SỰ TỆ HẠI KHI NHẦM LẪN GIỮA "CHUYỂN NGỮ" VỚI "PHIÊN ÂM"
* Tệ hại đối với sự phát triển của Tiếng Việt, đây nói về "nhà đài".
* Kho tàng TIẾNG VIỆT muốn được phát triển mạch lạc và trở nên phong phú: ưu
tiên cho CHUYỂN NGỮ, sau đó mới tới "chỗ đứng" cho PHIÊN ÂM.
1) PHIÊN ÂM, tức nghe phát âm của một ngôn ngữ nào đó
rồi ghi lại bằng ngôn ngữ của mình: chỉ có thể ghi mài mại gần giống thôi, chớ
không thể đúng 100% (chẳng hạn chữ "chair" lúc học tiếng Anh vỡ lòng,
dùng tiếng Việt để phiên âm thì không cách gì ghi đúng âm của "ch" hết,
vì trong tiếng Việt không có ký tự /tʃ/ ).
Mời đọc mấy tỉ dụ:
* Lãnh đạo Triều Tiên có họ tên: 김정은,
gõ vào Google đặng biết phát âm ra sao, họ đọc /gim jeong-eun/, cái âm /gim/
này đọc gần giống với "kim".
Người Anh phiên âm & ghi bằng chữ Anh là: "Kim Jong-un".
Người Hoa phiên âm thành /Jīn zhèng'ēn/ & ghi lại bằng chữ Hoa là: 金
正
恩 .
Người Việt nếu phiên âm, có thể ghi "Kim Giông
Un" hoặc "Kim Dông Un" (không có "Jong" vì trong Bảng
chữ cái tiếng Việt chuẩn gồm 29 ký tự là không có ký tự "J", xem chú
thích cuối bài này).
* Thêm một tỉ dụ khác. Có một đô thị nức tiếng toàn cầu,
nhứt là năm qua nổ ra nhiều phong trào tranh đấu cho Tự Do với một số khuôn mặt
nổi bật như Huỳnh Chi Phong. Đô thị đó được ghi bằng Hoa ngữ là 香
港.
Hai chữ 香
港, đọc theo tiếng
Tàu Quan thoại (Bắc Kinh) là /xiāng gǎng/ (đọc nghe hao hao "xiên
càng"). Ủa, sao âm này đọc nghe khác xa so với "Hong Kong" trong
tiếng Anh?
Là bởi vì người Anh họ dựa theo tiếng Tàu Quảng Đông để phiên âm (chớ họ đâu dựa
vào tiếng Tàu Bắc Kinh mà ham)! "Hong Kong", ghi trong tiếng Anh, là
dựa mài mại vào cách phát âm của tiếng Quảng.
Người Việt nếu phiên âm, có thể ghi "Hồng
Công" (ghi "Kông" là trớt hướt so với chuẩn chính tả tiếng Việt
trước đây cho tới hiện nay: coi đi, tiếng Việt ghi "Công (ơn)" chớ
đâu bao giờ ghi "Kông (ơn)"?, chữ cái "K" không bao giờ được
ghép liền với nguyên âm "o/ô" trong phép chính tả tiếng Việt).
2) CHUYỂN NGỮ TIẾNG VIỆT (gồm DỊCH NGHĨA & CHUYỂN
ÂM)
Tới đây quí bạn ắt hỏi: cách gọi "Kim Chánh Ân" (Kim Jong-un),
"Hương Cảng" (Hong Kong), từ đâu ra?
Đây áp dụng phương thức "cầu nối", mượn lấy tự dạng trong Hoa ngữ
nhưng đọc thành âm Việt (đọc không giống với tiếng Tàu).
Như dẫn trên, người Hoa phiên âm họ tên lãnh tụ Triều
Tiên thành /Jīn zhèng'ēn/, ghi lại bằng chữ Hoa là 金 正 恩
=> Âm Việt của mấy chữ này là: "Kim Chánh Ân".
Người Quảng Đông họ ghi tên thành phố Hong Kong là 香 港
=> Âm Việt của hai chữ này là: "Hương Cảng".
* "Hồng Công", "Kim Dông Un" chỉ
là PHIÊN ÂM (người Việt chúng ta đọc mài mại, cố gắng đọc gần giống với phát âm
của ngôn ngữ sở tại) [còn "Hong Kong", "Kim Jong-un" là
cách phiên âm trong tiếng Anh, cũng là nỗ lực của người Anh đọc cho gần giống với
ngôn ngữ gốc tiếng Hoa, tiếng Hàn]
Trong khi đó "Hương Cảng", "Kim Chánh
Ân" là CHUYỂN ÂM sang tiếng Việt hoàn toàn! Chuyển âm (khác với phiên âm)
mới thực là cách thức VIỆT HÓA - bởi vì "chuyển âm" nằm trong khái niệm
của CHUYỂN NGỮ (gồm dịch nghĩa, và/hoặc chuyển âm).
* Trong hàng trăm năm, trải qua nhiều thế hệ tiền nhân
chúng ta đã dày công làm nên KỲ TÍCH: đó là đã CHUYỂN ÂM sang tiếng Việt đối với
toàn bộ Hán tự! (là văn tự mà tiền nhân người Việt chúng ta CHỈ mượn mặt chữ để
dùng, từ Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, cho đến Nguyễn
Trãi, Lê Lợi..., NHƯNG đọc thành âm Việt).
3) Kho tàng TIẾNG VIỆT - muốn được phát triển mạch lạc
và trở nên phong phú - thì phải ưu tiên cho CHUYỂN NGỮ (dịch nghĩa sang tiếng
Việt, hoặc chuyển âm), sau đó mới tới "chỗ đứng" cho PHIÊN ÂM.
Vì không tỏ tường nền tảng ngôn ngữ (nêu trên), nên hiện nay xảy ra nhiều chuyện
trái tai gai mắt.
Đây, tỉ dụ chuyện này, dễ thấy hết sức - nhưng vẫn ù
lì, không chịu sửa:
Ngoài Bắc gọi "săm/lốp", trong Nam dùng chữ "ruột/vỏ (xe)".
"Săm" là phiên âm (và rút gọn) từ "chamber" trong tiếng
Pháp. "Lốp" cũng rứa, là phiên âm (và rút gọn) từ
"envelope" trong tiếng Pháp => "săm/lốp" đều là PHIÊN
ÂM. Trong khi đó, "ruột/vỏ" là dịch nghĩa sang tiếng Việt, tức là
CHUYỂN NGỮ đâu ra đó.
Ta nói, tỉ như đài Hà Nội, đài Hải Phòng gọi
"săm/lốp", đây trở thành thói quen trong nói năng của địa phương, miễn
bàn, tôn trọng cách gọi như vậy.
NHƯNG, ở tầm mức đài quốc gia VTV, tầm mức cả nước (gồm
Nam, Trung, Bắc) thì ngôn ngữ KHÔNG được phép vướng mắc vào thói cục bộ địa
phương!
Vì bất luận thói cục bộ nào cũng đều dẫn tới sự kệch cỡm. Coi đi, "ruột/vỏ"
đã dịch nghĩa sang tiếng Việt từ "chambre", "envelope", là
TIẾNG VIỆT, sao không dùng mà cứ đi dùng phiên âm "săm/lốp" cũ rích?
Đã vậy còn có một số người đi dạy cho sinh viên, và viết
mạng cho rằng "săm/lốp" là Việt hóa; tức họ có chủ mưu đánh lận con
đen hẳn hòi, đưa hàng loạt chữ phiên âm như "Ốt-xtrây-lia",
"Niu-Yoóc", "Mát-xcơ-va"... mà vẫn dám sơn phết là "Việt
hóa" (?), làm bại hoại não trạng nhận thức về Tiếng Việt nơi giới trẻ.
THAY LỜI KẾT
Hãy biết mở mắt ra mà nhìn! Trong kho tàng ngôn ngữ ở khắp các vùng miền trong
cả nước, tùy từng trường hợp nơi nào có cách sử dụng chữ nghĩa tốt đẹp cho TIẾNG
VIỆT thì lấy ra mà dùng, mà phổ biến, lan tỏa!
Phải ưu tiên cho CHUYỂN NGỮ sang tiếng Việt, nếu
"hết chữ" (không có từ ngữ tiếng Việt dịch nghĩa, hoặc không có chuyển
âm) thì mới hẵng dùng đến phiên âm.
Có hiểu yêu quí tiếng Việt nghĩa là gì, hay không?
------------------------------------------------------------------------
(*) Bảng chữ cái Tiếng Việt chuẩn, gồm 29 chữ cái (ở miền Nam VN trước đây, và
cả nước VN hiện nay đều áp dụng):
a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư,
v, x, y.
Có ý kiến đề nghị thêm 4 chữ cái mới vào Bảng chữ cái Tiếng Việt - đó là: f, w,
j, z. Vấn đề này vẫn đang tranh luận, chưa có sự đồng thuận.
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét