ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

"Ăn cháo đá bát" khi quên béng tiền nhân đất phương Nam

 "ĂN CHÁO ĐÁ BÁT" KHI QUÊN BÉNG TIỀN NHÂN ĐẤT PHƯƠNG NAM

Thường khi chúng ta nói với nhau "gìn giữ truyền thống" tức cùng nhau có ý thức về trân quý quá khứ (sử học, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng...). NHƯNG, nếu quí bạn chứng kiến những kẻ "ăn cháo đá bát" đối với lịch sử, quên béng công lao tiền nhân, những kẻ đó mở miệng nói tới "bảo tồn di sản", "gìn giữ truyền thống" thì quí bạn có tin vô miệng lưỡi của họ hay không?
Câu trả lời, tôi nghĩ, là KHÔNG.

*&*
Đây nói chuyện tượng đài, bởi cách nào đó, tượng đài là cách minh thị giữa trời đất về dòng chảy lịch sử, cho thấy tâm tình nhớ ơn bao đời tiền nhân.

Nếu nhìn tượng đài để phần nào hình dung những đường nét chính trong dòng chảy lịch sử, ắt phải ngỡ ngàng: không lẽ tpHCM (đổi tên từ Sài Gòn từ năm 1976) là "từ trên trời rơi xuống" hay sao?

Bởi vì KHÔNG có lấy một quảng trường/tượng đài Chúa Tiên NGUYỄN HOÀNG, người khởi lập Đàng Trong - mà từ việc định cõi này mới mở rộng gồm cả vùng đất phương Nam, trong đó có Sài Gòn - Gia Định!

Rồi những bực danh nhân nối nhau làm Tổng trấn Gia Định thành (mang danh "Gia Định thành" nhưng cai quản cả vùng Nam kỳ) là LÊ VĂN DUYỆT, TRƯƠNG TẤN BỬU, NGUYỄN HUỲNH ĐỨC - thảy đều có công trạng lỗi lạc làm cho vùng đất phương Nam trở nên trù phú.
Sao KHÔNG dựng nên tượng đài Lê Văn Duyệt, tượng Trương Tấn Bửu, tượng Nguyễn Huỳnh Đức uy nghiêm giữa không gian thành phố?

Trên lãnh vực giáo dục, văn hóa tại đất Sài Gòn-Gia Định này, nổi bật với nho sư VÕ TRƯỜNG TOẢN đi tiên phong mở trường dạy học đào tạo bao nhân tài cho Sài Gòn - Gia Định nói riêng, cả miền Nam nói chung. Rồi, nổi bật và đáng hãnh diện về TRƯƠNG VĨNH KÝ, nhà bác học tài danh với công trạng phổ biến chữ Quốc ngữ. Quá xứng đáng để hậu bối chúng ta phải tạc tượng nhớ ơn!

Sao KHÔNG dựng tượng đài Võ Trường Toản nơi quảng trường, thể hiện đạo lý "tôn sư trọng đạo"?
Tệ hại hơn, đã có tượng đài rồi - như tượng đài nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhưng sau năm 1975 thì "bức tử", dẹp bỏ!

*&*
Những giới chức có thẩm quyền đối với "gìn giữ truyền thống", "bảo tồn di sản", họ có biết trân trọng công lao tiền nhân của đất phương Nam này hay không?

Cả một đô thị lớn nhứt nước, trung tâm của đất phương Nam, mà không có nổi một tượng đài tiền nhân (ở trên, tôi mạo muội nêu lên 6 vị nổi bật, không thể quên). Không có ngày xưa, lấy gì có hôm nay? Cắt đứt quá khứ nguồn cội, hệt như "từ trên trời rơi xuống" hoặc "từ dưới đất chui lên".

Tệ bạc quá, vậy mà họ không chút ngượng ngùng khi sống trên một vùng đất thấm đẫm công lao của các tiền nhân phương Nam.

Tin tưởng gì nổi trước não trạng cũng như năng lực của những ban ngành gọi là "gìn giữ truyền thống" (trong đó có việc xây dựng tượng đài / quảng trường)?

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
--------------------------------------------------------------------
Hình 1: Chúa Tiên Nguyễn Hoàng;

Hình 2: Tổng trấn Lê Văn Duyệt;

Hình 3: Tổng trấn Trương Tấn Bửu;

Hình 4: nho sư Võ Trường Toản,  chỉ quanh quẩn trong những đền miếu, mà không được trân trọng tạc dựng tượng đài nơi quảng trường!

Hình 5: Tượng đài nhà bác học Trương Vĩnh Ký (gần Nhà thờ Đức Bà) bị bứng đi, dẹp bỏ.







Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Chọn múi giờ - Vì "Quốc kế dân sinh"/ Vì quyền lực chánh trị... (kỳ 2)

Kỳ 2: CHỌN MÚI GIỜ - VÌ "QUỐC KẾ DÂN SINH" / VÌ QUYỀN LỰC CHÁNH TRỊ...
* Chọn "múi giờ pháp định", tùy vào chiến lược phát triển quốc gia của giới chức hữu trách.

I/ Nói nào ngay, việc phân chia ra các đường kinh tuyến hết thảy là "đường tưởng tượng" do giới thiên văn QUI ƯỚC - theo đó trái đất được chia thành 24 cột kinh tuyến, tức 24 múi giờ. Việc phân định múi giờ, dù vậy, vẫn có những chênh lệch & tranh biện trong giới thiên văn học (quá phức tạp trong chuyên môn, đây không bàn làm gì) - chúng ta quen gọi là giờ GMT (sau này còn gọi là giờ UTC).

II/ Thành thử việc chọn múi giờ - do giới khoa học kinh tuyến vẽ ra - không bị buộc phải theo một luật định nào ráo trọi. Mà tùy mỗi quốc gia chọn lựa, gọi là "múi giờ PHÁP ĐỊNH".

Như lãnh thổ Hoa Kỳ trải rộng khoảng 8 múi giờ qui ước (không kể Alaska, Hawaii), nhưng "múi giờ pháp định" rút gọn còn 4: múi giờ miền Đông (Eastern), múi giờ miền Trung (Central), múi giờ miền núi (Mountain), và múi giờ vùng dọc Thái Bình Dương (Pacific).
Vì sao cần rút bớt số múi giờ trong nước?
Việc này giảm thiểu sự chênh lệch giữa các múi giờ (quá nhiều múi giờ càng tăng thêm chênh lệch), tạo thuận lợi cho sự vận hành của thị trường chứng khoán, ngân hàng, giao thông liên lạc...

Trong mỗi múi giờ pháp định (nêu trên) có tiểu bang ăn khớp với múi giờ qui ước (kinh tuyến) mà cũng có tiểu bang không ăn khớp, lệch một giờ. Không sao hết trơn, chỉ lệch một giờ ít ỏi nhưng tiện lợi trong giao thương phát triển!

Bởi vì, nói cho cùng, con người LÀM CHỦ THỜI GIAN chớ đâu phải nô lệ thời gian làm chi cho má nó khi (khinh).

III/ Trong khi đó đại lục Trung Hoa trải rộng 5 múi giờ qui ước, nhưng chế độ cầm quyền rút xuống tới mức chỉ còn...1 múi giờ pháp định thôi: cả nước buộc phải áp dụng cùng một múi giờ của Bắc Kinh.
Thành thử lúc mặt trời đã mọc ở Tử Cấm Thành (Bắc Kinh) chẳng hạn 6g sáng, thì cách đó hơn 3.000km ở Urumqi (Tân Cương) vẫn còn màn đêm lấp lánh các vì sao trên trời - nhưng phải vặn đồng hồ là... 6g sáng (theo giờ Bắc Kinh)!

Ở đây, giới cầm quyền chế độ Trung cộng sử dụng "múi giờ pháp định" chỉ nhằm khẳng định quyền lực chánh trị không hơn không kém.

IV/ Còn Việt Nam?
Theo dòng lịch sử, đây nói tắt: trong thời kỳ người Pháp có mặt tại VN, ban đầu họ chọn đúng múi giờ qui ước là GMT+7 (cho toàn vùng Đông Dương); rồi sau chuyển qua GMT+8.
Khi phân đôi đất nước, miền Nam VN chọn GMT+8, miền Bắc chọn GMT+7.
(sau ngày sáp nhập hai miền, từ năm 1976 Hà Nội áp dụng múi giờ GMT+7 cho cả nước).

* Trong múi giờ qui ước GMT+7, có CHXHCN Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan...
Hiện nay Bangkok (Thái Lan) đang bàn thảo để tìm sự đồng thuận trong nước, nhằm chuyển từ múi giờ qui ước GMT+7 (cùng múi giờ với Hà Nội) sang múi giờ GMT+8 (là múi giờ trước đây Sài Gòn áp dụng). Sao vậy?

Bởi vì các trung tâm kinh tế - tài chánh của khu vực đều chung múi giờ GMT+8: Tân Gia Ba (Singapore), Hương Cảng (Hong Kong), Đài Loan... Việc chuyển đổi (chỉ cần lệch 1 giờ ít ỏi) để trùng với múi giờ của những nước này sẽ tạo thuận lợi trong giao dịch thị trường chứng khoán, thúc đẩy tăng trưởng.

Bài học nhãn tiền trong cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á vẫn còn đó. Số là lúc bấy giờ thị trường chứng khoán Bangkok (Thái Lan) gánh chịu toàn bộ "cơn sóng thần bán tháo chứng khoán" thê thảm. Trong khi thị trường Tân Gia Ba (Singapore) - nơi khơi mào cơn sóng thần này - đã giảm thiểu được tai hại. Do việc mở/đóng sàn chứng khoán chênh lệch khác múi giờ - trong bối cảnh kinh tế khu vực liên quan lẫn nhau - khiến cho Thái Lan không kịp trở tay.

THAY LỜI KẾT:
Nói nào ngay, không có thượng đế nào (cũng không có "luật lệ" nào) bắt phải răm rắp theo đúng múi giờ qui ước do giới khoa học kinh tuyến vẽ ra hết trơn!
Mỹ chọn 4 múi giờ "pháp định", Tàu chọn 1 múi (dù bản đồ cho thấy Tàu trải qua 5 múi giờ lận); rồi có nước ban đầu chọn múi giờ "pháp định" như thế này, sau lại dịch chuyển sang múi giờ kế cận.

Hết thảy tùy thuộc vào tầm chiến lược "quốc kế dân sinh"...

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------------
Hình 1: Bản đồ các múi giờ qui ước;
Hình 2: Hoa Kỳ (với 4 múi giờ pháp định);
Hình 3: Trung Hoa (có 5 múi giờ qui ước theo hình tô màu, nhưng chế độ cầm quyền chỉ chọn múi giờ Bắc Kinh làm múi giờ pháp định duy nhứt trong cả nước)



  

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Giờ giấc, té ra, cũng "Chánh trị hóa" (kỳ 1)

 GIỜ GIẤC, TÉ RA, CŨNG "CHÁNH TRỊ HÓA" (kỳ 1)

(Mỹ thì không chánh trị hóa giờ giấc tới mức kệch cỡm như chế độ Bắc Kinh...)

* Đừng tưởng giờ giấc được vô tư nghen. Hồi sau ngày 30/4/1975, những ai sống vào thời đó hẳn còn nhớ mọi người ưa hỏi nhau: "Mấy giờ rồi?", "À, 6 giờ chiều". "Mới 6 giờ mà sao trời xâm xẩm tối vậy?", "6 giờ Hà Nội, tức 7g Sài Gòn đó", "Hèn gì trời tôi tối rồi".
Giờ Sài Gòn lấy múi giờ GMT+8, cùng múi giờ với Tân Gia Ba (Singapore); còn giờ Hà Nội lấy múi giờ GMT+7. Tức người Sài Gòn lúc đó (miền Nam nói chung) vặn đồng hồ chậm lại một giờ thì đổi thành giờ Hà Nội.

Qua năm 1976, lịnh ban ra là dùng giờ Hà Nội (không xài giờ Sài Gòn nữa) trên cả nước. Tới nay quen luôn chỉ dùng một múi giờ (là GMT+7).

* Giờ giấc trở thành một "công cụ" thể hiện quyền lực chánh trị. Như ở bên Tàu, mặc dù lãnh thổ minh mông và trải dài qua 5 múi giờ quốc tế nhưng nhà cầm quyền qui định cả nước chỉ dùng mỗi múi giờ Bắc Kinh mà thôi!
Thành thử ở Tân Cương, Tây Tạng nằm về phía tây khi trời vẫn còn tối thui nhưng vẫn gọi là "buổi sáng", vì theo giờ Bắc Kinh lúc đó đã rạng sáng!

Những nhóm ly khai ở Tân Cương không chấp nhận múi giờ Bắc Kinh mà họ gọi theo múi giờ bên họ, lệch so với múi giờ Bắc Kinh tới hai tiếng đồng hồ.

* Rồi, tỉ như trong năm 2019, Kim Chánh Ân (Kim Jong Un) quyết định Bình Nhưỡng đổi sang dùng theo múi giờ của Hán Thành (Seoul, Hàn quốc) cho giống nhau. Động thái này được cho là một "tín hiệu chánh trị".

* Trong khi đó nước Mỹ không ép các múi giờ trong cả nước phải "trói" theo giờ thủ đô như cách làm ba trợn của Bắc Kinh. Giờ thủ đô Washington thì khác với giờ bên miền Tây (như California).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-----------------------------------------------------------------
Kỳ 2 (kỳ cuối): CHỌN MÚI GIỜ - VÌ "QUỐC KẾ DÂN SINH" / VÌ QUYỀN LỰC CHÁNH TRỊ... https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/939594063141241

 

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Việt Nam giữa "Giải Thực Hóa" & chiến tranh lạnh

 Kỳ 3: VIỆT NAM GIỮA "GIẢI THỰC HÓA" & CHIẾN TRANH LẠNH

* Không thể có tầm nhìn tương lai giỏi giang nếu lịch sử chưa được nhìn đa diện, từ nhiều góc độ.
(quí bạn fb nào chưa đọc hai kỳ trước, mời đọc để khỏi thắc mắc những gì đã được giải thích trong kỳ 1 & kỳ 2, có đường dẫn cuối bài này)

A/ BỐI CẢNH QUỐC TẾ:
Chính sách nhứt quán của Đồng Minh đối với các quốc gia bị Nhựt Bổn chiếm đóng, qua Tuyên bố Cairo (tháng 11/1943) và Tuyên bố Postdam (tháng 7/1945) là áp dụng nguyên tắc “ủy nhiệm” (commission) & “giải thực hóa” (giải trừ thực dân hóa decolonization, không được tái lập thuộc địa). Theo đó:
- Đồng Minh không công nhận chánh phủ nào thành hình dưới sự bảo trợ của Nhựt Bổn hoặc xuất hiện trong thời Nhựt Bổn còn hiện diện tại những quốc gia đó;
- Đồng Minh phân công ỦY NHIỆM cai quản vùng lãnh thổ (sau khi Nhựt bị đánh bại);
- Giai đoạn Ủy nhiệm cũng là giai đoạn chuẩn bị, dàn xếp để có thể thành hình một chánh phủ của người bản xứ rồi trao trả độc lập (“GIẢI THỰC HÓA”).

Nhựt hoàng Hirohito chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15/8/1945 (nghi thức đầu hàng được thực hiện vào ngày 2/9/1945).

B/ VAI TRÒ CỦA “GIẢI THỰC HÓA” đối với Việt Nam:
Sau khi Nhựt đầu hàng, Đồng Minh phân công giải giới tại VN như sau: Vương quốc Anh giải giới từ phía nam vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) trở vào, Trung Hoa Dân quốc giải giới từ phía bắc vĩ tuyến 16 trở ra. Sau đó, qua những dàn xếp hậu trường chánh trị, Cộng hòa Pháp được Vương quốc Anh rồi Trung Hoa Dân quốc giao lại vai trò ủy nhiệm trên toàn lãnh thổ VN.

Cần nhớ rằng, đây là sự cai quản do khối Đồng Minh ủy nhiệm (sau khi chiến thắng phe Trục, trong đó có Nhựt Bổn). Người đứng đầu tại quốc gia được cai quản ủy nhiệm, gọi là Cao Ủy (High Commissioner), như Cao Ủy Anh tại Mã Lai, Cao Ủy Pháp tại VN (không phải là “Toàn quyền” như thời kỳ thuộc địa trước năm 1945).

B1) “ĐẾ QUỐC VIỆT NAM” (từ tháng 3 đến tháng 8/1945):
Đây là một thực thể chánh trị ra đời vào ngày 11/3/1945 với bản “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” của Vua Bảo Đại (Thủ tướng là học giả sử học Trần Trọng Kim). Thực thế chánh trị này chỉ tồn tại trong khoảng 5 tháng.

Nếu như thực thể “Đế quốc Việt Nam” vẫn tồn tại sau khi Đồng Minh vào giải giới, chuyện gì sẽ xảy ra? Đồng Minh sẽ KHÔNG CÔNG NHẬN, theo tinh thần của Tuyên bố Postdam, vì “Đế quốc Việt Nam” thành hình trong thời quân phiệt Nhựt còn hiện diện tại VN.

Tương tự như trường hợp của bán đảo Cao Ly (đọc kỳ 1): Trung tướng John R. Hodge, thay mặt cho chánh phủ Mỹ cai quản ủy nhiệm, vào năm 1945, đã từ chối công nhận chánh phủ "Cộng hòa nhân dân Triều Tiên" vì thành hình trong thời Nhựt Bổn còn hiện diện (đừng nhầm lẫn với “Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên” ra đời sau đó, vào năm 1948).

B2) “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA” (VNDCCH):
Thực thể chánh trị này chính thức xuất hiện vào ngày 2/9/1945 với bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì sao Đồng Minh vẫn duy trì sự cai quản ủy nhiệm toàn lãnh thổ VN, mà không rút đi & giao cho thực thể VNDCCH cái rụp?

Bởi vì theo thỏa thuận nhứt quán trong khối Đồng Minh: sau khi Nhựt Bổn đầu hàng (15/8/1945) thì Đồng Minh vào tiếp quản những nước từng là thuộc địa của Nhựt! Trong khi đó, thực thể VNDCCH ra đời SAU khi Nhựt đã đầu hàng, nói cách khác là ra đời SAU khi việc tiếp quản ủy nhiệm của Đồng Minh đã có hiệu lực rồi!

Do đó, thực thể chánh trị VNDCCH muốn được Đồng Minh công nhận là “quốc gia độc lập” thì cần phải thông qua những cuộc thương thảo, dàn xếp với Đồng Minh. Đó là lý do mà chánh phủ Hồ Chí Minh có những cuộc tiếp xúc với Cộng hòa Pháp (là quốc gia đã giành được sự ủy nhiệm từ khối Đồng Minh, sau khi dàn xếp với Anh và Trung Hoa Dân quốc), nhằm thuyết phục Pháp công nhận VNDCCH thủ đắc tư cách là một quốc gia độc lập.

Cũng cần chú ý rằng: lúc bấy giờ, từ tháng 9/1945 cho đến năm 1950, Liên bang Soviet không hề đưa ra tuyên bố nào hết ráo nhằm công nhận VNDCCH!
Sao vậy? Vì phải tôn trọng những thỏa ước trong nội bộ khối Đồng Minh, theo đó việc thành hình “một quốc gia độc lập” là do quốc gia ủy nhiệm bởi Đồng Minh sẽ dàn xếp với những thực thế chánh trị của người bản xứ. Công nhận VNDCCH hay không, là tùy thuộc vào những dàn xếp với Pháp (quốc gia được Đồng Minh ủy nhiệm cai quản tạm thời lãnh thổ VN), chớ Liên bang Soviet không thể can thiệp.

Hệt như trường hợp bán đảo Cao Ly (đọc kỳ 1): “Đại Hàn dân quốc” ra đời trong năm 1948 là do dàn xếp giữa Mỹ (quốc gia được Đồng Minh ủy nhiệm điều hành miền Nam) với nhân sĩ trí thức người Hàn; “Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên” thành hình là bởi Soviet (quốc gia được Đồng Minh ủy nhiệm cai quản miền Bắc) dàn xếp với người bản xứ.

Trở lại VN. Bấy giờ, thực thể VNDCCH đã ký với Pháp “Hiệp định sơ bộ” (6/3/1946), “Tạm ước Việt - Pháp” (14/9/1946), về phía VNDCCH là Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phía Pháp là Jean Sainteny, rồi Marius Moutet (thuộc cấp thừa hành, chớ không phải chữ ký của Tổng thống Cộng hòa Pháp). Nhưng giao ước không thành, và chấm dứt ngoại giao qua lại vào cuối năm 1946 (sẽ nói rõ hơn trong phần C).

B3) “QUỐC GIA VIỆT NAM” (QGVN):
Người Pháp, trong vai trò cai quản Ủy nhiệm (tạm thời), kỳ thực vẫn nuôi mưu đồ kéo dài sự cai trị, vì những lợi ích mà Pháp thâu tóm được trong thời kỳ chiếm VN làm thuộc địa (trước năm 1945). Tuy nhiên, trước xu hướng “giải thực” (decolonization) mà khối Đồng Minh cam kết tôn trọng, người Pháp chấp nhận thương thảo theo kiểu "ầu ơ ví dầu", nhưng cuối cùng vẫn có kết quả là ra đời bản Hiệp định Élysée về sự thành lập “Quốc gia Việt Nam” (QGVN) - Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký kết với Bảo Đại với tư cách là Quốc trưởng QGVN, vào ngày 8/3/1949.

Vào đầu năm 1950, đã có 35 quốc gia công nhận QGVN (thủ đô đặt tại Sài Gòn). Qua năm 1951, với thẩm quyền ngoại giao có trong tay, QGVN đã cử phái đoàn tham dự Hội nghị San Francisco, tại đây Thủ tướng Trần Văn Hữu đã tuyên cáo về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa (hiện nay trong hồ sơ HS-TS của CHXHCN VN vẫn cần phải viện dẫn Tuyên cáo của QGVN tại San Francisco 1951, để bảo đảm tính liên tục trong vấn đề chủ quyền…).

Cũng giống như Mã Lai đối với Vương quốc Anh (đọc bài kỳ 2), việc giành độc lập đầy đủ cho người bản xứ là cả một tiến trình không đơn giản gì ráo, mà phải trải qua nhiều giai đoạn “đấu trí” (giành lấy từng bước về thẩm quyền thuế khóa, tài phán, ngoại giao, quân sự…). QGVN, trong 5 năm từ 1949 đến 1954, có được thẩm quyền ngoại giao nhưng không có thẩm quyền về quân sự mà do quân đội Pháp cầm trịch. Rồi lịch sử rẽ ngang...

(nhắc lại bài kỳ 2: Mã Lai đã phải kiên trì suốt 9 năm lận, kể từ lúc Anh trao trả quyền tự trị năm 1948 cho tới lúc chánh phủ bản xứ thủ đắc nền độc lập đầy đủ năm 1957)

C/ VAI TRÒ CỦA “CHIẾN TRANH LẠNH” đối với Việt Nam:
C1) Theo tôn chỉ “giải thực” (giải trừ thực dân hóa, decolonization), việc thành hình chánh phủ bản xứ là một tiến trình tất yếu tại các quốc gia (sau khi quân phiệt Nhựt Bổn đầu hàng Đồng Minh), sớm hoặc chậm tùy mỗi nước. Sớm, như Phi Luật Tân được Mỹ trao trả độc lập năm 1946 (sau một năm Ủy nhiệm), Đại Hàn năm 1948 (sau 3 năm Ủy nhiệm). Muộn, như Mã Lai được Anh trao trả độc lập vào năm 1957 (sau 12 năm Ủy nhiệm)…

Nhưng, ngay sau khi dứt Đệ nhị Thế chiến, trên thế giới thành hình hai khối: khối cộng sản và khối quốc gia phi cộng sản. “Chiến tranh lạnh” giữa Soviet và Mỹ, trong thực tế, đã định hình lại bàn cờ thế giới!

Tại VN năm 1945-1946, chánh phủ VNDCCH của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Pháp (thủ đắc vai trò Ủy nhiệm của Đồng Minh tại VN) đánh giá là một thực thể chánh trị theo đường lối cộng sản. Thành thử chánh phủ Hồ Chí Minh - do tác động của “chiến tranh lạnh” - không được chấp nhận một khi Đồng Minh (Pháp & Mỹ) thành hình một chánh phủ bản xứ đa nguyên, theo tôn chỉ “giải thực hóa”.

Giải pháp quân sự trở thành sự chọn lựa của chánh phủ Hồ Chí Minh, bởi vì tiến hành CHIẾN TRANH và nỗ lực để chiến thắng thì "giành được độc lập" và - xin chú ý - chỉ trong nền độc lập này thì xu hướng cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu gọi là xã hội chủ nghĩa) mới nắm được vai trò lãnh đạo duy nhứt!

Xu hướng xã hội chủ nghĩa (thông qua chiến tranh để giành độc lập) là rõ rành rành! Hồi tháng 2 năm 1951 diễn ra Đại hội Đảng lần II tại Tuyên Quang (đổi tên thành “đảng Lao động VN”), tuyên bố: “lấy chủ nghĩa Mác - Ǎngghen - Lênin - Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”.

… Trong một số năm trở lại gần đây, có những người nói rằng hồi đó họ theo chánh phủ VNDCCH chống Pháp là…vì độc lập chớ họ không theo chủ nghĩa xã hội, họ không biết gì tới đường lối cộng sản hết - hình như họ cố tình mắc bịnh mất trí nhớ thì phải? Bởi vì đảng CSVN lúc bấy giờ đã tuyên bố công khai giành độc lập là để đưa đất nước đi theo chủ nghĩa xã hội, theo đường lối của Lênin, của Mao Trạch Đông. Ồ, Lênin, Mao Trạch Đông không phải là cộng sản hay sao?

C2) Từ tháng 9/1945 cho đến hết năm 1949, thực thể VNDCCH chưa được quốc gia nào công nhận. Nhưng, qua đầu năm 1950, vai trò của việc phân chia hai khối / của “chiến tranh lạnh” đã chính thức nhập cuộc! Khởi đầu là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung cộng) công nhận VNDCCH, tiếp theo sau là Soviet và các nước cộng sản Đông Âu (khoảng mười nước).

Theo tôn chỉ “giải thực hóa” của Đồng Minh (là thành hình chánh phủ bản xứ đa nguyên về quan điểm chánh trị) thì thực thể VNDCCH - từ tháng 9/1945 cho đến tháng 7/1954 (Hiệp định Geneve) - không được công nhận.

Nhưng, dưới tác động của “chiến tranh lạnh”, VNDCCH được khối các nước cộng sản công nhận là một quốc gia (bắt đầu từ năm 1950).

THAY LỜI KẾT
Bối cảnh thế giới sau Đệ nhị Thế chiến (từ tháng 8/1945 trở đi), xuất hiện 2 hình thái, cũng có thể nói là 2 sự chọn lựa về “ĐỘC LẬP QUỐC GIA”.

- Quốc gia độc lập, theo xu hướng “giải thực hóa” (decolonization): thâu hồi nền độc lập bằng phương thức tranh đấu nghị trường (hòa bình), trở thành những QUỐC GIA PHI CỘNG SẢN, phi Mác-xít.
Như Đại Hàn, Phi Luật Tân, Mã Lai…

- Quốc gia độc lập, dưới tác động của “chiến tranh lạnh” (Soviet, rồi Trung Cộng hậu thuẫn giành độc lập không theo con đường “giải thực hóa”): cướp chính quyền, giành lấy nền độc lập bằng phương thức “bạo lực cách mạng” (chiến tranh), và rồi sau đó dứt khoát ... trở thành QUỐC GIA CỘNG SẢN hoàn toàn (hoặc ngả theo xu hướng Mác-xít).
Việt Nam là một trong số này.
-------------------------------------------------------------
Kỳ 1: "GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION) SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN
Kỳ 2: MÃ LAI TRONG XU HƯỚNG "GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Hình 1: Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc gia Việt Nam tham dự Hội nghị San Francisco 1951 

hình 2:  Cờ vàng của QGVN tại khu phố cổ Hà Nội trước 1954 (dưới).

Hình 3: Chủ tịch HCM ký Tạm ước Việt-Pháp 14/9/1946 tại Paris; 

Hình 4: Đại hội đảng lần 2, năm 1951;

Hình 5: Họp Hội đồng chính phủ VNDCCH tại Yên Sơn (Tuyên Quang).








Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Mã Lai trong xu hướng "Giải Thực" (Decolonization)

 Có những điều chưa được hiểu rõ, như xu hướng "giải thực" (giải trừ thực dân hóa: decolonization) sau Đệ nhị Thế chiến. Chính vì không được hiểu đúng, lịch sử bị tuyên truyền lệch lạc, trắng đen lẫn lộn, công chúng trở nên u mê.

Kỳ 2: MÃ LAI TRONG XU HƯỚNG "GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION)
Vì sao phải "giải thực", xin mời đọc kỳ 1 ("GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION) SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN), đây chỉ nhắc điểm chánh yếu:
* Khối Đồng Minh (có Mỹ, Liên bang Soviet...) đồng thuận là KHÔNG được phép tái lập chế độ thuộc địa sau Đệ Nhị thế chiến;
* Bằng cách phân công các nước trong Đồng Minh sẽ tiếp quản các lãnh thổ / quốc gia thuộc địa của phe Trục (Nhựt, Đức, Ý) theo chế độ Ủy nhiệm (commission). Cai quản ủy nhiệm trong một số năm, tùy tình hình từng nơi mà Đồng Minh dàn xếp thành hình chánh phủ bản xứ, để sau đó BẮT BUỘC trao trả nền độc lập cho người bản xứ.

Ở kỳ 1 đã nêu các trường hợp: Mỹ chuyển giao nền độc lập cho Phi Luật Tân (Philippines) năm 1946 / Giao trả độc lập trên bán đảo Cao Ly, theo cách thức Soviet giúp lập nên chánh phủ Triều Tiên (miền bắc) & Mỹ giúp thành hình chánh phủ Đại Hàn (miền nam) năm 1948 / Chuyển giao độc lập cho người Đức, theo cách thức Soviet giúp lập nên chánh phủ Đông Đức & Mỹ (cùng với Anh, Pháp) giúp thành hình chánh phủ Tây Đức năm 1949.

Kỳ 2 này, đề cập Mã Lai (Malaysia).

I/ KIÊN TRÌ TRONG GIẢI PHÁP HÒA BÌNH ĐỂ THU HỒI NỀN ĐỘC LẬP QUỐC GIA:
1) Ở đây, cần nhìn bằng con mắt chánh trị thực tiễn: quốc gia được ủy nhiệm cai quản một nước khác, dĩ nhiên, họ luôn luôn tìm cách tạo ảnh hưởng và thủ đắc lợi ích - nhứt là trong thời "Chiến tranh lạnh" (bắt đầu ngay sau khi kết thúc Đệ nhị thế chiến) các cường quốc đều tranh đua tạo vùng ảnh hưởng.
Thành thử thời hạn để trao trả độc lập cho người bản xứ là tùy vào mối tương quan tạo ảnh hưởng tới đâu. NHƯNG sớm muộn gì cũng phải "giải thực" (decolonization), giao cho người bản xứ cai quản quê hương của họ thông qua giải pháp hòa bình.

2) Mã Lai được cấu trúc bởi một số vương quốc (đứng đầu là các Sultan), vào thế kỷ 18 các vương quốc này bị lệ thuộc đế quốc Anh. Trong Đệ Nhị thế chiến, Mã Lai bị quân đội Nhựt Bổn thâu tóm. Sau Đệ Nhị thế chiến, người Anh trở lại với vai trò cai quản Ủy nhiệm (không được phép tái lập chế độ thuộc địa).
Dĩ nhiên, người Anh muốn kéo dài thời gian Ủy nhiệm càng lâu càng có lợi cho họ.
Năm 1946, Anh tiến hành hợp nhứt các vương quốc gọi là "Liên hiệp Malaya" (Malayan Union).
Năm 1948, Anh khôi phục quyền tự trị cho các Sultan trong mô hình "Liên bang Malaya" (Federation of Malaya) - nhưng Anh vẫn đóng vai trò cầm trịch toàn cục.

Người Mã Lai tranh đấu một cách kiên trì để buộc Anh tuyên bố trao trả độc lập - theo tinh thần của những thỏa ước mà Đồng Minh đã qui định ("giải thực", decolonization).Và, ngày 31/8/1957 Mã Lai mới chính thức độc lập; Anh rút khỏi vai trò ủy nhiệm cai quản.

Như vậy, người Mã Lai mất 12 năm (1945-1957) để uyển chuyển thậm chí có những lúc phải thỏa hiệp từng bước, nhằm thu hẹp dần phạm vi quyền lợi của nước Anh - mà đích cuối cùng là có được nền độc lập.

Vậy đó, Phi Luật Tân chỉ 1 năm là Mỹ trả lại nền độc lập (1945-1946), còn Mã Lai thì 12 năm; nhưng dù sớm hay muộn, độc lập của quốc gia cũng được thâu hồi.

3) Sau khi Mã Lai giành được thẩm quyền quản trị toàn bộ đất nước, người Mã chấp thuận cho Anh duy trì quân đội thêm một số năm. Để chi? Để hỗ trợ an ninh cho chánh phủ quốc gia Mã Lai còn non trẻ lúc bấy giờ.

Hết sức khôn ngoan, và cần thiết.
Hệt như việc Mỹ duy trì quân đội tại Tây Đức (CH Liên bang Đức), Soviet tiếp tục đóng quân tại Đông Đức (CH Dân chủ Đức) sau khi cả hai miền của nước Đức đều đã trở thành quốc gia độc lập.

II/ "TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN"... TÙY VÀO SỰ CHI VIỆN:
Thế nhưng, đảng Cộng sản Mã Lai (MCP) không chịu thừa nhận nền độc lập thâu hồi năm 1957. Bởi vì một quốc gia mà... không do đảng Cộng sản lãnh đạo thì dứt khoát không được phép gọi đó là "quốc gia độc lập". Vậy đó.

Tổng bí thư MCP là Chin Peng (Trần Bình 陳平, 1924-2013) bèn phát động chiến tranh du kích, kêu gọi "kháng chiến chống thực dân Anh" (viện lý do là Anh duy trì quân đội giúp chánh phủ quốc gia Mã Lai), chống lại ngụy quyền tay sai Kuala Lumpur.

Chế độ Bắc Kinh là nguồn chi viện (tiền bạc, khí tài quân sự) để MCP "trường kỳ kháng chiến". Năm 1961, bốn năm sau ngày Kuala Lumpur lập nên chánh phủ bản xứ, Trần Bình qua Tàu và nhận được "lời động viên" tiến hành đấu tranh võ trang.
Một đài phát thanh bí mật mang tên "Suara Revolusi Rakyat" (Tiếng nói cách mạng nhân dân), nói tiếng Mã / tiếng Hoa, đặt tại tỉnh Hồ Nam vào năm 1969 để tuyên truyền "kháng chiến chống ngụy quyền Kuala Lumpur".

Đảng Cộng sản Mã MCP còn "sản sinh" thêm đảng Huynh đệ Hồi giáo (Parti Persaudaraan Islam, PAPERI) với vai trò là tổ chức ngoại vi của MCP.

Nào dè cuộc trường kỳ kháng chiến dai dẳng, còn chi viện thì còn kháng chiến đến cùng, tới năm 1981 thì gặp "sự cố" bẽ bàng: chế độ Bắc Kinh thay đổi sách lược! Thay vì kích động nội loạn làm suy yếu Mã Lai thông qua đảng MCP, nhưng trường kỳ kháng chiến 24 năm rồi (1981-1957) mà không nên cơm nên cháo, Bắc Kinh khuyến khích MCP nên tìm kiếm một hòa ước với chánh phủ quốc gia Kuala Lumpur.

MCP còn nấn ná kháng chiến thêm một số năm nữa cho thỏa ý chí cách mạng trung kiên ngút trời. Rồi... "đuối"! Cái gì đến phải đến: sau 32 năm dai dẳng kháng chiến (1957-1989), vào tháng 12/1989 MCP ký một hòa ước với chánh phủ quốc gia - theo đó MCP chấp thuận giải thể các đơn vị võ trang và phá hủy toàn bộ số võ khí của họ! Đổi lại, chánh phủ quốc gia Mã Lai cho phép các đảng viên, du kích quân MCP trở về cuộc sống thường dân bình yên, khỏi học tập cải tạo.

"Ngụy quyền Kuala Lumpur", theo quan điểm của đảng MCP, rốt cuộc là chánh quyền quốc gia hợp pháp nhứt - như vốn là, từng là, và sẽ là như vậy!

* Hiện nay Liên bang Mã Lai là một quốc gia phát triển, với mức GDP bình quân đầu người/năm là 11239 USD. So với GDP đầu người của CHXHCN VN là 2700 USD => Mức thu nhập của Mã Lai cao gấp hơn 4 lần.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
------------------------------------------------
Hình ảnh:

Ngày tuyên bố Mã Lai độc lập 31/8/1957.
Trường kỳ kháng chiến" của MCP hơn 30 năm rồi... tan hàng.

 






Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

"Giải Thực" (Decolonization) sau đệ nhị thế chiến

 Ghi chú những gì chưa rõ, cần biết:

"GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION) SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Trong lúc vẫn còn diễn ra Đệ nhị thế chiến, khối Đồng Minh đã xúc tiến những cuộc họp hệ trọng như Hội nghị Tehran (1943), Hội nghị Yalta (1945), Hội nghị Postdam (1945) để bàn về cách giải quyết "số phận" của Đức Quốc xã và những vùng lãnh thổ mà Đức chiếm đóng. Tương tự như vậy, Hội nghị Cairo (1943), Tuyên bố Postdam (1945, khác với Hiệp định Postdam nêu trên) bàn về cách giải quyết "số phận" của quân phiệt Nhựt Bổn và những vùng lãnh thổ mà Nhựt xâm lăng.

I/ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN "GIẢI THỰC":
Hết Đệ nhứt thế chiến (1914-1918) rồi tới Đệ nhị thế chiến (1939-1945) đều có chung căn nguyên là sự chiếm hữu và tranh giành thuộc địa. Thành thử muốn giảm thiểu nguy cơ "ngòi nổ chiến tranh" thì buộc phải chấm dứt chế độ thực dân đi chiếm đoạt nước khác làm thuộc địa! Cùng với việc thành lập Liên Hiệp Quốc là sự thúc đẩy nguyên tắc "decolonization", giải trừ thực dân, gọi tắt "giải thực".
Song hành với giải thực là thúc đẩy quyền tự quyết (self-determination) của các dân tộc.

Do đó, sau khi khối Trục (Đức, Ý, Nhựt) đầu hàng, các nước Đồng Minh cũng như các thành viên tham gia Liên Hiệp Quốc hậu Thế chiến đều cam kết tuân thủ "giải thực". Nghĩa là KHÔNG tái lập chế độ thuộc địa, mà chỉ có thiết chế cai quản Ủy nhiệm (commission) - do Đồng Minh phân bổ - trong một số năm; sau đó phải trao trả nền độc lập cho người dân bản xứ.

Ở đây, cần nhìn bằng con mắt chánh trị thực tiễn: quốc gia được ủy nhiệm cai quản một nước khác, dĩ nhiên, họ luôn luôn tìm cách tạo ảnh hưởng và thủ đắc lợi ích - nhứt là trong thời "Chiến tranh lạnh" (bắt đầu ngay sau khi kết thúc Đệ nhị thế chiến) các cường quốc đều tranh đua tạo vùng ảnh hưởng, tỉ như Liên bang Soviet đưa một số quốc gia Đông Âu nằm trong vùng ảnh hưởng của Soviet.

Thành thử thời hạn để trao trả độc lập cho người bản xứ là tùy vào mối tương quan tạo ảnh hưởng tới đâu. NHƯNG sớm muộn gì cũng phải "giải thực" (decolonization), giao cho người bản xứ cai quản quê hương của họ thông qua giải pháp hòa bình!

Nước Mỹ đi tiên phong trong "giải thực". Phi Luật Tân (Philippines) đã từng là thuộc địa của Mỹ, rồi trong Đệ nhị thế chiến bị Nhựt Bổn xâm chiếm. Sau khi Mỹ quay trở lại tiếp quản Phi Luật Tân, chỉ trong vòng một năm, vào tháng 7/1946 Mỹ chính thức trao trả độc lập cho người Phi.

Nước Đức được trao trả độc lập muộn hơn một chút, nhưng cũng chỉ tròn trèm 4 năm sau khi Đồng Minh cai quản. Soviet được ủy nhiệm cai quản vùng phía Đông, Mỹ cai quản vùng phía Nam, Anh nắm giữ vùng Tây Bắc, Pháp giữ vùng Viễn Tây.

Lẽ ra, mọi sự ủy nhiệm là nhằm ổn định rồi sau đó hợp nhứt một mối và trả lại cho người dân bản xứ. Ngặt cái, "chiến tranh lạnh" đã bẻ lịch sử đi theo hướng phân đôi nước Đức: tháng 2/1949 Mỹ, Anh, Pháp đồng thuận trao trả để lập nên Cộng hòa liên bang Đức (quen gọi tắt "Tây Đức"); tháng 10/1949 vùng ủy nhiệm của Soviet trở thành Cộng hòa dân chủ Đức ("Đông Đức").

II/ ĐỐI VỚI NHỮNG QUỐC GIA BỊ NHỰT BỔN XÂM CHIẾM:
Cũng áp dụng nguyên tắc "ủy nhiệm" & "giải thực" (không được lập thuộc địa):
- Đồng Minh phân bổ vùng lãnh thổ ủy nhiệm;
- Giai đoạn Ủy nhiệm cũng là giai đoạn chuẩn bị, dàn xếp để có thể thành hình một chánh phủ của người bản xứ rồi trao trả độc lập.

Thành thử Đồng Minh KHÔNG CÔNG NHẬN chánh phủ nào thành hình dưới sự bảo trợ của Nhựt Bổn / hoặc chánh phủ đó xuất hiện sau thời điểm Nhựt đã tuyên bố đầu hàng (14/8/1945) mà chưa có sự đồng thuận từ Đồng Minh - vì sau thời điểm này Đồng Minh đã chính thức bước vào giai đoạn giải giới và cai quản ủy nhiệm!

* Trước hết, nói về BÁN ĐẢO CAO LY (Korean peninsula):
Kết thúc Đệ nhị thế chiến, Đồng Minh chia ra hai vùng ủy nhiệm: phía bắc vĩ tuyến 38 giao cho Soviet tạm cai quản, phía nam vĩ tuyến 38 ủy nhiệm cho Mỹ.
Trước khi người Mỹ vào tiếp quản (tháng 9/1945), lúc bấy giờ Toàn quyền Nhựt Bổn là Abe Nobuyuki đã vận động, dàn xếp để bàn giao quyền hành cho người bản xứ - thông qua việc ra đời "Cộng hòa nhân dân Triều Tiên" tuyên cáo độc lập (đừng nhầm lẫn với "Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên").

Nhưng Trung tướng John R. Hodge, thay mặt cho lực lượng Mỹ cai quản ủy nhiệm trên bán đảo Cao Ly, đã từ chối công nhận chánh phủ "Cộng hòa nhân dân Triều Tiên" (vì thành hình trong thời Nhựt Bổn còn hiện diện)

Rồi, chỉ 3 năm sau - năm 1948 - Đồng Minh chấm dứt vai trò ủy nhiệm, và tuân thủ nguyên tắc TRAO TRẢ ĐỘC LẬP CHO NGƯỜI BẢN XỨ.
Ngặt cái, độc lập thì có nhưng thống nhứt thì không - cũng vì hậu quả của "Chiến tranh lạnh". Ngày 15/8/1948 "Đại Hàn dân quốc" chính thức ra đời, với vị Tổng thống đầu tiên là Lý Thừa Vãn (Lee Sung-man/hoặc ghi Syngman Rhee). Ngày 9/9/1948 ra đời "Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên" , do Kim Nhựt Thành (Kim Il-sung) lãnh đạo.

* Ở đây, quí bạn chú ý:
Quân đội Mỹ đóng quân tại CH Liên bang Đức, đóng quân tại Hàn Quốc - vậy... CH Liên bang Đức, Hàn Quốc là thuộc địa của Mỹ? Cũng vậy, có khác nào nói Đông Đức là thuộc địa của Soviet (lúc Soviet còn "hộ khẩu" trên đời) chỉ vì quân đội Soviet đặt căn cứ tại Đông Đức.

Thấy gì? Nếu ai nói Hàn Quốc, nước Đức là ... thuộc địa của Mỹ thì kẻ đó bị bại não là cái chắc! Sự có mặt của quân đội nước ngoài là thuộc về khái niệm liên minh / đồng minh, không nằm trong định nghĩa về nền độc lập của một quốc gia.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
----------------------------------------------------------------------
Kỳ 2: "GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION) TẠI MÃ LAI, VIỆT NAM: 

 Hình ảnh:

Hình 1: Quân đội Mỹ tại Tây Đức;

Hình 2: Quân đội Soviet tại Đông Đức trước đây.
Hình 3 &4: Liên minh quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc;

Hình 5:  Người dân Triều Tiên sì sụp cúi đầu trước tượng đài Kim Nhựt Thành & Kim Chánh Nhựt.


Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Nhìn kỹ lịch sử, để mở mang trí óc

 NHÌN KỸ LỊCH SỬ, ĐỂ MỞ MANG TRÍ ÓC

Có một em gửi tôi hình bản đồ tìm thấy trên mạng, hỏi: "Ủa, hồi nào mà cờ vàng đại diện cả nước như bản đồ này in như vậy?". Đến lượt tôi ngỡ ngàng, bây giờ giảng dạy cho giới trẻ kiểu gì vậy, cái gì CÓ thì nói CÓ - rồi hẵng thể hiện quan điểm chánh trị như chỉ trích, miệt thị. Vậy mới thiệt đúng tinh thần khoa học của bộ môn lịch sử.
Ngay báo chí "chánh thống" hiện nay ở Việt Nam cũng đã từng nhắc tới vai trò của thể chế lấy cờ vàng làm biểu tượng - trong bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa/Trường Sa kia mà!

&1&
Tôi nghĩ bản đồ này xuất hiện trong khoảng tháng 6 đến tháng 9 năm 1948, vì mấy lẽ sau:
* Trên bán đảo Cao Ly: trước tháng 9/1948 lá cờ Thái Cực ("Taegeukgi") có mặt trên cả hai miền Nam Bắc, treo ở Hán Thành (Seoul) lẫn Bình Nhưỡng (Pyongyang).
[ cho đến ngày 8/9/1948, miền Bắc (Triều Tiên) mới đổi sang dùng lá cờ sao đỏ cho nó khác đi; trong khi đó quốc kỳ Thái Cực tiếp tục được gìn giữ tại miền Nam (Hàn Quốc) cho tới nay ]

* Tại Hoa lục: Giai đoạn này là chánh quyền Trung Hoa dân quốc đang cầm trịch, với quốc kỳ như được thấy trên bản đồ.
Tây Tạng (Tibet), Đông Thổ (East Turkestan, với sắc dân chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ), Nội Mông (Inner Mongolia) đều độc lập với những mức độ khác nhau, có lá cờ riêng.
[ chỉ đến cuối năm 1949 qua đầu năm 1950 mới xuất hiện chế độ "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" với cờ đỏ 5 sao vàng ]

* Tại Việt Nam: Với Hiệp ước Hạ Long (ngày 5/6/1948) chính thức ra đời "Quốc gia Việt Nam" (State of Vietnam), về nguyên tắc là độc lập & thống nhứt; đặt thủ đô tại Sài Gòn, quốc kỳ là cờ vàng ba vạch đỏ.
[ trong giai đoạn này kéo dài tới năm 1954, thể chế VNDCCH rút vào rừng núi, đặt "thủ đô kháng chiến" tại Tuyên Quang ]

&2&
Theo quan điểm của nhà cầm quyền hiện nay, chánh phủ Quốc gia VN là "tay sai". Về dữ kiện khách quan, trong năm 1950 chánh phủ "tay sai" này được 35 quốc gia công nhận.

(trong khi đó, vào đầu năm 1950 Trung Cộng là nước đầu tiên công nhận thể chế VNDCCH, kế đó mới tới Liên bang Soviet rồi một số nước trong khối cộng sản Đông Âu, cả thảy khoảng 10 quốc gia công nhận VNDCCH)

Cũng nhờ vào việc chánh phủ Quốc gia Việt Nam (theo tuyên truyền của đảng CSVN thì đây là "tay sai") được công nhận, nên vào năm 1951 khi diễn ra Hội nghị quốc tế San Francisco, Quốc gia Việt Nam là thể chế DUY NHỨT từ Việt Nam được mời tham dự! Tại Hội nghị này phái đoàn QGVN, do Thủ tướng Trần Văn Hữu dẫn đầu, đã tuyên cáo hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một cơ quan báo chí thuộc hệ thống báo đảng hiện nay, là "Tạp chí Quốc phòng toàn dân", cũng đăng bài đề cập Hội nghị San Francisco 1951 ghi rõ rành: Ông Trần Văn Hữu, "Thủ tướng chính quyền Bảo Đại", đã tuyên bố trước quốc tế về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam.

Xin quí bạn lưu ý: chủ quyền hải đảo được tuyên bố trước đó vào thời Nhà Nguyễn, nói nào ngay, cũng chỉ là ta nói với ta mà thôi. Nhưng, LẦN ĐẦU TIÊN chúng ta mới công bố trước quốc tế về chủ quyền hải đảo, vào năm 1951 lịch sử!

Viết cho đúng chữ nghĩa: Quốc tế họ mời phái đoàn "đại diện Quốc gia Việt Nam" (State of Vietnam) chớ không phải "đại diện chính quyền Bảo Đại" - bởi vì tư cách dự Hội nghị là tư cách của các quốc gia (không mời tư cách cá nhân)
[Quốc gia Việt Nam, bấy giờ, Quốc trưởng là ông Bảo Đại (không còn gọi là "vua"), Thủ tướng là ông Trần Văn Hữu]

&3&
Cũng trong bài báo trên "Tạp chí Quốc phòng toàn dân" (http://tapchiqptd.vn/…/hoa-uoc-san-francisco-nam…/7521.html…), đọc thấy đoạn sau: “có ý kiến bổ sung đòi thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa cùng những đảo xa hơn nữa ở phía Nam, nhưng đã bị Hội nghị bác bỏ hoàn toàn (với số phiếu áp đảo 46/51 phiếu)”.

Quí bạn có biết "ý kiến bổ sung" đó là của ai không?
Đã nói ra sự thực lịch sử thì phải nói cho trót, đừng nửa vời. Đó là ông Andrei Gromuko, đại diện của Liên bang Soviet tại Hội nghị San Francisco! Cả hai ông lớn, Liên bang Soviet và Trung Cộng, đều hè nhau dẹp quách chủ quyền của người VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa!

(cũng thật trớ trêu, cả hai ông lớn Bắc Kinh lẫn Moskva hồi đó đều đang hậu thuẫn cho chánh phủ VNDCCH "trường kỳ kháng chiến")

Quí bạn fb nào muốn tìm hiểu kỹ hơn về sự kiện này, lên mạng Google tìm kiếm, gõ dòng chữ: "Treaty of San Francisco 1951".

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
---------------------------------------------------------------------------
Bản đồ năm 1948;
Hình ảnh Hội nghị quốc tế San Francisco 1951 (có phái đoàn "Quốc gia Việt Nam" tham dự; nơi góc phải bức hình có lá cờ vàng ba vạch đỏ).