Kỳ 3: VIỆT NAM GIỮA "GIẢI THỰC HÓA" & CHIẾN TRANH LẠNH
* Không thể có tầm nhìn tương lai giỏi giang nếu lịch sử chưa được nhìn đa diện,
từ nhiều góc độ.
(quí bạn fb nào chưa đọc hai kỳ trước, mời đọc để khỏi thắc mắc những gì đã được
giải thích trong kỳ 1 & kỳ 2, có đường dẫn cuối bài này)
A/ BỐI CẢNH QUỐC TẾ:
Chính sách nhứt quán của Đồng Minh đối với các quốc gia bị Nhựt Bổn chiếm đóng,
qua Tuyên bố Cairo (tháng 11/1943) và Tuyên bố Postdam (tháng 7/1945) là áp dụng
nguyên tắc “ủy nhiệm” (commission) & “giải thực hóa” (giải trừ thực dân hóa
decolonization, không được tái lập thuộc địa). Theo đó:
- Đồng Minh không công nhận chánh phủ nào thành hình dưới sự bảo trợ của Nhựt Bổn
hoặc xuất hiện trong thời Nhựt Bổn còn hiện diện tại những quốc gia đó;
- Đồng Minh phân công ỦY NHIỆM cai quản vùng lãnh thổ (sau khi Nhựt bị đánh bại);
- Giai đoạn Ủy nhiệm cũng là giai đoạn chuẩn bị, dàn xếp để có thể thành hình một
chánh phủ của người bản xứ rồi trao trả độc lập (“GIẢI THỰC HÓA”).
Nhựt hoàng Hirohito chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng
Minh vào ngày 15/8/1945 (nghi thức đầu hàng được thực hiện vào ngày 2/9/1945).
B/ VAI TRÒ CỦA “GIẢI THỰC HÓA” đối với Việt Nam:
Sau khi Nhựt đầu hàng, Đồng Minh phân công giải giới tại VN như sau: Vương quốc
Anh giải giới từ phía nam vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) trở vào, Trung Hoa Dân quốc giải
giới từ phía bắc vĩ tuyến 16 trở ra. Sau đó, qua những dàn xếp hậu trường chánh
trị, Cộng hòa Pháp được Vương quốc Anh rồi Trung Hoa Dân quốc giao lại vai trò ủy
nhiệm trên toàn lãnh thổ VN.
Cần nhớ rằng, đây là sự cai quản do khối Đồng Minh ủy
nhiệm (sau khi chiến thắng phe Trục, trong đó có Nhựt Bổn). Người đứng đầu tại
quốc gia được cai quản ủy nhiệm, gọi là Cao Ủy (High Commissioner), như Cao Ủy
Anh tại Mã Lai, Cao Ủy Pháp tại VN (không phải là “Toàn quyền” như thời kỳ thuộc
địa trước năm 1945).
B1) “ĐẾ QUỐC VIỆT NAM” (từ tháng 3 đến tháng 8/1945):
Đây là một thực thể chánh trị ra đời vào ngày 11/3/1945 với bản “Tuyên cáo Việt
Nam độc lập” của Vua Bảo Đại (Thủ tướng là học giả sử học Trần Trọng Kim). Thực
thế chánh trị này chỉ tồn tại trong khoảng 5 tháng.
Nếu như thực thể “Đế quốc Việt Nam” vẫn tồn tại sau
khi Đồng Minh vào giải giới, chuyện gì sẽ xảy ra? Đồng Minh sẽ KHÔNG CÔNG NHẬN,
theo tinh thần của Tuyên bố Postdam, vì “Đế quốc Việt Nam” thành hình trong thời
quân phiệt Nhựt còn hiện diện tại VN.
Tương tự như trường hợp của bán đảo Cao Ly (đọc kỳ 1):
Trung tướng John R. Hodge, thay mặt cho chánh phủ Mỹ cai quản ủy nhiệm, vào năm
1945, đã từ chối công nhận chánh phủ "Cộng hòa nhân dân Triều Tiên"
vì thành hình trong thời Nhựt Bổn còn hiện diện (đừng nhầm lẫn với “Cộng hòa
dân chủ nhân dân Triều Tiên” ra đời sau đó, vào năm 1948).
B2) “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA” (VNDCCH):
Thực thể chánh trị này chính thức xuất hiện vào ngày 2/9/1945 với bản “Tuyên
ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì sao Đồng Minh vẫn duy trì sự cai quản
ủy nhiệm toàn lãnh thổ VN, mà không rút đi & giao cho thực thể VNDCCH cái rụp?
Bởi vì theo thỏa thuận nhứt quán trong khối Đồng Minh:
sau khi Nhựt Bổn đầu hàng (15/8/1945) thì Đồng Minh vào tiếp quản những nước từng
là thuộc địa của Nhựt! Trong khi đó, thực thể VNDCCH ra đời SAU khi Nhựt đã đầu
hàng, nói cách khác là ra đời SAU khi việc tiếp quản ủy nhiệm của Đồng Minh đã
có hiệu lực rồi!
Do đó, thực thể chánh trị VNDCCH muốn được Đồng Minh
công nhận là “quốc gia độc lập” thì cần phải thông qua những cuộc thương thảo,
dàn xếp với Đồng Minh. Đó là lý do mà chánh phủ Hồ Chí Minh có những cuộc tiếp
xúc với Cộng hòa Pháp (là quốc gia đã giành được sự ủy nhiệm từ khối Đồng Minh,
sau khi dàn xếp với Anh và Trung Hoa Dân quốc), nhằm thuyết phục Pháp công nhận
VNDCCH thủ đắc tư cách là một quốc gia độc lập.
Cũng cần chú ý rằng: lúc bấy giờ, từ tháng 9/1945 cho
đến năm 1950, Liên bang Soviet không hề đưa ra tuyên bố nào hết ráo nhằm công
nhận VNDCCH!
Sao vậy? Vì phải tôn trọng những thỏa ước trong nội bộ khối Đồng Minh, theo đó
việc thành hình “một quốc gia độc lập” là do quốc gia ủy nhiệm bởi Đồng Minh sẽ
dàn xếp với những thực thế chánh trị của người bản xứ. Công nhận VNDCCH hay
không, là tùy thuộc vào những dàn xếp với Pháp (quốc gia được Đồng Minh ủy nhiệm
cai quản tạm thời lãnh thổ VN), chớ Liên bang Soviet không thể can thiệp.
Hệt như trường hợp bán đảo Cao Ly (đọc kỳ 1): “Đại Hàn
dân quốc” ra đời trong năm 1948 là do dàn xếp giữa Mỹ (quốc gia được Đồng Minh ủy
nhiệm điều hành miền Nam) với nhân sĩ trí thức người Hàn; “Cộng hòa dân chủ
nhân dân Triều Tiên” thành hình là bởi Soviet (quốc gia được Đồng Minh ủy nhiệm
cai quản miền Bắc) dàn xếp với người bản xứ.
Trở lại VN. Bấy giờ, thực thể VNDCCH đã ký với Pháp
“Hiệp định sơ bộ” (6/3/1946), “Tạm ước Việt - Pháp” (14/9/1946), về phía VNDCCH
là Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phía Pháp là Jean Sainteny, rồi Marius Moutet (thuộc
cấp thừa hành, chớ không phải chữ ký của Tổng thống Cộng hòa Pháp). Nhưng giao
ước không thành, và chấm dứt ngoại giao qua lại vào cuối năm 1946 (sẽ nói rõ
hơn trong phần C).
B3) “QUỐC GIA VIỆT NAM” (QGVN):
Người Pháp, trong vai trò cai quản Ủy nhiệm (tạm thời), kỳ thực vẫn nuôi mưu đồ
kéo dài sự cai trị, vì những lợi ích mà Pháp thâu tóm được trong thời kỳ chiếm
VN làm thuộc địa (trước năm 1945). Tuy nhiên, trước xu hướng “giải thực”
(decolonization) mà khối Đồng Minh cam kết tôn trọng, người Pháp chấp nhận
thương thảo theo kiểu "ầu ơ ví dầu", nhưng cuối cùng vẫn có kết quả
là ra đời bản Hiệp định Élysée về sự thành lập “Quốc gia Việt Nam” (QGVN) - Tổng
thống Pháp Vincent Auriol ký kết với Bảo Đại với tư cách là Quốc trưởng QGVN,
vào ngày 8/3/1949.
Vào đầu năm 1950, đã có 35 quốc gia công nhận QGVN (thủ
đô đặt tại Sài Gòn). Qua năm 1951, với thẩm quyền ngoại giao có trong tay, QGVN
đã cử phái đoàn tham dự Hội nghị San Francisco, tại đây Thủ tướng Trần Văn Hữu
đã tuyên cáo về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa (hiện nay trong hồ
sơ HS-TS của CHXHCN VN vẫn cần phải viện dẫn Tuyên cáo của QGVN tại San
Francisco 1951, để bảo đảm tính liên tục trong vấn đề chủ quyền…).
Cũng giống như Mã Lai đối với Vương quốc Anh (đọc bài
kỳ 2), việc giành độc lập đầy đủ cho người bản xứ là cả một tiến trình không
đơn giản gì ráo, mà phải trải qua nhiều giai đoạn “đấu trí” (giành lấy từng bước
về thẩm quyền thuế khóa, tài phán, ngoại giao, quân sự…). QGVN, trong 5 năm từ
1949 đến 1954, có được thẩm quyền ngoại giao nhưng không có thẩm quyền về quân
sự mà do quân đội Pháp cầm trịch. Rồi lịch sử rẽ ngang...
(nhắc lại bài kỳ 2: Mã Lai đã phải kiên trì suốt 9 năm
lận, kể từ lúc Anh trao trả quyền tự trị năm 1948 cho tới lúc chánh phủ bản xứ
thủ đắc nền độc lập đầy đủ năm 1957)
C/ VAI TRÒ CỦA “CHIẾN TRANH LẠNH” đối với Việt Nam:
C1) Theo tôn chỉ “giải thực” (giải trừ thực dân hóa, decolonization), việc
thành hình chánh phủ bản xứ là một tiến trình tất yếu tại các quốc gia (sau khi
quân phiệt Nhựt Bổn đầu hàng Đồng Minh), sớm hoặc chậm tùy mỗi nước. Sớm, như
Phi Luật Tân được Mỹ trao trả độc lập năm 1946 (sau một năm Ủy nhiệm), Đại Hàn
năm 1948 (sau 3 năm Ủy nhiệm). Muộn, như Mã Lai được Anh trao trả độc lập vào
năm 1957 (sau 12 năm Ủy nhiệm)…
Nhưng, ngay sau khi dứt Đệ nhị Thế chiến, trên thế giới
thành hình hai khối: khối cộng sản và khối quốc gia phi cộng sản. “Chiến tranh
lạnh” giữa Soviet và Mỹ, trong thực tế, đã định hình lại bàn cờ thế giới!
Tại VN năm 1945-1946, chánh phủ VNDCCH của Chủ tịch Hồ
Chí Minh được Pháp (thủ đắc vai trò Ủy nhiệm của Đồng Minh tại VN) đánh giá là
một thực thể chánh trị theo đường lối cộng sản. Thành thử chánh phủ Hồ Chí Minh
- do tác động của “chiến tranh lạnh” - không được chấp nhận một khi Đồng Minh
(Pháp & Mỹ) thành hình một chánh phủ bản xứ đa nguyên, theo tôn chỉ “giải
thực hóa”.
Giải pháp quân sự trở thành sự chọn lựa của chánh phủ
Hồ Chí Minh, bởi vì tiến hành CHIẾN TRANH và nỗ lực để chiến thắng thì
"giành được độc lập" và - xin chú ý - chỉ trong nền độc lập này thì
xu hướng cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu gọi là xã hội chủ nghĩa) mới nắm được
vai trò lãnh đạo duy nhứt!
Xu hướng xã hội chủ nghĩa (thông qua chiến tranh để
giành độc lập) là rõ rành rành! Hồi tháng 2 năm 1951 diễn ra Đại hội Đảng lần
II tại Tuyên Quang (đổi tên thành “đảng Lao động VN”), tuyên bố: “lấy chủ nghĩa
Mác - Ǎngghen - Lênin - Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn
cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”.
… Trong một số năm trở lại gần đây, có những người nói
rằng hồi đó họ theo chánh phủ VNDCCH chống Pháp là…vì độc lập chớ họ không theo
chủ nghĩa xã hội, họ không biết gì tới đường lối cộng sản hết - hình như họ cố
tình mắc bịnh mất trí nhớ thì phải? Bởi vì đảng CSVN lúc bấy giờ đã tuyên bố
công khai giành độc lập là để đưa đất nước đi theo chủ nghĩa xã hội, theo đường
lối của Lênin, của Mao Trạch Đông. Ồ, Lênin, Mao Trạch Đông không phải là cộng
sản hay sao?
C2) Từ tháng 9/1945 cho đến hết năm 1949, thực thể
VNDCCH chưa được quốc gia nào công nhận. Nhưng, qua đầu năm 1950, vai trò của
việc phân chia hai khối / của “chiến tranh lạnh” đã chính thức nhập cuộc! Khởi
đầu là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung cộng) công nhận VNDCCH, tiếp theo sau
là Soviet và các nước cộng sản Đông Âu (khoảng mười nước).
Theo tôn chỉ “giải thực hóa” của Đồng Minh (là thành
hình chánh phủ bản xứ đa nguyên về quan điểm chánh trị) thì thực thể VNDCCH - từ
tháng 9/1945 cho đến tháng 7/1954 (Hiệp định Geneve) - không được công nhận.
Nhưng, dưới tác động của “chiến tranh lạnh”, VNDCCH được
khối các nước cộng sản công nhận là một quốc gia (bắt đầu từ năm 1950).
THAY LỜI KẾT
Bối cảnh thế giới sau Đệ nhị Thế chiến (từ tháng 8/1945 trở đi), xuất hiện 2
hình thái, cũng có thể nói là 2 sự chọn lựa về “ĐỘC LẬP QUỐC GIA”.
- Quốc gia độc lập, theo xu hướng “giải thực hóa”
(decolonization): thâu hồi nền độc lập bằng phương thức tranh đấu nghị trường
(hòa bình), trở thành những QUỐC GIA PHI CỘNG SẢN, phi Mác-xít.
Như Đại Hàn, Phi Luật Tân, Mã Lai…
- Quốc gia độc lập, dưới tác động của “chiến tranh lạnh”
(Soviet, rồi Trung Cộng hậu thuẫn giành độc lập không theo con đường “giải thực
hóa”): cướp chính quyền, giành lấy nền độc lập bằng phương thức “bạo lực cách mạng”
(chiến tranh), và rồi sau đó dứt khoát ... trở thành QUỐC GIA CỘNG SẢN hoàn
toàn (hoặc ngả theo xu hướng Mác-xít).
Việt Nam là một trong số này.
-------------------------------------------------------------
Kỳ 1: "GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION) SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN
Kỳ 2: MÃ LAI TRONG XU HƯỚNG "GIẢI THỰC" (DECOLONIZATION
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
Hình 1: Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc gia Việt Nam tham dự Hội nghị San Francisco 1951
hình 2: Cờ vàng của QGVN tại khu phố cổ Hà Nội trước 1954 (dưới).
Hình 3: Chủ tịch HCM ký Tạm ước Việt-Pháp 14/9/1946 tại Paris;
Hình 4: Đại hội đảng lần 2, năm 1951;
Hình 5: Họp Hội đồng
chính phủ VNDCCH tại Yên Sơn (Tuyên Quang).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét