DUYÊN NỢ VỚI "BỒ", HAY THIỆT LÀ HAY!
("Bồ" đây không phải bồ tèo, bồ bịch, mà là ... Bồ Đào Nha)
Lai rai chữ nghĩa để thêm yêu CHỮ QUỐC NGỮ & TIẾNG
VIỆT.
I/ Ta nói trong chữ Hán, tỉ như 父
(âm Việt đọc là "phụ"), 母
(âm Việt đọc là "mẫu"), "phụ mẫu" là ba mẹ đó đa. Nhưng, nếu
muốn nói thẽ thọt, thương ơi là thương: "mẹ ui", "ba ui" thì
trong chữ Hán không có âm nào đọc lên là "mẹ", là "ba" hết
trơn! Buồn còn hơn chấu cắn. Thành thử tiền nhân người Việt mới sáng tạo ra chữ
NÔM, để quốc âm (tiếng nói Việt) có được một bộ chữ chứa lấy.
Chữ Nôm được cấu tạo dựa trên chữ Hán, với nhiều cách thức lắt léo (cái này
trong chuyên ngành ngôn ngữ học, đây không bàn đến), người Tàu nhìn vô chữ Nôm
có cái họ hiểu và có những cái không hiểu, bù trất luôn.
Chữ Nôm viết 爸
, đọc là "ba" (trong "ba mẹ"); chữ Nôm viết 媄, đọc là "mẹ".
Đó, đọc lên nghe tiếng "ba", tiếng "mẹ", ngọt ngào biết mấy,
chớ không cần phải trịnh trọng "phụ mẫu 父 母".
II/ Chữ Nôm viết 爸,
đọc là "BA" (trong "ba mẹ").
Chữ Nôm viết 婆,
đọc là "BÀ" (trong "bà cụ già").
Chữ Nôm viết 伯,
đọc là "BÁ" (trong "bá tước").
Chữ Nôm viết 𩨜
, đọc là "BẢ" (trong "bả vai").
Chữ Nôm viết 粑,
đọc là "BÃ" (trong "bã rượu").
Chữ Nôm viết 把,
đọc là "BẠ" (trong "bậy bạ").
Thấy gì?
BA - BÀ - BÁ - BẢ - BÃ - BẠ => chỉ khác nhau bởi 6 thanh điệu
"ngang", "huyền", "sắc", "hỏi",
"ngã", "nặng" mà tạo ra 6 nghĩa khác nhau! Đây là đặc trưng
thú vị, là sự độc đáo của tiếng Việt.
Khi viết bằng chữ Nôm, cũng theo tuần tự:
爸
- 婆
- 伯
- 𩨜 - 粑 - 把
=> chúng ta phải viết bằng 6 mặt chữ Nôm không giống nhau gì hết, trong khi
- phát âm tiếng Việt - kỳ thực chỉ khác nhau về thanh điệu mà thôi
("ba", "bà", "bá", "bả", "bã",
"bạ").
III/ Giáo sĩ người Bồ Đào Nhà, Francisco de Pina, đến
Hội An vào năm 1617 để truyền đạo Công giáo. Ngài là một người rất giỏi về
ngành ngữ âm học, nhờ vậy ngài phân tích đâu là nguyên âm, đâu là phụ âm trong
tiếng Việt (vì trong chữ Hán, chữ Nôm bao đời học chữ nào thì chỉ biết đọc chữ
đó, hoàn toàn không có ý niệm về nguyên âm, phụ âm...). Chẳng hạn, với 6 mặt chữ
Nôm dẫn trên, Francisco de Pina nhận ra "cùng vần" mà chỉ khác nhau về
thanh điệu ("giọng": accents).
Trong những bức thư gởi cho bề trên Dòng Tên,
Francisco de Pina nhận xét: "Việc học hỏi các thanh điệu là rất quan
trọng, vì nếu thiếu chúng, chúng ta khó có thể hiểu được ngôn ngữ của
người dân An Nam";
"Các thanh điệu dường như là hồn cốt trong ngôn ngữ An Nam, vì
vậy, cần phải hết sức chú tâm để hiểu cho bằng được".
IV/ Ta nói tiếng Pháp, tiếng Anh là những ngôn ngữ
KHÔNG có thanh điệu, tức là nếu lên bổng hoặc xuống trầm của một chữ (word) thì
không làm thay đổi nghĩa của chữ. Trong khi tiếng Việt xuống trầm (tỉ như
"dấu huyền", "dấu nặng"), hoặc nói lên cao (tỉ như "dấu
sắc", "dấu hỏi"), nghĩa của chữ trở nên khác nhau.
Người Pháp, người Anh học tiếng Việt gặp khó nhứt là thanh điệu.
Nếu những thế hệ giáo sĩ đầu tiên là người Pháp chẳng hạn, họ sẽ không thể nghĩ
ra cách ký âm tiếng Việt bằng hệ chữ Latin mà CÓ THANH ĐIỆU.
Trong khi đó, tiếng Bồ Đào Nha thì không xa lạ cho lắm
với những ngôn ngữ CÓ thanh điệu (dù không gồm đủ 6 thanh điệu như tiếng Việt),
vì tiếng Bồ cũng có dấu "sắc", dấu "ngã" (như Água: nước,
Coracão: trái tim), rồi cả dấu "mũ" (như Lâmpada: bóng đèn)...
Phải nói đây là cơ duyên kỳ ngộ!
Giáo sĩ Francisco de Pina đã dùng khuôn nhạc để phân tích sự lên bổng xuống trầm
giữa các chữ "ba", "bà", "bá", "bả",
"bã", "bạ". Đây là tiến trình để hình thành những ký hiệu về
dấu thanh điệu sau đó (dấu nặng, dấu hỏi, dấu sắc.v.v...).
Sự tương cận về ngữ âm giữa tiếng Việt với tiếng Bồ
(so với những ngôn ngữ châu Âu khác) đã giúp các giáo sĩ Bồ Đào Nha chỉ tới năm
1619-1620 đã thành hình được Bộ chữ ký âm cơ bản cho tiếng Việt. Đây là một KỲ
TÍCH.
Bởi vì việc xây dựng nên một hệ thống văn tự là rất khó, lâu dài thậm chí hàng
mấy trăm năm mới có được bộ chữ mới.
Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) sau đó cũng học bộ
chữ ký âm tiếng Việt sơ khởi từ giáo sĩ Francisco de Pina; soạn tự điển cũng dựa
trên tiếng Bồ (không dựa tiếng Pháp).
TẠM THAY LỜI KẾT
"Tạm" thôi, vì chưa vội kết luận ngay, còn phải ghi chú lai rai nhiều
điều xung quanh chữ Quốc ngữ nữa! - đặng giải trừ những ngộ nhận do vô tình (vì
nhiều người chưa tìm hiểu kỹ lịch sử);
hoặc do cố ý xuyên tạc, kêu bằng là "thiếu lương thiện trong tri thức".
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
---------------------------------------------------------
(Ký âm các thanh điệu trên khuôn nhạc, của Francisco de Pina)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét