ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Họ Chợ Quán

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ CHỢ QUÁN

-----------------

I - Gốc lập họ

Nguyên gốc họ Chợ Quán thuở ban sơ là các cha dòng ông thánh Phanxicô người Hiphanho khỉ sự lập đã lâu đời lắm, song bỡi trong họ chẳng có vi bằng gì đời xưa lưu lại, cho đặng biết đã lập họ hồi nào, nên không rõ chắc được. Nhưng vậy xét vì họ Chợ Quán là một họ cố cựu trong lục tĩnh Nam Kỳ. Hồi ban sơ khi các cha dòng ông thánh Đôminicô người Buttughê mới khỉ sự giảng đạo Thiên Chúa trong xứ nầy là năm 1550, cho tới năm 1585 thì các cha dòng ông thánh Phanxicô người Hiphanho qua tiếp theo; rồi đến năm 1614 có các cha dòng Đ C G qua thêm nữa; cho nên như họ Chợ Quán chưa có trong lúc ban sơ, thì tưởng cũng đã có được lối năm sáu mươi năm sau khi các cha ấy mới đến giảng đạo xứ nầy, nghĩa là lối năm 1600, hay là 1610, chừng 250 năm trước khi nhà nước Langsa qua chiếm cứ đất Nam Kỳ.

Tuy là việc kể phỏng ước, vì không có văn bằng chắc, song xem trong Sử Ký Hội Thánh Nam Kỳ (La Cochinchine religieuse du P. Louvet), thì thấy có ghi lại những tích sau nầy:

1.     Trong năm 1639, Địa Phận Nam Kỳ, Trung Kỳ và Cao Mên khi đó còn thuộc về một Đức Cha cai trị, nhơn số bổn đạo kể được 82.000, thì năm ấy nội lục tĩnh Nam Kỳ có ít nào cũng là ngoài 20.000 bổn đạo.

2.     Từ năm 1644 cho tới năm 1700, đã có được một trăm mấy mươi con nhà Nam Việt chịu tử vì đạo.

3.     Trong năm 1670 và 1671 đã có được ba người xứ Nam Kỳ chịu chức thầy cả.

4.     Tích bà Inê tử đạo, thì mỗi người trong giáo hữu đều hiểu rõ, bà nầy quê quán ở xứ Đồng Nai, đã chịu bắt bớ và chịu tử đạo trong năm 1700, một lượt với nhiều người khác trong anh em thân tộc, bà Inê có một người anh tên là Laurent, làm thầy cả, đã bị bắt trong năm trước.

Mấy tích kể trước đây làm chứng rõ ràng hồi năm 1630-1640 bổn đạo xứ Nam Kỳ đã đông nhơn số, cho nên có lẽ chắc họ Chợ Quán đã có được vài ba mươi năm trước năm ấy.

Lại còn tích mới sau nầy làm chứng chắc chắn hơn nữa: Là trong năm 1896, khi Đức Cha Mão (Mgr. Mossard), còn làm cha sở họ Chợ Quán, lúc người mướn công dân đào móng xây nền cất nhà cha sở, gần bên nhà thờ họ, thì có hai người đào được một cái chình vôi đựng bạc đồng, được chừng hơn 200 đồng bạc, rồi hai người ấy giấu đem đi đổi ra mà xài, chừng cha sở hay thì còn lại được vài chục đồng mà thôi; bạc ấy là bạc Hiphanho, hiệu đời thứ 16, có khi là của bổn đạo đời ấy đã chôn, rồi bị chạy giặc mà bỏ lại đó; nên cũng là dấu tích làm chứng họ Chợ Quán đã có trong đời ấy rồi. Lại trong năm 1782, có một cha dòng ông thánh Phanxicô người Hiphanho, tên là cha Odemilla, với một thầy giảng không rõ tên gì, đã bị quân Tây Sơn bắt tại Cái Nhum, đem về cầm tù tại Saigon được chừng một tháng, rồi chúng nó dẫn hai thầy trò vô tại Chợ Quán mà xử trảm; là dấu chỉ quân Tây Sơn biết rõ tại Chợ Quán có bổn đạo đông, nên chúng nó có ý xử cha và thầy tại đây hầu cho bổn đạo thấy hình khổ ghê gớm như vậy hoặc là có sợ mà bỏ đạo đi chăng; nên cũng là dấu chắc họ Chợ Quán đã có lâu năm trước đó rồi.

II. - Họ Chợ Quán cất Nhà thờ trong đời Đức thầy Vêrô

Các việc bổn đạo đời trước làm sao, thuở mới khỉ sự lập họ cách nào, có cất nhà thờ nơi nào không, thì chẳng ai rõ, vì đã biệt tích: mới hiểu được một hai chuyện là từ lúc giữa đời Đức thầy Vêrô về sau mà thôi. Nguyên tích là khi nhà Nguyễn nhờ công khó Đức thầy Vêrô lo lắng giúp đỡ mà phục nghiệp lại yên rồi (1780-1790), thì từ đó đến sau Nguyễn Ánh đã kết ngãi thân quyến với Đức thầy lắm, cho nên việc đạo Thiên Chúa trong địa phận Nam kỳ đã mở mang rộng rãi hưởng được thái bình chừng hơn 30 năm. Trong lúc ấy thì họ Chợ Quán đã có cất một nhà thờ tại chỗ nền nhà thờ họ bây giờ là trong năm 1793-1794. Nghe những người tuổi tác cố cựu trong họ nói nhà thờ nầy cây cột to lớn lắm, nguyên gốc là của Nguyễn Ánh cho bổn đạo Chợ Quán; nên khi dọn nền mà dựng nhà thờ nầy, thì người có cho voi vô giậm nền giùm.

Đến sau khi Đức thầy đi viếng bổn đạo địa phận Bình Định, thì thọ bịnh và tạ thế tại đó trong ngày mồng 9 Octobre 1799, qua 16 Octobre điệu linh cữu người về Gia Định để quàn trọn 2 tháng tại dinh Giám mục, khi đó ở gần vườn thú, chỗ trại lính mả tà bây giờ; đến ngày 16 Décembre mới đưa Đức thầy lên đường mà an táng tại Chí Hòa, chỗ kêu là Lăng Cha cả.

Khi Đức thầy qua đời rồi, đến sau Nguyễn Ánh mới tức vị hoàng đế, xưng niên hiệu là Gia Long (1802-1820).

Vậy kể từ năm 1793-1794 thì mới hiểu được họ Chợ Quán có cất một nhà thờ cao lớn rộng rãi lợp ngói, theo kiểu annam, chính chỗ nhà thờ họ bây giờ. Những người tuổi tác cố cựu trong bổn đạo thuật một chuyện lạ trong lúc dựng nhà thờ nầy, là khi bổn đạo xúm nhau mà dựng giàn trò lên, có nhiều người ngoại đến coi đều ngó thấy nhiều con nít đeo đồ trên đầu cột, cho nên hỏi làm sao người lớn không lên mà đỡ, để bắt con nít nhỏ leo cao như vậy rủi té chết!. Sự thật là không có con nít nào hết, có ít người lớn ở trên giàn trò mà thôi. Song bổn đạo tưởng sự ấy là phép lạ Chúa cho thiên thần lấy hình con trẻ mà đỡ giúp cái giàn trận nặng nề ấy, lại cũng cho kẻ ngoại thấy sự lạ như vậy đặng mở lòng chúng nó trở lại đạo thánh Chúa, vì đời ấy Chợ Quán hãy còn người ngoại ở giữa bổn đạo đông lắm.

Lại cũng nghe nói trong nhà thờ nầy hồi đó có một tượng ảnh ông thánh Antôn Phađua hay làm phước giúp đỡ những người bần khổ, tượng nầy bằng gỗ, cao được chừng 1 thước năm tây. Người ta nói có một hai phen ông thánh nầy lội xuống vũng bắt cá cho một bà đui kia, nghèo khổ mà nhơn đức lắm, tên là bà Mú, ở phía trước nhà thờ. Một bữa lúc tảng sáng, bà nầy thức dậy đi mở cữa thì đạp nhằm cá nằm nơi nghạch cữa, không biết ở đâu mà lội vô đó; sáng ngày người ta mở cữa nhà thờ ra thì thấy có dấu bùn lải rải từ ngoài cữa vô tới bàn thờ ông thánh Antôn, trên bàn thờ và dưới chơn tượng ảnh cũng đầy bùn lắm, người ta phải xách nước rửa cho sạch; cho nên ai nấy đều tin chắc rằng: lúc ban đêm ông thánh Antôn đã lội xuống vũng bắt cá mà cho bà Mú. Chuyện khó tin, song nhiều người bổn đạo quả quyết đã có nghe ông bà cha mẹ nói lại rõ ràng như vậy.

Không rõ cha nào coi họ Chợ Quán hồi làm nhà thờ nầy; đến năm 1814-1815. thì cha Phước coi họ, mà không hiểu cha ở luôn đó cho tới sau hay là có đổi đi đâu, rồi sau trở lại coi họ một bận nữa cho tới chừng Cố Du (P. Marchand) bị ngụy khôi bắt đem về Chợ Quán là năm 1834 thì cha Phước còn ở đó, và sau cha cũng đã bị bắt vô cầm trong thành như Cố Du vậy.

Khi cha Phước bị bắt rồi chẳng khỏi bao lâu thì vua Minh Mạng truyền lệnh sai quan tới đốt phá rụi hết nhà thờ nầy trong ngày 23 Septembre 1834.

III. – Đời Vua Minh Mạng, Thiệu Trị Và Tự Đức

Khi vua Gia Long thăng hà rồi (1820-1841); lúc ấy ông Thượng Công Lê Văn Duyệt, trấn nhậm trong Nam Kỳ Lục tĩnh. Đến năm 1825 vua Minh Mạng giáng chỉ cấm đạo, và dạy bắt hết các thầy cả tây ở trong nước; mà khi đó bổn đạo xứ Nam Kỳ nhờ có quan Thượng Duyệt binh vực bảo hộ, nên còn yên được một lúc. Quan Thượng Duyệt là một vị cận thần quyến thức với vua Gia Long lắm; người đã thấu hiểu công khó Đức thầy Vêrô lo lắng giúp đỡ vua Gia Long buổi trước cho đặng phục quốc, và người cũng rõ hết các lời vua đã trối lại khi gần thăng hà, mà căn dặn “phải yêu mến cùng biết ơn nước Langsa, vì có nhờ các quan Langsa giúp sức thì vua mới phục nghiệp lại được”; bỡi đó cho nên khi ông Thượng Duyệt thấy vua Minh Mạng hạ chi dạy bắt các thầy cả Langsa ở trong nước, thì người không chịu được, bèn trẩy sang kinh đô (Huế) ra mắt chầu vua mà can gián và phiền trách vua sao có vội quên công đức người Langsa đã lo giúp vua cha thuở trước, và vội quên những lời vua cha đã di chúc lại. Vua Minh Mạng nghe ông Thượng Duyệt phân trần thì lấy làm hổ ngươi lắm, song chẳng dám làm chi tới người, vì biết rõ là một vị trung thần quyến ơn nghĩa với vua cha thuở trước, nếu phải cam tâm chịu lời phiền trách ấy, và để bổn đạo ở yên đặng một lúc, cho đến khi quan Thượng Duyệt qua đời, là năm Quí Tị (1833), thì vua Minh Mạng đã hạ chỉ bắt đạo nhặt nhiệm hơn nữa.

Ngụy Khôi. - Lúc ấy Lê văn Khôi nổi dấy ngụy mà chiếm đất Gia Định, và quyết lòng làm mưu kế cho đặng dụ dỗ các cha và bổn đạo theo phe mình, song dù không được, nhưng vậy vua Minh Mạng cũng hồ nghi bổn đạo Nam Kỳ một bụng với Ngụy Khôi, cho nên người truyền lịnh sai binh gia vô Gia Định mà dẹp ngụy, cùng dạy đốt phá nhà thờ nhà thánh và chém giết sát hại bổn đạo nhiều nơi phải tan hoang hết; nên nhà thờ họ Chợ Quán đã bị đốt phá trong cơn ấy.

Khi đó có nhiều nhà bổn đạo họ Tha La trốn chạy xuống trú tại Chợ Quán mà lo xưng tội rước lễ, vì các cha không thể nào ẩn mình tại Tha La được nữa, mà giúp bổn đạo họ ấy.

IV. – Các cha có ở Chợ Quán trong buổi cấm kín.

Từ năm 1833 cho đến khi binh Langsa vô lấy Saigon (1859) nhằm đời vua Minh Mạng (1820-1841) Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1883) thì đã nhiều phen bắt đạo nghiêm nhặt lắm. Khi vua Tự Đức mới tức vị, thì đã hạ chỉ ân xá tha bắt đạo đặng chừng hơn một năm, rồi sau cũng trở lại bắt đạo nhiều lúc nghiêm nhặt hơn buổi trước nữa; cho nên các cha đời ấy phải ẩn ánh luôn, ít khi ở nơi nào cho yên, hoặc mới tới trong họ nầy mà giúp bổn đạo được chừng đôi ba tháng, nghe thế sự không yên, sợ lậu tiếng phải dời qua họ khác, ở ít lâu lại phải dời đi nữa, nên lúc ấy thì biết được tên các cha đã có ở trong họ mà thôi, không chắc cha nào là chánh bổn sở, hay là cha nào đi trốn cơn bắt bớ mà đến trú tại họ, lại cũng không rõ cha nào đã ở được bao lâu, vì chẳng có ai biên chép việc ấy mà làm văn bằng chắc được. Tại Chợ Quán có một hai cha ở được chừng ba bốn năm, còn mấy cha khác thì ở chừng năm bảy tháng mà thôi. Lại bỡi đời ấy số các cha còn thiếu lắm, nên mỗi cha phải lãnh coi một mình năm bảy họ, chín mười họ, khi tới họ nầy, khi sang họ khác, không ở luôn một chỗ lâu ngày được.

Trong năm 1834, khi cố Du (P. Marchand) bị ngụy Khôi bắt đem về để ở tại Chợ Quán, thì lúc ấy cha Phước đang làm cha sở trong họ; năm đó nhơn số bổn đạo họ Chợ Quán kể được chừng hơn 500.

Khi cha Phước bị bắt rồi, và nhà thờ Chợ Quán bị đốt phá tan hoang hết rồi, thì lúc sau có cha Giacôbê (là người annam) cha già Lợi, cha Bề trên Thán hay là Thường, cha Giáo, cha Tùng, cha Tuyết, cha Quờn, cha Vọng, cha Khánh, cha Hạp, cha Tại, cha Chữ, cha Triêm, cha Lộc (tử đạo) và cha già Đoan đã đến ở coi họ hay là đến trú tại Chợ Quán một hai lúc. - Đức cha Ngãi Đôminicô (Mgr. Lefèbvre) cũng đã có đến trú trong họ đôi khi.

Tích cố Du bị bắt và chịu tử đạo, thì sẽ nói nơi phần phụ thêm ở sau.

Còn cha Phước với một học trò là danh Suy cũng đã bị ngụy Khôi bắt sau cố Du, và bị cầm trong thành với năm sáu mươi bổn đạo họ Chợ Quán và họ Thị Nghè, còn kẻ ngoại đông lắm; chừng binh vua vô hãm thành rồi thì chúng nó bắt cha Phước với bổn đạo và kẻ ngoại lộn xộn trong đó; đến sau cha Phước và những kẻ bị bắt trong thành đã phải án xử lăng trì gần mô súng, và chôn chồng đống trong một cái hầm lớn, tục kêu là mã ngụy. Còn cố Du với năm sáu người đầu đảng ngụy thì giải về kinh, đến sau đã xử tại Huế.

Cha Lợi già ở Chợ Quán trong năm 1839-1840, và sau đã qua đời tại nhà bà Huệ (mẹ) ở Chợ Quán, cùng chôn tại nền nhà thờ cũ, nghe nói xác cha hãy còn nằm lối căn giữa nhà thờ mới bây giờ.

Cha Bề trên Thán hay là Thường, có ở coi họ Chợ Quán lối năm 1846-1847, và khi ông Lái Gẫm (Matthêu) chịu tử đạo tại dãy bánh tráng, miệt Chợ Đủi, thì cha Thán có trộm ẩn giữa thiên hạ đặng đi đến chỗ pháp trường mà làm phép giải tội lòng lành cho ông Lái. Trong năm 1847-1848 cha Bề trên Thán có xức trán cho đồng nhi tại Chợ Quán hai lần; một lần tại nhà ông thầy Nhiên, khi đó ở gần chỗ nhà khách ngoài cữa nhà phước Chợ Quán bây giờ, và một lần tại nhà ông trùm Lưu, ở chỗ nhà ông phủ Năm ở bây giờ, mỗi lần chừng 12 cùng là 15 người mà thôi. Nghe nói đến sau cha Bề trên Thán bị đày lên miệt Tây Ninh, Biên Hòa, rồi sau cha Đoan đi rước đem về ở tại nhà bà Huệ được vài tháng, cách sau đó thì cha đã trở về Huế.

Cha Đoan có ở tại Chợ Quán một bận trước, lối năm 1848-1849, được chừng 3 năm rồi đổi đi miệt vườn; kế cha Hạp về thế được chừng 2 năm rồi đổi đi nơi khác.

Cha Giáo coi họ lối năm 1854-1855 đến sau đã qua đời tại Khánh Hội, và đem về Chợ Quán chôn tại nền nhà thờ cũ, là chỗ cất nhà thờ họ bây giờ; đến khi đào móng xây nền nhà thờ mới, đào trúng nhằm chỗ chôn cha Giáo, nên đã dời xác cha nơi khác, mà không rõ chôn lại chỗ nào.

Cha Lộc (Phaolồ) thuở nhỏ ở học trò với cha Phước, lúc người làm cha sở Chợ Quán; khi lớn lên đi học Nhà trường Pinăng, rồi sau trở về chịu chức thầy cả trong năm 1857, cùng ở dạy học trò trường nhỏ Latinh tại Thị Nghè. Khi ở đó không yên thì Đức Cha dạy bãi trường cho học trò về nhà cha mẹ, rồi cha Lộc chạy vô ẩn tại Chợ Quán ít tháng, nhằm lúc cha Chữ với cha Triêm đang ở trong họ, là năm 1858. Đến sau cha Lộc trở về Thị Nghè thì đã bị bắt tại đó trong tháng Décembre 1858. - Khi cha Lộc ở trong tù thì có nhắn cha Triêm đến làm phước cho người; qua ngày 13 Février 1859, khi quan annam nghe tàu chiến Langsa đã vô tới Cần Giờ rồi, thì quan quân lật đật dẫn người đem ra chém tại trường thi, gần chỗ góc đường Paul Blanchy và đường Chasseloup Laubat bây giờ. Chừng bổn đạo Chợ Quán nghe tin ấy, thì có đôi ba người đi với bà Nở và ông tổng Đàng (khi đó làm biện họ) ra tại Trường thi mà xin lãnh xác cha Lộc, đem về chôn tại đồng Mật Cật, đến sau Đức Cha dạy lấy cốt đem về để tại Nhà Trắng Saigon. - Tòa Thánh đã xét vụ cha Phaolồ Lộc chịu tử đạo và đã tặng phong người lên bực Chơn phước trong ngày 2 Mai 1909.

Cha Triêm là cha giữ việc cho Nhà Chung, có ở Chợ Quán từ lối năm 1856 cho tới năm 1859.

Cha Chữ có ở Chợ Quán một ít lâu, và đã bị bắt hụt một lần tại nhà ông trùm Xuân. (Coi tích ấy nơi phần Phụ thêm ở sau.)

Lúc cuối năm 1858 cha Hạp đang coi họ Bà Rịa mà ở đó quan quân tầm soát bắt bớ nhặt nhiệm lắm, không thể ẩn được, nên cha Hạp chạy lên Chợ Quán trú tại nhà ông trùm Huy một ít lâu; đến tháng giêng năm 1859 ở Chợ Quán không yên nữa, nên người phải lánh thân đi ở nơi khác.

Trong năm 1858-1859, cha Đoan trở về làm cha sở họ Chợ Quán một bận nữa, và ở đó luôn cho tới năm 1863.

Đức Cha Ngãi Đôminicô (Mgr. Lefèbvre) cũng có đến trú tại Chợ Quán hai lần trong năm 1856-1857 và 1858, và lúc ngài đang trú tại Thị Nghè 1855-1856 ngài có đến xức trán một lần tại nhà ông câu Oai, ở phía sau nhà thờ họ bây giờ; đến năm 1862 ngài có đến xức trán một lần nữa đông lắm, tại nhà ông trùm Lưu.

Cách ăn mặc các Cha đời xưa

Bỡi đời xưa vua quan annam hằng bắt đạo luôn, nên các cha đời ấy phải ăn mặc như người thường, để tóc cùng bới và bịt khăn đen, khăn điều hay là khăn dà, các cha tây cũng vậy, mặc áo thùng rộng tay, vạt xuống tới ngang đầu gối, hoặc màu đen hay là màu dà, cùng là mặc áo cặp trong trắng ngoài đen, đội nón ngựa, cầm dù giấy, vắt đây bộ (là hai cái đây có hai sợi dải dài nối nhau để vắt ngang vai, thòng xuống một cái trước ngực một cái sau lưng, trong đây đựng trầu cau thuốc giấy), theo cách mấy thầy thuốc hay là là hương chức làng đời ấy, cho dễ giả dạng mà đi nơi kia nơi nọ thăm viếng giúp đỡ bổn đạo, cho người ta đừng biết mình là thầy cả. Có cha thì giả là người đi buôn bán dạo, khi nào muốn đi đâu thì xếp đồ lễ, ảnh tượng sách vở gói trong mo cau, rồi sắp đồ đó dưới gánh, còn trên thì chất thuốc bánh hay là trầu cau cùng là đồ gì khác, rồi mặc áo vắn ra đi với một ông biện, hay là với một đứa học trò cũng mặc đồ vắn, thầy gánh một gánh, trò gánh một gánh, thiên hạ thấy tưởng là đi buôn bán dạo mà thôi, chẳng ai dè đó là thầy cả. Lại cũng có một đôi khi quới chức họ hay là bổn đạo, phải đưa Đức cha hay là các cha ở họ nầy sang qua họ khác cách xa nhau mà phải đi đường sông, thì bổn đạo bày đồ trận dọn ra giả là ghe đám cưới hay là ghe đám xác mà đi, cho khỏi bị mấy phần thủ ở dựa sông bắt ghé lại mà xét, vì đời cựu trào không có tra xét những ghe đám cưới hay là đám xác đi dọc đàng. Hoặc có khi dọn hàng hóa giả là ghe đi buôn bán, rồi khi đi tới mấy khúc có đồn thủ, thì giấu các cha ở dưới khoang ghe, hay là sau bòng lái, hoặc nhằm lúc bắt bớ nhặt lắm, thì có một đôi khi phải để các cha nằm trong buồm mà cuốn lại, cho đặng trẩy qua mấy nơi hiểm nghèo nữa.

IV. – Mấy nhà tại Chợ Quán có cha đến làm lễ

Từ năm 1835 cho tới 1859 họ Chợ Quán không có nhà thờ, không có nhà cha sở, cho nên các cha phải ở ngụ trong nhà bổn đạo, khi tới nhà nầy khi đi nhà khác, ở nhà nào thì nhà nấy lo việc cơm nước cho cha dùng. Còn quí chức họ thì thay phiên với nhau một khi một ông theo giúp đỡ cha khi có việc cần, hay là khi có kẻ liệt thì biết cha ở đâu mà rước đi làm phước.

Khi các cha đi tới nhà bổn đạo mà trú ngụ như vậy, rủi có gặp người ngoại lối xóm tới chơi thấy kẻ lạ mặt mà hỏi thăm chủ nhà cho biết là ai đó, thì thường khi chủ nhà nói là bà con xa đi thăm. Còn thường khi rủi có người ngoại thấy biết cha ở trong nhà nào, thì chừng người ấy ra về rồi, cha lo dọn đi ẩn nhà khác, không dám ở lại nhà đó nữa, vì sợ lậu tiếng phải khốn khổ cho nhà ấy.

Các cha tới ngụ nhà nào thì làm lễ trong nhà ấy. Làm lễ thì làm hồi một hai giờ khuya, không dám để tới sáng, mà hễ bổn đạo nghe nói có cha làm lễ tại đâu, thì lén rủ nhau đi tới đó hồi canh tư, xúm xít ở ngoài hè, chờ cho trong nhà thức dậy thắp đèn bàn thờ cho cha làm lễ thì mới vô mà xem lễ.

Mỗi lần đi xem lễ như vậy thì được chừng vài mươi người lớn, thường không cho trẻ nhỏ đi theo, vì con nít biết có cha làm lễ nơi nào, rồi nó không kín miệng, nói vậy ra người ngoại hay khó lòng lắm.(Con nít hay là trẻ nhỏ đời ấy, là từ 17 cùng là 18 tuổi sấp xuống.)

Đời cựu trào không có đàng sá rộng lớn như bây giờ, nên xóm Chợ Quán nhiều nơi còn cây cối rậm rạp sầm uất lắm; khi các cha đến trú tại họ thì thường hay làm lễ trong mấy nhà, là mấy chỗ khuất tịch vắng vẻ hơn các nơi khác, như nhà ông trùm Xuân, cũng kêu là ông trùm Mô, chánh tên tộc là Đinh công Sửu, là cha ông tổng Đàng, hồi đó ở chỗ đất bà tư Thủ ở bây giờ; nhà ông trùm Huy, là ông ngoại bà Đốc phủ Quảng; nhà ông câu Oai, ở phía sau nhà thờ họ Chợ Quán bây giờ; nhà ông thầy Nhiên, là cha ông thầy Giáo, khi đó ở gần chỗ nhà khách Nhà phước bây giờ; nhà ông hai Diện là ông già tám Thu, ở chỗ ông Hộ Đề ở bây giờ; nhà ông biện Thiệt, ông năm Đông, bà Huệ (mẹ) là mẹ bà hai Huệ, bà câu Loan, ở phía sau Nhà phước Chợ Quán, và nhà ông biện Ngỡi, ở chỗ cô tư Liên ở bây giờ. Nhà ông trùm Xuân và nhà ông trùm Huy thì các cha hay ở thường, còn mấy nhà kia thì có cha đến làm lễ một hai khi mà thôi chớ không có ở lâu. Còn nhà ông trùm Lưu, ở chỗ nhà ông phủ Năm ở bây giờ, thì có Đức Cha Ngãi (Mgr. Lefèbvre) và các cha đến trú ngụ nhiều phen và có làm lễ tại đó thường, song ít có bổn đạo đến xem lễ, vì khi xưa nhà ấy ở chỗ sầm uất vắng vẻ lắm, ít có ai lai vãng, nên không mấy người biết được trong nhà nầy; cũng còn nhiều chuyện khác đáng nhắc lại, khoản sau sẽ nói.

Ngày Chúa nhựt lễ cả, khi có cha làm lễ, khi không có, vì nhằm lúc cha mắc đi họ khác. Khi không có lễ thì bổn đạo đọc kinh riêng trong nhà mình, không đọc chung vì không có nhà thờ, lại là lúc cấm kín nên bổn đạo đọc thầm với nhau trong nhà mà thôi, không dám đọc lớn tiếng. Còn bàn thờ ở trong nhà thì thường chưng sơ sài 1 ảnh Chuộc tội hay là 1 ảnh nhỏ, hoặc treo một ảnh giấy mà thôi, không có chưng bông đèn nhiều như đời bây giờ, phòng khi hễ nghe động thì gói tượng ảnh cùng là sách vở vô trong mo cau, rồi đem đút treo gian bếp, không ai đi lục xét tới đó làm chi.

Tuy là thường khi bổn đạo không dám tựu nhau mà xem lễ đọc kinh chung cho cháng chường mặc lòng, song nhằm một hai ngày lễ cả, như là Phục Sinh hay là lễ Sinh Nhựt Đ C G, thì quí chức trong họ lo lót tiền bạc cho chức việc làng, rồi sửa soạn nhà ông trùm hay là nhà ông câu, tới chừng cha làm lễ thì bổn đạo tựu đến xem lễ đông hơn thường, bàn thờ có thắp đèn khá, và khi cha làm lễ thì chức việc làng cũng tới canh chừng, sợ rủi quan tĩnh đến thình lình mà gặp việc như vậy thì làng phải mang tai lớn. Ba ngày lễ đèn thì quí chức họ cũng phải lo lót với chức việc làng như vậy, rồi chừng lối 8 giờ tối bổn đạo tựu lại một nơi mà lần hột chung và gẫm đủ 15 sự Thương khó Đ C G như thể bây giờ.

Việc dạy Đồng nhi học xưng tội rước lễ.

Đời ấy không có cha ở thường trong họ mà dạy dỗ đồng nhi nhỏ như bây giờ, cho nên cha mẹ phải lo dạy con cái học kinh học sách phần; con trẻ đời ấy hễ mỗi khi ngồi lại một chỗ mà làm việc gì giúp đỡ cha mẹ ở trong nhà, hay là khi đưa dỗ em ngủ, thì cha mẹ bắt nó đọc kinh đọc sách phần, chớ không có để cho nó hát hoa tình lếu láo như bây giờ.

Lâu lâu có thầy dạy đồng nhi dọn mình rước lễ vỡ lòng, một lần chừng vài chục đứa, dạy trong nhà bổn đạo. Có một lúc thầy sáu (phó tế) Sanh tới ở dưỡng bịnh trong họ, có dạy đồng nhi dọn mình rước lễ một lần, mấy lúc khác thì có cha Thanh, cha Nhu, cha Đậu, khi đó còn làm thầy; còn thường khi ở trong họ thì mấy ông sau nầy dạy; ông thầy Bữu, thầy Chiêu, ông Khả, thầy Số và thầy Nhiệm.

Làng tổng với bổn đạo.

Làng tổng tại Chợ Quán buổi trước là người ngoại đạo hết thảy, thường thì chẳng có sự gì nghịch với bổn đạo, song không có một lòng một ý với nhau, nên bổn đạo phải lo sợ hằng ngày, và rủi khi có xảy ra việc gì, thì bổn đạo phải lo lót tiền bạc cho làng tổng ăn thì mới yên, mà có khi cũng không yên được.

(sẽ tiếp)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét