ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

Họ Chợ Lớn (Thanh Nhơn)

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------

ĐỊA SỞ HỌ CHỢ LỚN

-------------------

HỌ THANH NHƠN CHỢ LỚN

-------------------

I

Gốc Lập họ. - Họ nầy có là từ khi nhà nước Langsa đã lập an tại Nam Kỳ rồi. Lối năm 1865 đời Đức cha Gioang (Mgr. Miche) cai trị Địa phận Saigon, có cha Philippe Hội Dòng sai, thuộc về địa phận Quảng Đông bên Tàu, đi đến mà lập một nhà thờ cho người bổn đạo Thanh Nhơn trước hết tại Chợ Lớn; khi ấy số được chừng 12 người ở tại đó buôn bán, và tại nhà thương Chợ Quán các bà Dòng thánh Phaolồ coi, cũng đã có một ít người bịnh Thanh Nhơn ngoại trở lại vô đạo. Vậy cha Philippe đã hội hiệp những bổn đạo nầy mà lập nên họ Thanh Nhơn Chợ Lớn.

Nhà thờ thứ nhứt. - Một cái nhà cũ annam, gần lối nhà giấy xe lửa nhỏ tại đường Marins, cha Philippe dùng làm nhà thờ và nhà cha ở.

Qua năm 1866 quan Thủy sư de Lagrandière, khi ấy làm Nguyên soái Nam Kỳ, ngày kia tới viếng thành Chợ Lớn cùng ghé xem nhà thờ, ngài thấy nhà Chúa đơn sơ nghèo nàn quá thì mủi lòng; nên chừng về dinh rồi ngài ra lịnh dạy sở Tạo Tác cất một nhà thờ cho lớn và xứng đáng hơn, nơi đất nhà nước, chỗ đàng Cây Mai, cách xa đó một chút, lấy bạc nhà nước mà làm. Nhà thờ nầy còn bây giờ và là nhà thờ họ Annam Chợ Lớn. Quan Thủy sư cũng có dạy làm một lầu chuông nhỏ bằng cây, và ngài lấy bạc riêng của mình mà qua dưng cho nhà thờ một cái chuông, bây giờ cũng còn đó, trên chuông nầy cũng có chạm tên quan Thủy sư vào. Cái lầu chuông ấy bằng cây cho nên lâu năm mối ăn hư không còn, bây giờ thì chuông treo tại hàng ba nhà thờ mà thôi.

Vậy gốc nhà thờ họ Thanh Nhơn, lại cũng là gốc một nhà thờ đầu hết tại thành Chợ Lớn, kêu là thành của người thanh khách, thành buôn bán, vì các hàng phố buôn bán thảy đều gần là của người Thanh Nhơn hết; dân ở tại đây số tới 150.000 người, ngoại đạo thờ phượng bụt thần, tính nội thành Chợ Lớn được 40 cái chùa, chùa nào cũng tốt, có hai nhà cho thầy chùa ở tu, còn phù thủy, bói khoa, bóng chàng thì vô số, Bỡi vậy cho nên dân sự ít trở lại đạo thì không lạ gì.

Trong năm 1869, cha Philippe mệt yếu, cho nên Đức cha dạy người về Tây nghỉ lấy sức lại, có ý cho người đặng bổ sức hầu trở qua mà lo việc họ Chợ Lớn nữa, chẳng hay ý Chúa đã định thế khác, là rước người về cùng chúa ngày 15 Février 1871, mười tám tháng sau khi về Tây rồi.

Cha Philippe đi, thì cha Định (P. Delpech) ở bên Tây mới qua, thế coi họ Chợ Lớn, cha còn trai tráng sức khỏe, sốt sắng việc tông đồ, ân cần lo lắng sao cho bổn đạo thêm số, cho nên cha đã lập nhiều việc trong họ, vì trước cha Philippe chưa có thể làm đặng. Vậy lối năm 1871 cha xin bà Mẹ nhà phước Trắng là bà Benjamin, cho một ít bà giúp mấy việc cha lập tại Chợ Lớn, là trường học và nhà mồ côi để lo việc Hài đồng. Ban đầu cha cất vài cái nhà lá sau nhà thờ, một nhà để cho các bà ở, một nhà làm trường học, một nhà nữa để nuôi con nít của kẻ ngoại cho, việc nầy thật là rất thạnh hơn hết, vì mỗi năm cha đặng gởi về trời nhiều ngàn con trẻ chịu phép rửa tội rồi chết. Cách sau đó, cha cất thêm một nhà thương cho người lớn, đau vô đó nhờ thuốc phần xác cùng đặng nhờ ơn phần hồn. Mà thật cha đã đặng tự an ủi toại lòng, vì thấy nhiều người bịnh trở lại đạo, và thảy đều xin chịu phép rửa tội trước khi chết,

Nhà thương nầy vài năm sau thì đã nên nhà thương thành phố, cũng dời cất lại chỗ khác rộng lớn, bây giờ còn đó và thêm lớn nữa, kêu là nhà thương thành phố Chợ Lớn.

Quả năm 1873, cha Định phải đổi đi coi họ lớn hơn, nên cha phải bằng lòng mà bỏ họ Thanh Nhơn Chợ Lớn, là họ cha tríu mến cùng hết lòng lo lắng gần 5 năm, là từ năm 1869 tới năm 1873.

Vậy cha Vĩnh (P. Le Vincent) kế vị cai họ Chợ Lớn đặng 2 năm (1873-1875). Đoạn gần trọn 2 năm tiếp đó thì Chợ Lớn phải chịu mồ côi, không có cha sở; trong khi ấy thì cha Ngãi (P. Derval) và cha Hiệu (P. Humbert) ở họ Chợ Quán ra vô làm lễ làm phước mà thôi. Qua năm 1876 có cha Jacquemin thuộc về địa phận Quảng Đông bên Tàu, đã xin cùng Đức Cha Mỹ (Mgr. Colombert) để cho mình coi họ Thanh Nhơn Chợ Lớn, cùng lo đem người ngoại vô đạo. Nhưng mà trong 3 năm, cha ra công lo lắng hết lực, song không làm cho ngoại trở lại đặng, cho nên cha hết muốn ở Chợ Lớn, cùng đã trở về Địa phận bên Tàu. Khi ấy số bổn đạo Thanh Nhơn đặng chừng 100 người.

Khi cha Jacquemin đi rồi là trong năm 1879, thì cha Brillet coi họ Chợ Lớn. Tới đây thì số bổn đạo Annam đã khá đông, gần 400, mà không có nhà thờ nhà hội, tựu xem lễ nhà thờ Thanh Nhơn mà thôi. Vậy lối năm 1881 cha Brillet cất một nhà kinh nhỏ gần nhà thờ, ngày Chúa Nhựt, Lễ cả, bổn đạo Annam tựu đó đọc kinh rồi qua nhà thờ xem lễ. Cho nên họ Annam Chợ Lớn lập ra là từ đây. Cha Brillet lo mua đất cất phố kiếm huê lợi cho nhà thờ, lại cha mua cho nhà thờ một cái đờn và một cái hào quang tốt lành để làm phép Mình Thánh Chúa ngày lễ lớn.

Chừng cha Brillet đổi đi thì cha Phương (P. Hirbec) đổi lại, ở Chợ Lớn 2 năm; kế cha Nghi (P. Martin) coi họ Chợ Lớn từ năm 1885 tới 1890, Sau đó thì cha Mão (Đức Cha chánh bây giờ), số bổn đạo Annam thêm nhiều, nên cha dạy tựu đọc kinh tại nhà thờ, còn nhà kinh thì để cho bổn đạo Thanh Nhơn (như đã có kể lại rồi về họ An nam Chợ Lớn) và từ đây thì nhà thờ họ Thanh Nhơn đã nên như nhà thờ trước hết của họ Annam, bổn đạo Thanh Nhơn cứ chung cùng tại đó cho tới năm 1898 mới cất nhà thờ riêng, như sẽ nói sau

Cha Mão coi họ Chợ Lớn đặng 2 năm, là từ năm 1889 tới 1891, kế cha đổi đi thì cha Thiết (P. Boutier) đổi lại, ở đặng 4 năm là từ năm 1891 tới 1895. Kế cha Đức (P. Moreau) về coi họ Chợ Lớn từ năm 1895 tới 1898,

----------------------

ĐỊA SỞ HỌ CHỢ LỚN

---------------------

HỌ THANH NHƠN CHỢ LỚN

---------------------

II

Cha Đức (P. Moreau ) đổi đi, thì cha Mầu (P. Mariette ) về coi họ Chợ Lớn là năm 1898. Kể từ năm nầy thì họ Thanh Nhơn phân cách ra với họ Annam, nhà thờ hai họ đã chung cùng với nhau bấy lâu rày nên nhà thờ của họ Annam; còn họ Thanh Nhơn thì dời đi nơi khác cùng cất nhà thờ mới và có cha sở riêng, nhà sẽ thấy truyện kể ra sau đây.

Trong năm 1898. Đức cha Để (Mgr. Dépierre) thấy bổn đạo họ Thanh nhơn một ngày một bớt số, còn được chừng 40 người mà thôi, sợ e họ nầy sau phải tàn, nên Đức cha lo cho đặng vững lại. Vậy Đức cha sai cha Tam (P. Assou) biết nhiều tiếng nói người Thanh ở tại Chợ Lớn, coi họ Thanh nhơn cùng lo lập lại. Khi cha Tam tới Chợ Lớn thì ở đỡ tại nhà kinh của bổn đạo Annam, cha chia ra làm hai, một bên thì làm nhà cha sở, một bên thì làm chỗ cho bổn đạo tựu hội lại đọc kinh, tạm đỡ đó đặng mà đợi cha kiếm mua cho được đất chỗ nào phải thế hầu cất nhà thờ. Cách ít lâu đó cha chọn được một khoảng đất rộng rãi, gần 3 mẫu, và ở tại giữa châu thành Chợ Lớn, đủ cho cha lập các việc trong họ. Mà đất đó thật là khó mà mua cho được, vì là của 9 người chung nhau đứng làm chủ, những người ấy là phú hộ Thanh Nhơn tại Chợ Lớn, khi trước đã lập nhà hội tại đó đặng mà tính việc buôn bán, cùng là nơi nghỉ chơi, cho nên là chỗ các phú hộ tại thành nhóm họp lại. Mà sự khó mua đất ấy hơn hết, là vì nơi ấy đã bỏ hoang hơn 20 năm, mấy người đứng làm chủ kẻ thì chết đã lâu, người thì về bên Tàu, cùng là đi xứ khác. Cho nên muốn mua đất đó thì phải kiếm cho đủ 9 người chủ, cùng là con cháu những người ấy thì mới có thể mua đặng.

Vậy cho trông cậy Chúa giúp cùng phú giao việc nầy trong tay ông thánh Phanxicô Xavie là bổn mạng cha, cùng hứa dưng kính cho thánh cả nhà thờ sẽ cất sau nầy tại nơi ấy. Hứa dưng chắc tay rồi, cha bèn đầy lòng trông cậy mà đi kiếm tìm cho ra mấy chủ đất ấy. Đi khắp cùng thành Chợ Lớn đặng mà hỏi thăm, cùng là phải viết nhiều cái thơ mà gởi bên Tàu, ngoài Tonkin, trên Cao Miên, bên Xiêm, và bên Malaisie, truy cho ra mấy chủ đất đó cùng là con cháu những kẻ ấy. Hỏi tìm khó nhọc như vậy hơn 8 tháng mới biết đặng 8 người là con cháu mấy chủ, phần nhiều đã qua đời tại bên Tàu cùng là trong xứ khác, còn một người còn ở Chợ Lớn, còn ít tên khác thì hoặc ra ở ngoài Tonkin cùng là bên Phố Mới. Vậy cha vui mừng mà mời 8 người ấy tới cùng tỏ bày ý cha muốn mua miếng đất đó đặng mà cất nhà thờ. Phần nhiều thì ưng chịu liền, còn một vài người thì không bằng lòng, vì cha trả giá thấp quá, bỡi cha trả có 6000$ mà thôi, còn đất ấy giá đáng nhiều hơn nữa. Cho nên cha phải cắt nghĩa cho mấy kẻ ấy rõ vì đất đó khi trước ông bà phô người ấy để làm nơi tựu hội nghỉ ngơi, còn bây giờ cha mua đặng cất nhà thờ là việc tốt việc phước đức, cho nên không lẽ mà kèo nài đòi cao giá làm chi. Cha nói ngã lẽ thì hết thảy ưng chịu bán giá cha trả là 6000$. Cha bèn bảo những kẻ ấy tới tại quan thị chứng (notaire) đặng mà làm tờ bán; chẳng hay khi quan nầy coi xét việc ấy rồi, nói thị không được, vì đất ấy 9 chủ đứng bộ và chưa có tương phân, nên như có bán thì phải cho có đủ 9 người chủ ký tên vào tờ bán mới xong. Vậy thiệt là sự khó tính! Bây giờ còn một phép là xin Tòa thị bán đấu giá mà thôi. Mà là đều cha không muốn, vì nếu xin đấu giá bán đất đó thì sao cũng có nhiều người sẽ đấu giá cao mà mua, thì chắc cha mua không được. Dầu vậy cha không thối chí, chừng về tới nhà thì thêm kêu cầu cùng ông thánh Phanxicô Xavie hơn nữa, cùng lo kiếm phương thế mà tính việc ấy cho kham. Cả đêm đó cha mảng lo hoài mà ngủ không được, lo sao tìm cho ra người chủ thứ 9 đất ấy, mà người nầy không còn, và tại Chợ Lớn cùng Saigon không có ai biết con cháu cùng là kẻ nào thế quyền cho người ấy. Mà thật, đêm tối tính ra chuyện, như thế thường ví, là xảy ra trong trí cha phải đi hỏi thăm một ông già lớp đó còn sống, về tông tích người chủ đất không còn đó.

Sáng ngày cha bèn đến ông già ấy mà hỏi có biết xứ sở người ấy cùng tại Chợ Lớn hay là Saigon có ai ở một xứ với người ấy chăng. Ông già liền trả lời biết, lại biết ít người Thanh Nhơn đang ở Saigon cũng ở một xứ người ấy, như chủ nhà Apan, là một hàng buôn nội Saigon ai cũng biết. Cha bèn ra Saigon, tới nhà Apan, hỏi thăm người chủ, nhằm lúc ấy người chủ đi khỏi, cho nên người giúp việc ra chào, hỏi cha có việc gì. Cha trả lời rằng: Muốn thăm chủ nhà đặng hỏi coi phải người ở một làng một xứ với người kia và có biết người ấy chăng? (Đây cha nói tên người chủ đất chết, và xứ sở người đó.) Vừa nghe nói tới tên người chết thì người giúp việc tỏ dấu động lòng cùng nói rằng: là người ấy là cha ruột tôi, đã qua đời hơn 20 năm rồi tại bên Tàu! Đang lúc ấy thì chủ nhà về, bước vô nghe hai đàng đang nói chuyện thì nói với cha rằng: Trình cha, phải, người nầy là thật con của ông ấy, tôi quen biết ông ấy lắm, đã chết rồi hơn 20 năm; hồi còn sanh tiền ông là bạn thiết với tôi, cho nên nay tôi mới cho con ông giúp coi sổ sách cho tôi. - À, vậy thì may lắm: tôi đến hỏi thăm các đều, vì tôi đang có mua một miếng đất tại Chợ Lớn, đất ấy thuộc về của 9 người làm chủ, người thứ 9 là ông già người giúp việc ông đây. Bỡi quan thị chứng không chịu nhận vào tờ bán, vì thiếu mặt người chủ thứ 9 ấy, nên nay tôi có phước mà gặp con ổng ở đây! Đoạn cha nói cho người giúp việc ấy rõ các sự, thì người ấy liền ưng bán đất đó cho cha như 8 người kia, vì là của cha đã để lại mà con không dè, khi người cha về Tàu rồi chết, cách 20 năm sau người con qua đây nên không biết sự gì, phần người cha để tên đứng trong bộ là hiệu tiệm buôn bán, chừng thôi thì hiệu tiệm ấy không còn, cho nên con không biết tới.

Vậy nhờ đặng may mắn thể ấy thì cha Tam mới mua miếng đất ấy được; lập tờ bán đến quan nhận thị chứng đủ phép xong, trúng là ngày lễ ông thánh Phanxicô Xavie, (thật là trùng ngày vui mừng).

Mua đất ấy xong cha liền lo dọn dẹp đâu đó cho trống trải sạch sẽ, cùng cất một cái trại dài có vách bao, nửa cái thì làm nhà thờ tạm cho bổn đạo Thanh Nhơn, còn nửa cái thì làm phòng để đồ lễ và nhà cha ở. Lúc ấy là cuối năm 1898, bổn đạo Thanh Nhơn mới có nhà thờ riêng, cất tạm tại đất mới mua, số bổn đạo có chừng 40 mà thôi, mà số chầu nhưng thì nhiều, hơn 400, song có chừng một phần ba đặng chịu phép rửa tội và giữ đạo tử tế, còn phần kia thì không đặng bền vững.

--------------------

HỌ THANH NHƠN CHỢ LỚN

--------------------

III

Vậy kể từ năm 1898 thì họ mới Thanh Nhơn Chợ Lớn khởi sự gầy nên tới bây giờ, với cha sở thứ nhứt là cha Phanxicô Xavie Tam (P. Assou ). Một phen cha về ở đó tại chỗ khoảng đất rộng lớn mới mua xong rồi, cha liền lo liệu thi hành việc đã toan tính, là cất một nhà thờ lớn tốt dưng kính ông thánh Phanxicô Xavie, giữa thành ngoại đạo Chợ Lớn nầy, đầy những chùa miễu cái nào cũng xinh; cho nên phải có một nhà thờ cho trọng tốt xinh lịch hơn mà tỏ ra sự cao trọng vang hiển đạo thánh Đức Chúa Trời.

Vậy ngày 3 Décembre năm 1900 trong ngày lễ ông thánh Phanxicô Xavie, Đức Cha Mão đã làm phép trọng thể đặt viên đá thứ nhứt xây dựng nhà thờ Thanh Nhơn Chợ Lớn, có nhiều cha Tây, Nam tới chầu cuộc lễ nầy. Đó rồi thì công việc lo làm, mà bạc tiền thì không có cho đủ, song cha Tam hằng vững lòng trông cậy mà lo riết tới; bên nầy thì thợ hồ thợ mộc lo xây dựng, bên kia thì cha chạy tờ phổ khuyến cùng châu thành mà xin giúp, nhứt là xin những người ngoại; và sự đáng lấy làm lạ, những người ký tên chịu giúp số bạc to, thảy là mấy phú hộ Thanh Nhơn ngoại ở tại Chợ Lớn. Cha phải đứng lo xem sóc các việc hết thảy, có khi phải ra tay làm thợ thầy nữa; khi thấy mấy vách và mấy cột xây lên thì ai cũng đều hớn hở vui mừng. Khi ấy có cha Gioang Baotixita Hướng (bây giờ là cha Quản lý nhựt trình N. K. Đ. P.) phụ giúp với cha Tam mà coi làm nhà thờ, hồi đó cha Hướng còn làm thầy năm và Bề trên sai vô ở Chợ Lớn đặng học tiếng Thanh Nhơn. Cha đã giúp mà coi thợ thầy làm, và nhứt là cha ra công vẽ họa đồ nhà thờ, chỉ rõ mực thước chỉ niển phải xây phải làm đâu đó rõ ràng lắm, dễ cho thợ hồ và thợ mộc coi theo đó mà làm cho trúng y, và nhờ đó cho nên công việc mới làm được mau.

Trong chừng mười tháng thì làm nhà thờ gần hoàn thành, chẳng hay cha Tam bỡi lo lắng mệt nhọc nhiều quá, nên phải đau, nằm nhà thương gần hai tháng. Trong lúc ấy thì các công việc cũng cứ làm luôn, có cha Hướng coi. Khi cha Tam vừa khá thì lật đật trở về nhà, cùng lo các việc sau hết. Đến ngày 10 Janvier 1902, là cách 13 tháng sau khi làm phép viên đá thứ nhứt, thì có Đức Cha Mão và nhiều cha Tây Nam, các viên quan văn võ tại thành Chợ Lớn cùng thiên hạ tựu tới chầu đông lắm, Đức Cha đã làm lễ khánh tán trọng thể nhà thờ mới, cùng dưng kính ông thánh Phanxicô Xavie, có một tấm đá cẩm thạch để phía dưới nhà thờ nhắc ngày lễ trọng ấy.

Nhà thờ nầy làm theo kiểu Gothique xinh lịch lắm, trên có lầu chuông cao tốt lành, có để tượng ảnh lớn ông thánh Phanxicô Xavie, trên nữa có tháp đâm lên, cao hơn các lâu đài dinh dãy tại thành Chợ Lớn, ở ngoài thành cùng là ở xa ngó tới thì thấy lầu chuông nhà thờ nầy. Phía trong nhà thờ có ba lòng căn, căn giữa rộng được 8 thước, hai bên mỗi bên 3 thước rưỡi. Bề dài nhà thờ đặng 33 thước, bề ngang 14 thước; bề cao từ trên nóc trở xuống là 13 thước; hai cái tháp cao tới 38 thước.

Trong nhà thờ có 5 bàn thờ, bàn thờ chánh bằng sành và ciment-armé có trỗ hình khéo léo lắm (la cène de Léonard-de- Vinci). Trên bàn thờ chánh có để tượng ảnh ông thánh Phanxicô Xavie cao lớn bằng người thường. Hai bên bàn thờ có vòng kính bông ngũ sắc rực rỡ, nhắc lại tích truyện ông thánh Phanxicô Xavie đã giảng đạo và sinh thì tại cù lao Sancian gần Canton bên Tàu. Mấy bàn thờ khác hai bên, là một bàn thờ kính R.T.T.T. Đ C G; một bàn thờ kính Đ C Bà, một bàn thờ kính ông thánh Giude và một bàn thờ kính ông thánh Antôn. Có 14 chặng đàng thánh giá bằng sành khéo léo đặt dài theo mỗi cột hai bên dòng giữa nhà thờ. Những phòng để đồ lễ thì ở hai bên hiệp với nhà thờ ngang cung thánh, nên xem nhà thờ như có hình thánh giá.

Trên lầu thì có ba cái chuông lớn, cái thứ nhứt thánh hiệu là Philípphê, của ông Philípphe Lê Phát Đạt dưng, cái thứ hai tên là Anê, của bà Anê Lê thị Tài dưng, cái chuông thứ ba là của bà thanh khách thánh hiệu là Annà Thăm đã dưng, nên kêu tên chuông ấy là Annà.

Bổn đạo Thanh Nhơn phỉ tình mừng rỡ, vì đặng có nhà thờ oai nghi tốt lành; số bổn đạo khi ấy được chừng 400, là kể luôn hết mấy người mới chịu phép rửa tội. Nhà thờ xong rồi, cha bèn lo cất trường học, vì từ ngày họ Thanh Nhơn tách riêng ra, thì đồng nhi Thanh Nhơn cũng còn cứ tựu học chung tại trường họ Annam, các bà phước dòng ông thánh Phaolồ coi dạy; tới đây cha Tam mới lập trường riêng có một bà Phước Thanh Khách dạy đồng nhi kinh phần thường dùng như bên Tàu. Số học trò nam nữ chừng 30 mà thôi, bỡi vì người Thanh Nhơn qua đây thường thì để vợ con lại bên Tàu, chừng làm ăn khá bề rồi mới đem qua.

Số bổn đạo không tấn thêm đặng, dầu mà mỗi năm có rửa tội cho nhiềư chầu nhưng, cũng bỡi người Thanh Nhơn không có ở một chỗ cho bền, phần nhiều không chí quyết ở luôn tại xứ, nghe đâu nghề buôn bán làm ăn khá thì liền bỏ mà đi tới ở đó. Bỡi vậy cho nên số bổn đạo cầm mực, trong năm 1902 đặng 400, tới năm 1917 thì cũng gần y số đó. Mà những bổn đạo đã bỏ đây mà sang qua xứ khác, thì thảy đều giữ đạo tử tế.

Cũng trong năm 1902, nhà lo về việc Hài đồng là nuôi con của kẻ ngoại cho, trước lập tại họ Annam, nay cha Tam dời về họ Thanh Nhơn, cùng cất một nhà lớn rộng rãi phải thế để lo việc ấy, cũng giao cho các bà dòng ông thánh Phaolồ xem xóc như trước; số các bà hết thảy là sáu; một bà tây làm đầu, và 5 bà annam, mỗi năm rửa tội đặng hơn ngàn con trẻ gần chết; theo sổ năm 1917, đã rửa tội đặng 1479 con trẻ, thật là những thiên thần nhỏ cha gởi thẳng về trời. Qua năm 1915 cha lập thêm một nhà nữa gần đó, để cho những nhi nữ nhà cha mẹ ở xa nhà thờ, mà muốn ở luôn đó mà học kinh sách, cùng là học may thêu cho dễ.

Từ năm 1899 tới năm 1902 thì có cha Hướng ở giúp cha Tam mà lo việc họ.

Trong họ không có nhà thương riêng, mà tại thành Chợ Lớn có 5 nhà thương, là nhà thương Drouhet của nhà nước, nhà thương thành phố, và 3 nhà thương nữa của người Thanh Khách, thuộc về bang Quảng Đông, Phước Kiến và Triều Châu. Cha ra vào mấy nhà thương ấy thong thả, nên nhiều lần cho đặng an ủi cùng rửa tội cho nhiều người ngoại trở lại khi gần chết.

Về đất thánh thì bổn đạo Thanh Nhơn chung cùng với bổn đạo Annam nơi đất của thành phố để cho người có đạo chôn kẻ đã qua đời, nên kêu là đất thánh, chớ trong họ không có lập đất thánh riêng.

Họ Thanh Nhơn chưa có ai đi học Nhà trường Latinh. Mà có ba trinh nữ đã đi Nhà phước Trắng và làm bà rồi, lại có hai người ở tại Nhà phước Kín Saigon.

Nguyện xin Chúa khấng ban ơn thêm nhiều cho họ Thanh Nhơn, vì bổn đạo họ nầy thì hằng gặp nhiều sự khó và đều ngăn trở mà tấn số thêm giữa muôn vàn người ngoại giáo thờ phượng bụt thần dị đoan. Xin Chúa khai quang cho những kẻ đang ngồi trong chốn tối tăm, trong nơi bóng chết, đặng mở con mắt thiêng liêng mà nhìn sự sáng thật Đức Tin, hầu nhờ phần rỗi mình.

Sổ các Cha coi họ cựu Thanh Nhơn và Annam từ lúc ban sơ.

-         Cha Philippe                                                từ năm 1865 tới 1869

-         Cha Định (P. Delpech)                                           1870 - 1878

-         Cha Jacquemin                                                    1876 – 1879

-         Cha Brillet                                                            1879 – 1884

-         Cha Phương (P. Hirbec)                                        1884 – 1885

-         Cha Nghi (P. Martin)                                             1885 – 1890

-         Cha Mão (Mgr. Mossard) có cha Phong giúp          1890 – 1891

-         Cha Thiết (P. Boutiér)                                           1891 – 1895

-         Cha Đức (P. Moreau) có cha Khánh làm phó sở      1895 – 1898

 

Họ mới Thanh Nhơn

Cha Phanxicô Tam (P. Assou) từ năm 1898 tới nay; lại có cha Gioang Baotixita Hướng giúp trong năm 1899 tới năm 1902.

Chung về Địa sở Chợ Lớn

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét