ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Họ Chợ Quán

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ CHỢ QUÁN (tiếp theo)

-----------------

V. Đức Cha Ngãi bị bắt

Kể từ ngày Đức cha Ngãi (Mgr. Lefèbvre) bổn đạo cũng gọi là Đức Cha Đôminicô, lãnh quờn Giám mục cai trị địa phận Nam Kỳ cho tới khi người về tây (1841-1864), thì người đã bị bắt hai lần, lần trước bị bắt trong ngày 31 Octobre 1844, lúc người đang ẩn tại Cái Nhum, và bị giải ra kinh (Huế) cho vua quan tra xét, và đã bị giam cầm tại đó, nhằm đời vua Thiệu Trị (1841-1847). Đến tháng Avril 1845 có tàu quan thủy sư Langsa tên là Cécile ghé lại cữa Hàn (Tourane), và khi nghe nói Đức cha Ngãi bị giam cầm tại Huế thì quan ấy liền tư tờ xin vua giao Đức cha lại lập tức, và bãi việc bắt bớ hà hiếp bổn đạo. Khi vua Thiệu Trị tiếp được tờ ấy, thì ngài sợ sinh sự khó lòng cho nước nhà, nên người truyền cho quan quân phải đưa Đức cha ra tới cữa Hàn mà giao cho quan thủy sư Cécile, thì quan ấy rước Đức Cha xuống tàu mình cùng đưa người qua Hạ Châu (Singapore) cũng kêu là Phố Mới.

Qua năm sau ông Lái Gẫm đem ghe bầu qua Hạ Châu rước Đức cha Ngãi, và khi trở về tới Cần Giờ thì cả hai đã bị bắt điệu về Gia Định trong ngày 8 Juin 1846 với cha Lộ (P. Duclos) và ba người học trò Pinang. Cách qua ít ngày cha Lộ qua đời, thì Đức cha xin quan tĩnh cho chôn cha Lộ gần trên Lăng Đức thầy Vêrô; còn Đức cha thì quan giải ngài ra kinh một bận nữa cho vua quan tra xét, và chuyến nầy ngài bị án trảm giam hậu, song lúc ấy vua Thiệu Trị sợ phải sinh sự bất bình với nhà nước Langsa, nên vua cho một chiếc ghe bầu của triều đình đưa Đức cha trở lại Phố Mới. Qua năm sau Đức cha Ngãi lén trở lại một lần nữa, và ở luôn cho tới sau. Khi Đức cha mới tới thì ghé lại Bải Xan, rồi ban ngày thì ẩn trong nhà bổn đạo, ban đêm lén ra đi lần từ họ nầy tới họ khác, cho tới Lái Thiêu, là nơi còn ở yên được một lúc, lại có trường Latinh ở đó nữa, và qua năm sau ngài đã phong chức cho Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) tại đó.

VI. - Học trò Latinh ẩn tại Chợ Quán.

Đến năm 1855 vua Tự Đức hạ chỉ bắt đạo nhặt nhiệm lắm, nhà thờ nhà thánh phải bị đốt phá triệt hạ ráo, cho nên Đức cha Ngãi và học trò Latinh ở Lái thiêu không được nữa, phải đi trú nơi khác. Bỡi đó nên Đức cha Ngãi xuống ẩn tại Thị Nghè, còn học trò Latinh khi đó được chừng hơn ba mươi, thì cho ghe chở đem vô Chợ Quán trú tại nhà ông trùm Lưu, có một cha tây tên là Cố Định (P. Pernot) với ba bốn thầy đi theo ở coi sóc học trò, không rõ mấy thầy ấy tên gì.

Ông trùm Lưu là ông ngoại bà phủ Năm (Vincent) khi đó còn làm biện sở, nhà ở tại chỗ nhà ông phủ Năm ở bây giờ, hai phía cận rạch, và buổi xưa chỗ đó cây cối rậm rạp sầm uất lắm, ít ai lai vãng, nhà trên nhà dưới cất kề nhau ở giữa miếng đất, xung quanh có vườn trầu cau cây trái nhiều, ngoài ranh có hai lớp hàng rào, một lớp làu táu ở ngoài và một lớp trĩ ở trong, có một đàng hẻm nhỏ dựa mé rạch đi thấu vô nhà mà thôi; phía sau thì giáp ranh đất ông tổng Toản, không có ngả nào khác nữa đi về nhà được, nên trong buổi cấm kín các cha tới ẩn ngụ trong nhà đó thường lắm, mà ít ai biết được.

Nhà ông trùm rộng rãi, mà hai ông bà và người nhà thì thường ở nhà dưới, còn nhà trên thì đóng cữa luôn, một đôi khi có khách trượng hay là có dịp gì đại sự thì mới mở cữa nhà trên, theo tục lệ xưa thì nhà nào cũng vậy, đời nay cũng còn nhiều chủ giữ cách ấy.

Khi học trò đến tại đó, thì cả ngày ẩn nội nhà trên, không hề dám mở cữa, ban đêm mới dám ra ngoài sân một giây lát mà thôi, khi ở đó được chừng bốn năm tháng, nghe thế sự không yên, thì ông trùm lo đưa cha thầy và học trò qua Thị Nghè ẩn tại nhà bà Lụa, lúc ấy có Đức cha Ngãi đang ẩn tại đó.

Trong lúc học trò Latinh đang trú tại Thị Nghè, thì thường bữa ông trùm Lưu cho người chèo ghe lường đem cơm gạo bánh trái và đồ ăn qua Thị Nghè cho học trò; có ba người sau nầy thường đi chở đồ ăn như vậy:

1. Ông Hậu, là em rể bà trùm Lưu và là ông già bà năm Bình;

2. Hai Minh với ba Thông là anh ruột bà năm Bình và là cháu bà trùm Lưu (kêu bà trùm bằng dì).

Nghe nói ba người nầy có thuật chuyện rằng: Trong lúc Đức cha Ngãi đang trú tại nhà bà Lụa, có một bữa kia, khi Đức cha mới làm lễ vừa rồi, cởi đồ lễ ra còn để y nguy trên bàn thờ, thình lình quan quân áp tới vây nhà mà xét đặng bắt người, lúc ấy Đức cha bất cập, không biết chạy trốn nơi nào kín đáo được, nên bước lại đứng núp trong cánh cữa gần bên bàn thờ, song bỡi ơn Chúa che chở thể nào không hiểu, mà quan quân đi lục soạn xét cùng tứ phía trong nhà, đồ lễ còn nguyên hiện trên bàn thờ, và Đức cha đứng núp sờ sờ xó cữa đó, mà sao chúng nó không thấy; nên ai nấy đều mừng và tin thật là phép lạ Chúa che mất quân ấy, không cho nó thấy Đức cha và đồ nó đi tìm mà bắt. Chuyện nầy nghe nói như vậy mà không rõ có quả thiệt hay là không.

VII. – Đức cha Ngãi ẩn tại Chợ Quán lần thứ nhứt.

Cách ít lâu sau, Đức cha và học trò Latinh ở Thị Nghè không yên, thì Đức cha dạy chở học trò xuống miệt Cái Nhum, Cái Mơn, còn Đức cha thì đi vô Chợ Quán, trú tại nhà ông trùm Lưu. Khi Đức cha ở đây, thì cả ngày ẩn mình phía hàng ba sau nhà trên, và bổn đạo không ai hay biết. Khi đó cũng có một cha tây đi với Đức cha, mà không rõ cha đó tên gì; còn cha Bình với tổng Thận (Tân An) năm đó còn nhỏ 1ối chừng 14, 15 tuổi, cả hai ông nầy ở học trò giúp Đức cha, hễ Đức cha đi đâu thì hai trò đi theo đó.

Khi Đức cha ở tại nhà ông trùm Lưu được hơn một tháng, nhằm năm xã Cần (ngoại) làm thôn trưởng trong làng; bữa kia có bà Sâm già là mẹ vợ xã Cân, cũng là người bà con với bà trùm Lưu, nghe nói phong phanh làm sao không biết, nên tới thăm ông trùm bà trùm và cằn nhằng rầy rạc hai ông bà, hỏi sao dám chứa ông tây trong nhà mà báo hại con rễ bả đang làm xã trưởng năm ấy... Ông trùm bà trùm nói không có...; song chừng bà ấy ra về rồi thì ông trùm thưa lại cho Đức cha rõ tự sự, thì Đức cha dạy phải lo dọn hết đồ đạc của người xuống ghe, rồi tối bữa ấy chở Đức cha đi ẩn nơi khác. Đức cha đi rồi thì trong nhà ông trùm bằng yên không có xảy ra sự gì.

Ông trùm Lưu chứa đồ Nhà Chung.

Mấy năm đó trong nhà ông trùm Lưu có chứa tiền bạc và đồ đạc của Nhà Chung nhiều lắm, như đồ lễ, sách vở, hàng giẻ để may đồ lễ cho các cha; còn vải bảy vải tám thì mỗi lần ghe bầu đi qua Pinăng đem về hai ba chục xấp gửi giấu trong nhà, rồi lấy lần ra một khi năm ba xấp đặng mướn nhuộm mà may áo may quần cho các cha và cho học trò La-tinh. Buổi ấy cũng có ông thầy Nghi là người đã đi học bên Pinăng về, ở giúp việc cho Nhà Chung, hoặc khi đem học trò sang Pinăng, hoặc khi đi rước về; hay là khi phải xuất phát tiền bạc của Nhà Chung mà làm việc gì, thì thầy ấy lo hết. Nhiều lần thầy Nghi đem bạc đồng của Nhà Chung đi đổi cho mấy tiệm tàu khậu quen ở Chợ Lớn, đặng lấy tiền annam đem về để dành xuất phát. Bạc đồng hồi đó thì một đồng đổi đặng 7 quan tiền annam; mỗi lần thầy Nghi đi đổi bạc đem về chừng 1 ngàn cùng là 1 ngàn rưỡi quan, thì thầy ấy nói trước cho ông trùm hay, rồi đến tối ghe chở tiền vô bến trước nhà ông trùm, thì ông trùm coi biểu gia nhơn bạn bè vác lên giấu trong nhà; không dám chở tiền về ban ngày, sợ người ngoại ở xung quanh đó hay, e lậu tiếng khó lòng lắm.

Lúc ấy ông trùm Lưu có bị ăn trộm một lần, tưởng đã mất của Nhà Chung hết nhiều, song bỡi nhờ ơn trên che chở, nên ăn trộm chẳng vi sơ tới của ấy chút nào. Số là một đêm kia ăn trộm đào nghạch vô nhà, và nó đã cạy rương xe chống nấp lên rồi, trong rương có để hàng giẻ, vải bố và bạc đồng của Nhà Chung nhiều lắm; mà không hiểu sao chừng trong nhà hay được, soát coi lại, thì thấy bạc tiền và đồ đạc của Nhà Chung để trong đó còn y nguyên, chẳng có mất món gì hết.

VIII. Đức cha Ngãi ẩn tại Chợ Quán lần thứ hai

Không rõ hồi Đức cha Ngãi ở nhà ông trùm Lưu bận trước đó rồi ra đi ẩn nơi nào khác, cách qua chừng hơn một năm thì Đức cha trở lại đó một lần nữa, là lối tháng Décembre 1858. Khi Đức cha ở yên đó được hơn 20 ngày, bữa kia Đức cha nghe tin làm sao ở đâu không biết, vì người không nói ra; thình lình Đức cha kêu ông trùm biểu phải dọn hết đồ Nhà Chung và đồ của Đức cha xuống ghe đặng cho ngài dời đi nơi khác, Ông trùm bà trùm không hiểu ý gì, nếu hồ nghi có khi Đức cha trách mình việc chi mà không tỏ ra chăng; hai ông bà buồn bực khóc lóc mà chẳng dám nói ra gì hết, cứ việc là dọn đồ y theo lời Đức cha dạy. Ông trùm dọn hai chiếc ghe bảy (ghe lớn) đồ của Đức cha để riêng một chiếc, còn đồ của Nhà Chung thì dọn xuống chiếc ghe kia. Đến chừng chật vật, Đức cha kêu ông trùm mà nói: “Đêm nay có kẻ đến bắt cha, nên cha đi cho khỏi”. Nói đoạn Đức cha từ giã ông trùm, bà trùm, rồi xuống ghe; hai ông bà khóc lạy đưa Đức cha đi. Khi đó còn ba thùng đồ của Nhà Chung, mà ghe đã chật không chỗ chở nữa được, nên ông trùm biểu bạn bè khiêng đem giấu dưới mấy bụi cây ở dựa rạch bên ranh vườn ông tổng Toản, giáp ranh vườn ông trùm.

IX. - Ông trùm Lưu bị bắt.

Chừng ghe Đức cha lui ra khỏi cầu Bà Đô một đỗi, thì trong nhà nghe tiếng binh gia kéo tới lối xóm gần đó, nên ông trùm hối bạn bè chống chiếc ghe chở đồ Nhà Chung mà đi ẩn cho xa cho khuất; rồi kế ông Hạp Quyển là người Huế, làm quan tĩnh, kéo binh gia áp tới xét nhà ông trùm mà chẳng bắt được giống chi hết, chúng nó biết ông trùm có hai chiếc ghe lớn, nên ra đi soát kiểm hai chiếc ghe ấy mà không thấy; ông Hạp Quyển tức mình giận lắm, biểu lính bắt ông trùm và bà trùm đem giăng nọc ra giữa sân trước nhà mà tấn, tra khảo ông trùm về vụ người ta cáo đã cho hai em và con trai đi qua Tây viện binh lại lấy thành, và trong nhà có chứa hai ba thùng bạc, đặng để khi binh tây qua thì lấy bạc ấy mà mua ăn.

Ông trùm khai rằng: Không có anh em nào hết; (ông trùm nói vậy, vì anh em người không có ở tại Chợ Quán, nên ít người biết rõ đều ấy,) còn con trai thì nói đã chết rồi, còn đâu mà cho đi Tây. Hai ông bà bị đánh bị khảo một hồi lâu, rồi dẫn hai ông bà ra nhà việc làng; sau quan thả bà trùm về, còn ông trùm thì cầm lại đó, qua bữa sau giải ra thành. Bà trùm về nhà lo sợ lắm, nhứt là về sự ông trùm là người chơn chất thật thà, sợ phải quan khảo tra quá mà chịu không nổi, rồi khai lộn xộn lính quính mà phải khốn khổ cho cả hai ông bà và con cái; nên bà trùm chạy quanh lộn lo lót bạc tiền cho làng cho quan; qua ngày sau việc làng ra ngoài thành xin lãnh ông trùm về. Khi đó bà trùm lo hết 10 nén bạc (1000 quan tiền annam). Ông trùm bị bắt đây là trong tháng 11 annam năm 1858.

Lúc quan quân áp tới xét nhà ông trùm, thì bạn bè chống chiếc ghe chứa đồ Nhà Chung đem ra núp dưới mấy lùm cây ở ngoài cầu Bà Đô; qua hai bữa sau khi nghe êm rồi mới dám trở về. Còn mấy thùng đồ ông trùm đã biểu đem giấu dưới mấy bụi cây ở dựa ranh đất ông tổng Toản, thì khi nghe binh gia tới bao xét nhà ông trùm, thì ông tổng Toản sợ hoảng biểu người ta khiêng đổ trút bớt xuống sông. Nghe nói trong đó có những đá thánh, chén thánh, và đồ lễ cho các cha dùng trong lễ nhạc cùng sách vở nhiều lắm. Cách qua hai ba bữa sau cha sở trong họ hay việc như vậy, thì người có lội xuống sông tìm vớt lại được một hai món, còn bao nhiêu thì trôi đi mất hết. (Không rõ chắc là cha nào, song năm đó thì có cha Triêm, cha Đoan ở trong họ.)

Sách vở thì khi trôi ra ngoài vàm, mấy người ghe câu ở gần nhà Ông trùm có gặp vớt được một mớ, đem về đưa lại cho ông trùm bà trùm, lén phơi rồi sau giao lại cho các cha coi, món nào còn dùng được thì để, còn món không dùng được nữa thì đốt đi hết.

Về vụ ông trùm Lưu bị cáo

Ông trùm Lưu bị cáo về vụ cho hai em và con trai đi Tây, là bỡi ông trùm có hai người em, là ông Bạch với ông Trực, và một người con trai ông trùm tên Tín, cả ba đã đi học tại Nhà trường Pinăng.

Đến sau ông Bạch trở về làm thầy đi dạy được năm sáu năm, kế rủi đau mang tật điếc, phải ra thế gian, lo đôi bạn; còn ông Trực sau cãi lại tên Điện (cha Điện), ở Pinăng về làm thầy đi dạy miệt Đá Trắng và phía gần trên Mọi, đến sau chịu chức thầy cả lối năm 1851-1852, rồi đi coi họ và lập họ nhiều nơi; cha có ở Cầu Kho, có ở đi lập họ tại Rạch Cá, Rạch Gốc, Rạch Thiên và nhiều nơi khác, không nhớ cho đủ được; sau mới khỉ sự lập họ Lương Hòa được ít lâu, thọ bịnh tại đó, chạy thuốc không khá, bịnh thêm nặng, sau hết mới đem về nhà ông trùm Lưu, được chừng 10 bữa thì cha qua đời tại đó, nhằm năm cha Ngãi (P. Derval) coi họ Chợ Quán, lúc ấy có cha Hiệu (P. Humbert) ở học tiếng annam, và người đã giúp giữ linh hồn cho cha Điện (năm 1875-1876). Xác cha Điện chôn chỗ nền nhà thờ cũ, đến khi đào mống xây nên nhà thờ bây giờ, thì cha Thiết (P. Boutier) kêu cháu cha Điện là bà Sáu Đức, mà biểu phải dời đi nơi khác, nên đã đem xác cha Điện về chôn trong thờ mộ riêng, gần bên nhà phó Thành và Tư Định ở bây giờ. Khi cha Điện qua đời rồi thì cha Đoan đổi lên coi họ Lương Hòa thế cho cha Điện.

Còn Ông Tín là con ông trùm Lưu, sau cải lại tên Lới, ở Pinăng và làm thầy đi dạy được hai ba năm miệt Lái Thiêu, Bà Rịa, sau đổi về ở giúp cha Thiện (P. Nojoberne) tại Saigon được ít lâu, rủi xuông bịnh dịch tại đó, bà con đem về nhà ông trùm lo chạy thuốc mà không cứu được, qua bữa sau thì người đã chết tại nhà ông trùm (lối năm 1875-1876), và đã chôn xác người trong thổ mộ riêng. Không rõ thầy Lới khi đó đã đặng mấy chức, người là một lớp học với cha Vêrô Lý (Chợ Quán) khi còn ở tại Nhà trường Pinăng.

X. – Lúc binh Langsa lấy Saigon,

Khi Đức cha Ngãi đi ra khỏi nhà ông trùm Lưu bận sau nầy rồi, thì ngài đi ẩn ánh trong nhà bổn đạo, khi trú chỗ nầy khi sang nơi khác, không ở yên một chỗ được, vì từ tháng Septembre 1858, khi tàu chiến Langsa đến lấy Cữa Hàn rồi sắp về sau thì vua quan annam càng cố oán mà chém giết sát hại bổn đạo hơn nữa; (Cữa Hàn Langsa kêu là Tourane, tại đó có cái đồn annam kêu là đồn Sơn Chà) vì nói bổn đạo đã viện binh Langsa đến lấy nước, và truyền cho nhơn dân phải tầm soát bắt nộp các Giám mục và Linh mục tây annam hết thảy, và hứa sẽ trọng thưởng; nên khi ấy Đức cha Ngãi khó bề tìm nơi ẩn ánh cho an thân. Lúc đầu năm 1859 thì người còn trú tại Thị Nghè, đến ngày 11 Février, khi nghe tin tàu chiến Langsa đã vô tới Cần Giờ rồi, thì quan truyền cho binh gia đi soát cùng xóm Thị Nghè mà bắt Đức cha, vì chúng nó biết ngài còn trú tại đó; nên Đức cha không thể ẩn tại Thị Nghè nữa được; vậy ban đêm người phải trốn chạy xuống phía Rạch Bàn thân dưới Xóm Chiếu, khi đó còn rừng còn cọp, và đi núp ấn nơi bụi bờ, đêm ngày giữa trời mà chịu trận, rất đỗi cam go cực khổ. Đức cha ở đó chịu sương nắng đói khát như vậy hai ba ngày, không ai dám léo hánh đem cơm nước gì cho mà ăn uống, đến đỗi Đức cha đã thối chí, tính bề phải ra mặt nộp mình chịu chết. Thời may trong đêm 15 Février, có ông tổng Thế ở miệt Rạch Bàn, khi đó chưa có chức phận gì, ông nầy thừa dịp lúc trăng mờ mờ, lén chèo ghe lường ra chỗ bụi Đức cha đang ẩn, mà xin chở người đi trốn nơi khác, Đức cha bằng lòng đi, vì không lẽ ẩn nơi đó lâu nữa được, nên người xuống nằm khoanh dưới lường ghe, ông Thế lấy chiếu đắp phủ cả và mình Đức cha lại, rồi chèo ghe đi quanh lộn rạch nầy sang rạch khác, không biết là mấy mươi khúc. Khi đó ông Thế bận áo lính annam mà chèo ghe đi, tới ngang qua mấy phần thủ kêu ghe ghé lại, khi ông Thế lên tiếng trả lời rằng: Ghe đưa lính binh về nhà, không có chi mà ghé lại cho mất công. Mấy phần thủ thấy lính chèo ghe mà nói như vậy thì tin bằng lời, nên để cho ghe đi luôn. Chừng ra tới vàm sông cái thì ông Thế mừng lắm, vì đã thoát khỏi mấy chỗ hiểm nghèo rồi; nên người vững bụng thả trôi ghe mà nghĩ tay: Cách một hồi lâu, thấy bóng ba chiếc tàu lớn neo giữa sông, dưới tàu binh lính đang canh giữ nghiêm nhặt, nên khi thấy dạng chiếc ghe còn ở trên xa thì lính tàu lên tiếng hỏi tiếng tây: Ghe ai đi đó?. Ông Thế không hiểu, nên chẳng biết lính hỏi chi mà trả lời, cứ việc thả ghe đi tới mãi; còn Đức cha thì hoặc là khi đó ngài mê mệt, vì bị cảm sương nắng mấy bữa trước, hay là nhằm lúc ngài lảng làm sao không hiểu, nên chẳng nghe lính hỏi chi cả. Lính tàu hỏi mà không thấy trả lời, lại ghe cứ việc đi tới mãi, thì giương súng bắn ghe một phát, ông Thế hoảng hồn bàn kêu Đức cha mà xin nói lại thế nào kẻo mà phải bắn chết. Hồi đó Đức cha cũng bất cập, vì hoặc là người không nghe tiếng lính tàu hỏi, hay là thấy bắn ghe mình rồi cũng hoàng mà không biết nói lại làm sao; Đức cha bèn rán hết tiếng mà hát một câu hát đời xưa, binh thủy Langsa thuộc lắm. Dưới tàu nghe tiếng hát lấy làm lạ quá sức, nên quan tàu bước ra dựa be mà hỏi: Ai đó? Đức cha liền trả lời: Tôi là Giám mục Saigon, đến xin đổ nhờ dưới tàu các ông. Tức thì quan tàu biểu ghe đi tới cặp dựa lại, rồi mời Đức cha bước lên tàu, quân lính thảy đều mừng rước tử tế hết tình. - Đức cha Ngãi thuở đương thời là người diện mạo phương phi oai nghi lắm, song bỡi bị mấy năm bắt bớ, phải lo lắng đi trốn lánh luôn, ăn ngủ thất thường; và nhứt là lúc sau đó, người phải dầm sương dãi nắng lặn lội ẩn ánh ở giữa rừng bụi, và chịu đói khát, chẳng nghỉ ngơi được chút nào, nên Đức cha phải bịnh hoạn ốm hư, lại khi đó ngài đang đi trốn, lo sợ thất sắc, người đi chơn không, bận một cái áo vắn annam, chẳng có y phục giày vớ gì hết, nên khó nhìn biết người được. Quan tàu gặp Đức cha thì mừng rỡ lắm, và thấy người như vậy thì cảm thương, nên lật đật cho người ăn uống chút đỉnh và để người nằm nghỉ một buổi lâu; chừng Đức cha khỏe tỉnh lại rồi, mới hỏi thăm các việc.

Khi Đức cha sang lên tàu rồi, thì ngài nghĩ lại, nếu bây giờ cho ông Thế trở về một mình, ắt là phải chết không khỏi được, nên xin cùng quan tàu cho ông ấy theo mình, thì ông Thế tính phải nhận chìm chiếc ghe đi cho mất tang tích, rồi sang lên tàu theo Đức cha. Đến sau Đức cha đã xin Nhà nước Langsa thưởng ông Thế, cho làm chức Cai tổng mà trả công ơn người.

Khi quan tàu hiểu rõ được cơ cuộc trong Saigon rồi, thì đêm 16 Février ba chiếc tàu đi lần vô, sáng 17 lấy mấy đồn ở ngoài vàm sông cái, qua bữa 18 kéo binh lên lấy thành Saigon, rồi ba chiếc tàu sụt xuống đậu ngang Xóm Chiếu.

XI. - Đức cha Ngãi ở Xóm Chiếu

Chừng đó Đức cha Ngãi (Đôminicô) lên ở tại Xóm Chiếu, nơi nhà ông tổng Hài là người ngoại giáo đã chạy giặc mà bỏ hoang; rồi Đức cha nhắn tin cho bổn đạo ở xung quanh Saigon đặng hay mà đến đó lánh thân cho khỏi quan annam bắt bớ sát hại.

Lúc ấy quan annam đem binh lên lập đồn Chí Hòa, Thuận Kiều, vv, và có một cơ binh gọi là “Tùng Thiện”, nguyên gốc là những tù phạm, mà đến lúc giặc giã thì quan thả quân ấy ra, bắt chúng nó nhập lính lập đồn lũy, và đặt tên cơ binh ấy là Tùng Thiện; khi nào xuất chiến thì bắt chúng nó đi tiên đạo mà chịu mũi tên mũi đạn; trong quân ấy có nhiều tay ăn cướp sát nhơn hung dữ lắm, thường hay kéo đến phá hại đốt nhà thiên hạ trong xóm mà giựt của, nên bổn đạo Chợ Quán bị chúng nó phá hoài ở không yên, có một lần nhà bà Phượng là mẹ ông phủ Minh, đã bị quân Tùng Thiện đến cướp của và đánh bà ấy bị bịnh.

Khi đó ông trùm Lưu còn ở Chợ Quán cho tới lối tháng ba annam, bữa nọ có bà ba Thịnh là người bổn đạo Chợ Quán và cũng là người bà con với ông trùm (kêu ông trùm bằng chú), bà này năng đi bán trên đồn, có quen với nhiều người ở trong đồn nghe nói ông trùm Lưu bị cáo về đôi ba việc trọng, nên bà ấy chạy về thông tin cho ông trùm bay và biết phải lo đi trốn cho cần kẻo phải chết. (Không rõ ông trùm bị cáo về việc gì, song tưởng cũng về hai ba việc bị cáo lúc trước, là cho hai em và con trai đi học Pinăng, và trong nhà có chứa cha thầy và chứa đồ của Nhà Chung) Ông trùm hiểu việc khó vì đã có bị một lần trước rồi, nên lật đật dọn những đồ cần dùng đem xuống ghe, đoạn bỏ hết nhà cữa sự nghiệp mà chạy qua ẩn tại Xóm Chiếu, cùng đem bà con anh em qua đó hết. Chạy bỏ lại một vựa lúa đầy, ước chừng hơn 5000 giạ, và đồ đạc trong nhà nhiều lắm; sau nghe nói quân Tùng Thiện và thiên hạ lối xóm tới lấy lần hồi hết ráo.

Hồi đó cha Đoan với cha Triêm là cha giữ việc còn ở tại Chợ Quán, thường bữa hai cha phải chạy xuống trốn dưới mấy chòm cây tại đồng Bà Tép, khi đó còn rậm như rừng. Cha Đoan thường hay gởi thơ cho Đức cha Ngãi rõ việc bổn đạo ở trong họ làm sao; khi gởi thơ như vậy thì có một người đàn bà ngoại, chồng có đạo tên là bảy Hữu, đã đi theo ông trùm Lưu qua Xóm Chiếu, đàn bà ấy thì còn ở lại Chợ Quán năng đi Xóm Chiếu thăm chồng, mỗi lần đi thì đến lãnh thơ của cha Đoan mà giấu trong mình, rồi lội băng qua ruộng mà đi, hay là nhằm khi nước cạn sát, thì lội giữa sông giả đi bắt cá đặng đem thơ qua Xóm Chiếu cho Đức cha, và khi Đức cha gởi thơ lại cho cha Đoan, thì cũng trao cho người ấy đem về.

Cũng có ít nhà bổn đạo và năm bảy người Nhà phước Chợ Quán chạy qua Xóm Chiếu ở gần Đức cha. Cách qua ít ngày thì nghe tin trong Chợ Quán ông Hạnh bị bắt, sau lại nghe nói ông Thiện chở đồ lễ của cha Hạp, là anh ruột người, đặng đem đi gởi, cũng đã bị quan bắt cầm tù trên đồn, đến lúc sau lại nghe hai anh em là ông biện Phượng và Ông biện Đa bị bắt nữa.

(Coi tich bốn ông nầy nơi phần phụ thêm ở sau.)

XII. – Bổn đạo bị phân sáp

Khi binh Langsa vô lấy Saigon rồi, thì vua quan annam càng thêm lòng hềm thù giáo hữu, vì nói bổn đạo viện Tây đến lấy nước Nam, nên càng tìm nhiều cách mà nhiễu hại con nhà có đạo hơn nữa; song dầu làm thế nào cũng không phá tuyệt đặng đạo thánh Chúa. Vua Tự Đức chừng thêm phùng gan tức giận, bỡi đó đến cuối năm 1860, vua tra tay giáng chỉ độc ác dữ tợn, vì thuở nay bổn đạo chưa hề gặp cơn nào gian nan tàn khổ dường ấy. Trong sắc chỉ vua dạy làng tổng phải nạp số giáo hữu từ 15 tuổi sấp lên, bất luận đờn ông đờn bà, rồi bắt hết thảy đem tới tĩnh mà thích tự hai bên bàn tang, một bên thích hai chữ tả đạo, còn bên kia thì thích tên tĩnh, phòng khi có ai trốn đi đâu, thiên hạ thấy mặt thì biết, chẳng chạy lọt ngả nào được; đoạn bắt phân sáp ra đi các làng ngoại, dân ở xứ nầy đày đi xứ khác, còn nhà cữa ruộng đất của bổn đạo, thì về tay làng tổng ngoại đoạt lấy.

Mấy Địa phận miền ngoài thì như vậy, còn trong Nam Kỳ thì có miệt Biên Hòa và Bà Rịa bổn đạo cũng đã phải bắt mà thích tự và nhốt trong ngục, xung quanh thì chất bổi sẵn, chờ khi binh tây tới gần thì đốt ngục thiêu sống bổn đạo. Tại Gia Định (Saigon) bỡi binh tây đã tới lấy đại thành rồi, cho nên không kịp làm theo cách đó, hoặc có khi bỡi binh tây ở gần lắm, nên quân annam không dám làm như vậy, hay là tại cớ nào khác không rõ. Cho nên bổn đạo tĩnh Gia Định tuy là cũng có bị gian nan cực khổ trong buổi phân sáp ấy, song có ý nhẹ hơn bổn đạo miền ngoài bội phần.

Vậy lúc đó quan tĩnh truyền lệnh cho các làng tổng phải bắt hết thảy đờn ông có đạo, dẫn tới đồn mà điểm danh tính, ban đầu thì một tháng bị đi điểm một kỳ, điểm xong rồi thì tha cho về nhà, đến sau thì nữa tháng phải đi một kỳ; lúc ban sơ mỗi kỳ đi điểm bổn đạo Chợ Quán còn đi đủ số, đến sau có mất hết ít người; cho nên khi đi điểm một kỳ sau rốt hết, bổn đạo cũng tưởng tựu tới xong rồi thì được trở về nhà như mấy kỳ trước; không dè chuyến nầy quan đòi đủ hương chức 18 thôn vườn trầu Bà Điểm, Hốc Môn là những làng ngoại cũng tựu tới đồn, rồi khi điểm bổn đạo rồi, thì quan giao cho mấy làng ấy phải lãnh mỗi làng một ít đem về giam cầm canh giữ trong làng mình; hễ làng lớn thì lãnh năm bảy người, chín mười người, làng nhỏ thì vài ba người; còn các chức họ là ông trùm, ông câu và mấy ông biện sở, thì quan bắt giam tại đồn, nên mấy ông ấy phải bị gông cùm trăng trói cực khổ lắm. Những bổn đạo bị lưu đày đi các làng, thì cũng có một hai chỗ phải chịu cực khổ, còn nhằm chỗ hương chức làng tử tế, thì để cho bổn đạo ở thong dong, không bắt buộc sự gì, trừ ra khi nghe tin quan tĩnh đến, thì mới bắt mang gông ngồi trăng theo phép, cho làng khỏi bị quan quở phạt mà thôi. Song thảm thương một đều, là khi vợ con mấy ông ấy ở nhà nghe tin đã bị phân sáp một người một nơi làm vậy, thì ai nấy phải ra đi tìm kiếm hỏi thăm ông nào bị đày về đâu, đặng có đem cơm nước cho mà dùng, vì quan bắt giam cầm chớ không có cho ăn uống.

Khi bổn đạo Chợ Quán bị phân sáp được tám chín tháng thì có lịnh quan trên đòi hết thảy tựu về tĩnh cho đặng ơn tha thứ. Khi nghe tin ấy thì bổn đạo lo lắng bồi hồi, vì sự quan tĩnh đòi về bắt khóa quá thập tự rồi mới tha, nên không biết liệu phương nào; đến chừng quan soát điểm lại đủ mặt rồi thì truyền dạy rằng: “Nay ta lấy lòng thương ân xá tha về mà phải cứ an cư lạc nghiệp, đừng theo tây mà phải chết.”. Vậy bổn đạo đặng tha về, thì ai nấy đều vui mừng quá bội, và hết lòng cám ơn Chúa.

Trong lúc các chức và bổn đạo Chợ Quán bị giam cầm tại tĩnh, thì có ông thầy Đều, là chồng bà Thể, làm thầy thuốc, đã bị trượng bịnh mà chết trong khám đường.

Bổn đạo đặng tha trở về nhà rồi, thì có nhiều người sợ phải bị bắt lại nữa, nên đã bỏ nhà cữa sự nghiệp mà đem vợ con đi trốn, kẻ thì qua Xóm Chiếu, người thì đi Khánh Hội hay là Thủ Thiêm, vì miệt đó binh tây đã soán rồi, quan annam không đến bắt được.

Đức cha Ngãi (Đôminicô) thấy vậy thì hết lòng thương xót lo lắng cứu giúp con chiên, nên lúc ấy Ngài nói với quan Thủy sư Langsa, cho lính đem tam bản vào Chợ Quán mà rước bổn đạo nhiều lần, song ít ai dám theo tam bản, vì buổi ấy người annam thấy lính tây thì sợ lắm.

Đến sau chừng yên rồi, thì những người đi trú mấy nơi mới trở về, mà có kẻ ở lập gia cư tại nơi đã trú, không trở về Chợ Quán nữa.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét