ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Xin gởi lời giải đáp câu hỏi về hai tiếng cù là (Kiến thức ngày nay, số 99, mục Chuyện Đông chuyện Tây) như sau. Kẹo chocolat nhập từ Pháp khoảng thập niên 1920 – 1930. Người biết đọc tiếng Pháp phát âm là sô-cô-la còn giới bình dân thì đọc trại ra là súc-cù-là.

ĐỘC GIẢ: Xin gởi lời giải đáp câu hỏi về hai tiếng cù là (Kiến thức ngày nay, số 99, mục Chuyện Đông chuyện Tây) như sau. Kẹo chocolat nhập từ Pháp khoảng thập niên 1920 – 1930. Người biết đọc tiếng Pháp phát âm là sô-cô-la còn giới bình dân thì đọc trại ra là súc-cù-là. Đa số người sinh sống tại Sài Gòn – Chợ Lớn thường gọi màu nâu là màu sô-cô-la hay súc-cù-là. Bấy giờ, hiệu Nhị Thiên Đường có bào chế loại dầu gió ở dạng sáp mềm có màu súc-cù-là. Loại dầu này ban đầu được gọi là dầu súc-cù-là, về sau gọi gọn lại là dầu cù là. Khoảng thập niên 60, dầu cù là Mac Phsu được nhập từ Miến Điện, tuy chẳng có màu cù-là nhưng cũng được gọi là dầu cù là. Ngôn ngữ là như thế!

AN CHI: Người Nam Bộ chưa bao giờ phiêm âm chololat thành “súc-cù-là”. Đây là dạng phiên âm của người miền Bắc. Là người sanh ra và lớn lên tại Sài Gòn – Chợ Lớn, từ cha sanh mẹ đẻ, chúng tôi chưa hề nghe ở đây gọi chocolat bằng ba cái âm đó. Vì thế, họ cũng không hề gọi màu chocolat là màu “súc-cù-là”. Học hải Vương Hồng Sển, người thông thạo về cổ tích và sinh hoạt của đất Sài Gòn và đất Nam Bộ, đã nghe người bình dân Nam Bộ gọi chocolat là sô-cu-la từ hồi còn bé. Xin chép hiến ông lời của học giả này như sau: “Thuở nhỏ tôi có được nghe đám con nít chợ Sóc Trăng hát nàư sau: “Ac-táp-lách Sô-cu-la Canh-ti-na Bồn-Kèn (…) Về sau khi lên học trường Sài Gòn, tôi mới được nếm mùi tấm tablette de chocolat bán tại hóc đường Catinat và Bonard gần Bồn Kèn tôi mới thấy rõ có lẽ câu này thuở ấy là do một món quà sang trọng hiếm có (món chocolat – AC) được đem về xứ quê, chợ Sóc Trăng yêu mến của tôi, nhưng bởi phát âm không rành nên nghe trại bẹ như vậy chăng” (1). Thế là dân “xứ quê Sóc-Trăng” đã gọi chocolat thành “sô-cu-la” từ ngót 80 năm nay và nói chung dân Nam Bộ chưa bao giờ gọi chocolat là “súc-cù-là” cả.

Dầu cù là Mac Phsu cũng không nhập vào Sài Gòn hồi thập kỷ 60 như ông đã nói mà trước đó rất lâu. Tổng đại lý của dầu cù là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là Nguyễn Trãi, Quận 1) gần nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ có mấy căn phố. Phía sau lưng nó nay là đường Phạm Ngũ Lão, ngó qua chợ Thái Bình. Nhưng trước khi dầu cù là Mac Phsu có tổng đại lý tại Sài Gòn thì dân miền Tây Nam Bộ đã biết đến nó từ lâu, vì cuối thế kỷ XIX người Cù Là (= Miến Điện) đã đến buôn bán tại đó. Họ đã lập thành xóm gọi là xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số. Xóm này nay hãy còn tên (2).

Vậy xin vui long tách ba tiếng “súc-cù-là” ra khỏi từ nguyên của danh ngữ dầu cù là.


1. Sài Gòn năm xưa, Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr.106.
2. Xem Sơn Nam, “việc khẩn hoang vùng Rạch Giá”, Tập san sử địa, số 19-20, Sài Gòn, 1970, tr.178.

Kiến thức ngày nay, số 108, ngày30-4 & 1-5-1993


Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Có phải Hằng Nga (vợ của Hậu Nghệ trong thần thoại Trung Hoa) còn có tên là Thường Nga hay không? Tại sao?

ĐỘC GIẢ: Có phải Hằng Nga (vợ của Hậu Nghệ trong thần thoại Trung Hoa) còn có tên là Thường Nga hay không? Tại sao?

AN CHI: Vâng, Hằng Nga còn có tên là Thường Nga. Trước đời Hán Văn Đế (179 – 165 tr. CN), người ta vẫn gọi nàng tiên đã ăn cắp thuốc trường sinh này là Hằng Nga. Nhưng từ đời Văn Đế nhà Hán thì do kỵ húy mà nàng đã được cải gọi là Thường Nga vì tiếng thứ nhất trong tên của nàng lại trùng với tên húy của Văn Đế. Tên húy của ông vua này chả là Hằng. Chữ viết tuy khác nhau nhưng cách phát âm lại là một, cho nên người ta đã phải tìm cách thay tiếng Hằng trong tên của nàng bằng một tiếng khác . Người ta đã chọn cho tiếng hằng  một từ đồng nghĩa là thường vì tiếng sau có chung với tiếng trước một nét nghĩa là “diễn ra hoặc tồn tại lâu dài trong thời gian”. Cứ theo từ nguyên, Hằng Nga hoặc Thường Nga đều có nghĩa là sắc đẹp vĩnh cữu hoặc người đẹp trường tồn (nga là người con gái đẹp hoặc sắc đẹp của người con gái).

Chính vì những lẽ trên mà Hằng Nga còn có tên Thường Nga. Trong tiếng Hán phổ thông hiện nay (tiếng Bắc Kinh) Thường Nga có xu hướng thông dụng hơn Hằng Nga chính cũng do tục kỵ húy ngày xưa mà ra.

Kiến thức ngày nay, số 107, ngày 1-5-1993


Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Tôi có thể tạm hiểu tiếng văn dùng làm chữ lót trong tên trong tên của phái nam đại khái là “nho nhã, thanh tao”. Nhưng tiếng thị dùng làm chữ lót trong tên của nhiều người thuộc phái nữ thì xin chịu.

ĐỘC GIẢ: Tôi có thể tạm hiểu tiếng văn dùng làm chữ lót trong tên trong tên của phái nam đại khái là “nho nhã, thanh tao”. Nhưng tiếng thị dùng làm chữ lót trong tên của nhiều người thuộc phái nữ thì xin chịu.


AN CHI: Về vấn đề này, Lê Trung Hoa có cho biết như sau: “Chúng tôi đọc thấy một điểm đáng chú ý trong cuốn Les langages de l’humanité của Michel Malherbe (…): có lẽ tên đệm văn có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập ben (con trai) và tên đệm thị cũng từ tiếng Ả Rập binti (con gái) do các thương nhân Ả Rập vào buôn bán ở bờ biển Việt Nam. Tuy tác giả không nêu cứ liệu, chúng tôi thấy có khả năng đúng, vì: - về ngữ âm ben cho ra văn, binti cho ra thị là có thể chấp nhận; - Việt Nam chịu ảnh hưởng “họ” của người trung Hoa. Nhưng người Trung Hoa trước đây và hiện nay không dùng các từ đệm văn và thị phổ biến như người Việt Nam”(1).

Theo chúng tôi thì nói ben có thể cho ra văn còn binti có thể cho ra thị chẳng khác nào nói rằng tiếng Pháp petit đã cho ra tiếng việt bé tí còn colosse thì đã cho ra khổng lồ, chẳng khác nào nói tiếng Ý ciao đã cho ra tiếng Việt chào còn tiếng Tây Ban Nha niño thì đã cho ra nhỏ nhí.

Thật ra thị là một Việt gốc Hán, chữ Hán viết là . Đây là tiếng dùng để chỉ phụ nữ. Nghĩa này của nó được Từ nguyên Từ hải ghi là “phụ nhân xưng thị” (đàn bà gọi là thị) còn Vương Vân Ngũ đại từ điển thì ghi là “phụ nhân” (đàn bà) và Mathews’Chinese-Englich Dictionary thì ghi “a female” (người thuộc giới tính nữ). Từ nguyên còn cho biết rõ thêm rằng ngày nay thị cũng là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng (Kim dịch vi phụ nhân tự xưng chi từ). Trong tiếng Việt, nó còn có một công dụng mà Từ điển tiếng việt 1992 đã ghi như sau: “Từ dùng để chỉ người phụ nữ ở ngôi thứ ba với ý coi khinh”. Vậy rõ ràng thị có nghĩa là đàn bà.

Nhưng do đâu mà nó trở thành tiếng lót, tức tên đệm của phụ nữ? Tất nhiên là từ công dụng của nó trong tiếng Hán mà ra, sau một quá trình chuyển biến ngữ nghĩa. Công dụng này đã được Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992) chỉ ra như sau: “Đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hô” (Phóng tại dĩ hôn phụ nữ đích tính hậu, thông thường tại phụ tính tiền gia phu tính, tác vi xưng hô). Thí dụ: Triệu Vương thị là người đàn bà mà họ cha là Vương còn chồng họ Triệu.

Người Việt Nam ngày xưa đã không làm y hệt theo cách trên đây của người Trung Hoa mà chỉ đặt thị sau họ cha rồi liền theo đó là tên riêng của đương sự theo kiểu cấu trúc “X thị Y”, hiểu là người đàn bà họ X tên Y. Cấu trúc này giống như cấu trúc có yếu tố công (= ông) mà dân Nam Bộ đã dùng để gọi nhà yêu nước Trương Định một cách tôn kính: Trương Công Định, có nghĩa là ông (được tôn kính) họ Trương tên Định. Hoặc như của chính người Trung Hoa khi họ khắc trên mộ chí của Trương khiên mấy chữ Trương Công Khiên (chi mộ), có nghĩa là (mộ của) ông (được tôn kính) họ Trương tên Khiên. Vậy, cứ như đã phân tích, Nguyễn thị A là người đàn bà họ Nguyễn tên A, Trần thị B là người đàn bà họ Trần tên B, còn Phạm thị C là người đàn bà họ Phạm tên C, vv.. Cách hiểu nguyên thủy này đã phai mờ dần theo thời gian, làm cho về sau người ta tưởng rằng thị chỉ là một yếu tố có tính chất “trang trí” cho tên của phái nữ mà thôi. Chính vì đã không còn hiểu được công dụng ban đầu của thị nữa nên người ta mới dùng nó mà làm tiếng lót, nghĩa là tên đệm, cho các bé gái khi chúng vừa mới lọt lòng mẹ. Người ta đã làm như thế mà không ngờ rằng ngày xửa ngày xưa, các cụ bà của chúng chỉ được dùng tiếng thị để chỉ định sau khi họ đã trưởng thành, và rằng thị chỉ được dùng chủ yếu là trong lời nói, đặc biệt là trong ngôn ngữ hành chính, chứ không phải là cho việc đặt tên.
Ý nghĩa và xuất xứ của thị theo chúng tôi đại khái là như thế. Chứ tiếng binti của các chú lái buôn người Ả Rập thì chẳng có liên quan gì với nó cả.



1. Họ và tên người Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr.62,chth.1.

Kiến thức ngày nay, số 107, ngày 1-5-1993

 


Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Tại sao tiếng Pháp đã có tên Japon để chỉ nước Nhật mà lại còn có tên Nippon? Hai tên này có gì khác nhau?


ĐỘC GIẢ: Tại sao tiếng Pháp đã có tên Japon để chỉ nước Nhật mà lại còn có tên Nippon? Hai tên này có gì khác nhau?

AN CHI: Tiếng Pháp Japon cùng với tiếng Anh Japan, là phiên âm theo tiếng Hán giọng Bắc Kinh rì ben (âm Hán Việt là Nhật Bản) hai chữ 日本. Còn Nippon là phiên âm thẳng từ tiếng Nhật; chữ Nhật, viết theo lối Romaji (La Mã tự) cũng là Nippon. Đây là tên mà chính người Nhật dùng để gọi nước mình. Trong tiếng Pháp, chỉ có dạng phiên âm thứ nhất mới là thông dụng mà thôi. Người Mỹ cũng thâu nhận địa danh Nippon; do đó mà có tính từ Nipponese rồi danh từ Nipponese, nói tắt là Nip.

Kiến thức ngày nay, số 110, ngày 1-6-1993