Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Tự do

 TỰ DO

1) Hồi cuối thế kỷ 19, vào năm 1874 vua Kalākaua của Vương quốc Hawaii trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới thăm Mỹ. Rồi đến giữa thế kỷ 20, vào ngày 18/3/1959 cuộc trưng cầu dân ý "chọn độc lập, đứng một mình một cõi / hay trở thành một tiểu bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ?", cho ra kết quả: 93% cử tri chọn nhập vô nước Mỹ, trở thành tiểu bang thứ 50!

Người dân Hawaii được cỗ máy quân sự hùng mạnh của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bảo vệ an ninh, khỏi lo nghĩ nhức đầu. Trong khi đó, Hawaii dồn tâm sức lo toan cho việc nâng cao mức sống, bảo đảm các quyền TỰ DO, giữ gìn văn hóa bản địa, và hết thảy nhân sự điều hành (Thống đốc, Quốc hội lưỡng viện của tiểu bang Hawaii) đều do chính người dân Hawaii bầu lên.

2) Ở đây, rất cần nhắc lại một câu nói thời danh: “Nếu nước độc lập mà dân không tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì!". Tức TỰ DO của người dân mới là giá trị cao nhứt, độc lập quốc gia chỉ thực sự có giá trị nếu phục vụ cho quyền sống hạnh phúc của người dân.

Bởi vì... đã có không ít kinh nghiệm thê thảm bày ra trước mắt. Sau khi giành "độc lập" từ tay thực dân ngoại bang, giới lãnh đạo ở một số nước lại trở thành "thực dân bản xứ" đối với chính đồng bào của mình!

Tỉ dụ như nước Zimbabwe với lãnh tụ da đen Robert Mugabe. Sau khi đánh đuổi thực dân Anh rồi nắm độc quyền cai trị hơn bốn mươi năm, anh hùng dân tộc Mugabe đã trở thành tội đồ do quản lý kinh tế bết bát, tham nhũng tràn lan, và vi phạm hàng loạt tội ác chống lại nhân loại.

3) Tây Tạng, mang tiếng là "Khu tự trị", nhưng nhân sự lãnh đạo vùng Tây Tạng là do chế độ Bắc Kinh chỉ đạo - khác xa một trời một vực so với Hawaii.
Ở tiểu bang thứ 50 này của Mỹ, giới lãnh đạo sở tại là do dân bầu chớ chánh quyền Washington không can thiệp (và cũng không được phép "cơ cấu" cho nhân sự chóp bu của tiểu bang, làm sái là vi phạm Hiến pháp Mỹ).

Ở Hawaii, nếu ai đó muốn hòn đảo này ly khai, tách ra độc lập? Thoải mái, cứ việc bày tỏ ý kiến, xuống đường biểu tình, không bị truy cứu tội danh "cổ súy độc lập" gì hết. Nhắm coi có rủ rê được lượng dân chúng đi theo đủ để phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn tiểu bang hay không...

Còn người dân ở Tây Tạng muốn xuống đường đòi độc lập, tách khỏi nước Tàu? Ngay lập tức bị đánh đập tàn nhẫn, dã man.

"MẤT TỰ DO LÀ MẤT TẤT CẢ". Như Tây Tạng. Như Zimbabwe, "độc lập quốc gia" chỉ là cái bánh vẽ không hơn không kém.

4) Có cái này mới thiệt là tréo cẳng ngỗng.
Phi Luật Tân (Philippines), vào năm 1946, Mỹ quyết định chấm dứt chế độ thuộc địa tại đây. Một cuộc trưng cầu dân ý được mở ra: chọn độc lập, hay sáp nhập vô nước Mỹ? Kết quả: lực lượng ủng hộ độc lập chiếm ưu thế. Ngày 4/7/1946, Quốc hội Mỹ chính thức phê chuẩn Phi Luật Tân độc lập.

Trong hơn mười năm sau khi được độc lập, việc cai quản rơi vào vòng lẩn quẩn do giới lãnh đạo chánh trị kém tài kém trí. Hawaii nhìn thấy bài học nhỡn tiền, nên vào 1959 khi được nước Mỹ tổ chức trưng cầu dân ý, người dân Hawaii đủ thông minh để không đi vào vết xe đổ của Phi Luật Tân.

Hiện nay, sau hơn 70 năm độc lập, Phi Luật Tân vẫn chưa khá nổi mà cứ ngụp lặn trong vòng xoáy đấu đá quyền lực, tham nhũng lợi ích nhóm, và nạn khủng bố lan rộng.

... Người Phi than thở vì cơ hội trưng cầu dân ý chỉ đến một lần, đâu thể có lần thứ hai được nữa.

Khi Tự Do bị giảm thiểu thì nền "độc lập quốc gia", rốt cuộc, chỉ đem lại lợi ích cho giới cầm quyền giỏi những trò mỵ dân mà thôi.

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------
Hình 1 & 2: Tiểu bang Hawaii.
Hình 3, 4 & 5: Anh hùng trở thành tội đồ Mugabe; Sư sãi Tây Tạng bị đàn áp vì đòi tự do; Quân khủng bố ở Phi Luật Tân.







 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét