ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

Họ Chợ Lớn (Annam)

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------

ĐỊA SỞ HỌ CHỢ LỚN

---------------------

HỌ ANNAM CHỢ LỚN

---------------------

Gốc họ Chợ Lớn Annam thì cũng chung với họ Thanh nhơn Chợ Lớn.

Trong năm 1865 thì có cha Philippe thuộc về Địa phận Quảng Đông bên Tàu đã qua tại Chợ Lớn đặng mà lập họ Thanh nhơn, khi ấy thì tại đó chưa có nhà thờ nào hết; có hai nhà có đạo annam mà thôi và tưởng phải nhập với họ Chợ Quán. Bỡi vậy cho nên nói được từ khỉ sự có họ Thanh nhơn thì cũng một lượt mới có họ Annam.

Cho tới năm 1883 đời cha Brillet coi họ Thanh nhơn Chợ Lớn, thấy số bổn đạo annam thêm khá đông (chừng 60 người), thì cha mới dạy cất một nhà nhỏ gần nhà thờ Thanh nhơn, đặng cho bổn đạo annam tựu lại đó mà đọc kinh ngày Chúa Nhựt, Lễ cả trước khi xem lễ, rồi tựu xem lễ chung tại nhà thờ Thanh nhơn. Cha cũng lo cất phố cho mướn, cho nhà thờ có huê lợi mà chi dụng trong việc họ.

Vậy bổn đạo họ Annam chung cùng với bổn đạo Thanh nhơn một nhà thờ, và trường học thì cũng vậy, đồng nhi nam nữ hai họ đều học chung tại trường của cha Định (P. Delpech) đã lập trong năm 1871, cùng giao cho các bà phước dòng ông thánh Phaolồ dạy. Hai họ chung cùng với nhau thể ấy cho tới năm 1898.

Trong năm 1884 cha Phương (P. Hirbec) thế cho cha Brillet, cho tới năm 1885 thì cha Nghi (P. Joseph Martin) đổi lại Chợ Lớn và coi họ cho tới năm 1890. Kế đó thì cha Mão (Đức Cha chánh bây giờ) làm cha sở họ Chợ Lớn; khi cha đến thì số bổn đạo Annam đã nhiều rồi, đặng chừng 150 người, cho nên nhà bổn đạo tựu đọc kinh ra chật quá. Vậy cha Mão dạy đổi lại, là để cho bổn đạo Annam tựu đọc kinh tại nhà thờ cho rộng rãi, còn bổn đạo Thanh nhơn thì tựu tại nhà kinh của bổn đạo Annam; vì số bổn đạo Thanh nhơn kém sút lần, khi ấy còn được chừng 30 người mà thôi. Và từ đây thì nhà thờ họ Thanh nhơn trở nên nhà thờ họ Annam Chợ Lớn cho tới bây giờ; bổn đạo Thanh nhơn cũng cứ xem lễ chung cùng với bổn đạo Annam, cho tới năm 1898 thì mới có cất một nhà thờ riêng cho người Thanh nhơn.

Cha Mão đã lo làm nhà cha sở nới ra rộng hơn, cùng xây một phòng có lầu khoảng khoát; cùng làm trường học và nhà làm việc của các bà rộng thêm, cùng cất một nhà lầu chắc chắn để cho các bà ở.

Cha ở tại Chợ Lớn hai năm, qua năm 1891 thì cha đổi ra coi họ Chợ Quán.

Kế cha Thiết (P. Boutier) đổi lại coi họ Chợ Lớn từ năm 1891 tới 1895. Đoạn cha Đức (P. Moreau) về ở Chợ Lớn ba năm, là từ năm 1895 tới 1898. Kế cha Mầu (P. Mariette) đổi vô coi họ là năm 1898; từ đây thì họ Annam đã phân riêng ra với họ Thanh nhơn và nhà thờ cũ của họ Thanh nhơn trở nên nhà thờ họ Annam, Còn họ Thanh nhơn thì dời đi chỗ khác, và cha Tam (P. Assou) xây dựng một nhà thờ mới tốt lành cách xa nhà thờ cũ một chút, như sẽ kể lại sau, về họ Thanh nhơn Chợ Lớn.

Cha Mầu ở tại Chợ Lớn hai năm, tới năm 1900 thì đổi đi, cha Nghi (P. Joseph Martin) đổi lại, trước cha đã có ở họ Chợ Lớn rồi, là trong năm 1885; cha về đây coi họ đặng hai năm nữa, là từ năm 1900 tới 1902, sau đó thì cha Bộ (P. Bosvieux) coi họ Annam Chợ Lớn đặng một năm; tới năm 1903 thì cha Sanh (P. Colson) đổi vô Chợ Lớn và ở đó gần mười năm, là từ năm 1903 tới 1913; mà lối cuối năm 1907, cha đau nên xin nghỉ, thì Đức cha dạy cha Sắc (P. Cransac) thế trong chừng bốn năm tháng mà thôi; vì khi cha Sanh mạnh rồi thì xin trở lại họ Chợ Lớn, và coi họ cho tới chết, là ngày 19 Juillet 1913, cha Sanh đã tính làm nhà thờ lại cho rộng lớn hơn, vì số bổn đạo Annam tấn thêm luôn: nên cha đã khởi sự phổ khuyến đặng ít nhiều, cùng mua đá gạch đặng mà làm, chẳng hay tới kỳ Chúa gọi cha về cùng Chúa, cho nên chưa khởi công đặng việc gì.

Cha Sanh khoảng rồi thì Đức cha giao cho cha Tam, cha sở họ Thanh nhơn, coi luôn họ Annam, cùng lo làm nới nhà thờ ra cho rộng. Vậy cha Tam đã lo lắng các việc xong xả; tiền bạc của cha Sanh đã xin còn lại một ít, và ít kẻ dưng thêm nữa, thì cha lấy đó mà sửa nhà thờ lại, đem nới ra luôn về phòng áo lễ và một phần nhà cha sở, cho nên nhà thờ ra rộng bằng hai, làm theo hai cánh hai bên, nhà thờ ra hình thánh giá, phá mấy cột gạch xây trong nhà thờ, vì lớn và áng bàn thờ, thế lại cột bằng gang, nhẹ và gọn gàng vững chắc. Cho nên nhà thờ ra rộng rãi khoảng khoát tốt lành. Lại thế cho phần nhà cha sở đã nối vô nhà thờ, thì cha cắt thêm hàng ba xung quanh, cho nên nhà cha sở cũng ra rộng rãi. Cha Tam đã lo làm các công việc nầy trong chừng năm tháng thì hoàn thành.

Vậy nhà thờ họ Annam đã ra rộng lớn thêm, trau giồi tốt lành, nhà cha sở sửa lại đâu đó khoảng khoát chắc chắn vững bền, là cuối năm 1913. Qua đầu năm 1914 thì cha Phước (P. Poitier) tôi lại coi họ Annam Chợ Lớn.

---------------------

HỌ ANNAM CHỢ LỚN

II

--------------------

Vậy đầu năm 1914 cha Phước (P. Poitier) là cựu quan binh, đã đi tu làm thầy cả, kế vị cho cha Sanh mà coi họ Chợ Lớn; cha ân cần lo lắng lắm, đi đầu nầy đầu kia kiếm tìm chiên lạc mà đem về ràn, thôi thúc khuyên bảo giảng dạy, lo cho mọi người đặng bền vững trong đàng chánh. Mà thật cha đã đặng sự an ủi toại lòng, thấy số bổn đạo tấn thêm gần một phần ba, theo sổ năm 1917 thì nhơn số đại tiểu đặng 500 người. Cha đã mua cho nhà thờ 14 chặng đàng thánh giá bằng sành sơn vẽ tốt lành. Cha ở tại Chợ Lớn đặng 3 năm, tới năm 1917 thì Đức Cha đổi người ra coi họ Chợ Đũi.

Cha Phước đi rồi thì cha Tadêu Đức về coi họ Chợ Lớn là trong tháng Juillet 1917, vừa nhậm họ thì phải lo làm nới thêm cánh nhà thờ phía bên hữu cho có chỗ cho bổn đạo xem lễ, cha Phước đã lo làm mà kế đổi đi nên làm không kịp. Cha cũng phải lo dạy đông nhi rước lễ bao đồng và xức trán, nam nữ số hơn 100. Còn số bổn đạo Annam thì tấn thêm luôn; nhưng mà sánh lại cùng số kẻ ngoại ở xung quanh Chợ Lớn, những kẻ còn ngồi trong bóng chết thì biết bao nhiêu mà kể. Lúa chín thì nhiều, mà kẻ gặt thì ít. Nguyện xin Chúa sai thêm nhiều tông đồ đặng dìu dắc đô hội ngoại giáo tại Chợ Lớn về một nẻo Đức tin.

Trường Họ. - Tại họ thì có 2 trường cho đồng nhi nam và nữ học, các bà dòng ông thánh Phaolồ dạy từ ban sơ tới giờ. Trong năm 1890 Đức Cha Mossard khi còn làm cha sở Chợ Lớn đã có nới thêm cho rộng, qua năm 1913 cha Tam cũng có làm nới thêm ra nữa; tới năm 1916 các bà làm thêm cùng cất một nhà lầu lớn để cho học trò ăn học. Các bà lo việc dạy dỗ tại trường, nhà tập may, thêu, và nhà học trò chịu tiền ở ăn học, số các bà là 18 người còn số học trò hết thảy gần 200.

Đất thánh. - Họ không có đất thánh riêng, bổn đạo qua đời thì chôn tại đất thành phố, mà đất nầy thành phố đã giao cho trong họ đặng chôn người có đạo Annam và Thanh nhơn, cho nên kêu là đất thánh của bổn đạo. Gần nơi nầy có một đất thánh để chôn người Tây, đất ấy cũng là của thành phố.

Nhà thương.- Họ cũng không có nhà thương riêng, nhà thương của cha Định đã lập trong năm 1871 để cho các bà giúp, thì sau đã thuộc về thành phố, mà các bà còn ở giúp đó cho tới năm 1904 rồi thôi. Bây giờ thành phố đã làm nhà thương ấy ra rộng lớn thêm nhiều.

Đất nhà thờ. - Đất tại chỗ nhà thờ và mấy nhà của các bà, thì là thuộc về của Nhà Chung. Khi trước là đất của nhà nước, và quan Thủy sư de Lagrandière hồi làm Nguyên soái Nam Kỳ đã dạy lấy bạc nhà nước mà cất nhà thờ tại đó. Đến năm 1905, thành phố Chợ Lớn cần dùng một miếng đất khác cách xa đó, mà là của Nhà Chung, cho nên đã xin Đức cha đổi với miếng đất tại nhà thờ, kể luôn về nhà thờ nữa. Cho nên từ ấy tới rày thì đất và nhà thờ đã thuộc về của Nhà Chung.

– Tại họ cũng có chầu nhưng học kinh nghe dạy luôn, mà không bao nhiêu, nhơn dân ngoại thảy đều mắc lo buôn bán làm ăn, cho nên cũng khó bề trở lại đạo lắm.

- Trong họ chưa có học trò nam đi trường Latinh, mà có ba bốn trinh nữ đã vào nhà Trắng và một người vào nhà Kín Saigon.

Nguyện xin Chúa xuống ơn cho họ nầy cho nhiều, hầu một ngày một đặng nới thêm ra, cho nhiều người ngoại giáo tại Chợ Lớn đặng nhìn biết Hội Thánh Chúa, mà trở nên một ràn đầu phục một kẻ chăn là Đ C G Khirixitô là Chúa chúng ta.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét