối đạo. Quan lại nói hễ Đức cha tỏ mình ra thì chẳng còn làm khốn bổn đạo nữa. Vậy kẻ chăn phải phú mình mà cứu đoàn chiên; kẻo đoàn chiên phải khốn, Đức cha Lefèbvre bèn nhắn tin cho cha Fontaine đến, vì cha nầy ở gần đó, đặng Đức cha giao những giấy tờ và việc xem sóc Địa phận. Trong lúc ấy có một đứa nhỏ 12 tuổi, là con thầy cai tổng có đạo, phải quan bắt mà ngăm đe, nên nó sợ quá mà chỉ nơi Đức cha đang trốn, bỡi vậy cho nên Đức cha phải bắt trong ngày 31 Octobre 1844.

Khi quan bắt đặng Đức cha Lefèbvre cùng đem qua Vĩnh Long thì bỏ ông Vêrô Dinh ở lại Cái Nhum, vì không thể đem theo được, người bị đòn bọng mà phải liệt nhược hết sức, mặt mày thì sưng bầm hết, thịt nát bày xương ra, không thể sống nửa đặng. Có cha Thượng ở Cái Mơng qua làm phước và xức dầu cho người, và có hai ông biện là Danh và Sum giúp người trong mấy ngày sau hết. Chịu phép xức dầu rồi cách ba bốn ngày thì người sinh thì. Ông Vêrô Dinh đã đặng Đức Giáo Tông Piô IX phong lên bực Đáng kính (Vénérable) ngày 27 Septembre 1857.

Đến sau có một người con gái của đấng Đáng kính Vêrô Dinh, đã đi tu làm bà tại nhà phước Kín Saigon; tại đó bây giờ còn giữ xác của đấng Đáng kính ấy.

Vậy quan dẫn Đức cha Lefèbvre qua Vĩnh Long, rồi giải ra Huế với thầy giảng Phước cùng ông cả Ngò.

Ông Luy Ngò đã sinh ra tại Cái Nhum, khi còn trai thì có đi lính giúp vua Gia Long, bỡi giỏi giắn can đảm nên đã đặng chức quan. Khi thôi đi lính thì trở về làng; người có mười một đứa con.

Ông ấy đạo đức chín chắn, trước thì một hai khi có quá chén say sưa, mà người đã sửa mình đặng bỏ nết xấu ấy. Sau người làm ông cả làng và làm ông trùm họ, hằng làm gương tốt cho các chức, viếng thăm giúp đở kẻ bịnh hoạn đau đớn, và chôn xác kẻ đã qua đời. Vậy ông Luy Ngò bị cáo vì tội hoa trử các cha tây và các dì phước; lần đầu có nhờ những hiện hữu tại Vĩnh Long và thầy cai tổng kia cho người hay lịnh quan dạy bắt, nên đã lo giấu các việc đặng nhẹm; mà lần sau người phải bị bắt với Đức cha Lefèbvre và ít người khác; trong mấy kẻ ấy có một cai tổng, đứa con cai tổng nầy đã khai nơi Đức cha ẩn mình như đã nói trước. Thầy cai tổng ấy khi phải quan gia hình thì khóa quá mà bỏ đạo, ông cả Ngò an ủi khuyên lơn hết sức không đặng, nên cũng là cớ làm cho người buồn rầu quá mà phải chết vội. Vì khi giải người ra tới kinh đô Huế được 12 ngày thì người đã sinh thì trước mặt Đức cha Lefèbvre, trong ngày 24 Février 1843, khi ấy người được 73 tuổi. Lúc người liệt nặng thì quan dạy tháo xiềng người mang, mà cũng để chết tại khám; xác người đã mai táng tại đất thánh họ Phủ Cam gần Huế. Đến sau đã lấy cốt xác người mà đem về Cái Nhum, bây giờ còn chôn tại phòng áo lễ nhà thờ họ.

Ông cả Luy Ngò đã đặng Đức Giáo Tông Piô IX phong lên bực Đáng kính ngày 27 Septembre 1857.

Cách ít lâu kế đó thì vua Thiệu Trị phải tha Đức cha Lefèbvre và giao cho quan thủy sư Cécile, như lời quan ấy xin.

Trong cơn bắt đạo nầy, thì gia viên điền sản của bổn đạo đều phải nhà nước tịch kí hết thảy, làm cho nhà chung phải thốn thiếu túng ngặt lắm, các việc lập tại họ đều phải tan hoang hết.

Còn thầy giảng Phước thì vua đã lên án tử mà chưa thi hành, thầy nầy với một thầy khác đã giảng đạo tại khám Huế, mấy tên phạm cầm trong khám trở lại gần hết. Khi vua Tự Đức lên ngôi 1847 - 1858 thì ra ân xá tha bắt đạo một ít lâu, nên cho hai thầy ấy về quê, song mấy kẻ đã trở lại đạo ở trong khám khóc lóc nài nỉ, xin ở lại với chúng nó, nên hai thầy ấy chẳng muốn ra về thong thả, một đành lòng ở lại với những đạo mới ấy.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét