ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Tại sao không hề có cách gọi "sau Công nguyên"?

 Đọc lai rai giải khuây chơi...

Tại sao không hề có cách gọi "sau Công nguyên"?

Cách gọi "trước Công nguyên", kỳ thực, là một sự làm xiếc chữ nghĩa không hơn không kém, khi vẫn HOÀN TOÀN dựa vào "cột mốc" về sự ra đời của Chúa Jesus Christ để phân kỳ lịch sử nhân loại - với thuật ngữ "B.C" (Before Christ); nhưng thay vì gọi "trước Chúa ra đời" thì sửa màu mè thành "trước Công nguyên" (đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1173745069726138)

1) Cái rồi, nhiều người vội suy đoán đã có "trước công nguyên", ắt phải có ... "sau công nguyên".

Cũng rứa, thấy có "trước Chúa Christ (ra đời)" bèn suy đoán ắt phải có "sau Chúa Christ (ra đời)" - ngặt cái là có "B.C" (Before Christ) nhưng không hề thấy tiếng Anh ghi "A.C" gì ráo (được hiểu là... After Christ) mà chỉ thấy có "A.D"! Thấy vậy, các thầy bói mò bèn suy diễn "A.D" là ... "After Death" (sau cái chết của Chúa Christ).

Đừng cười, trên một số trang mạng có ghi cách phân kỳ là "sau công nguyên", "sau Chúa Christ (ra đời)", "sau cái chết của Chúa Christ" - kêu bằng là uống mật gấu nên mới giải nghĩa liều mạng cỡ đó!

2) Hoàn toàn KHÔNG có thuật ngữ A.D nào lại mang cái nghĩa đoán mò ... "after death" ("sau cái chết của Chúa Christ"). Vì sao vậy?

Tỉ như có hai thời điểm làm cột mốc : kỷ nguyên "trước Chúa ra đời" và ... kỷ nguyên "sau khi Chúa chịu chết", tức là có năm -1 (năm thứ nhất trước Chúa ra đời) và năm +1 (năm thứ nhất sau khi Chúa chịu chết).

Vậy, suốt thời gian 33 năm Chúa Jesus Christ hiện diện trên trần thế, thuộc vào kỷ nguyên nào? Không thể thuộc kỷ nguyên: -1 trở ngược về trước (trước khi Chúa ra đời), cũng không thuộc kỷ nguyên: +1 trở về sau (sau khi Chúa chịu chết).

Đó là nghịch lý không tài nào sắp xếp được, sái não là cái chắc! Đến đây ắt quí bạn hiểu vì sao trong bộ lịch Gregory ("dương lịch" đang xài) sử dụng thuật ngữ "A.D": "Anno Domini" (nghĩa là "Năm của Chúa cứu độ") chớ không phải... "After Death".

Tức là kể từ năm Chúa Christ giáng sinh / hiện diện trên cõi trần thì bắt đầu kỷ nguyên của Chúa cứu độ! Năm nay là năm 2021, trong tiếng Anh ghi "A.D 2021", nghĩa là năm thứ 2021 Cứu độ của Chúa Jesus Christ.

3) Có kỷ nguyên "trước lúc Chúa giáng sinh" (B.C), nhưng KHÔNG có cái gọi là kỷ nguyên "sau khi Chúa giáng sinh". Vì sao?

Ngay sau khi hài nhi Jesus Christ được Đức Maria hạ sinh nơi máng cỏ Bethlehem, không có cách gì để tính đếm vào giờ giấc nào thì ... bắt đầu kỷ nguyên "sau khi Chúa giáng sinh"! Thành thử không hề có thuật ngữ phân kỳ gọi là kỷ nguyên "sau Chúa Christ ra đời".

THAY LỜI KẾT

Chỉ có kỷ nguyên "BC" (trước Chúa Christ ra đời), cũng tức là chỉ có "trước Công nguyên" (một cách gọi, xin nhắc lại, là sự làm xiếc chữ nghĩa mà trong bài ghi link ở trên, trong đó có diễn giải phân tích).

Và cũng chỉ có kỷ nguyên "AD: Anno Domini", cũng tức là chỉ có cách gọi "Công nguyên".

Hoàn toàn không có kỷ nguyên "sau Chúa Christ (ra đời)", và hoàn toàn cũng không có cái gọi là "sau Công nguyên" ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Đánh tráo khái niệm, làm xiếc chữ nghĩa không hơn không kém!

 ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM, LÀM XIẾC CHỮ NGHĨA KHÔNG HƠN KHÔNG KÉM!

/1/ Cách gọi "BCE" (Before Common Era: Trước Công nguyên) & "CE" (Common Era: Công nguyên) chỉ là sự đổi chữ lớt phớt trên bề mặt, kỳ thực cách tính niên đại vẫn HOÀN TOÀN dựa vào sự phân kỳ "BC" (Before Christ: Trước Chúa Jesus Christ ra đời) & "AD" ("Anno Domini", tiếng La tinh, nghĩa là "In the Year of Lord", "Năm của Chúa cứu độ") đã có từ rất lâu. Từ lúc nào? Diễn giải ở /2/.

Chẳng hạn, khi quí bạn đọc tiếng Anh sẽ thấy ghi năm nay như sau: "2021", hoặc "A.D. 2021" (A.D, ở đây, là viết tắt "Anno Domini")...

/2/ Chúng ta, người Việt, hàng ngày đang dùng "Dương lịch Tây phương", chính là đang dùng BỘ LỊCH GREGORY đó đa!

Theo bộ lịch Gregory, thời gian được phân định như sau: một năm có 365 ngày (bốn năm sẽ có một năm nhuận 366 ngày), chia làm 12 tháng, tháng 1,3,5,7,8,10, 12 có 31 ngày, tháng 4,6,9,11 có 30 ngày (tháng 2 là 28 ngày, năm nhuận thì 29 ngày).

Mọi sự tính toán thiên văn đều có độ sai lệch nhứt định, dĩ nhiên, tuy nhiên bộ lịch Gregory vẫn là bộ lịch có mức độ khoa học cao nhứt, chưa có bộ lịch nào thay thế được! Thành thử bộ lịch Gregory cho đến nay vẫn đang được áp dụng trên qui mô toàn thế giới.

Trong bộ lịch Gregory, do đức Giáo tông Gregorius XIII (Pope Gregory XIII) ban hành vào thế kỷ 16 (dựa vào những nghiên cứu thiên văn của hội đồng khoa học gia thuộc giáo hội Công giáo), chính thức áp dụng sự định danh trong phân kỳ lịch sử nhân loại - bằng hai thuật ngữ "B.C" (Before Christ), và "A.D" (Anno Domini).

/3/ Vì sao lại nảy nòi cách gọi "công nguyên" (kỷ nguyên chung, kỷ nguyên thông dụng: Common Era) & "trước công nguyên" (Before Common Era)?

Gọi "Common" (chung, thông dụng), nghĩa là sao? Mang nghĩa hết sức đơn giản: bởi vì đây dựa trên một bộ lịch được dùng thường xuyên, thông dụng nhứt là Bộ lịch Gregory (the word "common" simply means that it is based on the most frequently used calendar system - the Gregorian Calendar).

Ủa, nếu đã mượn lịch Gregory để dùng, sao không trung thực và tôn trọng cách phân kỳ trong nguyên bản của Gregory - là "BC" (Before Christ) & "AD" (Anno Domini)?

/4/ Lý do đơn giản nhứt để sử dụng cách gọi "BCE" (trước công nguyên) & "CE" (công nguyên) là để tránh tham chiếu đến Ki-tô giáo ("to avoid reference to Christianity")!

Cái lý do vừa dẫn trên, té ra, cũng được lặp đi lặp lại ở một số người VN, kiểu như "tôi không phải Ki-tô hữu / Cơ đốc nhân" (Christian) nên tôi không cần phải gọi BC (Before Christ) & AD (Anno Domini)!

Ủa, những ông tây bà đầm và một số người Việt nào nếu có đủ tài trí thì tạo ra một bộ lịch khác mà xài đi, để khỏi gọi "BC" & "AD", mắc gì phải mượn lịch Gregory?

Một sự trung thực tối thiểu cần phải có, mà cũng phải "sân si", đánh tráo khái niệm hay sao?

/5/ Bằng đầu óc phê bình khoa học cho thấy: cách gọi "trước công nguyên", "công nguyên" chỉ nằm trên bề mặt mà thôi, chẳng làm thay đổi được bản chất của cách ghi niên đại, do vậy, là "vô nghĩa" (meaningless)!

Bởi vì niên đại / cách phân kỳ thì vẫn y chang, vẫn phải lấy điểm tham chiếu là sự ra đời của Jesus Christ! Chẳng hạn, khi ghi "năm 300 trước Công nguyên" thì vẫn là một với "năm 300 BC (trước Chúa giáng sinh)", ghi "năm 2021 công nguyên" thì vẫn là một với "năm 2021 AD (2021 năm Chúa cứu độ)".

* Tôi muốn gợi ý một ví dụ để cùng suy nghĩ:

Như "tiểu hành tinh Luu" (ghi tên nhà khoa học VN quốc tịch Mỹ: Lưu Lệ Hằng), ồ, đâu phải cô Lưu chế tạo ra tiểu hành tinh, mà đây là sự phát hiện / khám phá (hồi năm 2016). Nhưng, vì sao vẫn ghi "tiểu hành tinh Luu", nêu tên nữ khoa học gia? Vì đó là biểu hiện của sự tôn trọng, là cách hành xử văn minh.

Thời gian cũng rứa, ngài Gregory XIII & cộng sự viên của Giáo hội Công giáo đâu "phát minh" ra thời gian; NHƯNG ở đây là sự khám phá vòng tuần hoàn của thiên thể để từ đó đặt ra một bộ lịch. Thành thử cách hành xử văn minh, ở đây, là gì?

Là cần biết tôn trọng cách gọi "BC" & "AD" của Gregory XIII.

----------------------------------------------------------------

Hình ảnh (hàng trên): Ngài Gregory XIII, vào thế kỷ 16 ban hành một bộ lịch mà cho đến hiện nay vẫn đang được áp dụng trên toàn thế giới.





Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

"Đại Lộ", " Cảng Hàng Không" là cách dùng đúng; "Hàng Không Mẫu Hạm", cũng rất đúng, sao chưa dùng?

"ĐẠI LỘ", "CẢNG HÀNG KHÔNG" LÀ CÁCH DÙNG CHỮ ĐÚNG;

"HÀNG KHÔNG MẪU HẠM", CŨNG RẤT ĐÚNG, SAO CHƯA DÙNG?

* Thói cố chấp trong cách dùng chữ, mất đứt mấy chục năm thì mới chịu nhìn ra; tuy nhiên, di chứng thì vẫn còn!

&1&

"ĐẠI LỘ" là cách đọc bằng tiếng Việt trước mặt chữ (tiếng Tàu Bắc Kinh đọc /đa lù/). Diễn nôm "đại" là to, lớn; "lộ" là con đường; nhưng không ai ngớ ngẩn ghi bảng "Đường to Trần Hưng Đạo", mà phải là "Đại lộ Trần Hưng Đạo"! Sao vậy?

1a) Trước hết, về mặt ngôn ngữ.

Bất giác mà nhớ lại, nực cười hết sức khi từng có ý kiến cho rằng "đường to" mới là ... làm trong sáng tiếng Việt. Ủa, vậy mắc gì không tiếp tục cái luận điệu "trong sáng" mà ghi "Đường to Trần Hưng Đạo", để gọi là giữ vững lập trường? Thử ghi đi, người ta cười cho thúi đầu.

Phong trào "hồng vệ binh" đi công kích những chữ nghĩa "Việt-Hán" (Hán-Việt) có tác dụng đẩy nhiều người rơi vào sự u mê vô tình trước di sản ngôn ngữ Việt nói chung. Tôi đã có nhiều bài viết về chủ đề này rồi, nên khỏi nhắc nữa, phí thời gian.

Dẫn thêm ví dụ đọc chơi thôi, đó, "phu nhân" là âm Việt-Hán, "vợ" thì hết sức Việt luôn, nếu đâm đầu tin vào cái bình phong của luận điệu "làm trong sáng tiếng Việt" thì ... lẽ ra các báo phải ghi "Thủ tướng và vợ" chớ? Ồ, hết thảy đều ghi "Thủ tướng và phu nhân".

"Đại lộ", "phu nhân", "đường to", "vợ"... cũng đều nằm trong di sản ngôn ngữ Việt, không bên trọng bên khinh.

1b) Về mặt kỹ thuật:

"Đại lộ" là một thuật ngữ kỹ thuật trong giao thông công chánh, phải hội đủ một số tiêu chuẩn theo qui định thì mới được gọi là "đại lộ". Còn gọi "đường to" thì ... vô chừng lắm, ở tuốt trong vùng sâu đi đường hẹp té cỡ 1m, ra gặp con đường rộng cỡ hơn 2m thôi thì đã hô toáng lên là "đường to" chớ còn gì nữa!

&2&

2a) Cũng rứa, đối với "hạm" - đây là cách đọc bằng tiếng Việt đối với chữ (tiếng Tàu đọc khác, là /jiàn/). "Hạm" là một thuật ngữ kỹ thuật trong hàng hải, phải hội đủ một số tính năng kỹ thuật nào đó theo qui định bên hải quân thì được gọi là "hạm".

Và để nhấn mạnh chiếc "hạm" chính trong một hạm đội, gọi là "mẫu hạm" - đây là cách đọc bằng tiếng Việt trước hai chữ (tiếng Tàu Bắc Kinh đọc khác, là /mǔ jiàn/).

2b) Coi "ngộ" lắm đa. Đọc báo VN trong nước, khi đưa tin về lực lượng hải quân VN ghi rõ rành những chữ như "hạm đội", "chiến hạm"... chớ đâu phải chỉ biết trên đời này có mỗi cách gọi là "tàu"!

Vậy, vì sao vẫn cứ gọi là "tàu" - trong cụm chữ "tàu sân bay" (Aircraft carrier) - mà không chịu đổi sang cách gọi là "hạm"?

2c) Nhắc lại cái chữ "Airport", có một thời gian dài cứ chăm bẳm gọi là "sân bay", nhưng hiện nay đã chính thức đổi sang cách ghi là: "cảng hàng không" - "Air" là "hàng không", "port" là "cảng" đó đa!

Vậy, "Air" (trong "Aircarft carrier") mắc gì không chuyển sang gọi là "Hàng không" cho thức thời, đồng bộ?

Chuyển ngữ "Aircraft carrier" là: "Hàng không hạm". Và bởi vì "Aircraft carrier" là chiếc hạm chính, to đùng, bự chảng, thành thử gọi thành "Hàng không mẫu hạm" thì càng hợp lý hơn nữa.

&3&

Ở Miền Nam trước 1975, dùng những chữ như "đại lộ", "trực thăng", "hàng không mẫu hạm", "tiểu học", "trung học"... là đều được suy nghĩ thấu đáo.

Sau tháng 4 năm 1975, nông nổi cách (cái) mạng chữ nghĩa, những chữ vừa dẫn bị ném đá, đề cao cách gọi như "đường to", "máy bay lên thẳng", "tàu sân bay", "cấp 1", "cấp 2"...

Rồi, rốt cuộc, bây giờ "giác ngộ" được cách dùng chữ của người miền Nam trước 1975 là hợp lý hơn - nên đã gọi là "(máy bay) trực thăng", "tiểu học", "trung học"..., cũng không còn cái sự hóng hớt đề cao "đường to" mà dùng chữ "đại lộ" coi đàng hoàng hơn hẳn.

Riêng cách gọi "Hàng không mẫu hạm" chưa được may mắn, vẫn còn bị "xui", chưa được dùng lại. Nhưng, cũng chỉ là kéo dài thời gian nhúc nhích mà thôi (giống như đã từng hăm hở ném đá mấy chữ như "trực thăng", "tiểu học"...).

Muộn màng cách mấy đi nữa, cũng sẽ đến lúc "giác ngộ" trong cách dùng ngôn ngữ. Cố ý làm chậm sự thay đổi, để chi? Mắc mệt.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt


Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

" Thánh", mà lại không phải là "Thánh"!

 "THÁNH", MÀ LẠI KHÔNG PHẢI LÀ "THÁNH"!

Tiếp theo sau bài viết "Hiểu cho đàng hoàng, đừng giải thích bừa" (https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1175725029528142). Đây nói thêm về danh xưng "đức Thánh Cha" (the Holy Father) dành cho vị đứng đầu Giáo hội Công giáo thế giới. Cái chữ "Thánh" ("Holy") dễ khiến cho nhiều người lấy làm thắc mắc: ủa, ngài Francis (Pope Francis) đang sống cõi trần chớ có phải đã qua đời trở thành vị thánh đâu, mà lại đi xưng là "Thánh"?

Cũng bởi chữ nghĩa làm sái não chút đỉnh đó thôi. Ở đây, "holy" của ngài Francis không mang nghĩa là vị thánh ông thần gì hết trơn hết trọi.

* "Holy" quả nhiên khi dịch sang tiếng Việt là "thánh", nhưng - chú ý - "Saint" dịch qua tiếng Việt cũng là "Thánh"! Các vị như Peter (Phê-rô), Paul (Phao-lô), Valentine (Va-len-ti-nô)... là SAINT; còn ngài Francis (Phan-xi-cô) đang điều hành Vatican được gọi trang trọng là "HOLY" (Holy Father) chớ không phải "Saint"!

/1/ "Thánh" là âm Việt của chữ . Nói cách khác, cái chữ khi đọc qua tiếng Việt là "thánh".

Mà "thánh" () mang nghĩa là "thần thánh", khỏi nói, nhiều người cũng biết rồi; nhưng "thánh" () đâu chỉ mỗi một nghĩa như rứa!

/2/ "Thánh" được dùng để chỉ người có học thức hoặc tài năng đáng nể, như “thi thánh” 詩聖 - nghĩa là người làm thơ hay ơi là hay, hay đến mức tuyệt đỉnh (chớ không phải nhà thơ đó ... phủi chân bước lên bàn thờ, biến thành ông thánh có quyền năng siêu nhiên biết làm phép lạ).

/3/ "Thánh" còn được dùng như một kính ngữ, tức là danh xưng mang tính chất tôn trọng đặc biệt, tôn quí - như hồi xưa, những lời dạy bảo của vua được gọi trang trọng là “thánh huấn” 聖訓 (chớ không phải là lời dạy bảo của ông thánh nào trên trời ráo trọi).

Tới đây, ắt quí bạn hiểu rồi, "thánh" (trong danh xưng "the Holy Father") mang nghĩa /2/, hoặc /3/, hoặc cả hai, chớ không mang nghĩa /1/.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt