ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

Họ Chợ Quán

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ CHỢ QUÁN (tiếp theo)

-----------------

XIII. - Các cha coi Họ

Từ khi binh Langsa đến lấy Saigon cho tới bây giờ.

Trong năm 1859-1860, cha Đoan ở Chợ Quán, lo cất một cái nhà lá gần chỗ nhà thờ nhà phước bây giờ, nhà cất day xông ra đường đi, rồi người ngăng đầu chái phía trong mà ở, còn phía ngoài thì để làm lễ, đến sau người cất thêm một cái nhà ngang ở phía trong mà ở, nhà nầy giáp mái với chái nhà ngoài, rồi dọn trống nhà ngoài để làm nhà thờ tạm cho bổn đạo đến xem lễ.

Tích cái chuông annam.

Khi cha Đoan cất nhà thờ nầy rồi được ít lâu thì người lo đem cái chuông annam về, để khi có làm lễ trong họ thì dộng chuông cho bổn đạo biết đặng tựu đến mà xem lễ. Nguyên gốc cái chuông nầy buổi trước là của chùa ông Phúc, lúc chạy giặc đem bỏ dưới bàu ở phía ngoài chùa, đến sau có một người xí được đem bán lại cho ông trùm Lưu 100 quan tiền annam, ông trùm đành mua y giá, và biểu khiêng chuông ấy về giấu dưới giếng loạn gần bên nhà bà năm Bình cho tới khi yên giặc; chừng cha Đoan cất nhà thờ lá rồi (năm 1860) thì người lo đem chuông ấy về để dùng trong nhà thờ. Đến sau khi cha Ngãi (P. Derval) về coi họ (1875 - 1879), người tính bán chuông ấy cho thợ đúc đập đồng, thì ông trùm Lưu không chịu bán, và xin mua lại để cho nhà thờ, mà như trong họ không dùng nữa, thì người sẽ cho nhà thờ khác; lúc ấy cha sở và quí chức họ định giá bán 30$, ông trùm phải mua lại một bận nữa và để dùng trong nhà thờ, cho tới khi cha Bề trên Cao (P. Delignon) làm cha sở trong họ (1898-1913) thì cũng còn dùng chuông ấy được một ít năm, rồi sau bị dộng nứt đường, nên không dùng tới nữa, song trong họ cũng còn giữ dấu tích ấy cho đến bây giờ.

Đến giữa năm 1861, khi binh Langsa đã lấy đồn Cây Mai, Chí Hòa và Thuận Kiều rồi, thì miệt xung quanh Saigon đã yên, nên bổn đạo Chợ Quán lần lần trở về quê quán mình. Qua năm 1862, cha Đoan biểu ông trùm Lưu lo sửa soạn dọn dẹp nhà cữa sạch sẽ tử tế, rồi người nước Đức cha Đôminicô đến xức trán cho đồng nhi và bổn đạo trong họ tại nhà ông trùm, vì nhà thờ lá cha đã cất năm trước thì chật hẹp lắm, không có chỗ đủ mà chứa đồng nhi và bổn đạo chịu phép xức trán kỳ đó ngoài số 100 người.

Cái nhà ông trùm Lưu đã chứa Đức cha Đôminicô và các cha trong buổi cấm kín, và năm ấy Đức cha có trở lại đó một bận nữa mà ban phép xức trán; đến sau ông trùm dưng nhà ấy cho Nhà Chung để nhớ dấu tích xưa; thì Đức cha dạy đem cất lại làm nhà mát tại lăng Đức Thầy Vêrô (quen gọi là lăng Cha cả) đặng giữ dấu tích ấy. Cách mấy năm nay đã dời nhà ấy về gần nhà thờ Chí Hòa. Còn cái bàn thờ Đức cha và các cha đã làm lễ tại nhà ông trùm Lưu trong lúc cấm kín, thì bây giờ con cháu ông trùm cũng còn giữ dấu tích ấy.

Cha Đoan cất nhà thờ ngói

Đến năm 1862, khi binh tây đã lấy mấy đốn phía trên nầy rồi, thì cha Đoan đến xin nhà nước Langsa cho cha bốn năm cái đình bỏ hoang từ Chợ Quán sấp ra tới Chợ Đủi, thì nhà nước bằng lòng cho cha hết thảy mấy chỗ đó, nên cha Đoan lo cho các chức và bổn đạo trong họ đi dở mấy cái xác đình ấy đem về, rồi cha mướn thợ lọc những cây cột cao lớn và dọn sửa lại mà cất một nhà thờ ngói theo kiểu annam, tại miếng đất ngay trước nhà bà huyện Sáu ở bây giờ; nhà thờ nầy bề dài cất 7 căn ( trên cung thánh 2 căn, dưới 5 căn ), xung quanh xây vách gạch, phía mặt tiền có cất một cái võ ca tiếp luôn với nhà thờ, còn phía sau nhà thờ thì cất một cái nhà ngói giăng ngang qua, bằng bề rộng nhà thờ, và cách khoảng ra chừng năm sáu thước tây, để cho cha sở ở; hai bên hông nhà thờ thì xây vách gạch chạy dài ra phía hậu, bắt vần giáp với hai đầu cái nhà cha sở; dựa trong vách có làm hai cái nhà cầu dài nối hai đầu xông cái nhà cha sở, đi thẳng vô hai bên cung thánh nhà thờ; tại khoảng giữa có chứa một cái sân khấu, kế tắm vách ngăng phía sau bàn thờ chánh.

Cha Đoan cũng có cất thêm một cái nhà vuông bằng cây ván, lợp. ngói, phía bên tả nhà thờ, cách khoảng ra chừng bốn năm thước tây, để cho quí chức họ nhóm hiệp mỗi khi hữu sự.

Cha Ba (P. Barou).

Khi cha Đoan cất nhà thờ nầy và nhà ở xong rồi chưa được bao lâu, kế xảy ra việc trắc trở, cho nên qua lúc đầu năm 1863 Đức cha đổi cha Ba về làm cha sở họ Chợ Quán (1863-1866). Cha Ba về ở yên rồi thì người lo xin quan tây cho một cái vòng thành đã bỏ hư sập, thiên hạ kêu là thành Bà Tiết, ở gần làng Tân Kiển phía sau nhà thương Chợ Quán; rồi các chức và bổn đạo dở vòng thành ấy mà lấy đá lấy gạch đem về; đoạn cha Ba mướn thợ lo dở cái võ ca cha Đoan đã cất tại mặt tiền nhà thờ mà xây hai bên hai cái lầu chuông, bề vuông vức độ chừng hơn ba thước tây, bề cao chừng 20 thước. Năm ấy có cha Nhu còn làm thầy (khi ấy kêu là thầy Công, đến sau mới cãi lại tên Nhu), ở coi giúp công việc với cha Ba, và dạy đồng nhi dọn mình rước lễ vỡ lòng lại cũng có tập một ít đồng nhi nam hát lễ chút đỉnh. .

Nhà thương Chợ Quán.

Trong lúc cha Ba ở coi họ, thì nhà nước có xin các bà Nhà Trắng đến ở nuôi bịnh tại nhà thương Chợ Quán. Gốc nhà thương nầy là của nhà nước đã lập hồi mới lấy thành Saigon vừa yên, song lúc trước chưa có các bà giúp.

Nghe nói khi ấy mỗi Chúa nhựt cha sở phải làm hai lễ, một lễ sớm làm tại nhà thương Chợ Quán, rồi về nhà thờ họ làm một lễ nữa, qua đến đời cha Long (P. Bouillevaux) cũng còn làm như vậy.

Kiệu ảnh trọng thể.

Đến năm 1865, lúc cha Ba còn ở tại họ, có lịnh Đức cha truyền cho các họ xung quanh Saigon phải lo sửa soạn đặng đến ngày lễ Mình Thánh Chúa (15 Juin 1865) tựu tới nhà thờ nhà nước, khi đó ở tại Chợ Vải (chỗ tòa Tạp tụng bây giờ) mà đi kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể trong các nẻo đường giữa thành Saigon. Lúc ấy mỗi họ đều đua nhau lo tập luyện sắp đặt mọi việc sẵn sàng, đến ngày đi kiệu thì mỗi cha sở dắc bổn đạo mình đến, họ nào đi theo họ nấy, mỗi họ có cờ hiệu riêng; đồng nhi nữ thì đội lúp bố dài và mão hoa, đồng thi nam thì áo đen quần trắng, đội mão hoa, lớp thì đi hát kinh hát lễ, lớp thì cầm cờ cầm nhành hoa, bổn đạo cũng ăn mặc sạch sẽ, hàng ngũ thứ tự và cầm cờ ngũ sắc. Hai bên đường có lính dàn hầu, đi kiệu trọng thể oai nghi và đông thiên hạ lắm, rồi sau mỗi năm cũng cứ làm như vậy cho tới năm 1880-1881, từ đó tới bây giờ không có đi kiệu trọng thể như vậy nữa.

Cha Xuân và cha Long,

Cha Ba ở Chợ Quan tới tháng Septembre 1866 thì người thọ bịnh phải đi về tây, nên có cha Xuân (P. Bouiller) đến ở thế coi họ cho tới tháng Avril 1867, rồi Đức cha đổi cha Long (P. Bouillevaux) về làm cha sở Chợ Quán (1867-1874), thì người cũng còn ở cái nhà cha Đoan cất buổi trước, và người lo cất lại nhà cha sở ra phía trước mé hữu nhà thờ, nhà cất bằng gạch ngói theo kiểu nhà tây, rộng rãi khoảng khoát; nghe những người tuổi tác cố cựu trong họ nói nhà nầy nguyên gốc là của quan Nguyên soái đời ấy là ông Amiral de Lagrandière cất cho cha Long, không rõ ông có bà con thân quyến gì với cha, hay là bỡi lòng nhơn đức đại độ mà giúp cha như vậy, vì trong họ không có dự tới việc cất nhà nầy; những gạch đá cây ván và công dân công thợ, cả thảy là của quan Nguyên soái ấy cho, lại trong lúc làm nhà ấy thì có một người tây đến coi các việc cho tới khi hoàn thành. Lại nghe nói khi ấy mỗi Chúa nhựt có bà vợ quan Nguyên soái hay đến xem lễ tại nhà thờ Chợ Quán, và lễ rồi thì thường khi bà hay phát ảnh vảy hay là xu cho đồng nhi nam nữ.

Lúc sau cha Long có mướn ông thợ Nghiêm chạm một cái bàn kiệu theo kiểu annam khéo léo lắm, bề dài độ chừng hai thước năm tây, bề ngang chừng hơn một thước năm, bề cao ước được một thước năm, sơn son thếp vàng xem đẹp lắm, lại có sắm y phục riêng cho những người khiêng bàn kiệu ấy nữa. Khi làm bàn kiệu nầy xong rồi, thì mỗi năm đến ngày lễ Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, là bổn mạng họ, bổn đạo chưng bàn ấy ra đi kiệu ảnh Đ C Bà coi oai nghi trọng thể lắm; qua mấy đời cha sở kế sau mỗi năm cũng giữ lệ kiệu như vậy. Đến năm cha Y (P. Errard) về coi họ (1887-1891) thì người chê bàn kiệu ấy nặng nề, hay là tại làm sao không rõ, nên không dùng tới nữa, rồi qua lúc sau nầy nghe nói cha Bề trên Cao (P. Delignon) gởi về tây cho ai không rõ.

Cha Long cũng có sắm cho nhà thờ họ một bộ chơn đèn tây (đèn ống) ba cặp, bề cao một thước tây, với một ảnh chuộc tội lớn bề cao một thước năm cũng theo một kiểu với ba cặp chơn đèn ấy, để dùng trong nhà thờ họ cho tới bây giờ.

Khi cha Long coi họ Chợ Quán thì nhơn số bổn đạo được 1.300, Nhà phước Chợ Quán được chừng vài mươi người; tại nhà thương Chợ Quán có 10 bà phước Nhà Trắng ở nuôi chừng 250 bịnh.

Nghe nói đời ấy ngày Chúa nhựt lễ cả quí chức họ đi xem lễ thì mặc áo vuông (là áo vạt xuống tới ngang đầu gối, tay rộng mà dài bằng vạt áo, cũng như áo trường lỡ vậy, còn đờn bà thì bận áo rộng hết thảy, người có của thì mặc áo hàng lụa, còn người tầm thường thì áo vải, mà cũng là áo rộng, trừ ra những người nghèo quá không sức may được áo rộng thì mới mặc áo chẹt mà thôi.

Lúc ấy có thầy Hoằng (rể ông tổng Tấn) dạy học cho nhà nước, nên nhà nước có phát mực giấy bản đá, vv, cho học trò dùng, dạy tại nhà riêng ở gần chỗ nhà mồ ông Đốc Ký bây giờ, con trai con gái học chung một chỗ được chừng ba bốn mươi. – Thầy Hoằng cũng có giúp cha Long mà tập đồng nhi nam hát lễ trong nhà thờ họ nữa.

Cha Liêu và cha Trung

Cha Long ở Chợ Quán cho tới tháng Février 1874, thì người thọ bịnh phải về tây, nên lúc đó có cha Liêu (P. Dumoulin) đến coi họ thế cho tới tháng Octobre năm ấy; rồi kế cha Trung (P. Marie) đến tiếp cho tới tháng Avril 1875. Hai cha nầy thuộc về địa phận ngoài, chạy giặc vô Nam Kỳ, quyền đỡ coi giúp việc họ một ít lâu mà thôi.

Cha Ngãi (P. Derval).

Đến tháng tư tây 1875, Đức cha đổi cha Ngãi về làm chánh bổn sở họ Chợ Quán (1875-1879), thì cha lo cho bổn đạo đào kinh dựa ranh đất nhà thờ bây giờ, đặng lấy đất mà bồi đắp cho bình địa miếng vườn nhà thờ, vì buổi trước phía bên hữu nhà thờ họ bây giờ là một cái bàu rau muống lớn minh mông.

Cha Ngãi có cất nhà trường trong ranh đất nhà phước, dạy đồng nhi nữ học chữ quốc ngữ, kinh phần, v. v... Lại cha cũng cất một nhà trường bằng lá, gần chỗ mấy căn phố ngói ở trước nhà thờ bây giờ mà dạy đồng nhi nam; hồi ban sơ thì thầy Hoằng dạy một ít lâu, khi người thôi thì thầy Sáu Tấn dạy tiếp (thầy Sáu Tấn đến sau thăng chức huyện hàm, người ta thường kêu là ông Trịnh khánh Tấn, hay là ông huyện Sáu). Đến sau cha Ngãi dời trường nầy về phía sau nhà thờ cũ của cha Đoan đã cất khi trước, thì thầy Sáu Tấn cũng còn dạy một ít lâu nữa, rồi khi thầy Sáu thôi dạy thì nhà phước dạy tiếp.

Năm Toàn xá.

Đến năm 1876 - 1877 Tòa Thánh ban phép. Toàn xá Jubilêô cho các bổn đạo, nên lúc ấy cha Ngãi rước cha Bề trên Quí (P. Gernot) ở Cái Mơng lên giảng cấm phòng chung cho hết thảy bổn đạo và đồng nhi trong họ, nhiều người nguội lạnh trễ nải đã bỏ xưng tội rước lễ lâu năm, nhờ dịp nầy mà ăn năn trở lại. Nhơn lúc cấm phòng Toàn xá nầy, thì cha Ngãi có dựng một cây thánh giá cao lớn bằng cây sao tại giữa nền nhà thờ đã bị quân giặc đốt phá khi xưa, là chỗ cất nhà thờ họ bây giờ, dưới chơn thánh giá nầy có xây một cái mô cao, xung quanh lót gạch tàu một khoảnh vuông vức độ chừng 6 thước tây, bốn phía có xây lan can giáp vòng.

Từ khi dựng cây thánh giá nầy lên nơi ấy, thì thường mỗi bữa chiều bổn đạo lớn nhỏ đua nhau đến viếng thánh giá, lại từ đó đến sau, mỗi khi kiệu ảnh trọng thể, thì đi kiệu từ nhà thờ cũ lên đi vòng xung quanh gốc thánh giá ấy rồi mới kiệu trở về. Đến năm 1885, khi cha Tài (P. Hamm) lo dọn xây nền nhà thờ bây giờ, thì đã dời cây thánh giá ấy ra phía trước gần chỗ nhà trường nam, sau đến năm 1890 cha Y (P. Errard) dọn chỗ cất nhà trường, thì lại dời vô phía sau, mé bên hữu nhà thờ bây giờ. Qua năm 1917, cha Bính (P. Laurent) thấy cây thánh giá ấy đã mục, nên cha biểu hạ xuống.

Khi cha Ngãi là cha sở họ Chợ Quán thì có cha Hiệu (P. Humbert) ở học tiếng annam, từ tháng Avril 1875 cho tới tháng Août 1876, đến lúc sau có cha Anrê Bửu đến giúp, từ tháng Octobre 1876 cho tới tháng Février 1877. Cha Ngãi cũng đã mua cho nhà thờ một cái đèn vọng trước Mình Thánh Chúa, một thánh giá thau xuy bạc để đi kiệu ảnh, một tượng Đ C Bà bề cao 1 thước năm, một tượng R. T. T. T. Đ C G và một tượng ông thánh Giude bề cao 1 thước hai, bằng thạch cao kiểu tây, và một cái đờn (harmonium). Đến năm 1891-1892, cha Mão (Mgr. Mossard) làm cha sở, thì có người dưng cho nhà thờ một cái đờn khác, nên đã bán cái đờn cũ; còn tượng R. T. T. T. Đ C G đến sau cha Bề trên Cao có mua một tượng khác lớn hơn, nên đã cho nhà phước tượng cũ; còn mấy món khác của cha Ngãi đã sắm cho nhà thờ khi đó, thì bây giờ cũng còn.

Cha Hòa (P. Greset).

Đến tháng Février 1879, Đức cha đổi cha Ngãi đi nơi khác và cha Hoà về coi họ (1879-1882), thì người lo tập mười lăm đứa đồng thi nam và nhà phước hát lễ, và người lo cho nhà phước dạy đồng nhi nữ học thêm việc may vá thêu thùa chút đỉnh.

Năm cha Ngãi còn ở trong họ thì người có tập mấy học trò lớn hát lễ và có ông Đốc Ký đánh đờn trong nhà thờ họ một hai khi, rồi đến sau thì con ông Đốc, là Phủ Thế, hồi còn trai tráng, đã tiếp đánh đờn cho đồng nhi hát.

Cha Tài (P. Hamm).

Qua tháng Février 1882, cha Hòa đổi đi họ khác và cha Tài về họ Chợ Quán (1882-1886), thì người không tập đồng nhi nam hát lễ nữa, song người lo tập nhà phước và đồng nhi nữ hát mà thôi, lại lúc ấy người có cho hai người nhà phước đi xuống Cái Mơng mà học đờn, rồi sau trở về đánh đờn mỗi khi có hát lễ trong nhà thờ họ.

Lúc ấy có một bà đầm tây ở Chợ Lớn đến giúp dạy đồng nhi nữ học mạn vớ và đương vớ bằng chỉ laine, và dạy thêu được chừng bảy tám tháng; lại nhà phước cũng có dạy đồng nhi học dệt chiếu nữa.

Cha Thiết (P. Boutier).

Đến tháng Juillet 1885 có cha Thiết đến giúp cha Tài mà coi xây nền nhà thờ mới là nhà thờ họ bây giờ, thì cha Tài lo mướn công dân dọn sạch cây cối trong vườn nhà thờ, và người có sắm xe sắm bò, mướn người đi lấy đất ngoài bàu chùa đem về đổ nền nhà thờ. (Bàu chùa là cái bàu sen ở phía ngoài ngã tư đường trên, ngay trước nhà Sáu Núi ở bây giờ). Qua tháng Juin 1886, cha Tài thọ bịnh mà qua đời thì trong họ đã lo mai táng người tại nền nhà thờ, khi đó mới làm được hai phần công việc mà thôi.

Năm cha Thiết ở coi xây nền nhà thờ, thì người cũng giúp cha Tài mà tập nhà phước và đồng nhi nữ hát lễ nữa.

Bổn đạo Bình Định Khánh Hòa chạy giặc.

Trong năm 1885, khi cha Tài còn sanh tiền, địa phận Bình Định, Khánh Hòa bị Văn Thân nổi dậy đốt phá nhà thờ nhà thánh và sát hại chém giết cha thầy và bổn đạo lung quá, nên phần nhiều đã chạy vô Nam Kỳ mà lánh thân, thì lúc ấy Đức cha truyền lịnh cho bổn đạo các họ gần Saigon phải làm phước nuôi những kẻ ấy tùy gia thế mỗi nhà, nên năm đó ở Chợ Quán có nhiều nhà phải lãnh nuôi những bổn đạo ấy đông lắm.

Cha Ngoan (P. Prodhomme).

Khi cha Tài qua đời rồi thì cha Thiết ở quyền coi họ và lo xây tiếp nền nhà thờ cho rồi; đến tháng Septembre 1886 thì cha Thiết thôi ở Chợ Quán, kế của Ngoan đổi về làm chánh bổn sở, song bỡi người bịnh hoạn yếu đuối quá, nên qua tháng Avril 1887 người phải đi về Tây.

Cha Y (P. Errard).

Khi đó Đức cha đổi cha Y ở Bà Rịa lên coi họ Chợ Quán (1887-1891, thì người ở tại nhà thờ cũ và lo cất một cái nhà ngói tại trước nền nhà thờ mới, phía ngoài lộ đi vô, để khi người lên coi làm công việc tại nền nhà thờ mới cho có chỗ nghỉ mát. Khi cất nhà ấy xong rồi, thì người coi sửa một hai chổ trong nền cha Thiết đã xây năm trước, rồi người coi xây dựng nhà thờ lên cho tới khi lợp ngói, nội tâm cũng đã xây vách ngăng phía trong cung thánh rồi, mấy bàn thờ và mấy khuông cữa đặt đã yên hết, còn cữa sổ thì người đóng khung tạm bằng rui mè cho kín mà thôi, lại đã đóng trần nóc và phong tô lót gạch xong rồi từ trên cung thánh xuống ba căn dưới, tới ngang cữa hông hai bên. Khi đó người lo dọn về làm lễ tại nhà thờ mới (1889) và ở tạm trong nhà ngói người đã cất lúc trước phía gần ngoài lộ. Nhà ngói ấy bây giờ để làm nhà trường dạy đồng nhi nữ, còn nhà thờ cũ thì người tính với quí chức họ mà cho cha Đoan dở đem về cất nhà thờ họ Lương Hòa, rồi lúc sau thì người xây lan can xung quanh hàng ba nhà thờ và xây lầu chuông lên đã khỏi từng thứ nhứt, rủi người phát bệnh nặng, thầy thuốc biểu cha phải về Tây, cho nên qua tới tháng Mars 1891 người phải ngưng hết công việc làm nhà thờ lại mà lo sắm sửa xuống tàu, và đến sau người đã qua đời tại quê quán người.

Trong lúc cha Y đang coi họ, thì cha Tadêu Đức có tới ở giúp một ít lâu (1887-1888).

Khi cha Y mới về trong họ, thì người lo cất một nhà trường bằng lá ở phía bên hữu nhà thờ mới, rồi dời hết đồng nhi nam nữ về học tại đó, có hai dì nhà phước dạy, (đồng nhi nữ học buổi sớm mai, đồng nhi nam học buổi chiều).

Cha Y ở Chợ Quán được chừng một năm, thì có sáu bảy thầy ở trong họ đã hội hiệp nhau mà tập hát lễ tại nhà thờ họ, lúc ban sơ là ông Đốc Ký và thầy Tư Viết, đánh đờn hát lễ một ít lâu (thầy Tư Viết bây giờ làm Tri phủ), rồi kế sau là thầy Kiểu (thầy Kiểu khi đó ở Nhà trường Latinh mới ra, đến sau được thăng chức Huyện hàm), và thầy Tươi (thầy Tươi cũng là người Nhà trường lúc đó mới ra làm việc được ít năm, bây giờ làm Đốc phủ sứ), đến năm 1888-1889 thì thầy Năm (thầy Năm khi đó đang dạy học trò trường Taberd, đến sau đã thăng chức Tri phủ, bây giờ làm Câu nhứt trong họ), lo tập một lớp đồng nhi nam, chừng 12, 13 đứa, đặng hát lễ tiếp mấy thầy, vì cách qua một đôi năm sau, thì mấy thầy ấy mắc đổi đi làm việc nơi khác, không còn ở trong họ nữa, nên từ đó đến sau thì thầy Năm đánh đờn và lo tập hát luôn trong nhà thờ họ. Còn đồng nhi nữ thì nhà phước tập hát kinh annam và hát lễ, rồi hai bên thay phiên với nhau mà hát lễ trong nhà thờ.

Cha Lương (P. Lambert).

Khi cha Y về Tây rồi, thì có cha Lương đến ở thế. Năm đó cha Lương ở bên tây mới qua ít tháng, nên chưa biết được bao nhiêu tiếng annam, người cũng ở tại nhà ngôi cha Y đã ở lúc trước cho tới cuối tháng Septembre 1891.

Cha Mão (Mgr. Mossard).

Qua đầu tháng Octobre 1891, Đức cha đổi cha Mão là Đức cha chánh trong địa phận bây giờ ở Chợ Lớn về làm chánh bổn sở họ Chợ Quán (1891-1898), thì người ở tạm đàng sau cung thánh nhà thờ mới, và lo cất tiếp thêm hai căn gie ra ngoài, ngay cữa giữa phía sau cung thánh, để làm phòng khách; còn chỗ nhà ngói cha Y và cha Lương đã ở tạm lúc trước, thì để làm nhà trường dạy đồng nhi nữ cho tới bây giờ. Khi cha Mão ở yên rồi, thì người lo làm tiếp công việc trong nhà thờ và xây lầu chuông cho tới khi huờn tất, đoạn người mướn thợ sơn vẽ cả thảy từ trên tới dưới; cũng trong lúc ấy người sắm thêm cho nhà thờ họ một tượng ông thánh Antôn bề cao 1,6 mét, một tượng ông thánh Gioang làm phép rửa tội cho Đ. C. G. và một tượng hạ xác Đ. C. G. trong tay Đức Mẹ, bề cao 0,95 mét,  đến sau người sắm thêm 1 chặng đàng thánh giá và mấy tượng ba vua, mục đồng chưng trong máng cỏ, và chơn đèn bông, nhà tạm để Mình Thánh Chúa, v.v ... Khi lo mọi việc an bài rồi, thì người rước Đức cha Để (Mgr. Dépierre) đến làm phép lành nhà thờ mới trong ngày mồng bốn tết năm Bính Thân (16 Février 1896).

Trong năm 1896 cha Mão lo cất nhà cha sở gần bên nhà thờ họ (nhà đó là nhà cha sở ở bây giờ). Khi làm nhà nầy yên rồi, người dọn về ở chưa được giáp năm, rủi người thọ bịnh, nên tới cuối năm 1897 người phải đi qua Hong Kong mà dưỡng bịnh.

Cha Nguơn (P. Desseaume)

Lúc ấy có cha Nguơn quyền đỡ coi họ từ tháng Août 1897 cho tới khi cha Mão ở Hồng Kông trở về trong tháng Janvier 1898, thì Đức cha đã định đổi cha Mão đi làm chánh bổn sở họ Saigon. Cách ít lâu sau người lên quờn Giám mục và đã làm lễ phong chức cho người trong ngày 1er Mai 1899.

Hội con cái Đ C Bà

Khi cha Mão đang còn coi họ Chợ Quán, thì người có khỉ sự lập (Hội con cái Đ C Bà), nên người đã cho một ít chị đồng Nhi lớn vào hội ấy, song chưa kịp thành việc, kế người phát bịnh phải đi Hồng Kông, nên đến sau cha Cao (P. Deligion) mới sắp đặt cho có thể lệ và lập sổ hội con cái Đ C Bà cho tới bây giờ..

Cha Cao (P. Delignon).

Đến tháng Janvier 1898, Đức cha đổi cha Cao về coi họ Chợ Quán (1898-1913), thì người khỉ sự lo sắm cho nhà thờ họ năm cái chuông tây, nguyên của bổn đạo trong họ dưng và có khắc tên trên năm cái chuông ấy

Cách ít năm sau cha Cao lo cất nhà trường ngói cho đồng nhi nam, lúc ban sơ thì nhà phước dạy được ít năm, rồi sau người mướn thầy giáo dạy chữ Langsa và cất nhà cho thầy giáo ở dạy đồng nhi trong họ. Lúc ấy sẵn có cây ván cũ của một người kia cho mà cất nhà thầy giáo rồi hãy còn dư nhiều, nên ngrời lấy đồ cũ ấy mà cất ba căn phố ngói ở phía trước nhà thờ họ. Đến sau người cất một cái nhà dài bằng ngói xây trụ gạch và giăng ra một chặng để làm nhà bếp, một chặng cho từ ở và một chặng dài để cất những đồ dùng của nhà thờ.

Đến năm ông Huyện Lê phát Đạt qua đời thì trong thân tộc xin tạm một chỗ phía sau nền nhà thờ họ Chợ Quán mà táng để người nơi đó một ít lâu, nhơn dịp ấy thì bà Huyện đã sắm những màn nhung đen treo bàn thờ chánh và cờ vải đen treo bốn phía nhà thờ trong ngày làm lễ táng xác ông Huyện, và khi xong việc rồi thì bà Huyện dưng hết những đồ ấy cho nhà thờ họ; lại đến sau bà Huyện cũng đã giúp tiền mua cây ván mà đóng ghế bàn quì trong nhà thờ họ.

Hội Môi Khôi.

Tuy trong họ đã có hội Môi Khôi lâu năm trước rồi, song chưa phải lập theo thể lệ mới sau nầy, nên đến năm 1904 cha Cao lập lại hội Môi Khôi tại nhà thờ họ Chợ Quán, y theo luật lệ mới, cho hội hữu được hưởng nhờ trọn những ân tứ Hội thánh đã ban cho những kẻ vào hội ấy.

Hội Các Đẳng.

Hội nầy là của ông Phủ Minh khỉ sự ra lúc đầu năm 1905. Nguyên trong lúc ông nầy hưu trí mà thấy nhiều người bổn đạo trong họ đi vào hội Các đẳng tại họ khác, thì người nghĩ rằng: họ Chợ Quán là họ cố cựu, mà nếu không lo lập hội nầy trong họ, thì chắc đến sau bổn đạo Chợ Quán sẽ đi vào hội nơi khác, cho nên ông Phủ Minh lo đặt phỏng một bổn điều luật hội, rồi nhóm những viên chức và những người thông hiểu công việc ở trong họ, mà bàn luận chung cùng với nhau về việc ấy đã đôi ba phen, đoạn trình lại cho cha sở rõ và cũng có nhóm tại nhà cha sở mà bàn tính lại một đôi lần nữa; đến ngày 19 Mars 1905, cha sở dạy nhóm một bận nữa tại nhà cha mà trạch cử chức việc hội, và khỉ sự lập hội Các đẳng trong ngày ấy. Cách qua bốn tháng sau, chức việc hội lo sắp đặt đặt điều luật hội lại cho chắc chắn, rồi ba ông viên chức lớn, là chánh hội, phó hội và thương biện thủ bổn hội, đem nạp bổn luật Hội cho quan trên mà xin phép lập hội theo luật nhà nước, cho khỏi việc trắc trở ngày sau, mà khi ấy quan trên không phê cho phép y như lời ba ông chức việc hội xin, vì người nói không cần phải có quan trên phê làm chi, cứ việc làm phải lẽ thì thôi, nghĩa là phép nước không cấm.

Đến năm 1915 nhằm lúc cha Bính (P. Laurent) coi họ, và ông Phủ Năm làm chánh chủ hội Các đẳng Chợ Quán, thì ông nầy xét vì hội Các đẳng một ngày một đông nhơn số, mà nếu không có văn bằng cho chắc phép nước, thì e ngày sau rủi có xảy ra việc gì ngăn trở, rồi quan trên bắt phải triệt bãi hội đi thì sẽ sanh sự khó lòng và thiệt hại cho hội lắm. Bỡi đó cho nên ông Phủ Năm lo soạn kiếm mấy điều luật nhà nước về việc lập hội, rồi bàn tính với cha sở mà làm đơn xin quan trên phê chuẩn văn bằng y theo mấy điều luật đã soạn được mà cặp theo đơn.

Khi ấy quan Chủ tĩnh buộc ông Phủ Năm phải làm tờ khai nguyên gốc hội lập ra tại nơi nào, bàn viên chức lo việc hành chánh có mấy người, tên gì, làm nghề gì, ở đâu - hội nhóm họp nơi nào; - phải dịch bổn điều luật hội ra chữ Langsa mà nạp hai bổn, và nhơn số hội hữu được bao nhiêu thì phải nạp hai bổn sổ cho rõ ràng, những tên gì, làm nghề gì, ở đâu, và buộc ông chánh chủ hội phải đứng ký tên nhận thật mấy tờ ấy. - Đoạn quan Chủ tĩnh gởi hết những khai báo sổ bộ đơn từ của ông chánh chủ hội đã nạp cho quan Nguyên soái nghiệm xét, thì quan Nguyên soái trả lời cho quan Chủ tĩnh rằng: xét vì ý tứ và công việc hội nầy làm y theo trong điều luật hội, thì chẳng có sự gì nghịch phép nhà nước, và cũng chẳng sanh sự chi lộn xộn trong nhơn dân, nên quan Nguyên soái bằng lòng phê chuẩn cho phép ông Phủ Năm lập hội Các đẳng tại họ Chợ Quán. - Đến ngày mồng 3 Decembre 1915, quan Chủ tĩnh gởi tờ phê cho phép ông Phủ Năm lập hội như lời quan Nguyên soái nghị định.  - (Trong đơn ông Phủ Năm xin để tên “Cha sở Chợ Quán” đứng lập hội, mà quan trên không chịu, lại để tên ông Phủ, nên Hội Các đẳng nầy trước mặt nhà nước là “ông Phủ Năm Vincent” đứng tên ).

Chant Grégorien.

Đến năm 1908-1909, cha Cao khỉ sự tập hát là theo cung cách đời Đức Giáo tông Ghêrêgôriô xưa, gọi là “Chant Grégorien” và sửa cách đọc chữ Latinh theo gốc bên Rôma. Từ đó đến sau bên nam và nhà phước cứ hát theo cung cách ấy cho tới bây giờ.

Cha Cao lên bực Bề trên.

Đến tháng năm tây 1909, khi cha Bề trên Liễu (P. Lallement) qua đời rồi, thì Đức cha chọn cha Cao lên bực “Bề trên thay mặt Giám mục trong địa phận”. Nhơn dịp ấy bổn đạo trong họ đã chung cùng với nhau mà bày cuộc mừng cha sở mới được thăng chức Bề trên, và chiều tối bữa ấy có Đức cha Mão (Mgr. Mossard) đến trong họ dự chút tiệc mà chúc mừng cho cha sở, và người ban khen họ Chợ Quán có phước, đã được một cha sở cựu làm Giám mục (là chính mình Đức cha) và nay lại được một cha sở lên bực Bề trên thay mặt Giám mục nữa.

Lễ Tam nhựt.

Đến năm 1910 trong họ lo làm lễ Tam nhựt kính các thánh Tử đạo địa phận Nam Kỳ đã được Tòa thánh tặng phong lên bực Có lộc, mà trong các Đấng thánh ấy, thì có Á thánh Phaolồ Hạnh, nguyên buổi còn sanh tiền là người bổn đạo Chợ Quán, cho nên trong họ làm lễ ấy cũng có ý kính riêng Á thánh Hạnh. Bỡi đó cho nên nhơn dịp nầy thì mỗi người trong bổn đạo đều sẵn lòng chung cùng với nhau, kẻ ít người nhiều, mà làm cho ra cuộc trọng thể, có ý cho sáng danh Chúa và rạng danh Á thánh Hạnh, là người trong họ. Những nhà có của thì dưng bạc tiền riêng đặng sắm món nầy món khác chưng trong nhà thờ họ, nên lúc ấy đã sắm thêm được một bộ chơn đèn ống (3 cặp) và một ảnh chuộc tội xuy vàng, hai cặp chơn đèn 7 ngọn với một bộ canons cũng xuy vàng, một bộ ve rượu nước bằng thủy tinh, dĩa xuy vàng, một cặp chơn đèn lớn 25 ngọn chưng hai bên cung thánh và hai thiên thần cầm chơn đèn 12 ngọn chưng hai bên bàn thờ chánh, một cái đèn vọng trước Mình Thánh Chúa, và đèn nhánh 7 ngọn và 5 ngọn, đóng đủ hết mỗi cây cột trong nhà thờ, lại sắm bông mới, cờ mới, và mướn sở đèn khí đặt đèn trần thiết trong nhà thờ và trước mặt tiền cách trọng thể lắm.

Cũng nhơn dịp lễ nầy thì có năm bảy viên chức ở trong họ, và ít người bổn đạo đã hội hiệp bàn tính với nhau mà sắp đặt bổn tích Á thánh Phaolồ Hạnh tử đạo, rồi khuyến dụ anh em trong họ hiệp nhau được hơn 30 người, và lo chọn lựa sắp đặt các vai tuồng cùng luyện tập sửa soạn cho đặng dẫn tích ấy trong ngày lễ Tam nhựt.

Đến ngày 29 và 30 tháng tư và ngày mồng 1 tháng năm tây 1910, là ba ngày bề trên đã định làm lễ Tam nhựt tại nhà thờ Chợ Quán, lại cũng có Đức cha Lý (Mgr. Allys) làm Giám mục địa phận Huế và cha Trang, là cháu nội Á thánh Hạnh, ở ngoài Huế đi theo Đức cha Lý, vô tại Chợ Quán mà làm lễ Tam nhựt nầy. Khi đó cha Trang có đem vô một tượng hình Á thánh Hạnh của thợ Huế làm bằng đất mà chưng tại nhà thờ họ Chợ Quán trong lúc làm lễ Tam nhựt, rồi sau đó chưng luôn cho tới bây giờ. - Đêm 29 và 30 Avril thì thấp đèn khí tại mặt tiền nhà thờ cho tới tám chín giờ tối mà thôi.

Qua ngày mồng 1 tháng năm tây là ngày chót, và là chánh ngày làm lễ trọng thể hơn hai bữa trước, cho nên nội ngày ấy lễ nhạc làm trong nhà thờ buổi sớm mai và buổi chiều đều trọng thể hơn hai buổi trước, lại chiều tối bữa ấy trong họ có dọn một tiệc tại nhà cha sở mà trọng đãi tạ ơn hai Đức cha (là Đức cha Mão và Đức cha Lý ) và các cha cả thảy hơn năm mươi; còn đèn khí đêm đó thấp cùng bốn phía nhà thờ cho tới quá nửa đêm.

Dẫn tích Á thánh Hạnh.

Khi mãn tiệc rồi, thì mấy viên chức sắc đứng chủ sự đến mời hai Đức cha và các cha ra tại rạp hát mà coi dẫn tích Á thánh Phaolồ Hạnh tử đạo, - Nhơn dịp ấy trong họ có cất một cái rạp hát dài bằng lá, phía bên nhà trường nam, rộng rãi lắm, mà bữa đó thiên hạ đến coi đông vô số, trong ngoài đều chật cứng, không còn chỗ nào chen chơn vô được nữa.

Bỡi bấy lâu chưa có ai hiểu rõ nguyên tích Á thánh Hạnh đã bị bắt và chịu tử đạo làm sao, nay họ Chợ Quán mới khi sự dẫn tích ấy đầu hết, nên thiên hạ náo nức đón coi cho biết. Lại bỡi nhờ mấy người đứng chủ sự trong cuộc nầy khéo sắp đặt bổn tích ấy, lại khéo chọn lựa vai tuồng, và ra công tập luyện cách nói năng và bộ tịch đi đứng, mỗi vai tuồng làm chuyện gì xem ra tự nhiên lắm, cho nên mỗi khúc vui thì thiên hạ reo cười rùm cả rạp hát, mà đến lúc ông Hạnh bị quân lính kềm khảo nhiều cách độc ác dữ dằn quá, và nghe tiếng người rên siếc cùng kêu Chúa, và khi quan dạy đem ảnh chuộc tội mà ép người khóa quá bỏ đạo, thì người sấp mình xuống đất mà thờ lạy cùng ôm lấy ảnh chuộc tội mà than thở kêu xin Chúa ban ơn giúp sức cho mình đặng toàn công thắng trận, thì ai nấy đều động lòng sa nước mắt; trong hàng các cha cũng có nhiều cha cầm lòng không đậu, nhứt là cha Trang, khi thấy nhắc tích ông nội người đã chịu nhiều nỗi gian nan khổ hình chừng ấy, lại nghe tiếng vai tuồng ông Hạnh rên siếc than van kêu xin Chúa Bà cứu giúp mình, chẳng khác nào tiếng của ông nội người khi xưa đã than thở kêu van như vậy, thì lúc ấy người khóc lu bù. Đến khi quân lính dẫn ông Hạnh đến chỗ pháp trường, rồi tả đao đem người ra giữa pháp trường mà chém, thì thiên hạ có ý chăm chỉ coi giả bộ tịch làm sao đặng cười chơi, không dè tả đao khéo giả cách gọn gàng lẹ tay lắm, chẳng khác chi sự thật, nên khi vừa chém qua một gươm, thì tả đao đá ông Hạnh nằm sấp xuống đất, rồi xách đầu đưa lên cho thiên hạ xem máu chảy ròng ròng đỏ tươi, nên khi đó ai nấy thấy như đã chém thiệt trước mặt, thì ghê mình chẳng ai reo cười được, song nhiều người úp mặt xuống không dám ngó.

Đến thứ sau hết, thì dở màn lên, thấy thiên đàng sáng láng rực rỡ, hai bên có thiên thần cùng các thánh quì chầu, còn Á thánh Hạnh thì quì giữa mà chầu chực Chúa oai nghi tốt lành, cùng nghe tiếng đờn ca xướng bát thanh bai êm ái dịu dàng, thì ai nấy đều vỗ tay ban khen khéo léo lắm và khi sập màn xuống thì thiên hạ còn tiếc không nghe, nên kêu la om sòm, xin dở màn lên cho coi một chút nữa.

Qua chiều tối bữa sau (2 Mai) còn dẫn tích Á thánh Hạnh lại một bận nữa cho bổn đạo nội họ coi, vì đêm trước thiên hạ coi đóng quá lẽ, nên có nhiều người trong bổn đạo không vô tới rạp hát được mà coi.

Khi mãn cuộc là Tam nhựt rồi, nghe thiên hạ tặng khen họ Chợ Quán làm lễ Tam nhựt trọng thể lắm, và dẫn tích hay lắm; hai Đức cha và các cha cũng đều ban khen, nhứt là Đức cha Lý thì người lấy làm hay và ban khen khéo tập luyện và khéo chọn lựa mấy vai tuồng chánh lối, người lại nói ngoài Huế có dẫn tích các thánh thường lắm, mà không bao giờ làm được như vậy. Còn các cha ở đây thì nhiều cha nói rằng: Họ Chợ Quán không mấy khi làm chuyện gì, mà họ có bày ra làm thì chẳng bao giờ thua sút ai; chính mình cha Bề trên Cao, là cha sở trong họ, hồi ông chủ sự cuộc nầy mới tới bàn tính với người về việc dẫn tích Á thánh Hạnh, thì người không chịu, vì sợ làm không xong thiên hạ chê cười, bỡi đã có thấy nhiều nơi như vậy, chừng ông chủ sự nói riết tới thì người mới chịu cho làm, mà cũng hồ nghi sợ làm không nên việc, song khi yên cuộc lễ rồi, người nghe hai Đức cha và các cha cùng thiên hạ ban khen như vậy, thì chính mình người xưng ngay ra rằng: “Cha không dè anh em tập luyện mà làm nên việc khéo léo và hay chừng ấy, vì bấy lâu cha có đi coi dẫn tích thánh nhiều nơi trong các họ, mà không bao giờ thấy ở đâu làm được như vậy”.

(…)

ngọn đèn, đến sau cha Thao đặt thêm một ít, rồi sau nầy cha Cậy thêm một mớ nữa, nên bây giờ đèn khí trong nhà thờ họ hết thảy được gần 300 ngọn.

Lễ Bạc cha Bề trên Cao.

Khi đặt đèn khí về nhà thờ họ mới vừa yên, thì cha Bề trên Cao tính việc ăn mừng lễ bạc, vì người đã chịu chức thầy cả được 25 năm, và định ngày 18 tháng năm tây 1913 sẽ làm lễ ấy, nên mấy viên quan quí chức trong họ đã hiệp nhau mà bàn tính sắp đặt việc trần thiết chỗ rước khách, và việc thết đãi bổn đạo nội họ và mấy họ gần Saigon theo ý cha Bề trên ước ao; lại chiều tối bữa ấy cũng có dọn riêng một tiệc trọng thể tại nhà cha sở mà tiếp đãi Đức cha và các cha ở gần Saigon, cả thảy được chừng 40 cha. Nhơn dịp lễ nầy thì ông chánh chủ sở đèn khí (M. Pelletier) có cho dân đem hơn năm trăm ngọn đèn mà thắp phía mặt tiền nhà thờ và trong nhà đãi khách nội buổi chiều tối ngày lễ bạc cha Bề trên. Lại tới bữa ấy cũng có bày ra một hai cuộc vui chơi xung quanh vườn nhà thờ nữa.

Từ năm 1898 cho tới 1913 cha Bề trên Cao ở coi họ Chợ Quán, thì có mấy cha sau nầy đến ở giúp bổn đạo trong họ:

Cha Đượm (P. Dumortier) ở từ tháng Décembre 1898 cho tới tháng Mars 1899.

Cha Vân ở từ tháng Mars cho tới tháng Août 1899.

Cha Lộ (P. Bellocq) ở từ tháng Novembre 1901 cho tháng Avril 1902.

Năm cha Bề trên đau phải đi dưỡng bịnh bên Hồng Kông, thì có cha Du (P. Guillou) đến ở thế coi họ từ tháng Juillet 1903 cho tới cuối tháng Janvier 1904.

Cha Ninh (P. Nicolas) cũng có ở Chợ Quán từ tháng Octobre 1904 cho tới tháng Février 1905.

Đến tháng Mars 1905 Đức cha định cho cha Hướng đến ở làm phó sở Chợ Quán mà giúp bổn đạo, và từ đó đến nay thì trong họ có cha phó luôn.- Khi cha Hướng ở Chợ Quán, thì người đã hết lòng lo mọi việc trong họ giúp đỡ cha Bề trên, lại người cũng lo giúp Hội Các đẳng trong lúc ban sơ mà chỉ vẽ cách kiểu cho đặng làm hai bộ rạp âm công và điểm màn cờ xí nội cuộc ấy. Cha Hướng ở Chợ Quán cho tới tháng Octobre 1907, thì Đức cha đổi người về Tân Định lo việc Nhựt trình “Nam Kỳ Địa Phận” cho tới bây giờ,

Đến đầu tháng Novembre 1907, Đức cha đổi cho Thao về làm phó sở Chợ Quán thế cha Hướng thì người lo lắng giúp đỡ mọi việc trong họ, nhứt là về việc trần thiết nhà thờ mấy ngày lễ trọng vì người có chủ ý riêng mà bày biện nhiều cách kiểu hay trong cuộc ấy, cho nên mỗi năm khi tới lễ Sinh Nhựt, thì người bày vẽ nhiều cách kiểu thắp đèn xem đẹp lắm, lại lúc dọn lễ Tam nhựt kính các thánh Tử đạo Annam và lễ bạc của Bề trên, thì nhờ người biến hóa mà trần thiết nhiều cách khéo léo lắm.

Cha Bính (P. Laurent).

Đến năm 1913, khi cha Đủ (P. Dumas) là Bề trên Nhà trường Latinh Saigon thọ bịnh, không lo việc cai trị nhà trường được nữa, nên người xin nghỉ, thì Đức cha định đổi cha Bề trên Cao đi làm Bề trên nhà trường Latinh, và cha Bính ở Cái Bè về làm chánh bổn sở họ Chợ Quán (tháng 8 tây năm 1913).

Khi cha Bính mới về Chợ Quán thì người lo sửa một hai chỗ trong nhà ở và đóng rầm cùng lợp thêm mái hàng ba phía sau cho bớt hanh nắng; qua năm sau 1914 người thấy ba căn phố cha bề trên cất phía trước nhà thờ họ đã hư nhiều, nên biểu dỡ cất lại 2 căn mà thôi; người cũng mướn công dân lo đốn phá hết những cây cối vô dụng ở xung quanh vườn nhà thờ cho trống trải khoảng khoát.

Cha Nhiệm làm lễ Vinh Qui.

Ngày mồng 6 tháng sáu tây năm 1914, cha Nhiệm, là người quê quán trong họ, chịu chức Thầy cả, nên người đã về làm lễ Vinh Qui ngày mồng 9 tại nhà thờ họ Chợ Quán, thì lúc ấy quí chức và bổn đạo nội họ đã lo sửa soạn trần thiết nhà thờ mà tiếp rước người cách trọng thể.

Cha Cậy.

Đến đầu tháng tám tây năm 1914, Đức cha định đổi cha Thao đi coi họ Mỹ Chánh và cha Cậy về làm phó sở họ Chợ Quán, thì người hàng lo lắng mọi việc giúp cho cha sở, cùng lo giảng dạy bổn đạo, mà nhứt là việc dạy dỗ con trẻ thì người siêng năng cần mãn lắm; lại cũng nhờ công khó người trong mấy lúc rảnh rang, người lo trồng bông hoa xung quanh vườn nhà thờ cho ra xinh tốt sạch sẽ như ta thấy bây giờ.

Từ năm 1890 cho tới năm 1918, nhơn số bổn đạo họ Chợ Quán kể được chừng lối 1200 cho tới 1250 mà thôi.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Họ Chợ Quán

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ CHỢ QUÁN (tiếp theo)

-----------------

V. Đức Cha Ngãi bị bắt

Kể từ ngày Đức cha Ngãi (Mgr. Lefèbvre) bổn đạo cũng gọi là Đức Cha Đôminicô, lãnh quờn Giám mục cai trị địa phận Nam Kỳ cho tới khi người về tây (1841-1864), thì người đã bị bắt hai lần, lần trước bị bắt trong ngày 31 Octobre 1844, lúc người đang ẩn tại Cái Nhum, và bị giải ra kinh (Huế) cho vua quan tra xét, và đã bị giam cầm tại đó, nhằm đời vua Thiệu Trị (1841-1847). Đến tháng Avril 1845 có tàu quan thủy sư Langsa tên là Cécile ghé lại cữa Hàn (Tourane), và khi nghe nói Đức cha Ngãi bị giam cầm tại Huế thì quan ấy liền tư tờ xin vua giao Đức cha lại lập tức, và bãi việc bắt bớ hà hiếp bổn đạo. Khi vua Thiệu Trị tiếp được tờ ấy, thì ngài sợ sinh sự khó lòng cho nước nhà, nên người truyền cho quan quân phải đưa Đức cha ra tới cữa Hàn mà giao cho quan thủy sư Cécile, thì quan ấy rước Đức Cha xuống tàu mình cùng đưa người qua Hạ Châu (Singapore) cũng kêu là Phố Mới.

Qua năm sau ông Lái Gẫm đem ghe bầu qua Hạ Châu rước Đức cha Ngãi, và khi trở về tới Cần Giờ thì cả hai đã bị bắt điệu về Gia Định trong ngày 8 Juin 1846 với cha Lộ (P. Duclos) và ba người học trò Pinang. Cách qua ít ngày cha Lộ qua đời, thì Đức cha xin quan tĩnh cho chôn cha Lộ gần trên Lăng Đức thầy Vêrô; còn Đức cha thì quan giải ngài ra kinh một bận nữa cho vua quan tra xét, và chuyến nầy ngài bị án trảm giam hậu, song lúc ấy vua Thiệu Trị sợ phải sinh sự bất bình với nhà nước Langsa, nên vua cho một chiếc ghe bầu của triều đình đưa Đức cha trở lại Phố Mới. Qua năm sau Đức cha Ngãi lén trở lại một lần nữa, và ở luôn cho tới sau. Khi Đức cha mới tới thì ghé lại Bải Xan, rồi ban ngày thì ẩn trong nhà bổn đạo, ban đêm lén ra đi lần từ họ nầy tới họ khác, cho tới Lái Thiêu, là nơi còn ở yên được một lúc, lại có trường Latinh ở đó nữa, và qua năm sau ngài đã phong chức cho Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) tại đó.

VI. - Học trò Latinh ẩn tại Chợ Quán.

Đến năm 1855 vua Tự Đức hạ chỉ bắt đạo nhặt nhiệm lắm, nhà thờ nhà thánh phải bị đốt phá triệt hạ ráo, cho nên Đức cha Ngãi và học trò Latinh ở Lái thiêu không được nữa, phải đi trú nơi khác. Bỡi đó nên Đức cha Ngãi xuống ẩn tại Thị Nghè, còn học trò Latinh khi đó được chừng hơn ba mươi, thì cho ghe chở đem vô Chợ Quán trú tại nhà ông trùm Lưu, có một cha tây tên là Cố Định (P. Pernot) với ba bốn thầy đi theo ở coi sóc học trò, không rõ mấy thầy ấy tên gì.

Ông trùm Lưu là ông ngoại bà phủ Năm (Vincent) khi đó còn làm biện sở, nhà ở tại chỗ nhà ông phủ Năm ở bây giờ, hai phía cận rạch, và buổi xưa chỗ đó cây cối rậm rạp sầm uất lắm, ít ai lai vãng, nhà trên nhà dưới cất kề nhau ở giữa miếng đất, xung quanh có vườn trầu cau cây trái nhiều, ngoài ranh có hai lớp hàng rào, một lớp làu táu ở ngoài và một lớp trĩ ở trong, có một đàng hẻm nhỏ dựa mé rạch đi thấu vô nhà mà thôi; phía sau thì giáp ranh đất ông tổng Toản, không có ngả nào khác nữa đi về nhà được, nên trong buổi cấm kín các cha tới ẩn ngụ trong nhà đó thường lắm, mà ít ai biết được.

Nhà ông trùm rộng rãi, mà hai ông bà và người nhà thì thường ở nhà dưới, còn nhà trên thì đóng cữa luôn, một đôi khi có khách trượng hay là có dịp gì đại sự thì mới mở cữa nhà trên, theo tục lệ xưa thì nhà nào cũng vậy, đời nay cũng còn nhiều chủ giữ cách ấy.

Khi học trò đến tại đó, thì cả ngày ẩn nội nhà trên, không hề dám mở cữa, ban đêm mới dám ra ngoài sân một giây lát mà thôi, khi ở đó được chừng bốn năm tháng, nghe thế sự không yên, thì ông trùm lo đưa cha thầy và học trò qua Thị Nghè ẩn tại nhà bà Lụa, lúc ấy có Đức cha Ngãi đang ẩn tại đó.

Trong lúc học trò Latinh đang trú tại Thị Nghè, thì thường bữa ông trùm Lưu cho người chèo ghe lường đem cơm gạo bánh trái và đồ ăn qua Thị Nghè cho học trò; có ba người sau nầy thường đi chở đồ ăn như vậy:

1. Ông Hậu, là em rể bà trùm Lưu và là ông già bà năm Bình;

2. Hai Minh với ba Thông là anh ruột bà năm Bình và là cháu bà trùm Lưu (kêu bà trùm bằng dì).

Nghe nói ba người nầy có thuật chuyện rằng: Trong lúc Đức cha Ngãi đang trú tại nhà bà Lụa, có một bữa kia, khi Đức cha mới làm lễ vừa rồi, cởi đồ lễ ra còn để y nguy trên bàn thờ, thình lình quan quân áp tới vây nhà mà xét đặng bắt người, lúc ấy Đức cha bất cập, không biết chạy trốn nơi nào kín đáo được, nên bước lại đứng núp trong cánh cữa gần bên bàn thờ, song bỡi ơn Chúa che chở thể nào không hiểu, mà quan quân đi lục soạn xét cùng tứ phía trong nhà, đồ lễ còn nguyên hiện trên bàn thờ, và Đức cha đứng núp sờ sờ xó cữa đó, mà sao chúng nó không thấy; nên ai nấy đều mừng và tin thật là phép lạ Chúa che mất quân ấy, không cho nó thấy Đức cha và đồ nó đi tìm mà bắt. Chuyện nầy nghe nói như vậy mà không rõ có quả thiệt hay là không.

VII. – Đức cha Ngãi ẩn tại Chợ Quán lần thứ nhứt.

Cách ít lâu sau, Đức cha và học trò Latinh ở Thị Nghè không yên, thì Đức cha dạy chở học trò xuống miệt Cái Nhum, Cái Mơn, còn Đức cha thì đi vô Chợ Quán, trú tại nhà ông trùm Lưu. Khi Đức cha ở đây, thì cả ngày ẩn mình phía hàng ba sau nhà trên, và bổn đạo không ai hay biết. Khi đó cũng có một cha tây đi với Đức cha, mà không rõ cha đó tên gì; còn cha Bình với tổng Thận (Tân An) năm đó còn nhỏ 1ối chừng 14, 15 tuổi, cả hai ông nầy ở học trò giúp Đức cha, hễ Đức cha đi đâu thì hai trò đi theo đó.

Khi Đức cha ở tại nhà ông trùm Lưu được hơn một tháng, nhằm năm xã Cần (ngoại) làm thôn trưởng trong làng; bữa kia có bà Sâm già là mẹ vợ xã Cân, cũng là người bà con với bà trùm Lưu, nghe nói phong phanh làm sao không biết, nên tới thăm ông trùm bà trùm và cằn nhằng rầy rạc hai ông bà, hỏi sao dám chứa ông tây trong nhà mà báo hại con rễ bả đang làm xã trưởng năm ấy... Ông trùm bà trùm nói không có...; song chừng bà ấy ra về rồi thì ông trùm thưa lại cho Đức cha rõ tự sự, thì Đức cha dạy phải lo dọn hết đồ đạc của người xuống ghe, rồi tối bữa ấy chở Đức cha đi ẩn nơi khác. Đức cha đi rồi thì trong nhà ông trùm bằng yên không có xảy ra sự gì.

Ông trùm Lưu chứa đồ Nhà Chung.

Mấy năm đó trong nhà ông trùm Lưu có chứa tiền bạc và đồ đạc của Nhà Chung nhiều lắm, như đồ lễ, sách vở, hàng giẻ để may đồ lễ cho các cha; còn vải bảy vải tám thì mỗi lần ghe bầu đi qua Pinăng đem về hai ba chục xấp gửi giấu trong nhà, rồi lấy lần ra một khi năm ba xấp đặng mướn nhuộm mà may áo may quần cho các cha và cho học trò La-tinh. Buổi ấy cũng có ông thầy Nghi là người đã đi học bên Pinăng về, ở giúp việc cho Nhà Chung, hoặc khi đem học trò sang Pinăng, hoặc khi đi rước về; hay là khi phải xuất phát tiền bạc của Nhà Chung mà làm việc gì, thì thầy ấy lo hết. Nhiều lần thầy Nghi đem bạc đồng của Nhà Chung đi đổi cho mấy tiệm tàu khậu quen ở Chợ Lớn, đặng lấy tiền annam đem về để dành xuất phát. Bạc đồng hồi đó thì một đồng đổi đặng 7 quan tiền annam; mỗi lần thầy Nghi đi đổi bạc đem về chừng 1 ngàn cùng là 1 ngàn rưỡi quan, thì thầy ấy nói trước cho ông trùm hay, rồi đến tối ghe chở tiền vô bến trước nhà ông trùm, thì ông trùm coi biểu gia nhơn bạn bè vác lên giấu trong nhà; không dám chở tiền về ban ngày, sợ người ngoại ở xung quanh đó hay, e lậu tiếng khó lòng lắm.

Lúc ấy ông trùm Lưu có bị ăn trộm một lần, tưởng đã mất của Nhà Chung hết nhiều, song bỡi nhờ ơn trên che chở, nên ăn trộm chẳng vi sơ tới của ấy chút nào. Số là một đêm kia ăn trộm đào nghạch vô nhà, và nó đã cạy rương xe chống nấp lên rồi, trong rương có để hàng giẻ, vải bố và bạc đồng của Nhà Chung nhiều lắm; mà không hiểu sao chừng trong nhà hay được, soát coi lại, thì thấy bạc tiền và đồ đạc của Nhà Chung để trong đó còn y nguyên, chẳng có mất món gì hết.

VIII. Đức cha Ngãi ẩn tại Chợ Quán lần thứ hai

Không rõ hồi Đức cha Ngãi ở nhà ông trùm Lưu bận trước đó rồi ra đi ẩn nơi nào khác, cách qua chừng hơn một năm thì Đức cha trở lại đó một lần nữa, là lối tháng Décembre 1858. Khi Đức cha ở yên đó được hơn 20 ngày, bữa kia Đức cha nghe tin làm sao ở đâu không biết, vì người không nói ra; thình lình Đức cha kêu ông trùm biểu phải dọn hết đồ Nhà Chung và đồ của Đức cha xuống ghe đặng cho ngài dời đi nơi khác, Ông trùm bà trùm không hiểu ý gì, nếu hồ nghi có khi Đức cha trách mình việc chi mà không tỏ ra chăng; hai ông bà buồn bực khóc lóc mà chẳng dám nói ra gì hết, cứ việc là dọn đồ y theo lời Đức cha dạy. Ông trùm dọn hai chiếc ghe bảy (ghe lớn) đồ của Đức cha để riêng một chiếc, còn đồ của Nhà Chung thì dọn xuống chiếc ghe kia. Đến chừng chật vật, Đức cha kêu ông trùm mà nói: “Đêm nay có kẻ đến bắt cha, nên cha đi cho khỏi”. Nói đoạn Đức cha từ giã ông trùm, bà trùm, rồi xuống ghe; hai ông bà khóc lạy đưa Đức cha đi. Khi đó còn ba thùng đồ của Nhà Chung, mà ghe đã chật không chỗ chở nữa được, nên ông trùm biểu bạn bè khiêng đem giấu dưới mấy bụi cây ở dựa rạch bên ranh vườn ông tổng Toản, giáp ranh vườn ông trùm.

IX. - Ông trùm Lưu bị bắt.

Chừng ghe Đức cha lui ra khỏi cầu Bà Đô một đỗi, thì trong nhà nghe tiếng binh gia kéo tới lối xóm gần đó, nên ông trùm hối bạn bè chống chiếc ghe chở đồ Nhà Chung mà đi ẩn cho xa cho khuất; rồi kế ông Hạp Quyển là người Huế, làm quan tĩnh, kéo binh gia áp tới xét nhà ông trùm mà chẳng bắt được giống chi hết, chúng nó biết ông trùm có hai chiếc ghe lớn, nên ra đi soát kiểm hai chiếc ghe ấy mà không thấy; ông Hạp Quyển tức mình giận lắm, biểu lính bắt ông trùm và bà trùm đem giăng nọc ra giữa sân trước nhà mà tấn, tra khảo ông trùm về vụ người ta cáo đã cho hai em và con trai đi qua Tây viện binh lại lấy thành, và trong nhà có chứa hai ba thùng bạc, đặng để khi binh tây qua thì lấy bạc ấy mà mua ăn.

Ông trùm khai rằng: Không có anh em nào hết; (ông trùm nói vậy, vì anh em người không có ở tại Chợ Quán, nên ít người biết rõ đều ấy,) còn con trai thì nói đã chết rồi, còn đâu mà cho đi Tây. Hai ông bà bị đánh bị khảo một hồi lâu, rồi dẫn hai ông bà ra nhà việc làng; sau quan thả bà trùm về, còn ông trùm thì cầm lại đó, qua bữa sau giải ra thành. Bà trùm về nhà lo sợ lắm, nhứt là về sự ông trùm là người chơn chất thật thà, sợ phải quan khảo tra quá mà chịu không nổi, rồi khai lộn xộn lính quính mà phải khốn khổ cho cả hai ông bà và con cái; nên bà trùm chạy quanh lộn lo lót bạc tiền cho làng cho quan; qua ngày sau việc làng ra ngoài thành xin lãnh ông trùm về. Khi đó bà trùm lo hết 10 nén bạc (1000 quan tiền annam). Ông trùm bị bắt đây là trong tháng 11 annam năm 1858.

Lúc quan quân áp tới xét nhà ông trùm, thì bạn bè chống chiếc ghe chứa đồ Nhà Chung đem ra núp dưới mấy lùm cây ở ngoài cầu Bà Đô; qua hai bữa sau khi nghe êm rồi mới dám trở về. Còn mấy thùng đồ ông trùm đã biểu đem giấu dưới mấy bụi cây ở dựa ranh đất ông tổng Toản, thì khi nghe binh gia tới bao xét nhà ông trùm, thì ông tổng Toản sợ hoảng biểu người ta khiêng đổ trút bớt xuống sông. Nghe nói trong đó có những đá thánh, chén thánh, và đồ lễ cho các cha dùng trong lễ nhạc cùng sách vở nhiều lắm. Cách qua hai ba bữa sau cha sở trong họ hay việc như vậy, thì người có lội xuống sông tìm vớt lại được một hai món, còn bao nhiêu thì trôi đi mất hết. (Không rõ chắc là cha nào, song năm đó thì có cha Triêm, cha Đoan ở trong họ.)

Sách vở thì khi trôi ra ngoài vàm, mấy người ghe câu ở gần nhà Ông trùm có gặp vớt được một mớ, đem về đưa lại cho ông trùm bà trùm, lén phơi rồi sau giao lại cho các cha coi, món nào còn dùng được thì để, còn món không dùng được nữa thì đốt đi hết.

Về vụ ông trùm Lưu bị cáo

Ông trùm Lưu bị cáo về vụ cho hai em và con trai đi Tây, là bỡi ông trùm có hai người em, là ông Bạch với ông Trực, và một người con trai ông trùm tên Tín, cả ba đã đi học tại Nhà trường Pinăng.

Đến sau ông Bạch trở về làm thầy đi dạy được năm sáu năm, kế rủi đau mang tật điếc, phải ra thế gian, lo đôi bạn; còn ông Trực sau cãi lại tên Điện (cha Điện), ở Pinăng về làm thầy đi dạy miệt Đá Trắng và phía gần trên Mọi, đến sau chịu chức thầy cả lối năm 1851-1852, rồi đi coi họ và lập họ nhiều nơi; cha có ở Cầu Kho, có ở đi lập họ tại Rạch Cá, Rạch Gốc, Rạch Thiên và nhiều nơi khác, không nhớ cho đủ được; sau mới khỉ sự lập họ Lương Hòa được ít lâu, thọ bịnh tại đó, chạy thuốc không khá, bịnh thêm nặng, sau hết mới đem về nhà ông trùm Lưu, được chừng 10 bữa thì cha qua đời tại đó, nhằm năm cha Ngãi (P. Derval) coi họ Chợ Quán, lúc ấy có cha Hiệu (P. Humbert) ở học tiếng annam, và người đã giúp giữ linh hồn cho cha Điện (năm 1875-1876). Xác cha Điện chôn chỗ nền nhà thờ cũ, đến khi đào mống xây nên nhà thờ bây giờ, thì cha Thiết (P. Boutier) kêu cháu cha Điện là bà Sáu Đức, mà biểu phải dời đi nơi khác, nên đã đem xác cha Điện về chôn trong thờ mộ riêng, gần bên nhà phó Thành và Tư Định ở bây giờ. Khi cha Điện qua đời rồi thì cha Đoan đổi lên coi họ Lương Hòa thế cho cha Điện.

Còn Ông Tín là con ông trùm Lưu, sau cải lại tên Lới, ở Pinăng và làm thầy đi dạy được hai ba năm miệt Lái Thiêu, Bà Rịa, sau đổi về ở giúp cha Thiện (P. Nojoberne) tại Saigon được ít lâu, rủi xuông bịnh dịch tại đó, bà con đem về nhà ông trùm lo chạy thuốc mà không cứu được, qua bữa sau thì người đã chết tại nhà ông trùm (lối năm 1875-1876), và đã chôn xác người trong thổ mộ riêng. Không rõ thầy Lới khi đó đã đặng mấy chức, người là một lớp học với cha Vêrô Lý (Chợ Quán) khi còn ở tại Nhà trường Pinăng.

X. – Lúc binh Langsa lấy Saigon,

Khi Đức cha Ngãi đi ra khỏi nhà ông trùm Lưu bận sau nầy rồi, thì ngài đi ẩn ánh trong nhà bổn đạo, khi trú chỗ nầy khi sang nơi khác, không ở yên một chỗ được, vì từ tháng Septembre 1858, khi tàu chiến Langsa đến lấy Cữa Hàn rồi sắp về sau thì vua quan annam càng cố oán mà chém giết sát hại bổn đạo hơn nữa; (Cữa Hàn Langsa kêu là Tourane, tại đó có cái đồn annam kêu là đồn Sơn Chà) vì nói bổn đạo đã viện binh Langsa đến lấy nước, và truyền cho nhơn dân phải tầm soát bắt nộp các Giám mục và Linh mục tây annam hết thảy, và hứa sẽ trọng thưởng; nên khi ấy Đức cha Ngãi khó bề tìm nơi ẩn ánh cho an thân. Lúc đầu năm 1859 thì người còn trú tại Thị Nghè, đến ngày 11 Février, khi nghe tin tàu chiến Langsa đã vô tới Cần Giờ rồi, thì quan truyền cho binh gia đi soát cùng xóm Thị Nghè mà bắt Đức cha, vì chúng nó biết ngài còn trú tại đó; nên Đức cha không thể ẩn tại Thị Nghè nữa được; vậy ban đêm người phải trốn chạy xuống phía Rạch Bàn thân dưới Xóm Chiếu, khi đó còn rừng còn cọp, và đi núp ấn nơi bụi bờ, đêm ngày giữa trời mà chịu trận, rất đỗi cam go cực khổ. Đức cha ở đó chịu sương nắng đói khát như vậy hai ba ngày, không ai dám léo hánh đem cơm nước gì cho mà ăn uống, đến đỗi Đức cha đã thối chí, tính bề phải ra mặt nộp mình chịu chết. Thời may trong đêm 15 Février, có ông tổng Thế ở miệt Rạch Bàn, khi đó chưa có chức phận gì, ông nầy thừa dịp lúc trăng mờ mờ, lén chèo ghe lường ra chỗ bụi Đức cha đang ẩn, mà xin chở người đi trốn nơi khác, Đức cha bằng lòng đi, vì không lẽ ẩn nơi đó lâu nữa được, nên người xuống nằm khoanh dưới lường ghe, ông Thế lấy chiếu đắp phủ cả và mình Đức cha lại, rồi chèo ghe đi quanh lộn rạch nầy sang rạch khác, không biết là mấy mươi khúc. Khi đó ông Thế bận áo lính annam mà chèo ghe đi, tới ngang qua mấy phần thủ kêu ghe ghé lại, khi ông Thế lên tiếng trả lời rằng: Ghe đưa lính binh về nhà, không có chi mà ghé lại cho mất công. Mấy phần thủ thấy lính chèo ghe mà nói như vậy thì tin bằng lời, nên để cho ghe đi luôn. Chừng ra tới vàm sông cái thì ông Thế mừng lắm, vì đã thoát khỏi mấy chỗ hiểm nghèo rồi; nên người vững bụng thả trôi ghe mà nghĩ tay: Cách một hồi lâu, thấy bóng ba chiếc tàu lớn neo giữa sông, dưới tàu binh lính đang canh giữ nghiêm nhặt, nên khi thấy dạng chiếc ghe còn ở trên xa thì lính tàu lên tiếng hỏi tiếng tây: Ghe ai đi đó?. Ông Thế không hiểu, nên chẳng biết lính hỏi chi mà trả lời, cứ việc thả ghe đi tới mãi; còn Đức cha thì hoặc là khi đó ngài mê mệt, vì bị cảm sương nắng mấy bữa trước, hay là nhằm lúc ngài lảng làm sao không hiểu, nên chẳng nghe lính hỏi chi cả. Lính tàu hỏi mà không thấy trả lời, lại ghe cứ việc đi tới mãi, thì giương súng bắn ghe một phát, ông Thế hoảng hồn bàn kêu Đức cha mà xin nói lại thế nào kẻo mà phải bắn chết. Hồi đó Đức cha cũng bất cập, vì hoặc là người không nghe tiếng lính tàu hỏi, hay là thấy bắn ghe mình rồi cũng hoàng mà không biết nói lại làm sao; Đức cha bèn rán hết tiếng mà hát một câu hát đời xưa, binh thủy Langsa thuộc lắm. Dưới tàu nghe tiếng hát lấy làm lạ quá sức, nên quan tàu bước ra dựa be mà hỏi: Ai đó? Đức cha liền trả lời: Tôi là Giám mục Saigon, đến xin đổ nhờ dưới tàu các ông. Tức thì quan tàu biểu ghe đi tới cặp dựa lại, rồi mời Đức cha bước lên tàu, quân lính thảy đều mừng rước tử tế hết tình. - Đức cha Ngãi thuở đương thời là người diện mạo phương phi oai nghi lắm, song bỡi bị mấy năm bắt bớ, phải lo lắng đi trốn lánh luôn, ăn ngủ thất thường; và nhứt là lúc sau đó, người phải dầm sương dãi nắng lặn lội ẩn ánh ở giữa rừng bụi, và chịu đói khát, chẳng nghỉ ngơi được chút nào, nên Đức cha phải bịnh hoạn ốm hư, lại khi đó ngài đang đi trốn, lo sợ thất sắc, người đi chơn không, bận một cái áo vắn annam, chẳng có y phục giày vớ gì hết, nên khó nhìn biết người được. Quan tàu gặp Đức cha thì mừng rỡ lắm, và thấy người như vậy thì cảm thương, nên lật đật cho người ăn uống chút đỉnh và để người nằm nghỉ một buổi lâu; chừng Đức cha khỏe tỉnh lại rồi, mới hỏi thăm các việc.

Khi Đức cha sang lên tàu rồi, thì ngài nghĩ lại, nếu bây giờ cho ông Thế trở về một mình, ắt là phải chết không khỏi được, nên xin cùng quan tàu cho ông ấy theo mình, thì ông Thế tính phải nhận chìm chiếc ghe đi cho mất tang tích, rồi sang lên tàu theo Đức cha. Đến sau Đức cha đã xin Nhà nước Langsa thưởng ông Thế, cho làm chức Cai tổng mà trả công ơn người.

Khi quan tàu hiểu rõ được cơ cuộc trong Saigon rồi, thì đêm 16 Février ba chiếc tàu đi lần vô, sáng 17 lấy mấy đồn ở ngoài vàm sông cái, qua bữa 18 kéo binh lên lấy thành Saigon, rồi ba chiếc tàu sụt xuống đậu ngang Xóm Chiếu.

XI. - Đức cha Ngãi ở Xóm Chiếu

Chừng đó Đức cha Ngãi (Đôminicô) lên ở tại Xóm Chiếu, nơi nhà ông tổng Hài là người ngoại giáo đã chạy giặc mà bỏ hoang; rồi Đức cha nhắn tin cho bổn đạo ở xung quanh Saigon đặng hay mà đến đó lánh thân cho khỏi quan annam bắt bớ sát hại.

Lúc ấy quan annam đem binh lên lập đồn Chí Hòa, Thuận Kiều, vv, và có một cơ binh gọi là “Tùng Thiện”, nguyên gốc là những tù phạm, mà đến lúc giặc giã thì quan thả quân ấy ra, bắt chúng nó nhập lính lập đồn lũy, và đặt tên cơ binh ấy là Tùng Thiện; khi nào xuất chiến thì bắt chúng nó đi tiên đạo mà chịu mũi tên mũi đạn; trong quân ấy có nhiều tay ăn cướp sát nhơn hung dữ lắm, thường hay kéo đến phá hại đốt nhà thiên hạ trong xóm mà giựt của, nên bổn đạo Chợ Quán bị chúng nó phá hoài ở không yên, có một lần nhà bà Phượng là mẹ ông phủ Minh, đã bị quân Tùng Thiện đến cướp của và đánh bà ấy bị bịnh.

Khi đó ông trùm Lưu còn ở Chợ Quán cho tới lối tháng ba annam, bữa nọ có bà ba Thịnh là người bổn đạo Chợ Quán và cũng là người bà con với ông trùm (kêu ông trùm bằng chú), bà này năng đi bán trên đồn, có quen với nhiều người ở trong đồn nghe nói ông trùm Lưu bị cáo về đôi ba việc trọng, nên bà ấy chạy về thông tin cho ông trùm bay và biết phải lo đi trốn cho cần kẻo phải chết. (Không rõ ông trùm bị cáo về việc gì, song tưởng cũng về hai ba việc bị cáo lúc trước, là cho hai em và con trai đi học Pinăng, và trong nhà có chứa cha thầy và chứa đồ của Nhà Chung) Ông trùm hiểu việc khó vì đã có bị một lần trước rồi, nên lật đật dọn những đồ cần dùng đem xuống ghe, đoạn bỏ hết nhà cữa sự nghiệp mà chạy qua ẩn tại Xóm Chiếu, cùng đem bà con anh em qua đó hết. Chạy bỏ lại một vựa lúa đầy, ước chừng hơn 5000 giạ, và đồ đạc trong nhà nhiều lắm; sau nghe nói quân Tùng Thiện và thiên hạ lối xóm tới lấy lần hồi hết ráo.

Hồi đó cha Đoan với cha Triêm là cha giữ việc còn ở tại Chợ Quán, thường bữa hai cha phải chạy xuống trốn dưới mấy chòm cây tại đồng Bà Tép, khi đó còn rậm như rừng. Cha Đoan thường hay gởi thơ cho Đức cha Ngãi rõ việc bổn đạo ở trong họ làm sao; khi gởi thơ như vậy thì có một người đàn bà ngoại, chồng có đạo tên là bảy Hữu, đã đi theo ông trùm Lưu qua Xóm Chiếu, đàn bà ấy thì còn ở lại Chợ Quán năng đi Xóm Chiếu thăm chồng, mỗi lần đi thì đến lãnh thơ của cha Đoan mà giấu trong mình, rồi lội băng qua ruộng mà đi, hay là nhằm khi nước cạn sát, thì lội giữa sông giả đi bắt cá đặng đem thơ qua Xóm Chiếu cho Đức cha, và khi Đức cha gởi thơ lại cho cha Đoan, thì cũng trao cho người ấy đem về.

Cũng có ít nhà bổn đạo và năm bảy người Nhà phước Chợ Quán chạy qua Xóm Chiếu ở gần Đức cha. Cách qua ít ngày thì nghe tin trong Chợ Quán ông Hạnh bị bắt, sau lại nghe nói ông Thiện chở đồ lễ của cha Hạp, là anh ruột người, đặng đem đi gởi, cũng đã bị quan bắt cầm tù trên đồn, đến lúc sau lại nghe hai anh em là ông biện Phượng và Ông biện Đa bị bắt nữa.

(Coi tich bốn ông nầy nơi phần phụ thêm ở sau.)

XII. – Bổn đạo bị phân sáp

Khi binh Langsa vô lấy Saigon rồi, thì vua quan annam càng thêm lòng hềm thù giáo hữu, vì nói bổn đạo viện Tây đến lấy nước Nam, nên càng tìm nhiều cách mà nhiễu hại con nhà có đạo hơn nữa; song dầu làm thế nào cũng không phá tuyệt đặng đạo thánh Chúa. Vua Tự Đức chừng thêm phùng gan tức giận, bỡi đó đến cuối năm 1860, vua tra tay giáng chỉ độc ác dữ tợn, vì thuở nay bổn đạo chưa hề gặp cơn nào gian nan tàn khổ dường ấy. Trong sắc chỉ vua dạy làng tổng phải nạp số giáo hữu từ 15 tuổi sấp lên, bất luận đờn ông đờn bà, rồi bắt hết thảy đem tới tĩnh mà thích tự hai bên bàn tang, một bên thích hai chữ tả đạo, còn bên kia thì thích tên tĩnh, phòng khi có ai trốn đi đâu, thiên hạ thấy mặt thì biết, chẳng chạy lọt ngả nào được; đoạn bắt phân sáp ra đi các làng ngoại, dân ở xứ nầy đày đi xứ khác, còn nhà cữa ruộng đất của bổn đạo, thì về tay làng tổng ngoại đoạt lấy.

Mấy Địa phận miền ngoài thì như vậy, còn trong Nam Kỳ thì có miệt Biên Hòa và Bà Rịa bổn đạo cũng đã phải bắt mà thích tự và nhốt trong ngục, xung quanh thì chất bổi sẵn, chờ khi binh tây tới gần thì đốt ngục thiêu sống bổn đạo. Tại Gia Định (Saigon) bỡi binh tây đã tới lấy đại thành rồi, cho nên không kịp làm theo cách đó, hoặc có khi bỡi binh tây ở gần lắm, nên quân annam không dám làm như vậy, hay là tại cớ nào khác không rõ. Cho nên bổn đạo tĩnh Gia Định tuy là cũng có bị gian nan cực khổ trong buổi phân sáp ấy, song có ý nhẹ hơn bổn đạo miền ngoài bội phần.

Vậy lúc đó quan tĩnh truyền lệnh cho các làng tổng phải bắt hết thảy đờn ông có đạo, dẫn tới đồn mà điểm danh tính, ban đầu thì một tháng bị đi điểm một kỳ, điểm xong rồi thì tha cho về nhà, đến sau thì nữa tháng phải đi một kỳ; lúc ban sơ mỗi kỳ đi điểm bổn đạo Chợ Quán còn đi đủ số, đến sau có mất hết ít người; cho nên khi đi điểm một kỳ sau rốt hết, bổn đạo cũng tưởng tựu tới xong rồi thì được trở về nhà như mấy kỳ trước; không dè chuyến nầy quan đòi đủ hương chức 18 thôn vườn trầu Bà Điểm, Hốc Môn là những làng ngoại cũng tựu tới đồn, rồi khi điểm bổn đạo rồi, thì quan giao cho mấy làng ấy phải lãnh mỗi làng một ít đem về giam cầm canh giữ trong làng mình; hễ làng lớn thì lãnh năm bảy người, chín mười người, làng nhỏ thì vài ba người; còn các chức họ là ông trùm, ông câu và mấy ông biện sở, thì quan bắt giam tại đồn, nên mấy ông ấy phải bị gông cùm trăng trói cực khổ lắm. Những bổn đạo bị lưu đày đi các làng, thì cũng có một hai chỗ phải chịu cực khổ, còn nhằm chỗ hương chức làng tử tế, thì để cho bổn đạo ở thong dong, không bắt buộc sự gì, trừ ra khi nghe tin quan tĩnh đến, thì mới bắt mang gông ngồi trăng theo phép, cho làng khỏi bị quan quở phạt mà thôi. Song thảm thương một đều, là khi vợ con mấy ông ấy ở nhà nghe tin đã bị phân sáp một người một nơi làm vậy, thì ai nấy phải ra đi tìm kiếm hỏi thăm ông nào bị đày về đâu, đặng có đem cơm nước cho mà dùng, vì quan bắt giam cầm chớ không có cho ăn uống.

Khi bổn đạo Chợ Quán bị phân sáp được tám chín tháng thì có lịnh quan trên đòi hết thảy tựu về tĩnh cho đặng ơn tha thứ. Khi nghe tin ấy thì bổn đạo lo lắng bồi hồi, vì sự quan tĩnh đòi về bắt khóa quá thập tự rồi mới tha, nên không biết liệu phương nào; đến chừng quan soát điểm lại đủ mặt rồi thì truyền dạy rằng: “Nay ta lấy lòng thương ân xá tha về mà phải cứ an cư lạc nghiệp, đừng theo tây mà phải chết.”. Vậy bổn đạo đặng tha về, thì ai nấy đều vui mừng quá bội, và hết lòng cám ơn Chúa.

Trong lúc các chức và bổn đạo Chợ Quán bị giam cầm tại tĩnh, thì có ông thầy Đều, là chồng bà Thể, làm thầy thuốc, đã bị trượng bịnh mà chết trong khám đường.

Bổn đạo đặng tha trở về nhà rồi, thì có nhiều người sợ phải bị bắt lại nữa, nên đã bỏ nhà cữa sự nghiệp mà đem vợ con đi trốn, kẻ thì qua Xóm Chiếu, người thì đi Khánh Hội hay là Thủ Thiêm, vì miệt đó binh tây đã soán rồi, quan annam không đến bắt được.

Đức cha Ngãi (Đôminicô) thấy vậy thì hết lòng thương xót lo lắng cứu giúp con chiên, nên lúc ấy Ngài nói với quan Thủy sư Langsa, cho lính đem tam bản vào Chợ Quán mà rước bổn đạo nhiều lần, song ít ai dám theo tam bản, vì buổi ấy người annam thấy lính tây thì sợ lắm.

Đến sau chừng yên rồi, thì những người đi trú mấy nơi mới trở về, mà có kẻ ở lập gia cư tại nơi đã trú, không trở về Chợ Quán nữa.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Họ Chợ Quán

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ CHỢ QUÁN

-----------------

I - Gốc lập họ

Nguyên gốc họ Chợ Quán thuở ban sơ là các cha dòng ông thánh Phanxicô người Hiphanho khỉ sự lập đã lâu đời lắm, song bỡi trong họ chẳng có vi bằng gì đời xưa lưu lại, cho đặng biết đã lập họ hồi nào, nên không rõ chắc được. Nhưng vậy xét vì họ Chợ Quán là một họ cố cựu trong lục tĩnh Nam Kỳ. Hồi ban sơ khi các cha dòng ông thánh Đôminicô người Buttughê mới khỉ sự giảng đạo Thiên Chúa trong xứ nầy là năm 1550, cho tới năm 1585 thì các cha dòng ông thánh Phanxicô người Hiphanho qua tiếp theo; rồi đến năm 1614 có các cha dòng Đ C G qua thêm nữa; cho nên như họ Chợ Quán chưa có trong lúc ban sơ, thì tưởng cũng đã có được lối năm sáu mươi năm sau khi các cha ấy mới đến giảng đạo xứ nầy, nghĩa là lối năm 1600, hay là 1610, chừng 250 năm trước khi nhà nước Langsa qua chiếm cứ đất Nam Kỳ.

Tuy là việc kể phỏng ước, vì không có văn bằng chắc, song xem trong Sử Ký Hội Thánh Nam Kỳ (La Cochinchine religieuse du P. Louvet), thì thấy có ghi lại những tích sau nầy:

1.     Trong năm 1639, Địa Phận Nam Kỳ, Trung Kỳ và Cao Mên khi đó còn thuộc về một Đức Cha cai trị, nhơn số bổn đạo kể được 82.000, thì năm ấy nội lục tĩnh Nam Kỳ có ít nào cũng là ngoài 20.000 bổn đạo.

2.     Từ năm 1644 cho tới năm 1700, đã có được một trăm mấy mươi con nhà Nam Việt chịu tử vì đạo.

3.     Trong năm 1670 và 1671 đã có được ba người xứ Nam Kỳ chịu chức thầy cả.

4.     Tích bà Inê tử đạo, thì mỗi người trong giáo hữu đều hiểu rõ, bà nầy quê quán ở xứ Đồng Nai, đã chịu bắt bớ và chịu tử đạo trong năm 1700, một lượt với nhiều người khác trong anh em thân tộc, bà Inê có một người anh tên là Laurent, làm thầy cả, đã bị bắt trong năm trước.

Mấy tích kể trước đây làm chứng rõ ràng hồi năm 1630-1640 bổn đạo xứ Nam Kỳ đã đông nhơn số, cho nên có lẽ chắc họ Chợ Quán đã có được vài ba mươi năm trước năm ấy.

Lại còn tích mới sau nầy làm chứng chắc chắn hơn nữa: Là trong năm 1896, khi Đức Cha Mão (Mgr. Mossard), còn làm cha sở họ Chợ Quán, lúc người mướn công dân đào móng xây nền cất nhà cha sở, gần bên nhà thờ họ, thì có hai người đào được một cái chình vôi đựng bạc đồng, được chừng hơn 200 đồng bạc, rồi hai người ấy giấu đem đi đổi ra mà xài, chừng cha sở hay thì còn lại được vài chục đồng mà thôi; bạc ấy là bạc Hiphanho, hiệu đời thứ 16, có khi là của bổn đạo đời ấy đã chôn, rồi bị chạy giặc mà bỏ lại đó; nên cũng là dấu tích làm chứng họ Chợ Quán đã có trong đời ấy rồi. Lại trong năm 1782, có một cha dòng ông thánh Phanxicô người Hiphanho, tên là cha Odemilla, với một thầy giảng không rõ tên gì, đã bị quân Tây Sơn bắt tại Cái Nhum, đem về cầm tù tại Saigon được chừng một tháng, rồi chúng nó dẫn hai thầy trò vô tại Chợ Quán mà xử trảm; là dấu chỉ quân Tây Sơn biết rõ tại Chợ Quán có bổn đạo đông, nên chúng nó có ý xử cha và thầy tại đây hầu cho bổn đạo thấy hình khổ ghê gớm như vậy hoặc là có sợ mà bỏ đạo đi chăng; nên cũng là dấu chắc họ Chợ Quán đã có lâu năm trước đó rồi.

II. - Họ Chợ Quán cất Nhà thờ trong đời Đức thầy Vêrô

Các việc bổn đạo đời trước làm sao, thuở mới khỉ sự lập họ cách nào, có cất nhà thờ nơi nào không, thì chẳng ai rõ, vì đã biệt tích: mới hiểu được một hai chuyện là từ lúc giữa đời Đức thầy Vêrô về sau mà thôi. Nguyên tích là khi nhà Nguyễn nhờ công khó Đức thầy Vêrô lo lắng giúp đỡ mà phục nghiệp lại yên rồi (1780-1790), thì từ đó đến sau Nguyễn Ánh đã kết ngãi thân quyến với Đức thầy lắm, cho nên việc đạo Thiên Chúa trong địa phận Nam kỳ đã mở mang rộng rãi hưởng được thái bình chừng hơn 30 năm. Trong lúc ấy thì họ Chợ Quán đã có cất một nhà thờ tại chỗ nền nhà thờ họ bây giờ là trong năm 1793-1794. Nghe những người tuổi tác cố cựu trong họ nói nhà thờ nầy cây cột to lớn lắm, nguyên gốc là của Nguyễn Ánh cho bổn đạo Chợ Quán; nên khi dọn nền mà dựng nhà thờ nầy, thì người có cho voi vô giậm nền giùm.

Đến sau khi Đức thầy đi viếng bổn đạo địa phận Bình Định, thì thọ bịnh và tạ thế tại đó trong ngày mồng 9 Octobre 1799, qua 16 Octobre điệu linh cữu người về Gia Định để quàn trọn 2 tháng tại dinh Giám mục, khi đó ở gần vườn thú, chỗ trại lính mả tà bây giờ; đến ngày 16 Décembre mới đưa Đức thầy lên đường mà an táng tại Chí Hòa, chỗ kêu là Lăng Cha cả.

Khi Đức thầy qua đời rồi, đến sau Nguyễn Ánh mới tức vị hoàng đế, xưng niên hiệu là Gia Long (1802-1820).

Vậy kể từ năm 1793-1794 thì mới hiểu được họ Chợ Quán có cất một nhà thờ cao lớn rộng rãi lợp ngói, theo kiểu annam, chính chỗ nhà thờ họ bây giờ. Những người tuổi tác cố cựu trong bổn đạo thuật một chuyện lạ trong lúc dựng nhà thờ nầy, là khi bổn đạo xúm nhau mà dựng giàn trò lên, có nhiều người ngoại đến coi đều ngó thấy nhiều con nít đeo đồ trên đầu cột, cho nên hỏi làm sao người lớn không lên mà đỡ, để bắt con nít nhỏ leo cao như vậy rủi té chết!. Sự thật là không có con nít nào hết, có ít người lớn ở trên giàn trò mà thôi. Song bổn đạo tưởng sự ấy là phép lạ Chúa cho thiên thần lấy hình con trẻ mà đỡ giúp cái giàn trận nặng nề ấy, lại cũng cho kẻ ngoại thấy sự lạ như vậy đặng mở lòng chúng nó trở lại đạo thánh Chúa, vì đời ấy Chợ Quán hãy còn người ngoại ở giữa bổn đạo đông lắm.

Lại cũng nghe nói trong nhà thờ nầy hồi đó có một tượng ảnh ông thánh Antôn Phađua hay làm phước giúp đỡ những người bần khổ, tượng nầy bằng gỗ, cao được chừng 1 thước năm tây. Người ta nói có một hai phen ông thánh nầy lội xuống vũng bắt cá cho một bà đui kia, nghèo khổ mà nhơn đức lắm, tên là bà Mú, ở phía trước nhà thờ. Một bữa lúc tảng sáng, bà nầy thức dậy đi mở cữa thì đạp nhằm cá nằm nơi nghạch cữa, không biết ở đâu mà lội vô đó; sáng ngày người ta mở cữa nhà thờ ra thì thấy có dấu bùn lải rải từ ngoài cữa vô tới bàn thờ ông thánh Antôn, trên bàn thờ và dưới chơn tượng ảnh cũng đầy bùn lắm, người ta phải xách nước rửa cho sạch; cho nên ai nấy đều tin chắc rằng: lúc ban đêm ông thánh Antôn đã lội xuống vũng bắt cá mà cho bà Mú. Chuyện khó tin, song nhiều người bổn đạo quả quyết đã có nghe ông bà cha mẹ nói lại rõ ràng như vậy.

Không rõ cha nào coi họ Chợ Quán hồi làm nhà thờ nầy; đến năm 1814-1815. thì cha Phước coi họ, mà không hiểu cha ở luôn đó cho tới sau hay là có đổi đi đâu, rồi sau trở lại coi họ một bận nữa cho tới chừng Cố Du (P. Marchand) bị ngụy khôi bắt đem về Chợ Quán là năm 1834 thì cha Phước còn ở đó, và sau cha cũng đã bị bắt vô cầm trong thành như Cố Du vậy.

Khi cha Phước bị bắt rồi chẳng khỏi bao lâu thì vua Minh Mạng truyền lệnh sai quan tới đốt phá rụi hết nhà thờ nầy trong ngày 23 Septembre 1834.

III. – Đời Vua Minh Mạng, Thiệu Trị Và Tự Đức

Khi vua Gia Long thăng hà rồi (1820-1841); lúc ấy ông Thượng Công Lê Văn Duyệt, trấn nhậm trong Nam Kỳ Lục tĩnh. Đến năm 1825 vua Minh Mạng giáng chỉ cấm đạo, và dạy bắt hết các thầy cả tây ở trong nước; mà khi đó bổn đạo xứ Nam Kỳ nhờ có quan Thượng Duyệt binh vực bảo hộ, nên còn yên được một lúc. Quan Thượng Duyệt là một vị cận thần quyến thức với vua Gia Long lắm; người đã thấu hiểu công khó Đức thầy Vêrô lo lắng giúp đỡ vua Gia Long buổi trước cho đặng phục quốc, và người cũng rõ hết các lời vua đã trối lại khi gần thăng hà, mà căn dặn “phải yêu mến cùng biết ơn nước Langsa, vì có nhờ các quan Langsa giúp sức thì vua mới phục nghiệp lại được”; bỡi đó cho nên khi ông Thượng Duyệt thấy vua Minh Mạng hạ chi dạy bắt các thầy cả Langsa ở trong nước, thì người không chịu được, bèn trẩy sang kinh đô (Huế) ra mắt chầu vua mà can gián và phiền trách vua sao có vội quên công đức người Langsa đã lo giúp vua cha thuở trước, và vội quên những lời vua cha đã di chúc lại. Vua Minh Mạng nghe ông Thượng Duyệt phân trần thì lấy làm hổ ngươi lắm, song chẳng dám làm chi tới người, vì biết rõ là một vị trung thần quyến ơn nghĩa với vua cha thuở trước, nếu phải cam tâm chịu lời phiền trách ấy, và để bổn đạo ở yên đặng một lúc, cho đến khi quan Thượng Duyệt qua đời, là năm Quí Tị (1833), thì vua Minh Mạng đã hạ chỉ bắt đạo nhặt nhiệm hơn nữa.

Ngụy Khôi. - Lúc ấy Lê văn Khôi nổi dấy ngụy mà chiếm đất Gia Định, và quyết lòng làm mưu kế cho đặng dụ dỗ các cha và bổn đạo theo phe mình, song dù không được, nhưng vậy vua Minh Mạng cũng hồ nghi bổn đạo Nam Kỳ một bụng với Ngụy Khôi, cho nên người truyền lịnh sai binh gia vô Gia Định mà dẹp ngụy, cùng dạy đốt phá nhà thờ nhà thánh và chém giết sát hại bổn đạo nhiều nơi phải tan hoang hết; nên nhà thờ họ Chợ Quán đã bị đốt phá trong cơn ấy.

Khi đó có nhiều nhà bổn đạo họ Tha La trốn chạy xuống trú tại Chợ Quán mà lo xưng tội rước lễ, vì các cha không thể nào ẩn mình tại Tha La được nữa, mà giúp bổn đạo họ ấy.

IV. – Các cha có ở Chợ Quán trong buổi cấm kín.

Từ năm 1833 cho đến khi binh Langsa vô lấy Saigon (1859) nhằm đời vua Minh Mạng (1820-1841) Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1883) thì đã nhiều phen bắt đạo nghiêm nhặt lắm. Khi vua Tự Đức mới tức vị, thì đã hạ chỉ ân xá tha bắt đạo đặng chừng hơn một năm, rồi sau cũng trở lại bắt đạo nhiều lúc nghiêm nhặt hơn buổi trước nữa; cho nên các cha đời ấy phải ẩn ánh luôn, ít khi ở nơi nào cho yên, hoặc mới tới trong họ nầy mà giúp bổn đạo được chừng đôi ba tháng, nghe thế sự không yên, sợ lậu tiếng phải dời qua họ khác, ở ít lâu lại phải dời đi nữa, nên lúc ấy thì biết được tên các cha đã có ở trong họ mà thôi, không chắc cha nào là chánh bổn sở, hay là cha nào đi trốn cơn bắt bớ mà đến trú tại họ, lại cũng không rõ cha nào đã ở được bao lâu, vì chẳng có ai biên chép việc ấy mà làm văn bằng chắc được. Tại Chợ Quán có một hai cha ở được chừng ba bốn năm, còn mấy cha khác thì ở chừng năm bảy tháng mà thôi. Lại bỡi đời ấy số các cha còn thiếu lắm, nên mỗi cha phải lãnh coi một mình năm bảy họ, chín mười họ, khi tới họ nầy, khi sang họ khác, không ở luôn một chỗ lâu ngày được.

Trong năm 1834, khi cố Du (P. Marchand) bị ngụy Khôi bắt đem về để ở tại Chợ Quán, thì lúc ấy cha Phước đang làm cha sở trong họ; năm đó nhơn số bổn đạo họ Chợ Quán kể được chừng hơn 500.

Khi cha Phước bị bắt rồi, và nhà thờ Chợ Quán bị đốt phá tan hoang hết rồi, thì lúc sau có cha Giacôbê (là người annam) cha già Lợi, cha Bề trên Thán hay là Thường, cha Giáo, cha Tùng, cha Tuyết, cha Quờn, cha Vọng, cha Khánh, cha Hạp, cha Tại, cha Chữ, cha Triêm, cha Lộc (tử đạo) và cha già Đoan đã đến ở coi họ hay là đến trú tại Chợ Quán một hai lúc. - Đức cha Ngãi Đôminicô (Mgr. Lefèbvre) cũng đã có đến trú trong họ đôi khi.

Tích cố Du bị bắt và chịu tử đạo, thì sẽ nói nơi phần phụ thêm ở sau.

Còn cha Phước với một học trò là danh Suy cũng đã bị ngụy Khôi bắt sau cố Du, và bị cầm trong thành với năm sáu mươi bổn đạo họ Chợ Quán và họ Thị Nghè, còn kẻ ngoại đông lắm; chừng binh vua vô hãm thành rồi thì chúng nó bắt cha Phước với bổn đạo và kẻ ngoại lộn xộn trong đó; đến sau cha Phước và những kẻ bị bắt trong thành đã phải án xử lăng trì gần mô súng, và chôn chồng đống trong một cái hầm lớn, tục kêu là mã ngụy. Còn cố Du với năm sáu người đầu đảng ngụy thì giải về kinh, đến sau đã xử tại Huế.

Cha Lợi già ở Chợ Quán trong năm 1839-1840, và sau đã qua đời tại nhà bà Huệ (mẹ) ở Chợ Quán, cùng chôn tại nền nhà thờ cũ, nghe nói xác cha hãy còn nằm lối căn giữa nhà thờ mới bây giờ.

Cha Bề trên Thán hay là Thường, có ở coi họ Chợ Quán lối năm 1846-1847, và khi ông Lái Gẫm (Matthêu) chịu tử đạo tại dãy bánh tráng, miệt Chợ Đủi, thì cha Thán có trộm ẩn giữa thiên hạ đặng đi đến chỗ pháp trường mà làm phép giải tội lòng lành cho ông Lái. Trong năm 1847-1848 cha Bề trên Thán có xức trán cho đồng nhi tại Chợ Quán hai lần; một lần tại nhà ông thầy Nhiên, khi đó ở gần chỗ nhà khách ngoài cữa nhà phước Chợ Quán bây giờ, và một lần tại nhà ông trùm Lưu, ở chỗ nhà ông phủ Năm ở bây giờ, mỗi lần chừng 12 cùng là 15 người mà thôi. Nghe nói đến sau cha Bề trên Thán bị đày lên miệt Tây Ninh, Biên Hòa, rồi sau cha Đoan đi rước đem về ở tại nhà bà Huệ được vài tháng, cách sau đó thì cha đã trở về Huế.

Cha Đoan có ở tại Chợ Quán một bận trước, lối năm 1848-1849, được chừng 3 năm rồi đổi đi miệt vườn; kế cha Hạp về thế được chừng 2 năm rồi đổi đi nơi khác.

Cha Giáo coi họ lối năm 1854-1855 đến sau đã qua đời tại Khánh Hội, và đem về Chợ Quán chôn tại nền nhà thờ cũ, là chỗ cất nhà thờ họ bây giờ; đến khi đào móng xây nền nhà thờ mới, đào trúng nhằm chỗ chôn cha Giáo, nên đã dời xác cha nơi khác, mà không rõ chôn lại chỗ nào.

Cha Lộc (Phaolồ) thuở nhỏ ở học trò với cha Phước, lúc người làm cha sở Chợ Quán; khi lớn lên đi học Nhà trường Pinăng, rồi sau trở về chịu chức thầy cả trong năm 1857, cùng ở dạy học trò trường nhỏ Latinh tại Thị Nghè. Khi ở đó không yên thì Đức Cha dạy bãi trường cho học trò về nhà cha mẹ, rồi cha Lộc chạy vô ẩn tại Chợ Quán ít tháng, nhằm lúc cha Chữ với cha Triêm đang ở trong họ, là năm 1858. Đến sau cha Lộc trở về Thị Nghè thì đã bị bắt tại đó trong tháng Décembre 1858. - Khi cha Lộc ở trong tù thì có nhắn cha Triêm đến làm phước cho người; qua ngày 13 Février 1859, khi quan annam nghe tàu chiến Langsa đã vô tới Cần Giờ rồi, thì quan quân lật đật dẫn người đem ra chém tại trường thi, gần chỗ góc đường Paul Blanchy và đường Chasseloup Laubat bây giờ. Chừng bổn đạo Chợ Quán nghe tin ấy, thì có đôi ba người đi với bà Nở và ông tổng Đàng (khi đó làm biện họ) ra tại Trường thi mà xin lãnh xác cha Lộc, đem về chôn tại đồng Mật Cật, đến sau Đức Cha dạy lấy cốt đem về để tại Nhà Trắng Saigon. - Tòa Thánh đã xét vụ cha Phaolồ Lộc chịu tử đạo và đã tặng phong người lên bực Chơn phước trong ngày 2 Mai 1909.

Cha Triêm là cha giữ việc cho Nhà Chung, có ở Chợ Quán từ lối năm 1856 cho tới năm 1859.

Cha Chữ có ở Chợ Quán một ít lâu, và đã bị bắt hụt một lần tại nhà ông trùm Xuân. (Coi tích ấy nơi phần Phụ thêm ở sau.)

Lúc cuối năm 1858 cha Hạp đang coi họ Bà Rịa mà ở đó quan quân tầm soát bắt bớ nhặt nhiệm lắm, không thể ẩn được, nên cha Hạp chạy lên Chợ Quán trú tại nhà ông trùm Huy một ít lâu; đến tháng giêng năm 1859 ở Chợ Quán không yên nữa, nên người phải lánh thân đi ở nơi khác.

Trong năm 1858-1859, cha Đoan trở về làm cha sở họ Chợ Quán một bận nữa, và ở đó luôn cho tới năm 1863.

Đức Cha Ngãi Đôminicô (Mgr. Lefèbvre) cũng có đến trú tại Chợ Quán hai lần trong năm 1856-1857 và 1858, và lúc ngài đang trú tại Thị Nghè 1855-1856 ngài có đến xức trán một lần tại nhà ông câu Oai, ở phía sau nhà thờ họ bây giờ; đến năm 1862 ngài có đến xức trán một lần nữa đông lắm, tại nhà ông trùm Lưu.

Cách ăn mặc các Cha đời xưa

Bỡi đời xưa vua quan annam hằng bắt đạo luôn, nên các cha đời ấy phải ăn mặc như người thường, để tóc cùng bới và bịt khăn đen, khăn điều hay là khăn dà, các cha tây cũng vậy, mặc áo thùng rộng tay, vạt xuống tới ngang đầu gối, hoặc màu đen hay là màu dà, cùng là mặc áo cặp trong trắng ngoài đen, đội nón ngựa, cầm dù giấy, vắt đây bộ (là hai cái đây có hai sợi dải dài nối nhau để vắt ngang vai, thòng xuống một cái trước ngực một cái sau lưng, trong đây đựng trầu cau thuốc giấy), theo cách mấy thầy thuốc hay là là hương chức làng đời ấy, cho dễ giả dạng mà đi nơi kia nơi nọ thăm viếng giúp đỡ bổn đạo, cho người ta đừng biết mình là thầy cả. Có cha thì giả là người đi buôn bán dạo, khi nào muốn đi đâu thì xếp đồ lễ, ảnh tượng sách vở gói trong mo cau, rồi sắp đồ đó dưới gánh, còn trên thì chất thuốc bánh hay là trầu cau cùng là đồ gì khác, rồi mặc áo vắn ra đi với một ông biện, hay là với một đứa học trò cũng mặc đồ vắn, thầy gánh một gánh, trò gánh một gánh, thiên hạ thấy tưởng là đi buôn bán dạo mà thôi, chẳng ai dè đó là thầy cả. Lại cũng có một đôi khi quới chức họ hay là bổn đạo, phải đưa Đức cha hay là các cha ở họ nầy sang qua họ khác cách xa nhau mà phải đi đường sông, thì bổn đạo bày đồ trận dọn ra giả là ghe đám cưới hay là ghe đám xác mà đi, cho khỏi bị mấy phần thủ ở dựa sông bắt ghé lại mà xét, vì đời cựu trào không có tra xét những ghe đám cưới hay là đám xác đi dọc đàng. Hoặc có khi dọn hàng hóa giả là ghe đi buôn bán, rồi khi đi tới mấy khúc có đồn thủ, thì giấu các cha ở dưới khoang ghe, hay là sau bòng lái, hoặc nhằm lúc bắt bớ nhặt lắm, thì có một đôi khi phải để các cha nằm trong buồm mà cuốn lại, cho đặng trẩy qua mấy nơi hiểm nghèo nữa.

IV. – Mấy nhà tại Chợ Quán có cha đến làm lễ

Từ năm 1835 cho tới 1859 họ Chợ Quán không có nhà thờ, không có nhà cha sở, cho nên các cha phải ở ngụ trong nhà bổn đạo, khi tới nhà nầy khi đi nhà khác, ở nhà nào thì nhà nấy lo việc cơm nước cho cha dùng. Còn quí chức họ thì thay phiên với nhau một khi một ông theo giúp đỡ cha khi có việc cần, hay là khi có kẻ liệt thì biết cha ở đâu mà rước đi làm phước.

Khi các cha đi tới nhà bổn đạo mà trú ngụ như vậy, rủi có gặp người ngoại lối xóm tới chơi thấy kẻ lạ mặt mà hỏi thăm chủ nhà cho biết là ai đó, thì thường khi chủ nhà nói là bà con xa đi thăm. Còn thường khi rủi có người ngoại thấy biết cha ở trong nhà nào, thì chừng người ấy ra về rồi, cha lo dọn đi ẩn nhà khác, không dám ở lại nhà đó nữa, vì sợ lậu tiếng phải khốn khổ cho nhà ấy.

Các cha tới ngụ nhà nào thì làm lễ trong nhà ấy. Làm lễ thì làm hồi một hai giờ khuya, không dám để tới sáng, mà hễ bổn đạo nghe nói có cha làm lễ tại đâu, thì lén rủ nhau đi tới đó hồi canh tư, xúm xít ở ngoài hè, chờ cho trong nhà thức dậy thắp đèn bàn thờ cho cha làm lễ thì mới vô mà xem lễ.

Mỗi lần đi xem lễ như vậy thì được chừng vài mươi người lớn, thường không cho trẻ nhỏ đi theo, vì con nít biết có cha làm lễ nơi nào, rồi nó không kín miệng, nói vậy ra người ngoại hay khó lòng lắm.(Con nít hay là trẻ nhỏ đời ấy, là từ 17 cùng là 18 tuổi sấp xuống.)

Đời cựu trào không có đàng sá rộng lớn như bây giờ, nên xóm Chợ Quán nhiều nơi còn cây cối rậm rạp sầm uất lắm; khi các cha đến trú tại họ thì thường hay làm lễ trong mấy nhà, là mấy chỗ khuất tịch vắng vẻ hơn các nơi khác, như nhà ông trùm Xuân, cũng kêu là ông trùm Mô, chánh tên tộc là Đinh công Sửu, là cha ông tổng Đàng, hồi đó ở chỗ đất bà tư Thủ ở bây giờ; nhà ông trùm Huy, là ông ngoại bà Đốc phủ Quảng; nhà ông câu Oai, ở phía sau nhà thờ họ Chợ Quán bây giờ; nhà ông thầy Nhiên, là cha ông thầy Giáo, khi đó ở gần chỗ nhà khách Nhà phước bây giờ; nhà ông hai Diện là ông già tám Thu, ở chỗ ông Hộ Đề ở bây giờ; nhà ông biện Thiệt, ông năm Đông, bà Huệ (mẹ) là mẹ bà hai Huệ, bà câu Loan, ở phía sau Nhà phước Chợ Quán, và nhà ông biện Ngỡi, ở chỗ cô tư Liên ở bây giờ. Nhà ông trùm Xuân và nhà ông trùm Huy thì các cha hay ở thường, còn mấy nhà kia thì có cha đến làm lễ một hai khi mà thôi chớ không có ở lâu. Còn nhà ông trùm Lưu, ở chỗ nhà ông phủ Năm ở bây giờ, thì có Đức Cha Ngãi (Mgr. Lefèbvre) và các cha đến trú ngụ nhiều phen và có làm lễ tại đó thường, song ít có bổn đạo đến xem lễ, vì khi xưa nhà ấy ở chỗ sầm uất vắng vẻ lắm, ít có ai lai vãng, nên không mấy người biết được trong nhà nầy; cũng còn nhiều chuyện khác đáng nhắc lại, khoản sau sẽ nói.

Ngày Chúa nhựt lễ cả, khi có cha làm lễ, khi không có, vì nhằm lúc cha mắc đi họ khác. Khi không có lễ thì bổn đạo đọc kinh riêng trong nhà mình, không đọc chung vì không có nhà thờ, lại là lúc cấm kín nên bổn đạo đọc thầm với nhau trong nhà mà thôi, không dám đọc lớn tiếng. Còn bàn thờ ở trong nhà thì thường chưng sơ sài 1 ảnh Chuộc tội hay là 1 ảnh nhỏ, hoặc treo một ảnh giấy mà thôi, không có chưng bông đèn nhiều như đời bây giờ, phòng khi hễ nghe động thì gói tượng ảnh cùng là sách vở vô trong mo cau, rồi đem đút treo gian bếp, không ai đi lục xét tới đó làm chi.

Tuy là thường khi bổn đạo không dám tựu nhau mà xem lễ đọc kinh chung cho cháng chường mặc lòng, song nhằm một hai ngày lễ cả, như là Phục Sinh hay là lễ Sinh Nhựt Đ C G, thì quí chức trong họ lo lót tiền bạc cho chức việc làng, rồi sửa soạn nhà ông trùm hay là nhà ông câu, tới chừng cha làm lễ thì bổn đạo tựu đến xem lễ đông hơn thường, bàn thờ có thắp đèn khá, và khi cha làm lễ thì chức việc làng cũng tới canh chừng, sợ rủi quan tĩnh đến thình lình mà gặp việc như vậy thì làng phải mang tai lớn. Ba ngày lễ đèn thì quí chức họ cũng phải lo lót với chức việc làng như vậy, rồi chừng lối 8 giờ tối bổn đạo tựu lại một nơi mà lần hột chung và gẫm đủ 15 sự Thương khó Đ C G như thể bây giờ.

Việc dạy Đồng nhi học xưng tội rước lễ.

Đời ấy không có cha ở thường trong họ mà dạy dỗ đồng nhi nhỏ như bây giờ, cho nên cha mẹ phải lo dạy con cái học kinh học sách phần; con trẻ đời ấy hễ mỗi khi ngồi lại một chỗ mà làm việc gì giúp đỡ cha mẹ ở trong nhà, hay là khi đưa dỗ em ngủ, thì cha mẹ bắt nó đọc kinh đọc sách phần, chớ không có để cho nó hát hoa tình lếu láo như bây giờ.

Lâu lâu có thầy dạy đồng nhi dọn mình rước lễ vỡ lòng, một lần chừng vài chục đứa, dạy trong nhà bổn đạo. Có một lúc thầy sáu (phó tế) Sanh tới ở dưỡng bịnh trong họ, có dạy đồng nhi dọn mình rước lễ một lần, mấy lúc khác thì có cha Thanh, cha Nhu, cha Đậu, khi đó còn làm thầy; còn thường khi ở trong họ thì mấy ông sau nầy dạy; ông thầy Bữu, thầy Chiêu, ông Khả, thầy Số và thầy Nhiệm.

Làng tổng với bổn đạo.

Làng tổng tại Chợ Quán buổi trước là người ngoại đạo hết thảy, thường thì chẳng có sự gì nghịch với bổn đạo, song không có một lòng một ý với nhau, nên bổn đạo phải lo sợ hằng ngày, và rủi khi có xảy ra việc gì, thì bổn đạo phải lo lót tiền bạc cho làng tổng ăn thì mới yên, mà có khi cũng không yên được.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919