ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Người Yiệt mình, không phải người ngoài!

Nói chuyện này nghe cho biết:
"NGƯỜI YIỆT MÌNH, KHÔNG PHẢI NGƯỜI NGOẢI"
*&*
Cho tới giờ, qua thế kỷ 21 rồi mà một bà chị ở tuốt Vĩnh Châu thuộc Sóc Trăng vẫn còn giữ lối nói rất đặc biệt: "Người Yiệt mình ("Việt" theo lối phát âm trong Nam) bây giờ đi tứ tán, người ở ngoải vô đây nhiều...".
Tôi mới nhớ lại hồi sau năm 1975, tôi từ Pleiku dạt về Sài Gòn sống luôn. Rồi, có dịp lần đầu tiên đi về miền Tây chơi. Lần đó, nghe giọng nói của tôi (giọng... ba rọi pha các miền), một người dân ở Chợ Mới (Long Xuyên) thắc mắc: "Ủa, con không phải người Yiệt hả? Con ở đâu tới đây?". Tôi hết hiểu luôn, mình đang nói tiếng Việt mà, mình là người Việt mà, chỉ khác nhau giọng nói của mỗi miền.

Té ra, người dân ở miền Tây quen lối định danh "người Yiệt" (Việt) tức là người nói giọng miền Nam; còn không nói giọng miền Nam - như người ngoài Bắc chẳng hạn - thì... không phải "người Yiệt".

*&*
Không biết cách xưng "người Yiệt" (dành để chỉ người sống trong Nam thôi) xuất hiện sau thời phân chia Đàng Trong mở cõi riêng mình ên, khác với Đàng Ngoài, khoảng thế kỷ 17? Hay cách hô "người Yiệt" kiểu này xuất hiện muộn hơn vào thế kỷ 19, sau khi xuất hiện cách định danh "Nam Kỳ lục tỉnh"?

Tôi chưa rõ rành chuyện này.

*&*
Mà có cái này mới thực lý thú, thực độc đáo hơn bội phần.
Cách phát âm "Yiệt" (không phải "Việt"), theo một số khảo cứu, thực ra là mới cách phát âm giữ đúng gốc nhứt! Người dân cả nước đều phát âm là "Yiệt" (như "nước Yiệt") - trước khi phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài vào đầu thế kỷ 17.

Nên nhớ cuộc phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài kéo dài hơn 170 năm, quãng thời gian rất lâu rất dài này đã tạo nên những phát triển & khác biệt ngay trong ngôn ngữ hai Đàng.

Âm /v/ xuất hiện muộn, khoảng từ thế kỷ 17 hoặc thế kỷ 18, theo những qui luật biến âm; rồi sau này người Đàng Ngoài gọi qua âm /v/ (như: "nước Việt"). Trong khi đó, người Đàng Trong vẫn gìn giữ lối phát âm truyền thống là: "nước Yiệt".

Rao trước để quí bạn đón đọc bài viết kỳ sau, trích ghi chú từ một khảo cứu của fb Vinh Tran.

*&*
Bỗng dưng gặp một bà chị ở tuốt Sóc Trăng, bà chị nói "Người Yiệt mình bây giờ đi tứ tán...", mà nhớ lại lối gọi "YIỆT" muôn phần hay ho, mà bùi ngùi khôn xiết.

Lịch sử ngôn ngữ nước Việt (Yiệt) của chúng ta còn nhiều kho báu cần phải dò tìm để thấu hiểu cho bằng được đó đa!

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
----------------------------------------------------------------------------------
(hình ảnh: Gánh cải lương "Đồng Nữ ban" toàn nữ không, do Cô Trần Ngọc Diện sáng lập. Cô Ba Diện là cô ruột của cố GS Trần Văn Khê)



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét