ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Sự tệ hại khi nhầm lẫn giữa "Chuyển ngữ" với "Phiên âm"

SỰ TỆ HẠI KHI NHẦM LẪN GIỮA "CHUYỂN NGỮ" VỚI "PHIÊN ÂM"

* Tệ hại đối với sự phát triển của Tiếng Việt, đây nói về "nhà đài".
* Kho tàng TIẾNG VIỆT muốn được phát triển mạch lạc và trở nên phong phú: ưu tiên cho CHUYỂN NGỮ, sau đó mới tới "chỗ đứng" cho PHIÊN ÂM.

1) PHIÊN ÂM, tức nghe phát âm của một ngôn ngữ nào đó rồi ghi lại bằng ngôn ngữ của mình: chỉ có thể ghi mài mại gần giống thôi, chớ không thể đúng 100% (chẳng hạn chữ "chair" lúc học tiếng Anh vỡ lòng, dùng tiếng Việt để phiên âm thì không cách gì ghi đúng âm của "ch" hết, vì trong tiếng Việt không có ký tự /tʃ/ ).
Mời đọc mấy tỉ dụ:
* Lãnh đạo Triều Tiên có họ tên:
김정은, gõ vào Google đặng biết phát âm ra sao, họ đọc /gim jeong-eun/, cái âm /gim/ này đọc gần giống với "kim".
Người Anh phiên âm & ghi bằng chữ Anh là: "Kim Jong-un".
Người Hoa phiên âm thành /Jīn zhèng'ēn/ & ghi lại bằng chữ Hoa là:
.

Người Việt nếu phiên âm, có thể ghi "Kim Giông Un" hoặc "Kim Dông Un" (không có "Jong" vì trong Bảng chữ cái tiếng Việt chuẩn gồm 29 ký tự là không có ký tự "J", xem chú thích cuối bài này).

* Thêm một tỉ dụ khác. Có một đô thị nức tiếng toàn cầu, nhứt là năm qua nổ ra nhiều phong trào tranh đấu cho Tự Do với một số khuôn mặt nổi bật như Huỳnh Chi Phong. Đô thị đó được ghi bằng Hoa ngữ là .
Hai chữ
, đọc theo tiếng Tàu Quan thoại (Bắc Kinh) là /xiāng gǎng/ (đọc nghe hao hao "xiên càng"). Ủa, sao âm này đọc nghe khác xa so với "Hong Kong" trong tiếng Anh?
Là bởi vì người Anh họ dựa theo tiếng Tàu Quảng Đông để phiên âm (chớ họ đâu dựa vào tiếng Tàu Bắc Kinh mà ham)! "Hong Kong", ghi trong tiếng Anh, là dựa mài mại vào cách phát âm của tiếng Quảng.

Người Việt nếu phiên âm, có thể ghi "Hồng Công" (ghi "Kông" là trớt hướt so với chuẩn chính tả tiếng Việt trước đây cho tới hiện nay: coi đi, tiếng Việt ghi "Công (ơn)" chớ đâu bao giờ ghi "Kông (ơn)"?, chữ cái "K" không bao giờ được ghép liền với nguyên âm "o/ô" trong phép chính tả tiếng Việt).

2) CHUYỂN NGỮ TIẾNG VIỆT (gồm DỊCH NGHĨA & CHUYỂN ÂM)
Tới đây quí bạn ắt hỏi: cách gọi "Kim Chánh Ân" (Kim Jong-un), "Hương Cảng" (Hong Kong), từ đâu ra?
Đây áp dụng phương thức "cầu nối", mượn lấy tự dạng trong Hoa ngữ nhưng đọc thành âm Việt (đọc không giống với tiếng Tàu).

Như dẫn trên, người Hoa phiên âm họ tên lãnh tụ Triều Tiên thành /Jīn zhèng'ēn/, ghi lại bằng chữ Hoa là => Âm Việt của mấy chữ này là: "Kim Chánh Ân".
Người Quảng Đông họ ghi tên thành phố Hong Kong là
=> Âm Việt của hai chữ này là: "Hương Cảng".

* "Hồng Công", "Kim Dông Un" chỉ là PHIÊN ÂM (người Việt chúng ta đọc mài mại, cố gắng đọc gần giống với phát âm của ngôn ngữ sở tại) [còn "Hong Kong", "Kim Jong-un" là cách phiên âm trong tiếng Anh, cũng là nỗ lực của người Anh đọc cho gần giống với ngôn ngữ gốc tiếng Hoa, tiếng Hàn]

Trong khi đó "Hương Cảng", "Kim Chánh Ân" là CHUYỂN ÂM sang tiếng Việt hoàn toàn! Chuyển âm (khác với phiên âm) mới thực là cách thức VIỆT HÓA - bởi vì "chuyển âm" nằm trong khái niệm của CHUYỂN NGỮ (gồm dịch nghĩa, và/hoặc chuyển âm).

* Trong hàng trăm năm, trải qua nhiều thế hệ tiền nhân chúng ta đã dày công làm nên KỲ TÍCH: đó là đã CHUYỂN ÂM sang tiếng Việt đối với toàn bộ Hán tự! (là văn tự mà tiền nhân người Việt chúng ta CHỈ mượn mặt chữ để dùng, từ Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, cho đến Nguyễn Trãi, Lê Lợi..., NHƯNG đọc thành âm Việt).

3) Kho tàng TIẾNG VIỆT - muốn được phát triển mạch lạc và trở nên phong phú - thì phải ưu tiên cho CHUYỂN NGỮ (dịch nghĩa sang tiếng Việt, hoặc chuyển âm), sau đó mới tới "chỗ đứng" cho PHIÊN ÂM.
Vì không tỏ tường nền tảng ngôn ngữ (nêu trên), nên hiện nay xảy ra nhiều chuyện trái tai gai mắt.

Đây, tỉ dụ chuyện này, dễ thấy hết sức - nhưng vẫn ù lì, không chịu sửa:
Ngoài Bắc gọi "săm/lốp", trong Nam dùng chữ "ruột/vỏ (xe)". "Săm" là phiên âm (và rút gọn) từ "chamber" trong tiếng Pháp. "Lốp" cũng rứa, là phiên âm (và rút gọn) từ "envelope" trong tiếng Pháp => "săm/lốp" đều là PHIÊN ÂM. Trong khi đó, "ruột/vỏ" là dịch nghĩa sang tiếng Việt, tức là CHUYỂN NGỮ đâu ra đó.

Ta nói, tỉ như đài Hà Nội, đài Hải Phòng gọi "săm/lốp", đây trở thành thói quen trong nói năng của địa phương, miễn bàn, tôn trọng cách gọi như vậy.

NHƯNG, ở tầm mức đài quốc gia VTV, tầm mức cả nước (gồm Nam, Trung, Bắc) thì ngôn ngữ KHÔNG được phép vướng mắc vào thói cục bộ địa phương!
Vì bất luận thói cục bộ nào cũng đều dẫn tới sự kệch cỡm. Coi đi, "ruột/vỏ" đã dịch nghĩa sang tiếng Việt từ "chambre", "envelope", là TIẾNG VIỆT, sao không dùng mà cứ đi dùng phiên âm "săm/lốp" cũ rích?

Đã vậy còn có một số người đi dạy cho sinh viên, và viết mạng cho rằng "săm/lốp" là Việt hóa; tức họ có chủ mưu đánh lận con đen hẳn hòi, đưa hàng loạt chữ phiên âm như "Ốt-xtrây-lia", "Niu-Yoóc", "Mát-xcơ-va"... mà vẫn dám sơn phết là "Việt hóa" (?), làm bại hoại não trạng nhận thức về Tiếng Việt nơi giới trẻ.

THAY LỜI KẾT
Hãy biết mở mắt ra mà nhìn! Trong kho tàng ngôn ngữ ở khắp các vùng miền trong cả nước, tùy từng trường hợp nơi nào có cách sử dụng chữ nghĩa tốt đẹp cho TIẾNG VIỆT thì lấy ra mà dùng, mà phổ biến, lan tỏa!

Phải ưu tiên cho CHUYỂN NGỮ sang tiếng Việt, nếu "hết chữ" (không có từ ngữ tiếng Việt dịch nghĩa, hoặc không có chuyển âm) thì mới hẵng dùng đến phiên âm.

Có hiểu yêu quí tiếng Việt nghĩa là gì, hay không?
------------------------------------------------------------------------
(*) Bảng chữ cái Tiếng Việt chuẩn, gồm 29 chữ cái (ở miền Nam VN trước đây, và cả nước VN hiện nay đều áp dụng):
a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y.
Có ý kiến đề nghị thêm 4 chữ cái mới vào Bảng chữ cái Tiếng Việt - đó là: f, w, j, z. Vấn đề này vẫn đang tranh luận, chưa có sự đồng thuận.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 


Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Chuỗi ngôn ngữ: "Yịt" / "Yiệt" / "Việt"

CHUỖI NGÔN NGỮ: "YỊT" / "YIỆT" / "VIỆT"

Theo phép chánh tả, viết "Việt", nhưng lạ thay cư dân ở miền Nam và một số tỉnh miền Trung (như "xứ Nẫu" Bình Định, Phú Yên...) lại phát âm là "Yiệt", hay chính xác hơn nữa là "(b)Yiệt" (mím môi âm /b/ rồi bật ra phát âm /yiệt/, nghe vội thì hao hao nhưng không hẳn là âm /ziệt/). Lối phát âm như vậy thường được cho là "phương ngữ" miền Nam và một số tỉnh miền Trung. KHÔNG PHẢI VẬY! "Yiệt" cũng từng là cách phát âm bao đời ở ngoài Bắc luôn, kéo dài cho đến giữa thế ký 17...

* DẪN NHẬP:
Mở đầu bài Bình Ngô đại cáo, có câu:

Mấy chữ Hán này ông bà ta đọc theo "tiếng Việt" (khác hẳn với tiếng Tàu), nhưng đọc ra làm sao? Thuở xưa làm gì có... máy ghi âm để ghi lại cho chính xác, cũng chưa có hệ thống văn tự biểu âm như chữ Quốc ngữ dùng ghép âm lại, đâu ra đó cho thiệt tỏ tường, mà cách phát âm những chữ "vuông" đều truyền khẩu đời trước cho đời sau. Hễ gặp chữ "vuông" nào thì phải học thuộc lòng cách phát âm của chữ đó, đụng phải chữ khác mà thầy chưa dạy thì... bù trất, khỏi biết đọc luôn.
Thành thử, ngay cả hiện nay vẫn còn một số chữ Hán chưa được nhứt quán trong cách phát âm "Việt-Hán" (phát âm sao mới trúng?).

Đối với bản "Bình Ngô đại cáo", sử gia Trần Trọng Kim là người đầu tiên ghi âm bằng chữ Quốc ngữ để biết đường mà đọc (vào năm 1916). Câu chữ Hán trên được cụ Kim ghi là:
"Duy ngã Đại Việt chi quốc"
(Như nước Việt ta từ trước)

Ở đây, sử gia Trần Trọng Kim đọc thành "VIỆT" trong bối cảnh đầu thế kỷ 20 (ấn bản 1916). Mà âm /v/ trong "Việt", theo giới khảo cứu, chỉ xuất hiện sớm lắm là từ giữa thế kỷ 17 trở lại đây mà thôi.
Trong khi đó, "Bình Ngô đại cáo" có mặt vào thế kỷ 15 (năm 1428), lúc đó chưa có âm /v/, nên "Việt" được cho là đọc thành: "Yiệt"; "Đại Việt" <= "Đại Yiệt".

&1&
Mời quí bạn đọc bài khảo cứu, phân tích tỉ mỉ của Trần Thị Vĩnh Tường (fb Vinh Tran) theo đường dẫn ở cuối stt này (*). Ở đây tôi chỉ ghi chú ngắn gọn một số điểm từ bài khảo cứu này.
Hai cứ liệu quan trọng, đó là:
- Tìm hiểu ngôn ngữ của NGƯỜI MƯỜNG, được cho là người cùng "phả hệ" với chúng ta (người "Việt" cổ xưa), còn gìn giữ nhiều từ vựng & phát âm nguyên thủy.
- Dựa theo vài bộ Từ điển quan trọng (ghi lại diễn trình ngữ âm của người "Việt").

&2&
Theo nghiên cứu của Jeanne Cuisinier, trong tiếng Mường xưa HẦU NHƯ KHÔNG THẤY ÂM /V/ ! Bây giờ ta gọi "Việt", nhưng trong tiếng Mường đọc là "Yịt".

Thêm vài tỉ dụ: "vài đồng" - theo phát âm hiện nay có /v/ trong "vài", nhưng trong tiếng Mường là: "bài tồng";
"chớ cãi vô lí" - theo phát âm hiện nay có /v/ trong "vô", nhưng trong tiếng Mường là: "chở cải bô lỉ";
"con vạc mà đi ăn đêm" - theo phát âm hiện nay có /v/ trong "vạc", nhưng trong tiếng Mường: "con wac mà ti ăn têm";
"đừng có vẽ chuyện ra nữa" - theo phát âm hiện nay có /v/ trong "vẽ", nhưng qua tiếng Mường là: "chở cỏ wẽ chiễn tha nưa";

(mở ngoặc để ý thêm chút: Với câu trên, người miền Nam sẽ phát âm là "đừng có yẽ chiện ra nữa", [chiện] ở đây phát âm giông giống với phát âm [chiễn] nguyên thủy của người Yịt cổ xưa, tức Mường).

&3&
THIẾU ÂM [V] KHÁ NHIỀU trong tiếng nói ngày xưa, qua dẫn liệu về văn bản ghi chép, đặc biệt là Từ điển:

3.1/ Từ điển "Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum" (tiếng An Nam - Bồ Đào Nha - Latin) của Alexandre de Rhodes, vào giữa thế kỷ 17 (năm 1651), là một cứ liệu ghi khá tỉ mỉ về cách phát âm của người Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài!
Tỉ dụ:
"con yịt", hoặc "con ụit" - tức "con vịt" theo chánh tả hiện nay;
"ông bà ông byãi", hoặc "oũ bà oũ uãi" - tức "ông bà ông vãi" theo chánh tả hiện nay.
Cách ghi "yịt", "byãi" (phát âm mím môi /b/ rồi bật ra "yãi") - cách đọc này hệt như người miền Nam và một số tỉnh miền Trung hiện nay còn giữ: "vịt" vẫn đọc là [yịt], "vãi" vẫn đọc là [byãi] hoặc [yãi]...

Vậy nên, chí ít là cho đến giữa thế kỷ 17, tiếng nói của ông bà chúng ta thiếu vắng rất nhiều âm [v].

3.2/ Đến giữa thế kỷ 19 (năm 1838), trong Từ điển Taberd thấy xuất hiện nhiều âm [v]!

Tỉ dụ: nếu ở từ điển Alexandre de Rhodes ghi "muôn uật" => từ điển Taberd ghi "muôn vật"; từ điển A.de Rhodes ghi "uiệc Chúa" => từ điển Taberd ghi "việc Chúa" ...
Điều này chứng tỏ trong gần hai thế kỷ (Từ điển A.de Rhodes xuất hiện 1651 cho đến Từ điển Taberd 1883):
- hoặc là người [V]iệt đã có những thay đổi trong phát âm;
- hoặc là Taberd cùng cộng sự đã loại bỏ những âm như [b-ỳơ] rồi khoác cho âm /v/ giống tiếng Latinh.

Dù luận giải kiểu nào, âm /v/ cũng đã xuất hiện ít nhiều trong lối ăn tiếng nói trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Nhưng âm /v/ không chiếm địa vị phổ biến cả nước. Bằng chứng là: người ở miền Nam, người "xứ Nẫu"... không phát âm /v/ trong "Việt" mà họ vẫn phát âm như trước đó là /b-yiệt/ hoặc "Yiệt"!

TẠM THAY LỜI KẾT

Chữ được phát âm theo chuỗi sau: YỊT / YIỆT / VIỆT
Vừa là chuỗi có sự tiến triển theo dòng thời gian: "Yịt" trước (người Mường), đến "Yiệt", rồi mới đến "Việt". Lại vừa là chuỗi tiếng nói cùng đồng hiện, hết sức độc đáo trong ngôn ngữ nước ta.

Ngay lúc này "Yịt" vẫn hiện diện trong cách nói của người Mường (được xem là [V]iệt cổ), đồng thời cư dân Nam Kỳ & một số tỉnh Trung Kỳ vẫn phát âm "Yiệt", song hành với cách phát âm "Việt".

Về mặt chánh tả, khi âm /v/ nay đã ngày càng nhiều, chúng ta viết: "VIỆT". Nhưng mặt khác, cần phải giữ gìn cách phát âm "YIỆT" ("(b)yiệt") như một cách ghi nhớ & đền ơn tiên tổ ./.

* THÔNG BÁO: Stt ghi chú trên để quí bạn thấy ngạc nhiên, thú vị; nếu thắc mắc điều gì, mời đọc trọn bài khảo cứu mà tôi có dẫn link kèm theo đây. Xin đừng vội cmt "phản biện" mà chưa đọc bài (có link, bài dài hơn chục trang) - fb của tôi không dành cho những người nông nổi, hóng hớt!

(*) Đọc trọn bài khảo cứu: http://vietsciences.free.fr/…/bienkhao-binhluan/vuanlichsuv…

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------
Hình 1 & 2: Sinh hoạt tinh thần của người dân trong Nam (Nam Kỳ) ;

Hình 3: Người Mường (được xem là người Yịt/Việt cổ).





 

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Người Yiệt mình, không phải người ngoài!

Nói chuyện này nghe cho biết:
"NGƯỜI YIỆT MÌNH, KHÔNG PHẢI NGƯỜI NGOẢI"
*&*
Cho tới giờ, qua thế kỷ 21 rồi mà một bà chị ở tuốt Vĩnh Châu thuộc Sóc Trăng vẫn còn giữ lối nói rất đặc biệt: "Người Yiệt mình ("Việt" theo lối phát âm trong Nam) bây giờ đi tứ tán, người ở ngoải vô đây nhiều...".
Tôi mới nhớ lại hồi sau năm 1975, tôi từ Pleiku dạt về Sài Gòn sống luôn. Rồi, có dịp lần đầu tiên đi về miền Tây chơi. Lần đó, nghe giọng nói của tôi (giọng... ba rọi pha các miền), một người dân ở Chợ Mới (Long Xuyên) thắc mắc: "Ủa, con không phải người Yiệt hả? Con ở đâu tới đây?". Tôi hết hiểu luôn, mình đang nói tiếng Việt mà, mình là người Việt mà, chỉ khác nhau giọng nói của mỗi miền.

Té ra, người dân ở miền Tây quen lối định danh "người Yiệt" (Việt) tức là người nói giọng miền Nam; còn không nói giọng miền Nam - như người ngoài Bắc chẳng hạn - thì... không phải "người Yiệt".

*&*
Không biết cách xưng "người Yiệt" (dành để chỉ người sống trong Nam thôi) xuất hiện sau thời phân chia Đàng Trong mở cõi riêng mình ên, khác với Đàng Ngoài, khoảng thế kỷ 17? Hay cách hô "người Yiệt" kiểu này xuất hiện muộn hơn vào thế kỷ 19, sau khi xuất hiện cách định danh "Nam Kỳ lục tỉnh"?

Tôi chưa rõ rành chuyện này.

*&*
Mà có cái này mới thực lý thú, thực độc đáo hơn bội phần.
Cách phát âm "Yiệt" (không phải "Việt"), theo một số khảo cứu, thực ra là mới cách phát âm giữ đúng gốc nhứt! Người dân cả nước đều phát âm là "Yiệt" (như "nước Yiệt") - trước khi phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài vào đầu thế kỷ 17.

Nên nhớ cuộc phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài kéo dài hơn 170 năm, quãng thời gian rất lâu rất dài này đã tạo nên những phát triển & khác biệt ngay trong ngôn ngữ hai Đàng.

Âm /v/ xuất hiện muộn, khoảng từ thế kỷ 17 hoặc thế kỷ 18, theo những qui luật biến âm; rồi sau này người Đàng Ngoài gọi qua âm /v/ (như: "nước Việt"). Trong khi đó, người Đàng Trong vẫn gìn giữ lối phát âm truyền thống là: "nước Yiệt".

Rao trước để quí bạn đón đọc bài viết kỳ sau, trích ghi chú từ một khảo cứu của fb Vinh Tran.

*&*
Bỗng dưng gặp một bà chị ở tuốt Sóc Trăng, bà chị nói "Người Yiệt mình bây giờ đi tứ tán...", mà nhớ lại lối gọi "YIỆT" muôn phần hay ho, mà bùi ngùi khôn xiết.

Lịch sử ngôn ngữ nước Việt (Yiệt) của chúng ta còn nhiều kho báu cần phải dò tìm để thấu hiểu cho bằng được đó đa!

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
----------------------------------------------------------------------------------
(hình ảnh: Gánh cải lương "Đồng Nữ ban" toàn nữ không, do Cô Trần Ngọc Diện sáng lập. Cô Ba Diện là cô ruột của cố GS Trần Văn Khê)



 


Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Ghi chú: 3 vấn đề cốt yếu nên nhớ về sự độc đáo trong tiếng Việt

Ghi chú: 3 VẤN ĐỀ CỐT YẾU nên nhớ về SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA TIẾNG VIỆT

1/ Khác biệt về QUỐC ÂM:
1a) Đây nhắc lại để mỗi người dân Việt chúng ta luôn nằm lòng: cả ngàn năm các bực tiền nhân từ nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến Lý, Trần, Hậu Lê, nhà Nguyễn đều mượn chữ Hán để viết.
Trên thế giới việc mượn văn tự một nước khác để viết là qui luật phổ biến. Thời kỳ Đế quốc La Mã sử dụng ngôn ngữ Latin; về sau các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức... cũng đều dựa theo văn tự Latin để phát triển ngôn ngữ cho dân tộc/quốc gia của họ.

1b) Mượn chữ Hán nhưng - nên nhớ - người Việt phát âm bằng TIẾNG VIỆT (không phải tiếng Tàu). Tức là vẫn gìn giữ QUỐC ÂM. Đây là một thành quả đáng trân trọng của biết bao đời tiền nhân để lại cho chúng ta; hơn nữa, có thể gọi đây là một kỳ tích!

Để so sánh, quí bạn ngó qua nước Ba Tây (Brazil), ở bển mượn chữ Bồ Đào Nha và... nói luôn bằng tiếng Bồ (tiếng nói của người bản địa thời xưa mất tiêu). Rồi nước Á Căn Đình (Argentina), người dân bên đó mượn chữ Tây Ban Nha và... nói luôn bằng tiếng Tây Ban Nha (còn tiếng nói bản địa thì đã bị bụi mờ dĩ vãng phủ lấp luôn rồi).
Người Ba Tây, người Á Căn Đình đời nay họ có thấy "mặc cảm" vì xài tiếng nước khác không? Không mắc gì phải "mặc cảm" hết. Hiện nay họ đường hoàng là những nước Độc Lập, và mặc cảm cần được đặt đúng chỗ - đó là đất nước còn lẹt đẹt hay không? người dân có bị mất tự do hay không?

Trong khi đó người Việt chúng ta, các bực cha ông mượn chữ viết nhưng không mượn tiếng (nói), vẫn giữ lại QUỐC ÂM (tức tiếng nói Việt)! Quá tài, quá giỏi.

2/ Khác biệt trong NGỮ PHÁP:
Người Việt nói, "phủ Gia Định", "dinh Long Hồ", "huyện Mộc Hóa"... - nhưng nếu là người Tàu thì họ đảo ngược cấu trúc, đọc thành "Gia Định phủ", "Long Hồ dinh", "Mộc Hóa huyện"...
Tiếng Việt và tiếng Tàu, trong nhiều trường hợp, là ngược nhau về ngữ pháp vậy đó.

Quí bạn ắt biết tới địa danh "Điện Biên"? Vào năm 1841, vua Thiệu Trị lập một phủ () nơi đây và đặt tên là "Điện Biên" (Điện : nghĩa là kiến lập, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải). Nói theo ngữ pháp của tiếng Việt, là: "phủ Điện Biên". Còn đảo ngược gọi "Điện Biên phủ", đây không đúng với ngữ pháp tiếng Việt gì ráo.
Quí bạn ắt cũng nghe nói tới cái chữ "An toàn khu"
安全 (nói tắt là "ATK")? Lẽ ra phải gọi là "Khu an toàn", nhưng sao lại đảo ngược theo kiểu... tiếng Tàu để gọi thành "An toàn khu"?

3/ Khác biệt trong cách dùng TỪ VỰNG:
Người Việt không chỉ dùng QUỐC ÂM (tiếng nói Việt) đã đành, mà ngay cả khi mượn từ vựng của chữ Hán thì người Việt chúng ta cũng dùng một cách độc lập, KHÁC với người Tàu - trong nhiều trường hợp!

Nhiều người trong quí bạn ắt tưởng rằng "phi trường" là người Việt mình bắt chước Tàu để dịch cho "airport"? Tưởng vậy là tưởng bở. Người Tàu, cho dù ở Quảng Đông, Hương Cảng hay ở Đài Loan, họ gọi airport là: "cơ trường" .
Vậy, "phi trường" (
) từ đâu ra? Thì do chính người Việt sáng tạo ra cách gọi như vậy, không ăn nhập gì với Tàu hết.

Thêm một tỉ dụ nữa, rất hay. Hồi thái tử Nhựt Bổn lên ngôi, có mấy tờ báo ở VN viết: thái tử Naruhito làm "lễ đăng cơ". Cái chữ "đăng cơ" ở đâu ra, từ trên trời rơi xuống hả?
Để nói về sự lên ngôi, người Nhựt họ dùng chữ
:"tức vị". Còn người Việt mình bao đời, dùng chữ "đăng quang" để nói về việc lên ngôi vua, chớ làm gì có "đăng cơ"?
Té ra "đăng cơ"
登基 là cách dùng chữ của người Tàu!
Sao mấy tờ báo VN bỗng dưng bức tử cách gọi "đăng quang" của cha ông chúng ta quen dùng bao đời, và hè nhau đi rước chữ "đăng cơ" của người Tàu thay vào?

Cũng mượn chữ Hán mà người Nhựt dùng khác (tỉ dụ "tức vị"), người Việt dùng khác hẳn ("đăng quang") chớ không buộc phải dùng chữ của người Tàu ("đăng cơ"). Kêu bằng là nước sông không phạm nước giếng.

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Tự do

 TỰ DO

1) Hồi cuối thế kỷ 19, vào năm 1874 vua Kalākaua của Vương quốc Hawaii trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới thăm Mỹ. Rồi đến giữa thế kỷ 20, vào ngày 18/3/1959 cuộc trưng cầu dân ý "chọn độc lập, đứng một mình một cõi / hay trở thành một tiểu bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ?", cho ra kết quả: 93% cử tri chọn nhập vô nước Mỹ, trở thành tiểu bang thứ 50!

Người dân Hawaii được cỗ máy quân sự hùng mạnh của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bảo vệ an ninh, khỏi lo nghĩ nhức đầu. Trong khi đó, Hawaii dồn tâm sức lo toan cho việc nâng cao mức sống, bảo đảm các quyền TỰ DO, giữ gìn văn hóa bản địa, và hết thảy nhân sự điều hành (Thống đốc, Quốc hội lưỡng viện của tiểu bang Hawaii) đều do chính người dân Hawaii bầu lên.

2) Ở đây, rất cần nhắc lại một câu nói thời danh: “Nếu nước độc lập mà dân không tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì!". Tức TỰ DO của người dân mới là giá trị cao nhứt, độc lập quốc gia chỉ thực sự có giá trị nếu phục vụ cho quyền sống hạnh phúc của người dân.

Bởi vì... đã có không ít kinh nghiệm thê thảm bày ra trước mắt. Sau khi giành "độc lập" từ tay thực dân ngoại bang, giới lãnh đạo ở một số nước lại trở thành "thực dân bản xứ" đối với chính đồng bào của mình!

Tỉ dụ như nước Zimbabwe với lãnh tụ da đen Robert Mugabe. Sau khi đánh đuổi thực dân Anh rồi nắm độc quyền cai trị hơn bốn mươi năm, anh hùng dân tộc Mugabe đã trở thành tội đồ do quản lý kinh tế bết bát, tham nhũng tràn lan, và vi phạm hàng loạt tội ác chống lại nhân loại.

3) Tây Tạng, mang tiếng là "Khu tự trị", nhưng nhân sự lãnh đạo vùng Tây Tạng là do chế độ Bắc Kinh chỉ đạo - khác xa một trời một vực so với Hawaii.
Ở tiểu bang thứ 50 này của Mỹ, giới lãnh đạo sở tại là do dân bầu chớ chánh quyền Washington không can thiệp (và cũng không được phép "cơ cấu" cho nhân sự chóp bu của tiểu bang, làm sái là vi phạm Hiến pháp Mỹ).

Ở Hawaii, nếu ai đó muốn hòn đảo này ly khai, tách ra độc lập? Thoải mái, cứ việc bày tỏ ý kiến, xuống đường biểu tình, không bị truy cứu tội danh "cổ súy độc lập" gì hết. Nhắm coi có rủ rê được lượng dân chúng đi theo đủ để phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn tiểu bang hay không...

Còn người dân ở Tây Tạng muốn xuống đường đòi độc lập, tách khỏi nước Tàu? Ngay lập tức bị đánh đập tàn nhẫn, dã man.

"MẤT TỰ DO LÀ MẤT TẤT CẢ". Như Tây Tạng. Như Zimbabwe, "độc lập quốc gia" chỉ là cái bánh vẽ không hơn không kém.

4) Có cái này mới thiệt là tréo cẳng ngỗng.
Phi Luật Tân (Philippines), vào năm 1946, Mỹ quyết định chấm dứt chế độ thuộc địa tại đây. Một cuộc trưng cầu dân ý được mở ra: chọn độc lập, hay sáp nhập vô nước Mỹ? Kết quả: lực lượng ủng hộ độc lập chiếm ưu thế. Ngày 4/7/1946, Quốc hội Mỹ chính thức phê chuẩn Phi Luật Tân độc lập.

Trong hơn mười năm sau khi được độc lập, việc cai quản rơi vào vòng lẩn quẩn do giới lãnh đạo chánh trị kém tài kém trí. Hawaii nhìn thấy bài học nhỡn tiền, nên vào 1959 khi được nước Mỹ tổ chức trưng cầu dân ý, người dân Hawaii đủ thông minh để không đi vào vết xe đổ của Phi Luật Tân.

Hiện nay, sau hơn 70 năm độc lập, Phi Luật Tân vẫn chưa khá nổi mà cứ ngụp lặn trong vòng xoáy đấu đá quyền lực, tham nhũng lợi ích nhóm, và nạn khủng bố lan rộng.

... Người Phi than thở vì cơ hội trưng cầu dân ý chỉ đến một lần, đâu thể có lần thứ hai được nữa.

Khi Tự Do bị giảm thiểu thì nền "độc lập quốc gia", rốt cuộc, chỉ đem lại lợi ích cho giới cầm quyền giỏi những trò mỵ dân mà thôi.

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------
Hình 1 & 2: Tiểu bang Hawaii.
Hình 3, 4 & 5: Anh hùng trở thành tội đồ Mugabe; Sư sãi Tây Tạng bị đàn áp vì đòi tự do; Quân khủng bố ở Phi Luật Tân.







 

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Phiên âm Bồ - Phiên âm Pháp

 Ghi chú lai rai cho nhẹ đầu ...

PHIÊN ÂM BỒ - PHIÊN ÂM PHÁP

Đọc trên mạng internet (báo mạng, truyền thông mạng) thấy viết như ri: "Phêrô" - phiên âm từ tiếng Anh "Peter"; "Dòng tu Camêlô - phiên âm từ chữ "Carmel"... Té ra cho tới nay nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào là phiên âm hết ráo! "Sai một li, đi một dặm".
Phiên âm từ tiếng nước ngoài, tức là dựa vào CÁCH PHÁT ÂM của người bản địa của nước đó mà ghi lại bằng chữ Việt (chữ Quốc ngữ) cho người Việt dễ đọc (đọc mài mại, hao hao).
"Peter", ai học tiếng Anh thì biết cách đọc chính xác, đây tạm ghi mài mại là "Pí-tơ" hoặc "Phí-tơ", khác xa lắc xa lơ so với cách phát âm là "Phê-rô". Tức "Phêrô" không phải phiên âm từ tiếng Anh! Vậy mà vẫn dám giải thích bừa, thiệt là điếc không sợ súng.

Đây, kể chuyện cùng thuộc "Ki-tô giáo" nhưng Công giáo và Tin Lành ở VN có cách phiên âm khác nhau.

1/ PHIÊN ÂM TỪ TIẾNG BỒ
Đạo Công giáo do các giáo sĩ Dòng Tên chính thức truyền giáo tại Đàng Trong, Đàng Ngoài đầu thế kỷ 17. Các giáo sĩ lúc bấy giờ đại đa số là người Bồ Đào Nha. Thành thử có rất nhiều danh xưng được phiên âm từ tiếng Bồ, vẫn còn được dùng cho tới nay.

João (tiếng Bồ) => phiên âm thành "Gioan" (trong khi tiếng Anh đọc khác, là: John)
João Batista => "Gioan Bao-ti-xi-ta" (tiếng Anh: John Baptist)
Paulo => "Phao-lô" (tiếng Anh: Paul)
Pedro => "Phê-rô" (tiếng Anh: Peter)
Mateus => "Mát-thêu" (tiếng Anh: Matthew)
Marcos => "Mác-cô" (tiếng Anh: Mark)
José => "Giu-se" (tiếng Anh: Joseph)
Moisés => "Môi-sê" (tiếng Anh: Moses) ...

2/ PHIÊN ÂM TỪ TIẾNG PHÁP
Trong khi đó, bên đạo Tin Lành ở VN lại phiên âm dựa theo tiếng Pháp. Là do như vầy: hồi đầu thế kỷ 20, khoảng năm 1911 việc dịch Kinh Thánh sang Việt ngữ là một nhu cầu khẩn thiết của Hội Thánh Tin Lành. Mà một trong những người dịch Kinh Thánh là Phan Khôi. Ắt quí bạn nghe thấy quen quen? Đúng vậy, đó là nhà thơ Phan Khôi nổi tiếng, ông người Quảng Nam. Cơ sở truyền giáo đầu tiên của Tin Lành tại VN là nằm ở Quảng Nam.
Việc dịch thuật được dựa theo tiếng Pháp (và tham khảo bản dịch bằng chữ Hán).

Jean (tiếng Pháp) => phiên âm thành "Giăng" (bên Công giáo là "Gioan", cũng cùng một vị thánh)
Jean Baptiste => "Giăng Báp-tít" (bên CG: "Gioan Baotixita")
Paul => "Pôn" (bên CG: "Phaolô")
Pierre => "Phi-e-rơ" (bên CG: "Phêrô")
Matthieu => "Ma-thi-ơ" (bên CG: "Mátthêu")
Marc => "Mác" (bên CG: "Máccô")
Joseph => "Giô-sép" (bên CG: "Giuse")

* Chúa JESUS (tiếng Bồ), JÉSUS (tiếng Pháp) đọc na ná nhau, thành thử bên Công giáo lẫn Tin Lành đều phiên âm là "GIÊ-SU".
(trong khi đó tiếng Anh "Jesus" tuy giống mặt chữ nhưng đọc khác hoàn toàn, tạm phiên âm là "Gi-sớt")

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt



 

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Duyên nợ với "Bồ", hay thiệt là hay!

 DUYÊN NỢ VỚI "BỒ", HAY THIỆT LÀ HAY!

("Bồ" đây không phải bồ tèo, bồ bịch, mà là ... Bồ Đào Nha)

Lai rai chữ nghĩa để thêm yêu CHỮ QUỐC NGỮ & TIẾNG VIỆT.
I/ Ta nói trong chữ Hán, tỉ như
(âm Việt đọc là "phụ"), (âm Việt đọc là "mẫu"), "phụ mẫu" là ba mẹ đó đa. Nhưng, nếu muốn nói thẽ thọt, thương ơi là thương: "mẹ ui", "ba ui" thì trong chữ Hán không có âm nào đọc lên là "mẹ", là "ba" hết trơn! Buồn còn hơn chấu cắn. Thành thử tiền nhân người Việt mới sáng tạo ra chữ NÔM, để quốc âm (tiếng nói Việt) có được một bộ chữ chứa lấy.
Chữ Nôm được cấu tạo dựa trên chữ Hán, với nhiều cách thức lắt léo (cái này trong chuyên ngành ngôn ngữ học, đây không bàn đến), người Tàu nhìn vô chữ Nôm có cái họ hiểu và có những cái không hiểu, bù trất luôn.

Chữ Nôm viết , đọc là "ba" (trong "ba mẹ"); chữ Nôm viết , đọc là "mẹ". Đó, đọc lên nghe tiếng "ba", tiếng "mẹ", ngọt ngào biết mấy, chớ không cần phải trịnh trọng "phụ mẫu ".

II/ Chữ Nôm viết , đọc là "BA" (trong "ba mẹ").
Chữ Nôm viết
, đọc là "BÀ" (trong "bà cụ già").
Chữ Nôm viết
, đọc là "BÁ" (trong "bá tước").
Chữ Nôm viết
𩨜 , đọc là "BẢ" (trong "bả vai").
Chữ Nôm viết
, đọc là "BÃ" (trong "bã rượu").
Chữ Nôm viết
, đọc là "BẠ" (trong "bậy bạ").
Thấy gì?
BA - BÀ - BÁ - BẢ - BÃ - BẠ => chỉ khác nhau bởi 6 thanh điệu "ngang", "huyền", "sắc", "hỏi", "ngã", "nặng" mà tạo ra 6 nghĩa khác nhau! Đây là đặc trưng thú vị, là sự độc đáo của tiếng Việt.
Khi viết bằng chữ Nôm, cũng theo tuần tự:
- - - 𩨜 - - => chúng ta phải viết bằng 6 mặt chữ Nôm không giống nhau gì hết, trong khi - phát âm tiếng Việt - kỳ thực chỉ khác nhau về thanh điệu mà thôi ("ba", "bà", "bá", "bả", "bã", "bạ").

III/ Giáo sĩ người Bồ Đào Nhà, Francisco de Pina, đến Hội An vào năm 1617 để truyền đạo Công giáo. Ngài là một người rất giỏi về ngành ngữ âm học, nhờ vậy ngài phân tích đâu là nguyên âm, đâu là phụ âm trong tiếng Việt (vì trong chữ Hán, chữ Nôm bao đời học chữ nào thì chỉ biết đọc chữ đó, hoàn toàn không có ý niệm về nguyên âm, phụ âm...). Chẳng hạn, với 6 mặt chữ Nôm dẫn trên, Francisco de Pina nhận ra "cùng vần" mà chỉ khác nhau về thanh điệu ("giọng": accents).

Trong những bức thư gởi cho bề trên Dòng Tên, Francisco de Pina nhận xét: "Việc học hỏi các thanh điệu là rất quan trọng, vì nếu thiếu chúng, chúng ta khó có thể hiểu được ngôn ngữ của người dân An Nam";
"Các thanh điệu dường như là hồn cốt trong ngôn ngữ An Nam, vì vậy, cần phải hết sức chú tâm để hiểu cho bằng được".

IV/ Ta nói tiếng Pháp, tiếng Anh là những ngôn ngữ KHÔNG có thanh điệu, tức là nếu lên bổng hoặc xuống trầm của một chữ (word) thì không làm thay đổi nghĩa của chữ. Trong khi tiếng Việt xuống trầm (tỉ như "dấu huyền", "dấu nặng"), hoặc nói lên cao (tỉ như "dấu sắc", "dấu hỏi"), nghĩa của chữ trở nên khác nhau.
Người Pháp, người Anh học tiếng Việt gặp khó nhứt là thanh điệu.
Nếu những thế hệ giáo sĩ đầu tiên là người Pháp chẳng hạn, họ sẽ không thể nghĩ ra cách ký âm tiếng Việt bằng hệ chữ Latin mà CÓ THANH ĐIỆU.

Trong khi đó, tiếng Bồ Đào Nha thì không xa lạ cho lắm với những ngôn ngữ CÓ thanh điệu (dù không gồm đủ 6 thanh điệu như tiếng Việt), vì tiếng Bồ cũng có dấu "sắc", dấu "ngã" (như Água: nước, Coracão: trái tim), rồi cả dấu "mũ" (như Lâmpada: bóng đèn)...

Phải nói đây là cơ duyên kỳ ngộ!
Giáo sĩ Francisco de Pina đã dùng khuôn nhạc để phân tích sự lên bổng xuống trầm giữa các chữ "ba", "bà", "bá", "bả", "bã", "bạ". Đây là tiến trình để hình thành những ký hiệu về dấu thanh điệu sau đó (dấu nặng, dấu hỏi, dấu sắc.v.v...).

Sự tương cận về ngữ âm giữa tiếng Việt với tiếng Bồ (so với những ngôn ngữ châu Âu khác) đã giúp các giáo sĩ Bồ Đào Nha chỉ tới năm 1619-1620 đã thành hình được Bộ chữ ký âm cơ bản cho tiếng Việt. Đây là một KỲ TÍCH.
Bởi vì việc xây dựng nên một hệ thống văn tự là rất khó, lâu dài thậm chí hàng mấy trăm năm mới có được bộ chữ mới.

Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) sau đó cũng học bộ chữ ký âm tiếng Việt sơ khởi từ giáo sĩ Francisco de Pina; soạn tự điển cũng dựa trên tiếng Bồ (không dựa tiếng Pháp).

TẠM THAY LỜI KẾT
"Tạm" thôi, vì chưa vội kết luận ngay, còn phải ghi chú lai rai nhiều điều xung quanh chữ Quốc ngữ nữa! - đặng giải trừ những ngộ nhận do vô tình (vì nhiều người chưa tìm hiểu kỹ lịch sử);
hoặc do cố ý xuyên tạc, kêu bằng là "thiếu lương thiện trong tri thức".

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
---------------------------------------------------------
(Ký âm các thanh điệu trên khuôn nhạc, của Francisco de Pina)