ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Bà Nhứt cựu Nhà thương Mỹ Tho qua đời

BÀ NHỨT CỰU NHÀ THƯƠNG MỸ THO QUA ĐỜI

(7 Mai 1917)

-----------------------------

Người tu trì khi sống thì ẩn mình, không muốn cho ai kể tới mình, cứ chủ ý lo làm việc Chúa, không cần ai chê khen, nên khi chết rồi thì lại còn ước ao cho an phận hơn nữa là đừng ai nhắc nhớ đến việc mình làm xưa, một để ngày giờ mà cầu nguyện giùm cho linh hồn mà thôi.

Xét theo như vậy thì đáng lẽ ta phải làm thinh mà nhớ đến linh hồn kẻ qua đời rồi thì càng hay hơn, song vốn khi ta đang thương khóc một người chết, cũng nên suy gẫm đến việc ta ở đời tạm nầy mà bước qua sự sống đời đời, ấy là ích lợi cho ta lắm, nhứt là khi gặp được một gương lành thì nên biết đặng mà bắt chước.

Vậy tôi xin phép nói một đôi lời về Bà Maria Ephrem, Bà nhứt cựu nhà thương Mỹtho.

Bà Maria Ephrem sinh ra ngày 7 Mai năm 1836, chết cũng ngày 7 Mai, đúng trọn 81 tuổi. Đó cũng là một sự lạ và nên cho ta vui mừng giùm cho bà Ephrem, vì chỉ là dấu lành. Khi người còn sống thì kính mến Đ. C. Bà lắm; được sinh ra trong tháng Mai là tháng Đ. C. Bà thì cả và đời khoái lạc lắm, cứ nhắc hoài mà nói Đ. C. Bà thương mình mà cho mình được phước sinh ra trong tháng Đ. C. Bà. Người hằng nhớ đến phước đó, nên cả đời lại ước ao cho đặng chết trong tháng Đ. C. Bà nữa, cho đặng trọn vẹn. Tôi tưởng có khi Đ. C. Bà nhậm lời, nên chẳng những cho bà Ephrem chết trong tháng Đ. C. Bà mà lại đúng ngày mồng bảy nữa là ngày sanh. Ấy là một sự vui cho bà Ephrem, vì được sự mình sở nguyện. Mà người ước ao chết trong tháng Đ. C. Bà làm chi?. Là bỡi người sợ xuống lửa luyện tội một cách lạ lùng, cứ nhắc tới hoài, nên lo lắng lắm, trông cậy vững vàng chết trong tháng Đ. C. Bà thì sẽ đặng Đ. C. Bà cứu cho khỏi ở lửa luyện tội lâu.

Tôi xét lại một người tu trì lập công trước mặt Chúa dường ấy, từ bé đến lớn thì là đầy sự nhơn đức công nghiệp, mà sợ lửa luyện tội tới nỗi nhắc đến luôn luôn, còn ta là tội lỗi ở thế gian, không nghĩa chi cùng Chúa, mà chẳng những không lo tới ở lửa luyện tội lâu mau, mà lại cũng chẳng sợ ở địa ngục đời đời, cứ làm tội hoài.

Bà Ephrem đội lúp khi được 20 tuổi, nhằm ngày 2 Octobre 1856, rồi qua năm 1861, mồng 9 Novembre thì người trẩy qua nước Nam ta mà giúp việc nuôi bịnh hoạn. Người có ra Bắc Kỳ và qua bên Tàu, ở một chỗ chín mười tháng.

Sau hết người xuống Mỹtho ở cai quản nhà thương các Bà Phước hơn 34 năm. Khi lớn tuổi quá, yếu đuối hết sức mới chịu đi lên ở nhà thương Thị Nghè mấy năm nay mà dưỡng già.

Đến khi lớn tuổi như vậy, yếu đuối mặc lòng chớ con mắt cũng còn thấy rõ, trí cũng không lẫn khi nào. Đến lúc sau thì mắt mới lờ và trí mới có hơi quên một chút. Sau hết thì người đau trái tim mà chết; tới lúc đó mới biết uống thuốc là gì, chớ cả đời không khi nào đau, nên chẳng có nếm đến thuốc men gì hết.

Người qua đời tại nhà thương Thị Nghè.

Ngày sau hết là ngày 7 Mai, tôi có đến thăm Bà nhứt lần sau hết, hồi đó tôi chắc chắn là Bà nhứt nay mai gì cũng phải chết vì lớn tuổi sức lực mòn lần, sẽ phải như đèn hết dầu mà tắt. Khi tôi ra từ giã Bà nhứt thì thảm thương quá, và làm cho tôi suy đến việc ta ở đời mà phải sợ quá. Xét lại một người sống tới 81 tuổi, đi tu được 61 năm lập công nghiệp với Chúa, còn 20 năm khi còn trinh nữ thì cũng là thờ phượng Chúa cách sốt sắng, vì là đồng nhi rất đáng khen trong họ. Ấy vậy một người giữ nghĩa Chúa trọn cả và đời, từ hơi thở đầu cho tới hơi thở sau hết, luôn luôn trọn 81 năm thì là làm con Chúa, mà ngày nay nằm trên giường hoi hóp, biết trước trong một giây phút nữa mình phải đến Tòa Đ. C. T. mà chịu phán xét. Thật giờ đó, phước đó thì ta nên suy đến là dường nào. Trong một nháy mắt thì hết còn lo chi tới việc đời tạm nầy nữa; bây giờ đây cũng phải bỏ hết rồi, vì không còn trông cậy gượng dậy nữa được; trong một nháy mát nữa thì sẽ thấy Sự Thật.

Thiệt đó là một sự rất nên kính nên sợ. Bây giờ còn thở thì còn mở miệng mà xin người ta cầu nguyện cho linh hồn mình và xin lễ cho mình, và mình cũng còn kêu Chúa thương đến mình, mà lát nữa đây, hễ tắt hơi rồi, thì hết thuộc về thế gian nầy, thì không còn cầu nguyện được cho mình, cũng không xin được ai nhớ đến linh hồn mình nữa, phải ngậm câm mà chịu, nếu lên đặng Thiên đàng liền thì vui mừng lắm, Song nếu Đ. C. T. tốt lành vô cùng muốn mình phải xuống lửa luyện tội mà rửa cho sạch bợn nhơ thì phải chịu ở lửa luyện tội, lâu mau không biết. Song khi đó còn có một mình người ở thế cầu được cho mình mau lên Thiên đàng mà thôi; chớ mình không làm gì được cho mình,

Vậy ai có quen lớn mắc ơn mắc nghĩa với Bà nhứt Ephrem, thì xin hãy thương xót người. Ta là kẻ biết người thì ai chắc cũng thương cũng nhắc Bà nhứt mà muốn giúp người. Ta hãy nhớ người sợ lửa luyện tội lắm, ta có một cách đền ơn trả nghĩa cho người, là cầu nguyện cho linh hồn người mà thôi.

Vậy tôi xin ai đọc mấy hàng nầy, chịu khó đọc cho Bà Nhứt Maria Ephrem ít nữa là một kinh Kính Mầng, may đâu Người đượcvề nơi cõi thọ thì sẽ cầu thay nguyện giúp lại cho ta.

Ấy mới thật là biết thương nhau, giúp đỡ nhau khi sống và khi chết.

X.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét